BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC

430

       Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc                                                             

 

        Một nền văn hóa bao giờ cũng xuất phát và gắn với một dân tộc, mang nét đặc thù riêng, phân biệt nó với nền văn hóa khác. Đó chính là bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc chính là sự kết tinh những giá trị tinh thần cốt lõi và đặc sắc của dân tộc, mang tính bền vững, trường tồn, được vun đắp nên qua lịch sử tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc. Nó là nhân tố đảm bảo cho dân tộc tồn tại và phát triển bằng cách kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bản sắc văn hóa dân tộc còn thì dân tộc còn, bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một hoặc bị đánh mất thì dân tộc sẽ là cái bóng của dân tộc khác.

        Hệ thống các giá trị tinh thần cốt lõi và đặc sắc đó được thể hiện phong phú và đa dạng trong các di sản văn hóa dân tộc, do đó, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc chính là phương thức tốt nhất, lâu bền nhất để xây dựng, củng cố một nền tảng tinh thần xã hội vững chắc, tạo điểm tựa cho sự vận động và phát triển của dân tộc.

        Thực tiễn lịch sử Việt Nam đã cho thấy, kế thừa đó không chỉ là ý thức trách nhiệm mà còn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, để khẳng định “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang”. Những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước, yêu lao động, lòng nhân ái, vị tha và tính cộng đồng. Những giá trị truyền thống đó từng là nguồn sức mạnh to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ngày nay bước vào thời kỳ công nghiuệp hóa hiện đại hóa, những truyền thống ấy vẫn đang là những đòi hỏi cần phải có đối với mọi người.

        Trong hai cuộc kháng chiến giữ nước vừa qua, phần lớn thời gian nhân dân tiến hành chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Thế nhưng chúng ta vẫn tiếp tục kế thừa những truyền thống văn hóa tốt của 54 dân tộc anh em như một sức mạnh vô địch đánh thắng giặc ngoại xâm và các thế lực bạo tàn, xây dựng và phát triển đất nước. Đó chính là bản lĩnh của văn hóa Việt Nam, nhờ đó mà qua bao tháng năm của lịch sử mà “Bốn nghìn năm ta vẫn  là ta” bản sắc không biến mất mà long lanh lên trong quá trình kế thừa để phát triển. Văn hóa chúng ta đã góp cho văn hóa nhân loại không chỉ trống đồng Đông Sơn, Truyện Kiều, mà còn các làn điệu dân ca ba miền Trung – Nam – Bắc v.v…

        Trong lịch sử dân tộc ta, phải có một ý chí tự lập tự cường và lòng tự tôn mãnh liệt mới sinh ra những áng hùng văn “Nam quốc sơn hà”, “Bình ngô đại cáo”, phải với một dân tộc rất tự hào về truyền thống mới tuyên thệ: “Đánh cho để tóc dài, đánh cho để đen răng, đánh cho sử tri Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”. Nền văn hóa ấy đã kế thừa và truyền lại cho mỗi người Việt Nam hôm nay, đấy là khí phách, là tâm hồn dân tộc, là một tài sản vô giá được mang theo trên hành trình tiến lên phía trước. Chúng ta vẫn kế thừa nồi cơm văn hóa Thạch Sanh, cái búa truyền thần giáng vào đầu quân gian ác, là cây đờn tình tang mong muốn có hòa bình, tình yêu trường cửu. Đó là lời ru những đứa con vừa lọt lòng mẹ của dân tộc Việt Nam, là trăm nghìn câu chuyện truyền đời về nàng Tô Thị về Ngũ Hành Sơn, về Tiên Sa, về Bà Đen, Bà Điểm… Chính đó là cội nguồn sâu lắng trong mỗi con người Việt Nam dù đến lúc dư thừa của để, nhưng vẫn ước mong được nghe các làn điệu dân ca, được tắm hồn mình trong văn hóa dân tộc. Kế thừa, phát huy những gía trị truyền thống quý báu đó, những di sản văn hóa vô giá đó đến hôm nay, cho ngày mai và cũng chính là tạo dựng, vun đắp làm phong phú hơn, vững chắc hơn nền tảng tinh thần xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc vốn đã hình thành nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh cách mạng.

        Trải qua các cuộc chiến tranh tàn phá, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đặc biệt là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa hội nhập với thế giới hôm nay đã nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí cả những mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế – xã hội. Trong các tác nhân gây tổn hại cho di sản văn hóa ngoài yếu tố thiên tai, địch họa thì con người, cách hành xử thiếu văn hóa của con người đối với di sản vẫn là thủ phạm chính. Bên cạnh đó, xu hướng hiện đại hóa mọi mặt trong đời sống xã hội cũng đẩy con người tới việc từ chối, lãng quên các giá trị truyền thống. Lối sống thực dụng trong đời sống xã hội, sự vị kỷ của con người đã dẫn đến không ít hành động đáng phê phán đối với di sản. Đó là sự lấn chiếm, cơi nới, xây dựng trái quy hoạch đã dẫn tới tình trạng hủy hoại môi trường cảnh quan di sản trong tổng thể kiến trúc. Mặt trái của cơ chế thị trường đã len lỏi vào từng căn nhà, góc phố, lối sống thực dụng vì tiền đã làm biến đổi trầm trọng những quan niệm truyền thống về tình thương, đạo lý về cách thức ứng xử, làm biến dạng phong tục, tập quán, những di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh bị khai thác vô tội vạ vì lợi nhuận trước mắt khó tránh khỏi nguy cơ kiệt quệ, xuống cấp.

        Ngoài ra, quá trình mở cửa hội nhập quốc tế cũng đem đến những tác hại không nhỏ trong việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Lối sống của một bộ phận thanh niên có chiều hướng ảnh hưởng văn hoá ngoại lai đang đe dọa đến nếp sống và văn hóa truyền thống của dân tộc. Cuộc đấu tranh giữa “hòa nhập” với “hòa tan”, “đổi mới” với “đổi màu” đang là cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên mọi mặt trận mà trong đó, văn hóa chính là mặt trận hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế.

        Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, các di sản văn hóa (cả hai mặt) giữ vai trò là tài nguyên vô giá. Để phát triển kinh tế du lịch cũng phải dựa trên những di sản quý báu của dân tộc. Tuy nhiên bảo tồn di sản không hề đồng nghĩa với việc đóng khung trong di sản. Chủ trương kế thừa, giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc không hề đồng nghĩa với bảo thủ, tự cô lập, đóng kín, khư khư bám lấy cái cũ, kiểu như “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Giữ gìn và kế thừa truyền thống ngàn đời về lòng nhân ái, bao dung, trọng đạo lý, thương người như thể thương thân như “nhiễu điều phủ lấy giá gương..” như “bầu ơi thương lấy bí cùng…” như “công cha như núi Thái Sơn…” và kế thừa không chỉ nội dung mà còn cả hình thức trong tất cả các loại hình nghệ thuật: văn, thơ, nhạc, họa, kiến trúc, mỹ thuật, tuồng chèo…. đến các loại hình dân ca, dân vũ dân dã nơi làng quê xóm kiểng: bài chòi, các làn điệu dân ca, làn điệu đồng dao cho trẻ em, chính đó đã làm cho dân tộc ta là một trong số các dân tộc có bản sắc  văn hóa đặc trưng như Trung Quốc, Nhật, Pháp, Ấn Độ… Bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa trong tiến trình vận động và phát triển của văn hóa không phải những giá trị tạm thời nay còn mai một, song nó cũng không phải là cái không bao giờ thay đổi được và không cần sửa đổi. Ta có nếp sống tinh tế, kín đáo trong giao tiếp được giữ lại cho đời sau kế tục, cách ứng xử thông minh. Ta giản dị trong lối sống, thanh thoát mà gợi cảm trong chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam… những nét đẹp bản chất của truyền thống ấy phải được kế thừa. Và, tiến trình phát triển văn hóa, kế thừa, đổi mới là quy luật khách quan để tồn tại của một dân tộc. “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm.

        Văn hóa dân tộc là một dòng chảy liên tục phát triển đồng hành cùng với lịch sử và trong sự giao lưu với các nước về nhiều mặt: giao lưu chính là sự trao đổi trong quá trình thâm nhập vào nhau, tác động lẫn nhau của những dòng tư tưởng, của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, của các nền văn hóa các dân tộc trong một cộng đồng quốc gia, giữa nền văn hóa của dân tộc này với nền văn hóa của dân tộc khác trong quá trình hợp tác và phát triển. Chúng ta giao lưu với các nền văn hóa làm cho cái hữu ích, cái đúng, cái tốt, cái đẹp của các nền văn hóa các dân tộc quyện vào nhau, tác động lẫn nhau, vừa nâng cao được những giá trị văn hóa truyền thống, vừa khắc phục sự hẫng hụt của nền văn hóa cổ truyền làm cho các nền văn hóa dân tộc xích lại gần nhau, nó tạo ra những cơ sở điều kiện thuận lợi để các dân tộc và nhân dân thế giới cùng phấn đấu hướng tới khát vọng vĩnh hằng của nhân loại là độc lập, tự do, công bằng, bác ái, bình đẳng và dân chủ.

        Nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chính sách đối ngoại mở rộng, là bạn với tất cả các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa đây vừa là cơ hội lớn, đồng thời là thách thức lớn. Trong giao lưu văn hóa, mỗi dân tộc đều có thể đóng góp những bản sắc độc đáo riêng của mình vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại, làm cho nền văn hóa của nhân loại ngày càng thêm phong phú. Xuất phát từ yêu cầu này, chúng ta mạnh dạn hội nhập, tiếp thu nhưng không đánh mất, không hòa tan bản sắc của mình. Trái lại, chúng ta có trách nhiệm bổ sung, đóng góp cho nhân loại những gì đặc sắc của chúng ta và tiếp nhận, bổ sung những tinh hoa nhân loại để bản sắc văn hóa Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Làm được như thế, văn hóa luôn luôn là động lực của sự phát triển, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bởi vì những giá trị văn hóa chân chính không chỉ là của riêng một dân tộc mà là tài sản chung của nhân loại. Chính trong quá trình nhận và cho này làm cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, ngày càng xích lại gần nhau, bản sắc văn hóa của dân tộc càng được khẳng định. Bên cạnh giao lưu giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc vào kho tàng văn hóa nhân loại, ta tiếp thu những cái tốt, cái tương đồng của các dân tộc khác không chỉ trong nước mà mở rộng giao lưu quốc tế. Ta phải tĩnh táo phòng ngừa loại trừ những cái xấu, cái dở không phù hợp. Sự học tập tiếp nhận lựa chọn phải rất chủ động, tin tưởng nhất định không để mắc phải thói “ham thanh chuộng lạ”, sùng bái một cách mù quáng cái lạ bên ngoài.

        Chúng ta khước từ du nhập những loại văn hóa phẩm có tác động hạ thấp các giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp của dân tộc, có khả năng gây ô nhiễm thuần phong mỹ tục.

Xem video “Chung kết pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – đội Anh” (Video THANG PHUOT)

  __________                                                                       

* Ảnh đại diện: VVH.