VÕ VĂN HÒE – Vè các lái – trường hợp một bài vè các lái đường biển

395

                            VÈ CÁC LÁI

     Trường hợp VÈ CÁC LÁI ĐƯỜNG BIỂN [1]

         Vè là một trong những thể loại của văn học dân gian, được xếp vào loại hình ngữ văn dân gian. Theo Huình Tịnh Paulus Của trong sách Đại Nam Quốc âm tự vị lần đầu tiên định nghĩa vè thì vè là đặt chuyện chê khen có ca vần [2]. Như thế vè có tính tự sự và được nghệ nhân dân gian sáng tác bằng lối văn vần và khi nói vè có phối hợp với vần điệu, có vận dụng phần “ca” thích hợp (giống nói thơ Lục Vân Tiên ở Nam bộ). Tại xứ Quảng, vè sử dụng lối nói bốn chữ, năm chữ, thể lục bát, và lục bát biến thể, phản ảnh sự việc, tình cảm người thật việc thật vừa mới xảy ra trong làng xóm, địa phương nhằm kịp thời đưa thông tin đến với công chúng. Vè thực hiện chức năng thông báo, tường thuật có bình luận.

         Vè được kể chuyện bằng loại văn vần, được diễn xướng trong cộng đồng dân cư bằng hình thức nói hoặc kể (có ca vè), phản ánh sinh động và nhanh chóng các sự kiện có ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng đang xảy ra tại một địa phương. Như thế vè mạnh về tính thời sự, phản ảnh hiện thực một cách nhanh nhất, sâu sát, trung thực nhất. Thông qua thể loại vè, biểu hiện thái độ khen chê của cộng đồng dân cư về một hiện tượng hoặc đối tượng nào đó cụ thể. Vè do đó được lan truyền rộng trong cộng đồng làng / xã.

         Trong kho tàng vè xứ Quảng còn có Vè Các lái, có vè Các lái đường sông, đường biển (vè hải trình, nhật trình) phản ảnh sinh hoạt của người dân sống dọc ven biển luôn lấy môi trường biển làm điều kiện phát triển, và giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa khác bên ngoài. Trong những chuyến hải trình đường biển, các ngư dân xứ Quảng góp một phần vào việc sáng tác nên những câu vè dọc theo ven biển. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vè Các lái ban đầu do một người nào đó khởi xướng ra vè, về sau hễ đi qua vùng đất nào thì đưa địa danh của vùng đất ấy vào, từ đó vè các lái trở thành bài ca do nhiều người cùng sáng tác. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng vào thời vè Hải Môn ca ra đời có phần đóng góp của ông Lê Văn Phát, quê tại làng Nại Hiên Tây, có ông Hồ Huyền quê tại làng Khuê Đông, xã Hòa Phụng (nay là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đọc bài vè các lái Hải Môn ca. Hải môn ca được thâu chép và ghi âm tại Huế, Đà Nẵng và Phan Thiết trong giới các lái cũ do ba ông Nguyễn Xuân Đồng, quyền Giám đốc Viện Bảo tàng cổ vật Chàm Đà Nẵng (nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng), ông Lê Văn Thọ tại Phan Thiết và ông Nguyễn Khiêm tại Huế giới thiệu (Theo Bùi Quang Trung, dẫn theo Ngô Văn Ban trong Tìm hiểu Vè các lái và Vè các lái (bản thảo năm 2013)). Những người sáng tác, họ thường bắt ngay vào địa danh nơi ghe thuyền rời bến hoặc tiếp tục cuộc hải trình mà không có sự rào đón, chuẩn bị trong không gian nào đó. Có địa danh được ghi trên bản đồ địa lý, nhưng cũng có những địa danh do các ngư dân đặt tên và chỉ có các lái trên các chuyến hải trình phân biệt được mà thôi. Ví như từ một góc nhìn nào đó, các lái thấy đảo hình con trâu, chó, cáo, gà nên đặt tên đảo trâu, đảo chó, đảo gà,…Và cũng từ biển, với chiếc ghe bầu, người xứ Quảng đã hun đúc tinh thần vượt đại dương đi / đến và làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông như các bài vè các lái vào ra đường biển đã miêu tả, ghi dấu, như cột mốc giao thông trên đường hành trình vào ra trên biển. Điều đó cho biết rằng vè Các lái đường biển đã góp phần phản ảnh và khẳng định chủ quyền trên biển Đông của người Việt từ xưa; phản ảnh quá trình giao thoa tiếp biến văn hóa, hình thành nên lời ăn tiếng nói thể hiện nghề biển, văn hóa biển: ăn to nói lớn, ăn sóng nói gió,… vát,… là phương ngữ dùng trong nghề đi biển. Trên các chuyến giang trình, hải trình, người làm ăn trên biển bằng phương tiện ghe bầu cuộc mưu sinh luôn gắn liền với biển, theo đó hoạt động của họ bị chi phối bởi ký ức mưu sinh từ biển: Trời trong trăng tỏ / Nước đục ngàu ngàu / Cha con bảo nhau / Chèo mau cập bến. Và thông qua nghề đi biển bằng các chuyến hải trình, đã hun đúc con người xứ Quảng sống ven theo vùng biển tính gan dạ, thoáng mở ra giao tiếp với các luồng văn hóa đến từ bên kia Thái Bình Dương, từ phía đông vào, phía nam lên và họ đã thực sự làm chủ biển Đông của mình.

         Nguyễn Thế Anh trong sách Kinh tế & Xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, viết về ghe thuyền đi buôn trên biển: “Hàng hóa được vận tải bởi các thuyền chạy dọc theo bờ biển: nghề cận hải hành cho phép nối liền Gia Định, đã trở thành một thương cảng quan trọng với Nha Trang, Quy Nhơn, Hội An, Đà Nẵng và Hà Nội (…). Một hạng người chuyên sống bằng nghề vận tải đường thủy: các lái thuyền; đối với những người này, chính phủ cũng hay áp dụng chế độ cưỡng trưng, bắt họ phải chuyên chở các vật hạng của chính phủ. Trên nguyên tắc, các thuyền vận tải của tư nhân cứ một năm lại phải chở của công, còn thì phải nộp tiền thuế để được đi buôn. Khi phải chở gạo về Kinh, chính phủ cấp cho cước phí 1 .

                        Xem trình diễn pháo hoa quốc tế. Đội Nga

         Triều Nguyễn định ra lệ đi buôn trên biển, các lái buôn chuyên chở hàng hóa đi bán các vùng miền trên cả nước, nhà buôn khi ngang qua địa phương nào phải xin phép quan chức sở tại ở đó. Và mỗi chuyến đi về đều trình rõ giấy thông hành tại đồn thủ thường lập tại cửa biển. Còn Các lái muốn đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác bằng đường thủy phải làm đơn xin hành nghề và phải được cấp giấy thông hành mới được chuyển vận 2. Đi ngang qua trạm kiểm soát phải trình giấy thông hành tại đồn quan sở tại để được phép đi tiếp chuyến hải trình. Theo đó, vè Các lái phản ánh:

 Trình đồn rồi lại nhổ neo

Nay mừng gặp hội Đường Nghiêu lo gì.

Cần Giờ nay đã đến nơi

Trình đồn rồi lại thẳng ngay Sài Gòn.

 …

Dầu ai đi Bắc về Nam

Nhật trình phải biết để làm về sau

Lật xem từ cuối chí đầu

Ba mươi sáu tấn ta thời dặn cho. 1  

         Trên các chuyến hải trình, ghe thuyền các lái phải đi qua vùng biển có nhiều đảo, rạng san hô, gặp dòng hải lưu khó bề bẻ lái ghe thuyền, do đó để giúp cho những người lái ghe bầu liệu bề lèo lái, tránh nơi nguy hiểm, những người đi biển lâu năm, dày dạn kinh nghiệm đặt ra bài vè để ghi nhớ những địa danh, nơi có chướng ngại vật ảnh hưởng đến chuyến hải trình ghe bầu đi buôn. Địa danh trong vè Các lái giống như tín hiệu giao thông trên bộ, đó là tên đảo, tên cửa biển, cửa sông, tên vịnh, vũng,…những vùng biển nông sâu. Và không chỉ có thế, vè Các lái còn thông báo sản vật, cảnh đẹp của miền gắn với địa danh, nên khi đi đến đâu vè Các lái đã thông báo rõ ràng nơi đến với những đặc điểm được kể trong vè. Các lái ngược xuôi – vào ra – trên biển bằng ghe bầu phải thuộc lòng, xem là những dấu hiệu đi đường.

Ai về nhủ các anh đà

Phòng khi ăn tải, xuống ca chơi bời

Trước là xem gió xem trời

Sau thì cho biết những nơi hiểm nghèo  2  

         Nội dung bài vè là những thông tin về địa lý, là sự sắp xếp thứ tự những địa điểm, những tên bến, tên bãi, tên rạn, tên mũi, tên vũng, tên núi, tên hòn … nơi nào an bình, nơi nào sóng lớn gió to cần tìm nơi trú ẩn qua cơn bão tố, nơi nào có đình chùa nổi tiếng, những phong cảnh đẹp kỳ thú, nơi nào cần ghé vào để nghỉ ngơi, giải trí, bán buôn, lấy củi nước … và nơi nào thì gió tạt, sóng xô…. các lái biết mà tránh nguy hiểm, … trên đường biển (hải trình), trên đường sông (thủy trình) hay trên đường bộ (lộ trình), … từ Bắc vào Nam hay ngược lại (gọi là hát vô, hát ra) hay trên nhật trình dọc các con sông lớn … Ngoài ra, trong nội dung bài vè ta còn thấy những đoạn ca tụng cảnh đẹp của quê hương, đất nước, những nơi thờ cúng của người đi biển, những tâm trạng buồn nhớ gia đình xa cách lâu ngày, những niềm vui thích thú gặp lại bạn ghe bầu, những lần thưởng thức những món ẩm thực đặc sản mỗi địa phương.

Vè các Lái (đường biển, lái vô)  [2]

Kể từ ngày các lái đi buôn,

Nhớ khi ngồi buồn tán chuyện ngâm nga

Kể từ Gia Định kể ra

Từ mũi Thuận Hóa ngoài Huế kể vô

Trên thời ngôi lập thành đô

Dưới sông các lái ghe vô dập dìu

Trên thời vua Thuấn vua Nghiêu

Dưới sông dập dìu mua bán nghinh ngang

Trên thời ngói lợp tòa vàng

Dưới sông các lái nghênh ngang chật bờ

Trời động các lái trở vô

Thuận An là chốn thuyền đô ra vào [3]

Ngó lên cửa Ải núi cao [4]

Ngước mặt nhìn vào bãi Chuối, hang Dơi [5]

Anh em nước củi thảnh thơi

Hòn Hành nằm đó là nơi cửa Hàn

 Vũng Thùng còn ở trong xa [6]

 Trước mũi Sơn Trà sau có hòn Nghê

Vũng Nồm, bãi Bấc dựa kề [7]

Mỹ Khê làng mới làm nghề lưới đăng

Xóm trước hàng quán lăng xăng

Xóm sau lưới cá bủa giăng tứ bề

Ngũ Hành Sơn nay đã dựa kề [8]

Thấy chùa thờ Phật, Phật về thượng thiên

Lao Chàm nay đã gần miền [9]

Hòn Lá, hòn Lụi nối liền hòn Tai

Năm hòn nằm đó không sai

Hòn Khô, [10] hòn Dài láo xáo thêm vui.

Ngó về cửa Đợi thương ơi [11]

Hòn Nồm nằm dưới mồ côi một mình.

Tam Ấp, Hà Bứa có rạn trời sinh [12]

Bàn Than, cửa Lở luân kinh An Hòa [13]

Châu Lai, Châu Ổ bao xa [14]

Trước mũi Vũng Quýt thiệt là Thống Binh [15]

Hòn Châm cổ ngựa  trời sinh [16]

Làng Gành, Mỹ Giảng luân kinh ra Vũng Tàu

Nới lèo rán lái mau mau [17]

Châu Me, Lò Rượu sóng xô hòn Nhàn [18]

Khỏi Thập là thấy  Bàn Than

Ngoài thời Lao Ré, nằm ngang Sa Kỳ [19]

Trà Khúc Quảng Ngãi núi chi

Có hòn Thiên Ấn dấu ghi để đời [20]

Hòn Sập ta sẽ buông khơi

Trong vịnh ngoài dời núi nổi nghinh ngang

Buồm giương ba cạnh sẵn sàng

Anh em sẽ lập đàng đàng tư tương

Mỹ Á, cửa Cạn, Hàn Thương

Trả hết bãi Trường vác thử khoai lang

Vác ra ngoài mũi sa vàng

Kìa kìa lại thấy Tam Quan nhiều dừa [21]

Nhớ lời thề thốt thuở xưa

Nam thanh nữ tú đã vừa con ngươi

Gặp nhau mừng rỡ vui cười                  

Đây là Tài Phú  thiệt nơi nhiều ghè 2

Non xanh cát trắng chỉnh ghê

Các lái mót củi, lựa bề lân la

Ngắm chừng ánh mắt muốn sa

Mày tằm mắt phượng xinh đà nên xinh

Hồ nào nước ngọt hơn tình

Vũng nào soi bóng bên mình bên tui

Thương con nhớ vợ bùi ngùi

Nhớ về cửa Thử thấy người bồng con 1

Nhớ người hẹn nước thề non

Vọng phu hòn đá buồn trông để đời

Vác ra một nỗi xa khơi

Trong vịnh ngoài dời bước tới hòn Cân

Nam lò eo Được rần rần

San hô mũi Yến đã gần làng Mai

Bình Định có hòn Áng ngoài,

Các lái chạy hoài kêu hòn Lao xanh

Vũng Tích trong vịnh ngoài gành

Cù Mông nước ngọt ăn quanh bãi Liền [22]

Biển trời sóng nước nhìn lên

Mái nhà gác xối, ba niên Chóp Chài [23]

Mũi Dinh có tháp xây ngoài [24]

Chạy hết bãi Dài lại thấy Trà Nông [25]

Hòn Khô còn ở ngoài Đông

Nhớ về cửa Đợi kẻ trông người chờ./. [26]

_______________________

[1] Rút trong sách “Vè xứ Quảng và chúi giải”, (2017), Võ Văn Hòe, NXB Đà Nẵng.

[2] Đại Nam Quốc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, tập 3, NXB Trẻ, 1998, tr 1159. Xem thêm ký âm ca vần ở phần Phụ lục.

1 Nguyễn Thế Anh, Kinh tế & Xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, NXB Văn Học, Hà Nội, 2008, trg. 202.

2 Xem: Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề Sử học, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006. bài: “Giấy thông hành “Các Lái” thế kỷ XIX” (trg.174-180).

[1] Tấn: Vũng, đồn. Tấn thủ: Đồn thủ lập tại cửa biển, để mà tra xét tàu thuyền. Tấn khẩu: cửa biển, vũng tàu.

[2] Đà: nghề chạy thuyền buồm đường dài trên biển. Tải: chở, ăn tải: ăn hàng, lấy hàng xuống thuyền chở đi. Ca: chuyến thuyền chở hàng.

[2] Viện Nghiên cứu Văn hóa, Tinh hoa văn học dân gian Người Việt TS. Vũ Tố Hảo biên soạn: Vè, (quyển 2), Nxb KHXH, Hn, tr.246-251. Vè kể vô từ Huế đến PY.

[3] Thuận An: Cửa biển Thuận An thuộc t. Thừa Thiên – Huế.

[4] Cửa Ải: Hải Vân. Người đi thuyền ngoài biển nhìn lên núi Hải Vân. Đỉnh đèo Hải Vân nơi ranh giới giữa hai t. thành ĐN và Thừa Thiên – Huế. Từ câu: Ngó lên cửa Ải núi cao …đến câu…Bàng Than, cửa Lở luân kinh An Hòa, các lái đã cho ghe thuyền vào vùng biển đất Quảng.

[5] Bãi Chuối, hang Dơi: Nằm ở chân sườn núi phía Bắc Hải Vân, thuộc địa phận Thừa Thiên – Huế, sát tới bể, có Bức cốc (hang Dơi) hoặc gọi là Tiêu Châu (Bãi Chuối). Ngày trước nơi đây thường có sóng to gió lớn, nhận chìm ghe thuyền qua lại. Chính vì thế trong dân gian có câu ca: Đi bộ thì khiếp Hải Vân / Đi thuyền thì sợ sóng thần hang Dơi.

[6] Hòn Hành, Vũng Thùng: Vịnh ĐN, dân gian gọi là Vũng Thùng. Hòn Hành nằm về phía đông của núi Sơn Trà (dân gian đọc Sơn Chà). Hòn Hành tên chữ là Thông Sơn, một hòn núi nhỏ có hình dáng trông giống củ hành, đứng nhô ra biển che khuất một vũng nước cạn nơi chân đèo Hải Vân. Thời Minh Mạng, một pháo đài phòng thủ được xây dựng trên đỉnh hòn Hành. Ca dao xứ Quảng có câu: Tai nghe súng nổ cái đùng/Tàu Tây đã lại Vũng Thùng hôm qua. Câu hát chỉ sự kiện lịch sử: Quân Pháp đưa tàu chiến đến Việt Nam, lần đầu tiên đánh vào cửa ĐN năm 1858, Nguyễn Tri Phương cùng quân dân QN – ĐN giữ thành suốt mấy tháng trời, giặc không lấy được thành ĐN, qua năm sau (1859), đành rút vào cửa Cần Giờ, đánh chiếm thành Gia Định.

[7] Bãi Bấc, bãi Nồm: Tên các bãi biển tại Cù Lao Chàm. Cũng có  bãi Bấc, bãi Nồm thuộc bán đảo Sơn Chà. Bãi Nồm cũng gọi bãi Nam, bãi Nờm. Bãi Bấc cũng gọi là bãi Bắc, bãi hướng theo đông bắc, nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Bãi có hai gành là gành Đông và gành Tây, hằng năm từ tháng 10 – 11 âm lịch rong biển bám trên các tảng đá, dân vạn chài gọi là mứt biển, một loại thực phẩm đặc sản của ĐN, có thể nấu với cá cơm mờm hoặc cá khoai rất khoái khẩu. Thành ngữ ĐN có: Sơn hàu hải vị. Hải vị chính là rong biển hay mứt, còn sơn hàu là con hàu bu bám trên các tảng đá chân núi Hải Vân, ngư dân dùng đuốc lửa hơ vào gỡ hàu ra, um chín ăn rất ngon.

[8] Ngũ Hành Sơn: Chỉ Non Nước, năm Minh Mạng năm thứ 18 (1837) được ban sắc đặt tên núi Ngũ Hành Sơn.

[9] Lao Chàm: Tức Cù Lao Chàm xưa còn gọi là Chiêm Bất Lao, lao Chiêm, lao Xanh, có tất cả 7 hòn đảo (nếu tính hai hòn Khô mẹ và con; Khô lớn và nhỏ là 8 đảo): Hòn Lao, hòn Tai, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Khô mẹ và hòn Khô con, hòn Ông. Hòn Ông, cũng gọi là hòn Nồm (có bãi Nồm), nằm tách riêng về phía đông nam chừng 20 km. Tổng diện tích các đảo vào khoảng trên 15 km2 , trong đó rừng chiếm gần 90%. Dân số chừng 3.000 người. Nay cù lao Chàm là xã đảo Tân Hiệp, thuộc tp. HAn. t. QN.

Ngày 26/5/2008, Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù Lao Chàm có 947 loài sinh vật sông vùng nước quanh đảo, có 342 loài thực vật, có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, 5 loài ếch nhái. Hai loài chim yến và khỉ đuôi dài đươọc đưa vào sách đỏ động vật quý hiếm. Cù Lao Chàm còn nhiều dấu tích xưa của người Việt: tàu bị đắm, giếng cổ, đền đài, miếu mạo,…cho hay từ thế thứ XV, Cù Lao Chàm từng là nơi neo đậu tàu bè thương thuyền các nước trong khu vực vào ra buôn bán với Đàng Trong. Cù Lao Chàm còn là địa điểm giao thoa các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt.

[10] Hòn Khô: Thuộc xã Hòa Hiệp Nam, h. Đông Hòa, t. PY hiện nay. 

[11] Cửa Đợi: Tức cửa Đại, Đại Chiêm, nơi sông Tu Bồn ra gặp biển, dân gian gọi trại ra là cửa Đợi, và thi vị hóa cho đó là cửa Đợi Chờ. Cửa Đại – Đại Chiêm – nay thuộc tp HAn. Sách Đại Nam Nhất Thống chí, mục QN chép: « Đại Chiêm ở cách h. Diên Phước 25 dặm (hơn 11km) về phía Đông, bờ tả thuộc xã Phúc Trạch h. Hòa Vang, bờ hữu thuộc xã An Lương h. Lễ Dương, là chỗ sông Chợ Củi chảy ra biển, là chỗ tụ họp thuyền ghe Nam Bắc ». Các thế kỷ thứ XVI-XVII chưa Nguyễn Đàng Trong buôn bán với nước ngoài qua cửa Đại này.

[12] Tam Ấp: Làng, ở vùng ngã ba sông Trường Giang, nay thuộc tp TKy, t. QN. Tam Ấp là làng nghề nước mắm ngon có tiếng trong t. Hà Bứa là cửa Hiệp Hòa (xưa gọi là Đại Áp), nay thuộc xã Tam Thanh và Tam Phú, tp. TKy. Cửa này do sông TKy, sông Vĩnh An đổ ra.

[13] Bàng Than: Vốn là một dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hòa. Tên một ghềnh đá thuộc xã Tam Hòa, h. Núi Thành, t. QN. Ở đây có nhiều khối đá sắc đen như than, xếp chồng lên nhau kéo dài hơn 2 km dọc theo bờ biển xã Tam Hải, đỉnh cao khoảng 40 mét, với nhiều hình thù lạ mắt. Các mỏm đá đen lởm chởm ăn sát bờ biển tạo cảm giác chênh vênh với một bên là núi đá, một bên là sóng biển. Cách bờ biển Tam Hải 1 km là hòn Út, bãi Út (cù lao Út). Đỉnh có mặt bằng tương đối rộng, chùng 20 ha, theo đó gọi Ban Than. Bàng Than là thắng cảnh độc đáo của t. QN. Cửa Lở: Một cửa biển nay thuộc xã Tam Hải, h. Núi Thành, t. QN. Ngày xưa người dân ở đây gọi cửa An Hòa là Cửa Lở.

[14] Châu Lai (Châu: thuyền lớn; Lai: đến). Châu Lai: có nghĩa là tàu thuyền đến đậu. Từ thế kỷ 15, các chiến thuyền của hải quân Đại Việt, trên đường tiến đánh Chiêm Thành đến ghé vào đậu ở bến này. Từ thực tế đó của lịch sử, bến thuyền này trở thành một địa danh. Châu Lai từ năm 1954 – 1975 thuộc xã Kỳ Khương, h. Lý Tín, t. Quảng Tín. Quân đội Mỹ lập sân bay ở đây, và tên Châu Lai được ghi là Chu Lai. Thực ra Chu cũng là Châu, nay thuộc h. Núi Thành, t. QN.

Châu Ổ: (Châu: thuyền lớn; Ổ: chỗ núp, chỗ lẫn tránh): Châu Ổ cũng là một bến thuyền. Về sau cũng thành địa danh; nay là thị trấn thuộc h. Bình Sơn, t. QNg.

[15] Vũng Quít: Là một vịnh sâu nằm giữa Châu Lai (Chu Lai) và Châu Ổ. Nhân dân vùng này xưa đọc tên vịnh là Vũng Quít, nhưng do ngữ điệu QN, Vũng nghe như Dũng. Từ đó các bản đồ người Pháp vẽ ghi và chú thích theo cách phát âm của người địa phương thành Dung Quít (Chú ý một thực tế: khi ghi chú, chữ Pháp không có dấu). Rồi từ Dung Quít, các bản đồ hiện đại ghi là Dung Quất(vì Quít trong chữ Hán lá Quất).Như vậy ta thấy qua thời gian, một địa danh có thể có những biến đổi rất lạ lùng, mà phần lớn là xuất phát từ những ghi chép theo cách phát âm của người địa phương.

[16] Hòn Châm: Nằm gần đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi.

[17] Nới lèo: Nới buồm cho thông gió, khỏi lật thuyền.

[18] Châu Me: Tên con sông nhỏ tại t. Quảng Ngãi, đổ ra biển Đông tại cửa Sa Kỳ. Châu Me cũng là tên chợ, nơi các lái, ngư dân mua hàng hóa cho các chuyến hải trình buôn bán hoặc đánh bắt cá. Lò Rượu: tên một hang đá trong cụm đá Ông Câu thuộc biển Sa Kỳ, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, h. Sơn Tịnh, t. QNg. Tương truyền: ngày xưa khi vùng đất này còn là biển cả bao la, Ông khổng lồ gánh đá lấp cửa biển, còn một gánh cuối nữa là xong, Ông gánh gánh đá nặng, ông bước chân qua cửa biển, bỗng đòn gành gãy, đã đổ ra hai bên thành hai hòn đảo. Hang đá là lò ượu của Ông khổng lồ. Hòn Nhàn: Tên hòn đảo nhỏ thuộc vùng biển Bình Châu, h. Bình Sơn, t. Quảng Ngãi. Bàng Than: Tên một đảo chìm dưới mặt biển cách vùng biển Mỹ Khê, h. Sơn Tịnh, t. Quảng Ngãi chừng 6 km về hướng đông.

[19] Lao Ré, Sa Kỳ: Thuộc Quảng Ngãi. Lao Ré tức là Cù Lao Ré, là h. đảo Lý Sơn thuộc t. Quảng Ngãi. Cù Lao Ré nổi tiếng với cây tỏi. Sa Kỳ: Tên một cửa biển ở Quảng Ngãi, nay thuộc xã Bình Châu, h. Bình Sơn. Cửa Sa Kỳ là nơi đổ ra biển của các con sông Châu Me Đông, Diêm Điềm, Chợ Mới – Mỹ Khê… Hiện nay Sa Kỳ là một cảng biển quan trọng thuộc khu công nghiệp Dung Quất. 

2 Thiên Ấn: Núi Thiên Ấn nằm ngay cửa sông Trà Khúc, t. Quảng Ngãi. Trên núi Thiên Án có mộ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân, chủ nhiệm báo Tiếng Dân nổi tiếng trước 1945, được an táng vào cuối tháng 4 – 1947. Hòn Sập / Sụp: Là đảo nhỏ gần cửa biển Sa Huỳnh, h. Đức Phổ, t. Quảng Ngãi. Mỹ Á: Cửa biển thuộc xã Phổ Quang, h. Đức Phổ, t. Quảng Ngãi. Cửa Cạn, Hàn Thương: Hai cửa biển nhỏ thuộc h. Mộ Đức, t. Quảng Ngãi. Bãi Trường: Tức bãi Trường Sa, sách Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, chép: …Trên đảo có bãi Trường Sa kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục danh là Vạn lý Trường sa.

[21] Tam Quan: Trước là xã (gồm ba xã: Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam), ngày 25-12-2006, trở thành phường Tam Quan, thuộc thị xã Hoài Nhơn theo Quyết định: 3210/QĐ của Chủ tịch UBND t. BĐ. Diện tích: 5 km2. Dân số: 21.092 người. Trước và nay xã / phường Tam Quan nổi tiếng là xứ dừa với sự tích ngày xưa con gái Tam Quan tắm nước dừa nên da trắng mịn màng. Tam Quan còn có bánh tráng nước dừa, dừa nước, mè xững Tam Quan, nước mắm Tam Quan. Tam Quan có ca dao: Công đâu công uổng công thừa / Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan.

2 Tài / Từ Phú: Một mũi đất gần cửa An Dũ, h. Hoài Nhơn, t. BĐ. Trước đây Từ / Tài Phú có nghề nung ghè (gốm).

1 Hòn vọng phu, t. BĐ.

[22] Cù Mông: Có đèo Cù Mông nằm trên Quốc lộ 1A, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt nam, đèo là ranh giới của 2 t. Bình Định và Phú Yên. Đèo dài 7 km, từ km 1.243 đến km 1.250, độ cao của đỉnh đèo là 245 m, độ dốc 9%. Đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao, dễ gây ra tai nạn giao thông. Đèo là tuyến đường bộ đi qua một trong những nhánh đâm ra biển của dãy Trường Sơn Nam. Trước,  chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu (quốc lộ 1D) thì đèo là con đường chính để qua lại giữa BĐ và PY. Theo sử sách, năm 1471 sau trận chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, đèo Cù Mông là ranh giới mới giữa Đại Việt va Chiêm Thành cho đến năm 1611. Ca dao PY có: Cá ngon là cá Cù Mông / Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương. Đặc sản ở Cù Mông là món mắm ốc: Mắm ốc Cù Mông / Bán thông khắp chỗ / Vợ con chịu khổ / Ráng bắt cho nhiều / Làm mắm đầy niêu / Tết đem chợ bán,… hoặc: Chiếc thuyền ốc chèo qua vũng Hến / Chiếc ghe câu đậu bến Cù Mông / Anh đi em ngóng em trông / Kẻ buôn người bán, chợ đông rộn ràng,…

[23] Chóp Chài: 1/ Đồi Chóp Chài thuộc xã Tam Đại, thị xã / tp TKy, t. QN là một di tích lịch sử. Nay là một xã của h. Phú Ninh. Đồi nằm bên bờ hồ thủy điện Phú Ninh, cao khoảng 600 m so với mực nước biển và cách tp TKy 7 km về phía Tây. Hồ Phú Ninh, diện tích mặt nước 3.433 ha và 23.000 ha rừng phòng hộ cùng 30 đảo nhỏ và các bán đảo xinh đẹp, đặc biệt có suối nước nóng. Nơi đây là chỗ nghỉ chân lý tưởng của du khách khi đến tham quan hồ Phú Ninh. Năm 1997, đồi Chóp Chài được công nhận là Di tích Văn hóa-Lịch sử cấp t.. 2/ Núi Chóp Chài cao 391 mét, nổi lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thuộc xã Bình Kiến, ngoại thành Tuy Hòa, cách trung tâm 4 km về phía Tây Bắc, ngay sát quốc lộ 1 A. Núi Chóp Chài cùng với sông Ba là những biểu tượng quen thuộc về PY. Trên núi có hang Dơi (Trai Thuỷ) rộng 5 m và sâu. Sườn núi có chùa Hoà Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn, Bảo Lâm. Ca dao tại đây: Lập lòe trời chớp Vũng Rô./ Mây che Hòn Yến, gió vô Chóp Chài./ Chóp Chài đội mũ, mây phủ đá Bia./ Ếch nhái kêu lia, trời mưa như trút… Hoặc : Hòn Dứa, Hòn Chùa nằm ngang./ Hòn Than chính giữa, Chóp Chài thấu trong
Nhạn Tháp nay đã sửa xong./ Cửa Dinh, Đà Diễn, Đà Rằng phía Nam./ Ngoài khơi có lố chất chồng./ Trong bờ có mũi, giữa dòng có kênh.

[24] Mũi Dinh: Núi cao 300m, thuộc làng Sơn Hải, xã Phước Dinh, t. Ninh Thuận. Tại mũi Dinh, năm 1904, người Pháp cho xây dựng ngọn Hải đăng, nằm ở độ cao 170 m, tầm sáng bán kính 30 hải lý,công suất 1.000W và chu kỳ xoay vòng là 12 giây, ngọn đèn này chỉ hướng đất liền cho tàu thuyền từ Phan Rang, Ninh Thuận đến Tuy Phong Bình Thuận. Hải đăng nay vẫn còn.

[25] Bãi Dài: Bãi biển nằm giữa Cam Ranh và Nha Trang, thuộc xã Cam Hải Đông, h. Cam Lâm, tp Cam Ranh, t. Khánh Hoà. Bãi Dài ngày nay là một điểm đến du lịch của t. Khánh Hoà. 

[26] Cửa Đợi: Cũng gọi là cửa Đại / Đại Chiêm Hải khẩu, nay thuộc phường Cửa Đại, tp HAn, t. QN. Là cửa sông nơi ba con sông: Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng đổ ra biển. Cửa Đại rộng hơn 1.000m tính từ phường Cửa Đại (HAn) qua xã Duy Nghĩa (h. DX), nhưng hiện đã bị cát bồi lấp một phần. Và cửa biển hướng bắc ra Cù lao Chàm cũng bị bồi lấp một đoạn. Từ cửa biển này, người Chămpa trong các thế kỷ trước đã giao dịch, buôn bán với Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Ba Tư,..Từ khi HAn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nơi bãi biển Cửa Đại đã có nhiều khu du lịch. Một cây cầu bê tông cốt thép mang tên Cửa Đại, dài 1.481m, rộng 25m, t. không thông thuyền 20m được xây dựng, nối tuyến đường ven biển từ ĐN – HAn đến TKy, Chu Lai. Hai câu: Hòn Khô còn ở ngoài Đông / Nhớ về cửa Đợi kẻ trông người chờ, các lái đã vào vùng biển đất Quảng và dừng lại tại đây.