HUỲNH DUY LỘC – Chế Lan Viên và kỷ niệm với Đà Nẵng – Hội An

418
                             
                               Chế Lan Viên
       và kỷ niệm với Đà Nẵng – Hội An
          Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đậu bằng thành chung (trung học cơ sở hay cấp II hiện nay) thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn ông như lời ông kể: “Quê cha mẹ tôi ở ngoài Quảng Trị. Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong gió Lào và khoai sắn Bình Trị Thiên. Nhưng sau đó, khi tôi lên 7 thì cả gia đình chuyển vào Bình Định:
          “Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ
          Cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ
          Ký ức tôi ngược thời gian thì nó vẫn đi về qua lại thường xuyên giữa các đồi sim mua Quảng Trị và góc thành Bình Định này. Ngỡ như tính cách tâm hồn và bút pháp thơ tôi đều bắt nguồn từ hai nơi ấy…”
Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay có nhan đề “Điêu tàn”. Ông kể vì sao ông đã lấy bút danh Chế Lan Viên: “Tôi làm thơ lúc 12, 13 tuổi ở huyện lỵ An Nhơn. Lủi thủi làm và cũng không ý thức đó là thơ. Ký những cái tên chỉ là địa danh ngoài Quảng Trị: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Phải xuống Bình Định, gặp Yến Lan, có bạn thơ soi vào nhau, thì tôi mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ và có danh hiệu của mình: Lan Viên. Chắc là bị ảnh hưởng bởi tên Lan của bạn và vườn của nhà bạn có nhiều hoa ấy:
          “Vườn lan ai ấy tưới thay con” (Yến Lan)
Nhưng phải chờ 16, 17 tuổi xuống Quy Nhơn theo học trung học, thì tôi mới thành một người làm thơ thực sự phát ngôn huênh hoang về công việc của mình: “Làm thơ là một sự phi thường”. Tôi đã gặp một người anh về thơ: Hàn Mặc Tử. Cũng từ đấy, trước chữ Lan Viên, bỗng thêm chữ Chế. Vì sao có chữ Chế ấy? Chỉ biết rằng trong tập Nắng Xuân, một tập giai phẩm in năm 1936 ở Quy Nhơn biên tập bởi nhà thơ lãng mạn Hàn Mặc Tử, có một bài Hàn Mặc Tử tặng cho tôi. Bài “Thi sĩ Chàm” tặng Chế Bồng Hoan. À, thì ra còn cả tên đó nữa. Có lẽ Tử đặt ra chăng? Với chữ Chế, dù là Chế Lan Viên hay Chế Bồng Hoan, tôi đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc”.
          Cái tên Chế Lan Viên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.
          Chế Lan Viên đã dạy học cùng với nhà thơ Lưu Trọng Lư và thầy Phan Khoang ở Trường trung học Chấn Thanh, Đà Nẵng – một trường tư thục trên đường Thái Phiên ngày nay, do nhà giáo Phan Bá Lân, con trai cụ Phan Thành Tài sáng lập. Cô nữ sinh Đà Nẵng tên Nguyễn Thị Giáo là học trò của ông ở trường Chấn Thanh, cũng là một trong 4 nữ sinh xinh đẹp được mệnh danh là “Chấn Thanh tứ đại mỹ nhân”.
          Tác giả Trần Đăng kể trong bài báo “Lời khuyên ở Hội An” (báo Quảng Nam): “Đó là vào khoảng năm 1942 – 1943, Chế Lan Viên dạy Việt văn tại Trường trung học tư thục Chấn Thanh, Đà Nẵng. Trong lớp ấy có nhiều thiếu nữ xinh xắn nhưng chỉ hai cô yêu trộm thầy mình. Một trong hai cô đó tên là Nguyễn Thị Giáo. Thầy giáo Phan Ngọc Hoan dạy học ở Đà Nẵng đã đáp lại tình cảm và yêu cô học trò Nguyễn Thị Giáo, hẳn là hai người đã có những chuyến du hành về Hội An.
          Mối tình thầy yêu trò bị bại lộ, cha mẹ cô Giáo cấm cửa, Chế Lan Viên đã đưa người yêu vào Nha Trang cầu viện Quách Tấn. Đó là vào mùa hè năm 1943. Quách Tấn bấy giờ đã 34 tuổi.
          Ông Quách Giao, người con trai đầu của Quách Tấn, kể: “Chú Hoan (tên thật của Chế Lan Viên) quyết định bỏ việc ở Đà Nẵng để vào Nha Trang, có thể là cầu viện cha tôi. Thím Giáo cũng đi theo chú Hoan chuyến đó. Tôi nghe cha tôi thuật lại là, sau khi biết thím Giáo bỏ nhà đi theo chú Hoan, ba mẹ thím ấy (một gia đình giàu có ở Đà Nẵng), sai người đuổi theo bằng ô tô để bắt về. Họ đến trước và đón tại ga Nha Trang nhưng hai người kia, có lẽ đoán được ý đồ đó nên đã xuống tàu trước ga Nha Trang một ga.
          Thấy hai người quyết tâm đến với nhau như vậy nên cha tôi quyết định chọn con đường thuyết phục bên nhà gái. Ông nhờ người nói hộ với cha mẹ thím Giáo rằng chú Hoan tuy nhà nghèo vậy nhưng đang là nhà thơ rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Có lẽ bên nhà gái không xiêu lòng vì cái danh hiệu nhà thơ nổi tiếng đâu, song họ cũng nhận ra rằng giờ có muốn cấm cũng chả được nữa. Con mình đã theo người yêu vượt hơn nửa ngàn cây số thì giữ gìn gì được. Vả lại, chú Hoan là người được học hành tử tế và rất đẹp trai, ăn nói lại có duyên nên họ đồng ý. Thế là cưới nhau. Cha tôi đóng một vai rất quan trọng trong cuộc hôn nhân này”.
          Sau khi thành hôn với cô Nguyễn Thị Giáo, Chế Lan Viên rời Trường trung học Chấn Thanh để ra Huế tiếp tục dạy học. Ông có với cô Nguyễn Thị Giáo 3 người con: Phan Lai Triều, Phan Trường Định và Phan Thị Chấn Thanh. Thế nhưng, sau khi vợ chồng ông tập kết ra miền Bắc, đến năm 1958 thì xảy ra sự cố khi Chế Lan Viên sang Trung Quốc chữa bệnh. Cuộc hôn nhân tưởng chừng không gì có thể lay chuyển được ấy đến đây đã tan vỡ: người vợ yêu dấu của ông có con với một người đàn ông khác!
          Chế Lan Viên thương 3 con, đã cố gắng níu kéo, nhưng không thể. Cuối cùng, hai vợ chồng đành phải ra tòa ly hôn. Trong phiên tòa, ông ngồi im lặng suốt buổi. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ông mới đứng lên đọc bài thơ thay cho lời cuối:
          “Đến chỗ đông người anh biệt em
          Quay đi thôi chớ để anh nhìn
          Mày em trăng mới in ngần thật
          Cắt đứt lòng anh trăng của em”.
        Năm 1960, Chế Lan Viên kết hôn lần thứ hai với nhà văn Vũ Thị Thường, có thêm 2 người con gái. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông đưa gia đình vào sống tại TP.HCM. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM ở tuổi 69, một thời gian ngắn sau khi mổ khối u ác tính trong phổi.
          Sau khi Chế Lan Viên từ trần, nhà văn Vũ Thị Thường đã công bố di cảo của ông, trong đó có bài thơ “Những mảnh trời xưa” viết vào năm 1959 như một lời tiễn biệt đau đớn: “Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa/ Nhưng hương em còn quấn mỗi câu thơ/ Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ/ Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa/ Hạnh phúc em đong cho ta bằng đôi mắt nhỏ/ Đôi chén đắng cay làm lòng nức nở/ Mỗi bức thư như gạch lở đầu tường/ Như đạn xé vào thịt non không lấp nổi/ Thơ anh viết những lời anh chẳng sống/ Chiều nay anh viết: Yêu em/ Thức ăn cũ biến thành thuốc độc/ Lối cỏ hoa xưa nay đã gài mìn”.
          Trước khi trải qua ca mổ phổi tại bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 9 tháng 9 năm 1988, ông đã viết bài thơ “Hội An”, bài thơ nay đã được đưa vào trang đầu của quyển “Di Cảo Thơ Chế Lan Viên” tập III . Ông đã viết mấy dòng như lời thanh minh: “Tôi chẳng yêu ai ở Hội An cả, nhưng tôi yêu đô thị ấy. Tuổi thơ tôi đã ở đấy (6, 7 tuổi). Nhân xem các tranh Lưu Công Nhân vẽ về cao lâu Hội An, tôi tặng riêng anh bài này. Cũng là tấm lòng tôi mến anh và tài năng anh”.
          Chế Lan Viên nói ông không yêu ai ở Hội An, nhưng người phụ nữ mà ông gọi bằng “em” trong bài thơ này lại chính là người yêu và người vợ đầu tiên của ông ở Đà Nẵng, và kỷ niệm được nhắc lại trong bài thơ là kỷ niệm về những ngày ông và người yêu dẫn nhau từ Đà Nẵng về Hội An.
                    HỘI AN
         Hội An chẳng là quê
         Mà là hương, khổ thế
         Quên quê, ai có thể
         Hương ư? Ôi dễ gì.
         Phephô (Faifo), ta phe nào?
         Ôi, A Di Đà Phật!
         Cái phe toàn nước mắt,
         Chỉ phô toàn khổ đau!
         Yêu ở đâu thì yêu
         Về Hội An xin chớ
         Hôn một lần ở đó
         Một đời vang thủy triều.
         Xin chớ hôn gần bể
         Từng đêm sóng đuổi người
         Hồn ta hóa tượng Hời
         Nửa khôn rồi nửa dại.
         “Anh là khỉ chùa Cầu“
         Mắng xong anh, em khóc
         Hương chùa hay hương tóc
         Mắng khỉ mà người đau.
         Thế rồi ta xa nhau
         Anh lên đài Vọng Hải
         Tìm em mùa hoa dại
         Hoa đây còn em đâu?
         Không cần gặp Thiên Tào
         Đòi một đời hạnh phúc
         Chỉ cần cùng nhau khóc
         Một giờ trong cao lầu.
Ảnh đại diện: Nhà thơ Chế Lan Viên (trên Facebook Huỳnh Duy Lộc)