BIỂN ĐẢO DƯỚI GÓC NHÌN LÀNG CHÀI THANH KHÊ, TP. ĐÀ NẴNG

273

BIỂN ĐẢO DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯ DÂN  LÀNG CHÀI THANH KHÊ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

 

Tóm tắt:

            Nhận thức về biển đảo của ngư dân làng chài Thanh Khê, tp. Đà Nẵng, thông qua huyền thoại dân gian và các thành tố văn hóa nghệ thuật có tại địa phương, cho biết rằng nhận thức về biển đã được bắt đầu từ truyền thuyết và các thành tố văn hóa dân gian, phần nhiều là trong ca dao, vè.

            Lời ăn tiếng nói của dân vạn làng chài thể hiện qua quan hệ xã hội con người tại các làng vạn đã sáng tạo ra một lượng phương ngữ địa phương đặc trưng về biển, mang đậm sắc thái văn hóa biển, góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ toàn dân.

            Tri thức dân gian về biển đảo của ngư dân làng chài Thanh Khê trong quá trình đi biển đã đúc rút một số kinh nghiệm về đi biển và đánh, bắt cá biển. Những phương ngữ dân gian được thay thế để định danh sự vật và hiện tượng, thể hiện văn hóa biển của dân làng chài.

            Biển trong đời sống ngư dân làng chài Thanh Khê ngày nay nhận thức về biển khác ngày xưa khi mà ông cha họ ra khơi đi biển. Các phương tiện hiện đại, giao lưu khu vực và quốc tế rộng mở, các phương tiện bổ trợ về thông tin liên lạc, thăm dò biển đảo được ngư dân vận dụng vào trong quá trình đánh bắt hải sản từ biển. 

            Từ khóa:

Biển, biển Thanh Khê, ngư dân, lời ăn tiếng nói, đánh bắt cá, tri thức dân gian, đương đại.

Giới thiệu

  1. Thanh Khê xưa và nay:

Xưa:

           Nguồn gốc ra đời ghi trong tài liệu lưu trữ tại đình làng, các vị bô lão cho hay: làng có từ năm 1613, Thanh Khê lấy từ địa danh khe Đò Dầu đặt tên cho làng. Khe Đò Dầu nhận nguồn nước từ làng Liên Chiểu, Xuân Thiều chảy xuống làng Hòa Mỹ [1]vào xóm Hòa Phú, xóm Phú Lộc,[2] chảy sang Thanh Khê rồi đổ ra vũng Thùng.

Bản đồ Thanh Khê, Đà Nẵng xưa (Internet)

Truyền thuyết kể rằng: Xưa kia nước biển dâng lên tận chân núi Phước Tường, để lòi ra nhiều nỗng cát như đĩa úp, nước và cát chen nhau lênh láng. Qua quá trình bồi đắp lắng tụ hình thành nên hai dòng nước chảy trên cồn cát trắng. Rồi dần dà qua nhiều giai đoạn đổi thay, nước rút để lộ ra hai thủy đạo chảy từ chân núi Phước Tường ra đổ vào Thanh Khê rồi ra biển. Một là: dòng Thanh Khê (nước trong xanh) và hai là: dòng Thạc Gián (dòng nước lớn). Tại vùng đất cuối khe đầu vũng này vào năm 1627, một lão nông họ Hồ tên Văn Oai ở tận Phước Châu xã, Nghi Xuân huyện Đức Quang phủ, Nghệ An trấn dẫn theo ba người con trai đi vào phương Nam những mong khai cơ lập nghiệp. Vào Nam đi đến một vùng rộng vừa có cát, vừa có khe nước chảy trong xanh (thanh khê), bèn dừng chân dựng lều trại để ở khai khẩn đất hoang và đánh bắt hải sản ven bờ biển ngang sinh sống, dần theo đó con trai lão nông Hồ Văn Oai là Hồ Văn Tri chung tay với những tộc họ đến sau lập lên làng định danh tên làng là Thanh Khê làng.

Từ đó, dân tứ phương “manh lệ chi đồ tứ tập[3] đến định cư, thế rồi họ cùng chung tay phát triển làng, lấy nghề đánh bắt cá sông (Phú Lộc) và tôm cá biển tại vũng Thùng làm mưu kế sinh nhai.

Theo Địa bạ triều Nguyễn, làng Thanh Khê thành lập từ thời nhà Nguyễn, năm Gia Long thập tứ niên (1815) trên cơ sở 6 xóm: Thanh Huy[4], Thanh Thị, Thanh Hòa, Thanh Minh, Thanh An, Thanh Thủy. Sau thành lập làng, dần biến đổi địa danh bao gồm 6 ấp thuộc 3 xứ đất là: xứ Đình làng có Thanh Phong, Thanh Thị; xứ Cồn Trạm có Thanh Minh, Thanh An, Thanh Thủy và xứ Thanh Khê chỉ có một ấp Thanh Hòa.

Làng Thanh Khê thành lập trên cơ sở tự nguyện của các lưu dân vào Nam khai phá đất đai, đầu tiên vào đất này là ông Hồ Văn Oai vào năm 1627. Thời Gia Long, Thanh Khê xã, đông giáp Thạc Giản xã, Xuân An xã, Đông An phường, An Khê thôn lập cột đá làm giới. Tây giáp Phú Lộc xã, Bình An Trung xã, An Hòa xã, Hà Khê xã lập cột đá làm giới. Nam giáp Xuân An xã, lập cột đá làm giới. Bắc giáp Hòa Khê xã. Diện tích là 314 mẫu, 3 sào, 8 thước, 6 tấc, 7 phân. Đất hoang nhàn 121 mẫu, 9 sào, cát trắng 100 mẫu”[5]  Theo sách Đồng Khánh dư địa chí làng thuộc Bình Thái hạ tổng, Hòa Vang huyện, Điện Bàn phủ, Quảng Nam doanh. Ban đầu hoạt động kinh tế chủ yếu là đánh bắt hải sản vùng biển vũng Thùng (vịnh Đà Nẵng nay). Ngày 15/1/1901, dưới sức ép của thực dân Pháp, vua Thành Thái cắt thêm Thanh Khê xã cùng với các xã: Xuân Đán xã, Bình Thuận xã, Đông Hà Khê xã (Thanh Khê Đông nay), Mỹ Khê xã, Thạc Gián xã, Yên Khê xã, Liên Trì xã, Xuân Hòa xã của Hòa Vang huyện nhập vào thành phố nhượng địa Tourane. Từ năm 1956, cùng với việc thành lập một số xã mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, chính quyền Ngô Đình Diệm đặt là thị xã Đà Nẵng, bao gồm 3 quận nội thành: quận Nhứt, quận Nhì, quận Ba, với 28 khu phố (tương đương đơn vị phường) Thanh Khê trở thành khu phố Thanh Khê, thuộc quận Nhì thị xã Đà Nẵng.

Tháng 10/1975, hai tỉnh Quảng Nam và thị xã Đà Nẵng nhập lại thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thị xã Đà Nẵng nâng lên thành tp. Đà Nẵng thuộc tỉnh. Thanh Khê thuộc phường Thanh Lộc Đán. Ngày 06/11/1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 tách Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính. Ngày 1/1/1997, tp. Đà Nẵng trở thành tp. Trực thuộc Trung ương, phường Thanh Lộc Đán thuộc quận Thanh Khê.

Thanh Khê chia thành hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây, thuộc quận Thanh Khê, tp. Đà Nẵng.[6]

Các vị bô lão tại làng Thanh Khê cho hay trong tài liệu “Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng làng Thanh Khê”, rằng: Thanh Khê là một làng, người dân chuyên nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Làng được hình thành từ thế kỷ thứ XVII. Vào năm 1806, vua Gia Long chia đất nước thành 23 trấn, 4 doanh thì làng Thanh Khê mang địa danh Thanh Khê xã, Hòa Vang huyện, Điện Bàn phủ, Quảng Nam doanh.

Làng Thanh Khê thời thuộc Pháp (A. tl)

Nay:

           Quận Thanh Khê được thành lập ngày 23 tháng 1 năm 1997 trên cơ sở 10 phường: Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà, Hòa Khê, An Khê, Thạc Gián, Chính Gián, Vĩnh Trung, Tân Chính,Tam Thuận. Tọa độ địa lý: 16độ 23’21’’B; 108độ11’0’’ Đ. Phía Đông giáp quận Hải Châu; phía Tây giáp huyện Hòa Vang; phía Nam giáp quận Hải Châu; phía Bắc giáp Vũng Thùng (vịnh Đà Nẵng). Diện tích: 9,36 km2. Dân số: 178.447 người, chiếm 19,3 % dân số toàn thành phố. Mật độ dân số 19.064,85 người/km2.[7]

Bản đồ hành chính quận Thanh Khê (Internet)

 Hiện tại, Thanh Khê có ba phường cận biển: Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây và Xuân Hà.

Nội dung

  1. Biển Thanh Khê

Biển Thanh Khê có chiều dài bờ biển 4,3 km, chiếm 0,73 % diện tích toàn thành phố dọc theo 3 phường cận biển: Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà.

       Bờ biển Thanh Khê không khúc khủy, đường cung hình móng ngựa ăn vào đất liền tạo nên vũng Thùng (vịnh Đà Nẵng). Đây cũng là vùng biển ngang kín gió, nên ghe thuyền có thể vào ra khe nước rộng 400 mét và có độ sâu để tránh gió, nhất là mùa mưa bão.

        Trong quá trình phát triển, biển đã gắn liền với người dân vùng đất này ngay từ thời lập làng, kể cũng đã xa xưa trong lịch sử. Người dân Thanh Khê đã quen với biển đảo. Biển đảo đã ghi đậm dấu ấn trong văn hóa của họ, vì thế họ nhận thức sâu sắc về biển đảo trong quá trình phát triển của mình. Và từ biển tạo nên nền tảng vững chắc để người dân các xứ: xứ Đình Làng, xứ Cồn Trạmxứ Thanh Khê xưa – nay tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống của những lớp người đi trước tiên phong đứng trên đầu sóng ngọn gió, nối liền dải đất biển – đồng bằng – núi rừng để phát triển và đồng thời hội nhập với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Trẻ em miền biển Đà Nẵng (A. tl)

Ngư dân miền biển Đà Nẵng (A. tl)

 

  1. Nhận thức về biển

        Từ xưa, biển đã đi vào tâm thức người dân Thanh Khê như một thực thể không thể tách rời, sự phát triển của con người vùng đất này được gắn kết trong mối quan hệ đồng bằng, rừng núi và biển đảo. Do đó trong tâm thức của họ, biển đảo như một phần không thể tách rời trong cuộc sống: – …Rừng cao rừng thấp mấy tầng núi xanh / Đông thì biển rộng mênh mông… -…Em nay nuôi lợn nuôi gà / Còn anh bám biển sớm chiều / Ra khơi vào lộng đủ điều chăm lo… – Những ai lo việc biển Đông / Nhìn trời trông gió mà dong cánh buồm.

        Người Thanh Khê trên bước đường lập nghiệp đã dựa vào dòng sông Phú Lộc, vào biển để tồn tại và đồng thời cư dân ven biển lấy môi trường biển là phương kế sinh tồn và phát triển. Các dân vạn, làng chài lấy biển làm nơi sản xuất trong quá trình mưu sinh, theo đó, biển đảo là nguồn gốc của sự thăng hoa, tạo nên văn hóa gắn với biển. Đó là văn hóa biển. Bờ biển dài 4,3 km, kéo từ Thanh Khê Tây qua Thanh Khê Đông đến hết Xuân Hà của quận đã tạo nên không gian biển rộng lớn, tạo nên một khoảng biển trời yên gió, và đồng thời những bãi cát Thanh Khê, Thanh Bình đẹp ven bờ là những bãi tắm, là thắng cảnh “mẹ thiên nhiên” ban tặng. Dọc theo bờ biển, vũng gắn liền với biển theo cách nhìn biển cả – đồng bằng nên không chỉ những câu ca dao, vè,… mà còn chuyện kể dân gian về biển cũng thể hiện biển gắn với tâm thức người dân: – Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân…Đông thì biển rộng mênh mông/ Đất đai trăm dặm rành rành như ghi. Biển rộng cho nên: Cá chuồn nhiều nhất Thanh Khê / Tân Lưu quê bạn cũng nghề biển Đông.

        Biển bao la rộng lớn, hiền hòa và êm ả, biển như cái sân nhà lúc ráng hoàng hôn và lấp lánh vào mỗi bình minh nên biển quen thuộc với dân làng chài ven biển. Ở đó, họ có “biển một bên và em một bên”. Biển luôn mang lại cho họ sự no đủ, cuộc sống theo đó được phong phú nhiều mặt, bởi biển mang lại cho họ nhiều loại tơm cá, có loài mang lại giá trị kinh tế cao như chim, thu, ngừ, mú. Do vậy, họ chèo ghe ra biển khơi, ra lộng không chừng, chỉ là ức đoán, họ nằm bên mạn ghe mà hát nghêu ngao chờ cá tơm vào lưới kéo vào: Đêm nằm ngửa mặt trông sao/ Trông cho biển lặng cá vào đầy ghe.

Hoặc, ghe chạy thẳng một lèo ra ghềnh đá dưới chân núi Hải Vân, ngư dân Thanh Khê đã có thể tươi cười sảng khoái mà rằng: Sơn hào hải vị là đây rồi, làm cho người tứ phương phải: Rủ nhau mua tép Thanh Khê/ Sẵn bờ cát trắng phơi khô mang về.

       Theo đó, trong tâm thức người dân luôn nương vào biển đảo, hòa hợp với biển như một phần của mình không thể tách rời ra được. Sự gắn bó với biển, dấu ấn của biển đảo thể hiện trong chuyện kể dân gian tại xứ Quảng mà “Huyền thoại Ngũ Hành Sơn” là một cách lý giải sự xuất hiện của đất đai, sông biển vùng này. Cô gái xinh đẹp như tiên trong huyền thoại là tượng trưng cho những con người sinh ra tại vùng đất này và đó chính là con đẻ của Rồng Vàng đến từ biển cả. Những người đi khái phá đất đai, gắn với biển, đây chính là hình tượng phát sinh từ huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Việt mà người xứ Đà Nẵng là một bộ phận của dân tộc đó.

        Ra biển, lấy môi trường biển làm mưu kế sinh tồn, nhưng không phải lúc nào biển cũng yên lặng mà có lúc dịu êm, lại có lúc dữ dằn và mãnh liệt, sẵn sàng chôn vùi xuống biển những ai không tuân theo quy luật vĩnh hằng của biển: – Anh đi ba bữa chưa về / Biển xa sóng dữ chớ hề ở lâu. – Năm canh chẳng biết canh nào / Nằm nghe sóng biển lao xao trong lòng / Từ ngày thiếp bắc chàng đông / Thuyền kia chẳng lại hết mong lại chờ. – Ra đi bữa có, bữa không / Lạy trời đừng để tố giông cho mình. – Một ngày ba bảy trận giông / Anh đi câu mực sao không thấy về. – Trông ra ngoài biển mù mù / Biết anh câu mực, câu đù mà thương. – Nghèo mà nghề ruộng cũng ưng / Giàu mà nghề biển hồn treo cột buồm,…

  1. Lời ăn tiếng nói gắn với biển khơi

         Hòa vào biển để sinh tồn, để có một không gian rộng lớn cho văn hóa, cho tư duy liền mạch giữa biển đảo – đồng bằng – núi rừng, cho sự phát triển bền vững của một dân tộc và cũng riêng cho vùng đất Đà Nẵng, do đó cư dân của dân vạn làng chài Thanh Khê  đã hình thành từ biển đảo một lớp phương ngữ địa phương đặc trưng miền biển. Vì môi trường sống là biển nên trong quá trình ứng xử với biển, với ngư dân, với xã hội, người dân miền biển đã thấm sâu vào tâm thức kiểu nói năng, định danh sự vật của dân làng chài qua nhiều thế hệ, hình thành nên một bộ phận phương ngữ địa phương về biển, mang sắc thái văn hóa biển. Biết rằng, cho là phương ngữ địa phương miền biển nhưng cũng nằm trong ngôn ngữ dân tộc, do đó cho ta cái nhìn với sắc thái riêng có của dân vạn làng chài, không lẫn. Dân vạn dùng những từ ngữ dân gian để thay thế, để định danh sự vật và hiện tượng trong nghề đi biển, nhưng với dân vạn thì họ hiểu được. Đấy là đặc điểm sáng tạo riêng, tạo cho vốn từ vựng toàn dân phong phú và đa dạng. Đến với dân vạn làng chài, ta gặp: vát (chèo ghe ngược gió), ăn to nói lớn, ăn sóng nói gió, bạn lái, bạn chèo (những người làm thuê trên tàu đánh cá), đi bạn (đi biển nhưng không phải là chủ ghe), sụp sạp (sập xuống sạp), nới lèo (nới dây lái), giặn, giặn bân (bận rộn, rất bận rộn), xí (ít), xí xì xi (rất ít), đẳm (nước đầy tràn), nờm (gió nồm/nam), sắp bay (bọn họ), quá dang (qua lại), rượn (lớn, dậy thì), mượt kệ (mặc kệ).

        Một bộ phận phương ngữ miền biển riêng cho nghề đi biển, khi chưa đánh cá thì không bao giờ nói đánh được nhiều cá, bởi đấy chỉ là điều ước trong tâm thức mong đánh được nhiều cá tôm, nên chưa chắc đã đánh được cá vì thế đừng nên nói trước bước không khỏi. Khi giàn rớ/lưới kéo lên, đánh bắt cá xong một lượt, được ít hay nhiều cá, ngư dân dùng các từ thay thế: trúng mánh, vô mánh. Và khi tàu ghe đầy cá, chuẩn bị quay trở lại vào bờ, họ nói: no rồi, chững dòng, chưa hoặc không nghe dùng thôi, cá đầy, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến những lần đi biển tiếp sau sẽ không đánh được nhiều cá, đôi khi được hiểu tiêu cực hơn là thôi không bao giờ đi biển nữa.  Ngôn ngữ vùng biển đã trở nên phổ biến với dân vạn làng chài.

        Và không chỉ có đi biển mưu sinh mà còn nảy sinh nghề đóng ghe tàu hỗ trợ và là phương tiện cho nghề đi biển. Chuyện kể “Thầy Thím” tồn tại trong dân gian là điển hình về một ước mơ, về việc lý giải cho nghề đóng ghe bầu có liên quan đến nghề nghiệp trên biển dưới góc nhìn của dân vạn làng chài về một huyền thoại Thầy và Thím mang đặc trưng dân gian. Và đồng thời biển cũng rất thuận lợi trong giao lưu với bên ngoài bằng đường biển. Xưa, người Chăm lấy biển làm môi trường sinh sống và kế đến là cư dân Việt cũng hành nghề đi biển. Các làng chài hình thành dọc theo ven biển, ở đó sinh thành và phát triển một bộ phận không nhỏ cư dân vạn chài và do đó dân vạn làng chài không thể tách rời môi trường biển cả.

Tàu lửa Đà Nẵng – Huế chạy cạnh làng Thanh Khê (A. Tl)

 

  1. Tri thức dân gian về biển

          Cư dân làng vạn do ra khơi đi biển là nghề, lấy biển là môi trường mưu sinh cho cuộc sống nên họ đã đúc kết được những kinh nghiệm mà qua nhiều thế hệ mới có thể lưu truyền từ đời nọ sang đời kia. Để có nhiều tôm cá giữa biển cả mênh mông, họ luôn tìm đến sự an lành thể hiện trong mối quan hệ giữa ngư dân làng vạn với môi trường chung quanh, từ đó làm nảy sinh sự hiểu biết về biển, về tập tính các loài hải sản.

          5.1. Trước khi ra biển

            – Chớp đông nhay nháy gà gáy thì mưa; – Mò kim đáy biển; – Thương em vì cá trích ve / Vì rau muống luộc vì mè trộn măng. – Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông; – Trời sương mù nhiều cá thu cá bẹ; – Leng lao, lẹp nhảy, chuồn bay,… v.v…để có thể đánh bắt được nhiều cá tôm.

        Tuy nhiên không phải lúc nào biển cũng yên ả mà đôi khi dữ dội, nghiệt ngã trong cái thất thường của thời tiết. Bài vè Chanchu (2006) ghi lại nỗi lòng lo lắng khi lênh đênh trên biển: (…) Nữa đêm sóng gió tơi bời / Tàu chìm xuống rã rời tay chưn / Thôi thì làm ăn có cái rủi cái may / Em cố giữ gìn sức khỏe dạy bày cho các con / Ngày anh trở về đây chỉ có quan hòm / Trên bàn thờ bóng hình anh em thờ đó / (Chớ) phấn son em chớ xài / Anh đi chuyến ni gặp cơn bão quá thiên tai / Chớ xác anh trôi dạt ở bên Đài Loan đây / Hết bão rồi trời lại tan mây / Tàu Hải quân cứu hộ vớt bảy tám thây thình rồi / Vớt lên mổ ruột sợ hôi / Bỏ bao ny lon ướp muối thôi rồi còn chi / Anh thiết thề rằng quyết anh đi chuyến ni / May thì kiếm năm mười triệu phòng khi trong nhà / Thôi thì hồn anh thơ bóng anh ngã Bà / Xa con lìa vợ anh xót xa vô cùng / Ai dè cơn bão quá hung [8] (…)

        Xưa kia ngành khí tượng thủy văn chưa phát triển, việc dự báo thời tiết chưa đúng nên dân vạn làng chài trông cậy vào kinh nghiệm đi biển dần trở thành tri thức của họ về biển và trông cậy vào quan niệm tín ngưỡng tâm linh của mình để tồn tại trong sóng gió biển xa. Do đó, với dân vạn làng chài việc kiêng cữ khi ra khơi là việc không phải tìm hiểu nguyên nhân, vì nguyên nhân được giấu kín trong tâm thức, bởi mang tính thiêng liêng, ma thuật nên việc thể hiện kiêng cữ trước và đang khi đi biển được hiểu là chuyện thể hiện ra trong đời sống hiện thực, vừa mang yếu tổ cổ truyền, đồng thời có yếu tố của đạo giáo đan xen trong suốt những ngày hành nghề trên biển.

             Từ đó, họ đã tạo nên một (hay nhiều) không gian thiêng đan xen với không gian phàm trong đời sống thực của ngư dân. Không gian thiêng là nơi, vùng được chỉ định làm thoát ra khỏi không gian thuần nhất của vũ trụ và cuộc sống phàm tục của ngư dân. Không gian thiêng đó được mặc định như là chỗ (vùng) đi – về – lao động – làm ăn trên biển hay đang khi thực hiện quá trình chuẩn bị trong mỗi gia đình ngư nghiệp. Tại không gian này luôn là điềm hy vọng cho những bước đi sau đó của ngư dân trên biển và cả một đời ngư phủ. Do vậy mà khi ngư phủ đang trong không gian phàm tục, chuyển sang không gian thiêng đan xen nhau thì bấy giờ không gian thiêng mà ngư dân tạo ra tại nhà hay cộng đồng đều được nâng lên một bước khác về chất so với không gian phàm tục thường ngày. Trong không gian linh thiêng, ma thuật này là sự kiện ghi nhớ của nghề nghiệp đánh bắt cá tơm,… trên biển.

Ngư dân tẩy uế sau khi nhuộm mành

Tháng 8 Al. ngư dân làm lễ tạ hồi (A.Nguyen Quang)

Có thể tại một không gian thiêng ngư dân tống cói, phong long theo kiểu của các vị đạo sĩ (trước khi đưa thúng rái, ghe mới, lưới mới, bườm mới,… đan xong xuống biển, thường phải thỉnh mời các đạo sĩ làm trung gian tống khứ tất cả mọi ô uế ra khỏi dụng cụ vừa mới tạo tác nên). Để ra biển đánh bắt hải sản, ngư dân hòa mình vào không gian thiêng, những nơi thiêng trên tàu được kiêng kỵ, xem là nơi thần Nam Hải hay thần Hà Bá ngự trị. Vị trí (nơi) được cho là linh hiển. Một khúc sông, một vùng biển tự nó được ngư dân xem là vùng thiêng của ngư phủ đang hành nghề trên sông, trên biển. Một ghe câu, ghe rớ của các vạn chài, nơi ở đó ngư phủ được sinh ra là không gian thiêng chen lẫn với không gian phàm tục. Thế nên, mọi kiêng kỵ của ngư dân từ trong nhà ra đến biển vào mùa đánh bắt cá có sự đan xen thiêng và phàm mà mọi thành viên trong nhà hay cộng đồng đều phải tuân thủ, giữ gìn cho nhau để cuộc mưu sinh trên biển được mát mái xuôi chèo. Không gian đó phải được cộng đồng ngư dân tôn trọng và ý thức giữ gìn không chỉ cho mình mà còn cho người hàng xóm. Do vậy mà tạo nên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay ra sức sẻ chia những thuận lợi và cả khó khăn, những gia đình dân vạn làng chài luôn chung lưng đấu cật, những con người chia sẻ khó khăn trong đời để tìm kiếm sự trường tồn cho mai sau cả những người trẻ tuổi.

Để làm ăn thuận lợi, xua đi cái khó đừng mở lời than: Làm ăn có cái rủi cái may,…nên những kiêng cữ của ngư dân là sự vĩnh hằng trong đời sống hiện thực, mặc dầu công nghiệp hóa hiện đại hóa tác động thế nào đi nữa, mặc dầu tàu to, công suất lớn không gian thiêng họ tạo ra cắt đứt tạm thời với không gian vũ trụ luôn là cái hằng thường. Tạo nên không gian thiêng cho kiêng cữ là quyết định tồn tại đảm bảo cho gia đình, cộng đồng ngư dân được trường tồn. Vì thế, quan sát từ bên ngoài những hoạt động của ngư dân miền biển không thể không nghĩ đến sự kiêng cữ của họ. Đấy không phải là sự mê tín mà là sự lựa chọn để mong tồn tại. Và đấy cũng là nhân sinh quan, vũ trụ quan khi ngư dân thoát khỏi đời sống trong không gian phàm tục để hội nhập với không gian thiêng do các vị thần biển tạo ra và họ khu trú tại đó với tâm thế là người trong cuộc. Ngư dân thể hiện sự thừa nhận không gian thiêng hay không gian phàm tục qua các loại nghi lễ và đến lượt họ tự dấn thân một cách thành kính vào các loại hình nghi lễ đó như: lễ hội cầu ngư, lễ vía Bà,  thực hành nghi lễ với những người tiền bối, ông bà tổ tiên họ. Đứng trước hai mùa cá Nam, cá Bắc, nghi lễ thể hiện tính thiêng là sự khởi đầu của mỗi người, mỗi hộ, và của cộng đồng ngư dân miền biển.

           Theo đó, người miền biển chuẩn bị cho một chuyến ra khơi thật quan trọng, nấu cơm không để cơm cháy, cơm khê, như không được thế sẽ không nắm lấy vận may. Chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài ngày, các loại lưới đánh cá đều dùng từ thay thế, tương đồng về nét nghĩa chung để ám chỉ: toàn bộ giàn lưới, phao, dây chạc các loại gọi chung là bộ nghề, khiêng vác xuống ghe tàu thì gọi mang nghề. Đánh bắt xong thu cất lưới,… gọi dọn nghề. Ghe tàu của người đi biển luôn là chốn linh thiêng trên biển cả. Ghe tàu giống như căn nhà của người sinh sống trên cạn. Mũi tàu là điểm thiêng, nơi linh thiêng nhất, nơi đó có thần biển tọa ngự, tại điểm này, thần sẽ giúp cho ghe tàu đi đúng hướng, tránh hiểm nguy, nên dân vạn kỵ đàn bà, con gái đến gần, hoặc sờ vào mũi ghe tàu lại càng cấm kỵ.

      Khi đi ra biển, dân vạn, làng chài muốn tìm đến sự an lành cho nên trong cái nhìn của họ cái gì trái với điều ước muốn của họ, luôn phải kiêng dè là biện pháp phòng tránh theo cách nghĩ có kiêng có lành. Kiêng cữ đôi khi trở thành cấm đoán được dân vạn làng chài tin theo và thực hiện, thể hiện qua các nghi lễ hoặc không. Có nghi lễ như lễ cầu ngư, còn những kiêng cữ khác, theo thói quen phải thực hiện hằng ngày. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng những kiêng kỵ của cư dân vùng biển đã được dân vạn làng chài đặt ra từ xưa, gắn chặt với điều kiện sinh tồn của họ.

Ngư dân biển Thanh Bình cào nghêu (1960. A. Tl)

        Người dân làng vạn ăn cá không lật sấp /úp cá mà lần lượt lấy phần xương và tiếp tục lấy phần thịt cá phía dưới, để hy vọng rằng ghe tàu sẽ được bình an khi ra biển không bị lật. Thói quen kiêng kỵ thường ngày cho họ nhiều tin tưởng vào các động thái được cho là thuận buồm xuôi gió khi phải thực hiện như những điều ước muốn khi ra khơi. Sống chung với biển, khi ra khơi, đối mặt với sự nghiệt ngã của sóng to gió lớn, những trận bão thình lình kéo đến. Với sức lực của hai bàn tay nhỏ bé trước bao la biển cả, chắc họ không thể tập trung hết mọi năng lực để vượt qua, nên những lần bão to sóng lớn như vậy, họ thường hao hụt cả người và tài sản. Mỗi chuyến ra khơi đi – về, họ luôn tâm niệm có được sự an lành. Thời trước, khi các điều kiện đoán định thời tiết, các phương tiện ra khơi an toàn chưa có được, ngư dân luôn trông cậy vào lực lượng siêu nhiêu giúp họ, từ đó hình thành các lễ cúng, trong đó lễ hội cầu ngư được xem là lễ hội quan trọng của dân vạn làng chài. Dưới cái nhìn của dân vạn làng chài, cá Ông luôn giúp họ mỗi khi gặp nạn trên biển, cho nên cúng Ông là trách nhiệm của mọi thành viên tại các làng chài.[9]

        Khi chuẩn bị lên ghe tàu ra khơi, họ cũng tin rằng có ngày tốt và ngày xấu, nên tìm ngày tốt hãy ra khơi, dân vạn kiêng nhất ngày sát chủtam tai theo quan niệm đạo giáo, ngày này không mơ ước gì đến ra khơi. Họ nghỉ ngơi và chờ đợi. Trước khi ra khơi, dân vạn cúng ghe tàu để mong các lực lượng siêu nhiên – kẻ khuất mày khuất mặt – giúp họ có một chuyến đi – về thuận buồm xuôi gió.

Ngư dân (trước 1975), kéo lưới trên vũng Thùng (A,.Tl)

        Những kiêng kỵ trở thành thói quen hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, không phải bận tâm hay thắc mắc, như việc chuẩn bị các loại ngư cụ ra khơi là rất quan trọng, khi phơi tấm / tay lưới hay giàn / bặn mành, không ai được đi dưới giàn bặn (đã mặc định một không gian trong không gian vũ trụ). Khi khiêng giàn mành, lưới xuống ghe tàu luôn phải có một người đi trước dẫn đường gởi một tín hiệu để tránh có người đi ngang qua trước mặt cản đường (dịch chuyển không gian thiêng ra đến biển). Người trong làng vạn không phải nhắc nhở khi gặp những trường hợp như vậy, họ tự giác cùng thực hiện những điều kiêng kỵ với nhau như mối quan hệ cần thiết trong nghề nghiệp. Khiêng tấm lưới, giàn mành xuống ghe tàu hễ gặp người có thai thì mọi việc phải dừng lại, phải bắt đầu lại từ đầu. Đoàn người xuống ghe tàu ra biển nếu có ai hỏi phía sau, thì chỉ trả lời mà không được ngoáy đầu lại như biểu hiện cảm xúc sự hối tiếc công việc mình làm. Dân làng vạn kiêng phụ nữ chạm tay vào lưới vì không rõ vào thời điểm chạm tay vào, người ấy có sạch không! Nếu gặp phải những điều kiêng kỵ như vậy chắc chắn người dân làng vạn phải quay về nhà hoặc tiểu tiện, hoặc tắm, hoặc uống nước một lát,… xong (xem như đang ở nhà chưa thật sự khởi hành), sau đó mới trở lại ghe tàu. Những người đang thọ tang người thân thì không được xuống ghe tàu vì mang theo hệ lụy. Những người đang thọ tang không nên vào ra bãi biển, nhỡ người đi biển gặp phải thì trên biển dễ gặp phải việc xấu. Người đi dự đám tang xong, muốn xuống ghe tàu phải tắm gội người sạch sẽ, thay toàn bộ áo quần mới được bước xuống ghe tàu; hoặc tốt nhất không nên đến dự đám tang nào (nếu là đại tang, bấy giờ không ai trong gia đình tổ chức ra khơi, đi lộng). Khi xuống ghe tàu, nếu đội nón hay cầm nón trên tay mà gió thổi lật nón là điều không thể, bởi dân vạn quan niệm e rằng ghe tàu có thể bị gió thổi làm úp ghe. Đã lên ghe tàu chuẩn bị nhổ neo, mọi vật dụng trên ghe tàu đều phải đặt ngửa,…

        Thực hiện nhiều kiêng cữ trước cuộc hành trình dài ngày trên biển để làm ăn, mưu kế sinh tồn, họ đã chọn lọc mọi điều tốt đẹp có thể để hòa mình vào đại dương, xem biển đảo như nhà. Cho dù ngày nay đã dần loại bỏ một vài thành tố dân gian xem ra đã lỗi thời khỏi cuộc mưu sinh. Nhưng phần lớn các tập tục xưa nay vẫn giữ.

        5.2. Đánh bắt cá trên biển

        Tàu ghe ra khơi, khu vực đánh bắt cá không dành riêng cho ghe tàu nào cả, nếu để cho ghe tàu khác vượt lên trước, cơ hội gặp may mắn sẽ thuộc về ghe bạn vượt lên, chính đấy thể hiện sự thi đua trong nghề nghiệp. Sinh hoạt trên ghe tàu phải tuân thủ theo lệ bất thành văn: Khi ghe tàu ra khơi người ta cữ không nói tục, không gọi tên hay mắng nhiếc người khác, vật khác bằng các từ, ngữ khác thường mang tính ám chỉ: đồ khỉ, chó, con vích,… hoặc là úp ghe, ghe lật là những từ gợi lên điều không hay, được cho rằng có cơ nguy gặp nhiều xui xẻo hơn may mắn. Không được nói vân tiên khi đang ngồi trên thuyền trên biển, vì vân tiên được hiểu là những kẻ nhàn du, những kẻ đi bạn rong chơi trên mây, trên biển, không thể đánh bắt được cá.

      Lênh đênh trên biển mà bảo sóng là không lợi cho bạn lái bạn chèo, bởi sóng gió là hai hiện tượng nguy hiểm trực tiếp đến tàu thuyền. Ngư dân gọi sóng nhỏ bằng từ thay thế nhóc và gọi tố thay cho những con sóng lớn. Đi trên ghe tàu không để sập chân xuống sạp, cho rằng như thế là chuyến đi biển không được suôn sẻ, sẽ tay trắng vào bờ, muốn tiểu / đại tiện phải sang bên đốc ghe tàu (phía bên hữu / phải) của ghe, không ai được đi bên lái (phía bên tả / trái). Ghe tàu đang trên đường ra khơi, người ngồi tại mũi tàu phải hướng về phía trước, không ngồi quay mặt về phía sau, làm ngược lại đồng nghĩa với việc luyến tiếc đất liền, lưu luyến gia đình, vợ con, không rõ đường đâu mà đi được trên biển,…gặp phải sự xui xẻo, bất trắc có thể xảy ra cho ghe tàu trên biển. Đang đi ra khơi hoặc đã ra khơi, mọi người trên ghe tàu không được để vật gì rơi xuống biển, nếu để xảy ra hiện tượng xem như chuyến ấy có khả năng chìm tàu, cần cẩn trọng mọi bắt trắc ở mức cao hơn. Ra đến ngư trường biển giã, khi đang thả neo không ai được tiểu / đại tiện, bởi ngư dân quan niệm rằng lúc thả neo giăng lưới bắt cá, các vị thần ở biển trông coi và giúp đỡ cho ngư dân, do đó nếu làm ô uế nơi thả lưới, thần biển sẽ trách quở, không tha. Khi đang giăng lưới đánh bắt, sinh hoạt của mỗi thành viên trên ghe tàu hết sức cẩn trọng, vào thời điểm giăng/ quăng lưới xuống biển, không nói đánh bắt mà dùng từ thay thế múc. Có một kiêng kỵ, thời trước khi lênh đênh trên mặt biển, các ngư dân không để xảy ra, đó là sơ ý để con dao rơi xuống biển. Nếu để lỡ tay đánh rơi con dao (dù dao nhỏ) cũng không thể. Bởi vì làm rớt con dao xuống biển sẽ làm đau thân mình thần nước (Bà Thủy), làm tổn hại đến thần, thần sẽ quở phạt, không phù hộ cho ngư dân. Nếu đã lỡ tay, đành xin thần tha lỗi và quay lại đất liền sắm lễ phẩm cúng thần xin lại con dao và không quên gởi đến thần lời nguyện, đồng thời cầu xin thần soi xét, thể tất cho lỗi lầm đó. Khi đang đánh bắt cá, hoặc khi đang trên đường ra khơi, gặp phải cá voi, người trưởng của ghe tàu nắm chiếc đũa chỉ về hướng khác, nếu cá voi theo đó di chuyển khỏi mũi ghe tàu, thì tiếp tục cuộc ra khơi, bằng không được hiểu là trời đuổi, tức khắc phải quay vào bờ. Bởi cá voi dân vạn làng chài gọi là cá Ông, luôn giúp đỡ những người đi biển, nhưng khi Ngài đã cản đường, thì không ra khơi nữa. Người đầu bếp, phục vụ cơm nước cho ghe tàu không tỏ thái độ buồn bực, không chống cằm ra vẻ chán nản, suy tư, làm thế sẽ gặp việc xui xẻo hơn là gặp điều may mắn.

      Có một điều kiêng kỵ để giữ gìn đạo đức theo thuyết tam tòng tứ đức để giữ gìn hạnh  phúc gia đình và mưu cầu sự vẹn toàn cho một chuyến ra khơi dài ngày trên biển. Đấy là lúc người chồng đang lênh đênh trên biển, ở nhà người vợ phải giữ lòng thủy chung trong sạch, nếu không được thế, người chồng rất khó lòng chống chèo giữa biển những khi sóng to, gió lớn, sẽ gặp không ít hiểm nguy trên chuyến ra khơi để ngày về có được một hành trình vào bờ xuôi chèo mát mái. Để đánh bắt được nhiều cá tôm, ngư dân không được nhỡ lời chửi mắng lực lượng khuất mày khuất mặt, vì như thế sẽ không được lực lượng này giúp đỡ mà đôi khi bị hại. Đang trên biển khơi ai làm gì đã có phân công trên bờ rồi, không được hỏi nhau nhiều lời; làm cá phục vụ bữa cơm không được chặt đuôi, bởi cá mất đuôi không bơi được, sẽ không đánh được cá; không được thả đầu cá, vảy, vi hay ruột cá xuống biển, nếu thực hành bừa bãi sẽ bị Bà Thủy cắt đứt nguồn cá, ngư dân vì thế sẽ thất thu. Và khi kéo lưới lên tàu ghe, ngư dân hô theo nhịp điệu lao động trên biển để tập trung sức mạnh kéo lưới (từ đó có lẽ hình thành nên điệu thức hò chèo thuyền, hò kéo lưới), gọn chắc, an toàn. Họ lấy hơi hô: hố… múc! Hố múc mà không hô hai ba! Hai ba … như động tác tát nước vào ruộng cạn. Họ hô và kéo lưới từng nhịp một, tập trung sức của nhiều người kéo cá lên ghe. Khi lưới cá vào ghe, vào tàu thì nói chững thay cho thôiChững là còn tiếp tục chứ thôi là vĩnh viễn cắt đứt mọi con đường ra biển. Đôi khi được hiểu mất mạng trên biển!

         Biển khơi dưới cái nhìn của dân vạn làng chài là vô cùng bí ẩn, luôn có nhiều hiểm nguy rình rập, ở đó có vui nhưng không thiếu nỗi buồn. Muốn tránh được nỗi buồn họ nhìn biển bằng nhiều cách khác nhau thể hiện qua việc kiêng cữ ở lời ăn tiếng nói, các động tác trên ghe tàu phải giữ đúng quy ước,…cả khi phải nhìn biển với không gian thiêng và phàm thế chỗ cho nhau trong không gian vũ trụ thuần nhất. Thế đó, đã lặng sâu vào tâm thức dân gian không ai cưỡng lại được. Bởi kiêng kỵ đã thấm sâu vào tiềm thức của dân vạn làng chài. Để đạt lợi ích mưu sinh từ biển, dưới góc nhìn của dân vạn làng chài, họ kiêng để mong nhận phần hiền hòa của biển mà thiên nhiên ban phát, mặt khác họ cữ để mong muốn chế ngự phần hung dữ của biển khơi: – Ngó ra ngoài biển thu đông / Thấy người thiên hạ sao không thấy chàng. – Trông anh chẳng thấy anh ra / Em ngồi đãi cát sương sa lạnh lùng / Những mong hai bóng chung cùng / Đâu hay sóng cuốn muôn trùng biển khơi. – Đêm ra ngoài biển đốt đèn / Nhìn lên sao sáng phận hèn cũng vui. – Con ơi giữ lấy nghề chài / Dù sao gian khổ ngọt bùi đã quen. – Em nay nuôi lợn nuôi gà / Vào ra chăm sóc ớt, cà, chè, tiêu / Còn anh bám biển sớm chiều / Ra khơi vào lộng đủ điều chăm lo.- Bao giờ gió lặng sóng êm / Thuyền anh ra lộng qua đêm lại về.

      Nguyễn Thế Anh trong sách Kinh tế & Xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, viết về ghe thuyền đi buôn trên biển: “Hàng hóa được vận tải bởi các thuyền chạy dọc theo bờ biển: nghề cận hải hành cho phép nối liền Gia Định, đã trở thành một thương cảng quan trọng với Nha Trang, Qui Nhơn, Hội An, Đà Nẵng và Hà Nội (…). Một hạng người chuyên sống bằng nghề vận tải đường thủy: các lái thuyền; đối với những người này, chính phủ cũng hay áp dụng chế độ cưỡng trưng, bắt họ phải chuyên chở các vật hạng của chính phủ. Trên nguyên tắc, các thuyền vận tải của tư nhân cứ một năm lại phải chở của công, còn thì phải nộp tiền thuế để được đi buôn. Khi phải chở gạo về Kinh, chính phủ cấp cho cước phí “ [10] .

      Trên các chuyến hải trình, ghe thuyền các lái phải đi qua vùng biển có nhiều đảo, rạng san hô, gặp dòng hải lưu khó bề bẻ lái ghe thuyền, do đó để giúp cho những người lái ghe bầu liệu bề lèo lái, tránh nơi nguy hiểm, những người đi biển lâu năm, dày dạn kinh nghiệm đặt ra bài vè để ghi nhớ những địa danh, nơi có chướng ngại vật ảnh hưởng đến chuyến hải trình. Địa danh trong vè Các lái giống như tín hiệu giao thông trên bộ, đó là tên đảo, tên cửa biển, cửa sông, tên vịnh, vũng,…những vùng biển nông sâu. Và không chỉ có thế, vè Các lái còn thông báo sản vật, cảnh đẹp của miền gắn với địa danh, nên khi đi đến đâu vè Các lái đã thông báo rõ ràng nơi đến với những đặc điểm được kể trong vè. Các lái ngược xuôi – vào ra – trên biển bằng ghe bầu phải thuộc lòng, xem là những dấu hiệu đi đường: Ai về nhủ các anh đà / Phòng khi ăn tải, xuống ca chơi bời / Trước là xem gió xem trời / Sau thì cho biết những nơi hiểm nghèo. [11]

      Họ nhìn biển, nhìn trời, nhìn đất liền rồi họ thông tin về địa lý, là sự sắp xếp thứ tự những địa điểm, những tên bến, tên bãi, tên rạn, tên mũi, tên vũng, tên núi, tên hòn … nơi nào an bình, nơi nào sóng lớn gió to cần tìm nơi trú ẩn qua cơn bão tố, nơi nào có đình chùa nổi tiếng, những phong cảnh đẹp kỳ thú, nơi nào cần ghé vào để nghỉ ngơi, giải trí, bán buôn, lấy củi nước … và nơi nào thì gió tạt, sóng xô…. các lái biết tránh nguy hiểm, … trên đường biển (hải trình), trên đường sông (nhật trình). Dưới góc nhìn như thế, họ sắp xếp trong một bài vè đã thấm sâu vào trong tiềm thức. Hễ ai là dân vạn, là bạn chèo đều lấy biển làm cứu cánh sinh tồn, cho nên biển gắn với đời sống thường ngày của các lái.

      Từ cách nhìn của các lái, ta còn gặp nhiều cảnh đẹp của quê hương, đất nước, những nơi thờ cúng của người đi biển, những tâm trạng buồn nhớ gia đình xa cách lâu ngày, những niềm vui thích thú gặp lại bạn ghe bầu, những lần thưởng thức những món ẩm thực đặc sản mỗi địa phương.

  1. Biển trong đời sống làng chài đương đại

Tối đi sáng về (A.Tl)

             Ngư dân đương đại tại Thanh Khê và không chỉ Thanh Khê mà còn cả ngư dân trên phạm vị thành phố Đà Nẵng và xa hơn thế, con người trong thời hiện đại coi trọng vật chất, bởi vật chất quyết định ý thức nên vật chất là quan trọng, then chốt. Ngày nay một chừng mức nào đó họ đã đưa phúc lợi lên hàng đầu nên hy sinh một mặt nào đó về mặt tâm linh cả cái thiêng gắn với điều phàm. Cũng bởi vì kinh tế, vì thu nhập hằng ngày. Ngư dân thời nay đi tìm phúc lợi nhiều hơn là tìm niềm tin vào cái hiển linh, nhưng không phải là hy sinh hay loại khỏi bản giá trị văn hóa tâm linh vùng biển. Người ta chạy theo phúc lợi nhiều hơn là duy trì và giữ mãi niềm tin ma thuật hay sự hiển linh của thần thánh. Đây là sự biến đổi cách nhìn về cái thiêng và phàm trong hành nghề biển giã. Họ không thể và chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ niềm tin vào các đấng thần linh trong không gian cư trú và cả trong không gian linh thiêng khơi lộng. Họ tìm kiếm phúc lợi nên tạo tác nhiều ghe to thuyền lớn đủ sức vươn khơi đánh bắt nhiều hơn nữa phục vụ nhu cầu cuộc sống cộng đồng người miền biển và cho hết thảy mọi người. Vì thế mà đến mùa cá chuồn họ được người miền đồng bằng, miền núi cho hay: Cá chuồn nhiều nhất Thanh Khê,… vậy nên: Mít non gởi xuống, các chuồn gởi lên, là sự chuyển đổi để tạo nên của cải vật chất phục vụ đời sống ngư dân. Đôi khi chính họ vi phạm các quy ước về thần linh mà chính ngư dân miền biển không tỏ vẻ nghi ngờ, bởi sự chuyển đổi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giao lưu khu vực và quốc tế ngày vàng mạnh mẽ. Họ không thể chèo mãi trên ghe câu, ghe rớ mà cần thiết phải tạo tác những chiếc tàu to nhiều công suất để bám biển trong điều kiện máy móc hỗ trợ đắc lực và hiệu quả hơn nhiều lần so với hai cánh tay chèo hữu hạn. Và đó không chỉ của một cộng đồng ngư dân Thanh Khê mà cả các cộng đồng nghề biển khác nữa.

            Nay, Thanh Khê có 60 tàu thuyền, sinh hoạt kinh tế trong 14 đội xa bờ với công suất 32.400 CV. Sản lượng hằng năm từ 6.000 – 8.000 tấn cá/ năm đạt năng suất 40% toàn thành phố Đà Nẵng.

        Tiếp tục truyền thống ra biển của ngư dân các làng chài Đà Nẵng, bám biển, giữ biển như trước kia tổ tiên người miền biển đã làm. Nhìn lại những năm 1954 – 1975, sau hiệp định Gieneve, Ty Ngư nghiệp Đà Nẵng được thành lập, động cơ hóa ngư thuyền, cải thiện ngư cụ, ngư pháp. Giai đoạn này Đà Nẵng có 3 trung tâm Ngư nghiệp, là: Thiệu Bình, Thanh Hà Khê và Nam Thọ. Ba nơi này tập trung đông ghe thuyền, quy tụ hàng cá xuất bến sang các tỉnh dưới hình thức hấp, kho, ướp đá (đi Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế).

        Ngày nay, ngư dân Thanh Khê tiếp tục giữ gìn biển đảo như xưa kia tổ tiên họ đã từng gìn giữ. Ta có một vùng biển Đông rộng lớn, biển không thay đổi và nhận thức của nhân dân ta cũng không thay đổi về biển Đông. Ngày nay biển Đông là vùng địa lý sinh tồn của dân tộc, trong xu thế phát triển bền vững của một quốc gia, vấn đề tri thức về biển đã được trang bị đến không chỉ dân vạn làng chài mà còn đến với tất cả công dân ở cả 3 vùng kinh tế: núi rừng – đồng bằng – biển đảo. Nay, ngư dân sinh sống trên biển được ngành Hải dương học chỉ ra rằng, biển Đông là nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, có đến hơn 160.000 loài, gần 10.000 loài thực vật. Ngoài cá tôm sinh sống dưới biển, ở các đảo, quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp), với các hòn đảo, chim hải yến tụ lại sinh sống, các đảo yến ngoài khơi biển Khánh Hòa, có rất nhiều trữ lượng về yến sào. Đây là nguồn lợi kinh tế phong phú của biển đảo. Cùng với cá tôm, yến sào, biển Đông của Việt Nam còn có 260 loài chim sống ở biển.[12] Vùng biển Việt Nam có hơn 2.458 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao. [13] Các loài động vật thân mềm ở Biển Đông có hơn 1.800 loài, trong đó có nhiều loài là thực phẩm được ưa thích, như: mực, hải sâm,…Các loài chim biển ở nước ta vô cùng phong phú, gồm: hải âu, bồ nông, chim rẽ, hải yến,…

        Ngoài động vật, biển còn cung cấp cho con người nhiều loại rong biển có giá trị. Đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và là nguồn dược liệu phong phú. Người miền biển Đà Nẵng gọi là mức biển. Xưa kia mức biển và hào biển được xem là “sơn hào hải vị” cùng với các loại cá “chim thu ngừ mú” là các món ngon không chỉ của Thanh Khê – Nam Ô mà còn là món ngon của biển Quảng Nam – Đà Nẵng. Biển nước ta có khoảng 638 loài rong biển. Các loại rong biển dễ gây trồng, ít bị mất mùa và cho năng suất thu hoạch cao nên sẽ là nguồn thực phẩm quan trọng của loài người trong tương lai. Và dưới biển có tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng cao, đặc biệt là các mỏ dầu lửa.

        Bờ biển chạy theo hướng Bắc – Nam dọc theo chiều dài đất nước, lại nằm kề trên các tuyến đường biển quốc tế quan trọng của thế giới, có những vụng sâu kín gió là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển và mở rộng giao lưu với bên ngoài. Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. Từ các hải cảng ven biển của Việt Nam thông qua eo biển Ma-lắc-ca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, Châu Âu, Châu Phi; qua eo biển Basi có thể đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ; qua các eo biển giữa Philipin, Indonesia, Singapour đến Australia và New Zealand… Hầu hết các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều có các hoạt động thương mại hàng hải rất mạnh trên Biển Đông. Trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.

         Các trung tâm kinh tế thương mại, các thành phố du lịch nằm ven biển hoặc cách bờ biển không xa như Hạ Long, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên, Hà Nội, Sài Gòn,… Hệ thống đường bộ, đường xe lửa xuyên Việt và liên vận quốc tế chất lượng cao được xây dựng dọc bờ biển. (tinmoitruong.vn).

        Dân vạn làng chài ngày nay có đủ tri thức về biển đảo và tài nguyên trong lòng biển, họ có đủ kinh nghiệm đánh bắt cá khơi xa; họ được trang bị các loại công cụ hỗ trợ trong quá trình đi biển. Người đi biển còn được hun đúc tinh thần không chỉ của dân vạn làng chài mà còn có sự theo dõi, quan tâm của đông đảo người dân ở cả 3 vùng kinh tế: biển đảo –  đồng bằng – núi rừng; đồng thời theo quá trình phát triển, những chiếc ghe / tàu nan tàu gỗ được thay dần bằng loại tàu thân sắt, tiếp tục vươn ra khơi xa, vững bền trước phong ba bão táp, đánh bắt nhiều tôm cá, khai thác nhiều tài nguyên hơn nữa và đồng thời tham gia vào giữ gìn cương vực của Tổ quốc Việt Nam.

Cư dân nghề cá tại các làng chài ven biển Thanh Khê xưa – nay của thành phố Đà Nẵng không ngoài hoạt động kinh tế đó./. (VVH, 9/2023).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 – Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2018), Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng.

– Phan Thị Kim (2010), Văn hóa miền biển Đà Nẵng, NXB Dân Trí.

– Nguyễn Hà (2013), Giới thiệu về biển đảo Việt Nam, NXB. TT&TT.

– Viện Đông Á, nhiều tác giả (2010), Biển với người Việt cổ, NXB. TT&TT.

– Nhiều tác giả (2010), Biển Đông và hải đảo Việt Nam, NXB Tri Thức.

– Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, NXB, Văn học.

– Nhiều tác giả (2006), Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng, NXB. CTQG.

– Hội VNDG Đà Nẵng, (2014), Văn hóa dân gian Đà Nẵng, Sở TT&TT. TP Đà Nẵng.

– Hội VNDG Đà Nẵng, (2015), Văn hóa dân gian Đà Nẵng, Sở TT&TT. TP Đà Nẵng.

– Nhiều tác giả (2008), Ca dao, dân ca đất Quảng, NXB. Đà Nẵng.

– Đinh Thị Hựu (2011), Tiếng địa phương trong ca dao vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, NXB. Văn hóa dân tộc.

– Võ Văn Hòe (2011), Địa danh thành phố Đà Nẵng, NXB. Đà Nẵng.

– Lê Thị Thu Hiền (2017), Biến đổi tín ngưỡng của ngư dân ven biển Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa, luận án TS.

– Nhiều tác giả (2019), Kỷ yếu Hội thảo chuyên gia 2019 xây dựng mạng lưới di sản văn hóa phi vật thể biển. Chủ đề: Truyền thống biển – Thực hành và tín ngưỡng. Hội An.

– GS.TS. Mai Ngọc Chừ (…), Văn hóa biển miền Trung trong mối quan hệ với văn hóa biển Đông Nam Á, vanhoahoc.com

– tinmoitruong.vn

[1] Nay thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, tp. Đà nẵng.

[2] Hòa Phú, Phú Lộc trước 1975 là đơn vị thôn.

[3] Chữ dùng của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”.

[4] Trước năm 1975, xóm Thanh Huy thuộc Hòa Khê, huyện Hòa Vang.

[5] Nguyễn Đình Đầu (2010), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – dinh Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng).

[6] Xem: Võ Văn Hòe (2011), Địa danh thành phố Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, Mục Thanh Khê. Làng/xã/thôn (cũ).

[7] Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.

[8] Trích vè Bão Chanchu, 28/5/2006. Ghi tại Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, 2015.

[9] Căn cứ vào hình dạng của đầu cá Ông, ngư dân phân biệt ba loài cá Ông chính: cá đầu tròn gọi là Ông Chuông, Ngài Chuông; cá đầu có mỏ dài như cá kim gọi là Ông Kim, Ngài Kim; và loại có kỳ cao trên lưng như cây phướn gọi là Ông Phướn, Ngài Phướn. Do tín ngưỡng tâm linh về sự phù hộ của Thần, Phật nên cộng đồng ngư dân làm nghề đánh cá gọi các Ông bằng nhiều danh xưng tôn kính, tùy vào mỗi địa phương, như Cá Ngài, ông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Cậu, Cô, Ông Lông, Ông Khơi, Ông Chuông, Ông Kìm, Ông Phướn, Ông Sứa,…Cá voi như vị thần hộ mệnh giữa biển khơi đầy sóng gió và họ cúng kính khi gặp các Ông lụy để đền ơn.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thống nhất đưa ra tên gọi Lễ hội Cầu ngư. Lễ hội Cầu ngư, một cách gọi chung các thành tố nối tiếp nhau theo một trình tự diễn ra trong lễ hội: Lễ Nghinh Ông, Lễ giỗ Tiền hiền làng cá, cúng thần linh, lễ tế cá Ông, lễ Cầu ngư và kết thúc bằng nghi thức Hát bả trạo cùng với hò đưa linh.

Dân gian vẫn gọi Lễ tế Ông hoặc Lễ cúng Ông.

[10] Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, NXB Văn học.

[11] Đà: Nghề chạy thuyền bườm đường dài trên biển. Tải: chở, ăn tải, ăn hàng (hóa). Ca: chuyến thuyền chở hàng.

[12] Trữ lượng các loài động vật ở biển khoảng 3,5 tỷ tấn, trong đó các loài cá chiếm 86% trữ lượng.

[13] Trữ lượng các ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, có thể đánh bắn hằng nam 2-3 triệu tấn.