Nghệ thuật tạo hình trên thổ cẩm Cơ Tu

350

Nghệ thuật tạo hình trên thổ cẩm Cơ Tu

 

        Trên thổ cẩm người Cơ Tu, thể hiện nhiều loại hoa văn khác nhau, màu sắc có sự đan xen xanh vàng, nhiều hơn cả là các màu đen, trắng, đỏ. Hoa văn trên thổ cẩm Cơ Tu, nếu là hoa văn kép, cùng dệt trên một diện tích vải, các nghệ nhân dệt tập hợp đủ bốn biểu tượng mà các cô thiếu nữ Cơ Tu tần mẫn dệt nên để tạo thành một biểu tượng nào đó phổ biến trong cuộc sống thường ngày; còn nếu là hoa văn đơn dệt trên thổ cẩm thì chỉ một biểu tượng hoa văn là đủ.

        Có nhiều loại hoa văn trên thổ cẩm được gọi tên, nhưng không ít hoa văn cảm nhận vẻ đẹp qua quan sát, bởi sự đa nghĩa của biểu tượng. Tuy nhiên quan sát và tách bóc các thành tố cấu thành hoa văn trên thổ cẩm ta tìm gặp tập hợp bốn biểu tượng thường lặp đi lặp lại để tạo nên những đồ án trang trí khác nhau. Đó là: hàng rào, mã não, lá / hoa a túthoa pơ lơm.

       Để tạo thành dãy ngang với cách điệu hình học biểu tượng cho đường thẳng nối không gian nhích lại gần hơn tạo thành nhiều ô cửa. Có loại hoa văn biểu đạt mũi tên, con rắn, cái bếp,…Trong bốn thành tố trên thường xuất hiện chủ yếu phối hợp các thành tố tham gia vào các đồ án trang trí họa tiết trên thổ cẩm do các nghệ nhân dệt sắp đặt mà ta thường gặp là: hàng rào, mã não, lá a tút, hoa pơ lơm (trái tơ panl). Hoa pơ lơm, thảng gặp biểu tượng hoa tại gươl được chạm trổ hoặc vẽ trên những tấm gỗ a rơ ving, cây đà ngang nối cột r’măng với cột con đối xứng. Lá a tút gặp trên đồ án trang trí hoa văn cây x’nur, tập hợp nhiều hơn cả có mặt trên bốn thanh gỗ tượng trưng cho bốn cánh tay người phụ nữ dang tay lên không, múa da dắh dâng trời. Hoặc gắn biểu tượng lá / hoa a tút trên tấm a rơ ving của gươl (trường hợp gươl làng Gừng, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang).

        1. Biểu tượng Hàng rào được dệt phần dưới của váy phụ nữ và hầu như loại hoa văn này được cài đặt trang trí phần dưới váy và phần dưới áo cả cho phụ nữ và đàn ông, tạo thành dãy ngang phần dưới và phần giữa váy phụ nữ, hoặc đường diềm chạy dọc theo tấm dồ, tấm tút. Hoa văn hàng rào là sự biểu đạt ý chí, nguyện vọng của từng cá thể trong cộng đồng làng thường xuyên quan tâm đến thịnh suy của làng. Trong đó quan trọng hơn cả là hàng rào ngăn thú dữ vào làng quấy phá, làm hại các kho lúa và bắt gà vịt. Hàng rào còn để ngăn địch họa thâm nhập, tấn công làng. Màu sắc thường phối hợp có màu trắng, đỏ trên nền đen của thổ cẩm.

        2. Biểu tượng Mã não, trên thổ cẩm cách điệu là hình thoi màu trắng, đen, hoặc vàng, nhưng nhiều hơn cả vẫn là màu trắng. Thảng vẫn có màu đỏ và màu cam của mã não như vốn có nguyên mẫu của loại đá quý này. Tập hợp nhiều hình tượng mã não tạo nên hoa pơ lơm, con rắn, miệng cá trê,… Mã não là loại đá quý hiếm có từ thời văn hóa Sa Huỳnh, con người thời ấy dùng mã não là vật liệu trang trí cho phụ nữ và cả cho đàn ông. Người Cơ Tu dùng mã não cho trang phục, phần nhiều là loại mã não màu cam pha vàng, óng ánh rất đẹp. Đây là vật quý hiếm của người Cơ Tu. Họ chỉ sử dụng trang phục trong lễ hội quan trọng: cưới vợ gả chồng cho con, những lễ hội cộng đồng, hoặc trang phục khi đón khách đến thăm nhà, thăm làng.

        3. Biểu tượng Hoa pơ lơm (cũng gọi hoa / trái tơ panl), Hoa màu trắng, thân leo, khi nở mãn khai hoa cho 5 cánh, nhưng khi trở thành biểu tượng được khắc chạm trên thổ cẩm, tại gươl trên những tấm ván thưng quanh gương hay trên tấm a rơ ving, hoa được cách điệu như chiếc lá, hoặc biểu tượng tròn, trông như đồng tiền thời cổ, hoặc có thể liên tưởng chiếc hoa pơ lơm với hình tượng tròn trên một quân bài chòi,… Đến mùa hoa nở, rộ lên màu trắng đan xen với màu xanh cây rừng. Người phương Đông quan niệm màu trắng là màu của trung tính, có cả âm và có cả dương nên hoa pơ lơm trở thành biểu tượng tượng trưng cho vẻ trong trắng của người Cơ Tu giữa núi rừng. Hoa pơ lơm vào đồ án trang trí của người Cơ Tu thường là tập hợp của bốn hình mã não được sắp xếp tạo nên biểu tượng của pơ lơm.

        Trong bốn thành tố hàng rào, mã não, hoa pơ lơm, lá a tút người Cơ Tu phối hợp nhau để sáng tạo ra nhiều đồ án họa tiết trang trí trên thổ cẩm, trên gươl, trên các loại dụng cụ sử dụng hằng ngày.

        4. Biểu tượng Lá a tút: là lá cây đủng đỉnh (định danh theo người miền Trung). Loài cây cho công dụng:

        -Dùng lá chèn ép lại thành tấm dùng lợp nhà, che nắng trú mưa được vài ba năm, có thể đến năm năm mới lợp lại.

        -Trái đủng đỉnh dùng dầm rượu uống, hạn chế được một số bệnh về tiêu hóa và rượu làm tăng sức khỏe cho người sau ngày lao động.

        Do đó, người Cơ Tu rất trân quý loại cây này và lá được cách điệu chạm trổ trên gươl, thêu dệt trên thổ cẩm.

  

  Lá/hoa a tút – Hàng rào (chông) – hoa bơ lơm – mã não trên thổ cẩm Cơ Tu (A. S.t)

           Quan sát trên tấm dồ, tấm tút được dệt bằng thổ cẩm của người Cơ Tu, có thể tìm thấy nhiều loại hoa văn với những đường nét mềm gãy khúc, góc cạnh, những đường hình học đan xen nhau trên nền thổ cẩm,…Tất cả được thể hiện thông qua bàn tay dệt với nhiều kỹ năng ứng dựng hình học vào tiến trình sáng tạo nên một tấm vải bằng phương thức thủ công với đôi tay khéo léo của người phụ nữ Cơ Tu.

            Từ những tấm thổ cẩm này người Cơ Tu sử dụng vào nhiều chức năng khác nhau: tấm đắp, trải bàn, khâu áo, váy phụ nữ, làm khố, áo khoát cho đàn ông, tấm địu con cho các bà mẹ trẻ, tấm trải bàn,…Thời nay còn tìm thấy dây thắt lưng, túi xách, sản phẩm mũ,…phục vụ người hâm mộ. Trên sản phẩm thổ cẩm hẳn người phụ nữ Cơ Tu thể hiện những đường nét hoa văn thông qua đồ án quen thuộc, được định danh về chúng: múa da dắh, hàng rào, ngọn chông, ngôi sao, mũi tên, miệng cá trê,… đều là những tập hợp từ bốn biểu tượng: mã não, hoa tơ panl, hàng rào, lá a tút để tạo nên những tác phẩm khác nhau trên vải có thể gọi được tên, hoặc chỉ có thể cảm nhận ý nghĩa trong sự biểu đạt đa nghĩa của các biểu tượng hoa văn trên thổ cẩm Cơ Tu. [1]

          – Biểu tượng hoa văn như chong chóng là sự tập hợp những ô màu trắng, đen, xanh, vàng,… nhỏ trên nền thổ cẩm màu đen, tạo nên hình cách điệu của cây a tút / hoa a tút mà thành (sắp đặt lá chét a tút cho hoa bốn cánh (có một lá sấp) và hoa tám cánh (có hai lá sấp) tạo thành hoa như chiếc chong chóng) thường gặp trên cây r’măng, cây x’nur.

          – Hoa tơ panl (trái pơ lơm) là tập hợp những ô nhỏ màu trắng, thể hiện chiếc hoa 4 cánh hình thoi, cách điệu hoa màu trắng trên y phục phụ nữ và đàn ông, hoặc trên tấm đắp, tấm màn,…

         – Hàng rào là tập hợp đan xen những chấm nhỏ màu trắng bằng vải hoặc hạt cườm tạo nên hình tam giác cân, đỉnh nhọn trên nền màu đen – xanh đen của vải.

         – Hoa pơ lơm, thường thấy trên các cây xà ngang của gươl, cây x’nur, hoa được cách điệu như đồng tiền bằng đồng thời cổ. Giữa như là hình thoi lõm, nơi đó là nhụy hoa.

        Từ bốn loại biểu tượng trên, người phụ nữ Cơ Tu tạo trên nền thổ cẩm nhiều hoa văn khác nhau. Có loại hoa văn trang trí cho đẹp, có loại chỉ là những đường chéo giao nhau tạo nên vẻ dịu mắt khi nhìn vào bề mặt hình học của thổ cẩm,…

        Cây a tút: vùng Quảng Nam, Đà Nẵng gọi cây đủng đỉnh; miền Nam gọi cây đùng đình. Tên khoa học caryoto mitis lour.[2] Lá đủng đỉnh (a tút) được chạm trổ trên gươl tại bốn thanh gỗ biểu trưng cho cánh tay người phụ nữ múa (pâdiil da dắh), hoặc đuôi gà trống trên cột r’măng hoặc trang trí trên nóc gươl,… là cách nhìn nhận vẻ đẹp trong không gian thẩm mỹ với người Cơ Tu về loài cây cho nước dùng làm rượu uống bổ dưỡng và có lợi cho tiêu hóa.

               Hoa Bơ lơm – chông – mã não, ảnh internet, 4/10/2020.          

        Theo các già làng Gừng,[3] P’rao, A Duông, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, lá a tút (đủng đỉnh) trang trí trên cây x’nur, cột cái r’măng, các cây xà ngang, đính trên cột tại tấm a rơ ving (hai phía đầu hồi gươl, thường thiết kế hình cánh cung) tại gươl,… thể hiện vẻ đẹp của loài cây ít tìm thấy trên rừng núi Trường Sơn. Hơn thế, cây lá là nguyên liệu dùng lợp nhà, đọt (tù hũ) làm ra rượu bồi bổ sức khỏe, hạn chế một số bệnh thông thường. Thế nên hình ảnh lá a tút được chạm khắc lên gỗ những nơi trang trọng; đồng thời cả nơi linh thiêng như cây cột lễ vẫn có lá đủng đỉnh được sơn, tô màu, nhiều hơn cả là màu đỏ – đen – trắng đan xen, đôi khi có màu xanh, vàng.

        Do nét đẹp của lá, công dụng của hoa – trái a tút giúp ích cho người Cơ Tu trong cuộc sống, nên khi lá a út đi vào ký ức người Cơ Tu để đến khi thể hiện chiếc lá trên thổ cẩm, người Cơ Tu không gọi lá mà gọi hoa a tút (xem hình hoa bằng lá a tút). Đây là sự cách điệu bởi vẻ đẹp hình tam giác – bởi sự gai góc, cứng cáp và gân guốc của lá như người Cơ Tu với nhiều trải nghiệm núi rừng – hoa a tút đã hằn sâu vào cuộc sống đời người Cơ Tu miền Tây đất Quảng.

   như hình cánh tay người phụ nữ múa da dắh. Đồ án trang trí trên x’nur, tập hợp 4 thành tố hàng rào, mã não, hoa tơ panl, lá a tút cấu thành phức thể hoa văn trang trí trên x’nur.

 

     Lá chét đủng đỉnh (Ảnh: VVH, 3/10/2020 tại thị trấn P’rao, Huyện Đông Giang)

            

 Lá / hoa a tút (Ảnh VVH sắp đặt ngày 3.10.2020      Hoa bơ lơm đính trên thổ cẩm

         tại làng Gừng, ttr. P’rao, h. Đông Giang)

 

+Lá a tút (đủng đỉnh): trên thổ cẩm Cơ Tu được dệt trên các tấm dồ, tấm tút hay kẽ, chạm lên cột x’nur, được người Cơ Tu trang trí trên các cây đà ngang tại gươl trước hết là biểu tượng về thực vật nói chung. Nhiều tộc người sinh sống, định cư tại lục địa châu Á, nhất là miền núi, xem lá là biểu hiện cho sự phồn vinh và hạnh phúc (như thành ngữ đói ăn rau đau uống thuốc). Và lá cây nói chung đi vào đời sống tinh thần và vật chất của họ thường xuyên. Một số loài lá cây tham gia vào tiến trình vươn lên trong cuộc sống của họ. Người Cơ Tu chạm trổ lá cây hay dệt biểu tượng lá trên thổ cẩm là thể hiện sự đông đúc, cộng đồng sinh sống và cùng tồn tại trong môi trường tự nhiên khắt nghiệt của Trường Sơn. Và thông qua biểu tượng biểu trưng cho ý chí của họ, đó là hòa nhịp nhau cùng hành động trong cuộc sống. Theo đó, người Cơ Tu khắc chạm lá cây a tút (đủng đỉnh) trên cây cột x’nur là thông điệp gửi đến các thành viên trong cộng đồng rằng: đấy là sự biểu hiện hãy gắn bó nhau trong cùng một hành động, một ý chí. Thế nên ta gặp lá a tút (đủng đỉnh) trên thổ cẩm cả nam và nữ đều có thể có loại hoa văn này. Sự biểu hiện tính cộng đồng, đoàn kết nhau khắc chế môi trường sinh sống đầy khắc nghiệt trong lo âu của họ về miền rừng núi là cần thiết để tồn tại. Lá a tút – của cây đủng đỉnh – không phải mọc nhiều trên rừng, nhìn đâu cũng thấy mà cây thích hợp với môi trường có độ ẩm thích hợp, nên mọc đan xen. Đôi khi tìm thấy vài cây trong một làng, hoặc vài cây trên một triền đồi. Do vậy cây trở nên quý hiếm. Và quý hiếm còn bởi cây dùng làm rượu để uống, hơn thế, lá cây xếp lại ngay ngắn phơi khô chèn kỹ, dùng lợp nhà che mưa nắng. Thế nên với người Cơ Tu trước hết lá cây a tút là hình ảnh biểu trưng cho hạnh phúc và sự giàu mạnh lên của họ. Nhờ có cây a tút, đời sống cá nhân và cộng đồng có thể phồn thịnh hơn.

Và khi lá a tút đi vào thổ cẩm hay đục chạm trên gươl, các tượng gỗ, các cây thanh, cây đà, tấm a rơ ving nhằm biểu đạt một cách nhìn thẩm mỹ khi người Cơ Tu quan sát trong tự nhiên với cây rừng và hoa lá của thế giới thực vật đầy bí ẩn. Họ cách điệu lá a tút trên thổ cẩm hay trên các tượng gỗ, thanh ngang, cây đà thành hoa a tút. Bởi trên thổ cẩm hay chạm khắc trên gỗ, thường người ta ít nghĩ và khó liên tưởng đến lá của một loại cây rừng góp phần nuôi sống người Cơ Tu trên núi cao, rừng rậm.

+Hoa tơ panl (trái pơ lơm): là loại dây leo kết nối với các loài thực vật chung quanh để vươn mình lên phát triển. Dây cho hoa đơn, mỗi hoa 5 cánh (nhưng khi cách điệu trên thổ cẩm trở thành hoa 4 cánh), dài ngắn khác nhau. Trên thổ cẩm hay trên các sản phẩm tạo hình như tại gươl, tượng gỗ, trên vải, hoa cũng được thêu dệt và chạm trổ với đường nét thô mộc nhưng là kỹ xảo thường thấy của các nghệ nhân dân gian Cơ Tu. Hoa là biểu tượng tượng trưng trước hết là cái chung của sự khoe hương khoe sắc, bởi hoa nào cũng có vẻ đẹp dịu dàng hay rực rỡ của nó. Trên thổ cẩm Cơ Tu thường gặp loài hoa tơ panl (cũng gọi pơ lơm). Tơ panl là loài dây leo bò trên cây chủ, cho hoa năm cánh, màu trắng. Trên một thân cây, chung quanh nở rộ hoa tơ panl màu trắng, có thể tìm thấy ở màu trắng biểu hiện sự trung tính, rực rỡ giữa đám lá xanh non, đấy là sự hoán dụ của các tính từ mang yếu tố biểu thị về hiện tượng khó nhìn ngắm và nắm bắt. Đài hoa là cái gốc của hoa, nơi được cách điệu là điểm hoạt động thu nhận năng lượng của trời, bởi năng lượng mặt trời không chỉ vào từ lá mà còn ở hoa tơ panl (pơ lơm) cũng thu nhận để trở nên chín muồi và khai hóa. Đài hoa là điểm tích tụ nguồn năng lượng cho sự tỏa hương và khoe sắc. Hoa phát triển và nở bung ra rực rỡ hay dịu dàng trên thân dây mềm mại, được lấy nguồn năng lượng từ đất và nước. Đấy là hai mặt của âm và dương – của âm tính – của nhị nguyên. Đất và nước là sự khởi nguyên cho mọi sự sinh tồn.

Hoa tơ panl (cũng gọi pơ lơm) [4]trên vùng rừng núi Trường Sơn, nơi người Cơ Tu sinh sống biểu hiện tâm hồn của họ, trắng trong và hạnh phúc, bởi hoa tơ panl khi nở tạo nên cá thể hoa tự khoe hương sắc, trông như những cánh bướm đong đưa trong gió. Gốc hoa không cứng mà thân dây leo mềm mại, uyển chuyển nương tựa nhau trong quần thể thực vật để vươn lên, chịu được khắt nghiệt nơi rừng rậm. Chính đó có thể ẩn dụ người Cơ Tu linh hoạt, uyển chuyển và mềm mại trong quan hệ cộng đồng để cùng tồn tại trong môi trường khắt nghiệt. Vì thế hoa tơ panl đi vào thổ cẩm không nhiều, chỉ điểm xuyết trên nền màu đen nguyên hợp. Màu trắng nổi lên giữa cây rừng không lẫn vào đâu như người Cơ Tu trên vùng rừng núi Trường Sơn phân biệt với các tộc người anh em Sơ Đăng, Giẻ Triêng, Bh noong, Ca Dong,… và cùng tồn tại. Thế nên có thể nhìn được hoa tơ panl (pơ lơm) nở trên thân dây như cá thể người Cơ Tu, biểu hiện sự hoàn hảo của tinh thần và vật chất mà người Cơ Tu tìm thấy trong môi trường sinh sống.

Màu trắng được cho là trung tính nên có thể chuyển đổi từ cái có đến cái không, cách điệu như mặt trăng và mặt trời, giữa ngày và đêm, màu trắng là giới hạn giữa cái thiêng và cái phàm. Theo Jean Chevallier, Alian Gheerbrant trong Dictionnaire des symboles cho rằng: “Màu trắng mà người ta thường coi là vô sắc,… giống như một biểu tượng về một thế giới, trong đó mọi màu sắc là thuộc tính của những thực thể vật chất, đều tan biến cả,…Màu trắng, nó động đến tâm hồn chúng ta như là trạng thái yên lặng tuyệt đối,…Trạng thái yên lặng này không phải là trạng thái chết mà chứa chan những khả năng sống động,…Đó là dạng hư vô chứa đầy niềm vui trẻ trung, hoặc, để nói cho văn hóa hơn, một dạng hư vô đi trước mọi sự đời, trước mọi cuộc khởi thủy. Có lẽ vào những ngày trong thời kỳ băng hà, mặt đất trắng toát và lạnh lẽo đã âm vang lên như vậy”.   

            +Mã não: là loại đá quý [5] đặc biệt mã não màu hồng, đỏ có giá trị cao, khi vào hoa văn trên thổ cẩm thường có dạng hình thoi, hoặc hình thoi có các cạnh không đều. Trong quá trình dệt, người Phụ nữ Cơ Tu tạo ra biểu tượng mã não do 4 biểu tượng mã não nhỏ hơn, sắp đặt tạo thành một chiếc hoa tơ panl (pơ lơm). Đây là loại hoa văn được trang trí nhiều trên thổ cẩm Cơ Tu, phần nhiều trên các váy phụ nữ. Nhiều biểu tượng mã não đan xen và kéo dài tạo thành những đường gấp khúc nhọn hai đầu. Đấy là sự phối hợp các biểu tượng hàng rào, mã não tạo nên dải băng kéo ngang phần cuối váy phụ nữ.

            +Hàng rào: tập hợp nhiều hạt cườm, hoặc nhiều sợi vải được dệt nổi lên màu trắng tạo nên hình thoi (như viên mã não đàn ông và phụ nữ Cơ Tu đeo trang sức),  có hình dạng như hình thoi, đôi khi bố trí ngang, hình được kéo dài ra theo hàng ngang, theo đó biểu tượng cánh hoa pơ lơm không đều nhau. Cũng có người gọi là cây chông. [6] Trên tấm thổ cẩm Cơ Tu, tập hợp nhiều biểu tượng hàng rào để tạo nên một biểu tượng hoa văn nào đó trên nền thổ cẩm, hoặc trên cây đà ngang trong gươl.

 Trường hợp trên áo phụ nữ, biểu tượng người phụ nữ múa da dắh là tập hợp của 10 biểu tượng hàng rào tạo nên đồ án múa dă dắh (pâdil da dắh) của phụ nữ Cơ Tu, được khắc chạm trên cột x’nur, hoặc trên áo, váy phụ nữ. Hoa văn này tìm gặp trên nhiều loại váy, áo, tấm quàng, hay tấm đắp,… mà người Cơ Tu thường sử dụng. Hoặc nhiều biểu tượng hàng rào lớn kết hợp với nhiều biểu tượng hàng rào nhỏ hơn tạo nên biểu tượng lớn hơn đó là biểu tượng cái chày giã gạo, v.v…

           Rõ ràng, nghệ thuật tạo hình hoa văn trên thổ cẩm Cơ Tu, thường là phản ảnh cây cỏ, lá hoa trong thiên nhiên mà các loại này thường có ích cho cuộc sống người Cơ Tu. Chỉ cần bốn loại biểu tượng cơ bản làm nền tảng: hàng rào, mã não, hoa tơ panl, lá a tút, người phụ nữ Cơ Tu khi dệt thổ cẩm sáng tạo nên những hoa văn mang tính mỹ thuật, đẹp mắt, gắn với tay nghề thủ công truyền thống, có thể phối hợp hài hòa và sáng tạo ra những biểu tượng khác nhau, thể hiện sự phong phú trong quan niệm thẩm mỹ của họ. Rất ưa nhìn vì sự đa dạng trong phối hợp của bốn thành tố. Theo đó, có thể thấy rằng các yếu tố thẩm mỹ trong nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu thường bắt nguồn từ thiên nhiên gần gũi.

            Chất liệu tạo nên các loại hoa văn biểu tượng tượng trưng cho một góc nhìn văn hóa Cơ Tu thông qua nghệ thuật tạo hình thường là bằng loại gỗ tốt và sợi vải. Trên thổ cẩm nhiều hơn cả là sợi vải gồm nhiều màu sắc khác nhau, người phụ nữ Cơ Tu phối trí dệt nên những hoa văn đẹp mắt nhưng ẩn chứa ý tưởng về một quá trình phát triển của con người hay biểu hiện vẻ đẹp trong sáng của con người miền núi Trường Sơn. Hoặc, họ thể hiện nguyện vọng bảo vệ cộng đồng, vượt qua những khó khăn thiên tai địch họa để tồn tại và phát triển. Cũng có thể tìm thấy chất liệu bằng hạt cườm và hạt chì được dệt, cài đính lên bề mặt thổ cẩm. Loại hoa văn trang trí bằng chất liệu cườm hay hạt chì thường khó tìm và tốn kém, thời gian dệt tốn nhiều công đoạn, theo đó, hầu hết thổ cẩm Cơ Tu thường gặp là chất liệu bằng sợi vải tạo thành./.

 

         Mã não (màu cam sậm. Ảnh: VVH) trang sức đàn ông Cơ Tu (Ảnh chụp trang sức của ông A Ting Né, làng A Duông, ttr. Prao)

 

[1] Tư liệu điền dã tại các làng: Gừng (Gâng), P’rao’ A Duông thuộc thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, do cô A Lăng Thị Thanh Hương, Phòng VHTT huyện Đông Giang và cô A Lăng Thị Phơi, làng Gừng cung cấp trong các ngày 2 & 3/10/2020.

[2]  Thân cây đủng đỉnh có thể đẻ ra nhiều cây con từ gốc. Cao có thể đến 10 mét. Lá dài từ 1,5 đến 3 mét. Bẹ nhiều sợi như lá dừa. Cuống lá có rãnh. Lá dài 1,5-3m. Trên lá chia thành nhiều lá chét hình trái xoan (kiểu tam giác), dài 10 – 15, thảng có lá dài 20 cm. Lá cụt có đuôi dài vuốt nhỏ 3 – 5 cm. Chùm hoa, bông có mo bao che (như mo cau), dài, 30-40 cm, chẻ thành nhiều nhánh như buồn cau. Nhiều hoa, hoa dài 20 – 25 cm. Quả hình tròn, da trơn, như trái chà là, d = 14 – 15 mm. Mỗi quả một hạt (lớn nhỏ tùy theo trái).  Cây đủng đỉnh cho hoa kết trái hai lượt trong năm: Tháng 3 – 4 và tháng 11 – 12. Trái non có màu xanh, già trở sang vàng nhạt, tròn trịa, dần dần chuyển sang màu tím và khi chín chuyển sang màu đỏ tươi. Người Cơ Tu dùng nhựa cây đủng đỉnh làm rượu.

[3] Làng Gừng thuộc thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, có số hộ 204, nhân khẩu 906, diện tích 553 ha (2019). Xem: Võ Văn Hòe (2019), Địa danh Quảng Nam xưa & nay, quyển 1, NXB Hội Nhà Văn.

[4] Tư liệu điền dã tại thị trấn P’rao ngày 3/10/2020, do cô A Lăng Thị Thanh Hương (43 tuổi) cung cấp.

[5] Đá mã não có nhiều màu: xanh, tím, vàng, đỏ,…trong đó đá màu đỏ được ưa thích hơn. Bởi người Cơ Tu quan niệm có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Cho rằng đặt viên mã não đỏ lên trán để hạ cơn sốt, giải cơm cảm nắng, mưa. Khi đeo mã não trên tay, trên cổ, họ cảm thấy tự tin, thỏa mái, theo đó giúp cho sức khỏe vững bền hơn, giảm bớt bệnh tật.

[6] Theo cô A Lăng Thị Thanh Hương, (43 tuổi), Phòng VHTT huyện Đông Giang, biểu tượng hình tam giác cân với nhiều điểm màu trắng sắp xếp thành, đấy là biểu tượng của hàng rào.