Trên đỉnh Sa Pa

567

     Tháng sáu, miền Trung không mưa, nắng từ trời thả xuống từng sợi tia vàng loá mắt. Chúng tôi lại tính toán với nhau rằng phải có một chuyến lãng du về miền Tây Bắc nghỉ nắng. Nơi ấy hy vọng sẽ tìm thấy vẻ đẹp hoang sơ của Sa Pa vời vợi, của dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nơi mà trước đây tôi chỉ đọc được trên những trang sách địa lý hoặc trong những trang giới thiệu về thắng cảnh Việt Nam thời còn đi học. Hồi ấy, cứ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có được dầu chỉ một lần mình có thể đặt chân lên Sa Pa huyền ảo, có thể hít thở khí trời ở đây và hơn thế, dạo bước trên từng nấc thang lên tận đỉnh Hàm Rồng để thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng Tây bắc huyền ảo, sương quyện với mây trời chập chùng trên đỉnh núi như sách vở đã từng miêu tả, rằng đấy là nơi nghỉ mát tuyệt vời, nơi du lịch, nơi rong chơi của những người lãng du ham thích thiên nhiên.

      Sa Pa nằm dưới chân Phanxipăng, có độ cao gần 1560 mét tính từ mặt nước biển. Có thể rằng từ 1903, người Pháp đã phát hiện ra nơi nầy và xây dựng ở đây khu nghỉ mát với những toà biệt thự lộng lẫy thời phục hưng của Châu Âu. Những biệt thự nằm chen giữa rừng hoa đào ngây đẹp và những hàng thông pơ-mu như cây bút lông dựng ngược. Từ hồ nước trước huyện Sa Pa nhìn về phía Tây là dãy Hoàng Liên Sơn mà đỉnh núi bốn mùa có khi nào ngơi sương giăng mờ ảo.

      Và như thế, đầu tháng 6/2004, tạm biệt mùa hè nóng nực của miền Trung, chúng tôi lên đường về với vùng Tây bắc nhiều huyền thoại, về với Sa Pa huyền ảo.

Anh, có vẻ mơ màng!

Đến Sa Pa là lần đầu tiên, không rõ nơi ấy có cho ta kỷ niệm nào về tình yêu, nỗi nhớ về thiên nhiên, con người nơi mây trắng lưng trời này không, chứ theo tinh thần lãng du này thì quyết phải lên tận Hàm Rồng lồng lộng gió trời Tây bắc, phóng tầm mắt nhìn tận Tam Đảo, Ba Vì, Hoàng Liên Sơn cho thoả thích. Một lần thôi rồi dễ đâu lặp lại đến lần nữa.

      Lần đầu tôi đến Sa Pa. Mặt nước hồ trên núi như gương. Những ngôi biệt thự cổ còn ngẩn ngơ đứng nhìn trời mây Tây Bắc. Phố Sa Pa đêm xuống là sương về vây phủ kín bưng, mịt mùng treo lắt lẻo trên những ngọn thông già. Hơi lạnh từ đây toả ra phố chợ. Một vẻ đẹp đến nao lòng khi đêm xuống Sa Pa. Vài đóm lửa trong chiếc trã hừng lên nướng những trái bắp còn tươi to tướng, những quả trứng vịt trắng tròn sẵn sàng cung cấp cho khách du lịch dạo bước chơi khuya. Lạnh chạy nhè nhẹ trong người tưởng như ta đang ngồi tận chân mây. Uống rượu Sa Pa ngà say, chân bước lấp lửng, nhẹ tưng. Rượu có men gì mà không giống hương vị của rượu xứ Quảng Nam, lại cũng không giống rượu Mẫu Sơn mà chúng tôi đã biết khi đến Cao Bằng, lại cũng có mùi vị khác không giống với hương vị của rượu Kỳ Lừa thơm mùi bắp luộc. Quanh bên một chão lửa hồng đang hừng lên nướng những trái bắp tươi ưỡn bụng, chúng tôi huơ huơ bàn tay tìm hơi ấm. Men Sa Pa trong người bốc lên. Sau lưng hơi lạnh tràn vào.

      Một cô gái cùng đi với chúng tôi tỏ ra mơ mộng.

Em, có vẻ lãng du! 

      Có một đêm trăng mờ tỏ thế nầy, tôi ngồi trong quán trên sườn đồi nhìn xuống hồ, bên kia là nhà thờ Tây chuông đổ dập dồn. Nơi tôi ngồi nhìn xuống hồ rộng, tôi đoán chừng mây từ đấy sinh ra bay lên phả vào người mát rượi đến lạ. Trăng nghiêng, rượu ngà say, như một kẻ lãng du lang bạt nhìn từ thung xa mây theo gió đi về sườn núi. Mây như dải lụa mỏng dưới trăng, lướt qua, lướt qua…dưới ánh sáng dìu dặc của trăng. Tôi tưởng, thì đấy là thiên nhiên chứ còn gì nữa, nhìn  hơi nghiêng một chút, lại thấy con sông Ngân ngày nọ, nơi có cô con gái cháu trời buồn bã rút những sợi tơ thả xuống trần gian những đụn tơ trắng như bông, như mây lơ lửng. Thế, quả là tuyệt, chúng tôi cũng đã ở cảnh tiên rồi chứ gì nữa đây. Tạt vào sườn núi một ngọn gió, mây theo đấy bay vào, tôi đã sờ được mây trời Sa Pa vào một đêm tháng sáu.

      Những hòn than đang hừng lên trở nên mờ ảo. Những chuỗi âm thanh ríu rít của cô bạn gái chìm trong sương, bay theo gió vào rừng giọng bè trầm hoang dại. Tôi bảo với cô gái Sa Pa bán bắp nướng rằng tôi chưa từng gặp cảnh như thế nầy bao giờ. Cô bảo ở Sa Pa đây người ta thường gọi là mây núi hay là vân sơn gì đấy cô không để ý, nó sinh ra từ đá rồi tan biến vào trong đá, đơn giản thế thôi mà có bao điều cho thế gian cát bụi hồng trần nầy khen chê đủ cả.

      Chúng tôi đạo bước về phía nhà thờ trong hơi sương lành lạnh, nơi phía trước đêm nay là chợ tình của người H’Mông, Dao. Từng tốp, tôi gặp vài cô gái H’Mông xiêm y sặc sỡ bước những bước chân âm thầm, chần chậm về phía chợ. Một màu sặc sỡ của những cô gái H’Mông, Tày, Dao đỏ lượn qua. Chiếc khăn phiêu như một lời hò hẹn. Mây tạt qua con phố hẹp, thổi lộng về phía nhà thờ hoang sơ, nơi trên gác chuông tiếng kong keng từ đó vọng ra. Trên con đường đá lờ mờ ánh đèn điện toả ra, tôi nhìn được những căn nhà như biệt thự ẩn hiện dưới ánh sáng mờ ảo đứng thầm lặng trong đêm. Trăng vẫn sáng lung linh dìu dặc, gió vẫn đẩy mây bay từng đụn về phía dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nơi đây, tôi đã ngẩn ngơ bấm máy chụp được mấy tấm hình nhưng chẳng thể nào nhìn thấy được mây.

      Phía trước nhà thờ là bãi cỏ. Mặc dầu từng đụn mây bay qua , đôi khi nhìn được cả trời sao lặng lẽ chớp nháy, lặng lẽ mờ ảo dưới bầu trời. Những cây thông pơ mu đứng yên đưa lưỡi bút lông lên trời như vẽ những đường diềm điểm trang cho trời đất Sa Pa lộng lẫy.

      Bước chân trên đất Sa Pa mà cứ ngỡ rằng mơ, dễ đâu có được một lần đến được Sa Pa, đi dưới trời lồng lộng, hễ quơ tay là đã nắm được từng sợi mây trời. Những sợi mây bắt ngang qua gác chuông nhà thờ đẹp quá !

      Gió thổi ào ào qua đỉnh Hàm Rồng, qua những con đường mòn trải sỏi dần lên đỉnh núi chìm trong mây mù. Từ Hàm Rồng có thể nhìn về đằng Tây nơi ngọn Phan xi păng lúc có, lúc không. Mây trên đỉnh che ngang, chắn quanh tứ phía bốn mùa. Chớp mắt có thể nhìn thấy, lại không, lại thấy đỉnh Hoàng Liên Sơn cao vợi. Để đến Sa Pa nhìn mây và nắng vàng xiên ngang qua những tầng mây trắng, chúng tôi đã phải đi dọc theo đường đèo giữa lưng chừng núi Hoàng Liên có đến nửa ngày đường. Từ trên đèo, phóng tầm mắt nhìn ra tứ phía là những dãy núi xa lặng lẽ chìm trong mây. Những căn nhà của người H’Mông, người Dao, người Thái, người Tày ẩn hiện trong mây trên lưng chừng núi như bức tranh thuỷ mặc. Ngay trong màn sương, chúng tôi tìm lấy cái đẹp lúc ẩn, lúc hiện mờ ảo trong dải nắng vàng.

      Cả buổi chiều leo lên đến đỉnh Hàm Rồng của Sa Pa vậy mà vẫn không nhìn thấy được một ánh nắng vàng xiên ngang trên đỉnh Phan xi păng là thế nào. Đã có rất nhiều nhà nhiếp ảnh đến đây tìm gặp cái đẹp vĩnh hằng trong chớp mắt trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nơi người ta có thể tưởng tượng ra rằng trong nắng vàng lấp lánh xiên ngang, đỉnh Hoàng Liên Sơn đẹp lộng lẫy thế nào không! Tôi chưa gặp bức ảnh Phan xi păng nào có dải nắng vàng trải trên đỉnh núi như hôm đứng trên Hàm Rồng của Sa Pa nhìn về dãy Hoàng Liên Sơn cao ngất mà vẫn chỉ nhìn thấy một màu mây trắng mênh mang lồng lộng. Giống như đã một lần tôi đứng từ Tam Đảo nhìn về phía tây nơi có ba ngọn núi, chính đó người Tam Đảo bảo rằng vì ba ngọn núi ấy nên nơi đây mới có tên là Tam Đảo, nhưng mãi một buổi chiều ở Tam Đảo mà cái chớp mắt vẫn không xuất hiện, thế nên tôi vẫn không thể nào nhìn thấy được, cũng chỉ tại mây thôi. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ tìm gặp bức ảnh của Hoàng Liên, tìm được vẻ đẹp huy hoàng đất trời trang điểm cho đỉnh Phan xi păng trong dải nắng chiều vời vợi trên đỉnh Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

      Có điều, tôi vẫn chưa đến được bãi đá cổ Mường Hoa mặc dầu đã đặt chân đến đất Sa Pa lộng gió, trữ tình. Thì đành vậy! Bãi đá cổ nằm trong thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van. Bãi rải đều quanh con suối cũng có tên Mường Hoa như thung lũng vậy. Đến được Mường Hoa phải có thời gian mà tôi lại không tìm đâu ra quỹ thời gian như thế. Người ta kháo nhau rằng bãi đá có rất nhiều hình dạng khác nhau tuỳ theo cảm nhận của người xem. Có tảng đá hình tròn như mặt trời, đứng ở góc độ nào đó lại thấy nhóm đá như hình nam nữ đang yêu nhau dưới ánh sáng mặt trời. Đấy là một bãi đá có sức hấp dẫn đặc biệt. Người thuở trước đã ra công thế nào mà nay lại có một bãi đá tuyệt vời đến vậy. Ấy thế, tôi vẫn chưa đến được. Thật tiếc! Chắc sẽ không có dịp nào nữa rồi. Đành vậy!

      Rời Sa Pa về Đà Nẵng, bất ngờ gặp lại cô bạn gái cùng tôi dạo bước tìm lại thời khắc vĩnh hằng của cái đẹp lồng lộng mà tự nhiên trên đỉnh Sa Pa ngày nọ. Ngồi uống nước với cô gái đồng bằng ven biển một ly dừa trên đường xuôi ra biển ầm ào tiếng sóng Mỹ Khê, trong tiếng ầm ào của biển, cô hỏi tôi: Sau một chuyến đi miền Tây bắc, chắc anh tìm được nhiều cái đẹp tự nhiên pha chút mơ màng tại Sa Pa hoặc trên đỉnh Hoàng Liên?

Em cũng lãng mạn đấy!

      Tôi không trả lời cô gái, uống cạn ly nước dừa nhìn con đường chạy xuôi ra biển, nhộn nhịp quen thân. Bất giác tôi nhớ tới Sa Pa, nhớ một buổi chiều ngồi với người bạn uống ly cà phê trong một quán nhỏ, ven đường lên nhà thờ cổ kính, rồi một lần đi dạo chợ nhìn những quầy hàng bày bán áo quần người dân tộc H’Mông sặc sỡ, những loại cây trên rừng bứt về làm thuốc được bày bán rất nhiều tại chợ, rồi dụng cụ làm nương rẫy của đồng bào dân tộc … Trong chợ Sa Pa, hàng hoá ở đây được bày bán đặc trưng theo nhu cầu của vùng cao, có quá nhiều thứ để có thể chọn mua hay ngắm cho đã mắt. Những cái khèn và một số nhạc khí khác của dân tộc H’Mông cũng được bày bán, giá cả phải chăng. Lại nhớ, cùng người bạn gái dạo chơi lên đỉnh Hàm rồng của Sa Pa lộng gió, nhìn quanh. Chợt nghĩ chỉ một lần như thế rồi thôi, chắc đâu tôi có thể có được đến hai lần về lại chốn ấy để ngao du thiên địa hải hà như cách nói của những người quen với cuộc sống lang bạt kỳ hồ, rằng “nhất khứ bất phục phản”. Hiểu nôm na là đi tìm cái đẹp trên đỉnh Sa Pa mà lạ thay cái đẹp vĩnh hằng chỉ đến một lần và không bao giờ trở lại như cái chớp mắt của con người – của người con gái mà tôi đã gặp trên đỉnh Hàm Rồng một chiều tháng sáu.

       Cô gái bất chợt nhìn trời rồi nhìn thành phố. Biển vẫn ì ầm tiếng sóng trong tôi.

Sa Pa, 6/2004

Cẩm Lệ