Liên Chiểu: một vùng đất (Phần 2)

484

 

Video: NSUT Đỗ Linh

Liên Chiểu: một vùng đất

Phần 2: Những đặc điểm gắn với địa danh Liên Chiểu  

        Liên Chiểu có bờ biển dài 26 km, hình thành nên các bãi biển Nam Ô, Xuân Thiều là bãi biển đẹp hình cánh cung dài đến Thuận Phước (thuộc quận Hải Châu) tạo nên vũng Thùng / vịnh Đà Nẵng. Tại đây, năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh vào Nam, đến vịnh Đà Nẵng, nhà vua đề thơ:

          Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt

          Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền.

        Về sau, có nhà nghiên cứu tại địa phương gọi vũng Thùng là Đồng Long / Đồng Long Loan,…

        Núi Hải Vân

        Phân bố phía bắc huyện Hòa Vang, cách huyện lỵ 38 dặm. Mạch núi bắt đầu từ phía tây giáp biên giới Ai Lao, đến núi Kiền Kiền, núi Đại Tu Nông. Núi có dạng “trùng loan điệp chướng”, đỉnh cao nhất 1.444 mét, đến tận mây trời như tên gọi, chạy thẳng đến tận bờ biển, trên đỉnh có Hải Vân quan. Phía Bắc Hải Vân quan thuộc phủ Thừa Thiên, phía Nam là quận Liên Chiểu. Trước Hải Vân quan vài trượng (chừng 8,5 mét) có vách núi đá đứng sựng rất nguy hiểm. Xưa kia quân Trịnh đắp lũy để ngăn quân Tây Sơn, cho nên còn có tên là đỉnh núi Lũy. Chân núi phía Nam có núi Thông Sơn, tục gọi là núi Hành (chữ Thông (葱) có nghĩa là củ hành). Năm Minh Mạng thứ 4 ban tên là núi Định Hải và đặt pháo đài ở đó. Về phía Tây có núi Liên Sơn và Sảng Sơn, đây là nơi đường trạm đi qua. Năm Minh Mạng thứ 7 đều đổi tên là Thạch Lĩnh. Đường núi gồ ghề, cây đá um tùm. Chân núi phía Nam gối eo biển, có đá lởm chởm nổi trong nước, cao thấp không đều nhau, tựa như hòn non bộ, sóng biển ập vào bắn tung lên như mưa. Phía Đông-Bắc ngoài biển có nổi lên một ngọn núi, năm Minh Mạng thứ 21, vua ban cho tên là Ngự Hải đảo, tên tục là núi Thiêm, ở đó có ngọn đèn biển, tức là ranh giới phía Bắc của cửa biển Đà Nẵng.

          Ở phía tây núi Hải Vân, còn có một con đường khác. Phía Nam bắt đầu từ xã Liên Chiểu mà đi lên, trong con đường có nhiều cụm đá lớn chồng chất, đứng thẳng như hình trạng con người. Người đi phải bám vào đá vịn vào cây mà lên, đến giữa đỉnh Ba Tiêu hốc, tục gọi là Hốc Chuối, rồi theo khe mà đi xuống phía Bắc trên những tảng đá bàn lớn, từng bước từng bước rất nhanh. Phía Bắc giáp phủ Thừa Thiên. Nơi giáp tiếp là phía Tây sông Hòang Giang. Nơi đây, hồi năm Tự Đức thứ 12, thị vệ Cẩm đã đi xuyên qua con đường này. Ngoài ra còn có một con đường khác, bắt đầu từ phía Bắc núi Trường Định, lên đến một chót cao, hình giống yên ngựa. Từ đó đi xuống phía Đông vài trăm trượng (ước chừng 850 mét) đến Hốc Chuối là nơi tuyệt đẹp. Mùa Đông năm Tự Đức thứ 12, Bố chính sứ tỉnh Quảng Nam là Thân Văn Tiếp, vâng lệnh vua đi khám xét con đường ấy, đã đến nơi đây. Núi Hải Vân là ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi phân biệt sự biến đổi nhiều mặt: về ngữ âm, địa chất, khí hậu, động, thực vật.

   Vè Đà Nẵng, có:

          Nghĩa sỹ hề vang dội chí trung kiên

          Núi Hải Vân nơi đất đứng toàn miền…

          Cửa Ải

          Nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, trước thuộc tổng Bình Thới Hạ, huyện HV. Nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

       Đứng lưng chừng đèo trông ra phía Bắc nhìn được biển Lăng Cô. Dưới chân đèo sóng biển khoét vào thành một cái hang lớn là nơi trú ngụ của hàng nghìn con dơi. Xưa truyền rằng, đèo là rừng thông.

        rong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, cổng/cửa thuộc xã Quảng Hiệp/Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Cửa là nơi trấn giữ phương Nam của Đại Việt. Nay, Hải Vân quan là địa điểm du lịch trên đèo Hải Vân. Nơi ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế. Xây dựng tại đỉnh đèo Hải Vân năm Minh Mạng thứ 7 (1826), gồm 5 công trình hạng mục: hai chiếc cửa vòm, nhà trú của quan trấn thủ cửa ải, võ khố và hệ thống thành lũy bảo vệ.

                       Hải Vân quan (Cửa Ải. Ảnh: St)

        Hải Vân Quan xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trên đỉnh đèo Hải Vân, còn gọi là cửa Ải, nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Ải là ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng (quận Liên Chiểu) và Thừa Thiên – Huế (huyện Phú Lộc). Tại đây là đỉnh đèo Hải Vân chạy qua.

   Hai mặt trước, sau cửa dùng đá xây, tường liền nhau, trước cao 15 thước, ngang 17 thước 1 tấc, dài 15 thước, mặt sau cao 15 thước, ngang 18 thước 1 tấc, dài 11 thước, các cửa cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc.[1] Mặt trước ghi Hải Vân quan bằng chữ Hán trên tấm hoành phi bằng đá, mặt sau ghi 6 chữ trên tấm hoàng phi bằng đá Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Năm xây dựng cửa ải được ghi: Minh Mạng thất niên, cát nhựt (Minh Mạng năm thứ bảy, ngày tốt).

      Ải trang bị 4 súng Bắc cơ điểu sang, 10 thương dài, 1 trống lớn. Minh Mạng năm 18 cấp thêm 7 súng. Ải có chức năng quan sát biển, nhận rõ các loại tàu thuyền đi lại, hành động của các thuyền bè,…tâu về cho triều đình biết.

      Sách “Hội điển sự lệ” triều Nguyễn chép: Tại cửa Hải Vân trên đỉnh đèo, trước có thiết lập Ty Tuần Hải, có trách nhiệm xét hỏi những người qua lại, quan sát vùng cửa biển Đà Nẵng, xét thấy trên mặt biển có hiện tượng bất ngờ hoặc có việc quan trọng phải lập tức khẩn cấp tâu báo,…

      Vè các lái Đà Nẵng, có: Ải Vân bát ngát ngàn trùng/Hòn Hành ở đó là trong vịnh Hàn/Xưa nay qua đó còn thuyền/Lối đi lô giản thẳng miền khơi xa.

         Đèo Hải Vân

         Trên đường thiên lý bắc nam ngang qua dải đất miền Trung, là ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế, còn gọi là đường cái quan, sau gọi quốc lộ 1 A.

   Theo Thích Đại Sán, nhà sư Trung Hoa đến Đàng Trong chép trong Hải ngoại ký sự: “Đi ngưạ không được, phải đổi sang võng. Dân ở dưới đèo rất khổ (cuối thế kỷ thứ XVII), quan dịch đi đông, bắt phu không đủ, người ta phải vào lùng bắt từng nhà”. Đây là con đèo cao nhất, ngoạn mục nhất miền Trung. Đèo dài 20 km, từ địa phận Thừa Thiên – Huế đến địa phận ĐN, cao trên 496 mét so với mực nước biển, nhiều đoạn hiểm trở (núi cao 1.444 mét như bức tường thành ngăn các đợt giáo lạnh tràn về), trên núi trước kia gọi là Ải Lĩnh (thời xưa có xây trên núi một cửa Ải nên gọi Ải Lĩnh), dân địa phương gọi là Ngãi Lĩnh nơi quanh năm có mây bao phủ, nhất là vào buổi chiều trong ngày.

   Tương truyền trên núi Ngãi Lĩnh có nhiều cây ngải mọc tự nhiên, đến mùa hoa ngải nở, gió thổi hoa bay xuống biển, cá nào ăn được lại hoá nên rồng. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), trên đường mở đất về phương nam khi đi qua đây có làm bài thơ nổi tiếng: Ải Lĩnh xuân vân.

        Việt nam xung yếu thử sơn điên

        Tuyệt lĩnh hòan như Thục đạo thiên

        Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

        Bất tri nhân tại, kỷ trùng thiên

        Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

        Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

        Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

        Chính nghi thiên lý nhuận tang điền.

        (Xung yếu phía nam chính là núi này/ Giống như đường qua đất Thục cũng núi non/ Giăng quanh là ba tầng chiếm lĩnh cả/ Không biết tại đây có người ở trên mây/ Râu tóc lạnh mặc dầu không có tuyết/ Xiêm áo quyện mây trời dẫu chẳng muốn/ Nguyện rằng gió biển mang mây đến/ Muôn dặm dâu xanh bày ra).

   Năm 1826, vua Minh Mệnh qua đây cho xây lại cửa Ải gồm 2 cửa: của trước gắn tấm biển có dòng chữ Hán Hải Vân quan, từ đó nhân dân quen gọi là núi Hải Vân, đèo Hải Vân; cửa sau có tấm biển bằng đá khắc dòng chữ Hán Thiên  hạ đệ nhất hùng quan.

   Trong Phủ biên tạp lục, học giả Lê Quý Đôn có ghi: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc tầng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam”.

    Xưa kia dưới thời vua Gia Long, con đường thiên lý qua đèo Hải Vân được tu bổ, sửa sang, hai bên đường đèo, nhà vua cho trồng rất nhiều cây mù u. Hình ảnh con đèo dài hun hút, bạt ngàn cây, bạt ngàn mưa không chỉ đi vào lịch sử mở cõi của dân tộc, mà đã đi vào thơ văn của nhiều bậc tiền nhân. Hàng cây mù u đã trở thành nỗi nhớ da diết của Chu thần Cao Bá Quát qua những dòng thơ: “Ngoái lại Hải Vân không với tới/Ròng ròng lệ nhỏ nhớ mù u”. Có lẽ, Cao Bá Quát đang say sưa hoài niệm về những chặng đường khó khăn, gian khổ mà mình đã vượt qua, đã từng chạm đến khi đặt chân qua đèo Hải Vân. Nỗi nhớ ấy đọng lại trên những vần thơ ông, làm bừng sáng thêm tình yêu thiên nhiên gắn liền với lòng yêu nước. Phải chăng, mùa xuân là mùa sum họp, và Cao Bá Quát đã nhớ về Hải Vân Quan khi đất trời đang vào xuân.

        Nỗi vất vả khi phải đi bộ trên con đèo hiểm yếu nhất phần nào được khép lại, từ khi tuyến đường sắt Huế – Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động vào năm 1906. Tuyến đường sắt đã mang lại niềm hân hoan cho mối giao tình giữa hai miền Thuận – Quảng. Từ kinh thành Huế, muốn vào Quảng Nam phải mất ròng rã hơn 3 ngày đi bộ, thì nay người ta truyền nhau phương ngôn thành ngữ “mai Huế, xế Quảng” để nói rằng khoảng cách xa xôi ngày nào của hai miền Thuận – Quảng đã được rút ngắn chỉ còn gần 1 ngày đi đường. Gần một ngày đường là ta đã có thể chạm tay vào Huế. Và gần một ngày đường là ta đã có thể chạm tay vào xứ Quảng yêu thương. Niềm vui như mùa xuân ấy lại xuất hiện trong những vần thơ của Trần Cao Vân:

                   Một mối xa thư đã biết chưa?

                   Bắc Nam hai ngả gặp nhau vừa

                   Đường rầy đã sẵn thang mây bước

                   Ống khói càng cao ngọn gió đưa

                   Sấm dậy tứ bề trăm máy chuyển

                   Phút thâu muôn dặm một giờ trưa…

        Từ độ cao 496m của đỉnh đèo Hải Vân, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và cảnh làng chài Nam Ô (Hóa Ổ) ngoạn mục, tạo nguồn cảm hứng cho du khách tứ phương.

        Từ đèo Hải Vân đi về phía Hàn, thời trước đèo là con đường đất nhỏ, hẹp, đường gập ghềnh khó đi lại. Năm 1886, để tiện khai thác thuộc địa, thực dân Pháp huy động gần 2.000 nhân công của Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế đào đất đắp đường đi từ Huế – Đà Nẵng, nhưng đến năm 1918 ô tô mới có thể đi qua đèo Hải Vân được mà cũng chỉ đi một luồng xe, các xe chạy ngược chiều phải đợi dưới chân đèo hoặc ngay tại đỉnh đèo. Năm 1960 đường đèo Hải Vân được mở rộng thêm, xe chạy được hai chiều cùng lúc.

        Hầm đường bộ

      Phía bắc thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, phía nam thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

       Quy mô 6. 247m, thực hiện từ năm 2003 – 2005 hòan thành, đưa vào sử dụng.

       Hầm có 1 đường hầm chính và 1 đường hầm phụ dùng tránh nạn. Đường hầm phụ khai thông qua núi Hải Vân sau khi quả mìn thứ 1.680.000 được cho nổ vào lúc 1 giờ 30 phút khuya ngày 28.10.2003. Đây là đường hầm lớn nhất Đông Nam Châu Á. Xe chạy qua đường hầm với tốc độ 60 km/h chỉ mất 12 phút.

        Lịch sử đường bộ qua đèo Hải Vân ghi dấu một mốc son mới vào năm 2005, khi Hầm đường bộ Hải Vân được chính thức đi vào hoạt động. Từ con đèo dài hơn 20 km với nhiều khúc cua tay áo, thách thức một số người yếu bóng vía, bây giờ chỉ mất không đến 10 phút đi ô tô. Khoảng cách được rút ngắn, nỗi nhớ và cả niềm lo lắng cho người thân hai miền cũng thôi bồn chồn.

       Từ khi hầm đường bộ Hải Vân đi vào hoạt động, chức năng giao thông Bắc-Nam của đèo Hải Vân đã được giải phóng. Con đèo nguy hiểm bậc nhất Việt Nam bây giờ chỉ còn dành cho một số xe tải lưu thông tuyến Bắc-Nam và xe du lịch.

         

             1 tấc mộc      = 0,0425 m