Nghệ thuật điêu khăc gỗ Cơ Tu – một góc nhìn

442

Nghệ thuật điêu khắc gỗ Cơ Tu – một góc nhìn

        Nghệ thuật tạo hình người Cơ Tu phát triển đều khắp trên không gian sinh tồn từ rừng núi, khe suối, sông ngòi với những con thú, con vật hay con cá dưới lòng sông suối cũng được nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Cơ Tu phản ảnh. Ngay cả hình ảnh biểu trưng về một gương mặt ma rừng là thế nào được các nghệ nhân người Cơ Tu tưởng tượng và thể hiện ra thành những tác phẩm điêu khắc dân gian đa dạng, tả thực thành hình ba chiều trong không gian.[1] Toàn bộ hình khối của bức tượng được thể hiện bằng ngôn ngữ mảng, khối.  

    Năm 1938, Le Pichon, một người Pháp đến Việt Nam trong vai trò là người lính viễn chinh và còn là nhà nghiên cứu văn hóa tộc người Cơ Tu tại miền Trung, đã viết trong Les chasseurs de sang, in trong tạp chí Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué) đã nhận xét về nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Cơ Tu vùng Quảng Nam: “Thông thường người ta bắt gặp ở bên cạnh một con đường mòn, trong rừng sâu hoặc ở giữa một vài cái rẫy, một tượng (tên m – nui) được đặt ở đó để hăm dọa các abui (a bhuy) hay là thần ác… Những tác phẩm chính của người Ka Tu (Cơ Tu) là nhà mồ (pĩn) (ping) và quan tài (tăram). Chúng được trang hoàng bằng những hình vẽ và những điêu khắc cách điệu cực kỳ đa dạng; mỗi một tác phẩm có cá tính riêng của nó và kiểu mẫu không bao giờ trùng hợp…Nghệ thuật Ka Tu (Cơ Tu) này chỉ có thể xuất xứ từ một nền văn minh tương đối tiến bộ mà những gì còn lại sẽ biến mất, nếu chúng ta không can thiệp vào để cứu lấy nó”.

   Điêu khắc gỗ Cơ Tu dưới bàn tay thể hiện của các nghệ nhân dân gian tạo ra được những nét đặc trưng của nghệ thuật tạo hình trên gỗ so với các tộc người anh em khác ở Tây nguyên. Các tộc người Ê Đê, Ba Na, Rahlai, …có điêu khắc gỗ, mỗi tộc người có nét riêng độc đáo thể hiện đặc trưng riêng có, thì khắc gỗ Cơ Tu, họ tạo ra một kiểu điêu khắc riêng của họ có tính khu vực cần được giữ gìn và phát huy trong cuộc sống đương đại của người Cơ Tu Quảng Nam, Đà Nẵng. Trên mỗi tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian Cơ Tu, nhìn tổng thể một cấu trúc khắc gỗ thể hiện mối quan hệ nhị nguyên hỗ tương nhau trong mối quan hệ giữa cái biểu đạtcái được biểu đạt. Thông qua biểu tượng điêu khắc gỗ, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy sự ẩn dụ các thành tố văn hóa dân gian Cơ Tu, đặc biệt quan niệm vũ trụ quan, nhân sinh quan của họ trên rừng núi đại ngàn Trường Sơn.

   Biểu tượng con voi, loài động vật bốn chân lớn nhất núi rừng Trường Sơn được điêu khắc minh họa cho sức mạnh săn bắt của trai tráng Cơ Tu. Không chỉ là biểu tượng biểu hiện sức mạnh mà con voi được cắt nghĩa là vật dùng để cỡi của các bậc vương đế. Ở Việt Nam, người Chăm cho rằng voi “là tên gọi của thần Civa khi nói về chức năng tối thượng của thần đó”. Như thế quyền uy của voi là ban cho những ai cầu khấn nó có được tất cả những gì họ mong muốn. Biểu tượng voi được chạm khắc trên tấm gỗ ga râm/ ga’niing của gươl, thể hiện ước muốn sự ban ơn, đó là mưa là phúc của Trời, là biểu tượng của ổn định, tính cách bất di bất dịch của họ.

  1. Trên gươl: tạo hình chim tr’iing, gà trống, đầu trâu, người và nhiều loài vật khác

   Chim tr’iing       

Khắc gỗ: Chim tr’iing (Bồ cành). Nghệ nhân C’Lâu Nhím, huyện Tây Giang (A.VVH, 24/4/2018)

        Chim tr’iing trước hết trong quan niệm người Cơ Tu là biểu trưng cho sự tự do. Chim bay nhảy tự do như người Cơ Tu tự do trong môi trường sống lao động và học tập của họ.

         Và vì bay nhảy được nên là biểu trưng cho các mối liên lạc giữa Trời – Đất – Người. Người Cơ Tu thông qua chim tr’iing (bồ cành) như là sứ giả làm gạch nối giữa Người – Trời – Đất. Trong truyện cổ người Kinh không thiếu cánh chim, bởi chim nhẹ nhàng bay được. Truyện Tiên Sa tại bãi Tiên Sa ở bán đảo Sơn Chà thành phố Đà Nẵng cũng là motif cánh chim mà các nàng tiên mượn cánh để bay xuống trần gian. Chim tr’iing của người Cơ Tu cũng vậy, cũng thể hiện bay lượn, làm nổi bật tính nhẹ nhàng, bỏ lại bao nỗi nặng nhọc, bề bộn ở trần gian. Như thế, chim tr’iing là hình ảnh linh hồn con người thoát khỏi thể xác. Theo đó, người Cơ Tu đặt chim tr’iing một hoặc hai con chồng lên nhau theo kiểu phồn thực tại nóc gươl. Điều đó cho hay rằng chim tr’iing vừa là sứ giả của người Cơ Tu nhưng đồng thời cũng biểu trưng cho sự sinh sôi,  tự do, nhẹ nhàng bay lượn của các linh hồn về với dàng – nơi cõi Trời.

        

       Gà trống trên cây x’nur,                  Khắc gỗ gà trống (A: VVH) 

      thôn Bh Hôồng(A: VVH)                        Phú Túc, 26/4/2019

 

                  Đầu trâu                       Công cụ lao động và con chó

(Biểu hiện tâm linh. A. VVH)   (Chó là totem tộc họ Zơ Râm. A. VVH)

   – Người

   Con người được loài người tạo thành biểu tượng tượng trưng cho tổng hợp được thu nhỏ của vũ trụ. “Trong nhiều truyền thuyết, từ những truyền thuyết nguyên thủy nhất, con người đã được miêu tả như là một sự tổng hợp thế giới, một mẫu thu nhỏ của vũ trụ, một tiểu vũ trụ. Con người là trung tâm của thế giới các biểu tượng. Nhiều học giả, từ các nhà Hiền triết đến các nhà thần học đạo Kitô và các nhà nghiên cứu thuật luyện đan, đã nêu lên những sự giống nhau và tương ứng giữa các yếu tố của phức hợp con người và những yếu tố hợp thành vũ trụ, giữa các nguyên lý điều khiển những vận động của con người với các nguyên lý chi phối vũ trụ. Đối với một số người, xương được cấu thành từ đất, máu từ nước, phổi từ không khí, đầu từ lửa; một số khác cho rằng hệ thần kinh gắn với lửa, sự hô hấp với không khí, sự tuần hoàn với nước, sự tiêu hóa với đất. Con người tiếp xúc với ba cấp độ vũ trụ: cấp độ mặt đất bằng đôi chân; cấp độ khí quyển bằng nửa thân trên; cấp độ trời bằng cái đầu. Nó tham dự vào ba giới: khoáng vật, thực vật, động vật; bằng trí tuệ và tinh thần, con người quan hệ với thần linh v.v…” (Dictionnaire des symboles (1992)). Con người được người Cơ Tu đặt làm biểu tượng trang trí ở hai đầu gươl (tacoai) với ước vọng thường xuyên có mối quan hệ với các dàng/ thần linh thông qua cấp độ tiếp xúc với mây trời, khí quyển. Theo luận lý về con người như nêu trên, theo quan niệm vũ trụ quan người Cơ Tu, thế giới có ba tầng Trời – Đất – Dưới đất ứng với ba cấp độ: trời mây (khí quyển), biểu hiện biểu trưng ở bái vật rung rang và tán ngọn cây mía, phần trên của cột x’nur; cấp độ thứ hai ứng với Đất – thân người với đôi chân – biểu trưng với thân cây mía, thân rung rang và thân x’nur, sự tuần hoàn trên dưới, chuyển tải năng lượng cho sự sống; cấp độ thứ ba với Dưới đất – cấp độ âm – thu nhận năng lượng từ đất, bóng tối và nước là sinh thể xuất hiện trước tiên trong vũ trụ ứng với gốc x’nur, rễ cây mía, và gốc bái vật rung rang. Dưới đất được cho là gánh đỡ thế giới, là thế giới đỡ đất, chống trời, có nguy cơ tan rã, mục nát. Đấy là cõi âm có quá nhiều ajêh, quái vật đhăm mariêng, các loài thủy quái ca xo. Do đó, người Cơ Tu không bỏ lỡ tự nhận thức mình cần giao tiếp với dàng như là một biểu tượng.

    – Rau dớn

                                    

                               (Rau dớn. Ảnh: VVH, 4/10/2020)

   Rau dớn, trước hết là loài rau thích nghi với môi trường có độ ẩm cao, mọc tự nhiên nơi ven các con khe, con suối hay trên các trảng cỏ bằng phẳng không có ánh sáng mặt trời chiếu rọi gay gắt. Có lẽ dễ thích nghi với môi trường sinh trưởng, nên người Cơ Tu chọn làm biểu trưng như người Cơ Tu cũng dễ thích nghi với điều kiện sinh tồn nơi những cánh rừng Trường Sơn chia cắt, khúc khủy với nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Mặt khác, rau dớn còn là loại cây có tố chất dược liệu, điều trị được một số bệnh thông thường người Cơ Tu thường mắc phải. [2] Và đồng thời rau dớn còn là nguồn thực phẩm tự nhiên, dồi dào, phát triển nhanh không cần chăm bón, rau vẫn lên xanh mượt và hiến dâng cả thân lá làm thức ăn, nuôi sống con người. Rau mọc tự nhiên không cần trồng trọt, là sự tái sinh trong tự nhiên, sự vươn lên mạnh mẽ trong điều kiện thiên nhiên không thuận lợi. Đây là đặc điểm người Cơ Tu quý trọng, bởi rau dớn đã nuôi sống con người. Khi đói có thể dùng rau dớn sử dụng được và trị một số bệnh tật khi mắc phải. Đấy là sự cao quý của rau dớn, đồng thời cũng là sự cần thiết gắn với đời người Cơ Tu.[3] Chính đó, cây rau dớn là loài rau cứu đói người Cơ Tu, theo cách nói như người Kinh Quảng Nam: “Đói ăn rau đau uống thuốc”. Có những lúc người Cơ Tu đói khát trên rừng Trường Sơn khi chạy về phương Nam tìm nơi sinh sống thuận lợi cho phát triển và sinh tồn. Cây rau dớn đã ăn sâu vào ký ức tộc người. Truyện kể về cuộc di cư từ miền ngoài vào cách đây trên sáu trăm năm đã ghi lại ấn tượng về vai trò của cây rau dớn trong những lúc người Cơ Tu lâm nguy là thế nào! Khi người Cơ Tu chạy vào Nam vì ong khoái (ghi’dớ), trên đường tháo chạy nạn ong rượt đuổi, họ có lúc chạy dạt qua phía Lào rồi quay lại phía Việt, dọc theo đông Trường Sơn, lần lượt họ định cư mà nay là vùng đất phía tây tỉnh Quảng Nam. Trên đường chạy đại dịch ong, “họ đói khát, họ ăn đủ loại rau rừng để tồn tại, nhiều hơn cả là rau dớn. Cứ thế, họ đi từ trên cao về thấp, cho nên theo dòng suối, họ về xuôi, gặp đâu thuận lợi thì ở, cứ thế và cứ thế xuôi về hai phía bên Lào và bên Việt. Bên Lào thì theo dòng Sê Kông về xuôi, bên Việt thì theo dòng Thu Bồn, A Vương, … xuôi xuống gần đến đồng bằng ven biển Nam Ô, Đồng Xanh – Đồng Nghệ thì gặp người Việt rồi cư trú ổn định như ngày nay”.

   Do cây rau dớn cho người Cơ Tu nhiều chức năng sinh tử như thế nên rau dớn có vai trò quan trọng trong đời sống người Cơ Tu. Họ khắt cốt ghi lòng. Chính đó, cây rau dớn được chọn làm vật biểu trưng cho sự cao quý, đã đi vào truyện kể dân gian tộc người để ghi nhớ về quá trình thăng trầm của họ trên dãy Trường Sơn. Thế nên, nay người Cơ Tu lấy cây rau dớn làm biểu tượng đặt tại những điểm quan trọng trong cuộc mưu sinh của họ: trên hai nóc gươl, hai nóc nhà ở, chạm trổ vào cây cột cái (r’măng) của gươl, chạm trổ vào nhà mồ Cơ Tu, biểu tượng rau dớn được dùng làm khuyên tai cho phụ nữ, … để nhắc nhở con cháu đời sau ghi nhớ về loài rau đã cứu người Cơ Tu trong đói khát trên đường đi tìm nơi sinh sống.

     – Đầu gà trống – thân rắn (Thần nước – rắn thần) 

   Người Cơ trong nghệ thuật tạo hình dân gian, có mảng điêu khắc gỗ thể hiện tín ngưỡng đa thần, sự phối hợp các thần, ta tìm thấy biểu trưng con gà trống màu trắng. Gà trống được xem là biểu tượng ám chỉ mặt trời, bởi tiếng gáy của gà trống báo hiệu trời sáng, mặt trời mọc. Gà gáy tan là trời sáng và mặt trời bắt đầu xuất hiện, thế nên gà trống thường được gắn với mặt trời là thế. Cư dân khu vực Đông Nam Á, coi gà trống là điều tốt đẹp, thể hiện ở những đức tính được cho là cao cả, cho nên gà được làm vật linh hiến cúng thần linh. Đó là các đức tính mà gà có, trước hết là biểu trưng của “kẻ đầu đàn” bởi vì mào của gà trống làm cho nó ra vẻ đầu đàn, mang yếu tố dẫn dắt; đức của sức mạnh, đức của các chiến binh vì gà trống nào có cựa được biểu trưng cho sức chiến đấu và đó chính là sức nạnh của nó; tính dũng cảm của gà trống, biểu hiện trong những lần chiến đấu giữa hai gà trống, dễ nhìn thấy ở những cư dân có tục chọi gà; gà trống còn có tính tốt bụng, bởi đứng trước các gà mái, gà trống luôn gọi gà mái đến và đưa thức ăn cho mái; đức của sự tin cậy, bởi gà trống đập cánh gáy vang là báo hiệu tan canh, mặt trời mọc.  Ở Việt Nam, chân gà trống được mang đi xem bói, coi giò gà để biết tốt, xấu, vận mệnh thế nào. Qua giò gà, các vị thầy bói có thể biết được quá khứ, vị lai. (?)

   Con rắn được hai học giả người Pháp Jean Chevalier và Alain Gheerbrant trong Dictionnaire des symboles, cho rằng: rắn là con vật có xương sống, hiện thân cho tâm hồn hạ đẳng, cho cái tâm hồn tối, cho cái không bình thường, khó hiểu, huyền bí.   

 

                  Khắc gỗ: Đầu gà-thân rắn (A: VVH, 26/4/2019).                                                                                                    

   Trong nghệ thuật điêu khắc của người Cơ Tu, gần đây tại huyện Tây Giang, ta thấy họ điêu khắc trên gỗ với hình tượng thân rắn – đầu gà.  (Do sự đa nghĩa của biểu tượng nên có nơi người ta gọi là Thần rắn, nhưng cũng có người gọi là Thần nước).

   Điều này liên quan đến hình ảnh tái hiện trong giấc mơ của chủ làng hay vị già làng tham gia xin đất lập làng, sau đó thường tìm đến giấc mơ để giải cấu trúc giấc mơ, phân tích các hình ảnh tái hiện tìm các hình ảnh tốt, có tính tích cực. Đấy là giấc mơ tốt. Cho nên khi phân tích giấc mơ để suy đoán những hình ảnh được cho do dàng/ thần chỉ định, thì hình ảnh rắn và gà là biểu tượng của thời gian. Thân rắn – đầu gà trống là biểu hiện quan niệm thế nào trong nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Cơ Tu? Có ý kiến cho rằng “Hai con vật này đánh dấu một giai đoạn của tiến hóa nội tâm: sự hòa nhập những sức mạnh bản năng ở cấp độ nhân cách, nơi mà tinh thần và vật chất cố gắng thăng bằng hoá để tạo nên một thể thống nhất hài hòa.” [4] Điều mà người Cơ Tu muốn trong môi trường tự nhiên khắt nghiệt miền núi rừng Trường Sơn sự hài hòa, cân bằng giữa thiên nhiên với con người trong cuộc sống của họ. Mặt khác cũng hiểu rằng sự hóa thân của dàng tối cao, rằng muốn điều chỉnh các hành vi không tốt của con người. Những lúc như thế thần rắn xuất hiện bảo ban, răn đe con người nếu muốn thực hiện điều gì xấu thì không nên, bởi dàng tối cao – dàng Trời luôn hiện diện bằng hình tượng rắn thần để xử phạt. Hình tượng thần rắn – đầu gà cuộn vòng quanh thân cây gỗ được cách điệu là quấn lấy cái gốc của trục thế gian trần tục. Thần sẽ bảo vệ con người tránh những điều sai trái. Con gà là biểu trưng sự thăng hoa, đẩy lùi đêm tối của sự mục rã, mang lại ánh sáng ban ngày rạng rỡ, thu nạp năng lượng và tỏa ra cho cuộc sống khởi sinh. Đầu gà đứng trên thân rắn, được thân rắn biểu trưng cho sức mạnh nâng phần đầu lên cao, vươn tới sự thăng hoa, che dấu sự hung hăng và biểu lộ sức mạnh của thần. Thế nên, ta còn gặp con rắn độc (mai gầm) với hai màu đen trắng nhị nguyên đối lập giữa cái ác và cái thiện cùng tồn tại trong một sự vật, được khắc trổ tại gươl. Đấy là sức mạnh của rắn được phát lộ của vị thần bóng tối mà con rắn là hình tượng phổ biến thường gặp tại gươl Cơ Tu. Điều này không thể tìm thấy trong lịch sử, chắc chắn không thể tồn tại có thực theo cách đầu gà – thân rắn. Điều cần nhận ra trong tính đa nghĩa của biểu tượng là gì? Tại sao có thể tồn tại như vậy? Nguyên nhân xuất hiện của hình tượng thần rắn cần được giải cấu trúc tư duy của người Cơ Tu xưa là thế nào mà đến nay ta vẫn chưa hiểu biết thỏa đáng những hình tượng thân rắn – đầu gà trống không có trong thực tiễn, lại trở thành cái có thể, thể hiện trong tín ngưỡng dân gian của người Cơ Tu.

   Liên quan đến thần rắn, trong một lần điền dã đến xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, bà A Lăng Thị Tước kể rằng: “Hồi đó là năm 1965 hay 1966, tôi không nhớ cụ thể, nhưng bấy giờ tôi là một Thanh niên xung phong.

   Tại vùng rừng núi A Vương, nơi có nhiều hang động, và cũng có nhiều loài rắn có thân lớn có thể uốn cong thân mình bay từ cành cây này sang cành cây khác dễ dàng.

   Một hôm tôi mang gùi phía sau lưng, đựng nhiều ống lồ ô, vỏ bầu xuống suối lấy nước về sinh hoạt. Khi lấy nước xong, tôi khom người gùi gùi nước đi về phía hang động, nơi nhiều đồng đội của tôi đang trú ngụ tại đó. Đi được một đoạn qua nhiều cây to bóng cả, nhiều bụi lùm, chân bước nhanh về phía hang động. Bỗng từ phía trước một con rắn, thân không dài, nhưng phần đầu có nhiều lông vũ phủ xuống với nhiều màu sắc sặc sỡ. Tôi không kịp nhìn rõ con “quái vật” này rõ ràng là thế nào. Nó lao vào người tôi. Tôi đang bước đi, vội nghiêng người tránh cú lao tới của rắn. Gùi nước trên lưng rơi xuống, các ống nước văng ra khỏi gùi. Thất kinh, tôi vội chạy nhanh một mực đến một ngôi nhà sàn gần nhất trú tránh. Tại nhà sàn, tôi bàng hoàng nhớ lại nỗi sợ hãi, làm tôi thiếp đi một thời gian lâu, dường như mất khả năng tri giác hoàn toàn. Khi tĩnh ra, tôi kịp hoàn hồn và tự hỏi, mình đang ở đâu đây?

   Mọi người vây qanh tôi thắc mắc, sao lại thế này, điều gì làm nên nông nỗi. Tôi kể lại chuyện gặp “quái vật” cho mọi người nghe, như tôi vừa mới trải qua.”

   Cũng bà A Lăng Thị Tước kể:

   “Một lần khác, trong hang động, không gian vắng lặng, bỗng xuất hiện một con rắn từ đâu lao tới phía tôi. Tôi ngã người xuống đất. Tôi kịp nhận ra đó là con rắn to, có thân ngắn, nhưng đầu rắn có nhiều đám lông tua tủa phủ xuống thân mình. Tôi hoảng hốt lặng đi mất tri giác một hồi lâu mới tĩnh lại được.”[5]

   Đó phải chăng là tư duy về các vị thần của thời nguyên thủy còn sót lại. Sự kết hợp việc thuần dưỡng gà rừng làm thực phẩm thường đối phó với các loài rắn và thú hoang dã phá hoại, từ đó xuất hiện tư duy gắn rắn với đầu gà trống như là biểu hiện của sự thăng hoa nhưng đồng thời cũng thể hiện sự hũy diệt không lường trước được của loài rắn độc. Theo thời gian, gắn với tiến trình lịch sử, hình tượng rắn thần – đầu gà xuất hiện với sự sáng tạo quấn vòng quanh trục thế gian, nghĩa là biểu đạt con người luôn chịu sự tác động của hai mặt đối lập: cái thiện – cái ác luôn song hành tồn tại. Gắn liền với quan niệm thiện – ác là các hành vi dựa vào ma thuật nhằm biểu đạt ý muốn của thần Rừng/ mẹ Rừng hay dàng tối cao – dàng Trời – thể hiện.

   Tại huyện Nam Giang, người ta gặp tượng gỗ, các nghệ nhân Cơ Tu tại đây chạm trổ vị thần mình người đầu chim. Sự kết hợp này biểu đạt gì trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu huyện Nam Giang. Không, hay ít tìm thấy tượng điêu khắc gỗ mình người đầu chim tại huyện Tây Giang, Đông Giang hay tại ba cộng đồng Cơ Tu tại huyện Hòa Vang. Tượng như thế biểu đạt cảm xúc thế nào trong cuộc sống hiện thực tộc người?

   Tại xã Lăng, Tây Giang, tại gươl, tìm thấy nhiều tượng gỗ, thể hiện năng lực mô phỏng tự nhiên thông qua nghệ thuật điêu khắc gỗ, cho biết tư duy hình tượng của các nghệ nhân dân gian tại đây thể hiện cảm xúc về cuộc đời, về sự sống và về gắn kết với thần linh. Nơi gươl, tại điểm tiếp giáp xà ngang với xà dọc, các chủ làng Cơ Tu sắp đặt các tượng ché có chim cú đậu trên nắp ché, và tượng cái ché không nắp đậy, nổi lên là cây cột (như là cột thông thiên – cột x’nur) là hình tượng con rắn quấn quanh thân cột với đầu gà. Đồng thời cũng tìm thấy nhiều tượng gỗ có khuôn mặt dữ tợn được bố trí trước mặt tiền của gươl, như để trấn áp các loại ma xấu hay các loại quỷ tràn vào gươl phá hại. Gươl tại huyện Nam Giang lại có thêm tượng gỗ mình người đầu chim. Là chim malai (?) được cho là ăn thịt người mà trong dân gian Cơ Tu gọi là loài quỷ ajêh, quỷ đhăm mariêng có sức mạnh siêu nhiên, phép thuật khôn lường, luôn hung dữ và phá hại. Những tượng gỗ như thế đặt tại gươl tạo cho không gian thiêng của gươl mang yếu tố huyền bí và thể hiện tính ma thuật của không gian thờ cúng trong gươl. [6]

  1. Trên nhà mồ: tượng người, ma rừng

   Nhà mồ Cơ Tu được thiết kế hai phần: quan tài và nhà mồ.

   – Nhà mồ có từ bốn đến sáu cây cột, có hai mái. Mỗi mái hình vuông, mái lợp bằng gỗ loại tốt.

   – Quan tài là khối gỗ hình tròn, được cắt dọc thành hai phần không bằng nhau. Phần mỏng hơn là nắp quan. Phần đầu chạm trổ đầu trâu, phần chân chạm đuôi trâu hoặc cũng chạm trổ đầu trâu.

     

              Khắc gỗ Ma rừng                   Ngậm tẩu & múa tâng tung                                              (Ảnh : VVH, 4/2019)  

   Trên quan tài và chung quanh cổ quan, người thân đặt nhiều tượng gỗ, mỗi tượng biểu đạt nhiều cảm xúc khác nhau.

   Sau khi người chết được chôn cất, lần lượt những ngày kế tiếp, nhưng tập trung vào sau ngày cử hành xong lễ bỏ mả (têng ping), người thân thực hiện tạc những tượng gỗ đặt tại nhà mồ.

               

                  Đầu trâu khắc gỗ                     Thổi khèn bè                                                                    (Ảnh: VVH)

   Hoặc họ thuê mướn, hoặc tự chạm trổ, hoặc người trong làng tự nguyện khắc trổ hình ảnh người mất thông qua trí nhớ về người đó. Có thể những tượng gỗ thể hiện đức tính mà sinh thời người quá cố thường có thói quen thể hiện trong cuộc sống. Quan tài mới được đưa vào nhà mồ, người thân dùng cái khay (kẽ vẽ nhiều họa tiết hoa văn màu sắc rực rỡ), đặt trên quan tài. Tại bốn góc khay đặt bốn bức tượng gỗ. Trong tín ngưỡng dân gian, đây được cho là thể hiện lòng biết ơn của người thân đối với người đã mất. 

   Người đã mất nếu lúc sống có tài săn bắn, lúc người thân chia của cải có kèm theo cung tên, giáo mác, các loại bẫy thú, chim, … mong rằng dù mất đi nhưng vẫn sử dụng những loại công cụ này ở cõi Dưới đất, hoặc cõi Người và luôn hiện diện tại gươl những lần tế lễ, nhằm giúp cho người thân và dân làng trong việc săn bắn trên rừng.

                            Khay đặt trên quan tài (Ảnh: St)

   Hoặc có thể, sinh thời, người chết có tham gia múa nghi lễ, thì khi mất đi, người thân và dân làng tạc tượng gỗ mô phỏng điệu múa da dắh (là nữ) hay điệu tâng tung (là nam) đặt tại nhà mồ, xem như đấy là sở trường của người đã mất khi còn sinh sống đã có tài nghệ trong việc múa nghi lễ dâng Trời.

   Hay, sinh thời là những nghệ nhân dệt thổ cẩm, thành thạo trong sử dụng các loại nhạc khí, … sau khi mất đi, người thân và dân làng khắc trổ những loại nhạc khí đặt tại nhà mồ để người chết tiếp tục sử dụng, hoặc khung dệt. Bởi quan niệm sống sao chết vậy, nên người sống đáp ứng nhu cầu người chết để người quá cố được bằng lòng.

   Những tượng gỗ được đặt chung quanh nhà mồ, tựu trung là muốn tái hiện lại hình ảnh người đã mất trong cuộc đời thực mà họ đã từng trải qua cùng với người thân và dân làng. Tượng còn biểu hiện sự dìu dắt linh hồn tồn tại đâu đó hãy vì tộc họ, dân làng mà giúp đỡ, không quấy phá làm hại cộng đồng làng và những người thân trong gia đình. Bởi người Cơ Tu quan niệm ma có hai loại ma hiền và ma dữ. Ma dữ thường chôn sâu, lấp kín và chôn tại một nơi xa làng, kín đáo ít người lui tới để hồn ma có thể không nhận ra được đường về làng, về nhà để tiếp tục “bắt” dân làng hoặc người thân đi theo mình.

   Những bức tượng gỗ đặt tại nhà mồ, thường người ta chọn loại gỗ tốt, tồn tại trong nắng mưa lâu năm. Có điều từ ngày làm lễ bỏ mả (têng ping) xong, xem như tất cả mọi quan hệ với người quá cố đặt dấu chất dứt tại đây. Họ không đến mộ phần, không thăm viếng và cũng không trùng tu ngôi mộ, cứ để mặc cho thời gian nắng mưa làm hư hỏng, xuống cấp, họ cũng không quan tâm. Cháu chắt đời sau sẽ không thể nào biết được mộ người thân, ông, bà, tổ tiên họ ở đâu. Từ hôm bỏ mả về sau, xem như hồn ma đã đi về với cõi Trời, về với tổ tiên.

   Do đó, ta thường thấy tại nhà mồ người Cơ Tu người ta đặt chung quanh nhiều tượng gỗ, dụng cụ sử dụng hằng ngày, như rìu, cưa, đục, các tấm thổ cẩm, bình, lu, nồi, niêu, chén bát, … Trong đó nổi lên là các tượng gỗ được đặt có số lượng nhiều hơn. Phần lớn các tượng thể hiện khuôn mặt u buồn, bất động, ngồi chống cằm nhìn xa xôi về một không gian nào đó như có sự thương tiếc, nhớ thương, hoặc tiếc nuối. Lại có những tượng mặt nạ ma rừng, đặt nơi nhà mồ, với ý niệm xua đuổi những hồn ma xấu đến thâm nhập nhà mồ, quấy phá làm khấy động không gian yên ắng của người thân.

   Trong đời sống tâm linh của người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam, nhà mồ và tượng nhà mồ là kiến trúc độc đáo, nơi biểu đạt tín ngưỡng dân gian sâu sắc, đặc trưng của tộc người. Tượng nhà mồ là những chế tác, chạm trổ độc đáo, thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người. Hiện nay, nhà mồ người Cơ Tu ít được thiết kế thực hiện như những nhà mồ thời xưa trước. Điều này nhận ra khi mà cây gỗ trên rừng ngày càng khan hiếm, việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái cho cây rừng phát triển góp phần hạn chế khai thác vật liệu gỗ tại chỗ đã vắng đi ngôi nhà mồ cổ của tộc người Cơ Tu. Thay vào đó, từng bước, người Cơ Tu thực hiện nhà mồ cho người thân bằng chất liệu xi măng, cốt thép và xây bằng các loại gạch. Tượng gỗ đặt tại nhà mồ thưa dần và ít tìm thấy một quần thể tượng gỗ như thời cách nay cả trăm năm trước.

   Nhà mồ Cơ Tu là một trong những hình thức phản ảnh đời sống, xã hội Cơ Tu, trong đó nổi lên là tín ngưỡng dân gian với người quá cố. Tuy thế, hiện tại người Cơ Tu tạc tượng gỗ không nhiều như trước. Một mặt do kinh phí tập trung vào yếu tố tâm linh này rất lớn, đôi khi không đủ chi trả (nợ nần). Thêm, yếu tố giao thoa, hội nhập và tiếp biến văn hóa khu vực và quốc tế ngày càng lan rộng với tốc độ nhanh chóng nên tượng nhà mồ không còn giữ được tính nguyên bản. Đã tìm thấy những đường nét và hình khối của mỹ thuật đương đại đan xen vào các tượng gỗ nhà mồ. Điều độc đáo, đặc trưng điêu khắc gỗ Cơ Tu đã từng bước phai nhạt dần theo quá trình giao lưu, hội nhập là điều dễ thấy.

   Những lần điền dã về thôn Ban Mai 1, xã Ba huyện Đông Giang, ông Y Kông thuyết minh rằng: Nguyên mẫu nhà mồ Cơ Tu có mái tròn, trông có yếu tố hình vuông. Quan tài có mặt cắt hình tròn theo nguyên thân khối gỗ (hoặc đôi khi có hình bầu dục – nhưng ít). Về sau, để đơn giản hơn và ít tốn công hơn, người ta thực hiện mỗi mái hình vuông. Tại nhà mồ, trên cổ quan, và hai bên nhà mồ, người ta trang trí các con vật: chim, trăn, kỳ đà, khỉ, rắn, … và nhiều hơn cả là các tượng gỗ, có tượng phụ nữ bồng con, phụ nữ dệt thổ cẩm, tượng gỗ đàn ông ngậm tẩu, đánh trống, thổi kèn, đánh chiêng, … hoặc tượng múa tâng tung, da dắh. Sự biểu đạt giữa cõi chết và thế giới trần tục có sinh hoạt như nhau trong mối giao thoa sống – chết.

   Nhìn một cách chung nhất, nhà mồ Cơ Tu cả ba vùng cư trú: vùng cao, vùng trung và vùng thấp đều có nét giống nhau, có tượng padil da dắh (người đàn bà nhảy múa), nguyên vật liệu là gỗ được các nghệ nhân dân gian khắc trổ. Tượng biểu đạt sự sẻ chia giữa người chết và người sống thể hiện qua những lần nhảy múa, những lần tế lễ cộng đồng. Bên cạnh là các tượng thể hiện sở thích người chết mà sinh thời người đó thành thạo trong sử dụng và thể hiện: múa, đi săn, thổi kèn, đánh trống ,… được khắc trổ và mong sau khi chết, vẫn sử dụng và hòa vào các sinh hoạt ở cõi Dưới đất như sinh thời đã từng như thế./.

           Nhà mồ Cơ Tu tại xã A Ting,  huyện Đông Giang (Ảnh: St)

[1] Chiều dài, chiều rộng và chiểu nổi (cao).

[2] Rau dớn còn tươi dùng làm thuốc: sắc lấy nước uống chống sốt rét, đau tai, đau răng, vàng da, chống táo bón, hạ sốt cho trẻ em, ăn rau dớn mát, lợi tiểu, phơi khô uống giải nhiệt, chất nhầy trong lá tác dụng nhuận trường và chống đau lưng, làm ngưng cơn đau đại tràng âm ỉ, giúp dễ ngủ, ngủ sâu, cơ thể khỏe mạnh. Phụ nữ có thai uống sau khi sinh đẻ, ngăn ngừa các bệnh hậu sảnLá rau dớn non giã dập trị bệnh ghẻ, mụt nhột, nhiễm trùng da ở trẻ sơ sinh. Thân và rễ rau dớn dùng xổ giun, trị hen suyễn, ho, đau bụng, tiêu chảy, chảy máu cam. Rau dớn đi vào chuyển cổ dân gian người Cơ Tu, rau giúp họ trong những lần đói kém khi di chuyển từ miền A Sao, A Lưới vào phương Nam tìm nơi định cư sinh sống lâu dài. Theo đó rau dớn được họ tạo thành biểu tượng văn hóa gắn với tộc người. (https://nongsandungha.com/thuc-pham/rau-don)

[3] Cây rau dớn có vai trò sống chết với người Cơ Tu do làm lương thực, thực phẩm và làm thuốc uống những khi đói khát, ốm đau. Cây rau dớn vì thế đã đi vào chuyện cổ dân gian tộc người. Thông qua truyện kể người Cơ Tu bị loài ong khoái tấn công phải chạy dần vào Nam sinh sống, những lúc đói khát cây rau dớn cứu đói họ. Nên biểu tượng rau dớn được người Cơ Tu khắc, vẽ lên cột x’nur hoặc cây cột r’măng ở nhà gươl.

[4] Dictionnaire des symboles, Paris, 1992, Sđd, tr.343.

[5] Tư liệu điền dã do bà A Lăng Thị Tước, quê tại xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, kể lúc 17 giờ, ngày 25/2/2020. Hiện bà ở tại phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

[6] Chú tham khảo: Thế giới Ai Cập cổ đại với quyền lực ở mọi phần của thế giới, từ bầu trời, mặt đất tới thế giới bên kia. Thần Horus là thần bầu trời của người Ai Cập cổ có dạng mình người đầu chim ưng, hoặc dạng chim ưng. Horus được biết đến nhiều nhất với vai trò bảo vệ người trị vì Ai Cập. Nhiều người tin rằng thần là con của Isis và Osiris. Sau khi Osiris bị Seth giết chết, Horus đã chiến đấu với Seth để giành quyền cai quản Ai Cập. Trong trận chiến, Horus mất một mắt và sau đó được phụ hồi, con mắt trở thành biểu tượng của sự bảo vệ. Sau đó, Horus được chọn là vị thần cai quản thế giới người sống. Một trong những ngôi đền được bảo tồn tốt nhất Ai Cập là đền thờ Horus, nằm ở thị trấn Edfu. (https://zingnews.vn/nhung-vi-than-trong-nen-van-minh-ai-cap-post630794.html). Hay trong Hindu giáo (Ấn Độ), Garuda là một vị thần, và thường là vật cưỡi của thần Vishnu (Thần Vishnu, người Chăm tại Việt Nam có thờ vị thần này là một trong tam vị nhất thể). Garuda được miêu tả có một thân hình tráng kiện, vàng rực ánh kim của một người đàn ông với mặt trắng, cánh đỏ, mỏ đại bàng và mũ miện trên đầu. Vị thần cổ xưa này thật to lớn, đồ sộ đến nỗi che khuất cả mặt trời. Garuda được biết là kẻ thù truyền kiếp của loài rắn Naga bởi một lời nguyền. Những con rắn cũng là thức ăn riêng biệt của chim đại bàng Ấn Độ, loại chim, trong thực tế, có đặc điểm là ngón chân ngắn. Do đó, hình ảnh Garuda thường được dùng trên bùa hộ mạng để bảo vệ khỏi rắn cắn và chất độc của rắn. Garudi Vidya cũng là câu thần chú chống lại nọc độc của rắn và xua đuổi mọi điều xấu xa, quỷ quái. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến Garuda, một vài truyền thuyết bắt nguồn từ văn học Pali và Sanskrit. Các tác phẩm văn học Phạn ngữ (Sanskrit) là Ramayana, Mahabharata và các truyện cổ tích Ấn Độ và trong Pali, đó là bộ Tam tạng (Tripitaka). Các tình tiết liên quan đến Garuda đặc biệt phổ biến ở các nước Đông Nam Á, thông qua các dị bản của sử thi Ramayana [Phra Lắc-Phra Lam (Lào), Riêmkê (Khmer), Ramakien (Thái Lan) cũng như các dị bản khác ở Indonesia, Malaysia…]. Ở đó, Garuda được biết đến nhiều nhất là trận chiến của nó chống lại chúa chằn Ravana (Krông Riếp (Khmer), Tossakan (Thái Lan). https://giacngo.vn/nguyetsan/vanhoa/2013/07/01/32D24A/