TRI THỨC DÂN GIAN VỀ BÃO GIÓ CỦA NGƯ DÂN MIỀN BIỂN

421

            Tóm tắt

            Ngư dân vùng biển Đà Nẵng và hơn thế trên khắp vùng miền ven biển Việt Nam trong lao động sản xuất đánh bắt cá đã đúc kết kinh nghiệm phòng tránh bão, gió, mưa và các diễn biến thời tiết khác tác động đến quá trình lao động của ngư dân được an toàn. Họ đã dựa vào sự biến đổi của các sự sự vật và hiện tượng trên cát, trên biển, trên trời, các loại động thức vật biến đổi để thích nghi và họ đưa ra dự đoán khi nào dông bão, khi nào biển lặng sóng êm, khi nào mưa móc,… để có thể ra khơi đánh bắt cá mà không làm phương hại đến tài sản và tính mạng của họ trên biển.

            Từ khóa:

            Biển, dự báo, thời tiết, ngư dân.

            Nội dung:

Từ ngàn xưa, ngư dân Đà Nẵng đánh bắt cá trên biển khơi thường phải chấp nhận chung sống cùng sóng gió. Con người bấy giờ như hạt nước giữa đại dương, sóng bủa bao quanh, đối mặt với thời tiết bất lợi, và hơn thế, bão tố có thể ập đến không biết lúc nào. Cuộc sống của họ trên biển là cuộc sống trần trụi, tiếp cận với biển bao la, họ chỉ nhìn các chòm sao để định vị hướng ra hướng vào. Bởi vậy, nỗi lo lắng luôn thường trực, tâm tư tình cảm của ngư dân thể hiện: –Ra khơi bữa có bữa không/ Lạy trời đừng để tố dông cho mình. – Một ngày ba bảy trận dông/ Anh đi câu mực sao không thấy về.

Và vì cuộc sống cả đời gắn với biển – ngư dân thường nói sống nhờ bọt biển – nếu trời yên biển lặng, an được tấm lòng thì đánh bắt kiếm ăn, còn ngược lại thì đành vậy. Bởi thế khi nhìn nước biển, họ có thể dự đoán sự đổi thay của thời tiết: – Nước trong cá lội thấy vi/ Anh câu không được bởi vì sáng sao.

                                                Đẽo gỗ đóng tàu (A.Tl)

Đã từ lâu, trong cuộc sống, người dân từ miền núi đến đồng bằng xuống miền ven biển, khi quan sát những biến đổi của hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ, từ cây cỏ hoa lá, chim muông, côn trùng, và qua dông bão, gió lốc, ông cha ta đã dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm về dự đoán gió, mưa, bão, lụt, hạn hán,… Nhờ vào đó, cả ngàn năm ông cha ta mới có thể phòng tránh thiên tai, tổ chức sản xuất phù hợp theo mùa, theo chu kỳ diễn biến của tự nhiên, hạn chế những thiệt hại, xây dựng cuộc sống như ngày hôm nay.

Một quá trình dài lâu trong lịch sử phát triển, người dân đã phát hiện ra những dấu hiệu để dự đoán được những biến đổi của thời tiết bằng phương tiện trực quan các hiện tượng và sự vật chung quanh trong vùng. Họ đã đúc rút lại kinh nghiệm thành những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những chuyện kể về thời tiết, gió mưa để dự đoán sự thay đổi của thời tiết và khí hậu trên vùng cư trú.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, phương tiện quan sát và dự báo thời tiết hiện đại, con người có thể dự báo chính xác các yếu tố thời tiết, khí hậu. Tuy vậy, những câu tục ngữ, thành ngữ và ca dao về thời tiết của dân gian hiện nay vẫn có ích và thiết thực đối với cộng đồng dân cư, nhất là với môi trường làm việc trên biển.

  1. Nhận biết và dự báo qua các hiện tượng thiên nhiên: dông, chớp, mây, gió, trăng, sao, quầng, tán, sóng biển, sóng sông …

 

Mũi tàu (A.Tl)

Chuyện mưa nắng là “bệnh của trời”, mười hai tháng trong năm hết mưa sang nắng, cứ thế vòng xoay. Trong dân gian không tính chế độ mưa gió, gió mùa như ngành Khí tượng – Thủy văn, mà họ nhận biết theo chu kỳ thời tiết trong năm. Ngư dân ven biển Đà Nẵng nhìn hiện tượng bằng mắt thường vào những lúc bình minh, hoàng hôn, giữa buổi, đứng trưa, giữa chiều và khi trời tối,… nhìn vào cây lá, động, thực vật… đã đúc kết những quan sát được bằng khinh nghiệm một cách tỉ mỉ qua nhiều thế hệ trải nghiệm các sự vật và hiện tượng, ghi dấu ấn bằng ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong đó phần lớn là dự đoán qua tục ngữ và mô tả các hiện tượng trong tự nhiên. Tôn trọng thực tế, trong phần này chúng tôi giữ đúng phương ngữ thu thập được:

– Đời ông cho chí đời cha

 Mây phủ Sơn Chà không gió thì mưa.

– Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/

Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa.

– Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/

Sóng xô Cửa Đại, trời đà chuyển mưa.

– Mây đen phủ kín Sơn Chà/

Gấp lo thu dọn kẻo mà có mưa.

– Mây đen xuống biển thì nắng chang chang/

Mây đen lên ngàn thì mưa như trút

– Mống cao gió táp/

Mống rạp mưa dầm.

– Mống đóng đằng tây/

Mưa giây gió giật.

– Chớp phía đông, mưa dông đã tới/

– Sao tua rua mọc vàng cây chết/

Sao tua rua lặn chết cá chết tơm/tôm.

– Trăng quầng thì hạn/ Trăng tán thì mưa.

– Nờm / nồm mùa sông, dông mùa biển/

– Nờm / nồm ngoài nước ngọt, chẳng để lọt con nào.

– Mây bạc mà quấn lưỡi đao/

Thuyền câu, thuyền lưới chèo vào cho mau.

Đông nam có chớp chéo nhau/

Thấp sát mặt biển hôm sau bão về.

 – Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang/

Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút/

– Sáng mưa mòi, trưa nắng lòi mắt ra.

 – Chớp đằng đông, nước đồng tràn ngập.

– Chớp đằng đông vừa trông vừa chạy/

Chớp đằng nam vừa làm vừa chơi.

– Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy/

Cơn đằng nam, vừa làm vừa ăn.

– Sấm động đằng nam, nắng vàng cả mắt/

Sấm động đằng bắc, mưa ập cả bờ /

Sấm động đằng đông, không làm cũng có/

Sấm động đằng tây thì đầy bồ thóc.

– Sấm trước, cơn sấm no,

Sấm sau, cơn sấm đói.

–  Trên trời có vẩy tê tê /

 Là mưa sắp sửa kéo về nay mai.

 – Trời oi đen sẫm, sấm sét tới nơi.

– Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa.

– Trời hôm mây kéo bối bừa/

Trời còn nắng ráo ta chưa vội gì/.

Bao giờ kéo vảy tê tê/

Sắp gồng, sắp gánh ta về kẻo mưa.

– Mây kéo xuôi, tìm gàu mà tát

            Mây kéo ngược, tìm cuốc phá bờ.

– Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa.

 – Mống cao gió táp, mống áp mưa rào.

– Chớp thừng chớp chảo 

  Không bão thì mưa.

– Chớp đông nhay nháy 

  Gà gáy thì mưa. 

– Chớp đằng Đông, vừa trông vừa chạy. 

– Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa.

– Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa.

– Chớp Đông mưa dông tốt mạ.

– Chớp đằng Đông, nước đồng tràn ngập.

– Móng dài trời lụt

Móng cụt trời mưa [1]

– Thâm Đông thì mưa.

  Thâm dưa thì khú.

– Thâm đông, hồng tây, dựng may,

Ai ơi đợi đến ba ngày hãy đi.

– Nào ai chài lưới ngoài khơi

Thấy mây đỏ ngọn thì bơi thuyền vào.

– Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống

– Ráng mỡ gà có nhà thì giữ.

            – Ráng chiều mà ngả màu vàng

            Trời đà sẽ có gió nhiều ai ơi.

– Gió heo may, chẳng mưa dây thì bão giật.

       –  Mặt trăng má đỏ

         Trời đã sắp mưa.

– Chớp thừng, chớp chảo

   Không bão thì mưa

-Mặt trăng ứa đỏ, trời sắp có mưa-Mặt trăng ứa đỏ, trời sắp có mưa-Mặt trăng ứa đỏ, trời sắp có mưa– Mặt trăng ứa đỏ, trời sắp có mưa

– Mặt trời có quầng thì hạn, mặt trăng có tán thì mưa. 

                                           Một ngư dân Đà Nẵng thời Pháp (A.Tl)

  (Trăng quầng thì hạn trăng tán thì mưa)

– Mống bên đông, vồng bên tây,

 Chẳng mưa dây thì bão giật.

– Bạn chài thợ lái bảo nhau

  Mống đông, chớp lạch quay mau về nhà.

– Chiều chiều trời thổi gió hòn

Không mưa thì bão chẳng còn bao lâu

– Chiều chiều trời đỏ phương tây

Khi trời đỏ nhạt thì ngày sắp dông

– Mù sương lắm cá

Hồng trời lắm tôm

     –  Cha chết không lo bằng đỏ lò tây bắc.

     – Dông phía đông, bắc nồi rang thóc.

        Dông phía tây, đổ thóc ra phơi.

       – Chớp đằng đông, nước đồng tràn ngập

         Chớp đằng tây, mua dây mà tát.

– Gió thổi rông, mây màu xám, trời sắp bão.

Dựa vào đặc điểm của sao để dự báo thời tiết:

– Sao dày thì nắng, vắng sao thì mưa.

– Đêm nào sao sáng xanh trời,

              Đó là nắng ráo yên vui suốt ngày

 – Đêm trời tang, trăng sao không tỏ, 

 Ấy là điềm mưa gió tới nơi. 

 Đêm nào sao sáng xanh trời, 

 Ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày. 

 Những ai chăm việc cấy cày, 

 Điềm trời trông đó, liệu xoay việc làm. 

– Mau sao thì nắng.

                                                      Vắng sao thì mưa   

                            

  Nghệ thuật chạm trổ mũi thuyền ngư dân Đà Nẵng. Tl

           –  Sao ló trời nắng,                  

 Sao vắng trời mưa 

– Đi ra trông sao

Đi vào trông núi

      Nhận biết bão lũ bằng văn xuôi truyền miệng

       Ngoài việc đúc kết thành tục ngữ, ca dao bằng văn xuôi truyền miệng, người dân còn truyền nhau kinh nghiệm dự báo thời tiết (qua nhìn mây, gió, trăng, sao,…)

            – Nhìn lên trời có nhiều luồng gió xoáy, thế nào năm đó cũng có bão

            – Nhìn ra biển xa, phía đông ụ mây đọng nước, mặt biển hơi nước bốc lên mù trời, mặt biển có sóng, thế nào vài ngày tới có biển động.

            – Trên mặt sông đang bình lặng, bỗng dưng vào một ngày nào đó, mặt nước có nhóc là thế nào cũng có bão. [2]

     – Quan sát mặt trăng khi trăng non (khoảng từ ngày 8 đến ngày 12 âm lịch) nằm nghiêng thì sau vài ngày sẽ có gió rất mạnh, sóng biển thường rất cao. Nếu trăng khuyết mà nằm ngang thì trời đẹp, có thể ra khơi bình thường.

       – Ngư dân quan sát vào những ngày trăng tỏ, thường triều cường lên, ngư dân không đi biển.

    – Mây có hình dạng như vẩy cá, màu trắng, không tạo thành bóng râm, di chuyển chậm thường cho thời tiết tốt.

    – Tùy theo mùa mà một loại mây có thể đem lại thời tiết khác nhau: vào mùa hè, loại mây trắng bạc có hình sọc kéo dài như đuôi ngựa, đôi khi có hình rẻ quạt, không tạo bóng râm, mây này thường cho thời tiết đẹp nhưng về mùa lạnh giá, gió Bắc thổi mạnh đôi khi chúng dự báo sắp tới có mưa gió.

    – Khi xuất hiện mây màu trắng sữa, qua mây có thể nhìn thấy mặt trời, mặt trăng có quầng, phát triển phủ khắp bầu trời, phía dưới có nhiều mây dày và thấp thì có khả năng sắp tới thời tiết sẽ xấu vì áp thấp hoặc có mưa bão…

    – Khi những đám mây màu trắng hình dáng như những lông vũ thì những ngày sau cho thời tiết đẹp nhưng khi mây phát triển ngày càng lớn, liên kết lại với nhau thì có khả năng sắp có một trận mưa lớn.

    – Trời đang trong xanh nhưng xuất hiện nhiều lớp mây, phát triển dày đặc theo chiều gió là báo hiệu thời tiết chuẩn bị có mưa.

    – Những đám mây màu xám, đặc, có hình dạng kỳ quái, đỉnh tròn đáy bằng, cũng có khi trên đỉnh có mây xơ như chùm tóc, phát triển rất nhanh, kèm theo những tia chớp nhì nhằng là trời sắp có mưa rào hoặc mưa đá và gió lớn.

    – Những đám mây đen, đặc, có cảm giác nặng nề, phía dưới có mây mỏng, xác xơ, chuyển động nhanh thì mưa sẽ đến và lượng mưa khá lớn.

  1. Dự báo, nhận biết bão lũ qua cây cỏ, hoa, lá …

– Cỏ gà mọc loang, cả làng đầy nước.

– Thấy tre bóc lộc, rét xộc tới nơi

– Đầu măng ngã gục vào hè

Nương nhờ vào mẹ kẻo e bão về.

– Cỏ gà loang lổ, tức đổ mưa ngay.

– Cỏ gà màu trắng, điểm nắng đã hết.

– Dù chỉ là cỏ gà

             Đang xanh hóa trắng ắt là có mưa

 – Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.

         – Bao giờ cho đến tháng Ba,

         Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn.                                                                     Mắt thuyền xưa của ngư dân Đà Nẵng (A.Tl)

– Rễ sanh ra trắng,

Điềm nắng đã hết.

Hoặc:

            – Rễ sanh ra trắng,

            Chẳng nắng được lâu

            Nhận biết qua văn xuôi truyền miệng

Thời tiết còn được dự báo qua thành quả thu hoạch cây trái: Bầu nắng, mướp đắng mưa, dưa đại hạn (được bầu thì nắng, được mướp đắng thì mưa, được dưa thì đại hạn). Hay khi chuối trổ buồng nhưng bị lép thì có khả năng sắp tới mưa lũ rất nhiều…

           Ngoài ra, có thể dự báo thời tiết qua các hiện tượng khác: nhìn lá cây cỏ ống bị móp đầu lá thì biết bão sẽ xảy ra. Có bao nhiêu ngấn móp sẽ có bấy nhiêu cơn bão sẽ đổ bộ vào. Cây đu đủ đang xanh bỗng dưng có mấy tàu lá úa là trời sắp có gió mạnh và mưa bão. Hoa cúc cụp cánh lại trước khi trời sắp chuyển mưa. Kinh nghiệm cũng cho thấy trước khi mưa, hoa tỏa hương thơm nhất.

            – Ngư dân mà không chỉ ngư dân, người vùng đồng bằng, vùng trung du trồng lúa nước, lúa rẫy khi nhìn vào gốc lách (cây đót) trổ hoa màu trắng khắp triền đồi, chân núi, năm đó ngư dân dự báo không có bão. Ngược lại năm nào cây đót không ra hoa trắng thì năm đó không có bão to cũng có bão nhỏ.

     – Nhìn vào một bụi tre, hoặc một lũy tre, thấy những măng tre tháng tư mọc lên mà ngọn măng có khuynh hướng nghiêng vào giữa bụi thì dự đoán thế nào đến tháng 9 tháng 10, 11 Âm lịch sẽ có bão.

    – Tháng 8 Âm lịch mà măng vẫn còn mọc vào giữa bụi tre, các cụ cao niên của làng bàn tán xôn xao sẽ có lũ lớn.

    – Trên một đám đất nà, ven theo triền sông, bờ ruộng người dân quan sát thấy lá cây cỏ ống xuất hiện sự khác màu nơi đầu lá thì thế nào dự đoán năm đó có bão.   

  1. Nhận biết và dự báo qua tập tính một số loài động vật …

– Gió bấc hiu hiu, sếu kêu trời rét.

– Nhện giăng thì nắng

  Nhện vắng thì mưa.

      – Cò bay ngược, nước vô nhà

         Cò bay xuôi, nước lui ra biển.

          – Kiến đen vỡ tổ bay ra,

   Bão táp mưa sa tới gần.

–  Kiến đen tha trứng lên cao

  Thế nào cũng có mưa rào rất to.

– Kiến bò từ dưới lên cao

            Mang theo cơm gạo, gây nên mưa rào.

– Đường đi kiến đắp thành bờ

            Chẳng mưa thì gió còn ngờ vực chi.      

                              Mũi thuyền xưa của ngư dân Đà Nẵng (A.Tl)

– Kiến cánh vỡ tổ bay ra

 Bão táp mưa sa tới gần.

– Tháng Bảy kiến đàn, đại ngàn hồng thuỷ.

       – Kiến đắp thành thì bão

  Kiến ẵm con chạy vào thì mưa. 

– Tháng Bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt

– Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

  Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.

– Gió heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

Hay:   – Chuồn chuồn bay thấp, mưa ngập bờ ao

Chuồn chuồn bay cao, mưa rào lại tạnh

– Tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

– Mồng bốn, cá đi ăn thề,

Mồng tám, cá về cá vượt vũ môn. 

– Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước

       – Qụa tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.

– Ốc nổi bờ ao, mưa rào sắp đến.

Cua bò lên cao, thế nào cũng lụt.

– Én bay thấp mưa ngập bờ ao

  Én bay cao mưa rào lại tạnh.

– Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa

            – Trời đang mưa, gà gáy hết mưa

– Trời đà sâm sẩm tối rồi,

Gà còn đi bới điềm trời sắp mưa.

Nhận biết qua văn xuôi truyền miệng

– Loài ong vò vẽ có thói quen làm tổ ở những đám cỏ dại chưa quá bụng người. Nhưng vào năm có bão xảy ra thì chúng làm tổ cao quá đầu người mấy tấc.

Ngoài những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, người dân ven biển Đà Nẵng còn truyền bảo nhau kinh nghiệm dự báo bão qua quan sát đường đi của cá.

– Khi thủy triều không lớn quá hoặc không nhỏ quá, thấy cá đi từng đoàn, khoảng 3 đến 4 ngày thì hết là dấu hiệu trời sắp chuyển, mưa bão sẽ xuất hiện sau đó vài ngày.

Nhiều loài động vật luôn có biểu hiện trước khi thời tiết thay đổi:

– Đom đóm thường bay ra trước khi trời mưa. Ong bay gần tổ là mưa đã tới gần.

– Với ong vò vẽ, chúng thường làm tổ lưng chừng cây nhưng khi thấy chúng làm tổ sát đất thì có nghĩa sắp có bão. Ngược lại, chúng làm tổ trên cao thì mưa nhiều và khả năng lụt lớn.

                                     Một cơ sở đóng tàu thuyền (A.Tl)

– Khi chồn hương làm tổ to dưới nước sâu thì mùa đông tới sẽ rất lạnh.

          – Vạch nâu trên sâu róm càng rộng, mùa đông càng ấm.

          – Gia súc thường túm tụm lại trước khi có cơn bão.

– Nếu chó đi nhấc cao chân thì thời tiết sắp thay đổi.

          – Thỏ rời cánh đồng và trốn vào gốc cây trước khi trời mưa.

          – Vịt kêu to hơn trước khi có bão.

          – Nếu chim ăn khi mưa thì mưa suốt cả ngày.

          – Chim lợn kêu là trời sắp mưa.

          – Dế kêu càng gấp gáp, trời càng ấm…

            – Chim vịt kêu buổi sáng là trời nắng to nóng bức

  1. Nhận biết và dự báo theo mùa

– Tháng Bảy nhìn ra, tháng Ba nhìn vào.

Theo ngư dân làng chài Nam Ô, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng thì câu tục ngữ này nói về mây. Tháng Bảy, nhìn ra biển, thấy mây nhiều là sắp có mưa bão. Ngược lại, tháng Ba nhìn về phía Tây, thấy mây nhiều là sắp có mưa gió.

– Ông tha mà bà chẳng tha 

Làm nên cái lụt hăm ba tháng mười 

Câu tục ngữ này có nghĩa: dù có mưa bão trước đó bao nhiêu trận đi nữa, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm nếu như chưa qua ngày 23 tháng 10 âm lịch.

– Rét tháng tư, nắng dư tháng tám [3]

– Sấm đến tháng chín, rét đến tháng tư

          – Thập nguyệt kiến hồng, tam dông bát vũ [4]

– Tháng Ba bà già chết rét 

– Tháng Giêng động dài 

  Tháng Hai động tố 

  Tháng Ba nồm rộ 

  Tháng Tư nam non 

  Tháng Sáu nam dòn 

  Tháng Bảy mưa bãi 

  Tháng Tám mưa dông 

  Tháng Chín mưa ròng 

  Tháng Mười lụt lớn.

Hoặc:

– Tháng Giêng rét đài,

   Tháng Hai rét lộc,

   Tháng Ba rét nàng Bân.

Đó là ba đợt rét đầu năm ở miền Bắc. Rét đài là đợt rét cho cây trổ hoa. Sau đó là rét lộc tức là đợt rét khi cây nẩy mầm non. Rét Nàng Bân vào tháng Ba âm lịch hay còn gọi rét muộn.

– Tháng Bảy mưa gãy cành trám 

Tháng Tám nắng rám trái bòng 

– Nồm động đất, bấc động khơi

– Ba ngày gió nam, mùa màng mất trắng.

– Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm

– Tháng Ba mưa đám, tháng Tám mưa cơn.

– Tháng Chín nhiều dông, mùa đông rét mướt.

– Mồng chín tháng Chín có mưa,

Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn.

            Mồng chín tháng Chín không mưa,

Thì con bán cả cày bừa đi buôn.

– Tháng Giêng, tháng Hai kéo chài không kịp.

Nhận biết qua truyền miệng

 

Xẻ gỗ đóng tàu (A.Tl)

 

            Theo kinh nghiệm của ngư dân ven biển Đà Nẵng thì khi ra khơi vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, hễ thấy mây kéo nhau bay về hướng Bắc thì những ngày sau sẽ có gió to, biển động.

            Vào tháng 4, tháng 5 (khoảng cuối tháng 2, tháng 3 âm lịch) nếu nắng to, kết hợp sua/rua nở hoa nhiều thì khoảng 10 ngày sau ắt sẽ có bão. Trời nắng càng to, càng gay gắt thì bão càng lớn. Ngư dân Đà Nẵng gọi những cơn bão như vậy là “bão rửa mặt”, bởi vì không chỉ xảy ra vào đầu năm mà sau bão thời tiết sẽ dịu mát trở lại.

            Các lão ngư dân làng chài Nam Ô cho biết: kinh nghiệm của ngư dân Nam Ô là chớp nẻ lò (chớp nhiều, chớp liên tục) tại hướng nào thì có gió săn (gió mạnh) hướng đó. Ngoài ra, thấy “bãi cát không hãm” (phương ngữ của ngư dân Nam Ô), tức là bãi cát không dài ra do nước khỏa thì năm đó sẽ ít bão, hoặc có bão nhưng bão sẽ không vào đất liền, không ảnh hưởng đến vùng này.

            Ngư dân ven biển Đà Nẵng cũng có kinh nghiệm dự báo thời tiết khá độc đáo là vào rằm tháng 8, nếu nhìn về phía Đông mà có một đám mây nổi lên là chắc chắn sẽ có mưa lớn do bão. Còn vào khoảng tháng 9, lúc mờ sáng, mặt trời xuất hiện “gài then” (phương ngữ của ngư dân. Sóng đã cài then đêm sập cửa. Câu thơ Xuân Diệu) thì trời sắp “săn”. Tức là có gió săn, gió lớn và sắp có bão. Hoặc khi thấy đám mây đen hình mắt trâu thì phải nhanh chóng cho thuyền chạy về bến vì khả năng mưa kèm dông tố, gió lớn sẽ đến.

            Một kinh nghiệm rất dễ nhận thấy là khi bầu trời quang đãng nhưng không khí oi bức, ngột ngạt, lặng gió kéo dài vài ngày, sau đó xuất hiện mây cao [5]  gồm các đám, màn hoặc lớp không bóng, trông như những hạt hay nếp nhăn hội tụ về một hướng chân trời sau đó mây tầng cao xuất hiện mây lớn và đặc, phát triển dữ dội theo chiều thẳng đứng trông như những dãy núi đồ sộ, đỉnh mây thường nhẵn lì hoặc dạng tơ sợi, hình dẹt như cái đe, chân mây đen và có kèm theo mây rách xác xơ, gió tăng dần. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể bão đang di chuyển từ hướng đó tới.

            Cũng theo kinh nghiệm của những ngư dân các làng chài Nam Ô và Nại Hiên Đông, khi quan sát bầu trời phía Đông vào sáng sớm, thấy mây di chuyển từ phía Đông sang phía Tây thì khả năng một vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ có động mạnh. Dưới góc nhìn khoa học, kinh nghiệm dự báo này thường chính xác vì mây ở tầng cao thường tỏa rất xa về phía trước bão.

            Chớp xa liên tục, gây nhiễu âm, cản trở hoạt động của máy thu thanh là dấu hiệu có bão xa. Hướng có chớp sáng nhất là hướng đang có bão.

  1. Nhận biết và dự báo qua nhận biết vị trí địa lí

      – Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Sóng xô Cửa Đại, trời đà chuyển mưa.

– Mống Đại La, mưa sa bão lũ.

– Đóng mống Cu Đê, chạy về dọn gác,

– Đóng mống Cửa Hàn, lụt sát mái tranh.[6]

 

–  Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi 

Hòn Hèo đội mũ thì trời sắp mưa 

    – Trời chớp Mũi Nạy, thức dậy mà đi 

     Trời chớp Đề Di, ở nhà mà ngủ 

     – Lập lòe trời chớp Vũng Rô 

Mây che Hòn Yến, gió vô Chóp Chài

Hòn Đỏ là tên một hòn đảo nhỏ nằm ở phía Đông Bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách đất liền khoảng 500m.

– Chóp Chài đội mũ,

Mây phủ Đá Bia

Ếch nhái kêu lia, trời mưa như trút.

Chóp Chài, Đá Bia là hai hòn núi ở Phú Yên. Đây cũng là vùng ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam đánh bắt hải sản.

  1. Nhận biết và dự báo mưa bão dựa trên trạng thái mặt biển : màu nước, bọt sóng

– Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Sóng xô Cửa Đại, trời đà chuyển mưa

            – Trời trong trăng tỏ

            Nước đục ngàu ngàu

            Cha con bảo nhau

            Chèo mau cập bến.

– Nước ngời thì trời động.

Nhận biết qua văn xuôi truyền miệng

– Câu “nước ngời thì trời động” được bà con ngư dân làng chài Nại Hiên Đông và Nam Ô giải thích như sau: nước biển thường có màu xanh hoặc màu lục, nếu nước biển ở vùng nào đó có màu xanh da trời càng nhạt thì càng hay xảy ra mưa, bão lớn. Hoặc nước biển bỗng nhiên đổi màu sậm là dấu hiệu sắp có dông hoặc bão. Ngoài ra, ngư dân còn dự đoán bão qua hiện tượng bùn non ở biển, sóng trên gành, trên cửa sông…..

   – Kinh nghiệm cho thấy sự xuất hiện của sóng lừng, hướng lan truyền của sóng không trùng với hướng gió là dấu hiệu cho thấy có bão xa, có thể cách hàng trăm km. Nhìn chung, hướng lan truyền của sóng gần trùng với hướng di chuyển của bão. Tuy nhiên, sóng lừng có thể không xuất hiện ở những vùng biển quá gần bờ hoặc có nhiều đảo.

     – Trời trở gió, nước ở độ sâu khoảng 3 – 4 sải (thước) búng xòe như hoa tức là trời sắp chuyển sang mưa gió. Thời gian này, cá ngừ “đóng” thành từng đoàn và dễ đánh bắt, ngư dân có thể vẫn ra khơi nhưng phải cảnh giác, chớ mải mê đánh bắt cá mà quên thời tiết xấu đang đến.

    – Mặt biển từ trạng thái lặng chuyển dần sang trạng thái động, mức độ tăng dần cũng là dấu hiệu bão xa.

Giải thích một số hiện tượng thời tiết dân gian dự đoán dưới góc nhìn khoa học

– Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

Khi trời nhiều mây, sao thường bị mây che khuất, mặt khác ánh sáng của sao chiếu qua các giọt nước cũng bị hấp thu một phần độ sáng, vì thế từ dưới đất nhìn lên là thấy bầu trời rất ít sao, ánh sáng của sao cũng ít hơn vì vậy vắng sao là lúc thời tiết không tốt.

– Cơn đằng Đông, vừa trông vừa chạy.

Cơn đằng Nam, vừa làm vừa ăn.

Khi chân trời bỗng đùn lên những cuộn mây đen ngòm, có khi che kín cả một góc trời, đó là điềm trời báo sắp có dông. Dông có thể đến nhanh cũng có thể đến từ từ. Nếu mây đen kéo lên ở phía đông (thông thường là vùng biển) thì cơn dông kéo đến rất nhanh.

– Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống

 

Đóng thuyền (A.Tl)

Ráng mỡ gà là những đám mây màu giống như mỡ gà, khi đám mây này xuất hiện trên đỉnh đầu thì có bão. Khi bão tới gần, không khí ở trong bão xáo động mạnh làm gia tăng những hạt nước nhỏ trong không khí. Ánh sáng Mặt Trời chiếu qua lớp không khí này sẽ bị tán xạ mạnh hơn, khiến các tia sáng màu hồng mà ta nhìn thấy.

– Nồm động đất, bấc động khơi.

Theo kinh nghiệm của bà con làng chài Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà thì khi nước cửa sông Hàn nổi sóng đổ vào, bước chân đi trên cát nghe rộp rộp thì sắp có bão. 

 – Thâm Đông, hồng Tây, dựng may,

Ai ơi đợi đến ba ngày hãy đi

“Thâm đông” chỉ vùng phía Đông trời u ám. “Hồng Tây” không phải nói mặt trời màu hồng mà là phía Tây bầu trời có màu sắc hồng. Hiện tượng này xảy ra khi mặt trời vừa mới lặn dưới chân trời, những tia nắng chiếu lên hắt lên bầu trời bị khúc xạ bởi màn mây gồm các tinh thể băng trên cao và màu hồng được phản chiếu xuống mặt đất. Những mây này được hình thành ở độ cao 9-10km ở trên vùng bão và được gió trên cao thổi mạnh, chuyển vận mây đi khá xa trước trung tâm bão. “Dựng may” là sự thay đổi đột biến của gió thông thường sang gió “may”. Đó là gió Tây – Bắc ở phần phía Tây của cơn bão, khi bão còn ở ngoài khơi. Khi những hiện tượng này xảy ra thì đang có bão ngoài khơi.

       – Mặt trăng má đỏ

         Trời đã sắp mưa.

             Ánh sáng mặt trời là dãy ánh sáng quang phổ gồm 7 màu. Mặt trăng không phát ánh sáng mà phản chiếu ánh sáng mặt trời. Nếu không khí trong sạch, tia xanh và tia tím sẽ bị khuếch tán nhiều hơn, bầu trời có màu xanh và lúc ta nhìn thấy đĩa mặt trăng hay mặt trời có màu vàng. Trong trường hợp bầu trời có nhiều nước, nhiều bụi, từ đó nhìn từ dưới đất nhìn lên bầu trời ta thấy mặt trăng có màu đỏ (trăng má đỏ) bởi vì tia bức xạ bị khuếch tán nhiều hơn. Như vậy khi thấy mặt trăng màu đỏ chứng tỏ không khí ẩm ướt nên “Trăng má đỏ” là trời đã sắp mưa.

       Đối với động vật:

–  Kiến đen tha trứng lên cao

Thế nào cũng có mưa rào rất to.

– Kiến cánh vỡ tổ bay ra

Bão táp mưa sa tới gần.

– Tháng Bảy kiến đàn, đại ngàn hồng thuỷ.

Kiến là loại côn trùng sợ nước sống ở dưới đất, trên các cành cây, trong các khe nứt của tường, nếu độ ẩm không khí thay đổi, ắt trời sắp mưa kiến phải di cư để lánh nạn, đặc biệt là kiến đen, kiến lửa, kiến mối, nên mỗi khi trời sắp mưa ta thường thấy kiến đen tha trứng tha mồi chạy từ thấp lên cao, kiến lửa bò từng đàn ra khỏi hang, hay trời sắp mưa kiến cánh vỡ tổ bay ra khắp nơi.

Với các loài côn trùng có cánh dễ dàng cảm nhận khi độ ẩm không khí thay đổi, nhất là chuồn chuồn. Chuồn chuồn là loài côn trùng có cánh mỏng manh, nếu không khí có độ ẩm cao thì không thể bay cao được, nếu độ ẩm không khí thấp thì bay lên cao rất dễ dàng, nên:

– Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.

Hay:

       – Qụa tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.

 

Mắt thuyền (A.Tl)

 

       “Ráo” nghĩa là khô ráo, nắng ráo. Hễ thấy quạ tắm thì trời còn nắng dài ngày. Sáo ít khi tắm, chỉ những lúc nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, thời tiết nóng bức đột ngột, sáo nhảy xuống nước tắm làm mát cơ thể cho nên nhìn thấy sáo tắm biết được trời sắp mưa.

    – Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước.

     Ếch nhái là loài lưỡng cư, bộ da rất nhạy cảm với độ ẩm không khí. Những lúc trời nắng ấm, ếch thường nấp nơi mát mẻ để tránh nắng, khi độ ẩm tăng lên trời chuẩn bị mưa, chúng nhảy ra ngoài kèm theo những tiếng kêu gọi bầy, bắt mồi và đây cũng là thời kỳ sinh sản của chúng… Khi cóc nghiến răng, ếch nhái kêu thì nhất định trời sẽ có mưa nên mới có câu:      “Cóc nghiến răng, trời đang nắng thì mưa”

– Ốc nổi bờ ao, mưa rào sắp đến.

Loài ốc, cua sống ở nước, chỉ những lúc ẩm mát chúng mới nổi lên mặt nước hay bò lên các bụi cây để sinh sản. Cho nên yếu tố ẩm mát chính là dấu hiệu được cua, ốc cho dự báo trời sắp mưa.

Vào những ngày xấu trời, không khí có nhiều hơi nước đọng cả bộ cánh của các loài côn trùng, làm tăng trọng tải bay của chúng nên chúng chỉ bay là đà sát mặt đất, mặt khác các loài sâu bọ và côn trùng cũng chui lên khỏi mặt đất hoạt động, nên chim én bay lượn sát mặt đất tìm mồi. Từ hiện tượng đó mới có câu tục ngữ:

– Én bay thấp mưa ngập bờ ao

Én bay cao mưa rào lại tạnh.

Cũng như vậy, khi thời tiết xấu, áp suất không khí giảm, độ ẩm tăng, các loài côn trùng bay ra khỏi tổ, các loài giun, dế bò lên mặt đất … đó là những mồi ngon của gà, nên gà mãi mê bắt mồi quên cả việc về chuồng, nên Trời đà sẩm tối rồi/ Gà còn đi bới điềm trời sắp mưa”.

Đối với thực vật:

– Cỏ gà mọc loang, cả làng đầy nước.

Cỏ gà là một loài thực vật thuộc họ thảo rất nhạy cảm với độ ẩm không khí, khi độ ẩm không khí tăng, khí áp giảm (tức khả năng sắp có mưa), cỏ gà non đâm ra trắng hoặc mọc loang lổ trắng, xanh nên khi quan sát cỏ gà thì người ta có thể dự đoán sắp có mưa.

– Rễ sanh mọc trắng,

  Điềm nắng đã hết.

        Sanh là loại cây to, lá nhỏ, rậm cành, có nhiều rễ phụ xuống, thường mọc ở bờ nước nên rất nhạy cảm với độ ẩm không khí. Khi độ ẩm không khí tăng lên rễ sanh sinh ra trắng xoá vì hút nhiều nước, tức là lúc “Rễ sanh mọc trắng điềm nắng đã hết.

– Đầu măng ngã gục vào hè

 Nương nhờ vào mẹ kẻo e bão về.

  Tre thường trổ măng vào mùa hè và vào cuối mùa hè nước ta thường xuất hiện những cơn bão sớm. Cảm nhận được những dấu hiệu mưa bão từ không khí, đất đai, đầu măng khi nhú lên đã hướng vào tre (mẹ) mới tránh được sự ngã gãy.

– Tháng Bảy mưa gãy cành trám 

  Tháng Tám nắng rám trái bòng 

       Tháng 7 âm lịch (khoảng tháng 8 dương lịch) là thời kì hoạt động của áp thấp hội tụ nhiệt đới, khi các nhiễu động này hoạt động thì thành mưa to gió lớn nên “Mưa tháng Bảy gãy cành trám”. Sang tháng 8 (tức tháng 9 dương lịch) thời kì này cường độ bức xạ mặt trời tuy đã yếu và đã bắt đầu các đợt gió mùa đông bắc sớm nhưng cũng có những ngày nắng nóng khác thường phía tây chi phối nên “tháng Tám nắng rám trái bưởi”./.

[1] Móng (phương ngữ): người miền biển nói móng xem là mống của cư dân các vùng nông nghiệp phụ cận vùng Đà Nẵng. Mống cũng còn gọi cầu vồng.

[2] Nhóc (phương ngữ): là con sóng nhỏ dưới ánh sáng mặt trời đang nhấp nhô như đang nhảy (nhảy nhóc). Nhóc là từ ngữ miền sông biển.

[3] Tứ nguyệt hàn, bát nguyệt hạn.

[4] Tháng Mười thấy (màu) đỏ, (tháng) ba dông (tháng) tám  mưa.

[5] Theo Khí tượng đại cương, đây là mây ti tích, loại mây cao khoảng 7 km trở lên.

[6] Cửa Đại thuộc tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đại La thuộc phường Hòa Khánh Nam; Cu/Câu Đê là địa danh thuộc phường Hòa Khánh Bắc. Cửa Hàn là cửa sông Hàn).