Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng
vẽ Cầu Rồng – Đà Nẵng
Phạm Văn Hạng sinh năm 1942 (năm Nhâm Ngọ) tại làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đang học Mỹ thuật Huế thì Phạm Văn Hạng bỏ dở, cầm máy ảnh làm phóng viên chiến trường ở Quảng Trị, rồi năm 1970 tham gia cuộc triển lãm hội họa – điêu khắc quốc tế tại Hội Hồng thập tự (nay là Hội Chữ thập đỏ) trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) ở Sài gòn. Phạm Văn Hạng đã mang đến cuộc triển lãm này một tác phẩm kinh hoàng có tên là “Chứng tích” gồm mấy mảnh da thịt người bị bom xé nát, vài cọng thép gai, mấy mảnh bom, vỏ đạn và mấy đầu đạn gắp ra từ các ca giải phẫu đem lắp ghép vào. Tác phẩm phủ vải đen chờ khai mạc đã bị cảnh sát phát hiện, mang đi trước giờ khai mạc.
Sau đó, anh vừa kiếm sống vừa sáng tác những tượng đài như tượng Alexandre de Rhodes, vẽ tranh sơn dầu, tham gia những cuộc triển lãm để thỏa mãn đam mê. Sau năm 1975, có lúc anh phải mưu sinh bằng bán hàng rong, đi xe thồ, trang trí sân khấu. Rồi chính vỏ đạn pháo bằng đồng trong chiến tranh đã làm nên tác phẩm “Mẹ Dũng Sĩ” như một tiếp nối từ cảm hứng sáng tạo của “Chứng tích”. Pho tượng “Mẹ dũng sĩ” cao 12,5m, làm từ những vỏ đạn đại bác, đứng sừng sững ở lối vào TP. Đà Nẵng từ bốn mươi mấy năm nay.
Anh còn có tác phẩm thơ độc đáo nhất Việt Nam: cuốn thơ làm bằng kỹ thuật gò trên đồng, với 29 “trang” khổ 50 x 65cm, nặng 220kg, khắc 29 bài thơ của anh bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Hoa.
Từ nhiều năm nay, anh về sống ở Đà Lạt, quê hương thứ hai của anh.
Phạm Văn Hạng là người thiết kế đầu rồng của Cầu Rồng vào năm 2012. Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống một con rồng nên được gọi là Cầu Rồng. Cầu Rồng dài 666 m và rộng 37,5 m với 6 làn xe chạy. Cầu Rồng được khởi công xây dựng vào ngày 19.7.2007 và chính thức thông xe ngày 29 tháng 3 năm 2013, kinh phí xây cầu gần 1.500 tỷ đồng. Cầu được thiết kế bởi Công ty Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger. Ngay từ khi thiết kế phương án kiến trúc cầu Rồng, Công ty Louis Berger (Mỹ) cũng đã có thiết kế đầu rồng nhưng không được lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý. Đầu năm 2012, Ban quản lý dự án cầu Rồng phát thư mời nhiều nhà hoạ sĩ, điêu khắc có tiếng trong cả nước đưa ra ý tưởng thiết kế đầu rồng cho cây cầu. Cuối cùng thì thiết kế của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được chọn.
Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch Đà Nẵng ngày 16.5.2012, Phạm Văn Hạng trình bày quan điểm của mình: “Rồng thời Lý có đặc điểm cấu tạo khác hẳn các hình rồng thời trước hoặc cùng thời ở Trung Quốc (Hán, Đường, Tống). Đầu rồng thường ngẩng lên, không có sừng, miệng há to, mép trên không có mũi, kéo dài thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có khi răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc…
“Rồng thời Lý toát lên sự mạnh mẽ song vẫn mang dáng dấp hiền hòa, mềm mại chứ không dữ dằn, tung hoành đầy vẻ quyền lực vua chúa. Điều đó rất phù hợp với một đất nước đang trên đường hội nhập, giang tay chào đón bạn bè quốc tế. Đó cũng là cảm nhận mà chúng tôi đã mang vào khi thiết kế đầu rồng cho cầu Rồng”. Dù ý kiến về Cầu Rồng chưa thống nhất, vẫn còn nhiều lời khen, chê, nhưng nó đã thật sự trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.
Cầu Rồng, biểu tượng của thành phố Đà Nẵng: https://fb.watch/7R9rYwqyJW/
Hình ảnh Cầu Rồng trong phim “The protégé”của đạo diễn Martin Campbell (nổi tiếng với phim James Bond “Casino Royale” vào năm 2006), dựa theo kịch bản của Richard Wenk, với các diễn viên Michael Keaton, Maggie Q và Samuel L. Jackson, lấy bối cảnh tại Việt Nam và được ghi hình ở Đà Nẵng từ đầu năm 2020, vừa được công chiếu tại Mỹ từ ngày 20.8.2021: https://youtu.be/DeHfgJAwF94
—————————
Ảnh: Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng với đầu rồng của Cầu Rồng (Đà Nẵng) và trong khoảnh khắc vẽ ký họa ở Sài gòn