Bếp than hồng

514

Bếp than hồng

        Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, mưa ào ào dữ dội, lại có gió to, sông Cẩm Lệ nước đục ngàu chảy cuồn cuộn. Mấy cành lá chuối sau nhà cong lên, hứng nước dội tiếng kêu tạch…tạch… lúc nhanh, lúc chậm. Gió vẫn cứ quét từng đợt, hơi nước lạnh thoảng lên bốc vào nhà, cả không gian như ứ đọng lại, nặng chịch. Cơn mưa bắt đầu từ trước đó một ngày, cả bầu trời đen mờ, mây tích xám xịt mang hơi nước nặng trịch bay thấp xuống, tưởng như quẹt ngang hàng tre sau nhà. Lạnh làm se da lại, một chút thôi cũng đủ ngồi thu mình lại cho đủ ấm. Vòng tay lên ngực, lạnh cứ bàng bạc quanh mình.

        Bên bếp lửa hồng kê ngay góc nhà, từng chùm lửa lung linh như gặm quai bình đang đặt trên bếp, nước đã bắt đầu sôi, tiếng kêu o…o… từ trong ấm tích dội ra hoà vào với tiếng mưa râm ran rót thẳng vào tai Quỳnh. Quỳnh ngồi bó gối bên bếp lửa, nhìn từng ánh chớp lung linh của lửa. Chốc chốc Quỳnh dang hai tay như ôm lấy cả bếp vào người, đôi bàn tay sạm nắng của Quỳnh quơ trên lửa đưa đi, đưa lại tìm hơi ấm. Bỗng như sực nhớ vì chờ đợi đã lâu, Quỳnh nhìn vào đồng hồ, chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng nhay nháy ẩn hiện mười một giờ bốn mươi phút. Quỳnh nhìn đồng hồ chắt miệng:” Làm sao mà đi lâu dữ vậy, đã bảo đi một tí thôi mà. Giờ này…”

        Ngoài trời vẫn mưa xối xả, đường ngập nước, chảy tản sang hai bên, Tuấn đang trong cơn mưa đi về trường, chiếc mũ lưỡi trai kéo sụp xuống ôm lấy đầu. Vào đến nhà, Tuấn dừng lại dưới mái hiên tranh, trên người vẫn chiếc khăn bàn bằng ny lon dùng đi mưa ước sũng, Tuấn nhìn vào nhà, Quỳnh vẫn ngồi thu mình bên bếp lửa. Trời vẫn mưa, nước từ mái tranh đổ xuống ròng rã, vang lên tiếng kêu đều một điệp khúc của thiên nhiên bất tận. Từ ngoài hiên, Tuấn nhẹ nhàng nhích người sang bên kia cánh cửa, cởi tấm áo mưa xong, nhìn vào trong, Quỳnh vẫn say sưa sưởi ấm. Hai tay nàng huơ huơ trên bếp than hồng. Tuấn cảm nhận rằng trong một không gian thế này, ở Tuấn cũng đã từng chứng kiến và đã gặp ở đâu đây, hình như Tuấn đã hơn một lần trú mưa như thế này, nên thấy quen với những ngày mưa phải ở lại trưa tại cơ quan. Hai chân Tuấn lạnh cứng, nhẹ nhàng đứng sau lưng Quỳnh, bỗng Tuấn ngồi xuống ôm hai vai Quỳnh kéo sát vào ngực mình. Quỳnh giật nẩy mình, Tuấn cúi xuống sát tai Quỳnh nhẹ nhàng như âu yếm:

        – Lạnh lắm hả em. Đợi anh lâu không?

        Mặt Quỳnh đỏ dần lên, hai làn môi như hé mở, lưỡi líu lại không mở ra được lời nào, cả thân người mềm ấm trong vòng tay của Tuấn. Tuấn đưa tay xoa bộ ngực gồ như vân vê ức con cu gáy. Một buổi trưa trời mưa vắng vẻ và gợi cảm, không gian như chùng lại trong căn nhà tranh vách nứa, cả hai cảm thấy rạo rực nơi tay, lan dần đến tận chân và rung rinh nơi lồng ngực. Hơi thở dồn dập làm Quỳnh quên đi hết thảy. Quên rằng Tuấn đã có vợ và vợ Tuấn lại rất ghen. Vợ Tuấn có thể vạch mặt Quỳnh, ăn vạ la làng nếu như nhìn thấy được trong căn nhà tranh se lạnh này vào một buổi trưa trời mưa như trút hai người đã yêu nhau bên bếp than hồng, có chiếc giừơng con và cả một chút ước mơ con dài trên mặt chiếu đang trưa.

        Đã bước vào mùa mưa rồi, những luồn gió từ khắp nơi thổi về lành lạnh, rây rứt. Dường như không ai chú ý và nhớ rõ mưa bắt đầu từ thời điểm nào, đến tự lúc nào với đất, chỉ biết rằng cứ mỗi sáng nhìn trời, một màu đen xám ngắt, những cụm mây bay ngang qua đầu, rồi nặng nề trôi dần về phía trời tây. Mưa lại đổ về! Cứ thế. Hai tháng rồi sau ngày tựu trường, buổi trưa ấy trời mưa làm cho không gian nhuốm màu se lạnh, Quỳnh cảm thấy buồn, một nỗi buồn chua chát thấm sâu vào tận con tim đã từng ray rứt một thời cho dĩ vãng. Buổi trưa ấy liệu sẽ thế nào, bỗng nhiên Quỳnh thấy nhói đau nơi ngực.

        Quỳnh người thành phố, đến với trường Hoa Mơ đã hai năm, cô giáo mới vào với môi trường sư phạm. Quê Quỳnh xa lắm, từ Lạng Sơn, nơi mùa đông mưa lạnh đến tê người. Cả nhà Quỳnh dời vào Nam lâu rồi và đến với thành phố cảng Đà Nẵng. Cảnh rời bỏ quê hương vào Nam sinh sống Quỳnh chưa từng biết và cũng chưa từng nghe kể chuyện bao giờ, bởi lúc ấy Quỳnh nào đã sinh ra. Quỳnh lớn lên từ thành phố biển miền Trung, tâm tính Quỳnh không như bố mẹ. Cô gái nhanh nhẹn hơn, nước da màu mận quân là kết quả không chối cải của những lần rong chơi bạt mạng dưới nắng hè oi ả.Tuổi biết yêu thương, Quỳnh từng chứng kiến những cơn say suốt tháng, những trận cười trắng đêm với bạn bè cả nam lẫn nữ. Hết bậc phổ thông, vào trường sư phạm, Quỳnh liền gặp một mối tình, bạn bè Quỳnh kể rằng, Quỳnh đã lượm được trên sân trường sư phạm trong những ngày buồn chán nhất với một chàng trai. Rồi từ đó, mối tình dài theo tháng năm hối hả. Ba năm sau ngày ra trường, Quỳnh vác mối tình theo hờ hửng bên mình, chàng trai bỗng quên nhanh cô gái hai mươi ba tuổi này, cậu ấm lại phóng túng vào đời. Quỳnh từ đó hẫng ra, buồn chán.

        Đến Hoa Mơ được một năm, Quỳnh vẫn chưa thể nào quên cuộc tình lượm được dưới hàng bạch đàn mà mỗi trưa nắng xôn xao đổ xuống sân trường Sư Phạm. Bạn bè Quỳnh nói thế. Có lúc Quỳnh tưởng mình quên bẵng đi được. Mà cũng phải vậy chứ sao, trái tim Quỳnh đã từng hồi hộp đợi chờ, tin yêu, hy vọng tưởng suốt cả những tháng ngày tá túc trong khu nội trú của trường Sư Phạm. Thế nhưng có lúc Quỳnh không thể nào quên được, không tài nào Quỳnh xoá đi hình ảnh chàng trai họ Nguyễn trong ký ức mình.

        Hoa Mơ cũng tấp nập đông vui cũng ồn ào náo nhiệt. Một năm trôi qua lòng nặng đau thương, có lúc cũng cúi xuống nghĩ suy và hoà mình vào tập thể tươi vui này. Quỳnh có thì giờ rảnh rỗi sau những giờ lên lớp. Ở Hoa Mơ, Quỳnh gặp một chàng trai, mới đầu chỉ là đồng nghiệp về sau được biết chàng trai ấy cũng ở thành phố lên như Quỳnh mà lại ở gần nhà nhau nữa. Nhà Quỳnh và nhà chàng trai họ Nguyễn cách nhau không đến năm trăm mét. Từ ấy rồi Quỳnh gắn bó vào chàng trai họ Nguyễn, dường như Quỳnh phó mặc từ dáng đi, nét bước cho chàng. Tuấn chính là chàng trai ấy!

Ảnh minh họa (S.t)

        Tuấn có nước da ngâm đen, còn trẻ tuổi, không hơn Quỳnh là mấy. Màu da của Tuấn như nhuộm cà phê, xám lại, hàm răng ám khói thuốc đã ngả màu vàng. Đôi mắt của Tuấn ít thấy nhìn ngang, chỉ toàn nhìn xuống. Miệng lúc nào cũng cười và đặc biệt khôn khéo trong những lần khơi dậy tính hài hước trong tâm hồn cấc cô giáo trẻ tại Hoa Mơ, đặc biệt là Quỳnh. Quỳnh lâm trận như xưa kia Tào Tháo lâm vòng vây Xích Bích. Và thế là tháng ngày như bóng câu dong ruổi, Quỳnh phó mặc trái tim mình cho Tuấn. Bao lâu rồi, lần này nữa, Quỳnh lao sâu vào một chuyện tình. Quỳnh biết Tuấn đã có vợ, nhưng mặc kệ, Quỳnh chỉ rong ruổi vui đời ấy thôi, còn gì nữa Quỳnh mặc! Có cần gì quan tâm đến, những lúc cao hứng từ trái tim nhiệt tình trong cuộc tình lãng mạn, Quỳnh thố lộ với Tuấn:

        – Em có tiếc gì đâu anh, đã nhiều lần như thế, thêm một lần nữa vẫn không sao. Anh cứ tự nhiên,em cũng tự nhiên.

        Tuấn cũng gật gù qua chuyện:

        – Đúng thế, đúng thế. Nhất Quỳnh rồi! Em thật là tuyệt và hết ý!

        Quỳnh lại đưa mắt sang cười với Tuấn.

        Mùa xuân đến sớm hơn, mới đầu mùa mà các loại bông hoa đã nhanh nhẩu khoe màu. Ngồi trên chiếc xe đạp cọc cạch từ Đà Nẵng lên, đường có xa nhưng bù lại khí trời dễ chịu của mùa xuân cũng làm cho Phan-vợ Tuấn- bớt thấy đường xa. Đảo người trên xe đạp, Phan ngoặt tay lái qua ngã tư rẽ đến Hoa Mơ. Hoa Mơ đang là buổi chiều nên trường có vẻ thưa người, văn phòng trống trơn, Phan thấy có gì đấy khác thường tại cơ quan nơi chồng công tác. Nhìn vào dãy bàn dài xếp gọn, bất giác Phan như lên cơn sốt, toàn thân run bật lên, mắt hoa đom đóm, hai chân yếu đi, đứng không vững nữa. Giữa lúc ấy trong phòng Hội đồng sư phạm, một nơi khuất nhất, Phan tận  mắt nhìn thấy Tuấn và Quỳnh đang ngồi im lặng, không nghe ai nói với nhau điều gì, Phan có cảm giác như khung cảnh của Từ Thức-Giáng Hương đang tâm sự mà có lần Phan đọc được trên trang sách nào đó một thời còn đi học phổ thông. Phan dần vào, hai tay nắm chặt cánh cửa văn phòng, không mở miệng được nửa lời, mặt tái đi. Bỗng dưng Phan khụy xuống nơi cửa và bất tỉnh.

        Sau lần bắt gặp bất ngờ tại Hoa Mơ, bạn bè của Quỳnh thường xét nét từng động thái của Tuần với Quỳnh. Họ chăm mắt để ý xem sự việc thế nào! Đã có tiếng vào ra, ẩn dụ lấp lửng trong ngôi trường Hoa Mơ này! Các cô bảo rằng đằng nào thì Tuấn đã có vợ mà Thu Lan – vợ Tuấn – có tính hay ghen – đàn bà mà – lại thêm cô ấy có bệnh về tim nên hễ xúc động là sinh bao nhiêu chuyện cho Tuấn. Quỳnh không nên thế. Nhưng biết làm thế nào khi Quỳnh đã lún sâu vào chuyên tình như thế. Trong số những người không đồng ý với Quỳnh có lẽ mạnh mẽ nhất vẫn là Uyên. Hy là Hiệu trưởng nhưng vẫn không để tâm đến chuyện như thế, Hy cho rằng đấy chỉ là chuyện bình thường giữa nam với nữ, có gì đâu mà gọi rằng hủ hoá! Anh chàng Bí thư Chi đoàn thanh niên thì lại quyết liệt can ngăn, bởi Quỳnh là một đoàn viên thanh niên cộng sản lại nữa không thể mặc nhiên phá vở hạnh phúc của Phan. Hậu quả sẽ không lành mạnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thanh danh của nhà trường và bôi ríu uy tín đội ngũ giáo viên của Hoa Mơ. Do đó, bằng nhiều cách phải tách Quỳnh ra khỏi Tuấn, thời gian kéo dài có thể làm cho tình hình phức tạp, lúc ấy ai có bản lĩnh nhận phần khó về mình. Việc Uyên phản đối quyết liệt trong những lần sinh hoạt Chi đoàn thanh niên đã làm cho Quỳnh và Tuấn không thiện cảm. Một lần Tuấn nói với Quỳnh:

        – Ai bảo con Uyên bới móc chuyện của mình hả em. Nó cấm anh với em đó. Anh thù nó. Nó nói với em trước Chi đoàn ra sao?

        Nhìn Tuấn hằn học, Quỳnh ra vẻ lo lắng:

        – Chị Uyên bảo em không nên” chơi thân” với anh, cả con Bích cũng nói thế nữa. Bích nói rằng “anh còn quen một cách kín đáo với Láng nữa”. Chà có thật như vậy không anh!

        Tuấn nghe Quỳnh hỏi vậy, giật nẩy mình, nhưng trước mặt Quỳnh, Tuấn cố trấn tỉnh, cười giả như không có chuyện ấy xảy ra.

        – Ai nói với em. Cậu Bí thư Chi đoàn ấy à. Em có tin thế không? Cậu ấy phá đám đó, đừng tin! Chuyện riêng của người khác mà hắn cũng xô vào. Được, em xem Tuấn này hành động, cả con Uyên nữa, cho chúng biết!

        Nghe Tuấn hằn học, cương quyết, hai hàm răng nín chặt, mắt Quỳnh cay cay nơi khoé, Quỳnh đưa tay lau giọt nước mắt vừa lăn xuống má. Không biết bao lần rồi như thế. Cứ mỗi lần nhớ lại mối tình bắt gặp trên sân trường sư phạm, tim Quỳnh lại tê tái một điều gì không rõ. Nay lại khổ đau trong vòng tay bám riết của Tuấn!

        Ở nhà, đêm khuya lắm rồi, cành ổi trước sân đập vào mái tole phành phạch, Quỳnh không ngủ được, chống tay xuống giường ngồi dậy. Không gian trước mặt một màu đen rùng rợn. Trước mặt Quỳnh không một tia sáng nào, chỉ những đường dọc ngang đọng lại rồi tan đi mỗi lần Quỳnh nhắm nghiền hai mắt. Dường như ngoài đường phố cũng vắng lặng. Quỳnh cảm nhận thế. Quỳnh lại vùi đầu vào đống chăn và Quỳnh ngủ thiếp đi. Trong cơn mơ, Quỳnh gặp lại cảnh tượng ngày đầu tiên gặp chàng trai họ Nguyễn dưới gốc bạch đàn trên sân trường sư phạm. Rồi tiếp đến những ngày sau đó, tình yêu quấn quýt lấy nhau, có những đêm thức trắng… Quỳnh lại mơ thấy gặp Tuấn tại Hoa Mơ một chiều lộng gió, trong căn nhà tranh, những lỗ thủng mưa giọt trông thấy trời mà có lần Tuấn đẩy Quỳnh xuống chiếc giường con bên bếp lửa rưng rứt cháy. Hoảng hốt, Quỳnh nghiến răng vùng dậy, ú ớ vài tiếng và Quỳnh tỉnh hẳn.

        Đêm vẫn còn khuya khoắc, có tiếng gà nhà ai trong khu dân phố khẽ đập cánh gáy te te. Quỳnh tỉnh hẳn nhớ lại giấc mơ, chẳng phải giấc mơ đẹp nào đâu mà là một giấc mơ kinh dị. Đúng cái mặt của Tuấn đầy mùi rượu và thuốc lá phả vào mặt Quỳnh, có cả mùi da thịt nữa, vừa hôi , vừa khó chịu. Thế sao mình lại yêu được mới lạ lùng chứ. Quỳnh căm giận chính mình. Bậm môi đau nghiến, Quỳnh ngồi phắt dậy bấm vào công tắc điện, ngọn đèn neon vụt sáng, phả ánh sáng cả căn phòng.

        Bàng hoàng, Quỳnh nhìn thẩn thờ vào trang nhật ký còn đang viết dỡ từ đầu hôm, nét chữ ẩn hiện trên trang giấy khi tỏ, khi mờ theo giòng nước mắt tràn qua. Phải một hồi lâu trấn tỉnh, Quỳnh nhận ra căn phòng trống vắng, lạnh lẽo, một chút rờn rợn nao lòng chạy dần trên da thịt Quỳnh. Quỳnh khẽ rùng mình, lại viết, Quỳnh chống tay lên bàn viết vào tập nhật ký mà Quỳnh đặt tên cho nó là “Câu chuyện vào đời”. ” Mình sẽ từ bỏ hẳn mối tình trớ trêu nầy với Tuấn. Bích nói có lý, cả Chi đoàn thanh niên có lý, Tuấn đã vậy mà tay nầy còn có quan hệ tình cảm với Láng nữa. Hèn gì Láng hờn ghen không nhìn mặt mình cả tháng nay mà mình có hay đâu. Mình sẽ không đến nhà thị nữa. Mình từ bỏ tất cả, mình làm lại…Anh…yêu quý, đêm nay em nhớ anh. Đêm nay em thấy trống vắng và yêu anh hơn. Anh…” (Đêm tháng 2 năm 198…) Rồi Quỳnh không viết được nữa, khép tập nhật ký lại, đẩy qua bên. Hình ảnh chàng trai họ Nguyễn lại về trong ký ức. Quỳnh thổn thức như đã bao lần rồi thổn thức. Mắt Quỳnh lại rơm rớm, úp mặt xuống tập nhật ký còn đang viết dỡ. Quỳnh nức nỡ!

        Cánh cửa phòng Quỳnh khẽ lay động rồi mở dần ra, mẹ Quỳnh đã đứng trước bàn nhìn con gái mình nức nỡ đang úp mặt trên bàn. Dường như mẹ Quỳnh đã đoán được một phần câu chuyện đêm nay của Quỳnh. Bà muốn hỏi Quỳnh ngay tức khắc điều gì làm Quỳnh không ngủ được để rõ hơn. Bà thấy mình phải có trách nhiệm làm an lòng con gái. Hơn nữa cũng phải rõ mọi điều để còn phải làm cho Quỳnh vơi đi những điều mà Quỳnh đang khổ đau hằng đêm như thế nầy.

        Đứng mãi hồi lâu, mẹ Quỳnh lên tiếng hỏi con gái:

        – Việc gì thế Quỳnh, đêm hôm khuya khoắc sao con chưa ngủ, mai còn phải dậy  đi làm sớm nữa chứ. Con!

        Quỳnh nghe tiếng mẹ hỏi mình đột ngột, giật mình, Quỳnh ngước mắt lên nhìn mẹ, nước mắt chưa kịp lau khô.

        – Có chuyện gì đâu hả mẹ, con đau đầu thôi mà. Mẹ cũng chưa ngủ sao?

        – Ngủ rồi chứ, gần sáng rồi đấy con, thức giấc thấy đèn phòng con còn sáng, mẹ sang đây xem thử. Thôi tắt đèn mà ngủ đi cho khoẻ.

        Quỳnh khẽ dạ. Nói xong bà bước ra ngoài khép cửa lại nhưng vẫn còn thắc mắc điều gì đấy về Quỳnh. Theo chỗ bà nhận xét thì dạo nầy Quỳnh gầy ra, mắt có quần thâm, đêm đêm thường hay thức khuya, dường như có gì làm Quỳnh đau khổ lắm. Tội nghiệp, con bé còn nhỏ tuổi mà đã thế rồi thì làm sao yêu đời để sống những ngày còn lại cho thoả mái được, ít nữa cũng phải đến tuổi như bà. Trở về đến giường, chưa nằm xuống vội, bà quay trở lại phòng Quỳnh như để rõ hơn những điều u uất trong lòng đứa con gái của bà.

        Quỳnh bên phòng đã nằm xuống, trùm chăn lên đến cổ nhưng chưa ngủ được. Mẹ Quỳnh lại vào, bà hỏi:

        – Con còn thức hay đã ngủ rồi?

        Quỳnh cựa mình khẽ đáp lời mẹ:

        – Con còn thức, đêm nay khó ngủ quá mẹ à!

        Mẹ Quỳnh lại ôn tồn:

        – Ngồi lên mẹ hỏi cái nầy!

        Quỳnh đẩy tấm chăn ra khỏi người ngồi dậy kề bên mẹ. Im lặng chen vào giữa hai mẹ con một hồi lâu. Bà mẹ đã sắp xếp những câu hỏi trong đầu nhưng sao vẫn còn do dự chưa muốn làm Quỳnh lúng túng. Hỏi thế nào bây giờ cho Quỳnh nói thật những điều u uẩn trong lòng. Các vết nhăn trên khuôn mặt mẹ Quỳnh trễ xuống làm cho khuôn mặt bà như xàu đi, mệt mỏi. Chặp sau, bà ngập ngừng:

        – Hình như suốt tháng nay con khó ngủ lắm phải con?

        Khó ngủ! Quỳnh hiểu ý mẹ mình và cũng biết rằng mẹ cũng hiểu hết nỗi lòng mình nữa. Việc như thế thì khó nói thật, mà có lẽ sẽ không nói cùng ai được.Nếu nói ra với mẹ chỉ làm khổ thêm cho mẹ vốn đã khổ mà thôi.

        – Dạ, khó ngủ thật, vì con cảm thấy đau đầu, hình như là có cúm nữa nhưng sẽ khỏi thôi, mẹ lo làm gì những chuyện không đâu như vậy. Mẹ cũng phải ngủ đi chứ mẹ. Chưa đến nỗi nào phải để tâm lắm mẹ à.

        Mẹ Quỳnh im lặng, con bà đã nói dối với bà, mà bà cũng thừa biết chàng trai mà Quỳnh đưa về nhà cách đây ít lâu lại hiện ra trong trí nhớ của bà. Nhưng cậu ấy đã bỏ con bà, Quỳnh đau khổ là phải, dù sao đấy cũng là một mối tình, chắc Quỳnh chua xót lắm. Nỗi cảm thương Quỳnh tràn ngập lòng bà. Bằng một giọng chân tình bà nói với Quỳnh:

        – Con đã muốn giấu, mẹ cũng không ép con phải nói ra mà mẹ cũng đã biết rồi, vì sao làm con khó ngủ cả tháng nay. Mẹ chẳng có phước, còn con, mẹ không muốn con khổ thế nầy. Hãy quên tất cả đi con, chẳng phải nhớ làm gì loại trai rông ấy. Nó đến rồi nó đi, ai mà cột chân nó được, chỉ tại mình thôi. Mẹ nói thật đấy, con phải cố mà quên, chẳng hơi đâu sầu khổ, ốm lấy thân mình.

        Dưới ánh đèn neon, Quỳnh quay mặt vào tường, một vùng xanh dìu dịu hiện ra, nhưng khuôn mặt Quỳnh sắc lại, đau xót.

        – Con xin mẹ, mẹ đừng nói chuyện ấy nữa. Mẹ cũng ngủ đi kẻo sáng. Con nghe lời mẹ.

        Nước mắt lại đổ dài trên hai thái dương âm ấm, Quỳnh cố dỗ giấc ngủ nữa chừng còn lại của một đêm đầy biến động.

        Cơn gió mát, mang hơi nước từ biển thổi vào thành phố cảng mát dịu, cả thành phố như được giấc, ngủ yên. Ngọn hải đăng từ xa nơi bán đảo Sơn Trà vẫn thức suốt đêm nhấp nháy, đợi chờ. Cả bầu trời một màu ngọc bích xanh lơ, dãy ngân hà ửng lên một đường viền lồng lộng. Gió cứ hiu hiu thổi mát rượi lùa vào từng ngõ ngách của thành phố. Đêm càng lúc càng buông dần vào tĩnh mịch. Dù đêm đã khuya. Ở nhà Tuấn vẫn bắt ghế nơi hàng hiên nhìn ra đường phố, cơn gió mát tạt vào mặt nghe dễ chịu, cảm giác lâng người chạy khắp cơ thể. Đi theo cùng gió là bụi bặm đường phố quạt lên, hắt vào mũi Tuấn. Chặp chặp, vài chiếc xích lô ể oải đạp ngang qua tầm mắt, Tuấn vẫn không bận tâm. Phải ít nhất nửa đêm mới hết người qua lại. Khuya lắm rồi, mà con phố vẫn cứ còn người qua lại lai rai, dáng đi khập khểnh như người nghiện rượu đã ngấm quá đà. Ngọn đèn cao áp toả ánh sáng quẹt xuống mặt đường, trông mỗi khuôn mặt đi qua như có gì chán ngán. Không biết họ hoạt động gì nữa đang lúc khuya khoắc thế nầy. Trên vỉa hè, người nằm, người ngồi lộn xộn, chốc chốc cất lên tiếng hát nghêu ngao chen lẫn tiếng ho lụ khụ, khàn khàn như chưa biết chán.

        Đấy là thói quen của Tuấn, bữa cơm tối vừa xong là Tuấn bắt ghế ra trước hiên nhà ngồi nhịp chân hút thuốc Dalat. Hôm ấy đúng ngay bữa mất điện cả khu phố, bên ngoài trời tối lờ mờ dưới ánh trăng lưỡi liềm mùng chín. Trong nhà, vợ Tuấn sau một lát nghỉ ngơi, thắp ngọn đèn hột vịt, một màu vàng bờn bợt lắc lư hắt ánh sáng yếu ớt ra đường, in bóng hình Tuấn vắt ngang qua cống thoát nước hiên nhà. Một mảng trăng lu, mờ mờ toả nhè nhẹ khiêm nhường xuống hàng hiên. Ngoài đường, chặp chặp đưa lại tiếng cải cọ càu nhàu. Xa xa thỉnh thoảng vọng lại phía nhà Tuấn tiếng rao bán bánh mì dạo đêm trên đường phố của đứa trẻ nào đang rảo bước.

        Tuấn ngồi quay vòng trên chiếc ghế lò xo, chốc chốc bóp trán, cúi đầu, mặt nhìn xuống đất, dường như đêm nay có điều gì làm cho Tuấn trầm ngâm nghĩ ngợi. Có lẽ là nỗi niềm trắc ẩn mới đây thôi đã dằn vặt Tuấn đến vậy. Vừa mới chiều nay trong một phiên họp tổ, tâm lý thật căng thẳng tại đơn vị. Mọi việc Tuấn tưởng sẽ êm xuôi như dự đoán, vậy mà tình huống xảy ra hoàn toàn trái ngược lại mới ức chớ! Ai có thể ngờ được những điều xảy ra ngoài dự kiến! Do đâu, ai đã làm nên những trắc ẩn thế nầy? Khó xử lắm! Tuấn không còn cách nào khác để có thể nhìn một lúc hai người tình của Tuấn trong tổ Tự nhiên mà Tuấn là Tổ trưởng nữa rồi! Chuyện đã vỡ toang ra đấy! Phải chăng là tại Uyên và những người trong Chi đoàn thanh niên đã không đồng tình với cách hành xử của Tuấn. Chợt Tuấn cựa mình, chống tay lên ghế, nghĩ: “Việc của người khác mà thị Uyên cũng để tâm vào, rồi anh chàng Bí thư Chi đoàn thanh niên nữa, họ đã biết cả rồi. Con Uyên mới là người lắm chuyện. Chuyện riêng của người khác mà bọn hắn cũng ưa can thiệp vào. Thiếu gì chuyện để làm ở cái trường nhỏ lẻ nầy, lại đi làm những chuyện không đâu. Để đấy xem!”

        Lẩm nhẩm xong, Tuấn đứng ngay lên, uốn cong lưng, cột sống trẹo qua, treo lại tiếng kêu giòn rộp ở lưng. Tuấn bước vào nhà, ngọn đèn hột vịt tù mù vẫn hắt ánh sáng vàng vàng rung rinh theo chiều gió.

        Chiều hôm ấy, phiên họp tổ Tự nhiên của trường Hoa Mơ diễn ra như thường lệ. Các thành viên đều không vắng ai cả, vì đây là phiên họp quan trọng quyết định xếp loại cho từng thành viên trong tổ. Buổi họp tất sẽ có kiểm điểm toàn diện từng người. Tuấn là người chủ trì. Căn phòng số 3 bàn ghế có tươm tất, gọn gàng hơn mọi ngày. Cả tổ ngồi vây quanh thân mật, chuyện vãn rân ran, Tuấn tưởng sẽ trôi  đi đẹp đẽ theo hy vọng của Tuấn trước khi cho hai cô giáo trẻ, một cô Sinh – Hóa và một cô Vật Lý ngồi đối diện cùng nhau. Nhưng cả hai đều tố cáo Tuấn nhiều điều đến vậy. Trong suốt buổi họp, Tuấn không thể nhìn vào đâu được nữa và có lẽ chưa lần nào Tuấn phải chịu nhiều áp lực đến như vậy nhất là áp lực trong chuyện tình lăng nhăng mới ức chớ. Tuấn được luận tội rằng đã bày mưu chia phe cánh lũng đoạn, làm mất đoàn kết những nơi nào Tuấn có mặt dù mới chỉ công tác một năm hay vài ba tháng. Tuấn đã chia nhỏ tập thể ra để nắm lấy phần hơn và Tuấn đã thắng lợi. Nhưng lạ, từ khi Lê Uyên về trường công tác là mọi thủ đoạn của Tuấn lần lượt được phanh phui. Tuấn không thể dễ dàng qua được con mắt tinh đời của Lê Uyên mặc dầu với Hy, Tuấn có thể làm được việc đó. Mà thật, Hy đã tin vào Tuấn đến mức Hy giao tất cả chế độ, thủ tục của nhân viên trong trường Hoa Mơ nầy cho Tuấn xử lý. Từ đó Tuấn đã có quyền lật ngã nghiêng bất kỳ ai đụng đến phe Tuấn. Lê Uyên sẽ là người bị lật trước hết  trong suy nghĩ của Tuấn. Một tay như Tuấn lẽ nào chịu bó tay trước một cô giáo như Lê Uyên được.

        Buổi họp hôm ấy khá bộn bề công việc, vậy mà mới ngồi quay vòng bên nhau, nhìn hai khuôn mặt của hai cô giáo trẻ lại cứ bừng lên. Đôi mắt, nhất là đôi mắt phóng ra từng tia giận dữ xoi mói xuống mặt bàn vốn hồn nhiên, chất phác. Mà thật thế, Láng muốn chiếm lấy tình cảm của Tuấn nhiều hơn nên mở lời chất vấn vào Quỳnh:

        – Tôi hỏi cô Quỳnh, ai nói tôi lén quan hệ bồ bịch với anh Tuấn. Ai nói?

        Mặt Quỳnh lại xịch xuống thêm nữa, Quỳnh đã thấm thía như đêm nào Quỳnh trăn trở không ngủ được suốt cả tuần rồi. Mắt Quỳnh như có nước, không ngờ Láng lại tấn công vào Quỳnh vào thời điểm Quỳnh đầy những đau xót, đang khi Quỳnh muốn quên đi hết cả những khổ đau ấy như đêm nào Quỳnh đã nguyện với chính mình. Nhưng tình thế không thể không làm sáng tỏ. Cố nén cơn xúc động, Quỳnh chậm rãi:

        – Tôi có bảo cô yêu anh Tuấn đâu. Yêu hay không cô hỏi anh ấy, sao lại hỏi tôi?

        Cả tổ Tự nhiên đang họp? Không phải, không ai hiểu gì cả! Mười hai con người còn lại ngơ ngác nhìn nhau, có người ngã lưng ra sau ghế, cười khúc khích.

        Tuấn bỏ bút xuống bàn, mặt tái dần đi vì ngượng, đan hai tay vào nhau, nhìn xuống mặt bàn thở một hơi dài như để lấy thêm can đảm chứng kiến hai người tình “đá nhau” ngay trong tập thể. Tuấn bỗng nghĩ: “Đường nào rồi cũng lộ ra thôi. Khó xử thật!”.

        Thời gian chùng xuống trong yên lặng, Láng lại thuyết minh, giọng chua chát:

        – Không phải tôi yêu đâu. Tôi mến anh ấy, tôi thường hay đi chơi với anh ấy, thế thôi. Cô có ghen không, thì nói!

        Mọi người lại khúc khích cười, có hai cô che miệng nói nhỏ với nhau điều gì đấy, rồi lại tiếp tục cười. Tuấn vẫn nhìn gục đầu xuống tập “Biên bản tổ Tự nhiên” không chớp mắt. Quỳnh như nghẹn nơi cổ, nhưng cô giáo kịp kìm lại được, nhìn chằm chặp vào khuôn mặt đỏ lựng cà chua của Láng. Rõ ràng cả hai người là tình nhân của nhau, vậy mà  còn đẩy mình vào cuộc trở thành tình địch của Láng, như thế là quá xấu hổ. Họ là tình nhân của nhau còn chối leo lẻo để làm gì cơ chứ. Quỳnh lại nhìn qua vuông cửa sổ, một tâm trạng rối bời lại diễn ra như đêm nào đã diễn ra. Xa xa từng cụm mây trôi lơ lửng, thong thả ,nhẹ nhàng qua tầm mắt. Quỳnh thèm nhẹ nhàng như những cụm mây kia, vô tư trên vòm trời xanh vời vợi cao lồng lộng ấy. Quỳnh không muốn trả lời Láng. Mọi sự im lặng được xem như sự khinh bỉ, bất hợp tác và cuối cùng là lật đổ! Có lẽ Láng cũng thừa hiểu và cảm nhận được thái độ làm thinh, khinh bỉ ấy của Quỳnh. Hay, Láng cho rằng đấy là sự thắng cuộc đã đánh được đối phương giữa thanh thiên bạch nhật, để cùng Tuấn dạo chơi trong những đêm trời tối tại cánh đồng làng Hoa Mơ yên ả. Trong suy nghĩ của Quỳnh lúc nầy lại tái hiện: Bích nói đúng, mọi người nói đúng. Anh Bí thư Chi đoàn can mình là phải, mình phải biết ơn anh ấy. Chi đoàn can ngăn là phải. Sẽ không thèm nhìn và trả lời thị nữa, xem những ngày sau đấy thị sẽ làm gì!

        Thái độ của Quỳnh làm Láng giận run lên. Thời gian im lặng trôi qua rất chậm, những người trong tổ đang dự họp không ai muốn can ngăn mà có biết tường tận đâu, chỉ là dư luận thoáng qua, nay mới có dịp vỡ lẽ. Không ai muốn động đến bộ ba ấy, sẽ bị ăn vạ ngay tức khắc nếu không làm vừa lòng thủ lĩnh Tuấn. Cảnh vật bên ngoài đập vào mắt Láng ngã nghiêng, chao đảo:

        – Cô khinh tôi hay sao mà không trả lời tôi?

        Quỳnh vẫn im lặng phóng tầm mắt ra xa, qua vuông cửa sổ.

        Trời đang là buổi chiều nóng bức, gió thổi từng đợt, những chiếc là vông đồng khô cong, chạy loạn cuồng trên đất. Trên vòm trời cao giữa sân trường, từng cụm mây trắng hợp tan nối đuôi nhau vắt qua buổi trời chiều. Cả tổ tự nhiên nhìn nhau ngơ ngác!

        Mắt Láng đỏ dần lên, không nhìn thấy rõ, nhập nhoà tất cả. Láng khóc rấm rứt, nước mắt lăn xuống hai gò má hồng tươi. Chưa lần nào Láng khóc ray rứt như vậy. Bực bội, Láng khóc một hơi dài như phân bua cho sự thật đang được phơi ra cho mọi người đánh giá. Láng nói, tiếng được, tiếng không qua cơn nấc:

        – Chưa ở đâu như ở đây, từ khi tôi về Hoa Mơ nầy. Tôi có là người tình của Tuấn đâu! vậy mà mọi người nói tôi “bồ” với anh ấy. Tôi có yêu đâu mà bảo tôi yêu, toàn là sự vu khống cả. Cả cô Quỳnh nữa, cô ghen phải không? Người ta ở đây là ai? Là Lê Uyên, là Chi đoàn thanh niên chứ ai nữa. Riêng tôi, tôi báo cho mọi người biết rằng tôi vẫn tiếp tục thân thiện với anh Tuấn, anh ấy có điểm chung mà tôi thích. Ai giận điên lên thì cứ thế mà giận. Tôi có cần điều “người ta” nói ấy.

        Nói xong, Láng đưa hai tay lên lau mắt, rồi úp mặt xuống bàn.

        Tuấn nghe Láng nói vậy nhưng vẫn bậm miệng không nói điều gì. Giá như Láng thôi, đừng nói nữa như Quỳnh có phải hay hơn không. Họp tổ đâu phải chuyện chơi mà đem chuyện “ái tình” ra đây nhạo báng. Tuấn giận Láng vì khó chịu. Khó vì mọi người nhìn Tuấn với vẻ mặt nghi ngờ thiện chí có chút miệt thị chen vào. Lại đốt thêm điếu thuốc DaLat, lúng túng, nhưng tình thế không thể để yên như vậy mà phải kết thúc. Tuấn định can ngăn lấy vài lời chiếu lệ để làm vừa lòng cả hai tình nhân cho cả hai khỏi giận nhau. Mà phải nói thế nào bây giờ, Tuấn suy nghĩ:” Yêu một lúc cả hai cô, lâu nay ta đã cố tình giấu vợ, giấu cơ quan, dù vợ có biết cũng có đường chối phăng đi được, giấu cả hai “bồ”, giấu luôn cả tập thể, vậy sao lại bị xáo tung ra ở chỗ nầy, ác thế!”. Tuấn thu nắm tay lại, hai hàm răng nín chặt, quả quyết: “Lê Uyên, Hy, cả tay Bí thư Chi đoàn nữa chứ, chúng đã phá  rồi. Thế nầy thì phải trả thôi!”

        Suy nghĩ mãi vẫn chưa lựa được lời đường mật nào có hiệu quả rót vào tai hai cô nhân tình bé nhỏ cho êm chuyện, cho giảng hoà, chờ khi thuận lợi hãy ra tay cho cả hai đều yên vui tin tưởng. Bỗng Láng ngất đầu lên tiếng:

        – Anh Tuấn xác nhận đi, anh có yêu em không cho mọi người nghe, cho cả cô Quỳnh nghe nữa. Nói đi anh!

        Tuấn vẫn im lặng thở dài.

        Quỳnh lại bĩu môi:

        – Hừm!…

        Nhưng dường như Quỳnh cũng không chịu được thêm nữa những điều Láng làm cho cơn giận càng lúc càng tăng. Quỳnh mấp máy đôi môi khẽ mở lời, đang lúc những người dự họp che miệng nỡ nụ cười thầm.

        – Cô tưởng tôi tiếc lắm chắc. Mọi chuyện rồi sẽ như ban ngày thôi cô ạ. Nơi đây là xứ sở của cô, cô làm sao mà chẳng được. Còn tôi, xin cô miễn bàn đến việc ấy. Tôi đề nghị tổ ta họp một cách nghiêm túc. Việc riêng ấy không phải đem ra bàn luận chỗ nầy.

        Những điều Quỳnh nói lọt vào tai Láng, dường như Láng trông chờ lời khẳng định của Tuấn là có thể làm yên lòng Láng được rồi. Tuấn lại không mở được lấy nửa lời, chỉ toàn có thở dài, chỉ toàn hút thuốc Dalat phả khói vây quanh, những sợi khói mơ màng quyến rũ. Mới hôm trước một ngày Tuấn còn mơn trớn, vỗ về Láng ngoài quán Lệ- có cả Thuột tham dự nữa- một cách nồng nhiệt và biết điều. Còn đối với Quỳnh trên đường đi làm về tận khu trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, Tuấn đã có bao nhiêu là lời âu yếm vỗ về, đưa đẩy. Vậy đấy, chẳng lẽ giữa gay cấn bày ra Tuấn làm sao, ngã về ai cho tiện. Cả hai người tình trẻ, nhiệt tình, lãng mạn quả là thật tiếc nếu như …Tuấn không nghĩ đến nữa. Có thể Quỳnh sẽ gọi Tuấn là “sở khanh”, là một tay đểu cáng chăng? Láng chắc cũng nghĩ thế. Nhưng để chạy tội cho mình Láng lại chối rằng không, một không, hai cũng không trước một tập thể như vậy là có lợi. Thế nhưng về lâu dài nếu Láng không yêu nữa thì lại là việc đáng tiếc khác. Tuấn cay cú. Một đòn đánh trúng vào chỗ hiểm của Tuấn rồi. Mà phải vậy chứ sao! Tuấn không ngờ sự tình lại tối đen bi đát thế. Sẽ không còn hy vọng lấy lại một chút uy tín nào nữa để có thể lên lớp giảng bài khi mà học sinh trong trường biết được, chứ đừng nói có thể điều khiển xong buổi họp chiều nay. Tất cả hành xử của Tuấn đã bày ra trước mắt mọi người. Tuấn sẽ không thể không nghĩ đến một cách trả giá nhanh nhất, mà trả vào đâu mới được chứ. Hai nắm tay vẫn thu tròn cứng. Tuấn sẽ đánh vào Hy khi có thuận lợi và thời cơ. Tuấn nghĩ: “Quỳnh chắc sẽ giận mình lắm, sau vụ nầy chắc tách ra khỏi nhóm, còn lại 3 người, Láng sẽ gần gũi mình hơn – một Tổng phụ trách Đội thiếu niên mà không làm việc thì Hy chắc phải xuống nước năn nỉ thôi! Một Chủ tịch Công đoàn như Tuấn này mà chống lại thì Hy có ba đầu bốn tay đỡ cũng khó nổi đấy. Có thể dùng Thuột vào để tăng thêm “sức chiến đấu” của nhóm. Thuột có tính nóng còn hơn cả lửa nên tiếng nói của Thuột sẽ là rất quan trọng”.

        Một thế đối lập dùng dằng được hình thành trong đầu Tuấn.

        Tuấn cựa người nhìn vào đồng hồ, các tổ bạn lần lượt ra về. Nắng chiều trải nhè nhẹ từng vạt hanh vàng trên hàng phượng non tơ chưa tròn một tuổi.

        Tổ tự nhiên cũng theo gót ra về. Sân trường lại vắng lặng.

        Chiều dần về từ sau luỹ tre xanh./.