Nam nữ làng tôi hát hò khoan
Hội hè của làng thường là khai hội hát bội đầu năm tại đình làng, hoặc khai hội bài chòi nhân ngày tết cổ truyền, hoặc lạc thành đình chùa có lễ hát mừng. Gánh hát được rước từ nơi khác đến tại làng phục vụ vài ba đêm rồi thôi. Đối với sinh hoạt vui chơi, giải trí, tạo nên nếp sinh hoạt văn hóa của làng xưa nay vẫn nghiêng về hò hát hò khoan đối đáp hoặc nói vè trong làng, nhân những buổi làm đồng, những đêm giúp nhau trong công việc nhà nông.
Người lớn vẫn chuộng những cuộc hát hò trong xóm sau những buổi lao động đồng áng, trên các gò đồi, hoặc giữ bò theo triền núi Phước Tường. Làng Đông Phước, một thời gian dài, nhất là từ khi thực dân Pháp đã làm mất đi những trai làng, những trung niên lực điền thường có sinh hoạt văn nghệ trong những lần hò hát. Các nghệ nhân dân gian: Hương Nhạc, Châu Xứng, Trọng Quào (Cọng Quào /Hào), xã Tân, Trịnh Nuôi,… là những nghệ nhân có tài, thường có bài và hát trong những đêm trăng sáng tại làng đều là những người mất sớm. Trước 1945, làng có đội hát, thường hay hát chung với các làng bộ lân cận: Phong Lệ, Quá Quê (Hố Quê, Khuê Trung), Tân An, Phước Mỹ, Phước Tài đến cả Thanh Khê là nơi đội hát thường lui tới để hát với nhau. Chính đó, cho thấy ở làng vẫn có các nghệ nhân dân gian thông minh nhanh trí trong hát kiến tại, ứng tác tại chỗ. Ngoài những câu ca được tiếp thu từ nơi khác đến trong các lần hò hát còn có những câu hò khoan đối đáp nhau qua lại từ làng Đông Phước ra đi. Họ cũng tách bạch lòng mình một cách bộc trực thẳng thắn, chân tình, giàu tính trữ tình và không thiếu yếu tố duyên dáng trong sáng tạo nên lời ca và vận dụng khúc thức âm nhạc của hò khoan vào diễn xướng.
Trong tình yêu thường nhẹ nhàng nhưng đôi khi có day dứt lo lắng. Lời lẽ trong tình yêu khi thổ lộ mộc mạc hết sức giản dị nhưng lại nói lên một chủ ý rất lớn trong khi tìm hiểu và bày tỏ tâm tình.
Em phân với chàng tại đàng kiệt vắng
Chưn chàng đừa đất bột, tay chàng rút đọt tre [1]
Mấy lời chàng dặn em nghe rành rành
Nguyện cùng nhau hai mái tóc xanh
Thương nhau cho đặng, tử sanh nhờ trời. [2]
Việc yêu nhau trong thời buổi phong kiến khi mà “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, khi mà “nam nữ thọ thọ bất thân” là điều hết sức bạo dạn, họ vượt qua được những quan niệm cũ trong tam cương ngũ thường là điều chứng tỏ có sự thay đổi căn bản về quan niệm tình-yêu-hôn-nhân-gia-đình trong xã hội đương thời.
Thiếp nguyền với chàng tại ga Liên Chiểu [3]
Chàng nguyền với thiếp tại miễu Hà Khê [4]
Không tin cắt tóc mà thề
Trước răng, sau rứa đừng thề tiếng chi.
Hay:
Lạy trời đừng nắng đừng mưa
Âm u gió mát thiếp đưa chàng về
Chàng về tới đất Hố Quê [[5]]
Xây lưng trở lại ủ ê gan vàng.
v.v…
Xem trình diễn pháo hoa quốc tế 2015. Đôi Việt Nam (Video VTV2)
Ở đây, trong quá trình sưu tầm ghi chép lại sinh hoạt vui chơi, giải trí của người dân làng Đông Phước vẫn còn thiếu nhiều thể loại trong vốn văn học dân gian như bài chòi, truyện kể, câu đố… trong đó quá trình lao động sản xuất từ khi thành lập làng đến nay không nhiều. Có thể theo tháng năm, người làng quên đi, cũng có thể từ những biến động lớn của lịch sử dân tộc trong đó có làng Đông Phước mà việc phản ánh lại vốn văn học này bị lãng quên, thất lạc. Đại đa số gặp ở đây là vè, hát đối đáp, chủ đề tập trung là tình yêu, hôn nhân gia đình, chống tầng lớp phong kiến và chống quân xâm lược, chống các thế lực ngoại lai, chống lối sống xa xỉ. Mảng văn học dân gian chống Pháp, vẫn là lợi khí sắc bén động viên tinh thần kháng chiến của làng, góp phần mình cùng với các làng bộ khác tham gia chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh, người dân trong làng vẫn thấy lực lượng ngũ hương, [6] nhà giàu phú hộ – lực lượng luôn chèn ép người dân trong làng, nhất là trai cày thợ cấy và giới chăn trâu thuê – là lực lượng đáng lên án:
Cho tôi ở mướn tính ra từng đồng
Cái om bằng cái trứng công
Hết một nắm thóc bớ ông chủ nhà
Cái tách bằng cái hột gà
Hết một nắm thóc bớ bà chủ ôi !
Bằng lời nói mộc mạc, dân gian là nét đặc trưng của người làng, không thêu thùa hoa mỹ trong cách diễn đạt, họ bộc lộ trực tiếp nỗi bất bình của mình đối với nhà chủ mà không sợ bị tấn công vào bản thân và gia đình. Qua đó, ta thấy ở người dân làng Đông Phước bộc trực:
Sớm mai ngủ dậy cái mặt chùng bùng
Cậu mắng, mợ chửi, anh hùng gớm ghê,
Còn ba bữa nữa tui về !
Hơn thế nữa, đối với tầng lớp phong kiến đang trên đà suy thoái này, họ cũng bằng cách nói bộc trực chất phát không theo khuôn phép qua thể thơ lục bát – thể thơ dường như trong lời nói người Việt dã có từ trước – họ mượn lối nói sáu tám mà bày tỏ thái độ, phê phán trực tiếp các hình thức phong kiến cũ.
Quán này là quán tới thường
Lần chưn bước tới tỏ tình thủy chung
Chuyến này ổng muốn làm hung
Ôm lưng bà quán, bả vùng bả la
Ông đừng hiện kiếp yêu ma
Gúi chùng, răng rụng, tuôi già rồi (huớ) ông
Bảy mươi tuôi lại góa chồng
Còn thêm duyên lợt, má hồng tuôi phai.
Cùng với dân làng khác lâng cận, làng Đông Phước lại bị trói vào cổ, thêm xích xiềng cột chặt vào thân, nặng nề, đấy là lúc thực dân Pháp cậy thế chiếm đất lập vườn:
Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Lệnh trên đại Pháp dọn đường đi chơi
…
Thằng Tây ỷ thế làm ngang.
nhưng thái độ của họ là dứt khoát, mãnh liệt bằng phương tiện đối phó của mình, thô sơ nhưng cương quyết và nguy hiểm cho kể thù. “Anh em cứ việc bay giành / Cu li đào lỗ dây xanh trói liền” [[7]]. Thái độ rất “nông dân”, ngôn ngữ không đắc sắc nhưng thật nghiêm túc và hành động cương quyết.
Vậy mà vẫn cứ lo toan không chỉ cho mình mà còn cho làng xóm, bà con:
Từ ngày giặc đánh nước ta
…Kẻ thời bỏ chạy Túy Loan
Cha con, chồng vợ ngồi đàng chắt chiu
Sợ e ba bốn giờ chiều
Dứt cầu Phong Lệ dắt dùi ra đi.
Đất nước có chiến tranh, có kẻ thù, người dân làng Đông Phước cũng không thể ngồi yên vùng ngoại thành Đà Nẵng được. Họ đi chiến đấu với khí thế chung của cả nước. Cửa nhà tan nát, giàu nghèo cũng ra tro. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, dưới thời tướng giặc Đờ lát Đờ tát xi ni đã cho đúc 2 lô cốt 46, 48 gom dân làng lại để dể kiểm soát. Nhưng họ:
Cuộc phản công ta sắp đến ngày
Khuyên anh em binh sĩ phải dày mưu cơ
Ra tay đánh địch trả cừu
Tám mươi năm đô họ còn mưu hại mình
Quyết là chiến đấu hy sinh
Vệ quốc quân đi trước, anh em mình theo sau.
Trải qua những đau thương dồn dập đến với làng, thực dân Pháp đánh thuế lên thân người, “một năm ba đồng sáu giác”, cướp đất lập đồn rồi Nhật đến. Nhưng không phải vì vậy mà người dân của làng bỏ bê công việc ruộng đồng. Họ vẫn cấy cày trên những thửa ruộng mỡ màu và ước ao mùa được mùa cho: ”lúa ba trăng trổ trước, mận chùm trổ sau”.
Sản xuất nông nghiệp cổ truyền là công việc thường xuyên hằng năm của dân làng, lao động trên các gò đồi: gò Đồ, gò Trọc,… không thể nào tách rời khỏi cuộc sống từng ngày được. Thêm vào đó là nghề trồng thuốc lá phát triển lâu đời đã gắn kết người dân trong làng với làng nghề thuốc lá Cẩm Lệ sôi động từ tiết tháng 11 đến hết tháng Giêng. Vừa sản xuất làm ăn trên ruộng đất quê nhà, lại phải ra sức chống trả kẻ thù, còn chống trả lại thiên nhiên để vươn lên giành lấy cuộc sống đẹp tươi quả là vất vả. Đâu phải thiên nhiên lúc nào cũng hiền hòa ưu đãi mà bão tố, hạn hán xảy ra trấn áp liên tục, ấy thế dưới bàn tay cần cù của dân làng, mỗi lần mùa về lại có:
Bằng lăng ai nấy được khoai chật nhà
Gánh về xúm xít xắt ra
Chó ăn không hết, gà tha không rày [[8]]
Trên sông dưới biển đã đầy
Năm Thìn thì đói, năm này thì no.
v.v…
Trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống kẻ thù, đấu tranh cải tạo thiên nhiên, tinh thần tin tưởng lạc quan ở ngày mai thắng lợi vẫn là tư tưởng chủ yếu của người dân làng Đông Phước. Chính đó mà trên những đường cày, rẫy bắp, thửa mộng, đám thuốc ở đấy giọng hát hò cứ vang lên, vang mãi. Ở đâu cũng gặp người dân làng hát với nhau, hát bằng nhân nghĩa, bằng đối đáp, bằng hò khoan giản dị nhưng sâu lắng, lời thơ hàm nhiều ý tưởng đẹp. Trong lao động có sáng tạo, hoàn cảnh tạo ra cho dân làng nếp tư duy trung thực. Trong hò hát, ví von so sánh là cách họ thường dùng, các nghệ nhân dân gian cũng kịp bắt được nhanh nhẹn nội dung hát đối, thể hiện được tư tưởng sâu sắc, sinh động. Họ ca ngợi tình người, nhân nghĩa là cốt yếu trong các loại hát hò. Ta gặp ở đây loại đối đáp trồng mái, các nghệ nhân có khi chống gậy dò đường đi hát nhân ngãi với làng bên cạnh, hay có khi làng bên đến hát tại Đông Phước. Họ giã trấu mà hát, tát nước, cấy đêm, xâu thuốc lá,… mà hát với nhau:
Nam:-Con kia mi đừng nói lừng khừng
Xung điên tao bắt rắn bỏ quần mi phải khai
Nữ: -Bụng đàn bà, dạ con gái
Thấy rắn phải la làng
Rắn không phải rắn, hắn vàng vàng như lươn. [[9]]
hay:
Nữ: –Nhón chân kêu huớ Ba D.[10]
Mai sau chú chết làm cu hay cò
Nam: –Việc tui, tui biết, việc cô cô lo
Ai biểu cô dòm trên, ngó dưới mà hỏi làm
cò hay cu.
Người trong làng kể lại rằng có những đêm trăng dọi thay đèn, trên sân nhà một người bạn diễn ra cuộc hát hò khoan, đối đáp. Người xem và người diễn là một, họ dùng trấu để giã và cứ vậy mà hát. Trong cuộc hát hò tình huống ứng xử là quan trọng, nên nhanh trí còn phải có trí thông minh xử lý tình huống nhanh. Bằng cách nói lái trong tiếng Việt, họ vận dụng tài tình để đối đáp:
-Giương cung bắn xỉ con cò [11]
Thường ngày thường tới, thường mò cá tôm.
Chưa thấy ở đâu mạnh dạn như ở đây, cùng với dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng, làng Đông Phước không thể tách rời ra hệ thống dân ca đó. Qua các thể loại, ta thấy có cái gì đó độc đáo trong ngôn ngữ, trong thơ. Người hát khi cất lên là thấy tính chất thật thà mộc mạc, có khi cũng vụng về thô thiển. Và nhất là họ hát táo bạo không ngại:
Hớt cái l… quăng chũm xuống sông
Để trai Phong Lệ hết phương rình mò.
Việc tìm hiểu con người làng Đông Phước qua văn học dân gian từ khi làng mới thành lập đến nay có nhiều thời kỳ không thấy lưu lại những câu ca chuyện kể trong trí nhớ nhân dân. Hiện nay tồn tại trên địa bàn làng Đông Phước nhiều điệu lý, hò, vè. Trong một chừng mực nào đó, ở đây thể hiện được tấm lòng của người dân làng Đông Phước. Họ có đủ những đức tính mà người Quảng hiện có. Từ công ăn cho đến việc làm đều thể hiện rõ bản chất vui, buồn, thương ghét, giận, hờn… thường lặp đi lặp lại. Toát lên ở đây là tinh thần đấu tranh chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm. Tinh thần chống giặc ngoại xâm là cực kỳ quan trọng. Làng Đông Phước nằm ngay trong vành đai giặc Pháp khống chế.
Ngày nay đất nước thái hòa, thanh bình thạnh trị, trong quá trình hội nhập và phát triển, người dân làng Đông Phước bắt kịp nhịp sống văn hóa văn minh, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng làng xóm mình vươn lên giàu mạnh. Không còn căn hộ nào là tranh tre tạm bợ, không có đường kiệt, đường công hương nào là đường đất, nắng bụi mưa lầy; không có con đường mòn nào mà không được bê tông hóa bằng ci măng kiên cố. Nhà ở của người dân được xây xông, lợp tôn, lợp ngói hoặc đúc bằng bê tông cốt sắt kiên cố. Cuộc sống theo đó ổn định bền vững. Nhiều người học hành đỗ đạt thành tài đang cống hiến sức mình xây dựng quê hương đất nước tươi đẹp thêm hơn./.
* Ảnh đại diện: VVH.
[1] Đừa: như đùa (đt), dùa. Chỉ động tác đẩy đất bột lại thành nhóm, hoặc khoả cho bằng phẳng. (phương ngữ).
[2] Đây là câu hát theo bà Hồ Thị T. (đã mất), là của một chàng trai và cô gái trẻ đẹp của làng. Nay cô đã già.
[3] Ga Liên Chiểu: tại thôn Liên Chiểu có ga tàu lửa, nay thôn là khu dân cư thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng.
[4] Nay là phường Xuân Hà và phường Thanh Khê. (Xuâ Hà, Thanh Khê trước 1975 thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam). Phường Thanh Khê năm 2005 tách thành hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
[5] Hố Quê: trước là Quá Quê, nay là phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Tp Đà Nẵng.
[6] Hương mục, hương thân, hương lý, hương kiểm, hương bộ.
[7] Dây xanh: loại dây leo thân nhỏ như chiếc đũa ăn cơm màu xanh sậm. Dây rất dẻo dùng trong cột tre, bổi, rơm… đi củi từ núi về rất chắc.
[8] Không rày: không la, không quở trách..
[9] Lương là tên chàng trai, Khai là tên cô gái.
[10] Ba D. người làng Đông Phước (nay là khu dân cư số 1 Đông Phước).
[11] Vận dụng phương thức nói lái trong tiếng Việt.