LỄ HỘI ĐẮH TRÍ NGƯỜI CƠ TU

355

    LỄ HỘI ĐẮH T’RÍ (lễ đâm trâu) NGƯỜI CƠ TU

 

Đối tượng suy tôn: Giàng, lực lượng siêu nhiên (thần linh)

Địa điểm           : Huyện Hiên, Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng                                                                                                                                               Nam, huyện Hoà Vang, Tp Đà Nẵng

Thời gian          : Vào dịp kết thúc vụ mùa hàng năm/khác

Đặc điểm          : Toàn dân tham gia, múa hát.

Video: Đông Giang đại ngàn (Múa trống chiêng tại làng Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng)

        Để chuẩn bị lễ hiến tế đắh t’rí lên thần, sau khi thống nhất ngày giờ, dân cả làng tập trung nhận nhiệm vụ, phân công nhau chuẩn bị. Cột neo – x’nur đ’đoong – phải hoàn thành xong trước đắh t’rí một đến hai ngày. Cột neo x’nur đ’đoong là cây dùng cột con trâu, bằng gỗ tốt, chắc, đốn từ rừng về, được chôn chặt xuống đất tại một bãi đất trống. Cũng như người Co, người Cơ tu trang trí chạm trổ các đường nét hoa văn trên cây neo thật đẹp, mang đặc trưng văn hoá dân gian dân tộc. Từ chân cột lên chừng 1,8 – 2 mét được đẽo cây theo nấc, giữa hai nấc trên dưới này họ đẽo thành bản để trang trí hoa văn vào đấy. Đối diện giữa thành bản người ta đẽo và gắn hai tấm ván gọi là gương. Trên ngọn x’nur- đ’đoong, đan một cái pa’pa gọi là ổ. Trên ổ pa’pa các nghệ nhân vót nan tre, hoặc lồ ô, dang rất mỏng uốn cong tạo nên những đường hoa văn đẹp. Ổ pa’pa là nơi đặt gà và đuôi trâu lên cúng. Khi hành lễ, chủ lễ tưng gà và đuôi trâu lên phải trúng và lọt vào ổ pa’pa thì mới được giàng chứng giám và chấp thuận.Đối với đồng bào dân tộc Cơ tu, lễ hội đắh t’rí không do làng tổ chức mà do mỗi gia đình tự lo, sau đó cả làng vào cuộc và xem đây là lễ hội chung của cả làng. Tham gia vào hội, họ hát múa tưng bừng cùng với tiếng chiêng, trống trầm hùng vang động cả một khu rừng. Trâu đối với các dân tộc thiểu số là một loại hàng hoá đặc biệt có vị trí quan trọng trong sinh hoạt xã hội, tâm linh của họ.Từ hôn nhân, gia đình đến dùng làm vật hiến tế cúng giàng, cúng đất, tranh chấp đất đai, sông suối, cưới vợ, gả chồng…. Trong một đám cưới có trâu mới xong được việc, cho dù đã ăn ở với nhau có khi đã hai mặt con nhưng chưa có lễ đâm trâu trong ngày cưới xem như thủ tục cưới chưa hoàn thành, cho đến chừng nào người đàn ông có trâu bổ sung vào lễ cưới trước đây, chừng đó xem như lễ cưới đã hoàn thành. Do  đó, người đàn ông Cơ tu có tập tục cưới vợ lần thứ hai là vậy. Trâu còn được sử dụng vào các ngày khánh thành nhà gươl, nhà mới, đất mới, hoặc trong làng có niềm vui được mùa, được việc gì đấy có lợi cho làng đều tổ chức đắh t’rí ăn mừng; hoặc trong làng liên tiếp xảy ra mất mùa, xui xẻo, rủi ro, chết xấu… cũng phải tế thần linh bằng trâu.

        Đ’đoong làm bằng hai cây tre dài (người Co làm bằng hai cây gỗ rừng) cao, được trồng song song với cây neo x’nur. Từ mặt đất trở lên cách một mét (ngang tầm nhìn), các nghệ nhân trang trí các loại hoa vót bằng tre, nan tre mỏng mảnh, tạo thành chuỗi hoa dài, tạo các đường hoa văn cổ truyền của người Cơ tu.

        Để dựng cây neo x’nur, sau khi đào lỗ ngoài bãi đất xong, tiến hành thủ tục: dùng một con gà trống tơ, cắt cổ lấy huyết cúng máu bên lỗ dựng neo, đánh trống chiêng một vòng quanh nơi chuẩn bị dựng cây x’nur. (Người Co cúng bằng một con heo). Dùng một ít rượu, mồi vãi ra chung quanh nơi dựng cây neo. Vị chủ lễ khấn với giàng:

        Nay, chúng tôi cúng chỗ sân này báo cho thần núi, thần sông, suối và giàng biết chúng tôi dựng cột neo để đâm trâu và các ngài không được trách móc. Chúng tôi mời thần thánh về đây chứng giám cuộc đâm trâu này và về đây dùng thịt trâu cùng chúng tôi và cho chúng tôi khoẻ mạnh, giàu sang [1].

        Vị chủ lễ khấn xong, thanh niên xúm lại khiêng cây neo lễ dựng lên trồng vào lỗ cột trong tiếng chiêng, trống vang lừng và điệu muá t’tung t’tung – da dă nhộn nhịp.

 Xem video “Lễ hội người Cơ Tu Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng: (VAN NGUYEN)

        Cột trâu vào cây neo lễ x’nur tế thần, lễ tiến hành đơn giản nhưng phải có đánh trống chiêng vang lên, và tuỳ theo lễ tiết mà tiếng chiêng giữ nhịp cũng khác nhau. Lễ của làng có chiêng trống vì đây là việc chung, vị già làng đưa trâu đến và buộc vào cột neo. Nếu lễ dùng vào việc riêng cho gia đình như cưới hỏi, vào nhà mới… thì vị chủ nhà tự tay buộc trâu vào cột và chiêng trống cũng được gióng lên. Buộc trâu vào xong đến khi đâm trâu tuỳ thuộc vào quá trình tiến hành lễ, đôi khi từ 1 đến 2 ngày mới đâm trâu – tắc t’rí – Thủ tục đâm trâu tiến hành như sau:

        Chiều tối trước ngày đâm trâu, vị già làng (nếu tế trâu vì việc chung, chủ nhà nếu vì việc riêng) tổ chức cúng trâu – dục t’rí – tại sân bãi. Thủ tục cúng dục t’rí phải có một con heo, một con gà trống tơ và chai rượu. Lễ chỉ cúng đầu  heo, gà luộc cúng ngay tại cây x’nur thưa với giàng biết rằng: mọi việc đã chuẩn bị đâu vào đấy, ngày mai làng quyết định đắh t’rí. Sau lễ, thịt heo được kho, nấu ăn uống trong đêm, và ca múa chờ trời sáng. Đêm chờ sáng, cả làng tập trung tại sân bãi múa hát vui vẻ đến khuya, ai mệt thì về nhà, các cụ già trong làng ở lại – thực hiện nơơi – khóc tế trâu – đến sáng. Các cụ mở đầu câu khóc nơơi bằng câu: Bhôông dốch li dôl mây châu – Trâu ơi, giờ đã buộc vào neo biết gỡ vào đâu – rồi sau đó khóc tiếp những nội dung liên quan khác. Trong những câu khóc tiếp thường thể hiện nội dung: kể khổ, nói lên việc đời đau xót, khổ ải, cả một đời người lam lũ nhưng vẫn quanh năm nghèo khó; việc nhà việc nước chưa xong, nay tuổi đã xế chiều, ai biết nay mai đời sẽ đi về đâu. Người ta khóc về trâu rồi khóc về mình, cả làng thổn thức không ngủ lắng nghe văng vẳng từ bãi sân làng đưa vào nhà tiếng khóc lý, nói về lẽ đời và căn dặn con cháu sống phải thương yêu nhau, có tình có lý, phải đùm bọc nhau mà sống. Mong con cháu, hàng xóm, đoàn kết, thành đạt, già có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng… Khóc trâu là biện pháp nhân cách hoá con trâu, nhằm thể hiện tình cảm yêu thương con người với nhau, thương trâu cả đời lam lũ phục vụ con người nay cũng hiến xác thịt cho thần, cho người. Còn nếu trâu hiến tế là của riêng gia đình như đám cưới thì họ lại khóc trâu biểu hiện sự kể khổ, những điều chuẩn bị cho lễ cưới chưa đủ, chưa xứng tầm với con trâu như yêu cầu của nhà bên gái.

        Cử chỉ khóc tế trâu vào đêm trước ngày tế, người khóc tế thường thể hiện hết tất cả lòng mình trong việc thương tiếc trâu là biểu hiện tình cảm cá nhân riêng tư. Song thật sâu sắc khóc tế trâu ngoài chủ đích gởi vào tâm can của người nghe thông qua lý, qua tình, bằng những kỷ niệm sâu lắng của cuộc đời thì con trâu đêm đó cũng không thể ngủ được và dường như cảm nhận được rằng, trâu cũng thao thức, ngậm ngùi và chảy nước mắt như đã cảm nhận được nỗi niềm than khóc của người đang khóc mình.

        Khóc trâu – nơơi – là một sinh hoạt văn hoá dân gian cổ truyền của người Cơ tu miền múi phía Tây đất Quảng. Có thể hình dung ra rằng, giữa đêm khuya, nơi một bìa rừng nào đó, núi rừng yên ắng, gió rì rào trên bãi khuya giữa sân làng, một ngọn lửa phập phừng trong đêm tối đầy sao, cùng với con trâu buộc cổ vào nài với 5 – 6 người ngồi chống cằm kể lể trong tiếng khóc với tiếng trống ngắt nhịp 1-2-1, 1-2-1… liên hồi và ngắt quãng (không đánh chiêng) kèm theo lời thai ai oán, lý lẽ chân tình, mộc mạc, thể hiện hết nỗi niềm của mình, ta bắt gặp những đêm tế trâu như vậy thật là sâu sắc và là biểu hiện đặc trưng, đã đi vào lòng người với tâm thức linh thiêng. Đây là một nét độc đáo khó quên.

        Đêm đã qua, ngày đâm trâu sáng dần lên. Đắh t’rí thường diễn ra sau bữa ăn sáng, vị già làng (hoặc chủ nhà) làm lễ cúng tại nhà gươl (hoặc tại nhà riêng) xong, lễ cúng gồm: mâm xôi, chai rượu, con gà luộc, trứng luộc, gạo trắng, muối hạt, chén nước trong. Người cúng là chủ làng khấn với giàng báo rằng chuẩn bị tiến hành đắh t’rí. Chiêng trống giục vang theo lễ tiết đâm trâu. Tại nơi để cúng, vị già làng phân công làm một cái lán che bằng những tấm tút đẹp, người Cơ tu gọi là Têng đông bhr’ nuốih tắc t’ri. Sau khi lễ cúng tại gươl hoặc nhà riêng xong, mang mâm cúng về tại g’nâu – lán trại – đặt vào trại cúng lần nữa. (P’nhưa – cúng –  bh’nuốih tuỳ theo tính chất cuộc ăn trâu đó. Nếu tế vì việc riêng thì lời khấn cúng (p’nhưa): abhuy đông xang, p’rang l’piing; aghuy amế ama ava adêy; abhuy z’đêr đ’đăl c’râl đông… chô đắh t’rí đoọng hazi k’rơ ma’mông, ching gioo, k’van k’bhố. Nếu làng hiến tế trâu thì lời khấn: Abhuy k’tiếc k’ruung, k’coong dading, abhuy abhô đông tang p’rang z’noóc, abhuy ch’ngai đăn chô đắh t’rí k’văr đoọng ha zi k’van, k’bhố, k’rơ ma mông laling ching gioo, bớc a’roo abhoo). Xong lại mang đến gốc cây x’nur – cây neo lễ – cắt một ít thịt nơi đuôi trâu và thọc lấy ít tiết nơi mũi trâu để cúng thần đất, thần làng, thần cây trồng, vật nuôi và những người xấu số. Tại đây, vị chủ lễ khấn: Các thần núi rừng, làng trong làng xóm là một đừng ai xấu với ai, các giàng một lòng như nhau cầu cho chúng tôi nhiều lúa gạo, ngô bắp, của cải, ché chiêng; chặn điều xấu, điều ác, giữ cho chúng tôi sức khoẻ và sống lâu; hồn ông bà ban cho con cháu ấm no hạnh phúc. Đây, chúng ta đâm trâu, chúng tôi hiến trước cho các vị máu trâu tươi và gan ngon để các vị thưởng thức – các vị ban cho chúng tôi những điều tốt lành! Hú…hú…hú…[2]. Khấn xong vãi rượu, nước, gạo muối vào đầu trâu và thọc mũi trâu cho chảy máu, đoạn hứng ít máu mũi trâu mang đi cúng trên ổ x’nur. Xong lễ cúng là đến lượt đâm trâu.

        Người thọc mũi dáo đâm trâu nhát đầu tiên lưu ý rằng nếu việc của làng thì phải chọn người có uy tín trong làng, người biết rõ phong tục, tập quán Cơ tu trong việc đâm trâu, biết đâm trúng chỗ hiểm. Người đó phải nhận một chén rượu cần và con gà của làng cho. Sau khi trâu chết, làng phải trả ơn bằng một miếng thịt thăng lưng trâu cho người đâm nhát dáo đầu tiên này; còn nếu việc riêng của gia đình thì người đâm trâu đầu tiên là vị chủ nhà và không có tục lệ biếu con gà và chén rượu như việc làng.

        Để đâm trâu phải thúc cho trâu chạy vòng quanh cây neo lễ, khi trâu đang chạy thì đâm. Dụng cụ để đâm là dụ sắc, chắc cứng. Vị trí là đâm vào nách phải của trâu (không đâm bên trái), cũng không được đâm lung tung không đúng nơi quy định.

        Nếu vật hiến tế là con bò thì đập lên gáy, lên đầu hoặc cắt tiết cho nhanh chết. Truyền thuyết người Cơ tu kể rằng: xưa kia trâu và bò nói chuyện với nhau, trâu thì nói rằng trước khi chết nên đâm để được nhìn lâu trời đất và chứng kiến hát múa tiễn đưa, còn bò thì bảo trước sau cũng chết nên chết lập tức cho khỏi đau đớn.

        Việc đâm trâu vào nách phải là trâu tế vào việc tốt trong làng, trong gia đình, mục đích để cho trâu chết từ từ cho dân làng múa vui. Còn dùng cho việc xấu như tang lễ thì đâm vào bên trái, trúng tim, trâu chết nhanh, không múa vui linh đình.

        Nhát đâm trâu đầu tiên, người lớn tuổi thường để ý xem khi vừa đâm xong trâu có ngoáy nhìn người đâm nó không. Nếu ngoáy nhìn người đâm nó, họ cho rằng báo điềm xấu cho người ấy, họ lo sợ cho rằng khả năng người đó không sống lâu, chính vì lẽ này người ta phải thúc cho trâu chạy, họ mới đâm từ sau lưng trâu để trâu khỏi nhìn người đâm mình nhát đầu tiên.

        Khi trâu chết, người ta quan sát xem trâu ngã về phía nào, từ đó thực hiện quan niệm xem vật đoán việc. Người Cơ tu cho rằng trâu ngã chết có liên quan đến chủ nhà hoặc cả làng. Đây là điềm báo tốt hoặc xấu: nếu trâu chết tốt, tức trâu ngã không đè lên nơi vết đâm, bụng ôm vào cây x’nur, đầu hướng vào nhà chủ hoặc nhà gươl (nếu là điểm báo cho làng). Trước khi chết, trâu không dãy đất, không kêu rống là điềm tốt cho nhà chủ; trâu ra máu nhiều, chảy xuống đất, người Cơ tu tin rằng năm này sẽ được mùa to; còn nếu ngược lại là điềm không tốt cho nhà chủ và dân trong làng. Bởi người Cơ tu quan niệm rằng, trâu rống mà dãy đất, kêu rống thảm thiết là trâu có nguyện vọng lạy đất, kêu trời, việc trâu chết là oan sai. Về sau, chủ nhà hoặc dân trong làng thế nào cũng gặp nhiều bất trắc trong cuộc sống.

        Trâu tắt thở, người ta nhanh chóng mang nước lã đến tạt lên mình trâu, đổ vào chỗ có vết đâm để trâu chết nhanh và tăng thêm lượng huyết ứ. Lại dùng lá chuối rừng băm trên xác trâu, có ý cho rằng lượng thịt trâu không hao tổn; đồng thời chủ nhà (việc riêng), vị già làng (việc chung) mang tấm tút, chiêng, trống đặt lên mình trâu, xong rãi rượu, gạo muối, nước vào đầu trâu là biểu hiện sự chia của để linh hồn trâu mang về thế giới bên kia an giấc, để lại cho con người nhiều sự tốt lành.

        Chủ lễ hoặc vị chủ nhà cắt một ít đuôi trâu, một ít thịt gà, vật lễ ném lên ổ pa’pa trên cao, nơi đã đặt sẵn cái ổ cúng trên đầu cột x’nur. Khi ném trúng và lọt và ổ cúng xem như giàng đã chấp nhận mọi điều, nếu không phải cầu xin và tiếp tục ném chừng nào đuôi trâu, thịt gà và vật lễ lọt vào ổ mới thôi.

        Đối với dân làng vây quanh cột x’nur thành một vòng tròn múa hát vui vẻ, cúng xong tại cột x’nur, mâm cúng mang vào nhà gươl hoặc nhà chủ tiếp tục khấn với dang abhô – giàng – trong nhà hoặc làng biết trâu đã tắt thở chờ mổ thịt. Mâm cúng khấn dang abhô này chỉ do người già trong làng hoặc chủ nhà ăn mà thôi.

        Mổ trâu ngay khi cử lễ và thực hiện các tập tục xong, lấy một ít gan tươi xâu vào dây dang mang đi nướng chín, vị chủ lễ cắm xâu dang ngay tại cột cây neo lễ – x’nur – cúng thần ác [3]. Tại đây chủ lễ khấn: Trâu đã chết, nay cho các thần linh dùng trước gan ngon đừng quấy rầy hại dân làng nữa. Cúng xong, lại đem xâu gan vào cúng tại nhà, mục đích cúng thần tài, thần lộc, phù hộ, độ trì gia chủ và hiến trước gan trâu để dang abhô dùng , đừng đòi việc khác nữa. Lời cúng khấn như sau: Nâu zi đoọng pêê đắh loom gioó lóp la, nâu pêê đắh cha xang ư nâu ipêê chô, đớc ha zi k’rơ ma mông ching gioo, cr’van cr’bhố aví abhoo, ma mai xa xao. (Này, chúng tôi hiến cho quý ngài ăn gan trước, ăn xong việc đã trọn, mời quý vị về và phù hộ chúng tôi sức khoẻ và sống lâu, giàu sang nhiều lúa, nhiều ngô, nhiều ché chiêng, nhiều dâu rể).Khi chưa cúng gan thì bất cứ ai cũng chưa thể ăn thịt trâu được. Trong lễ cúng hiến tế trâu có việc phải kiêng cữ:

        – Vợ chồng có thai, vợ chồng vừa mới cưới nhau, người đang mang tang không được vào nơi diễn ra lễ cúng suốt những ngày làng (nhà) đang diễn ra hành lễ.

        – Cúng xong, trẻ em không được cho ăn mắt trâu vì sợ lớn lên chỉ biết nhìn mà không biết làm, không cho ăn tai trâu vì sợ chỉ nghe mà không chịu làm lụng, không ăn bộ phận sinh dục vì sợ mắt kém dễ ngoại tình.

        Sau lễ cúng, mổ thịt trâu chia nhau ăn uống bình thường không còn kiêng cữ gì nữa. Đêm sau lễ hiến tế chỉ ăn uống no say mà không múa hát điệu t’tung, điệu da dă như đêm trước, thanh niên nam nữ Cơ tu tập trung vào nhà tổ chức hát các làn điệu dân ca Cơ tu: cha’chấp, ca’lới, pr’lư bhr’noóh, đhưưng đhấp, k’lới tr’ghlếch… với các loại nhạc cụ như khèn, sáo. Có nhóm nói lý, hát lý với nhau để hiểu thêm chuyện làng, chuyện nhà, chuyện rèn luyện  đạo đức và kể chuyện cổ tích cho các em nhỏ nghe…

        Mờ sáng hôm sau, người chủ lễ lấy sọ trâu cõng lên lưng, múa 3 vòng cùng với tiếng cồng chiêng tại gốc cây x’nur báo cho giàng việc hiến tế đã hoàn tất, sau đó vào lại nhà cũng múa 3 vòng như ngoài trụ neo và khấn với giàng: Đây, việc ăn thịt trâu đã xong, từ đây các ngài không còn thắc mắc gì để đòi thịt trâu nữa. Mong quý ngài phù hộ, độ trì cho dân làng và trở về nơi cũ để lại cho con cháu những điều tốt lành, thành đạt.

        Từ đó, chiêng trống được mang đi cất không đánh nếu không có việc tế lễ để dùng. Lễ hội Đắh t’rí – ăn trâu – đến đây kết thúc.

 

 

[1] Nâu zi p’nhưa bh’nuốih đhí tang moon abhuy k’ruung k’coong, abhuy đông tang, dang brắh năl azi p’đhợng x’nur zi tắc t’rí, dang brắh năl oó k’téh k’điing ciing nhưa. Zi k’dua ipêê cho ăy đâu lêy hêê tắc t’rí lợng hêê đắh x’nénh đoo, đoọng ha zi k’rơ ma’mông, k’van k’bhố ! Hú…hú…!

[2]  Ipêê abhuy cruung, abhuy đông tang muy đoo, oó ngai mốp lợng ngai, ipêê liêm crêê đoóng hazi aví, abhoo, cr’van cr’bhố, zớ chiing c’riing zơr’nư. Xư azi ma’mông k’rơ;ra vai apêê t’coóh t’ha zoi zư zúp k’coon ta’đhi. Nâu hêê tắc t’rí đoọng hi pêê aham, loom l’lăm arướh pêê cha đắh ipêê k’văr – k’vợ đoọng ha zi đớh crêê đớh liêm! hú…hú…hú…3 lần.

[3] Thần ác được người Cơ tu quan niệm là những người chết xấu không vào nhà được.