DIỄN XƯỚNG TRONG NGHI LỄ MIỀN BIỂN XỨ QUẢNG [1]
Từ xa xưa đến nay, miền biển xứ Quảng có hai loại hình diễn xướng nghi lễ khá độc đáo, đó là Hát bả trạo trong lễ hội Cầu ngư cúng Cá Ông và Hò đưa linh khóc tiễn người quá cố, đầy âm sắc lễ nghi.
– Hát bả trạo trong lễ hội Cầu ngư
Hát bả trạo là nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của cư dân vùng biển Trung bộ mà cụ thể là từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho đến Bình Thuận, trong đó có Quảng Nam – Đà Nẵng, Hát bả trạo diễn ra trong dịp Lễ hội Cầu ngư. Lễ hội này được tổ chức ở những vùng ven miền duyên hải Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung. Hát bả trạo còn gọi là “chèo bả trạo, hát hầu linh” là một thể loại dân ca nghi lễ của cư dân ven biển, được tổ chức thường niên từ Đà Nẵng cho tới Bình Thuận. Hát bả trạo có nghĩa là hát có kèm theo động tác múa (bả = nắm chắc, trạo = mái chèo). Đây là một loại hình diễn xướng dân gian được tổ chức theo tục lệ hàng năm hoặc 2, 3 năm một lần nhân dịp lễ Cầu ngư còn gọi là lễ Tế cá Ông (hoặc lễ nghinh Ông) còn được trình diễn nhân dịp đưa tang cá Ông (cá voi) và trong các lễ hội cầu mùa của ngư dân. Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ. Có thể nói, hát bả trạo gắn liền với nghi lễ, bởi vì khi tham gia hát bả trạo tất cả mọi người, từ đội trạo đến khán giả đều cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng – với lòng sùng kính cá Ông, vì vậy trong lễ nghinh Ông, hát bả trạo đóng một vai trò quan trọng thu hút nhiều người tham gia, đồng thời là một phần của văn hóa dân gian, tuy mang tính nghi lễ song vẫn hàm chứa nhiều nội dung quý báu về phong tục, tập quán và nghệ thuật truyền thống.
Thành viên của đội hát bả trạo gồm có: Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng với đội trạo tùy theo sự tổ chức của từng địa phương.
Về trang phục: Tổng Lái thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo. Tùy từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 nam thanh niên và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Hiện nay, ở một số vạn biển, trạo công lại là nữ, các em gái khoảng l4 – l5 tuổì. Cư dân bìển Đà Nẵng giải thích trạo công là gái thường có tay chèo mềm mại hơn, hát hay hơn và trông xinh xắn, dễ coi. Khác với ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trạo công là nam.
Các con trạo thì mặc áo trắng, quần trắng (có quấn xà cạp) đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 1m20, sơn đen trắng. Có nơi đội trạo mặc trang phục sặc sỡ với màu đỏ, vàng.
Về nhạc cụ đệm cho hò bả trạo có đàn nhị (cò), trống, kèn và sanh (sênh).
Nghệ thuật diễn xướng của hò bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi.
Cư dân ven biển Việt Nam nói chung, ngư dân vùng Nam Trung Bộ nói riêng còn bảo lưu được khá đậm nét yếu tố văn hóa cội nguồn từ tín ngưỡng tục thờ cá Ông trong lễ hội Cầu ngư, trong đó có hát bả trạo. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, họ đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa phi vật thể chứa đầy “chất biển” luôn phù hợp với mọi điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, đó là: các thế ứng xử, lối sống, phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo tín ngưỡng… mang đậm sắc thái đặc trưng của văn hóa vùng, miền. Từ giá trị nội dung nghệ thuật của lời ca trong từng lối hát – nói, tạo tính “thống nhất cao trong tính đa dạng” của ngôn ngữ, được kết hợp từ các kiểu nói lối, lối hát: nam, thán, phú… trong nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống; các kiểu: hò kéo neo, lý… của dân ca; cũng như sử dụng các làn điệu: tán, kệ…trong âm nhạc Phật giáo, được tiếp biến, kế thừa, sáng tạo và vận dụng, tạo nên nét cá biệt cho một loại hình. Vì thế, nghệ thuật diễn xướng dân gian – hát bả trạo trong Lễ hội cầu Ngư có một phong cách khác biệt, một giá trị nghệ thuật đặc trưng.
Giá trị nội dung của ngôn ngữ hát bả trạo là một bài ca tuyệt đẹp, hoàn hảo của người lao động chứa đầy chất lãng mạn, thăng hoa của những nghệ sĩ “vạn chài” trước cái đẹp, nhưng không kém phần huyền bí, sâu thẳm, mênh mông của biển khơi: thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt; vạn lý vô vân, vạn lý thiên…
Từ ngữ, ngôn ngữ gốc chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Việt (kể cả phương ngữ) được sử dụng đan xen vào nhau trong các lối hát như: “Ác vàng đà khuất núi, Thỏ ngọc ló đầu non. Dặm Tây thiên đường hỡi chon von, dòng Bắc hải nước còn săn quá… Hoặc: Nguyệt lãng thanh phong dạ khứ hào, minh minh thôi chúc chiếu dương gian”. Và “Còn ở thế như thuyền dồi sóng dập, đã thoát (thác) rồi như bể lặng trời thanh. Dặm Tây thiên trời cũng để dành, miền cực lạc Phật còn làm phước”.
Nội dung bài hát, bản chèo cổ, bản hát ở mỗi nơi có sửa đổi, thêm bớt khác nhau theo ngôn ngữ, điều kiện sống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nó vẫn giữ được nét đặc sắc chung và tâm linh của hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư.
Huớ cụ lái ơi, nước xoi đã đầy
Tôi cầm gàu bôn ba nhảy xuống khoang tát nước ạ
Tổng mũi nói lối :
Mây giăng mù mịt
Giông chớp sáng loà
Từ Ải Vân cho đến Sơn Trà
Trông bốn phía ngàn trùng sóng nước
Rồi có lúc trời quang mây tạnh, gió yên biển lặng, dưới ánh trăng thanh, trong lòng người ngư dân lại dạt dào bao cảm xúc.
Thuyền trôi một chiếc giữa trời
Gió trăng bãng lãng nước trời mênh mông
Trong khi các bạn chèo say sưa giấc nồng giữa không gian biển trời yên tĩnh thì ông Tổng mũi lại còn phải lo toan biết bao công việc:
Phách nhất chí những phách mười
Mỗi đội mỗi người ngủ cho đầy mắt
Riêng một mình tôi thức đã hết hơi
Công việc rối bời lấy ai làm giúp
Theo GS Trần Quốc Vượng, thì “Hát múa bả trạo có tính chất như một đàn tràng Mandala (hiểu là các tiểu vương quốc người Chàm – VVH chú) của nghi thức lễ cúng Phật giáo. Bài cúng chất chứa tinh thần nhân đạo cao cả, sâu rộng đến cả thập loại chúng sinh ”.
Những người nghĩa khí tài ba
Gặp cơn nước loạn đến ra liều mình
Những người thuyền bá linh đinh
Gặp cơn sóng gió hải kình rước thây.
Từ các triều đại nhà Lê, Lý, Trần, Nguyễn ở thế kỷ 19 đã có các Bản chèo Hát bả trạo miền biển xứ Quảng, cách nay gần 160 năm từ đời Tự Đức thứ III, năm Canh Tuất 1850, Bản chèo Hát bả trạo vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn tại Đội Chèo Hát bả trạo ở Lăng Ông, vạn Tân Thái, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Bản chèo cổ Hát bả trạo này theo thể thơ Đường luật bằng chữ Hán. Các văn bản Hát bả trạo do các lão ngư, ngư dân, các ông Tổng chuyên Hát bả trạo được ngư dân ghi chép và hoàn thiện dần nên bài bản Hát bả trạo có tính tập thể, về cấu trúc khá giống nhau giữa các vùng biển Nam Trung Bộ. Nội dung Hát bả trạo nào cũng tương tự, chí khác về phương ngữ song rất phổ biến, được nhiều người truyền lại. Nhìn chung các bản chèo Hát bả trạo tuy thiếu chất văn học song có tính dân gian và đậm tính nhân văn”.
Theo nhà nghiên cứu Xa Văn Hùng thì: “Trong lời ca đan xen giữa các ngôn ngữ gốc Hán, chữ Nôm, nhiều nhất là tiếng Việt, trong kịch bản, sự cấu thành rất ăn khớp giữa các thể thơ, khá phong phú về làn điệu, đã làm cho bản Hát bả trạo mang một chính thể thống nhất cao về kết cấu nội dung của vở diễn, hoàn thiện cả về giá trị nội dung lẫn giá trị nghệ thuật. Từ giá trị nội dung nghệ thuật của lời ca trong từng lối hát – nói tạo tính thống nhất cao trong tính đa dạng của ngôn ngữ được kết hợp từ các kiểu nói lối, xướng, thán, hát nam trong nghệ thuật Hát bội truyền thống. Các điệu Hò kéo neo, Hò thả neo, Hò hụi, Hò kéo lưới, Hò chèo thuyền, Hò mái lơi, Hò mái ba, Hò đưa linh, Hò ba lý của dân ca được sử dụng đã đem lại cho nghệ thuật diễn xướng trong cuộc Hát bả trạo của Lễ hội Cầu ngư có một phong cách riêng và rất hấp dẫn.
Sinh hoạt Hát bả trạo không chỉ là một hình thức giải trí dân gian đơn thuần mà nó còn là một sinh hoạt mang tính chất tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân vùng biển từ Bắc vào Trung vào tận mũi Cà Mau. Trong Hát Bả trạo đã hàm chứa trong nội dung và ngôn ngữ của nó, chúng ta cảm nhận được ở đó tinh thần lạc quan, yêu nghề nghiệp, yêu cuộc sống và nguyện vọng của người dân vùng sông nước trước cảnh đẹp của thiên nhiên, sự trù phú của biển cả, mặc dù từng giờ từng phút luôn phải đối đầu với sóng gió, bão tố thường xảy ra bất ngờ. Lời ca trong Hát Bả trạo như một triết lý chứa một giá trị nhân văn cao cả, để lại cho con cháu các thế hệ sau thừa hưởng những giá trị văn hoá tinh thần đầy ý nghĩa, một giáo lý sâu sắc cần bảo lưu, giữ gìn và phát huy”.
Các làn điệu sử dụng trong Hát bả trạo ngoài các điệu Hò, còn có các điệu xướng, thán, nói lối, bài bắt bông, nhịp một, nhịp tư, hát phú lục, tẩu mã, nhất là các điệu Hát Nam trong nghệ thuật Hát Bội truyền thống của dân tộc ta và các điệu Hò Thả neo, Hò Kéo neo được sử dụng nhiều và rất phù hợp.
Tiết tấu và nhịp điệu của Hò kéo neo gấp gáp, khoẻ, nhanh, mạnh để Kéo neo lên đưa tàu thuyền đến nơi khác, vượt qua nguy hiểm, trở về bình an. Hò Kéo neo với nhịp 2/4 nhanh, khoẻ từ người kể theo ca dao lục bát:
Kể – Mặc bao nguy hiểm truân chuyên
Xô – Hò khoan hò, hò khoan
Kể – Anh em chung sức (chia 2 câu bát)
Xô – Hò khoan hò, hò khoan
Kể – Giữ yên con thuyền (4 chữ cuối câu bát)
Xô – Hò khoan hò, hò khoan…
Cứ thế, các ông Tổng kể và đội trạo con xô các câu lục bát. Khi nào kéo neo lên thuyền mới Xô: A lý khoan ta hò khoan, là chấm dứt điệu hát thật trọn vẹn.
Trong các hình thức xướng – xô ở đội hát bả trạo của các tỉnh Nam Trung Bộ, chúng ta nhận thấy có chung một lối xướng – xô sau khi tổng mũi “xướng” thì đám bạn chèo bả trạo hoặc tổng lái, tổng thương “xô”. Đó là những tiếng “dạ” rộn ràng. Không khí dù nghiêm trang, thương tiếc cá ông lụy, song bên cạnh đó, vẫn mang sắc thái hoan hỉ lạc quan, cầu mong Ông (cá) phù hộ làng vạn ra khơi vào lộng bội thu, đánh bắt nhiều cá tôm, không có tính bi ai kể lể như trong Hò đưa linh người, khóc than tiễn đưa lão ông, lão bà quá cố.
Khi sưu tầm, nghiên cứu hò đưa linh của cư dân miền biển phường Mân Thái quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, thì chúng tôi nhận thấy Hò đưa linh là cách gọi thông thường của cư dân miền biển Đà Nẵng, nhằm chỉ một loại hình diễn xướng gồm hát và chèo cạn, được trình diễn trong lễ tang của cư dân biển, với ý nghĩa đưa linh hồn người chết về cõi siêu linh tịnh độ bằng chiếc thuyền thiêng.
Diễn xướng này là một hình thái của hát bả trạo, còn gọi là hát bạn chèơ, một thể loại dân ca nghi lễ ở vùng biển Nam trung bộ, gắn với tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông). Hát bả trạo trong lễ tang hoặc lễ tế cá ông có ý nghĩa đưa linh hồn cá ông phiêu diêu miền cực lạc, còn trong lễ tang người, là chèo đưa linh hồn nguời chết lên cõi siêu thoát.
Theo tục lệ của cư dân miền biển Đà Nẵng, người được thụ hưởng hò đưa linh là các bậc cao niên, các !ão ngư thượg thọ. Khi trong gia đình có người qua đời, con cháu ruớc bạn chèo về để chèo đưa linh cho người quá cố. Các bạn chèo thường là những người của đội hát chèo ông – cá voi, với tâm thức là làm việc nghĩa, nên không đòi hỏi thù lao.
Biên chế đội hò đưa linh ở Đà Nẵng khoảng l2 đến l8 người, được bố trí ở các vị trí của con thuyền đưa linh – thuyền đưa linh là thuyền rồng, làm bằng khung tre, giấy bìa và lá dừa, sơn màu xanh nuớc biển. Đứng mũi là Tổng tiền – giữa thuyền là Tổng khoang – nguời tát nước và canh thuyền trong đêm khuya; cuối thuyền là Tổng lái – người chỉ huy bạn chèo chèo lái thuyền linh, hai bên mạn thuyền là các bạn chèo, còn gọi là trạo công hoặc con trạo.
Về trang phục: tổng tiền mặc giống như kép hát tuồng vai tướng, tay cầm cặp sênh gỗ; tổng khoang đội nón, trang phục bà ba màu xanh nước biển, lưng đeo gàu tát nước màu đỏ, tay cầm cần câu có con cá gỗ đỏ; tổng lái quần xắn móng heo, áo xanh nước biển, cầm chèo mái dài; các trạo công quần áo màu xanh, thắt lưng vải vàng, đầu dội nón dấu, chân quấn xà cạp, tay cầm mái chèo nhỏ, sơn hai màu trắng, đỏ. Tục lệ quy định trạo công phải là nam. Ban nhạc đệm cho hò đưa linh người là ban nhạc hiếu của đám tang. Để gọn nhẹ biên chế, khi phục vụ đám tang nào thì đội chèo phối hợp cùng ban nhạc của đám ấy để trình diễn. Sau đó, họ bồi dưỡng cho ban nhạc một khoản tiền theo thoả thuận trên tình thần làm việc nghĩa.
Hò đưa linh gồm hai phần: hát trước linh cữu người chết, gọi là chèo hầu linh (thường diễn ra vào buổi tối và kéo dàì cho đến tận khuya, có khi hết đêm) và hát trong lễ đưa tang từ nhà ra huyệt, gọi là hò đưa linh.
Nội dung lời hát là diễn tả sự thương tiếc của gia đình, con cháu trước sự ra đì của ông bà, cha mẹ. Sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng làng vạn trước mất mát của gia đình. Bên cạnh đó, còn là sự ghi nhận, báo cáo với linh hồn người đã khuất về lòng hiếu thảo, về nguyện ước của con cháu mong cho hương linh người thân sớm được siêu thoát.
Về tính chất, hò đưa linh mang tính chất diễn xướng nghi lễ. Một cuộc hát theo truyền thống có trình tự như sau:
– Hát trình lạy, Hát kể, Hát khóc, Hát tạ từ, Hát tiễn đưa, Hát chúc.
Hát trình lạy có tính chất là một thủ tục trình diện mở màn cho phần hát chèo hầu linh, đồng thời là một nghi lễ của đội chèo: trước là trình lạy hương linh người chết, sau trình chúc gia chủ và vạn làng được bình an trường thọ. Thủ tục như sau: theo nhịp sênh của tổng tiền, đội bạn chèo đi hàng một, tay cầm chèo dựng trước mặt, nối đuôi nhau theo sau. Khi gần đến cửa nhà, họ từ hàng một rẽ ra và đi hình số tám, gọi là đi hình rồng rắn. Sau đó, hợp lại thành một vòng tròn. Sau hai lần như vậy, thì tách ra thành bốn hàng dọc, tiến vào trước bàn linh, đứng sau ba ông tổng để thực hiện nghi thức hát lạy. Lần lượt các tổng xướng xưng danh và cúi lạy.
Hát kể hay hát khóc là lớp hát mở đầu chèo hầu linh, mà người diễn xướng chủ yếu là các tổng, còn các trạo công thì chèo nhịp nhàng và xô theo bằng câu: “Hò là hò hầu linh, tiêu diêu tiêu diêu thiên đàng, hò là hò hầu linh”. Với các điệu hát: thán, nam ai, nam sắp vang lên cùng lời ca kể khó, kể thương thống thiết cảm động, lớp hát này đã thể hiện tình cảm, lối ứng xử theo đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của gia đình và cộng đồng đối với người chết.
Trước hết, đó là tiếng hát thương tiệc của con cái kể về công lao nuôi dưỡng của cha mẹ.
Ngoài ra, còn có cả lời ca cảm của bạn chèo nhằm thể hiện tình cảm với người quá cố và gia đình tang chủ. Các bạn chèo như hóa thân là những người cùng bổn vạn, cùng nghề biển, để sẻ chia nỗi buồn với tang chủ, bày tỏ tình cảm thương tiếc với người ra đi, thấu hiểu tấm lòng của con cái đối với công ơn của cha mẹ, thể hiện nguyện ước của cháu con. Điệu hò mái dài tổng xướng, trạo xô, cùng nhịp chèo đưa linh kính cẩn đã nói lên những cung bậc tình cảm đó:
Nương hơi tay chèo chung lái
Cõi Tây Phương hà hải lướt sông
Dò lần theo biển bắc gành đông
Dầu khuya sớm phải lo gìn giữ
…
Biển động rồi biển lại yên. Vượt qua sóng bão, các trạo công tạm nghĩ chèo lấy sức. Còn Tổng khoang, Tổng lái phải thức canh thuyền. Biển đêm lặng sóng. Ngồi buồn, các tổng đàm đạo đôi câu, mà ý nghĩa như tiếng nói có ngữ điệu lạ, tiếng hát tiễn của người ở lại đưa người đi về chốn âm cung. Họ ngâm thơ, uống rượu giả say, câu cá, luận bàn về quy luật sống chết của kiếp người, về phận làm con đối với cha mẹ, về lối ứng xử giữa người với người… Họ vừa hát vừa diễn giống những kép tuồng, trông rất sinh động. Lớp hát với những nội dung trên được phân thành năm đoạn, tương ứng với năm canh, gọi là bài: Canh một, Canh hai, Canh ba, Canh bốn, Canh năm.
Phần hát chèo đưa linh được chia làm hai chặng: chặng hát trước quan tài có ý nghĩa như một lời giã biệt trước giờ tống táng và chặng hát vĩnh biệt ngay sau lễ tống táng.
Ít phút trước giờ chôn cất, thay mặt đội chèo, Tổng tiền lạy tạ trước bàn linh rồi xướng truyền:
Nay tới giờ tống táng vong linh
Truyền trạo tử sang qua hầu lễ
Đưa vong linh phần mộ táng an…
Điệu hò mái nhì cất lên cùng nhịp chèo đưa nhẹ nhàng, gây xúc động lòng người về giờ phút chia cách âm dương đã đến, khắc ghi mãi trong ký ức cháu con hình ảnh linh thiêng này.
Sau đó, đội bạn chèo cùng đoàn đưa tang tiễn người chết đến nơi an táng. Sau hạ rộng, họ hát chèo lần cuối cùng với ý nghĩa vĩnh biệt – sự vĩnh biệt của gia đình và cộng đồng. Rồi nhịp sênh của tổng tiền lại vang lên, các trạo công ngưng chèo, dựng chèo trước mặt. Cả đội chèo đồng nói lời chúc tụng.
Sau đó, cả đội chèo và xướng, xô điệu hò lui thuyền. Lời hò mang ý nghĩa chào chúc cộng đồng làng vạn “Thiên niên trường thọ, tấn tài khương ninh”
Cuộc hò đưa linh đến đây hoàn tất. Các bạn chèo – từng người một cầm chèo dựng trước mặt, đi một vòng quanh mộ rồi tách thành hàng một ra về.
Nghệ thuật biểu hiện của diễn xướng chèo đưa linh ở Đà Nẵng tương tự như hát chèo đưa cá ông ở Quảng Nam, tức là cũng đủ các điệu hát đậm âm hưởng hát bội như: hát khách, hát nam ai, nam sắp, thán, tán, lý, hò và điệu múa chèo thuyền cách điệu – chèo cạn. Tuy vậy, cách thức múa chèo trong hát chèo tiễn người có đôi chút khác so với chèo đưa cá ông. Nếu trong chèo đưa cá ông, bạn chèo phải chèo cho khỏe, rập ràng để thể hiện sự vui mừng vì được chèo hát hầu phúc thần của làng vạn, thì trong chèo đưa người, chèo phải thật chậm rãi, nhẹ nhàng, kính cẩn nhằm thể hiện sự lưu luyến, buồn thương như muốn níu kéo người chết ở lại trần gian.
Các điệu hát của Hò đưa linh được phổ vào các câu thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ. Điều này góp phần tạo nên sự đa dạng các làn điệu trong Hò đưa linh ở xứ Quảng. Như đã nói, loại hình diễn xướng này còn mang đậm âm hưởng của hát bội/tuồng (cũng dễ hiểu, vì Quảng Nam – Đà Nẵng là vùng đất của nghệ thuật hát bội). Dấu ấn đặc trưng văn nghệ địa phương đã đi vào tiếng hát đưa tang, từ phục trang cho đến lối diễn xướng, diễn trò, đã làm cho hát chèo đưa linh ở cư dân biển xứ Quảng mang sắc thái biểu cảm riêng. Ở khía cạnh nào đó, tục lệ này nhằm ý nghĩa hát hiến cho người chết lời ca điệu hát, mà khi sống người ta đã từng mến yêu. Âm thanh cuộc sống xuất hiện trong cuộc tạ từ, tiễn đưa người về thế giới bên kia, là biểu hiện của lối ứng xử truyền thống “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” ở cư dân miền biển xứ Quảng. Tiếng hát đưa tang ở đây, vì thế không có tính dài dòng, buồn thê lương.
Rất có thể hò đưa linh của cư dân miền biển xứ Quảng bắt nguồn và ảnh hưởng từ tục hát khóc của người Việt, tục hát hò khoan chèo cạn ở Quảng Bình. Theo dòng thời gian và lịch sử, trở thành một phần hành trang trong tâm linh của đoàn lưu dân vào vùng đất mới, mang sắc thái riêng ở không gian sinh tồn mới, phản ánh thế ứng xử, tâm thức của cư dân ở một vùng đất, vùng biển mới lạ. Chất biển đã đi vào cả đời sống tâm linh của ngư dân, vỗ về an ủi người ta lúc từ giã cõi đời. Những công việc gắn bó, quen thuộc của nghề biển, những khát vọng bình dị của dân biển, nếp sống, lối ứng xử của ngư dân và con nhà ngư dân đã phần nào được diễn tả trong diễn xướng chèo đưa linh. Tiếng hát đưa linh, vì thế mang tính tổng hợp của nhiều sắc thái tình cảm. Đó là bên cạnh tiếng hát hiếu/ hát khóc là hát đưa, hát điếu, hát tiễn và hát chúc. Đặc biệt, lời hát chúc ở phần đầu và kết của cuộc hát chèo đưa linh đã nói lên nguyện ước của cộng đồng cư dân biển về cuộc sống thực tế đang tồn tại. Nó làm cho tiếng hát đưa tang ở đây bớt bi ai, ít não lòng, Hò đưa linh một mặt làm yên lòng người ra đi, mặt khác thức tỉnh, nhắc nhở trách nhiệm của người ở lại.
Hò đưa linh, với nội dung và tính chất nêu trên, đã thực sự có ý nghĩa nhân văn, đồng thời là một yếu tố cấu thành nên diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của cư dân ven biển Đà Nẵng.
– Thực trạng
Qua hoạt động thực tiễn, trong nhiều năm qua việc kết hợp các hình thức sinh hoạt lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội Cầu ngư với các hình thức sinh hoạt lễ hội đương đại là hướng đi đúng, phù hợp với nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của công chúng, đặc biệt là với lớp trẻ. Tuy nhiên, các nhà tổ chức nhất thiết phải nhận thức được phần lễ với hệ thống các lễ thức uy nghiêm đậm tính thiêng liêng, phần hội với hệ thống các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật vui chơi, giải trí đậm chất thế tục. Do đó phải cẩn trọng trong việc tổ chức, nhất là việc “ sân khấu hóa ” những truyền thuyết lịch sử trong các lễ hội dân gian cần phải được nghiên cứu thấu đáo trước khi viết kịch bản, bởi vì nếu phục dựng không đúng môi trường không gian, không đúng với nguyên gốc từng tiểu tiết, thì đương nhiên sẽ bị xem là thiếu tôn trọng phong tục tập quán, làm cho lễ hội rơi vào tình thế khiên cưỡng, đụng chạm quyền tự do tín ngưỡng, từ đó gây phản cảm cho người tham dự.
Việc giới thiệu các loại hình nghệ thuật cổ truyền trong lễ hội Cầu ngư cũng chưa được chú trọng, chưa trung thực với nguyên gốc, Đáng tiếc là hiện nay nghệ thuật diễn xướng Hò đưa linh miền biển không còn, do những biến đổi về không gian, môi trường sống và quan niệm cư dân cũng thay đổi để phù hợp với sự giản đơn cũng như điều kiện kinh tế hạn hẹp cần kiệm của gia đình, dòng tộc trong lối sống đương đại. Hiện tượng tại các đám tang không chỉ ở miền biển, mà ở nhiều địa phương, các đội diễn xướng trong thời khắc di quan, đưa linh cửu về nơi an nghỉ cũng hát điệu hò đưa linh, song bài bản có thêm bớt, đặt lời mới khá tùy tiện. Thậm chí nhiều người cũng thau nhau hô hát làm mất đi tính thiêng của tang lễ.
Phải chăng đó là hệ quả tất yếu của việc thiếu sự hợp tác chặt chẻ giữa ngành du lịch với ngành văn hóa, thiếu sự cộng tác với các chuyên gia văn hóa địa phương, thiếu sự đồng bộ cần thiết giữa các ngành liên quan. Để rồi, một mâm cơm thịnh soạn được bày ra nhưng các món ăn lai tạp tùy tiện đã làm mất đi hương vị đặc trưng vốn có của nó.
Có thể nói, mục đích của lễ hội, trong đó có diễn xướng dân gian là phát huy và kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phục vụ hữu hiệu đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân. Điểm lại các hình thức diễn xướng dân gian tại miền Trung khá phong phú, đa dạng như Hội An, có một hình thức sinh hoạt lễ hội văn hóa đan xen giữa truyền thống và đương đại, diễn ra hàng tháng trong nhiều năm qua là Đêm phố cổ, đến nay đã trở thành thương hiệu du lịch độc đáo và hấp dẫn du khách nội địa cũng như quốc tế, Khu tháp cổ Mỹ Sơn – Quảng Nam với Diễn xướng dân gian Chăm, Huế với Ca huế trên sông Hương, Đêm hoàng cung và Đà Nẵng tái hiện các điểm Hô hát bài chòi, Đưa tuồng xuống phố. Còn các địa phương khác sẽ làm gì để cùng với Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng và Huế hội nhập mạnh mẽ hơn vào cuộc hành trình trên Con đường di sản văn hóa miền Trung, để xứng đáng với vùng đất duyên hải thu hút đông dảo khách du lịch hằng năm. Câu trả lời xin dành cho các nhà hoạch định chiến lược phát triển của ngành văn hóa – du lịch của các tỉnh thành dọc vùng cận duyên nước Việt.
– Hiện nay có nhiều biến đổi trong nghi lễ tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển miền Trung trong quá trình đô thị hóa, có hiện tượng rút ngắn thời gian theo sự chỉ đạo và can thiệp trực tiếp của Ban tổ chức trong quá trình diễn xướng, từ đó tiến đến tinh giản lễ thức xây chầu hát bả trạo nhằm kết thúc lễ hội để mời cơm trưa đại biểu được đúng giờ ngọ; tiến trình ấy đi đôi với xu hướng xuất hiện thêm một số nghi thức lễ hội hiện đại như đọc diễn văn, giởi thiệu đại biểu hàng loạt và đánh trống khai mạc làm ảnh hưởng quy trình và thời gian buổi lễ.
Trình tự và bài bản diễn xướng cứ na ná nhau, ngay cả thầy tế lễ và đội trạo cũng thuê mướn, quy mô buổi lễ cũng tương tự. không còn nét khác biệt đặc trưng giữa vùng biển này với vùng biển khác. Người tham dự thấy nhàm chán, còn nhà nghiên cứu thì lo âu và tự suy ngẫm rằng đã đánh mất nét văn hóa truyền thống với các giá trị đặc trưng thuở trước.
– Một số giải pháp
Có thể nói vấn đề phát triển văn hóa vùng biển Trung Bộ nói chung, miền duyên hải Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa mà còn liên quan đến các ngành khác như: giáo dục, du lịch, phát thanh truyền hình, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, các tổ chức hoạt động văn hóa phi chính phủ… tất cả phải toàn tâm toàn ý, phối hợp nhịp nhàng để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống trên phạm vi toàn vùng miền. Có thể đưa ra một số đề xuất sau đây, gọi là góp phần nhỏ bé vào sự phát triển văn hóa biển trên vùng đất này:
– Trong quá trình đô thị hóa vùng duyên hải theo xu thế của thời đại, cần thiết phải bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bảo đảm được không gian, môi trường diễn xướng vốn có trong tự nhiên của từng loại hình nghệ thuật trong đó có âm nhạc nghi lễ.
– Nhà nước cần đầu tư thích đáng để sưu tầm, lưu giữ văn hóa truyền thống bằng các phương tiện không để bị mai một, thường xuyên tổ chức các sinh hoạt giao lưu văn hóa nghệ thuật, các hội thi, hội diễn có lồng ghép các tiết mục văn nghệ dân gian miền biển bên cạnh các chương trình ca múa nhac hiện đại nhằm tạo thêm niềm tin yêu cho người dân đối với nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng cận duyên. Hàng năm nên tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra những biện pháp khả thi mang tính chiến lược để tiếp tục phát triển văn hóa dân gian miền biển cho phù hợp với từng giai đoạn.
– Việc phát huy những truyền thống văn hóa biển vốn có trong cuộc sống hiện tại, ít nhiều cũng phụ thuộc vào khả năng chuyên môn của các nhà nghiên cứu và những người được đào tạo, học hành nghiêm túc về lĩnh vực này, các nhà quản lý văn hóa cũng nên chú trọng đến sự đóng góp của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu nhiều uy tín và giàu kinh nghiệm trong công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống về biển tại địa phương, để họ có thể toàn tâm toàn ý đem hết công sức cống hiến cho quê hương. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần quyết định trên bước đường hội nhập và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay./.
_________________________
[1] Tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế Xây dựng Mạng lưới Di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương – gọi tắt là ICHICAP- cơ quan trực thuộc UNESCO, Hội thảo do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản phi vật thể ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức tại thành phố Hội An ngày 21-22/11/2019.