ĐÌNH THẦN NÔNG LÀNG PHONG LỆ

487

           ĐÌNH THẦN NÔNG Làng Phong Lệ

 

             Làng Phong Lệ có một ngôi đền cổ kính. Tục lệ tại đây thường nói “Lính có đồn, dân có đình”. Đình làng là nơi thờ phụng, yếu tố biểu hiện đời sống tâm linh tinh thần của nhân dân. Cuối thời Minh Mạng, đình  Thần nông được xây dựng bằng tre, gỗ gọi là đình Thần Nông. Vị trí ngôi đình  nằm về phía tây làng Phong Lệ, toạ hướng tây – nam, trước đình có cây đa to, phong cảnh trang nghiêm, linh ứng. Năm 1933, thực dân Pháp xây dựng đường sắt xuyên Việt chạy ngang qua tiền đình. Theo quan niệm dân gian, đây được xem là điều tối kỵ không tốt cho  cuộc sống và phát triển của nhân dân trong làng, do đó đến năm Bảo Đại thứ IX, nhân dân làng Phong Lệ họp các chư phái tộc bàn nhau di dời ngôi đình đến một nơi khác, quang đãng hơn mong rằng khí sẽ vượng hơn. Vườn Lãng được chọn xây dựng ngôi đình, đây là xứ đất Hoan Thanh nằm về phía đông làng Phong Lệ. Ngôi đình toạ lạc trên một khu đất cao ráo, nằm giữa cánh đồng đất đai màu mỡ, hoa màu tốt tươi mà theo thuật phong thuỷ thì đó là nơi địa lý tiềm long, cản thuỷ phương hướng thịnh đạt, nhìn thẳng ra Đông Hải, án ngự tiền đình có Ngũ Hành Sơn, mưu cầu an dân, lạc nghiệp. Ngôi đình Thần nông tại vườn Lãng qua bao thăng trầm thời cuộc, mưa nắng dãi dầu vẫn tồn tại đến ngày nay.

             Cấu trúc của đình có 3 bộ phận gắn liền nhau từ ngoài vào trong là nhà tiền đường có gác chiêng, trống hai bên; nhà chính 5 gian và trong cùng là tẩm. Mái đình lợp ngói âm dương. Trên nóc đình, tẩm và các góc đuôi mái đều có đắp tượng long, lân, đặc biệt biểu tượng chiếc sừng trâu vút lên cao, một kiến trúc hiếm thấy ở các đình thở ở Việt Nam. Cột kèo, xà đình được chạm trổ  tinh vi, công phu. Trên tường có đắp các bức phù điêu. Ngay căn chính đình có gắn bức hoành phi đề 3 chữ lớn “Phong Lệ Đình” bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng rực rỡ. Ngay trên cửa thông từ gian chính qua tẩm có đắp nổi trên nền cuốn thư 3 Hán tự lớn là “Anh Khí Chung”. Trên 6 hàng cột  trong đình đều treo các câu liễn đối được làm bằng gỗ mun, khắc Hán tự, thếp nhũ vàng. Đó là những câu liễn đối của danh nhân Phan Bội Châu, Cao Bá Quát khi đến viếng đình viết tặng, được các tộc họ ở đây trân trọng lưu giữ. Như các câu sau đây:

             -Cổ đạo bất tang thương hương liệt bi tồn tam lão sử;

             Chánh khí vi hà nhạc địa linh bản yết Ngũ Hành Sơn.[1]

             -Đảng đảng thánh văn khôi Việt địa, trung hưng lễ nhạc;

             Nguy nguy thần võ chấn Nam thiên thượng đẳng anh linh.[2]

             Nhìn vào nội tẩm có thờ chữ “Thần”, hai bên có hai câu liễn:

                    Thần linh bảo hộ nhân dân thịnh;

                    Thánh hiển phò trì bá tánh hưng.[3]

             Các câu liễn đối là biểu hiện tinh thần ngưỡng vọng công đức tiền nhân được nhân dân làng Phong Lệ xưa và nay, luôn trân trọng giữ gìn làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng, các chư phái tộc trong làng. Đặc biệt “Thần Nông đình” làng Phong Lệ là thiết chế văn hoá mang màu sắc tâm linh trong quan niệm đa thần và thờ thần của người Việt nói chung và nhân dân làng Phong Lệ nói riêng nhằm tạo biểu tượng kính vọng, thờ tự mong được sự giúp đỡ của Thần nông cho võ thuận phong điều, nông tang phát triển. Đình là nơi theo tập tục đương thời là địa điểm đảo võ, cầu mưa thuận gió hoà, lúa màu tươi tốt, các vụ mùa được bội thu, trăm họ bớt đi đói nghèo, cơ cực. Đình là nơi để hằng năm tộc họ, bà con trong làng gặp gỡ trao đổi với nhau về dân sinh, dân khí. 

             Sau mỗi lần di đời ngôi đình đến nơi khác là việc thiêng, việc hệ trọng, nhân dân làng Phong Lệ đều có kiền dụng phẩm vật, tế lễ vị thần linh được thờ tự trong đình. Một bài “Tái tạo đình sở lạc thành chi văn” ghi lại:

        “Càn khôn dục tú, hải nhạc chung linh

         Chí trung chí chánh nhi tuý nhi trinh thị thiên hạ dĩ,

         Chuẩn thằng phương viên bình trực hiệp bách vương chi quy phạm

        Chánh đại quang minh an nhơn lợi vật, trứ phong công thiên thu tự,

         … Khai trùng tuyết chi đơn thanh cách cố,

       Vật nhi thăng tân quy giao long hoán thái bí văn công nhi quang thuỵ thượng

          Lân phụng khoe hình võ môn bằng tam cấp chi cao…

         Nhựt nguyệt hân khải vũ chi cáo thành cung trần phỉ lễ kiền tốn[4] phương linh thượng kỳ…

        Hoặc kỳ tế thu, dân làng Phong Lệ có bài văn: “Kỳ phước chánh tế văn”:

         “…Mặc tướng linh tư ư thánh trạch tỉ dân hộ quốc âm phò đồng phụ ư thần minh. Tư nhơn kỳ phước dụng tốn phỉ thanh binh thượng kỳ giám cách tích dĩ thuần trinh bách phước biền trăng, hộ xã…

        Phong Lệ là đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học nằm trong chiếc nôi “Địa linh nhân kiệt” của xứ Quảng, nên có nhiều bậc hiền tài, sĩ phu, nho sĩ ra ứng thí đỗ đạt cử nhân, tú tài hoặc sung vào quan tướng qua nhiều thời kỳ triều nhà Nguyễn. Sử sách đã ghi lại và đã được nhân dân truyền tụng, ca ngợi công đức của các vị như Ông Ích Khiêm làm đến chức Tiểu phủ sứ, tước hiệu Kiên dũng nam nên thường gọi là “Ông Tiểu Phong Lệ” bị giặc bức tử; đặc biệt là Ông Ích Đường khi bước lên đoạn đầu đài của bọn giặc, ông ngước mắt nhìn làng quê lần cuối cùng, rồi quắc mắt nhìn đám giặc tay sai, dõng dạc nói: “Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này còn đường khác. Bao giờ hết mía mới hết đường”, nêu cao tấm gương dũng khí sáng ngời. Còn như trường hợp chiến sĩ cách mạng Lê Kim Lăng, năm 1962, ông bị giặc bắt tra tấn, ông thà chết không khai báo và tự tay mổ bụng phơi bày trước công luận, làm cho bọn địch phải khiếp sợ trước ý chí kiên cường như thép đó. Và còn biết bao anh hùng, liệt sĩ khác của làng Phong Lệ không sao kể hết.

           Về tâm linh, tín ngưỡng các quan chức đi công cán ra trận, hoặc thi đỗ đạt, trước hết phải đến đình cáo lạy, hoặc sắm kiệu rước về đình trình chấp. Mọi việc án tích trong làng cũng phải đem ra xét xử, phân giải trước đình.

            Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đình Thần nông làng Phong Lệ là “cứ địa” có ý nghĩa lịch sử với nước. Cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Thần nông là nơi các cán bộ cốt cán, cùng nhân dân hội họp bàn việc tổ chức xuất quân đi cướp chính quyền, biểu tình hô hào cách mạng thành công, thành lập chính quyền nhân dân, làm thịt heo, gà đãi dân mừng chiến thắng. Nơi này lúc bấy giờ gọi là tổng Đôi Cung thay vì tổng Thanh An cai quản một vùng rộng lớn: Quá Giáng, Tân Hạnh, Nhơn Thọ, Quan Châu, Miếu Bông, đặt tên xã Thanh Phong, mở toà án cải tử hoàn sinh, cải tà quy chánh cho những người lầm đường lạc lối.

           Tháng 10 năm 1946 tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ ra, đình Thần Nông là hậu cần của tiểu đoàn 101. Chiến tranh chống Pháp, đình là một điểm chốt, liên lạc khu Đông với khu Tây. Chiến tranh chống  giặc Mỹ ác liệt ngôi đình Thần Nông biến dạng thành nơi tu hành, khua chuông gõ mõ, trong đình tụng kinh, trên mái xối che giấu cán bộ, ngoài đình luôn có người đi lễ dâng hương niệm Phật. Nơi đây còn là địa điểm bộ đội biệt động thành từng dừng chân, giao liên trao, nhận công văn, tin tức của cách mạng.

           Một thời, đình còn là nơi làm trường học để dạy con em trong làng  và có lúc  là nơi dân làng ẩn náu khi có những biến cố xảy ra. Sau 1975, hoà bình lập lại đình Thần Nông làng Phong Lệ được cơ quan quân quản đóng trụ sở làm việc, cơ quan của Uỷ ban nhân dân xã Hoà Châu, và các ban, ngành đều làm việc tại đình. Đặc biệt có lần cụ Võ Chí Công, Bí thư Khu uỷ Khu V đã đến thăm đình và khen ngợi di tích lịch sử – văn hoá cổ kính, quý giá, nên bảo tồn và phát huy truyền thống trong nhân dân.

           Những giá trị có ý nghĩa lịch sử – văn hoá của đình Thần Nông làng Phong Lệ gắn liền với đời sống tinh thần của mọi người dân làng Phong Lệ. Ngày 10 tháng 9 năm 2001, theo quyết định số 5339/QĐ-UB Quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã gắn biển công nhận di tích Đình Thần Nông làng Phong Lệ, huyện Hoà Vang là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, giao cho ngành văn hoá và nhân dân trong làng giữ gìn, tôn tạo và tiếp tục phát huy những mặt tích cực, phục vụ sinh hoạt, tế lễ, vui chơi cho các tầng lớp nhân dân trong làng.

             Đây là niềm vui của 17 chư phái tộc làng Phong Lệ xã Hoà Châu trên địa bàn Hoà Vang thành phố Đà Nẵng, “Phong Lệ đình” ngày xưa, đã trở thành biểu tượng sùng kính của người dân, ngày nay được Nhà nước ghi nhận là ngôi đình không chỉ về hình dáng, phong cách nghệ thuật mà trong lòng nó là bản sắc văn hoá đặc thù của địa phương, một nét riêng trong hồn cốt văn hoá dân tộc Việt.

[1] Tương truyền là của cụ Phan Bội Châu. Dịch: Đạo đức cổ truyền không bị mai một, hương thôn còn ghi lại công của ba vị (già làng); Khí vượng chánh trực, vùng đất địa linh Ngũ Hành Sơn tạo nên  (non sông).

[2] Tương truyền là của cụ Cao Bá Quát. Dịch: Lễ nhạc hựng thịnh văn đức thánh nhân truyền đất Việt; Anh hùng hào kiệt hiển hiện cao đầy, sức mạnh dậy trời Nam.

[3] Dịch: Thần linh (thiêng) giúp cho nhân dân thịnh đạt; Thánh hiển (linh) phù hộ (cho) trăm họ hưng thịnh.

[4] Kiền tốn: theo bát quái là hướng đông nam.