VỀ KẾT CẤU CHUYỆN KỂ DÂN GIAN

342

 

VỀ KẾT CẤU CHUYỆN CỔ DÂN GIAN

    

        Xét về mặt kết cấu một câu chuyện cổ cổ tích hay truỵên thần thoại dân gian Việt Nam đều có sự sắp xếp đầu và cuối. Thông thường là theo thứ tự không gian, thời gian. Theo kết cấu thứ tự này, các sự kiện liên kết nhau thành một chuổi kế tục đến khi kết thúc truyện. Không giống những câu chuyện hiện đại thường có kết cấu đan chéo nhau, lồng vào nhau có khi song song. có khi phát triển độc lập từng tuyến một. Như thế, với những câu chuyện hiện đại dù có kết cấu như thế nào cũng dựa trước hết vào nguồn gốc những câu chuyện cổ dân gian đang lưu truyền hay chuyện về những chàng hiệp sỹ.

  1. Truyện kể dân gian thường ra đời bằng hình thức kể, người kể có ý sắp xếp việc gì có trước, xảy ra trước thì kể trước, những gì có sau phát triển sau thì kể sau. Việc sắp xếp như vậy tất nhiên phải có cơ sở hiện thực của nó. Một mặt xuất phát từ cuộc sống thực tế đấu tranh chống thiên nhiên, chống ngoại xâm và mặt khác từ hiện thực ngôn ngữ của tiếng Việt.

        Trong tiếng Việt với quy tắc trật tự từ được sắp xếp thành một phương thức trong việc cấu tạo từ, ngữ, câu. Có thể dựa vào phương thức nầy để lý giải kết cấu một (hay nhiều) câu chuyện cổ dân gian theo hướng đường thẳng. Sắp một câu chuyện như thế ít nhiều cũng xuất phát từ đơn vị cơ bản của lời nói là từ. Bởi vì từ  đặc biệt là từ ghép sắp xếp có trật tự trong quan hệ ngữ đoạn. Ở tiếng Việt thì dễ nhận thấy điều nầy.   

  1. Về mặt trật tự từ, trong tiếng Việt, phương thức nầy rất quan trọng. Qua thực tế, xét về mặt cấu trúc thường kết hợp theo trật tự: cái có trước và cái có sau, hoặc là cái to ghép với cái nhỏ, cái toàn thể ghép với bộ phận để hình thành nên từ ghép. Cái có trước đứng trước, cái có sau đứng sau là thể hiện phương thức trật tự từ trong tiếng Việt. Thông thường người ta thường hay: cái gì có trước nói trước, cái gì có sau nói sau. Đó cũng là một nếp suy nghĩ từ xưa đến nay. Nếu như căn cứ theo quy luật trật tự từ này để lý giải vì sao kết cấu một câu chuyện cổ dân gian có kết cấu theo đường thẳng, các chi tiết, sự kiện được trình bày theo thứ tự thời gian (dễ nghe, dễ nhớ) là thông thường, trước hết xét đơn vị cơ sở là từ.

        Ta có các từ chỉ hiện tượng tự nhiên: sinh tử, hoa quả, gốc ngọn, nắng mưa, già trẻ,…trời đất. Đặc biệt là từ ghép trời đất, có khi trật tự nầy không bền vững, khi đảo trật tự lại có đất trời. Đất trời là từ ghép liên hợp, thành phần nào đứng trước cũng được. Song theo quan niệm ngày xưa người ta xem trời là cái có trước, cái thiêng liêng sinh ra muôn vật, sinh ra cả đất, nên đất vẫn được xem là cái có sau. Do vậy tính bền vững của từ  trời đất  có xu hướng mạnh hơn là  đất trời. Trường hợp đảo đất trời được sử dụng trong văn cảnh, hoàn cảnh nói năng nào đó thích hợp. Hay từ ghép  nắng mưa  cũng là trường hợp tương tự, suy cho cùng thì phải có nhiệt độ làm bốc hơi nước mới có mưa được. Và như vậy muốn có nhiệt độ trước hết phải có mặt trời. Vậy  nắng  vẫn là cái có trước.

        Các từ chỉ hiện tượng xã hội như: đi lại, (đi về), ra vào, triết học, văn học,…xét các từ trên, yếu tố có trước đứng trước, yếu tố có sau, đứng sau.

        Các từ chỉ thời gian như: sớm trưa, sớm tối, chiều tối, nay mai,một nọ, sớm chiều… ta vẫn thấy yếu tố có trước được nói trước, yếu tố có sau, nói sau theo phương thức trật tự từ.

        Hoặc là chỉ quan hệ về mặt gia đình:  ông cha, ông con, ông cháu, ông bà, cha mẹ, cha con, mẹ con, cha chú,anh em, chị em, chú cháu, cô dì, vợ con, chồng vợ, vợ chồng, chú bác…

        Trường hợp  vợ chồng  là khá đặc biệt. Trong khẩu ngữ hằng ngày  vợ chồng  được sử dụng nhiều hơn cả. Có thể cũng theo quan niệm của người xưa coi trọng người phụ nữ (chế độ mẫu hệ) như hiện nay một số dân tộc ít người vẫn còn, nên  vợ  được xem là cái có trước và  chồng  là cái có sau.

        Trường hợp  chú bác,  người ta không gọi là  bác chú  (một trật tự lạ), song xét về nguyên gốc thì vẫn hợp lý theo phương thức cái có trước và cái có sau:

                        anh             em

                 con anh             con em

như thế vẫn hợp lý. Trở lại từ ghép vợ chồng để thấy rõ hơn. Nếu xét về sự chuyển loại trong kết cấu dọc của các từ:

                cha mẹ

                bố mẹ

                thầy u (mẹ)

                vợ chồng

thì  vợ chồng không thể đóng vai trò chuyển loại và thay hoàn toàn được mà phải là chồng vợ  thì đúng hơn. Vì trước hết là chồng, sau đó chuyển thành cha hay bố hoặc thầy được.

        Các từ chỉ quan hệ xã hội:  thầy trò, thầy tớ, vua quan, vua tôi, vua chúa, quan quân…Rõ ràng yếu tố có trước đứng trước, yếu tố có sau đứng sau.

        Về câu, trong tiếng Việt cũng được sắp xếp thứ tự trước sau theo thời gian, không gian, nơi chốn. Điều nầy có thể nhìn thấy như sau. Trong tiếng Việt, cấu trúc:

                        Sáng nay tôi đi học

thì trong tiếng Anh là:

                        I go to school, to day

                        (Tôi đi đến trường học, hôm nay)

Như thế, trong tiếng Việt cũng có sự sắp xếp trật tự trong câu, cái có trước, nói trước, cái có sau, nói sau mà không thể thay đổi trật tự ấy được. Trong văn cảnh nào đó, trật tự nầy cũng được giữ đúng trước sau. Ví dụ:

                Trong đầm gì đẹp bằng sen

                Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Ta vẫn thấy “đầm” có trước, “sen” có sau và theo trật tự “lá” đến “bông” đến “nhị”. Có thể nói rằng, trong phương thức trật tự từ mà đặc biệt là từ ghép, hay ngữ hoặc câu đều xuất phát từ đơn vị cơ sở  là từ để tạo nên câu. Trong tiếng Việt ngay trong bản thân từ ghép, yếu tố có trước có sau đều được sắp xếp theo nguyên tắc trật tự từ. Ứng với nguyên tắc nầy được thể hiện trong ngữ, trong câu và suy ra nữa, trong đoạn. Thế nên từ đó vận dụng phương thức trật từ trong tiếng Việt để lý giải rằng người xưa sắp xếp, lắp đặt một câu chuyện cổ dân gian đều bắt đầu từ yếu tố căn bản: từ. Từ cách sắp xếp ngay trong bản thân một từ ghép như vậy cho phép những câu chuyện kết cấu theo thứ tự không gian, thời gian theo đường thẳng, các chi tiết trong truyện cũng được sắp xếp theo trật tự: cái có trước, kể trước, cái có sau, kể sau. Kết cấu như vậy cũng phù hợp với tư duy từ xưa đến nay của nhân dân ta.

        Phần nhiều chuyện cổ tích (trừ một số có kết cấu phức tạp: truyện Thạch Sanh, truyện Tấm Cám…) đều kết cấu đơn tuyến. Mở đầu thường là: “Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ có một…” và sau đó các chi tiết được sắp xếp trước sau. Ví dụ có thể tìm hiểu câu chuyện dân gian: “Cây khế”, “Trầu cau”, “Hà ô lôi truyện”, “Hồng Bàng tự truyện”… cũng kết cấu theo thứ tự trước sau.

        Tóm lại, vận dụng phương thức trật tự từ trong tiếng Việt mà đặc biệt là từ ghép có thể giải thích lý do tồn tại của một câu chuyện dân gian theo kết cấu đường thẳng, theo thứ tự trước sau. Cơ sở xuất phát của những kết cấu đó bắt đầu từ trật tự lời nói để có một câu chuyện hoàn chỉnh./.

* Ảnh đại diện: VVH.