Biểu tượng tính thiêng trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu (Phần 1)
Biểu tượng hay ký hiệu là một hình ảnh, ký tự hay bất cứ cái gì đó đại diện cho một ý tưởng, thực thể vật chất hoặc một quá trình. Mục đích của một biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa một cách dễ dàng và ngắn gọn, nhanh chóng.
Trong lời mở đầu sách từ điển Những biểu tượng văn hóa, có viết: “Khởi nguyên, biểu tượng (symbole) là một vật được cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại. Hai người mỗi bên giữ một phần, chủ và khách, người cho vay và người đi vay, hai kẻ hành hương, hai người sắp chia tay nhau lâu dài, …Sau này ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối dây thân tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước”.
Có thể nhận ra biểu tượng là hình thức cao của quá trình nhận thức sự vật và hiện tượng. Trong văn hóa biểu tượng thể hiện sự ước mong, những hy vọng thể hiện hạnh phúc con người thông qua ký hiệu nào đó. Cây nêu, cột lễ của tộc người Cơ Tu là một cách biểu hiện như thế, chỉ sự tồn tại tộc người trong ký ức cộng đồng thông qua các biểu tượng mà cây x’nur là biểu tượng tập trung ý chí cộng đồng. Trong quá trình vươn lên tồn tại của tộc người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn, họ đã tạo ra nhiều biểu tượng khác nhau mang tính ký hiệu biểu đạt. Không chỉ cây x’nur, cây nêu mà các biểu tượng các loài hoa, loài cây được tạo hình trên thổ cẩm là những biểu tượng có tính biểu đạt ý chí, nguyện vọng của họ. Không chỉ thế, ngay trên gươl, trên dụng cụ vẫn thể hiện những biểu tượng biểu đạt về họ. Những biểu tượng dân gian đó được lưu giữ trong cộng đồng làng và được truyền lại cho người sau bằng ký ức, sự ghi nhớ. Và vì là biểu tượng dân gian nên rất đa dạng, có tính phổ quát và hẳn nhiên mang tính cộng đồng làng. Cây nêu, cột lễ x’nur của tộc người Cơ Tu tồn tại bền vững trong cộng đồng trải qua nhiều thời kỳ phát triển, được lưu truyền sâu rộng trong mỗi thành viên một cách bền vững. Các tộc người khác biết đến họ nhờ tính bễn vững của biểu tượng.
Thế nên, biểu tượng (symbole) tính thiêng của tộc người Cơ Tu luôn biểu hiện tính đa nghĩa trong hệ thống sử dụng các ký hiểu biểu đạt mà người Cơ Tu sử dụng thông qua x’nur, cây nêu hay nhiều ký hiệu khác nữa. Tất cả được huy động tập trung biểu hiện tính thiêng liêng của hệ thống dàng trong thế giới quan của tộc người Cơ Tu. Trong quá trình tồn tại và phát triển trên vùng Trường Sơn, người Cơ Tu tạo ra nhiều biểu tượng biểu đạt sự phát triển khác nhau, qua đó, có thể khảo chứng đặc điểm quan trọng của biểu tượng như Iuri Mikhailovich Lotman nhìn nhận: “Biểu tượng còn có một đặc điểm quan trọng: biểu tượng không bao giờ thuộc vào một mặt cắt đồng đại của văn hóa, nó bao giờ cũng xuyên qua mặt cắt đó bằng chiều dọc, đi từ quá khứ đến suốt tương lai”. Điều này cho thấy các biểu tượng người Cơ Tu hình thành, sáng tạo ra đã gắn chặt với cuộc sống của họ theo chiều dài phát triển trên vùng rừng núi Trường Sơn từ xưa đến nay. Sự tồn tại của biểu tượng là cách thể hiện văn hóa tộc người.
1. Không gian thiêng
Không gian thiêng là khoảng không gian được giới hạn trong chừng mức người ta quy định cho lễ cúng dàng. Thực ra, không gian thiêng của tộc người Cơ Tu rất rộng lớn, là cả bầu trời mà ở đó dàng Trời – dàng tối cao – ngự chế và cai quản. Tuy nhiên, để có thể tạo thành không gian thiêng trong lễ hội đâm trâu mừng lúa mới, người Cơ Tu quy định trong phạm vi nào đó được cho là không gian thiêng. Không gian này được chỉ định trong khoảng giữa hai cây nêu bằng tre được trồng đối xứng với cây x’nur, hai ngọn tỏa ra hai bên với nhiều cái hoa bằng tre (a bung) hay hoa dây mây (a dương) gắn vào thân nêu. Nơi hai ngọn tre vươn ra đến đâu, nơi đó được giới hạn là không gian thiêng, tức không gian diễn ra quy trình lễ cúng dàng.
Gà trống trên nóc gươl (Ảnh: St)
Hoặc, đôi khi, người ta quy định giữa hai cây nêu dùng sợi dây cột túm hai đầu cây tre, tạo nên hình rừng núi (răng cưa), trong khoảng không gian đó được cho là không gian thiêng. Nơi các dàng xuống giao tiếp, kết nối với cộng đồng và với các thành viên trong làng.
Tuy nhiên, nói không gian thiêng phải kể đến không gian của một làng người Cơ Tu đang sinh sống.
Bởi vì đấy được cho là không gian ẩn hiện của dàng, tổ tiên và các loại ma. Là sự hiển linh của ma tồn tại đâu đó trong làng. Có thể lực lượng này là ma hiền nhưng không thiếu ma dữ, luôn làm hại các thành viên của làng. Theo đó, trong trường hợp làng Cơ Tu có bệnh dịch nhiều người chết, hay mất mùa đói kém, một vài người sinh đẻ chết, tự tử, bị thuốc chết – chết xấu – được cho không gian thiêng bị xâm hại, Hội đồng già làng tư vấn cho chủ làng đưa ra quyết định quan trọng. Quyết định này ngay tức khắc được thực thi.
Hoặc sự xuất hiện sự linh thiêng bất thường của các loài chim, như chim tr’iing, gà trống, tiếng kêu của một loài thú đi hoang làm cho dân làng chú ý, …được cho là biểu tượng của tính thiêng bị xâm hại, thì đấy là cả một không gian thiêng của làng Cơ Tu đã có sự chuyển đổi. Cần tìm đến dàng để được ổn định, điều chỉnh mọi hành vi của thành viên làng. Người trong làng, người ngoài làng thực hiện trong không ra, ngoài không vào làng, ít phải trong vòng sáu ngày.
Trong một lễ đâm trâu, không gian thiêng mặc dầu được giới hạn một khoảng không gian nhất định, nhưng kỳ thật còn rộng lớn hơn thế. Vào buổi tối thường không gian thiêng thể hiện tính thiêng. Trong đêm vắng, nghi lễ khóc trâu được tiến hành, nhảy múa mừng dàng, mừng cộng đồng, kéo dài đến sáng hôm sau là thể hiện cao điểm của không gian thiêng. Trong không gian này, người Cơ Tu cúng dàng, ném con gà vào rá pà pà [1] trên đầu cây x’nur. Và lễ kết thúc khi mọi nghi lễ được diễn ra và đạt nguyện vọng của dân làng. Đấy cũng chính là đặc điểm sinh thái thể hiện tính thiêng trong không gian thiêng của nghi lễ cúng dàng.
Nghi lễ cúng dàng, thể hiện qua đặc điểm sinh thái: cây x’nur, cây nêu, con gà, con heo, đầu trâu, máu, …là cách thiêng hóa lực lượng tự nhiên của người Cơ Tu. Đây là biện pháp ứng xử khéo khéo, hài hòa giữa thiên nhiên, lực lượng siêu nhiên với con người lấy rừng núi là cứu cánh trong cuộc sống để tồn tại. Đồng thời cho thấy sự ứng xử giữa người với người trong cộng đồng làng. Khi người Cơ Tu tổ chức lễ đâm trâu đánh dấu sự sụp đổ, sự vô hiệu lực của những bóng ma xấu trong một năm đeo bám quấy phá cộng đồng làng; đồng thời, thông qua không gian thiêng trong lễ cúng dàng cho thấy sự tan rã của những thỏa ước trong xã hội truyền thống người Cơ Tu luôn bị dàng ràng buộc trên tất cả các mặt hoạt động của đời sống con người suốt cả một năm. Lễ đâm trâu theo đó được cho là mở ra một bước ngoặc mới cho một năm mới yên bình, no đủ.
2. Cây cột lễ, cây nêu
2.1. Cây cột lễ, trước hết bản thân nó thể hiện tầm cao, chừng 3 đến 3,5 mét. Ngọn của x’nur cao dưới độ cao của gươl làng chút ít. Sự thể hiện đó cho thấy ý tưởng tộc người Cơ Tu tìm đến sự thăng hoa hay hơn thế là siêu thăng hóa trong thế giới tinh thần. Họ gửi vào biểu tượng x’nur tinh thần hóa mọi năng lượng con người, đồng hóa tất cả các năng lượng con người có được, được biểu thị từ Trời. Với quan niệm như thế, cây cột lễ giữa sân, trước gươl thể hiện tầm cao, trước hết làm cho các thành viên trong cộng đồng làng tuân thủ về mặt đạo đức mà cụ thể là không vi phạm luật tục – cái đã được cụ thể hóa từ phong tục tộc người. Với ý nghĩa đó, chiều cao (thẳng đứng) của cây x’nur cao lớn về mặt biểu hiện ý nghĩa hơn là bản thân nó có độ cao về mặt mặt vật lý, tức là biểu tượng cây cột lễ mà người Cơ Tu xem là rất quan trọng và thiêng liêng trong lễ Dàng của họ. Người Cơ Tu sáng tạo ra cây x’nur, tưởng tượng và chia ra, sắp đặt trên biểu tượng ba tầng thế giới, thể hiện tâm thức con người là cột thiêng, thông với trời – đất – người và cõi âm phủ, tạo cho trí tưởng tượng của họ phong phú và chính đó, sức mạnh tinh thần của tộc người được nâng lên, tạo nên động cơ cho sức mạnh tâm thức Cơ Tu trên rừng Trường Sơn. Tất cả chiều cao, tâm thức đang vận động giao thoa cùng thế giới siêu nhiên đã và đang duy trì sự sống.
Cây x’nur, lễ phẩm dâng lên dàng là một biểu tượng mang tính thiêng liêng trong hoạt động cúng Dàng cao nhất của người Cơ Tu. Đây được cho là thể hiện sinh hoạt văn hóa cao nhất của người Cơ Tu với Dàng, với Người và với Tự nhiên. Cây cột lễ là biểu tượng, tượng trưng cho mọi ứng xử với dàng, với người. Và vì là biểu tượng nên bản thân cây x’nur mang tính đa nghĩa. Người ta có thể luận giải về cây x’nur dưới nhiều góc nhìn khác nhau: chết chóc, đói kém, no đủ, bệnh tật, bình yên, …đều được lý giải qua cây x’nur trong lễ đâm trâu. Người Cơ Tu ngưỡng vọng hệ thống dàng thông qua cây x’nur, bởi x’nur là cầu nối, là trục giao tiếp, nơi liên kết một bên là thế giới các dàng và một bên là thế giới con người trần tục. Theo đó, cho thấy cây x’nur, và các vật hiến tế (mang tính sinh thái) cùng với nghi, lễ là biểu hiện cao nhất mà người Cơ Tu muốn gởi đến các dàng. Trong những lần hiến tế lên dàng ở tầng vũ trụ, toàn bộ những gì là lễ phẩm hiến tế đều thuộc về các dàng, bởi vì các dàng/ thần linh là đối tượng hiến tế. Người ta trích đầu trâu, đuôi trâu, máu trâu, con gà trống tơ ném lên rổ pà pà nhằm dâng hiến lên dàng và cầu mong dàng chấp nhận. Vật dâng hiến còn lại sẽ được chia đều cho những người tham dự lễ hiến sinh trâu và còn chia cho người không đến được trong lễ dâng hiến. Trong lễ đâm trâu của người Cơ Tu, người chủ lễ thường là chủ làng, họ thay mặt nhưng không thay thế được những người dâng hiến, bởi họ là người trung gian, còn người dâng hiến là tất cả dân làng. Con trâu hiến sinh là lễ của người dâng hiến tế, trâu là phương tiện để gửi thông điệp làm vật thay thế người dâng hiến – là cộng đồng người làng – nên trước khi đưa mũi giáo đầu tiên đâm trâu, người làng cử người đâm trâu và người khóc trâu (nơơi tơ rí), vỗ về, an ủi trâu, hãy vì cộng đồng làng mà hy sinh hiến tế. Trâu hãy an tâm vui vẻ vì cộng đồng làng. Dân làng gởi gắm niềm tin vào trâu thay mặt người làng, hy sinh để người làng đạt được nguyện vọng hiến dâng, đó là những mục đích có lợi mà cộng đồng chờ đợi từ các dàng/ các thần linh ban phát. Thực tế trong cuộc hiến tế, người Cơ Tu nhận ra thông qua hình thức hiến tế là muốn tìm đến sự đẩy lùi, tẩy sạch mọi phiền muộn, khổ đau, đói kém ra khỏi tinh thần của mỗi người và cả cộng đồng làng. Sự đẩy lùi điều không may mắn này thể hiện bằng vật hiến tế (trước kia là máu và đầu người) nay là con trâu – một con trâu đẹp toàn diện – mong khả năng tạo ra một nguồn năng lượng tinh thần cho người làng là hoàn toàn có thể. Cầu vọng như thế mang yếu tố ma thuật nhằm giảm thiểu sự sợ hãi. Vật hiến tế càng quý bao nhiêu thì năng lượng tinh thần nhận lại sẽ là bấy nhiêu, cả việc được mùa no đủ và nhất là nhận lại một tinh thần minh mẫn trong một thân thể không ốm đau, dịch bệnh. Đây là năng lượng căn cốt cần nhận lãnh. Thế nên, con trâu được nuôi nấng tại khu rừng riêng biệt, được chăm sóc tử tế và được nuông chiều ăn no ngủ kỹ.
Vị trí chôn bộ cột lễ (cây cột lễ, cây nêu, người Cơ Tu gọi là xơ nur đơ đoong) trên diện tích sân làng cũng khác nhau.
– Nếu vì mục đích và ý nghĩa chung cho cả làng, như: tổ chức ăn lúa mới, khánh thành làng mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng (pơ ngóch) và một số trường hợp khác thì bộ cây cột lễ được chôn gần mặt tiền của gươl. Đầu trâu sau khi chết cũng được xoay về phía gươl.
– Nếu nội dung. Mục đích, ý nghĩa là cho riêng một gia đình nào đó trong làng, như: đám cưới, tạ ơn công lao trời bể của cha mẹ vợ (pơr đănh), cúng nhà (đăh a veng đong), v.v… thì bộ cây nêu sẽ được chôn gần nhà chủ lễ tổ chức việc đó trên sân làng. Đầu trâu sau khi được giết chết cũng được xoay về phía nhà chủ lễ tổ chức lễ.
Và để cây x’nur lung linh huyền ảo giữa làng, các nghệ nhân dân gian Cơ Tu tài hoa thể hiện nét đẹp của mình thông qua đường nét chạm trổ mỹ thuật, những khắc chạm dân gian bình dị không có lý luận điêu khắc soi đường, nhưng với màu sắc rực rỡ của những chiếc hoa a tút (lá đùng đình đi vào thổ cẩm trở thành biểu tượng gọi là hoa a tút), hoa pơ lơm, những mũi chông, hàng rào,… hình ảnh mặt trời được cách điệu hay những bông hoa đẹp nhất trên rừng Trường Sơn, cây rau dớn,… được mô phỏng trên x’nur, xem đó là sự tỏa hương, là lúc mãn khai để thăng hoa, tất cả thể hiện đức tin, sự sáng tạo để hiến dâng lên các dàng của người Cơ Tu nơi rừng thẳm.
Theo tập tục xưa truyền lại, trước khi làm lễ đâm trâu, trâu hiến tế phải được các già làng tắm rửa sạch sẽ và ăn đủ no. Trong nghi lễ đâm trâu và cúng dàng lúa, chủ làng cùng đội cồng chiêng, đội múa tâng tung da dắ đi vòng quanh cây nêu, (hướng ngược chiều kim đồng hồ). Các loại nhạc cụ cơ thu, cha grâl, cồng, chiêng, sáo trúc tấu lên giai điệu nhạc lễ. Khóc trâu là nghi lễ cần có được tổ chức ngay tại vị trí cột trâu. Lời thương tiếc từ đó cất lên, tiễn biệt trâu và mong rằng trâu đừng trách ai cả, không nên trách dân làng, vì đó là sứ mệnh thiêng liêng của trâu phải về với cõi thần linh, giúp dân làng có được ấm no, hạnh phúc. Khóc trâu cũng là nghi thức tạ ơn trâu đã vì con người mà tự nguyện hiến dâng. Nhiệm vụ thiêng liêng của trâu là vật hiến tế thần linh, mong trâu vui vẻ để dàng được yên lòng, giúp cho cộng đồng làng bình yên trong năm mới đến.
Phía trong, đối diện với gươl, các vị già làng thiết trí một lều cúng bằng nhiều tấm tút ghép lại, gọi là ganâu rộng chừng 6 m2, đấy là lều cúng. Lều thổ cẩm thiết trí mỗi khi có lễ cúng dàng, sau đó xếp đặt lưu giữ cho năm sau. Nơi đó được cho là điểm dàng ngự tọa chứng kiến lễ đâm trâu hiến tế của dân làng. Trong không gian thiêng đó, tất cả phải được tiến hành chu đáo đúng lễ nghi và mỗi thành viên đều phải thật lòng đến với dàng để cầu xin, nguyện ước điều mình muốn lên dàng.
Ngay giữa chiếc lều thổ cẩm, chủ làng và Hội đồng già làng đặt một mâm lễ gồm: một đầu heo, một con gà trống tơ luộc chín, một con sóc nướng, một ống cá liên nướng chín, một con ếch nướng, rượu cần, rượu tavak, hoặc rượu tr’đin, một số bánh sừng trâu, hai hay nhiều ống cơm lam. (lễ phẩm tùy theo điều kiện địa phương mỗi làng); đồng thời biểu trưng một hay hai cây mía nguyên rễ, thân, gốc, dựng bên lều thổ cẩm (chòi lễ). Chủ lễ (thường là chủ làng) và các bậc già làng trong Hội đồng già làng và các vị nói – hát lý, vị trông coi sức mạnh làng (quân sự), những vị này được dân làng kính trọng và tin tưởng gởi gắm niềm tin vào họ. Họ nắm giữ phong tục, tập quán làng đã chuyển hóa thành luật tục thay mặt họ chủ trì lễ cúng, khấn với dàng những điều dân làng mong muốn. Dàng sẽ lắng nghe những lời khẩn cầu của dân trong làng.
Đoạn, chủ lễ dùng sợi chỉ (xe lại bằng sợi bông, hoặc tướt vỏ cây rừng làm chỉ), buộc vào bó lúa, dùng nước tưới lên lúa để hồn lúa được sạch sẽ. Sau nghi thức cột hồn lúa, chủ lễ mời mọi người, những người lớn tuổi trong cộng đồng làng lần lượt lên cúng lúa. Họ khấn xin, đọc lời cầu nguyện, dang hai tay lên trời như là hình thức mong dàng tiếp nhận những lời cầu khấn của họ. Đấy là nghi thức cùng với lễ phẩm tạo nên niềm tin thiêng liêng nơi các dàng/ thần.
Xưa kia trong lễ cúng dàng tại lễ đâm trâu, đàn bà không được đến gươl, chỉ những người trong đội múa da dắ đã được chọn lựa từ trước mới đến gươl và nhập vào không gian thiêng của lễ.
Nghi thức đâm trâu diễn ra trong tiếng hò reo, tiếng chiêng trống, và tiếng hú vang dội rừng xanh. Trâu ngả!
Chủ lễ cắt một đoạn đuôi trâu (phần cuối đuôi) cùng với con gà trống còn sống đặt vào túp lều thổ cẩm, hoặc
Gà được ném vào pà pà (Ảnh S.t)
ngay tại gốc x’nur, nơi đặt chiếc đầu trâu vừa mới cắt xong, rưới máu trâu vào gốc x’nur, bôi lên cột, cúng thần linh để báo tin trâu ngả thành công. Dân làng tiến về cột x’nur bôi máu trâu lên trán để được dàng giúp đỡ, nhận được nhiều may mắn. Cả con gà và đuôi trâu được những người già có uy tín trong làng ném tung lên đúng vào chiếc rổ pà pà trên đầu cột lễ x’nur. Dân làng reo vui, mừng cho điềm lành được dàng chấp nhận lời cầu khẩn. Những tiếng hú vang lên, một không gian thiêng bừng tĩnh sắc thái hân hoan giữa đại ngàn. Tẩy rửa mọi u ám ra khỏi tinh thần, nhận được một nguồn năng lượng mới cho sự tái sinh trong một chu kỳ.
Lễ cúng đến nghi thức ném gà, đuôi trâu lên pà pà xong là kết thúc. Không gian thiêng giãn ra khi điệu múa nghi lễ kết thúc, tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng chiêng gian tấu một hồi rồi lặng. Mọi tinh thần tham dự giãn ra.
Cây nêu được tháo giở. Cả làng bước vào trạng thái mới, hy vọng một năm nữa bình an. Một chu kỳ mới cho thăng hoa phát triển được bắt đầu.
2.2. Cây nêu
Cây nêu là hai cây tre được trồng hai bên cột x’nur, đối diện với gươl. Hai cây nêu giới hạn không gian thiêng của lễ tế dàng. Trên thân hai cây nêu được các nghệ nhân Cơ Tu trang trí dãy hoa vót bằng tre, hoặc bông dây mây bứt từ rừng về. Tre được vót mỏng, cong lên từng chùm, như những cái hoa, trông đẹp mắt. Tre được đính vào thân tre, tạo cho thân tre có sự chăm sóc kỹ lưỡng. Hai đầu tre, những cụ già thực hiện việc trang trí kéo hai đầu chúm lại, cột níu xuống đỉnh x’nur, khoanh vùng không gian thiêng theo đường cắt như đỉnh núi. Đấy là sự hùng thiêng của núi rừng.
Sợi dây níu hai đầu ngọn tre lại, trước hết nhìn nhận theo quan niện của con người, rằng đó chính là biểu hiện sự vận động hướng thượng, (như người Ca Dong vậy) cũng như cây nêu, x’nur và những sợi hoa giăng thòng xống đất như những sợi tơ giăng. Sợi dây biểu tượng cho sự cất cánh vươn lên tầm cao mới của người Cơ Tu trên vùng núi non trùng điệp. Dây được thắt lại, tượng trưng cho mọi hình thức phải gắn bó và phải bị ràng buộc với những năng lượng bí ẩn, đôi khi phải nghĩ đến sự thần bí từ sợi dây, cây nêu và cột lễ. Dây nối hai đầu cây nêu biểu trưng cho sức mạnh núi rừng mà con người là chủ thể, biểu hiện bằng sức mạnh vật chất, sợi dây không phải là sự cứng rắn, nó mềm mại như sự cương – nhu của con người với cuộc sống nơi rừng núi. Sợi dây cũng là sự căng thẳng mà người Cơ Tu qua đó tiếp cận với dàng tối cao – dàng Trời. Đấy là con đường thiêng liêng trong tâm thức người làng, dây nối liền các thành viên trong làng Cơ Tu với thế giới vũ trụ. Đó là con đường dẫn đến sự khấn cầu, sự che chở của các dàng/ thần mong cho cuộc sống được bình yên.
Người Cơ Tu níu sợi dây tạo hình răng cưa hay nhô lên thành ngọn núi, là hình ảnh biểu trưng cho sức mạnh phi vật chất, tức sức mạnh tinh thần của con người. Bản thân sợi dây là sự mềm dẻo, không phát ra sức mạnh cứng rắn như vật chất, như mũi tên, mũi giáo mà nó mềm mại mang yếu tố thuộc về nữ tính. Sự căng sợi dây xuất phát từ sự căng thẳng. Sự căng thẳng thể hiện trên tất cả các mặt đối lập mà người Cơ Tu ở vùng rừng núi Trường Sơn phải đối mặt để tồn tại và phát triển.
3. Các tượng thờ
Tượng gỗ Cơ Tu là sản phẩm được làm ra từ hiện thực khách quan bằng sự khéo léo của các nghệ nhân dân gian. Đường nét trên tượng không thể hiện sự tinh xảo bằng những đường nét chi tiết hay đường nét tạo hình phức tạp theo lý thuyết tạo hình. Hầu hết các tượng gỗ đều phản ảnh cuộc sống thực của người Cơ Tu vào tác phẩm điêu khắc gỗ. Từ cây rau dớn đến các loài chim thiêng, con gà, đầu trâu, người, các loài thú, …được tái hiện trên gỗ, thông qua tư duy nghệ thuật dân gian, thô mộc nhưng không thiếu phần cảm xúc khi xem một tượng gỗ Cơ Tu.
Vòng đeo tai là biểu tượng rau dớn (Ảnh St)
Trong số các tượng gỗ của người Cơ Tu, không ít những bức tượng được khắc trổ là hiện thân của đời sống thực tế của một đời người. Những tượng như thế không đặt tại nhà ở, mà đặt tại nhà mồ hoặc tại gươl. Tại nhà mồ người ta tìm gặp nhiều tượng gỗ ngồi, chống cằm, nhìn đăm chiêu vào không gian nào xa lắm. Đó là sự tái hiện hình ảnh người sống trong cộng đồng làng với niềm thương tiếc người đã chết. Đó là nỗi đăm chiêu nhìn vào cuộc đời đầy những khó khăn trong cuộc mưu sinh để tồn tại. Tượng đặt tại nhà mồ thể hiện vai trò là những người suốt đời canh giữ ngôi mộ, và sẽ được hồn người chết đền đáp lại tình cảm tiếc thương vô bờ của người sống đối với mình mà phù hộ (gia đình người chết) gặp nhều điều tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Không những thế, nhà mồ đẹp (ping) còn là niềm hãnh diện, tự hào của gia đình người chết. Và hồn người chết đối với nhiều người Cơ Tu khác sống gần xa, ca ngợi và thán phục gia đình mình,… Chính vì các lẽ này, nhiều bô lão Cơ Tu mong rằng khi mất đi có được nhà mồ đẹp là đã an lòng.
Thông qua các tượng đặt tại nhà mồ cho thấy phản ảnh tín ngưỡng dân gian của người sống với người chết, họ đang ở chiều kích Dưới đất và sẽ không bao giờ được quay về nhà, về làng (cơr noon) nữa nếu như người thân không tổ chức têng ping cho họ. Đối với người Cơ Tu, quan niệm tượng gỗ thể hiện vai trò là người canh giữ ngôi mộ, mộ phần. Cách bố trí các tượng tại nhà mồ thường là chung quanh cổ quan, hoặc đặt bên cạnh, hoặc trên nhà để xác, nơi có thể từ đó giữ được linh hồn người chết. Hoặc người Cơ Tu chạm khắc hình tượng lên cây trụ, dựng gần mộ phần người chết. Tượng nhà mồ có trách nhiệm giữ mộ phần không bị thú rừng, các ma xấu, ma rừng đến hãm hại, gây nên sự chết chóc.
Gỗ chạm khắc tượng phải là gỗ tốt, không nát mục để khỏi nghĩ đến hiện tượng rã mục như là sự chết chóc, sự phân hũy. Gỗ càng tốt, ít bị phân hũy nhanh theo thời gian, ít hư hỏng như linh hồn người chết phải tồn tại vĩnh hằng đâu đó mà không bị rã mục. Những tượng đặt tại mộ người chết có khoảng cách nhất định và xem như đây là linh hồn người chết, tạo nên cho họ một cõi tạm để vẫn ở gần người sống và mong rằng các linh hồn sẽ giúp cho cây lúa, cây hoa màu trên đất rẫy, thăng tiến bằng năng lực siêu nhiên có được và đang nắm giữ. Tuy nhiên, mặt khác lại không muốn những hồn ma tại các nhà mồ thoát ra đi lang thang đâu đó, hoặc trở thành những ma rừng, hoặc quay về làng sẽ trở nên nguy hiểm cho các thành viên cộng đồng làng. Như thế, các tượng gỗ người Cơ Tu đặt tại nhà mồ có tính đa nghĩa, vừa mong có được sức mạnh giữ gìn sự sống cho người Cơ Tu, nhưng mặt khác lại không muốn các hồn ma thoát khỏi nhà mồ đi lang thang đâu đó trong rừng, trong làng và trở nên nguy hiểm. Bởi những hồn ma như thế không thiếu những ma xấu đi lang thang và gây hại cho làng và các thành viên.
Những bức tượng khắc gỗ đặt tại nhà mồ cho ta nghĩ rằng, các tượng luôn ở đó là một phần của sự thăng hoa trong cõi vĩnh hằng. Sau thời gian bỏ mả, các gia đình dồn mộ, người Cơ Tu lại chạm trổ bức tượng khác, biểu trưng cho sự coi ngó, chăm sóc linh hồn an nghỉ. Tượng như sợi dây, là phương tiện kết nối giữ được sự liên hệ với tổ tiên.
Màu của tượng gỗ nhà mồ Cơ Tu thể hiện quan niệm nhân sinh của họ. Màu đen là màu của đất (abhuyh catiếc) màu đỏ là màu của mặt trời (abhuyn pleng). Đất – Trời là cặp nhị nguyên tạo ra tất cả sự sống và tất cả cái chết. [2]
Tượng gỗ Ma rừng (Ảnh; VVH, 26/4/2019).
Tượng gỗ đặt tại nhà mồ (Trích trong Les chasseurs de sang, Le Pichon, 1938)
4. Máu hiến tế (người, trâu, heo, gà)
Máu dùng tế dàng được xem là vật thiêng cao nhất trong lễ đâm trâu người Cơ Tu.
Theo cách phân kỳ của người Kinh, ra Giêng, Hai thường là mùa trẩy hội, các làng người Kinh tổ chức nhiều loại hình lễ hội khác nhau: khai rừng (lâm nghiệp), làng nghề (thủ công truyền thống), đình làng (nông nghiệp), cầu ngư (ngư nghiệp), lễ hội tôn giáo tín ngưỡng,…cũng là lúc tộc người Cơ Tu sinh sống dọc theo sườn đông dãy Trường Sơn tổ chức lễ hội đâm trâu, ăn mừng lúa mới.
Lễ đâm trâu được thực hiện phổ quát cho hầu hết các loại hình cúng tế của họ. Mừng có gươl mới, mừng lúa mới, kết nghĩa anh em với các làng lân cận, mừng nhà mới, mừng đám cưới, cúng dàng trừ ôn dịch, …hầu hết đều có thực hiện đâm trâu dâng cúng lên dàng. Trong đó máu là vật lễ cao nhất thiêng liêng nhất trong tâm thức của họ. Không có máu không thành lễ. Vì thế người Cơ Tu nuôi trâu không để giúp nhà nông trong lao động cải tạo nương rẫy, sản xuất lúa, bắp, sắn, … mà chỉ để cúng dàng. Làng hay gia đình nào không có phải đi mua, trao đổi nhau giữa các làng hoặc trao đổi với miền xuôi để có trâu cúng tế. Dịp tết, người Cơ Tu tổ chức lễ hội đâm trâu. Bởi không có máu tế dàng là xem như chưa dâng hiến gì lên dàng để cầu xin, thể hiện đức tin đối với dàng trong thế giới ba chiều kích (Trời – Đất – Âm phủ (dưới đất)).
Quan niệm rằng máu là tượng trưng cho những gì linh thiêng gắn với lửa. Nói rằng “máu lửa” để nhìn nhận trong tâm thức nhân loại rằng máu luôn là cặp song hành với lửa mới thành phạm trù biểu đạt sức nóng và sức sống gần với mặt trời. Trong lễ tế dàng, tất cả những gì là đẹp đẽ, hào hiệp, là cao thượng đều gắn với giá trị của máu. Không chỉ người Cơ Tu miền tây đất Quảng mà tộc người Kinh (Việt) miền đồng bằng cũng xem máu là vật thiêng liêng là gạch nối với thần linh. Trước kia người Kinh tế thần tại đình làng cũng quan niệm rằng máu là vật phẩm dâng hiến linh thiêng mà không có gì thay thế được. Máu heo, máu bò, máu dê, máu gà đều là lễ phẩm dâng lên thần và không chỉ là thần mà cả hệ thống thần linh là nam là nữ là lưỡng tính được phối thờ trong đình làng, tại một địa điểm được cho là trung tâm làng. Không có gì thay thế cho máu khi dâng cúng, cả màu đỏ của máu cũng biểu trưng là nguồn năng lượng mặt trời. Máu là sự sống. Bởi máu là nguồn năng lượng không thay thế được của loài người. Máu là bản nguyên của sự sinh thành. Người Cơ Tu dâng tế lên dàng bằng nghi thức vung vẫy máu lên không trung, hoặc vung vẫy vào vật lễ dâng cúng như trường hợp xin dàng cho đất lập làng chẳng hạn. Người chủ làng và cũng là thầy cúng khấn vái đồng thời vẫy máu gà vào vật hiến dâng để xin được toại nguyện. Như thế, quan niệm dân gian các tộc người xem máu là khởi nguyên của vạn vật, mang lại sự màu mỡ cho đất đai, sức khỏe cho con người và no đủ cho toàn thể sinh linh trong cộng đồng làng.
Máu thiêng liêng trong lễ tế nên nhiều tộc người xem máu là vật dẫn linh hồn. Trong nghi lễ hiến sinh làm sao cho máu không đổ xuống đất, tất cả những gì được bôi lên chút máu, như bôi máu lên trán, lên mặt hay lên cây x’nur là tìm được đường dẫn đến với dàng. Bấy giờ máu đã thiêng hóa. Người Cơ Tu sau lễ tiết đâm trâu, máu trâu được họ bôi lên trán, lên cây cột tế như thế là lễ tế dàng thực hiện thiêng hóa máu dâng để có giá trị biểu đạt.
Thế nhưng, sự biến dịch trong cách nhìn phản ảnh văn hóa tộc người đã có sự biến đổi từ quan niệm tế máu tại cây x’nur. Sự biến đổi muốn thích nghi với sự phát triển chung trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới và với tính chân, thiện, mỹ trong tổ chức lễ tế hiến dâng máu lên dàng. Vào mùa xuân Đinh Dậu 2017, đánh dấu sự chuyển đổi vật tế dàng bằng hình thức khác thay cho tâm thức ngàn đời xưa của họ về máu trong tâm thức thiêng liêng dâng hiến lên dàng. Phóng sự của Thanh Hải trên báo Lao Động ghi lại quan niệm máu cúng dàng đã có sự khác trước: “Tất cả 90 làng đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã đồng loạt bỏ nghi thức truyền thống này”. Những người trong cuộc, ông Bh’riu Liếc xem đây là chuyện cần được tháo bỏ, bởi sự khác nhau của đâm trâu và ăn trâu trong ngôn ngữ Cơ Tu: “Nguyên thủy, lễ hội có giết trâu để hiến tế của người Cơ Tu gọi là đăh t’ri, nghĩa là “ăn trâu” chứ không phải tắc t’rí nghĩa là đâm trâu. Vì vậy, bây giờ giải thích, vận động người dân bỏ nghi thức đâm, thọc trâu dã man kia mà vẫn giữ nghi thức chọc mũi trâu để lấy ít máu hiến tế và làm thịt để mọi nhà đều được chia thịt, ăn trâu là họ chấp nhận ngay. Tết 2017, tất cả 90 làng Cơ Tu ở Tây Giang đều có trâu để ăn từ nguồn hỗ trợ của chính quyền tỉnh, từ tiết kiệm và tiền được trả từ các dự án bảo vệ rừng. Vì vậy, bỏ đâm trâu nhưng làng nước vẫn vui.”
Trong lần điền dã về huyện Tây Giang, tại xã Lăng, các vị già làng cho hay rằng việc thay đổi lễ tiết đâm trâu thành thọc mũi trâu lấy máu tế dàng vẫn có thể chấp nhận được, bởi dù thế nào đó cũng là máu của trâu hiến tế và dàng đã chứng nhận khi cột trâu tại cây x’nur báo cáo với dàng trước khi hành lễ rồi nên vẫn được. Một chủ làng ở xã Lăng (trên 80 tuổi) tự tin chấp nhận biến dịch để biến đổi phong tục cổ mà đi cùng cuộc sống đương đại. Ông kể: Làng Bút Tưa ở huyện Đông Giang, gần miền xuôi hơn chúng tôi, mới đây đã bỏ làng kéo nhau lên núi lập làng mới sinh sống, bởi trong làng xảy ra cái chết xấu. Có một người tự tử bằng cách treo cổ chết. Cả làng xôn xao rúng động. Họ cầu khẩn đến dàng, mong dàng giúp họ xua đi hồn ma xấu ra khỏi làng. Họ đã đâm trâu hiến tế xin dàng. Nhưng mà, dù Bút Tưa có hiến tế nhiều trâu, nhiều con vật bốn chân to năm gang nữa thì đời sống vẫn khốn khó. Nhà cửa không kiên cố, chỉ tạm bợ bên bìa rừng hay trên núi. Dân thêm khổ. Rồi nợ nần, ai trả. Rồi nghèo khó ai lo. Rứa nên, tôi thấy bỏ đâm trâu không ảnh hưởng gì lớn đến cúng dàng cả, mà trước mắt là bỏ gánh nặng cho người nghèo. Lễ vẫn tiến hành, nhảy múa nghi lễ vẫn cứ làm, trâu vẫn cứ cột vào cột lễ, chỉ có khác là mang trâu đi nơi khác xẻ thịt mà không phải đâm trước mắt nhiều người.
[1] Cách định danh của người Cơ Tu vùng Tây Giang, gọi rổ/rá trên đầu cây x’nur là pà pà.
[2] Màu đỏ (bhrôông) chế xuất từ cây củ nâu ; màu đen (tăm) chế xuất từ cây tà râm ; màu nâu chế xuất từ củ ma rớt, màu trắng (bhooc), màu xanh (ta viêng), màu vàng (rơớc).