Đôi nét về cấu trúc, khúc thức và điệu thức
của hò khoan vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng
Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tìm về cội nguồn và sự hình thành của các điệu Hò khoan, chúng tôi nhận thấy mỗi điệu hò khoan đều có cấu trúc khác nhau với màu sắc giai điệu và tiết tấu khác nhau, song vẫn dựa trên cơ sở cấu trúc âm nhạc dân gian người Việt và khúc thức, điệu thức dân tộc theo hệ thống ngũ cung.
- Cấu trúc, khúc thức của Hò khoan
Theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu thì âm nhạc dân gian của vùng Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Triều Tiên và Việt Nam khá tinh tế với hệ thống ngũ cung dân tộc. Riêng với làn điệu Hò khoan vùng Quảng Nam – Đà Nẵng thì có thể căn cứ vào hai phương thức để đánh giá:
– Thứ nhất là dựa vào kinh nghiệm sử dụng bài bản từ xưa đến nay.
– Thứ hai là căn cứ vào hình thức cấu trúc về mặt kỹ thuật, tức là dựa vào âm nhạc học, kết hợp với âm nhạc truyền thống để đi đến sự thống nhất cao.
Về cấu trúc thì các điệu Hò khoan được diễn xướng trong quá trình lao động tập thể, thường có một người kể lấy đà, khởi xướng cho tập thể xô đều đặn nhịp nhàng: Hố hụi!, hụi hò khoan!, hố khoan hố xạ! Là hò hỡi lơ!, Là hố khoan!… Còn Hò khoan đối đáp thường có tiếng đệm xô nhẹ nhàng như: à ơi!, khoan hố hợi là hò khoan! Ớ ơ ờ…
Về tiết tấu, nhịp điệu thì các điệu hò trong lao động có động tác mạnh thì tiết tấu rõ nét, chắc khỏe, nhịp nhàng như hò giã gạo, hò giã vôi, hò tát nước, hò đua thuyền… Giai điệu thường tiến hành có những bước nhảy quãng 4, quãng 5 và có những dấu lặng để ngắt câu, ngắt đoạn dứt khoát, ngắn gọn phù hợp với động tác lao động trong từng công việc cụ thể hoặc trong sinh hoạt hằng ngày.
Bố cục của điệu hò gồm 3 phần: Hò, kể và xô
Cả 3 phần này được liên kết với nhau thật sinh động, tạo nên không khí xướng họa đầy lôi cuốn, phong phú về sắc thái, mỗi thể loại phù hợp với một công việc lao động cụ thể.
+ Phần hò: thường ở ngay đoạn mở đầu, được một chất giọng khỏe vang cất lên dẫn dắt vào bài hò, như hò khoan đối đáp:
À ơ! Khoan hố hợi là hò khoan
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
Hoặc ở câu kết trữ tình, mượt mà của điệu hò giã gạo:
Mời anh bát nước chè xanh (ta thì rồi)
Ta thi nhau gánh (ơ hà ơ) cho nhanh bạn cùng
+ Phần kể
Tiếp nối phần hò, thuộc phần thân bài, có khi ở vị trí đầu phần hò hoặc trước phần xô. Thường là được một người hát lên thể hiện nội dung điệu hò, giai điệu uốn lượn linh hoạt, phong phú. Mặc dầu luôn theo đúng quy định về điệu thức, về cấu trúc (mở, thân bài, kết), song mỗi người hát, mỗi lần hát lại có một cách thức biểu hiện riêng, đầy sáng tạo.
Các điệu hò trữ tình như hò chèo thuyền, hò đối đáp trong sinh hoạt hội hè trên sông nước hoặc trên cạn thì tiết tấu tự do, thư thái buông lơi, giai điệu êm ái, mượt mà thường tiến hành những quãng liền bậc, bình ổn tạo cho làn điệu thêm mượt mà, đằm thắm. Lời xô thường dài hơn, ngân nga bay bổng hơn.
Dù là điệu hò khoan lao động hoặc hò khoan đối đáp trong hội hè, gặp gỡ, song lời hát câu hò đều có ý nghĩa khá sâu sắc, bóng bẩy, trong từng câu hò sự kết hợp giữa lời và nhạc thật hợp lý, thật lô gích, vừa mộc mạc lại vừa tinh tế.
Như vậy, mỗi điệu hò khoan vùng đất Đà Nẵng đều có phong cách, đặc điểm riêng, song điệu hát hò khoan là lối hát có cấu trúc và tiết tấu, giai điệu đặc trưng, hết sức độc đáo của người dân xứ Quảng, có lẽ do ảnh hưởng ngữ điệu nên Hò xứ Quảng chân chất mộc mạc, không được gọt giũa, trau chuốt như Hò những vùng khác.
Điệu thức:
Về điệu thức thì chúng tôi nhận thấy các điệu Hò khoan vùng Quảng Nam – Đà Nẵng thuộc về âm nhạc điệu thức (musique – melody) khác với nhạc phương Tây là nhạc chủ điệu (musique – tonal) có hệ thống công năng rõ rệt, lấy chủ âm làm cơ sở cho sự ngưng nghỉ hoàn toàn (kết câu, kết đoạn). Nhạc điệu thức đánh giá thang âm tương đối bình đẳng, âm chủ không phải là âm tiêu biểu cho sự ngưng nghỉ hoàn toàn, do đó âm nhạc trong các điệu Hò khoan đất Quảng cũng bao gồm trong 5 loại thang âm ngũ cung dân tộc, có trong các làn điệu âm nhạc dân gian người Việt, từ miền Bắc đến miền Nam. Đó là các điệu Do cung, Re thương, Mi giốc, Sol chủy, La vũ.
Hò khoan xứ Quảng được cấu tạo trên điệu thức 5 âm, theo hệ thống thang âm ngũ cung Do, Re, Mi, Sol. La.
- Cấu trúc, khúc thức và điệu thức của Hò khoan đối đáp trong các buổi sinh hoạt hội hè:
So với các điệu hò lao động thì hò khoan đối đáp mang đậm phong vị nông thôn, là một lối hát nói theo ngẫu hứng, giai điệu đơn giản; tiết tấu tự do dàn trải, đầy chất ngâm ngợi, vì vậy dễ phổ biến, có từ lâu đời trong dân gian và tồn tại cho đến ngày nay. Ban đầu người ta chỉ hát để tự sự, ru con, song với nét đặc trưng khá riêng biệt của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, dần dần hò khoan đối đáp đã phát triển trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của cư dân vùng đất này.
Giai điệu hò khoan đối đáp nhẹ nhàng, có vần điệu thật tự nhiên, tiết tấu khoan thai dựa trên lời hát lục bát, có thêm tiếng đệm cho dễ ngâm ngợi khi hát và khi ứng đáp người hát có thể thêm vào những lời hát có nội dung phù hợp với hoàn cảnh và đối đáp chuẩn xác với người cùng tham gia buổi hát.
– Cấu trúc :
Hò khoan đối đáp có cấu trúc như một đoạn đơn phát triển, tuy nhiên điều bất di bất dịch là luôn mở đầu bằng câu hát À ơi ! và kết thúc bằng câu hò: Khoan hố hợi là hò khoan, đó là nguyên tắc của hát hò khoan, dù có thay đổi bao nhiêu lời hát với nội dung khác nhau đi nữa thì điệu hò khoan vẫn luôn mở đầu và kết thúc như vậy. Thường lời ca bắt nguồn từ câu ca dao song thất lục bát (2 câu 7 chữ đi với 1 câu 6 chữ, 1 câu 8 chữ), trong đó có thêm tiếng đệm Chớ, để câu ca dao trở thành câu hát hò khoan.
À ơi !
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm,
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
(Chớ ) bạn về nằm nghĩ gác tay
(Chớ ) nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng ơ ơ ớ ớ ơ ta?
Khoan hố hợi là hò khoan
– Thang âm điệu thức: Sol chủy
Hò khoan thuộc điệu thức Sol chủy, có 4 âm Sol, La, Do, Re (thiếu âm Mi). Dù chỉ 4 âm nhưng đã tạo thành một làn điệu dân ca hoàn chỉnh. Đồng thời, là một thể loại âm nhạc dân gian có hình tượng âm nhạc phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính bản địa, những âm Sol, La, Do, Re tạo thành trục âm cơ bản gồm quãng 4, quãng 5.
Hò khoan đối đáp có quãng 7 thứ đi xuống và đi lên (Do – Mi, Mi – Do), cũng là quãng đặc trưng, quãng âm này mặc dù là quãng nghịch đối với âm nhạc phương Tây, nhưng lại là quãng thuận đối với âm nhạc dân tộc. Giai điệu tiến theo vòng công năng: IV- V- I.
Đặc trưng của hò khoan đối đáp còn là từng đôi nam nữ hoặc nhóm nam nữ hát đối đáp qua lại, cũng với một làn điệu nhưng nam và nữ hát cách nhau một quãng 4 đúng, có tính cách mô phỏng, đối vị 2 bè : Nữ vào giọng Sol thì nam vào giọng Do (quãng 4 Sol – Do)
Chính quãng 7 thứ là quãng đặc trưng của Hò khoan đất Quảng .
Ngoài ra trong giai điệu, nốt Do được coi là bậc IV, nốt Sol là bậc I, nốt Re là bậc V. Như vậy ta có vòng công năng như sau: IV-V-I
- Cấu trúc, khúc thức và điệu thức của một số điệu Hò khoan trong lao động trên sông nước và trên cạn:
4.1. Hò khoan trong lao động trên sông nước
* Hò đua ghe :
Về giai điệu phần kể và phần xô diễn ra trong tiết nhịp ngắn, theo một quy luật chung với motif âm nhạc ngắn gọn. Hò đua ghe được chia làm 3 giai đoạn
Mở đầu :
Một người kể theo âm bậc II và bậc III của điệu thức chính (nốt Re – Mi), bạn chèo xô theo hòa âm ngược lại (Mi – Re) , giai điệu mở đầu tiết tấu chắc khỏe, đều đặn.
Kể : Hò huớ hơ… Tôn phò tạo tử, hội ni thi tài
Tiên xa nước thẳm bao nài
Ngày đi không sóng, tối ngựa Ngài sang Tiên
Xô : A…hô…hố khoan
Kể : Khoan hỡi khoan
Xô: Hò khoan
Kể : Hò hỡi khoan
Xô: Hò khoan
Kể: Khoan hỡi khoan
Xô: Hò khoan- hò hỡi khoan – Hò khoan
Giai đọan II :
– Người kể với 3 âm bậc V, bậc I và bậc IV (La, Re, Sol), Xô theo hai âm bậc IV. Tiết tấu giai đoạn này nhanh hơn đoạn đầu, người kể cất giọng hò gấp rút hơn, tiết tấu khỏe và khẩn trương hơn.
Kể : Hò
Xô : Ơ ờ ơ!
Kể: Bôn ba ớ nước chảy gài kịp gài à!
Xô: Ơ ờ ơ!
Kể: theo cho ờ! Kịp bạn ờ…
Xô: Ơ ờ !
Kể: Vãng lai đôi lời
Xô: Hò ơ khoan.
Giai đọan III :
Lời kể chỉ trên 3 âm bậc VI – I – VI (Si – Re – Si), còn lời xô chỉ trên 2 âm bậc I – VI, Tiết tấu càng nhanh thì bạn chèo càng đưa ghe lao nhanh tới đích.
Kể : Xạ hố xạ Xô: Hố xạ
Kể : Phách nhứt xạ Xô: Hố xạ
Kể : Phách nhì xạ Xô: Hố xạ
Kể : Phách ba xạ Xô: Hố xạ
Kể : Hàng dằm xạ Xô: Hố xạ
Kể : Nghiêng mình ra Xô: Hố xạ
Kể : Xếp cánh lại Xô: Hố xạ
Kể : Đào sâu xuống Xô: Hố xạ
Kể : Lái mũi xạ Xô: Hố xạ
Kể : Xạ hố xạ Xô: Hố xạ, hố xạ, hố xạ…
Nét đặc biệt là hò đua ghe chỉ sử dụng một motif âm nhạc từ đầu đến cuối, tạo nên một tốc độ nhanh sôi nổi, âm nhạc như thôi thúc từ người cầm lái đến các bạn chèo đồng tâm nhất trí đưa chiếc ghe lao vút trên mặt sông vượt qua mọi chiếc ghe cùng đua.
Điệu hò đua ghe mang tính cộng đồng cao, nó đã làm cho người xem thêm đông đúc, thêm hứng thú vui vẻ, còn người tham gia cầm chèo thì hào hứng quên đi mệt nhọc, vừa chèo vừa hò thật đều, thật to theo nhịp độ nhanh dần, giống như một hình thức vang vọng dõng dạc trên mặt nước theo trục âm Si, Re, Mi.
4.2. Hò khoan trong lao động trên cạn
* Hò giã vôi:
Trong những buổi giã vôi làm nhà, để tạo thêm sức lực và nhịp nhàng, để cho tiếng chày đều đặn, chắc khỏe không va chạm vào nhau, mọi người lại cùng hát lên điệu hò giã vôi.
Cấu trúc khá ngắn gọn cân phương, cô đọng súc tích với hai đoạn nhạc có phần mở đầu và kết thúc chỉn chu.
Mở đầu điệu hò có một giọng chủ lực cất giọng vang lên hò, rồi người xô nhắc lại 2 từ cuối, người kể lại hát lên và người xô chỉ nhắc lại lời hát cuối của người kể trước khi bước vào bài, cứ thế người kể và người xô xướng họa liên tục:
Hò : Hố hò hố hụi! Xô: Hố hụi
Kể: Xít hụi hò khoan! Xô: Hụi hò khoan
Vào đoạn I, người hát kể và xô liên tục, Âm cơ bản của làn điệu này là Re, Sol. Mở và kết đều ở nốt Re, kết câu kết đoạn ở nốt Sol, tức là âm bậc IV:
Kể: Lửa cháy núi lan! Xô: Hụi hò khoan.
Kể: Ngó lên! Xô: Hụi hò khoan
Kể: Lửa cháy núi lan. Xô: Hụi hò khoan
Kể: Bạn ơi (mà) khoan đã. Xô: Là hố khoan.
Kể: Lửa tàn hãy hay . Xô: Hụi hò khoan!
Xô: Hụi hò khoan! Xít hụi hò khoan!
Điệu hò này có tiết tấu chắc nhịp, mạnh mẽ, có những âm hát kể được nhấn rõ ràng, tạo không khí khắc họa sự nhộn nhịp của buổi giã vôi.
Nét đặc trưng của điệu hò này là người xô thường nhắc lại phần đuôi câu hò của người kể. Hò giã vôi thuộc điệu thức Re thương, trong đó nốt mi xuất hiện chỉ là âm phụ, không nằm trong điệu thức.
* Hò giã gạo:
– Điệu hò giã gạo giai điệu khá tự do, dàn trải, lời ca hàm ý đưa đón, mời mọc, đưa đón như thể loại hát giao duyên trong khi giã gạo, khi hát lên tạo ra sự tương phản giữa tiết tấu và lời hát, đây là nét đặc trưng của điệu hò này. Nét giai điệu vẫn phát triển, với tính chất đặc trưng này làm cho điệu hò giã gạo khá sinh động, tạo được sự lôi cuốn cho người tham dự, do đó mà dẫu cho trong cối, thóc lúa đã được giã hết thành những hạt gạo trắng trong, công việc giã gạo đã xong, nhưng đôi bên nam nữ vẫn chưa muốn giã bạn, để cho lời hát giao duyên được tỏ bày trọn vẹn.
Điệu hò này vào ngay âm bậc II (Mi), kéo dài tự do ở âm vực cao, lơ lừng diễn tả sự ngập ngừng e ngại ban đầu khi muốn ngỏ lời mời người bạn giã gạo cùng hát. Âm kết câu, kết đoạn đều ở bậc IV. Kết bài thì kết trọn về bậc I, chủ âm. Giai điệu có nhảy quãng xa (quãng 7, quãng 5). Điệu thức Re thương
Mở đầu điệu hò có cả người kể và người xô, người xô chỉ đệm theo câu hò của người kể :
Hò: Hố khoan hố hợi là hò khoan
Xô: Hà ơ ơ
Đoạn I có 4 câu lục bát có đệm thêm 2 từ chớ, mà làm đậm đà sắc thái câu hò :
Kể : Em là con gái Thanh Lương
(chớ) thấy anh gánh lúa vừa thương vừa mừng
Mồ hôi (mà) ướt cả trán, lưng
Hỏi anh ( mà có mệt)
Đoạn II cũng với 4 câu, ý hò tiếp nối đoạn I
Xô: Hà à ơ ơ gánh dùm cho em
Kể: Mời anh bát nước chè xanh
Ta thi (rồi) nhau gánh
Xô: Hà ơ… cho nhanh đi bạn cùng!
– Kết bài :
Khoan hỡi hò khoan
* Hò đạp chè:
– Hò đạp chè cũng như hò giã vôi, là loại hò trên cạn, nhưng nhịp điệu lại không giống nhau, nếu hò giã vôi có tiết điệu mạnh mẽ phù hợp với việc giã vôi, phải giã thật mạnh cho những khối vôi cục vỡ ra thì hò đạp chè tiết tấu lại nhẹ nhàng hơn trong công việc nhồi chè thành khối chậm chạp, uyển chuyển đi cùng giai điệu khoan thai, mềm mại với lời hát dung dị, chân chất.
Hò: Hơ…..Hò hơ hớ hơ, hớ hơ!
Kể : Lụa Quảng Nam tấm nào cũng đẹp
Sợi tơ vàng thêu dệt ý thủy chung
Dù cho cách núi ngăn sông
Trăm cay ngàn (ơ) đắng
Đừng để cho lòng lãng xao
Xô: Khoan hố hợi hò khoan!
Kể : Lên non (mà) mới biết non cao
Xuống biển mới biết biển sâu mấy từng.
Xô: Hố hợi hò khoan!
* Hò tát nước:
Với giọng hò ngọt ngào, mênh mang, tiếng xô đệm theo rập ràng, lập lại câu kể bay bổng, điệu hò tát nước ngân vang lanh lảnh trên khắp ruộng đồng giữa đêm hôm khuya khoắt càng khắc họa thêm sự cực nhọc và tình cảm của người nông dân với ruộng đồng trong mùa nắng hạn.
Khi hát, dù không chú ý song với công việc diễn ra thường xuyên bằng các động tác lặp đi lặp lại nên người tát nước luôn xô theo đúng các phách mạnh trùng khớp với lúc chiếc gàu múc nước vào gàu, phách yếu thì nâng gàu lên rồi đúng phách mạnh lại ngửa người đổ gàu nước xuống ruộng trong đó sự đan xen đảo phách lệch ở sau lời kể càng tạo thêm sự chú ý cho người tát nước, đồng thời làm câu hò thêm phong phú, cứ thế nhịp nhàng theo một chu kỳ đều đặn hết kể lại xô.
Hò : Khoan bớ hò khoan a hò
Xô: Là hô ô khoan
Kể : Tháng ngày (là ngày) tát nước (mương) đào mương
Xô : Mương đào mương
Kể : Lúa khô (là khô )mạ cháy
Xô : Mạ cháy
Kể : Càng thương (đồng ơi) ruộng (à) đồng
Xô : Càng thương (đồng ơi) ruộng (à) đồng
Kể : Càng thương!
Xô: Ta càng thương!
Kể : Ruộng đồng
Xô : Là hô ô khoan
– Cấu trúc tương tự hò giã vôi
– Điệu thức Re thương
*
Qua phân tích cấc trúc, khúc thức và điệu thức các điệu hò trên đây, có thể nhận thấy:
Khi diễn xướng hò khoan trong lao động thường có một người kể lấy đà khởi xướng rồi tập thể xô theo. Tiết tấu nhịp điệu chắc khỏe rập ràng trong các điệu hò có động tác mạnh như: Hò giã vôi, hò giã gạo, hò đua ghe, hò tát nước. Giai điệu thường tiến hành có những bước nhảy quãng 4, quãng 5 và có những dấu lặng để ngắt câu, ngắt đoạn dứt khoát, ngắn gọn phù hợp với động tác lao động trong từng công việc cụ thể hoặc trong sinh hoạt hằng ngày.
Có thể cùng một làn điệu Hò khoan, song khi hát trên chuyến đò ngang thì gọi là hò chèo thuyền đò ngang, hát trên chiếc ghe đi dọc theo sông lạch thì gọi là hò chèo thuyền trên sông lạch và hát khi tát nước gàu sòng thì gọi là hò tát nước.
Có nghĩa là chỉ trên một làn điệu chính, người hát có thể biến hóa đi, thêm bớt, co giãn phần tiết tấu – giai điệu cùng với những câu lục bát phù hợp với nội dung công việc và khung cảnh lao động khác, lâu dần lại một điệu hò riêng biệt cho từng công việc lao động như hò tát nước, hò chèo thuyền đò ngang…
Cũng như các thể loại văn nghệ dân gian khác, Hò khoan của vùng Quảng Nam – Đà Nẵng mang tính đa giá trị, song cơ bản là có các giá trị: nhân văn, đạo đức và thẩm mỹ, đồng thời làm cố kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Đây là những giá trị xuyên qua mọi thời đại, bất biến với thời gian. Vì loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này luôn gắn liền vớí đời sống cư dân vùng ngoại ô và nông thôn vùng Quảng Nam – Đà Nẵng nên cần có các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị đặc trưng của nó. Qua khảo sát thực tế, có thể nhận thấy, Hò khoan nói riêng, văn nghệ dân gian vùng Quảng Nam – Đà Nẵng nói chung, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, đã và đang trên đường mai một, bị lãng quên trong cộng đồng, thi thoảng mới xuất hiện tại các liên hoan – hội diễn văn nghệ quần chúng các cấp trong thành phố. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Để góp phần cứu vãn tình trạng đó, chúng tôi khuyến nghị về các giải pháp mang tính chiến lược và những giải pháp mang tính tình huống. Các giải pháp mang tính chiến lược bao gồm: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; việc trao truyền. Các giải pháp mang tính tình huống bao gồm: Kế hoạch tổng kiểm kê; phổ biến các văn bản, chính sách; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản; phục hồi sinh hoạt hát Hò khoan trong các cộng đồng thôn, xã, phường, khu phố.
Nhìn chung, những giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng Hò khoan trong tầm chiến lược nêu trên, cần thiết phải có những lực lượng xã hội tham gia thật đồng bộ. trong đó ngành văn hóa đóng vai trò chủ chốt. Phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng rất cần được vận dụng, triển khai trong quá trình thực thi nhiệm vụ quan trọng này.
Không chỉ ngành văn hóa mà cả giới khoa học, nghiên cứu cũng như các nhà hoạt động văn hóa không chuyên đều trăn trở khi nhận thấy rằng việc vận dụng và tìm ra giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng Hò khoan là một bài toán khó trước đời sống xã hội đương đại. Tuy nhiên, trước hiện trạng một số loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian vùng Quảng Nam – Đà Nẵng đang dần dần mai một, lương tâm chúng ta không thể làm ngơ, phó thác cho xã hội. Mặc dù đây chỉ là giải pháp ban đầu, song chúng ta tin tưởng rằng, nếu được triển khai thực hiện, chắc chắn nó sẽ đem lại những kết quả và lợi ích nhất định đối với việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Hò khoan trên vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng.
Mới đây vào cuối tháng 8 năm 2017, Hò khoan Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Chúng ta đang mong chờ sẽ đến lượt Hò khoan xứ Quảng có trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia như Hò khoan Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Vấn đề quan trọng của việc bảo tồn là phải làm cho Hò khoan xứ Quảng sống được trong đời sống cộng đồng chứ không chỉ là tồn tại lặng lẽ qua hình ảnh, băng đĩa trong các bảo tàng./.