Quan họ chùa Dâu – một góc nhìn

514

Quan họ chùa Dâu – một góc nhìn

         “Bữa nay lên Kinh Bắc

          Thả câu hò khoan  giữa trời quan họ

          Bâng khuâng liền chị liền em

          Ngược xuôi lưu luyến chưa về”.[1]

      Cái đêm Kinh Bắc là đêm nhớ mãi. Trong khuôn viên quan họ Phú Sơn, một đội dân ca quan họ Bắc Ninh trình diễn một chương trình với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, nghe mà thấy hình ảnh những cánh cò trên đồng ruộng châu thổ sông Hồng mới thật là thú vị sao! Rất nhiều người yên lặng lắng nghe và cảm nhận tình cảm được thả trong những câu ca quan họ. Đêm quan họ tại Phú Sơn, gặp một “liền chị” có tên là Toàn Thắng – nghệ nhân quan họ nổi tiếng Kinh Bắc  – để biết thêm về các liền chị khi diễn xướng.

      Làng quan họ Viêm Xá (Diềm Xá) thuộc xã Hoà Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Tư liệu cho biết rằng làng có con sông Ngũ Huyện chảy vòng như dải lụa rồi nhập với con sông Cầu soi bóng núi Kim Sơn. Thế nên trong câu ca phản ánh rằng có con sông Cầu nước xanh trong vắt là thế. Ai cắm xuống đây một hòn núi mà núi mọc ngay đầu làng tạo nên thế đất sơn thuỷ hữu tình. Làng Viêm Xá là làng quan họ gốc xưa nay, thuỷ tổ của làn điệu dân ca trữ tình ấy là đức vua Bà hiện đang được nhân dân thờ phụng tại ngôi đền ngay trên đất Viêm Xá này. Về khảo cổ học, các nhà khoa học đã tìm thấy được những di chỉ quý giá như rìu xén tinh xảo, lưỡi dao găm sắc ngọt, đốc cầm bình củ cầu kỳ, chuỗi hạt ngọc lưu ly huyền ảo. Tại núi Quả Cảm còn tìm thấy các đồ dùng sinh hoạt của con người thời xưa như bát ăn, những khuyên tai màu xanh ngà, những chuỗi lưu ly màu xanh ngọc đã chứng tỏ tài thủ công và trình độ sống một thời của các cư dân ở đây. Từ những dấu tích và huyền thoại, các nhà khoa học đã khẳng định nơi đây quần thể di tích có hệ thống khá dày đặc. Các di chỉ do kết quả khảo cổ đem lại càng khẳng định độ tuổi đến 2000 năm của làng Viêm Xá cổ kính. Nổi bật là khu đền Cùng (gồm điện thờ và Giếng Tiên) nằm ngay đầu làng dưới chân núi Kim Sơn, di tích đình làng Viêm Xá nằm ngay ở phía trước của làng, trong đình có câu đối: “Thần linh dựng nên làng Diềm, trải qua các thời đại đều phong tặng ngang trời đất”. Phía trước là hồ nước nay được xây kè, cống được dùng làm nơi tổ chức bơi thuyền hát quan họ ngày hội. Di tích vua Bà nằm cách di tích vài trăm mét tuy không phải là kiến trúc đồ sộ nhưng lại là trung tâm của sự sùng kính, trân trọng không chỉ của nhân dân Viêm Xá mà cả vùng quan họ. Đền vua Bà là kiến trúc cổ thời Lê có trang trí kiến trúc đắp nổi và chạm khắc đơn giản, song lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng vua Bà, bài vị sắc phong, hoành phi câu đối, đồ tế khí vẫn còn khá đủ.

                                   Chùa Dâu (St)

      Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 12 âm lịch là ngày dân truyền rằng vua Bà giáng xuống làng Viêm Xá, dân làng mở hội để tưởng niệm vị Thánh mẫu, mời bạn quan họ của làng về đây ca hát, đối đáp mở nhiều trò vui truyền thống trong đó đặc biệt có trò vui cướp cầu vốn tồn tại như một nghi lễ tín ngưỡng có liên quan trực tiếp tới sự may rủi của dân làng trong một năm sinh sống, làm ăn. Khách thập phương đến đây đều có thể cảm nhận không khí linh thiêng, huyền thoại cổ xưa chen lẫn sự mộc mạc êm đềm, rất giàu tình cảm của những áng thư quan họ vùng Kinh Bắc. Hiếm có làng quan họ nào trong 49 làng quan họ trong vùng lại có tới 4 hội làng như làng Viêm Xá mà đặc biệt là hội vua Bà thu hút đông đảo nhất và dài ngày nhất. Trong lễ hội, ngoài phần nghi lễ, chủ yếu là hát quan họ với các hình thức ca hát bài bản, lề lối nhất và vai trò của các nghệ nhân quan họ cũng chiếm phần đáng kể trong hát thời, hát cầu đảo. Và có lẽ vì không khí quan họ thiêng liêng như vậy mà mặc dù không có những thuận lợi về giao thông, địa thế như Hội Lim nhưng hội hát quan họ Viêm Xá hàng năm vẫn duy trì sức thu hút tự nhiên đối với phần lớn các làng quan họ trong vùng đến vui hát, thi hát như một nhu cầu tự thân đầy hứng khởi. Viêm Xá là chiếc nôi của quan họ, bao nắng, bao mưa, làng vẫn cố công giữ ngôi đền Bà chúa quan họ.

      Chuyện kể rằng: cô gái làng đẹp người, đẹp nết đảm đang nghề canh cửi tên là Nữ Nương, một bữa ra ruộng hái dâu, gặp vua vi hành về chốn dân dã. Cô gái lấp ló trong bờ dâu, trên trời có đám mây vàng kết tụ, hát ghẹo: Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Bao nhiêu thảo mộc lại hàng chị đây.

      Vua vì say câu hát của cô gái đẹp nết, đẹp người thương mến mời vào cung. Nhân dân trong làng tưởng nhớ người con gái đức hạnh có tài ca hát đã rủ nhau học thuộc những bài ca của Bà và sau này chính những bài bản ấy là dân ca quan họ. Những bài hát mà Bà sáng tác khi ca lên không chỉ làm say mê lòng người, giúp trai gái yêu thương nhau mà còn làm cho mùa màng tốt tươi, cây cối đơm hoa kết trái. Ở làng Viêm Xá còn giữ được những bài bản cổ trong mỗi nhà, trong nhiều nghệ nhân mà nghệ nhân Nguyễn Công Luật là một thí dụ. Làng Viêm Xá còn là trung tâm của hội hát quan họ Bắc Ninh. Làng đã làm tất cả những gì làm được để giữ lại, bảo tồn và phát triển di sản quý báu đã trở thành tài sản chung của dân tộc.

      Đến Kinh Bắc, nhớ Hoàng Cầm với “Bên kia sông Đuống” và “Tiếng hát quan họ” của ông. Kinh Bắc là nơi chôn nhau cắt rốn của Hoàng Cầm, mà đặc biệt là tại một làng quan họ mới thú vị sao! Chính đó, mà trong thơ ông đã giữ được các làn điệu dân ca cùng những lễ tiết cho một quan họ, hội hè, đình đám một vùng quê đậm đà vị sắc dân gian, một thời quan họ bay lên dốc, xin chớ dìu nhau xuống vực sâu. Hôm chúng tôi nghe quan họ tại Phú Sơn, trong men rượu cay nồng lại nhớ mấy câu quan họ mở đầu của Hoàng Cầm: Mẹ kể chuyện ngày xưa xa lắm/ Tháng tám ao hồ mát lặng/ Làng quê còn níu lại hương sen/ Hai mươi gái trai/ Thả một con thuyền/ Sóng mười đôi/ Mắt nhìn trong mắt/ Nón nghiêng tăm tắp/ Ngày mai ai chắc được gần ai.

      Tại chùa Dâu. Hôm chúng tôi đến, mặt trời thả xuống những tia nắng hanh vàng khó chịu và ngột ngạt, hơi nắng bốc lên ngùn ngụt như có khói. Trên con đường nhỏ dẫn vào chùa người dân phơi rơm rạ chật cả lối đi – người dân quê mình vẫn vậy trong sản xuất nông nghiệp vì thiếu sân phơi – Mùi rạ xông lên và trên sân chùa ngay trước nhà trai người ta phơi cả một sân lúa, tràn lên bìa sân, đang ưỡn mình phơi dưới nắng hè oi bức.

      Trụ trì chùa Dâu là một sư nữ, cho chúng tôi biết về ngôi chùa này: chùa Dâu còn có tên là chùa Diên Ứng tự (延應寺), Pháp Vân tự (法雲寺), toạ lạc tại làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh bắc Ninh.

      Đây là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng vào đầu thế kỷ thứ III sau công nguyên. Hôm chúng tôi đến, chùa đang trong thời kỳ phục chế toàn diện. Trên sân, trước lối đi vào chùa những cây gỗ lim to tướng nằm dài gác thân lên nhau chuẩn bị xẻ dọc, cưa  ngang tham gia trùng tu lại chùa. Từ những thế kỷ đầu công nguyên, chùa Dâu đã là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Từ cuối thế kỷ thứ IV, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã mở đạo tràng, thuyết pháp tại chùa lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam. Chùa được ông Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng lại với quy mô lớn vào thế kỷ thứ XIV, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau. Hiện nay tại sân chùa có tháp Hoà Phong 3 tầng cao 17 mét. Trong tháp có treo một chuông lớn đúc từ thời Cảnh Thịnh (1793), một khánh lớn bằng đồng đúc năm Minh Mạng thứ 18. lại còn có tượng Bà Pháp Vân, tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Ca dao kinh Bắc nhắc nhau: Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

      Chùa Dâu là nơi ta có thể tìm hiểu và gặp lại câu chuyện Quan Âm Thị Kính. Chuyện ra đời từ chùa Dâu, nay còn tượng thờ phía sau gian chính. Ngày xưa, con gái xuống tóc vào chùa tu hành là không thể được, thế nên Thị Kính phải giả làm trai để được vào chùa kinh kệ sớm hôm.

     Tiên Đồng (Ảnh: VVH, 6/2006)     Ngọc Nữ (Ảnh: VVH 6/2006)

      Nơi các chú tiểu ở cũng được bố trí riêng nên chuyện phát hiện gái giả trai để tu hành không làm bận lòng các sư trụ trì là mấy. Chính đó mà Thị Kính có thể vượt qua. Thế nhưng cho đến một ngày người ta đem con trẻ đến chùa và rằng gán cho Thị Kính tội lấy gái (bởi Thị Kính đẹp) đến phải có con. Thị Kính phải nuôi lấy trẻ như một sự công bằng theo luật nhân quả phải có trước Phật tổ. Chuyện từ đó làm những nhà tu hành trong chùa phẩn nộ, rằng đường trần Thị Kính chưa dứt được, không thể tu hành thành đạo. Thị Kính vẫn lặng thinh chấp nhận và xem đấy như một lỗi lầm. Cho đến một hôm các vị sư trong chùa phát hiện ra rằng Thị Kính là gái giả trai chứ nào phải là trai mà không thể dứt nợ tình, khi đã minh oan được cho Thị Kính cũng là lúc Thị Kính vì đau buồn không thể sống được nữa, đã thăng hoa về cõi Niết Bàn và đã thành chính quả. Quan Âm Thị Kính từ đó mà có!

      Chuyện về một người con gái đi tu mắc oan nghiệp được chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật. Trong Nam chuyển thành loại hình cải lương, miền Trung chuyển thành tuồng, ngoài Bắc chuyển thành kịch, chèo…diễn trên sân khấu cho người đời biết được một câu chuyện thương tâm đã xảy ra nơi chốn Phật đài.

      Gần 2000 năm biến dịch với bao đổi thay, tu tạo, có lẽ bây giờ cảnh quan chùa Dâu đã khác xưa nhiều. Nghe nói, trước đây con đường vào chùa đẹp lắm. Qua tam quan đồ sộ và bãi đất rộng nằm giữa hai dãy ao dài in bóng chiếc cầu chín nhịp có mái lợp, kiểu nhà cầu cổ ta còn thấy ở Hội An và Huế, và một số nơi khác, khách bộ hành qua cầu vào dâng hương lễ Phật. Cũng như nhiều chùa chiền trên đất Việt, chùa Dâu được xây cất theo kiểu nội công ngoại quốc, một kiểu kiến trúc Á đông truyền thống. Bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi chính: Tiền đường, Thiện hương và Thượng điện. Hậu đường xưa nay không còn nữa, nhưng khách thăm chùa vẫn còn được chứng kiến bốn mươi tể gian nhà oản hai bên tả hữu. Hôm chúng tôi đến dạo quanh các căn nhà oản, quả là rất rộng, các gian oản trống trơn vừa được phục chế, xem đó ngày trước đây vẫn là nơi dừng chân nghỉ lại của các khách thập phương đến lễ chùa Dâu. Các gian phục chế lại đều thấp, toàn là gỗ lim chắc không tưởng được. Giữa sân chùa là cây tháp Hoà Phong. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn, được nung thủ công chín đến độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã làm xoá mòn đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng ngàn năm. Dấu vết xưa nhất còn lại của ngôi chùa được các nhà khảo cổ học xác định là từ đời nhà Trần. Đợt tu bổ lớn nhất vào năm 1313 dưới triều vua Trần Anh Tông. Chúng tôi dạo quanh chùa mới cảm nhận được hết vẻ hằn sâu của thời gian, đặc biệt là những tượng Phật bằng gỗ – ngày xưa ấy chỉ chạm trổ toàn bằng gỗ, làm gì có đất nung và ximent, hoặc làm gì thời buổi cách đây những 2000 năm mà có thạch cao để làm tượng – Những tượng Phật bằng gỗ, trầm mặc lâu đến nỗi chỉ cần nhìn vào là có thể ức đoán được lớp bụi thời gian phủ lên trên tượng. Những tượng Phật không tròn to, vạm vỡ như những tượng Phật ngày nay. Phải chăng dưới cái nhìn thời ấy, các vị Phật vẫn bình thường như chúng sinh bình thường lam lũ, vẫn má cóp, thân gầy! – Theo nghiên cứu sử học, chùa Dâu có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự… có thể ra đời đồng thời với truyền thuyết Man Nương, một trong những mã khoá mở vào tầng sâu của văn hoá Kinh Bắc. Vậy nên, hợp với chùa tổ Man Nương là cả một quần thể những chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn thờ tứ pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, pháp Lôi, Pháp Điện, là nơi giao lưu của hai nền văn hoá Phật  giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống, nơi đây từng là nơi “kinh đô”của Phật giáo Việt Nam hơn 10 thể kỷ đầu. Tại “kinh đô” này đã có nhiều nhà sư nổi tiếng, với hội tắm Phật mùng 8 tháng tễ hàng năm:  Dân gian thường nhắc: Dù ai buôn bán trăm bề/ Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu.

      Càng nhìn ngắm kỹ các tượng Phật trong chùa mới thấy hết giá trị của chùa Dâu, một trong những ấn tượng khó có thể quên được sau khi thăm viếng cảnh chùa ấy là những pho tượng thờ. Có thể nhìn tượng Pháp Vân uy nghi, trầm mặc màu đồng hun. Gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi sự liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc, nơi cội nguồn của tễ tưởng thiện căn, của đức từ bi hỉ xả. Tượng Pháp Vũ với những nét đã được Việt hoá, đức độ, cao cả. Đặc biệt hai pho tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ đặt hai bên điện thờ chính, gợi nhớ tới những cô thôn nữ của miền quê quan họ nơi đây. Dáng người thắt đáy lưng ong uyển chuyển, vành khăn quấn trên đầu bình dị và mềm mại, chiếc áo tứ thân mớ ba, mớ bảy với dải lụa đào thướt tha làm tôn lên vẻ đẹp dịu dàng của người thanh tân quan họ nơi Kinh Bắc. Cha ông ta xưa đã rất tinh tế, nhuần nhị khi đặt tượng thờ Kim Đồng, Ngọc Nữ. Về đây ta gặp sự giao hoà đẹp đẽ giữa tễ tưởng Phật giáo chính thống, một dạng thức văn hoá tinh thần ngoại nhập vào ta, với tâm linh, tinh thần bình dân, thuần phác. Ta cũng lại thấy ở đây một minh chứng rõ nét cho quá trình tiếp biến văn hoá, sự Việt hoá những giá trị tinh thần khi hội nhập. Về chùa Dâu, về Thuận Thành ta như được tắm mình trong không khí cổ xưa qua dấu ấn của nhiều tầng bậc văn hoá – lịch sử. Nơi đây, đô thành Luy Lâu xưa bên dòng sông Thiên Đức làm ta gợi nhớ thời oanh liệt của Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đông Hán năm 43 sau công nguyên. Còn đây, dòng sông Dâu đã đi vào thơ Tố Hữu: Con sông Dâu chảy về đâu/  Mà lơ thơ đến Luy Lâu lại dừng.

      Còn đây nữa là miền đất trù phú Keo – Dâu với câu chuyện cổ tích về cô thôn nữ hái dâu, nết na xinh đẹp đã trở thành Nhiếp chính Ỷ Lan tài gỏi, quán xuyến việc nước giúp vua đánh giặc ngoại xâm. Sư nữ gợi chuyện làm tôi nhớ về người con gái họ Đoàn ở Quảng Nam cũng hái dâu, cũng nết na xinh đẹp và đã trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu – vợ Nguyễn Phúc Lan – đã giúp cho nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa trên đất Duy Trinh của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam phát triển và nhờ đó mà thương nhân Âu Châu, Trung Quốc biết đến xứ sở Đàng Trong với sản phẩm lụa là nổi tiếng. Chuyện dân gian kể rằng: từ thủ phủ Điện Bàn thuyền rồng Nguyễn Phúc Lan tuần du cùng cha trên dòng sông Thu Bồn vào một đêm trăng sáng, bỗng vọng lại từ đâu trong gió lời ca của cô thôn nữ hái dâu. Lời rằng: Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Cảm thương phận thiếp hái dâu một mình. Chúa Nguyễn Phúc Lan nghe được, đem lòng yêu mến cô gái họ Đoàn hát hay làm giỏi. Tiệc cưới của họ được tổ chức. Về sau, cô gái họ Đoàn trên đất Thanh Chiêm được phong là Hiếu Chiêu Hoàng hậu. Và, cũng từ đấy – thế kỷ thứ XVII – một thương cảng Hội An từng bước ra đời và phát triển phồn thịnh. Mãi đến ngày nay người ta còn tìm nhiều phương pháp để tìm hiểu lại thời vàng son ấy của phố Hội trên đất Quảng Nam. Lịch sử đôi khi giống nhau vài sự kiện tiêu biểu, như là cô gái hái dâu ngày xưa và cô gái hái dâu thời chúa Nguyễn đã làm ta thức tĩnh !

      Và đây, chùa Tháp Bút, nơi có tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng mà thời còn cắp vở đến trường phổ thông tôi đã nhiều lần thấy in hình Tháp Bút trên sách và tượng Phật mới linh thiêng làm sao ! Không thể nghĩ rằng có một ngày lại đến được nơi này, đứng bên tượng chiêm ngưỡng và tôn kính như buổi sáng nay trong cái nắng hanh vàng của xứ Kinh Bắc. Hoàng Cầm viết trong Bên kia sông Đuống: Ai về bên kia sông Đuống/ Cho ta gởi tấm the đen/ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên/ Những hội hè đình đám/ Trên núi Thiên Thai/ Trên chùa Bút Tháp/ Giữa huyện Lang Tài/ Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu.

      Là làng tranh Đông Hồ, nơi tâm hồn dân gian dẫu hoàn cảnh nào vẫn luôn mỉm cười trên sắc giấy hoàng, giấy điệp. Làng tranh có một không hai tại Việt Nam. Đôi khi ta cứ tưởng làng tranh Đông Hồ phải là vùng nằm trong long Thăng Long – Hà Nội – nhưng đến đây mới ngộ ra rằng làng tranh nổi tiếng Đông Hồ từ rất xưa đã là một làng quê dân dã tại Bắc Ninh. Mới biết: Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…Cạnh đó là dòng sông Đuống “ngày xưa cát trắng phẳng lỳ” giờ vẫn bình thản trôi đi như đã từng trôi qua những bến bờ lịch sử.

      Và, từ chùa Dâu, ta có thể rẽ ngang thăm núi Thiên Thai hay về bên kia sông Đuống dâng hương các vị vua thời Lý tại đền Đô. Sông Đuống nghe quen và lại gợi nhớ đến Hoàng Cầm với thơ “Bên kia sông Đuống”, nơi thi sỹ gởi gắm một mối tình, thiết tha và lãng mạn với một cô thôn nữ – một liền chị – quan họ vang bóng một thời. Hoàng Cầm phải tìm cho ra lá diêu bông thì đấy cũng là cơ hội cho một mối tình. Nhưng, nào đâu có lá diêu bông để mà tìm ! Nên tình yêu dù thiết tha thế nào cũng không thể. Thì đành vậy!  Quan họ hát rằng: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thờ đi tìm/ Đồng chiều cuống rạ/ chị bảo/  -Đứa nào tìm được lá Diêu Bông/ Từ nay ta gọi là chồng/ Hai ngày em tìm thấy lá/ chị chau mày/ -Đâu phải lá Diêu Bông!/ Mùa đông sau em tìm thấy lá/ chị lắc đầu/ Trông nắng vãn bên sông/ Ngày cưới Chị/ Em tìm thấy lá/ Chị cười, xe chỉ ấm trôn kim/ Chị ba con/ Em tìm thấy lá/ Xoè tay phủ mặt chị không nhìn/ Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông hờ!…ới Diêu Bông!…

                                            Hành lang tượng La Hán (St)

[1] Thơ Cẩm Lệ.