Liên Chiểu: một vùng đất (Phần 4)

375

Liên Chiểu: một vùng đất

Phần 4: Lễ hội làng biển Nam Ô

        Xưa kia, lễ hội cầu ngư của nhân dân làng Nam Ô, thuộc tổng Hà Khúc (thời các chúa Nguyễn), huyện Hoà Vang diễn ra hằng năm, và cứ 3 năm mới tổ chức lễ lớn một lần theo cách tam niên nhứt lệ. Những năm chen kẽ người dân các làng chài có lễ nhưng không lớn. Một năm có hai lần lễ kể cả các làng thuần nông nghệp vẫn phải vậy, đó là  lễ mùa Xuân và mùa Thu, trong dân gian thường gọi Xuân Thu nhị kỳ. Lễ cầu ngư Xuân kỳ là trọng, thường được tổ chức lớn và quy mô hơn. Hằng năm các làng cá Liên Chiểu tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch,          Trong dân gian cư dân ven biển miền Trung và Quảng Nam nói riêng còn lưu truyền chuyện kể về nguồn gốc cá Ông. Chuyện rằng: Xưa kia đức Phật Quan Âm trong một lần tuần du Đại Hải, nhìn thấy người chết đuối trên biển, Quan Âm ngậm ngùi đau xót cho số kiếp con người, bèn xé chiếc áo cà sa đang mặc ra thành muôn mảnh, đoạn thả trên mặt biển, làm phép biến các mảnh vải thành cá Ông. Cá Ông có phép thâu đường, do đó Phật bà Quan Âm ban cho cá có nhiệm vụ thường xuyên tìm cách cứu người gặp nạn trên biển [1]

          Đặc trưng của lễ hội chính là lễ hội cầu mùa (khu vực nông nghiệp có lễ hội cầu bông). Cơ sở nẩy sinh lễ hội cầu ngư xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá Ông (Cá voi) của cư dân ven biển từ miền Trung vào Nam, đến Cà Mau ra đảo Phú Quốc. Lễ hội cá Ông, Cầu ngư khi theo chân các lưu dân vào Nam đã tiếp biến cùng với tín ngưỡng thờ cá Ông của người Chăm hình thành tục thờ cá Ông, một tín ngưỡng cổ truyền có yếu tố lễ nghi của người Việt cùng với yếu tố lễ nghi của dân tộc Chăm xưa, đã được cư dân Việt tiếp thu trong quá trình cộng cư và tiếp biến văn hoá. Trong quá trình giao lưu tiếp biến, người Việt đã Việt hóa các nghi lễ từ hình thức, thờ cúng, nghi thức… nay đã mang dấu ấn tín ngưởng của người Việt, mật độ Cầu ngư dày nhất có thể tìm thấy được từ Quảng Bình vào Nam. Ngư dân làng cá Nam Ô xưa kia, suy tôn cá voi thành Ông – một động vật trên biển có thật – và phong thành Phúc thần lập lăng miếu thờ tự. Lễ hội cầu ngư – cầu mùa – chính là sự thực hành tín ngưỡng, thể hiện niềm tin của ngư dân các làng cá dọc theo vịnh Hàn vào sự bảo trợ, cứu giúp của thần Nam Hải để có một vụ đánh bắt được mùa trên biển.

          Ngư dân làng cá Nam Ô quan niệm cá Ông không chỉ là vị thần linh thiêng trên biển Đông, là ân nhân của người đi biển, mà còn đồng thời là vị thần thiêng liêng của cộng đồng ngư dân các làng chài ven biển. Vị Phúc thần có liên quan đến sự phát triển nghề nghiệp biển giã của các làng nghề đánh bắt cá trên biển. Mặt khác vị thần này còn được tôn xưng là Thành hoàng làng cá – của vạn chài. Tại các làng biển Hoà Vang xưa kia, ngư dân các làng chài quan niệm mỗi mùa có một vị thần cá Ông, vị còn sống ở trên biển gọi là Ông Sanh với danh xưng là Đông Hải Ngọc Lân và một vị thần đã chết, rất thiêng, cầu tất ứng gọi là Ông Tử với danh xưng là Nam Hải Ngọc Lân. Vị thần là Ông Sanh chính là ân nhân của người đi biển, còn Ông Tử là Phúc thần, bảo trợ cho cuộc sống của người dân vạn chài. Theo trên, ngư dân các làng cá gọi cá Ông bằng các danh xưng tôn kính: Đức Ngư Ông, Đức Linh Ông, Ngài, Ông, cá lớn gọi là Ông Lớn, cá nhỏ gọi là Ông Cậu, cá cái gọi là Cá Cô, Ông Chuông, Ông Kim, cá sống ngoài khơi gọi là Ông Khơi, cá sống ven bờ gọi là Ông Lộng. Song gọi thành kính nhất và thường gọi là Ông (Ông luỵ, giỗ Ông, cúng Ông, xin Ông…).

          Trong hành nghề nếu lưới đang bủa vây mà phát hiện có cá Ông trong lưới dù nhỏ thì liền đó lưới được mở ra cho đàn cá thoát đi. Nếu không may kéo lưới lên ghe có cá ông, nếu còn sống phải xin Ông và thả cá lại biển, nếu cá chết, thuyền đánh cá phải quay về làng ngay, tổ chức lễ an táng cho Ông. Lễ tang tiến hành như với người thân, vẫn phải tang chế đúng kỳ. 3 ngày sau làm lễ mở cửa mả, làm tuần 21 ngày cầu siêu, rồi tuần 100 ngày. Ba năm sau quật mồ hốt cốt gọi là thỉnh ngọc cốt, nhặt xương rửa bằng rượu sạch sẽ cho vào quách sành rồi đưa vào lăng Ông để thờ và làm lễ mãn tang.

          Hầu hết các cư dân vạn chài đều có lăng để thờ Ông, gọi là Lăng Ông, Dinh Ông hoặc Miếu Ông thì ai cũng hiểu được. Lăng Ông thường theo hướng đông, tức hướng ra biển Nam Ô.

          Hằng năm lễ tế cầu ngư diễn ra 7 ngày đêm. Nay còn 2 ngày 1 đêm. Tháng 3 âm lịch là lễ tế Ông Tử, tức vị Phúc thần Nam Hải Ngọc Lân. Trong kỳ đại lễ này ngư dân thành kính, biết ơn vị thần linh, họ gởi gắm đến Ông với ước nguyện cầu mùa và xin được bình an cho làng vạn. Đây là lễ lớn nhất trong năm của vạn. Nghi lễ tế cá Ông được tổ chức giống tế lễ Thành hoàng làng hằng năm, có ban tư lễ, tư văn, bộ phận chấp kích và các vị chủ lễ, phân hiến lễ. Tất cả các bộ phận này đều chọn những người có đạo đức, được dân vạn gởi gắm, tin tưởng.   Lễ hội cầu ngư được tiến hành trong hai ngày với các lễ thức: lễ vọng, lễ nghinh Ông Sanh – Đông Hải Ngọc Lân – về nhập điện chứng lễ tế Ông Tử – Nam Hải Ngọc Lân, lễ nghinh Ông, lễ tế cô hồn, lễ chánh tế, và sau cùng là lễ xây chầu hát Bả trạo, đến đêm giữa hai ngày lễ hội không hoặc có hát bội. Trước ngày diễn ra lễ hội, ngư dân các làng cá tạm ngưng mọi việc liên quan đến lao động sản xuất trên biển. Không thuyền nào ra khơi, nếu đang đánh bắt, câu mực trên biển cũng phải nhanh quay thuyền ghe về  lo việc tế lễ ngư Ông, sửa sang ghe thuyền, trang trí đẹp mắt để tham gia lễ hội. Hai ngày lễ hội cầu ngư là hai ngày dân làng vạn sôi động, vui hẳn lên. Tại Lăng Ông được trang trí cờ hoa rực rỡ. Trống được dóng lên báo hiệu cho dân làng vạn tề tựu về Lăng tham gia dự lễ nghinh Ông. Trên các ghe thuyền, tại mũi ghe, chủ ghe bày một mâm cơm cúng thần sông, thần biển, cúng Ông. Mỗi gia đình ngư dân làm nghề biển vào các ngày lễ hội lại lau chùi bàn thờ gia tiên, sắm sanh các đồ thờ, hương đèn được thắp lên, bày hoa quả, vật lễ có tại địa phương bái vọng gia tiên, cầu xin một năm làm ăn thắng lợi, bình an.

Ngày hội (Ảnh: VVH)

          Ngày đầu:

– Bắt đầu vào buổi trưa thường là Lễ vọng, tại các làng cá, dụng trầu rượu, hương đăng thanh chước thứ phẩm khác là đủ, lễ được tổ chức từ sáng sớm mục đích xin thần Nam hải tức cá Ông báo ứng cho vạn chài điềm lành, dữ trong năm. Lễ cầu xin thần vì dân vạn mà cho biết các hiện tượng lành dữ của biển để ngư dân tránh khỏi thiên tai. Lễ cử hành trang nghiêm trong tiếng trống điểm chiêng rung, đọc văn bài trong lúc thực hành nghi lễ, ca ngợi công đức của vị thần đối với dân vạn. Lễ tiến hành xong 3 tuần rượu là tất.

          – Đến giữa giờ Mùi (khoảng 14 giờ) là tiến hành lễ Nghinh Ông. Lễ nghinh có khiêng kiệu để rước hồn đức Ông, các vị thần linh tại các lăng, miếu, đình, chùa làng và những oan hồn chẳng may đã bỏ mình trên biển trong lúc hành nghề đánh bắt để họ nương theo đó trở về dự lễ của dân làng. Lễ nghinh Ông là lễ được tổ chức lớn nhất của ngư dân ven biển.

          Khởi sự cho lễ nghinh Ông, bộ phận tư lễ dóng lên ba hồi trống báo hiệu giờ hành lễ sắp được bắt đầu. Kế đến, đoàn rước theo thứ tự trước sau do ban khánh tiết hướng dẫn đi thành một hàng dài ra bến. Đi đầu là lá cờ làng vuông hoặc chéo to hơn cả, theo sau là đoàn lễ sinh (học trò gia lễ) mặc quần xanh nẹp vàng và áo xanh nẹp đỏ. Theo sau là chiếc kiệu nghinh thần có 4 thanh niên vạn chài khiêng, trong kiệu có bài vị Ông, các vật phẩm khác đúng lễ, hai bên kiệu có cờ phướn và lọng che. Theo sau kiệu là Chánh tế và bồi tế. Bộ phận tư lễ và chấp kích với cổ, chiêng trống đủ bộ gióng lên theo lễ nhạc quy định của làng. Theo sau bộ phận chấp kích là đoàn lỗ bộ [2] có 8 thanh niên trai tráng hai tay cầm gươm dáo…cùng đi với phường nhạc bát âm.

          Trên đường ra bến, nhạc cổ bát âm tấu lên bài nhạc Kim tiền nghinh Ông vui tươi tin tưởng. Theo sau là dân làng vạn, từ già đến trẻ nối theo sau đông đảo thành một hàng dài ra tận bến. Tại bến đã có năm ba chục chiếc ghe đã được sửa soạn tươm tất cho lễ hội neo đậu sẵn sàng chờ lệnh của ban nghi lễ.

          Đoàn nghinh Ông ra đến bến, theo đó đoàn người chia theo bộ phận lần lượt bước lên ba chiếc ghe lớn hơn đã chuẩn bị sẵn. Ghe nghinh thần được trang trí lộng lẫy, trên mũi của ba chiếc ghe thắt một tấm vải đỏ biểu tượng cho sự may mắn, tự tin; cờ, phướn bay phần phật trong gió biển. Hai bên mũi ghe vẽ hai con mắt trông như một loài kình ngư biển cả, biểu hiện sức mạnh vượt trùng khơi. Chiếc ghe có kiệu nghinh thần chở một con cá Ông lớn như thật làm bằng giấy dó, (sau có giấy nhựt trình, xi măng…), tô vẻ trông như cá voi thật, được đặt dọc theo ghe. Đây là hình tượng của Ông.

        Ba hồi chiêng trống vang lên, đoàn rước lễ cầu ngư bắt đầu, ba chiếc thuyền rước thần theo đội hình mũi tên, chiếc nghinh thần nhô về phía trước nửa thân ghe, hai chiếc mang cờ, phướn, bộ phận chấp kích, phường bát âm, đội lễ sinh, các vị bô lão trong làng, đội lỗ bộ…xếp sau ghe nghinh thần tạo cho đoàn rước lao về hướng đông như một mũi tên bắn ra biển lớn [3]. Theo sau đoàn rước là ghe của dân vạn, trên mỗi ghe có trang trí cờ phướn của làng, tạo thành một đoàn dài theo hướng đông vươn ra biển rộng. Các ghe thuyền theo sau bắt đầu chuyển đội hình dàn thành hàng ngang lướt sóng. Trên các ghe thuyền theo sau có các đội lân, vui múa nhộn nhịp tạo cho không khí lễ hội thêm phần sinh động. Trên các ghe thuyền tiếng hò reo cổ vũ của dân vạn loang loáng trên mặt biển. Trông xa cả đoàn nghinh thần như một con thuyền lớn vẫy vùng trên biển cả.

        Đến địa điểm rước thần, trống chiêng, nhạc bát âm lại tiếp tục vang lên trong gió biển. Vị Chủ tế hành lễ. Đây là thời khắc thiêng liêng, lễ rước thần thăng hoa trong tất cả dân vạn, tin rằng thần sẽ chứng giám cho tấm lòng thành dân vạn. Mọi người cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá sinh sôi, ngư dân ra khơi gặp nhiều may mắn. Cầu xin Ông phước lành mang tới điều rủi xua đi. Vị chủ tế lấy vật tế kim ngân, hương hoa trà quả, diêm mễ phù lan ném xuống biển cho Long Vương, Thủy thần chứng giám. Trong lễ cầu ngư tại lễ nghinh có đọc bài văn tế Nghinh thủy lục. Độc chúc xong vị chủ tế xin âm dương trên dĩa. Đồng sấp đồng ngửa là thần chứng nhập.  Chiêng trống và nhạc bát âm lại tấu lên bài nhạc nghinh rộn rã.

        Theo hiệu lệnh của ban nghi lễ lễ hội, vị chủ tế, đoàn nghinh thần bắt đầu quay mũi trên một đường bán kính rộng. Đây là thời điểm lên voi, tức thời điểm Ông về, chấp nhận lễ nghinh và chứng giám lòng thành của ngư dân làng vạn [4]. Đây là điểm đỉnh của sự thăng hoa. Tiếp đó là sự cầu nguyện cho vong linh những người đã ra khơi bám biển làm ăn nhưng đã ra đi, vĩnh viễn không về.

        Tại bến, có hàng mấy chục chiếc ghe lớn nhỏ đứng nhấp nhô chờ đợi, trên mỗi ghe thuyền được trang trí cờ phướn rất đẹp tạo cho ngày hội cầu ngư của ngư dân vùng ven biển thêm sinh động và có sức lan tỏa trong cả vạn chài.

        Sau phần lễ là khai hội cầu ngư. Hội cầu ngư được khai ngay trên biển nơi nghinh thần. Các tay lưới được đưa ra từ một trong ba chiếc ghe rước thần để khai hội. Tại đây hội đánh cá được thể hiện như một cuộc làm ăn thật sự trên biển. Đôi khi đánh lưới hành lễ nhưng lại trở thành đánh thật. Đoàn bắt được cá! Đây là điềm vui báo hiệu sự may mắn, được Ông chứng giám và giúp đỡ. Lúc này các ghe thuyền từ trong bến bơi ra cùng tham gia lễ hội. Họ vây bắt cá trong tiếng nhạc vang lừng, xiên ngang trong gió biển. Cả đoàn phấn khởi tiến về phía trước một đoạn nữa rồi mới quay mũi trở về bờ.

        Đoàn rước về đến Lăng Ông, tổ chức an vị. Tại đây hành lễ cúng các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng, và cúng tổ nghề cá trong sự phấn khởi của dân làng.

        Sau lễ nghinh Ông, an chư thần vị, là tế lễ những người có công quy  dân thành lập nên vạn chài, toàn thể dân làng chuẩn bị múa hát bả trạo cúng Ông. Đây là nghi lễ tín ngưỡng độc đáo của lễ hội cầu ngư vùng biển.

         – Tối xuống, giờ Tuất (21 giờ), dân làng chài tế lễ  cô hồn (âm linh) tại sân Lăng Ông, dụng lễ là một bát cháo thánh, các loại khoai, sắn, bánh trái, trầu cau rượu, hương đăng, kim ngân, thanh chước. Lễ có chiêng trống dóng lên, qua 2 tuần rượu lễ, kế là độc chúc văn, lại thêm một lần rượu lễ nữa là tất. Văn tế cô hồn hàm chứa nội dung biểu hiện sự thương yêu những kẻ bất hạnh và tình cảm cộng đồng dành cho những người không may chết vì nghề nghiệp trên biển cả, gởi thân xác lại cho các vị thần Ông Sanh, Ông Tử trông coi. Thức cúng được thí cho cô hồn đẳng chúng đồng lai chứng hưởng, người dân làng chài không dùng. Sau lễ tế cô hồn âm linh có hai đội chèo cổ, chừng 12 người, ăn mặc theo lối xưa, áo thụng, chân đi giày hạ (hoặc không), đội mão, hát bả trạo cầu nguyện cho làng xóm yên vui, nhân dân vạn chài ra biển thắng lợi, no đủ quanh năm.

          Ngày thứ hai:

        – Lễ thỉnh văn tức lễ chuyển bài văn tế từ nhà vị Tư văn về lăng Ông hành lễ. Lễ thỉnh văn hình thức tổ chức giống với lễ rước sắc tại các làng nông nghiệp. Nội dung bài văn tế thường được viết nhằm ca ngợi công đức Ông, ca ngợi và biết ơn các vật thuỷ thần, kể công lao các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng đã có công khai canh, khai cư, lập nên làng cá và đồng thời, văn bài còn tỏ lòng biết ơn tổ nghề cá.

        – Lễ chánh tế được tổ chức từ lúc nửa đêm về sáng (4 giờ, trong khoảng giờ Sửu – Dần). Đây là lễ tế thần còn gọi là chánh lễ hoặc đại lễ. Lễ chánh tế có sự tham gia của ngư dân trong làng và chính quyền địa phương. Dụng lễ có con heo (chỉ cần đầu, bộ lòng mỗi thứ một ít, bốn chân, đuôi là đủ), hoa quả, bát muối sống, hạt nổ, trầu cau rượu, không dùng vật lễ bằng sản phẩm đánh bắt từ biển. Trong lễ có bài văn ca ngợi công đức của thần, dân vạn cầu xin thần ban cho vạn một vụ mùa bội thu, thuyền ra khơi xuôi chèo mát mái, trở về tôm các đầy ghe. Ngay sau đó ngư dân làng vạn làm lễ xuống thuyền mở đầu cho một năm đánh bắt với mong muốn là được mùa, an toàn trên biển cả.

        Sau chánh lễ là lễ xây chầu hát bả trạo. Đây là lễ mở màn cho phần hội, cho hát thơ, hát thiêng đã trở thành tục lệ tại làng cá Nam Ô để khai tiếng trống chầu (xem như khai hội), Ban tổ chức chọn một vị già làng có đạo đức, có uy tín và có công với địa phương, có vợ đang sống song toàn thì mới được cầm chầu khai hội vui chơi cầu mong cho dân vạn được một năm an bình trong năm mới. Sau lễ xây chầu là màng hát mừng gọi là hát Phước – Lộc – Thọ.

        Hát bả trạo gắn liền với lễ cầu ngư tạo nên lễ hội cầu ngư của các làng cá vũng Hàn. Hát bả trạo là một bộ phận của nghi lễ, một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm các yếu tố hát và múa với đạo cụ cầm tay là mái chèo (trạo). Đội hình diễn bao gồm các con trạo thường là nam giới dưới sự chỉ huy của các Tổng mũi, Tổng thương, Tổng lái và Tổng khậu. Đội hình bả trạo được sắp xếp theo hình như đang bơi trên thuyền. Nội dung xuyên suốt quá trình diễn xướng là lời hát tạ ơn, ngợi ca công đức các vị thần trong đó cá Ông được long trọng tri ân nhiều hơn cả. Qua lễ, cầu xin cho làng vạn được vạn sự bằng an.

        Đan xen với phần tế lễ cá Ông trong lễ hội cầu ngư là các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian cổ truyền đặc trưng nghề biển. Ngoài hình thức hát múa bả trạo, còn có các hoạt động làm tăng thêm phần hội qua các trò chơi vui, giải trí, tạo sự náo nức nhận ơn của thần trước khi ra khơi hành nghề như hát hò khoan đối đáp, hô bài chòi, thi đua ghe, thi lắc thúng rái, thúng chai trên biển…

        Từ việc tôn thờ một loài cá có trong tự nhiên gắn bó lâu đời với ngư dân các làng chài ven biển thông qua phương thức lao động sinh tồn đánh bắt tôm cá đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian, chính đó tạo nên sự tích hợp văn hoá – nghệ thuật thông qua tín ngưỡng cộng đồng ngư dân là những giá trị nhân văn sâu sắc được duy trì qua các đời. Nay vẫn còn đang tiếp diễn và thực hành lễ hội phù hợp với thời đại mới.

        Là những ngư dân suốt đời gắn bó với biển khơi, phải thường xuyên đối đầu với sóng gió, bão tố phong ba để giải thích các hiện tượng trên, xưa kia khi mà nền khoa học kỹ thuật chưa phát triển, rõ ràng dân làng vạn đã gởi gắm niềm tin, cầu xin đến sự giúp đỡ của các thần linh. Người Việt lại có tục thờ thần, do đó cá Ông được nhân hoá thành thần, được vương triều nhà Nguyễn phong là Nam Hải cự tộc hoặc Nam Hải Ngọc Lân thượng đẳng thần. Nhân dân theo đó tin và thờ vọng Ông. Hằng năm, để nhớ ơn vị thần cứu nạn trên biển, giúp đỡ vạn chài, dân chài đã tổ chức cúng tế và mở hội ăn mừng sản xuất, tạo nên tâm thế mới lạc quan, tự tin cho một năm ra biển trong cộng đồng ngư dân ven biển, với hy vọng một năm bình an, no đủ, được mùa.

        I LIỆU THAM KHẢO

Lịch sử Đảng bộ quận Liên Chiểu (1930-2005), Đảng bộ quận Liên Chiểu, Bùi Xuân, Lưu Anh Rô, Nguyễn Văn Nghĩa biên soạn, NXB Đà Nẵng 2005.     

Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Hòa Hiệp (1930-1975), Đảng bộ phường Hòa Hiệp, Nguyễn Văn Nghĩa, Lưu Anh Rô, Trần Huy Đức biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2001.

Lịch sử phường Hòa Khánh; Lịch sử phường Hòa Minh; Lịch sử xã Hòa Liên.

Hòa Vang huyện chí, Tú tài Trần Nhật Tĩnh (Huỳnh Thảng dịch chú).

Tập tục và lễ hội đất Quảng, Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2009.

Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng, Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2009.

Ẩm thực đất Quảng, Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2011.

Địa danh thành phố Đà Nẵng (Tập 1), Võ Văn Hòe, NXB Đà Nẵng 2011.

Địa danh thành phố Đà Nẵng (Tập 2), Võ Văn Hòe, NXB TT&TT 2015.

Văn hóa dân gian Hòa Vang, Võ Văn Hòe, NXB Đà Nẵng, Dân Trí, 2012.

 

* Ảnh đại diện: VVH.

[1] Truyền thuyết ChamPa cũng có kể về sự tích cá Ông với nhiều chi tiết nhưng tựu trung nhiệm vụ của cá là luôn cứu người gặp nạn trên biển.

[2] Lỗ bộ: là một số đồ binh khí thời xưa gồm 2 mác cán dài, 2 cây cờ tiết mao, 2 búa, 2 dùi bằng đồng, 1 tấm biển túc tịnh và 1 tấm hồi tị. Tuỳ theo làng, có nơi sắm 2 cờ, 4 gươm trường, 2 búa, 1 xà mâu, 2 cây long đao, …được cắm vào giá xoè ra nhiư cánh quát, đặt tại  hai bên tả hữu, hoặc chánh tẩm các đình, nhà thờ tộc họ (có người làm quan). Đây là đồ nghi trượng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm.

[3] Trong lễ hội cầu ngư vùng biển Hòa Vang, Đà Nẵng xưa không dùng ghe có động cơ (ghe có động cơ xuất hiện phổ biến những năm 1970) mà chỉ dùng ghe chèo, mỗi ghe có 8 thành niên chèo lái. Đội chèo được vận trang phục áo quần bằng vải đủi màu nâu. Trên ghe nghinh Ông còn có 1 lão ông như là một kỳ lão của làng vạn, là một ngư ông cao niên đã có thâm niên trong nghề đi biển, am hiểu và có nhiều kinh nghiệm vượt biển, đoán được thời tiết, gió mưa. Ông phải có uy tín với vạn chài, Trên ghe nghinh ông là biểu tượng thiêng liêng của lễ Cầu ngư – chính là vị Chủ tế của lễ hội.

[4] Nếu việc xin âm dương chưa đạt, đoàn rước lại tiến ra biển một đoạn nữa, lại xin Ông, đến chừng nào Ông chứng mới thôi.