LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM – NGŨ HÀNH SƠN

367

LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM Ở ĐÀ NẴNG

 

          Đối tượng: Vía Quán Thế Âm cầu quốc thái dân an

          Địa điểm: Chùa Quan Âm thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn

          Thời gian: ngày 19 tháng 2 âm lịch

          Đặc điểm: Phật tử và người dân trong vùng, các trò chơi dân gian

        Ngày xưa lễ tôn giáo tại các chùa ở Ngũ Hành Sơn cũng giống như lễ của các điện thờ phật bình thường. Hằng năm có các lễ lớn là lễ vía Quán Thế Âm ngày 19/6 âm lịch; lễ vía Phật Di Đà  (17/11 âm lịch); Phật Thích ca, sau hết là lễ vía Thượng đế Ngọc Hoàng. Nhưng đến năm 1960 lễ vía Quán Thế Âm mới được tổ chức thành lễ hội Quán Thế Âm, nhân ngày lễ khánh thành tượng Bồ tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm (núi Thuỷ Sơn). Sau đó vào năm 1962, lễ hội được tổ chức tại động Quan Thế Âm (núi Kim Sơn) nhân dịp khánh thành chùa Quan Âm. Từ đó đến năm 1990, do chiến tranh và nhiều lý do khác, lễ hội không được tổ chức. Đến ngày 19 tháng 2 Âm lịch năm 1991, được sự cho phép của Uỷ ban nhân dân huyện Hoà Vang và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức trọng thể với quy mô lớn và nội dung phong phú, kéo dài trong 03 ngày, khởi đầu cho những lễ hội lớn các năm sau đó.

         Lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ hành Sơn nay đã được ghi vào danh mục những ngày lễ hội lớn của cả nước, gắn với khu di tích lịch sử – văn hoá và danh thắng, đặc biệt là động Quan Âm, một động có chiều dài hơn 50m, chiều ngang khoảng 10m và cao từ 10 – 15m. Đường vào động là những bậc đá tự nhiên đi sâu vào lòng núi. Trong động là những lớp thạch nhũ bám vào vách đá tạo thành bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật, cân phân, thanh tú. Một lớp da đá lấp lánh như kim tuyến bề ngang hơn 20cm phủ từ bờ vai chạy dài đến hết thân tượng. Chân đứng trên lưng con rồng đang cuộn mình giữa tầng tầng sóng gợn. Tay phải nâng bình nước cam lồ, phía sau có hình tượng thiên tài đồng tử, phía bên trái là hình chim khổng tước hai cánh tỏa rộng khắp trần động. Bên phải là khóm trúc, sau lưng là một dãi mây ngũ sắc lung linh. Có thể nói đây là một bức phù điêu tuyệt mỹ của thiên nhiên tạo nên và với hình tượng này mà động mang tên là động Quan âm và cũng chính hình tượng Phật bà Quan âm thiên tạo đã làm nên sức hấp dẫn cho các tín đồ, du khách trong cả nước đến chiêm nghiệm lễ bái, tạo cho lễ hội Quán Thế Âm sự huyền bí thiêng liêng hiếm có.

        Về Phật tích Quán Thế Âm

(Ảnh: lehoi.info)

         Theo Phật thoại (được ghi ở Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bi Hoa và Kinh Pháp hoa, Quan Thế Âm là một vị cổ Phật. Ngài là con vua Vô Tánh Nhiệm (tiền thân của Phật A Di Đà). Ngài theo Phật A Di Đà và tu hành thành chính quả. Từ đó Ngài hoá thân thành Phật Bà Quán Thế Âm, phát nguyện đại từ bi cứu độ chúng sinh bị đau khổ trong vũ trụ nhân sinh.

         Từ lâu nay, hình tượng Phật Quán Thế Âm gắn với cộng đồng các dân tộc theo đạo Phật trên thế giới như đấng cứu nạn, cứu khổ. Hơn thế nữa, hình tượng Quán Thế Âm còn được đại đa số nhân dân Châu Á, đạc biệt là nhân dân Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Hàn Quốc tôn trọng, thờ phượng như hình ảnh một “Người mẹ” với tâm nguyện cho sự hiền từ, che chở cứu giúp.

      Truyền thuyết về sự hình thành Ngũ Hành Sơn và Phật thoại về Đức Phật Quán Thế Âm đều cùng một hình ảnh về người phụ nữ, một người mẹ hiền từ, sự gặp nhau của những yếu tố này đã làm cho lễ hội Quán Thế Âm ở di tích Ngũ Hành Sơn càng thêm có ý nghĩa. Do vậy, mà hằng năm đã thu hút khá đông khách thập phương đến với lễ hội.

       Nội dung lễ hội Quan Thế Âm

       Cũng như bao lễ hội khác, Lễ hội Quán Thế Âm bao gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ mang đậm màu sắc lễ nghi Phật giáo hoà quyện với phần Hội là những sinh hoạt văn hoá cổ truyền đậm tính nhân văn và bản sắc văn hoá dân tộc. Nội dung phần lễ gồm:

            + Phần Lễ

       Lễ rước ánh sáng:

       Nghi lễ rước ánh sáng thường tổ chức vào tối ngày 18, gồm rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng vào ban đêm, để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, mà trong Phật giáo ánh sáng đồng nghĩa với trí tuệ. Trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng, sẽ làm được nhiều việc thiện.

        Lễ khai kinh:

         Lễ được tổ chức vào sáng sớm ngày 19, đây là lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.

       Lễ trai đàn chẩn tế:

         Lễ này cũng được tổ chức vào sáng ngày 19 để cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh, thường trước đó đồng bào phật tử gởi danh sách những người thân của mình đã mất (chết) đến chùa để làm lễ cầu siêu. Trong lễ này phải mời người có giới phẩm đứng ra làm lễ.

        Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc:

        Lễ cũng được tổ chức vào sáng ngày 19, để nói về lòng từ bi bác ái của Đức Phật Bồ tát Quan thế âm và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng.

         Lễ rước tượng Quan âm:  

        Lễ này được tổ chức vào khoảng 10 giờ sáng ngày 19, sau các nghi lễ trên. Lễ rước tượng Phật bà Quan Thế Âm, gồm có 4 người khiêng kiệu trên có tượng Phật bà đi trước và đồng bào phật tử cầm hoa đi sau, kiệu được khiêng từ trên chùa và đi xuống chiếc thuyền đậu trên sông Trường Giang (sông Cổ Cò), sau đó thuyền chạy vòng quanh sông Trường Giang. Lễ này nhằm cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn trên sông nước được thuận lợi, bình an, đức Phật sẽ phù hộ, độ trì cho họ được no ấm, hạnh phúc.

       Ngoài các nghi lễ trên, còn có lễ tế Xuân (cúng Sơn Thuỷ, Thổ Thần) để cầu quốc thái dân an. Lễ thường được tổ chức vào đêm ngày 18. Nội dung giống như các lễ tế Xuân, Thu trong cả nước. Lễ được tổ chức tại chùa Quan Thế Âm. Trong lễ này các bô lão của các phường Hoà Hải, Hoà Quý, Khuê Mỹ, Mỹ An sẽ khăn áo, cờ lọng chỉnh tề tay cầm đuốc sáng, lồng đèn, có đội nhạc cổ và chiêng trống tùng tùng. Sau khi làm lễ và đọc văn tế đoàn bô lão sẽ dẫn đầu đoàn rước cộ xuống bờ sông trường Giang để mở hội hoa đăng, sau đó đi từ chùa Quán Thế Âm theo đường Sư Vạn Hạnh xuống đường Huyền Trân Công Chúa, qua làng đá Mỹ nghệ Non Nước và trở về lại lễ đài với lộ trình dài khoảng 2km.

            +Phần hội:

        Gồm hội hoá trang, hát bội (tuồng), thi các môn: thi pháp, tranh thuỷ mặc, thả đèn trên sông Cổ Cò (hoa đăng), đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, trang trí cổng trại, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước… kéo dài trong suốt 3 ngày, 3 đêm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm, núi Kim Sơn và bên bờ sông Cổ Cò.

             Đặc biệt, ngoài các phần hội nêu trên còn có rước kiệu và đêm hội sân khấu hoá về “Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn”, trong đó gồm:

         Kiệu rước bằng công nhận di tích lịch sử – văn hoá và danh thắng Ngũ Hành Sơn (do 60 nam nữ của Ban Quản lý Khu di tích Ngũ hành Sơn và phường Hoà Hải thực hiện)

           Kiệu rước tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm và hoạt cảnh về phật tích Bồ tát Quán Thế Âm gồm hoá trang đức Phật Bà, tiểu đồng, các vị Bồ tát và Tiên nữ, Tử Thiên Vương theo hầu (do gia đình Phật tử chùa Quan Thế Âm thực hiện).

          Kiệu rước bài vị thờ ông tổ nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và hoạt cảnh về sự sinh cơ, lập nghiệp của ông Tổ nghề đá (Thạch tượng tổ sư) tại Ngũ Hành Sơn cách đây gần 500 năm do Phường Hoà Hải thực hiên.

(Ảnh: lehoi.info)

          Kiệu và hoạt cảnh hoá trang “Các anh hùng chí sĩ Ngũ Hành Sơn), rước kiệu và hoá trang các anh hùng, chí sĩ qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước từng sống, chiến đấu tại các hang động của Ngũ Hành Sơn như Nguyễn Duy Hiệu (phong trào Cần Vương), Trần Cao Vân, Thái Phiên (phong trào Duy Tân), Ông Ích Đường (phong trào chống sưu thuế 1908) Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi (Thanh nên Cách mạng Đồng chí hội), các anh hùng chí sĩ quân dân Hoà hải, Hoà Quý, Khuê Mỹ, Mỹ An anh hùng trong hai cuộc kháng chiến. Kịch bản hoạt cảnh thực hiện nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

          Các tiết mục rước kiệu đã tạo nên một không khí rộn ràng hoành tráng, diễn ra trên một không gian rộng lớn trên toàn bộ khu vực di tích Ngũ Hành Sơn trong tiếng chuông, trống, âm nhạc cổ truyền, cùng màu sắc cờ xí, đuốc, lồng đèn và của quần chúng đi xem hội.

          Đặc biệt lễ hội Quán Thế Âm năm 2008 đã giới thiệu với du khách hai tác phẩm đó là Bức tranh Ngũ Cốc có kích thước 14 x 2,8m thực hiện bằng 200 kg ngũ cốc các loại với ý nguyện cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, đất nước phồn vinh và tấm thiệp chúc mừng Tết Mậu Tý 2008, hai mặt lớn nhất từ trước đến nay (8m x 5m).

          Nhìn chung lễ hội Quán Thế Âm là sự kết hợp giữa lễ và hội, giữa văn hoá dân tộc và văn hoá tôn giáo, giữa truyền thống và hiện đại. Hấp dẫn, thu hút cả lớp người cao tuổi với thế hệ trẻ, xâu chuỗi cả một chiều dài lịch sử đầy khí phách và lòng tự hào dân tộc, tự hào về quê hương xứ sở, về đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.

         Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm cùng với những lễ hội khác trên khắp đất nước là một cuộc sinh hoạt văn hoá cộng đồng rộng lớn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

         Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra tại khu di tích Ngũ hành Sơn nơi có các ngôi chùa cổ như Tam Thai, Linh Ứng, Phổ Đà và các hang động, nơi diễn ra các trận đánh nổi tiếng của quân và dân Hoà Hải anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, là dịp để khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh quật cường, giữ nước của dân tộc.

           Lễ hội Quán Thế Âm gắn liền với truyền thuyết về sự hình thành Ngũ Hành Sơn, Phật tích Bồ Tát Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, lịch sử Ông tổ nghề điêu khắc đá Non Nước, khơi dậy lòng từ bi bác ái, cứu nhân độ thế, gắn đạo pháp với dân tộc, dân tộc với đạo pháp, vì mục tiêu chung làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

            Đối với hoạt động du lịch, lễ hội Quán Thế Âm nằm trong chương trình hành động quốc gia về du lịch và các sự kiện du lịch. Lễ hội đã được Bộ Văn – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch) đưa vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước là cơ hội để quảng bá về khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn một cách sâu rộng, góp phần thu hút khách du lịch đến với Ngũ hành Sơn nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung ngày càng đông hơn.

* Ảnh đại diện: lehoi.info