Võ Văn Dật ghi chép về Đà Nẵng và sông Hàn
Võ Văn Dật, bút danh là Võ Hương An, sinh trưởng trong thành nội Huế, tổ quán ở làng An Ninh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, nơi chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng chùa Thiên Mụ, nơi chúa Nguyễn Ánh lập đàn tế cáo trời đất, đặt niên hiệu Gia Long, nơi mở trường thi hương, dựng trường Quốc Tử Giam và lập Văn Miếu dựng bia tiến sĩ.
Ông tốt nghiệp Cao học Sử học tại Huế, làm Giám học trường Trung học Hàm Nghi, Huế, Thanh tra Giám sát viện (Đệ nhị Cộng hòa), học tập cải tạo tạo sau tháng 4 năm 1975, rồi định cư tại San José, Hoa Kỳ từ năm 1991.
Các tác phẩm biên khảo đã xuất bản:
-Luân hồi, biên khảo (Thế Giới,1995,2007)
– Huế của một thời, bút ký về Huế (Nam Việt, California, 2006)
– Vua Khải Định, biên khảo (Nam Việt, California, 2006)
– Lịch sử Đà Nẵng, biên khảo (Nam Việt, California, 2007)
– Từ điển nhà Nguyễn, biên khảo (Nam Việt, California, 2013)
– Minh Mạng, minh quân triều Nguyễn (Nam Việt, California, 2020)
Trong tác phẩm “Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975”, Võ Văn Dật đã mô tả sông Hàn, nơi có thành phố Đà Nẵng: “Sông Thu Bồn, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, chảy đến địa phận của xã Phương Trà, huyện Điện Bàn thì sinh ra một chi lưu nhỏ. Sông chính chảy ra cửa Đại Chiêm gần Hội An, còn chi lưu vừa nói, tức sông Vĩnh Điện, chảy ngược về hướng Bắc, đổ nước ra vịnh Đà Nẵng, dù chẳng được bao nhiêu, vì chỉ là một con sông nhỏ. Tại địa phận xã Hòa Cường ngày nay (xưa là Hóa Khuê Tây), chi lưu Vĩnh Điện hợp nhất với sông Cẩm Lệ, tạo thành một đoạn sông ngắn nhưng khá rộng và sâu, gọi là sông Hàn hay sông Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng tọa lạc trên bờ sông này, đoạn từ biển đi vào và ven vịnh Đà Nẵng…(Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975, tr. 24)
Trong tác phẩm “Từ điển nhà Nguyễn”, Võ Văn Dật đã ghi chép về lịch sử thành phố Đà Nẵng: “Năm 1306, vua Chiêm Thành là Chế Mân xin cưới công chúa Huyền Trân, con của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, và dâng 2 châu Ô, Lý làm sính lễ. Sau khi tiếp nhận, Trần Anh Tông đổi châu Ô làm châu Thuận và châu Lý làm châu Hóa. Đà Nẵng là vùng đất miền biển, ở sát ngay phía Nam đèo Hải Vân, thuộc về Việt Nam từ đấy, nằm trong địa phận châu Hóa. Khi Lê Thánh Tông chia nước làm 12 thừa tuyên (1466), Đà Nẵng thuộc huyện Điện Bàn của thừa tuyên Thuận Hóa.
Năm 1604, Trấn thủ Thuận Hóa – Quảng Nam là Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng (tục gọi chúa Tiên) đã tách huyện Điện Bàn, sáp nhập vào dinh Quảng Nam. Đà Nẵng thuộc Quảng Nam từ đó. Dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII và XVIII), do vị trí thiên nhiên đầy thuận lợi của nó về mặt giao thông đường biển và đường sông, Đà Nẵng đã hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của phố cảng Hội An trong việc mậu dịch với các nước phương Tây và Đông Nam Á. Người Trung Hoa gọi Đà Nẵng là Hiện Cảng. Người Tây phương thì gọi bằng nhiều cách khác nhau: Cuahan, Porte de Kéan, Turon, Touraon, v.v…, nhưng từ thế kỷ XIX trở đi thì cái tên Tourane của Pháp trở thành thông dụng.
Dưới các triểu Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và cho đến năm 1862 đời Tự Đức, Đà Nẵng là cảng nhập cảnh pháp định dành cho tàu thuyền ngoại quốc đến buôn bán hay giao dịch. Với một vịnh biển đầy ưu thế hàng hải, Đà Nẵng đã được các nước phương Tây tới lui nhòm ngó khá sớm. Do vậy, trên bước đường phát triển thuộc địa, Đà Nẵng là nơi đầu tiên của Việt Nam được Pháp chọn làm mục tiêu xâm lăng vào năm 1858, mở đầu giai đoạn vong quốc của lịch sử Việt Nam cận đại. Tuy nhiên, sau khi chiếm được Sài gòn và các tỉnh Nam kỳ thì Đà Nẵng tạm thời nằm ngoài tầm ngắm của Pháp cho đến cuối thế kỷ XIX. Với dụ Mậu Tý ban hành ngày 3.10.1888, vua Đồng Khánh đã nhượng cho Pháp 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Các xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây được tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam để giao cho Pháp trong đợt này. Từ đó, Đà Nẵng tạm thời mất tên để mang tên mới là Tourane và người Việt quen gọi là Hàn. 12 năm sau, ngày 15.1.1901, vua Thành Thái lại ban hành một sắc dụ khác, nhượng thêm cho Pháp các xã Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê Đông, Hà Khê, Yên Khê thuộc huyện Hòa Vang và Mỹ Khê, An Hải, Tần Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quang, Vĩnh Yên thuộc huyện Diên Phước, để Pháp có điểu kiện mở mang và phát triển thành phố.
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9.3.1945 và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, Đà Nẵng lại thuộc về nước ta và bác sĩ Trần Đình Nam được Nhật cử tạm thay viên Đốc lý người Pháp trong khi chờ đợi thị trưởng người Việt đầu tiên được bổ nhiệm là ông Nguyễn Khoa Phong. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đà Nẵng mang tên Thái Phiên.
Khi người Pháp trở lại vào năm 1946, cái tên Tourane cũng theo đó mà sống lại một thời gian nữa. Ngày 3.1.1950, Pháp chính thức trao trả Đà Nẵng cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại. Trong hơn 60 năm làm chủ, người Pháp đã xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố cảng nhỏ theo mô thức Tây phương. Tuy tiện ích công cộng thì chưa được đầy đủ (chỉ mới có điện phía tả ngạn và thành phố chưa có hệ thống nước máy), nhưng cũng đủ cho họ làm cơ sở để khai thác kinh tế Trung kỳ.
Dưới thới Việt Nam Cộng hòa (1956-1975), Đà Nẵng được nới rộng thêm 2 lần nữa vào các năm 1960 và 1962 và trở thành thành phố lớn vào hàng thứ hai của miền Nam Việt Nam sau Sài gòn.
Ngày nay, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, gồm 6 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), 2 huyện (Hòa Vang, Hoàng Sa)”.
Xem trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng. Đội Mỹ
___________________
(Từ điển nhà Nguyễn, tr. 193, 194)
Trong tác phẩm “Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975)”, ở chương I Tổng quan về Đà Nẵng, Võ Văn Dật cho biết về địa danh Đà Nẵng:
http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Dia_danh_Da_Nang.htm
Ảnh: Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật và thành phố Đà Nẵng bên sông Hàn