Liên Chiểu: một vùng đất (Phần 1)

398

 

Video: NSUT ĐỖ Linh

Liên Chiểu: một vùng đất 

Phần 1: Lịch sử hình thành

          Liên Chiểu là một quận trong 5 quận của thành phố Đà Nẵng, được thành lập theo Nghị định số 07/CP ngày 23 tháng 01 năm 1997 của Chính phủ nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở ba xã Hòa Minh, Hòa Khánh và Hòa Hiệp của huyện Hòa Vang.

          Quận nằm về phía tây bắc thành phố Đà Nẵng. Phía đông giáp quận Thanh Khê và vịnh Đà Nẵng; phía tây giáp xã Hòa Liên, xã Hòa Sơn của huyện Hòa Vang; phía nam giáp phường Hòa An của quận Cẩm Lệ; phía bắc giáp huyện Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên – Huế, lấy núi Hải Vân làm ranh giới tự nhiên.

          Diện tích 79,13 km2. Dân số 100.050 người (2008). Quận có 3 phường: Hòa Minh, Hòa Khánh, và Hòa Hiệp. Năm 2005 phường Hòa Khánh chia thành 2 phường: Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc; phường Hòa Hiệp chia thành 2 phường: Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc.     

          Địa danh Liên Chiểu, trong quá trình phát triển của vùng đất phía tây bắc thành phố Đà Nẵng, về mặt ngữ nghĩa có nhiều kiến giải khác nhau. Có nhà nghiên cứu cho rằng trong tiếng Hán chữ Liên 蓮 là hoa sen; chữ Chiểu 沼 là cái ao hình cong. Cũng hiểu là ao, đầm hoặc đìa. Nhưng cũng có người hiểu Liên 聯 là sự liên kết; chiểu là ao, đầm. Theo đó, Liên Chiểu là tập hợp các khu vực nhỏ trong đó có ao, hồ, đầm, bàu lại với nhau mà thành.

    Xem Video clip “Làng Nam Ô xưa”  (St) https://youtu.be/Jq6-9sbSo7g         

          Xét về mặt địa hình từ xưa Liên Chiểu vốn có ao: ao Bà Tú Lâm, ao Sen; có bàu: bàu Mạc, bàu Mọc, bàu Trầm, bàu Chùa, bàu Đồng Bàu, bàu Gia Phước, bàu Dàng, Hạ Bàu Lác, hạ Bàu Năng, bàu Lác, bàu Môn Hạ, bàu Môn Thượng, bàu Năng, bàu Sâu, bàu Sậy, bàu Sỏi, bàu Tế, bàu Thần Nông, Thượng Bàu Lác, Thượng Bàu Năng, bàu Tràm, Thượng Bàu Tràm, có hồ: Bàu Sấu, Bàu Tràm, Bàu Vàng, Cây Cừa, hồ Lấy, hồ Mạch; có đầm, phía biển, bờ biển ăn vào đất liền tạo nên hình cánh cung gọi là vũng / vịnh: Mà Đa, Xuân Dương, Liên Chiểu.

          Liên chiểu có sông như sông Cu Đê. Đây là con sông lớn, nhận nước tại ngã ba Vũng Bọt (thuộc thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang) đổ vào, chảy từ vùng khe Sô về, tạo thành những bãi cát nổi lên giữa sông, chia cắt dòng sông thành nhiều đoạn ngắn. Mùa lũ lụt, nước dâng cao làm cho dòng sông mênh mông nước rồi đổ ra biển Đông tại Vũng Thùng.

                      Ghềnh Ráng Nam Ô (Ảnh: VVH)

          Liên Chiểu có núi như núi Cu / Câu Đê. Trong sách Đại Nam nhất thống chí chéo về núi này: Núi Cu Đê ở cách Hòa Vang 28 dặm về phía bắc, lại có tên là núi Hóa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), trong núi có nhiều ve ve (ve sầu), người địa phương thường bắt nấu / nướng ăn, vị rất ngon. Mùa thu, mùa đông cầu vồng hiện lên ở phía nam núi này, người ta lấy đó mà chiêm nghiệm mưa lụt [1]. Làng Xuân Dương có núi: núi Xuân Dương phía đông trạm Nam Ổ, thuộc địa phận xã Xuân Thiều, cách huyện Hòa Vang 23 dặm về phía bắc, một bãi cát bằng giữa biển nổi lên một ngọn cây cối xanh tốt. [2]

          Địa hình như thế gọi Liên Chiểu là sự liên kết các vùng đất, trong đó có các ao, hồ, bàu, đầm vũng, vịnh mà nên cũng là cách kiến giải sát thực tế.

          Trong quá trình phát triển từ sau năm 1471, địa danh Liên Chiểu xuất hiện thời kỳ nào trong lịch sử một vùng đất.

          Theo sách Hòa Vang huyện chí của Tú tài Trần Nhật Tĩnh (người xã Hòa Liên nay)[3] chép:… Ở phía Tây núi Hải Vân, còn có một con đường khác. Phía Nam bắt đầu từ xã Liên Chiểu mà đi lên, trong con đường có nhiều cụm đá lớn chồng chất, đứng thẳng như hình trạng con người… Theo đó địa danh Liên Chiểu xuất hiện là đơn vị xã đã có trước thời Minh Mạng năm thứ 21 nên được Tú tài Trần Nhật Tĩnh chép vào sách Hòa Vang huyện chí của mình. Xã Liên Chiểu đã thấy xuất hiên vào thời Minh Mạng.

          Trong quá trình phát triển, để phù hợp với tình hình thực tiển thời bấy giờ, địa danh xã Liên Chiểu dần biến vào dân gian để tồn tại.  

          Theo sách Lịch sử Đảng bộ quận Liên Chiểu (1930-2005), Từ năm 1602, Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, đặt ra dinh Quảng Nam. Năm 1605, chúa Nguyễn lại đặt vùng đất Điện Bàn, Hòa Vang hiện nay vào phủ Điện Bàn và cho thuộc vào đất Quảng Nam. Thời các chúa Nguyễn, huyện Hòa Vang gồm có 3 tổng: Lệ Sơn, Hà Khúc và Lỗ Giáng. Riêng các làng xã thuộc địa bàn quận Liên Chiểu hiện nay thuộc vào tổng Lệ Sơn.

          Từ đầu nhà Nguyễn cho đến trước Cách mạng tháng Tám, phần đất Liên Chiểu ngày nay trực thuộc hai tổng Bình Thái và Hòa An của huyện Hòa Vang. Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Ủy ban bạo động khởi nghĩa huyện Quế Lâm đã quyết định thành lập tổng Thái Hòa gồm ba tổng cũ là Bình Thái, Hòa An và tổng Giáo.

          Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng được bãi bỏ, tổng Thái Hòa không còn nữa và thay vào đó là xã Quảng Hiệp. Xã Quảng Hiệp lúc này bao gồm các làng, xã thuộc quận Liên Chiểu và một phần quận Thanh Khê ngày nay.

          Đến tháng 11 năm 1948, Hội nghị cán bộ Đảng của huyện Hòa Vang tại Đồng Xanh quyết định nhập các xã nhỏ thành xã lớn theo chủ trương chung của Chính phủ, riêng xã Quảng Hiệp vẫn giữ nguyên địa giới cũ, chỉ đổi tên thành xã Hòa Thắng. Từ năm 1952 cho đến tháng 7 năm 1954, Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Hòa Vang quyết định nhập các thôn Đại La, Khe Lâm của xã Hòa Ngọc, thôn Đa Phước của xã Hòa Liên vào xã Hòa Thắng.

          Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm chia xã Hòa Thắng thành các xã là Hòa Minh, Hòa Phát, Hòa Khánh, Hòa Hiệp thuộc quận Hòa Vang và 2 phường là Thanh Lộc Đán và An Khê thuộc thành phố Đà Nẵng.[4]

          Trước Cánh mạng tháng Tám 1945, vùng đất Hòa Hiệp Nam / Bắc ngày nay ta gặp các địa danh gồm các xã / làng / thôn: Thủy Tú, Kim Liên, Kim Cư, Xuân Dương Nam Ô, Hóa Ổ, Xuân Thiều, (cũng gọi Xuân Sơn), Nam Chân, Chân Sảng, Thuận Hóa, Hải Hóa (2 ấp thuộc thôn Hóa Ổ). Như thế, trong quá trình hình thành và phát triển làng xã thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, không thấy địa danh Liên Chiểu với tư cách là đơn vị làng / thôn xuất hiện trở lại trên địa bàn xã Hòa Hiệp.

          Đến tháng 2 năm 1946, để phù hợp tình hình kháng chiến, chính quyền cách mạng thành lập xã Tân Hiệp,[5] gồm các thôn cũ trước đây, đồng thời lập lại thôn Liên Chiểu.

            Địa danh Liên Chiểu là đơn vị hành chính xuất hiện trở lại. 

          Ban đầu Liên Chiểu chỉ đơn vị hành chính thôn, dần về sau trong quá trình phát triển của vùng đất Tây- Bắc thành phố Đà Nẵng, địa danh Liên Chiểu được chuyển hóa thành hiệu danh kho xăng Liên Chiểu trên cơ sở từ núi Thủy Tú[6] chạy dài đến núi Hương Bộ Tiền, tại đây quân Pháp, sau đến quân Mỹ thiết lập kho xăng dầu lấy tên Liên Chiểu đặt tên cho kho xăng. Trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh thôn Liên Chiểu dần biến mất, chuyển hóa thành hiệu danh kho xăng Liên Chiểu.

          Ngày 23 tháng 01 năm 1997, theo Nghị định số 07/CP của Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, địa danh Liên Chiểu một lần nữa chuyển hóa thành địa danh quận Liên Chiểu.

[1] Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Tập 2, NXB Thuận Hóa, 1992, tr. 348.

[2] Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tr. 349.

[3] Hòa Vang huyện chí, Trần Nhật Tĩnh (bản dịch, không rõ tác giả, lưu tại Kho lưu trữ Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng).

[4] Lịch sử Đảng bộ quận Liên Chiểu (1930 – 2005), NXB Đà Nẵng 2005, tr. 10.

[5] Xã Tân Hiệp gồm các thôn: Xuân Thiều, Hóa Ổ, Xuân Dương, Thủy Tú, Kim Cư và Liên Chiểu. Tháng 2/1947, xã Tân Hiệp đổi tên thành xã Hòa Hải. Năm 1948 đổi tên thành xã Hòa Vân. Năm 1950, Huyện ủy Hòa Vang sáp nhập 6 xã cánh tây bắc Hòa Vang lấy tên là xã Hòa Liên.

[6] Dân gian gọi hầm Vàng.