Bên ngoài cửa lớp

528

Bên ngoài cửa lớp

        Hùng chầm chậm bước ra khỏi quán bi da, trời đã tối đen. Cả chiều nay nó đã lao vào cuộc chơi, bỏ cả năm tiết học của để nướng hết hai chục ngàn trọn vẹn mình có được. Nếu như chưa hết tiền, chắc Hùng cũng chưa bước ra khỏi quán vào giờ này. Vừa đi, Hùng vừa suy nghĩ vẩn vơ. Nó nghĩ đến những trái bi lăng tròn lóng lánh va chạm nhau lốc cốc trên tấm thảm nhung màu xanh lục.

        Bất giác, Hùng giật mình, một cảm giác lạ đang lan toả trên người. Nó đang tưởng đến một trận đòn phải gánh chịu sau khi về nhà. Chắc chắn là như thế! Nhưng mặc kệ, có chạy đường nào cũng phải thế thôi. Phải có gan chịu đựng! Hùng thầm nhủ thế.

        Mẹ mất sớm, Hùng phải sống bên dì. Trước hết với Hùng dì là người dưng. Hùng là con riêng của chồng nên thường hay bị bà sai khiến và đôi khi hành hạ việc nhà. Có phải vì cái gia tài đồ sộ này không! Vì Hùng còn là cậu bé có lúc cứng đầu, cứng cổ nên những trận đòn nổi lằn da thịt, bao giờ cũng để lại trong ký ức Hùng một ấn tượng chắc là nhớ mãi cả đời. Là một đứa con chồng nhưng Hùng cũng thương yêu những đứa em cùng cha khác mẹ với mình. Nhiều lúc Hùng muốn bỏ nhà mà đi nhưng lại thầm nghĩ: “Không thể như thế được, nếu vậy cuộc sống rồi sẽ trôi về đâu”. Cuộc sống giang hồ phiêu bạt sẽ cho Hùng nhiều cạm bẩy, những tay lang bạt kỳ hồ thời nay đâu phải là những nhân vật trên các phim võ hiệp kỳ tình! Giang hồ sẽ biến con người Hùng thành kẻ bụi đời đầu đường xó chợ chứ không phải một công dân giúp ích cho đời. Và thế là may, Hùng không bỏ nhà mà đi, Hùng ở lại, chịu ở lại cố tìm trong ấy một tương lai sáng sủa với nổ lực của bản thân mình.

        Vừa bước vào cổng nhà, Hùng đã nghe tiếng dọa dẫm lớn tiếng của dì:

        – Cái thằng trời đánh, bây giờ mà nó cũng chưa về. Mầy đi kiếm nó về cho tau thử coi.

        Bà nói với đứa con cùng cha khác mẹ với Hùng. Tiếng cô bé rụt rè:

        – Thôi má ơi! Trời tối đen thế ni mà bắt con đi tìm. Anh ấy ở đâu, biết tìm đâu?

        Sáng nay vừa mới hừng đông, ông mặt trời định thay bộ áo mới thì dì của Hùng đã gọi nó dậy:

        -Nầy Hùng, dậy đi. Ngủ chi mà ngủ dữ rứa. Dậy khuân ba cái thùng đồ ra chợ cho tau. Mau lên!

        Hùng mở mắt, vừa dạ một tiếng, vừa gật đầu. Bà quay lưng bước ra khỏi chỗ Hùng nằm. Hùng ưỡn mình vươn vai đứng dậy xếp lại mùng màn. Nó bước xuống bếp. Đang lúc rửa mặt, Hùng nghe tiếng mẹ kế gọi thánh thót:

        – Hùng, mầy ngủ luôn dưới bếp nữa hả, lên tau biểu đây!

        Hùng thở dài một cái, vết lằn hôm qua còn đau, nó mới chỉ hơi lặn thôi. Hùng thầm cảm ơn mẹ đã cho Hùng một làn da hiền lành, nếu như da độc sẽ làm mủ và sưng lên, chắc khi đó Hùng sẽ đau buốt cả người. Hùng bước lên nhà trên, mẹ kế bảo Hùng khuân những thùng hàng ra chợ. Bà bán hàng vải nên sáng nào cũng phải mang ra, tối lại mang về. Công việc nầy đã thành lệ đối với Hùng. Làm xong công việc, Hùng ôm cặp đi học, ngày nào cũng thế, Hùng thấy không vui.

        Một bữa, sau khi ăn cơm xong, Hùng ôm cặp đến trường, trong thâm tâm Hùng muốn thoát nhanh ra khỏi căn nhà “ma ám” nầy. Trên đường đi đến lớp, Hùng cứ nghĩ miên man: “Cũng có thể tại mình lười biếng quá chăng, hay tại cứng đầu, cứng cổ – mấy đứa bạn của mình bảo thế – có lẽ tại mình, mình lười nhác quá, thường đi chơi sa đà nên mẹ kế đánh mình, rồi từ đó mình tủi thân mà…”Đang suy nghĩ miên nam, bất chợt phía sau có tiếng gọi, Hùng quay lưng lại ngoáy nhìn. Thì ra là Minh. Hai đứa bạn vui vẻ đi qua nhà Quang. Tập thể chúng lúc nào cũng đi với nhau, chơi thân với nhau nữa.

        Ra đến lớp, bộ ba nầy quá nhác, cửa lớn không đi mà đi vào lớp bằng cửa sổ. Hùng ngồi với bọn con trai trong lớp nói chuyện tầm phào. Bọn con gái thì chơi đủ loại trò chơi. “Sao bọn con gái lúc nào chúng cũng giỡn được”, Hùng chắt miệng thầm nghĩ như vậy. Nga Điệu đã đến, bọn con gái oang oang. Thật đúng quá mà, con Nga lúc nào cũng điệu. Bọn con gái la to: “Tóc em dài em cài…” Bỗng tiếng Phương cắt ngang.

        – Bọn bây ơi, Nga Điệu mới được vua ban áo Hoàng hậu đó.

        Nga Điệu liếc mắt lên tiếng:

        – Áo ni má tui mua cho tui chớ bộ! Ai nói với mấy bà là của vua ban! Làm gì có chuyện Tấm Cám ở đây. Hích!

        Có tiếng của bạn nào vang lên:

        – Má ơi, có má đời con sướng vui…

        Thế là cả bọn con gái cười vang lên như pháo nổ, còn mặt Nga Điệu thì đỏ dần lên.

        Câu hát nửa đùa, nửa thật của một ai đó làm cho Hùng giật mình. Nó nhìn bọn con gái cười mà nghĩ thầm: “Bọn bay thiệt là sướng, dám đem cả mẹ ra giỡn”.

        Trống đánh tan trường. Bữa nay Hùng lại không xếp hàng. Rõ cứng đầu. Tiếng của Tuấn nói lớn:

        – Thây kệ nó, mắc mớ chi đến mình.

        Nói xong, Tuấn và Ly, hai đứa đi làm nhiệm vụ sao đỏ. Cả lớp hôm nay lại xôn xao: “Bọn bay ơi, cô Tha nghỉ sướng quá”. Cả lớp đứng đợi thằng Đoàn lên văn phòng xem có nghỉ thật không. Đoàn trở về lớp, nó thông báo nghỉ, vậy là cả lớp vỗ tay ào ào, ra sức quậy. Tuấn bước lại gần Hùng, nhắc:

        – Hùng nầy, đeo khăn quàng vô!

        Hùng nghĩ: “Đúng là giọng điệu của cán bộ lớp”. Giọng Tuấn lại day lên:

        – Hôm qua bạn này nghỉ không có phép, hôm nay chắc cô sẽ cho một gậy.[1]

        Hùng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Tuấn bước về chỗ của mình.

        Hôm qua, Hùng nghỉ cả năm tiết học, chắc hôm nay cô giáo gọi lên chỉ la thôi chứ không đánh đâu. Đối với Hùng, cô giáo chủ nhiệm năm nay nó rất thích. Nó xem cô như mẹ của mình. Hùng đưa tay vào túi quần lôi ra chiếc khăn quàng đeo vào cổ áo. Khi nãy có Tuấn, Hùng đeo khăn chỉ sợ lòi ra những vết lằn trên tay, sẽ khó giải thích biết mấy khi bạn bè thắc mắc.

        Ngay từ đầu năm học, Hùng đã quyết chí học môn Vật lý cho giỏi, nhưng bây giờ, có lúc Hùng bỏ môn Lý nhiều tiết nên không thể hiểu được bài. Hùng học môn Vật Lý với vẻ mệt mỏi.

        Trống đánh đổi tiết lại giục. Giờ ra chơi Hùng ngồi im một cục.

        Đến hai tiết Văn của cô chủ nhiệm, quả thật cô chỉ nhắc nhở Hùng lấy lệ rồi thôi. Dưới lớp có tiếng xì xào. Hai tiết Văn trôi qua nhẹ nhàng, Hùng cùng với Minh và Quang ra về. Bộ ba ấy lúc nào cũng thế.

        Trên đường về nhà Hùng nghĩ vu vơ. Nó bước bên Minh và Quang,  hai đứa bạn đang nói chuyện gì nó cũng không biết nữa. Mãi đến khi nó bước chân lên sân nhà, lòng Hùng lại càng buồn. Nó muốn đi chơi, nhưng nghĩ, vẫn còn công việc phụ giúp dì ở nhà. Hùng thầm nhủ: “Mình không thể như Minh và Quang được, không thể như thế được. Nhưng… gian nan… Tại mình. Có lẽ ngày mai đến gặp cô chủ nhiệm lớp, chắc cô sẽ giúp. Mình xem cô như mẹ mà!”

Cây hoa phượng vĩ – các trồng và chăm sóc cây hoa phượng vĩ 6

Ảnh minh họa (S.t)

        Hùng lại bắt tay vào công việc mà lẽ ra nó không phải làm nếu như nó còn có mẹ.

        Một hôm, vào buổi sáng trời đẹp biết bao, ánh nắng in rõ bóng hình các cô cậu học trò tinh nghịch trên hàng hiên trường. Từ ngoài cổng, ba đứa Hùng, Quang, Minh thong thả đi về phía lớp học, nơi có tiếng ồn ào nhộn nhịp từ đó vọng ra. Trong đám đông, Kim Ngân đánh bạo, nhét sẵn tờ giấy học trò vào túi áo và đi về hướng ba đứa bạn. Tờ giấy mà tối qua Kim Ngân đã viết để gửi Hùng nếu như những điều Ngân định trình bày với Hùng sẽ không hết ý, chừng đó Ngân sẽ tìm cách gởi Hùng và mong Hùng đọc được, may ra có chút thay đổi nào chăng, tình cảm của Hùng có lắng đọng hơn chăng!

        Đang đi trên sân trường ngập nắng, nhìn thấy Kim Ngân, Hùng tươi mặt hỏi:

        – Ngân ra làm gì ngoài cổng giờ nầy ?

        Ngân cười đánh bạo nắm tay Hùng thân mật:

        – Hùng! Ngân nói chuyện nầy cho nghe.

        Hùng giãy nảy:

        – Thôi ! Khi khác đã, có gì mà nói!

        Kim Ngân cố nài:

        – Thật mà, có chuyện này… Hùng nghe Ngân một chút có sao đâu!

        Một cách miễn cưỡng, Hùng theo Ngân, hai đứa đứng dưới gốc phượng già. Có tiếng vỗ tay từ trong hàng hiên vọng ra sân. Kim Ngân định sẽ tìm cách thuyết phục Hùng, song cổ Ngân dường như khô khốc cứ mãi ngập ngừng. Hùng nóng nảy giục:

        – Mau lên, Ngân nói cái gì nào?

        Ngân vẫn chưa tìm ra “lời nói đầu”, thêm nữa bạn bè cứ vỗ tay mãi cũng ngượng. Vừa đưa tay vào túi áo lấy tờ giấy ra, Kim Ngân mạnh dạn:

        – Hay là Ngân gởi Hùng cái này, về nhà lúc nào rảnh Hùng đọc cũng được!

        Hùng thắc thỏm muốn bỏ đi, Ngân giữ lại:

        – Đưa cặp đây Ngân bỏ vào.

        Hùng dùng dằng nhưng cũng cố chìu lòng người bạn gái, quay lưng, Hùng bảo Ngân:

        – Thì nhét vào cặp, tối mới đọc, được không. Có gì quan trọng lắm hả?

        Kim Ngân cười “ừ”, gục đầu vẻ hài lòng. Hai đứa bước về phía có tiếng ồn tinh nghịch. Từ trong lớp học, tiếng vỗ tay của đám bạn vọng ra sân.

        – Nắm tay còn gởi thơ nữa tụi bay ơi, gởi thơ!

        Đêm hôm ấy như nhiều đêm đã qua, Hùng mang chiếc cặp bạc màu của nó ngồi vào bàn học chuẩn bị cho ngày mai. Chợt từ trong cặp rơi ra một tờ giấy gấp vuông vắn cùng với quyển vở. Hùng chợt nhớ tờ giấy của Kim Ngân gởi cho mình dưới gốc phượng hồng trong buổi học sáng nay. Hùng chậm rãi mở ra, trước mặt là bức thư của Ngân, nó chau mắt chăm chú đọc.

        “ Hùng này,

        Ngân hiểu Hùng gặp phải điều không may. Hình như bà mẹ kế của Hùng ngày nào cũng tìm cách mắng mỏ Hùng phải không? Cực cũng chẳng thấm vào đâu Hùng ạ. Nếu vì sự hành hạ của bà ấy mà Hùng lơ là học tập thì kết quả suốt đời Hùng nhận lãnh. Nhưng nếu bạn nhịn, bạn sẽ tìm được con đường sáng tươi hơn. Cuộc đời của Hùng chỉ có hai con đường. Hãy nhớ lấy. Nếu bây giờ bạn chịu khó và cố gắng học giỏi thì tương lai của bạn sẽ đầy triển vọng. Con đường tươi sáng ấy Hùng sẽ đặt chân lên được. Trái tim của Hùng lúc ấy sẽ là màu hồng chứ không phải như bây giờ. Lúc ấy Hùng sẽ không bị ai ăn hiếp và cũng sẽ không bị ai cướp đi hạnh phúc. Đà Nẵng mình ngày nào mà chẳng nhộn nhịp vươn lên đang chờ tụi mình đấy. Con đường trải vàng ấy đang mời mọc bao lớp thanh niên như Hùng, như Minh, Kim Ngân… chẳng hạn. Lúc ấy mẹ của Hùng ở suối vàng cũng sẽ tươi cười với Hùng. Lúc ấy tiếng Má sẽ luôn ở bên Hùng, hạnh phúc của Hùng, Ngân tin rằng lúc nào cũng là hạnh phúc của mẹ. Hùng phải làm cho mẹ luôn ở bên Hùng, bằng lòng với Hùng. Được thế Hùng sẽ sung sướng. Bạn bè sẽ mừng cho Hùng. Kim Ngân cũng sẽ vui biết mấy”.

        Đọc gần cuối lá thư, Hùng ngước mắt nhìn ngọn đèn sáng lung linh, dường như thư của Kim Ngân viết dài. Hùng khẽ đưa tay định gùi tờ giấy không muốn đọc thêm nữa. Nhưng rồi Hùng lại tiếp tục.

        “ Hùng này,

        Ngân nghĩ, Hùng cũng có phần sai đấy chứ. Hãy cứ nghĩ lại mà xem. Nếu như ngoài giờ đi học, Hùng không ham chơi, không đánh bi da đến tối thì đâu đến nỗi! Ngân tin rằng Hùng sẽ hiểu những gì Ngân nói. Bạn bè lớp mình ai cũng nghĩ thế đấy Hùng. Mấy hôm nay, giữa sân trường ai cũng nhìn Hùng đấy. Ngân muốn Hùng giống như chúng mình nhé!

        Mong Hùng đừng giận Ngân. Vài hôm nữa cô chủ nhiệm sẽ nói chuyện với Hùng đấy. Hùng đọc thư Ngân chắc buồn cười lắm nhỉ. Thư chi mà dài thòng còn dạy nhau nữa chứ. Nhưng mà khi Hùng nhận ra sự thật thì cuộc đời của Hùng sẽ dài hơn, dù Ngân có viết hết giấy trên trái đất nầy cũng không sao nói hết. Khi ấy đời Hùng sẽ sáng tươi hạnh phúc. Hùng không nghe Ngân, bỏ học đi chơi thì Ngân là người đầu tiên ghét Hùng, nếu Hùng không phản đối. Ngân mong chờ sự trả lời của Hùng “được” và “không được”. Chúc ngủ ngon. Kim Ngân.”

        Đọc xong thư của Ngân, Hùng bậm môi lắc đầu ra vẻ không hài lòng, thầm nghĩ: “Hừ! Giống cái kiểu của cán sự lớp”.

        Xong, trên hai mắt của nó những giọt nước mắt lưng tròng rồi nhỏ xuống tờ thư. Úp mặt vào hai bàn tay, Hùng khóc!

        Thình lình nó đứng lên, đẩy chiếc ghế ra phía sau bụm miệng thổi tắt ngọn đèn, Hùng thẩn thờ đi về chỗ mà nó có nằm xuống giường trùm mền lên tận cổ. Nó khóc rấm rức trong đêm. Mấy giòng chữ con gái của Kim Ngân ẩn hiện trong suy tưởng. Nó nghĩ: “Có lẽ tại mình, tại mình tất cả. Kim Ngân nói đúng, sao mình không như bạn bè trong lớp. Sao không như Ngân dù đời riêng có chuyện không may. Ngân ơi! Cảm ơn Ngân, Hùng sẽ làm lại từ đầu. Lâu nay có ai nói với mình cái gì đâu mà biết, mình trược dốc, suýt nữa thì té ngả mất rồi.  Ngân ơi! Hùng sẽ gặp cô chủ nhiệm vào sáng ngày mai dù có thể là đã trễ. Hùng sẽ trả lời cho Ngân, cho Hùng làm người bạn thân thiết của Ngân. Hùng thì “ được “, còn Ngân?

        Đêm sâu dần, nhịp thở của Hùng đều đều. Nó ngủ một đêm bình thản.

                                                                         Đà Nẵng mùa mưa 1996

[1] Một gậy: tức cho điểm 1.