TẬP TỤC XỨ QUẢNG THEO MỘT VÒNG ĐỜI – CHƯƠNG BẢY

384

                                              CHƯƠNG BẢY

TẬP TỤC THỜ KÍNH TIÊN TỔ, THẦN LINH

 

Đây là một tập tục có từ lâu đời, không phải người xứ Quảng khi vào đến một quãng đất mới ở phương nam nầy mới có, mà họ đã vui vẻ lên đường từ những năm 1470, 1471 và đã gánh theo phong tục, tập quán đi cùng, cũng có nghĩa rằng gánh tập tục theo một vòng đời trên vai, tiến về phương Nam mở đất! Có điều, người Quảng Nam đến một nơi xứ sở lạ lùng, những vốn liếng mang theo phải tuỳ nghi sử dụng, sao cho phù hợp với thực tiễn vùng đất nơi mới đến dừng chân sinh cơ lập nghiệp, mở rộng đất đai cho quê hương họ. Có như thế may ra mới có cơ hội tồn tại và phát triển lâu dài. Gánh theo tên làng, tên đất, gánh theo những nghi lễ thờ tự ông bà, tiên tổ, chính đó là hành trang tinh thần động viên người thân bám trụ dài lâu trên xứ sở khó khăn nầy.

  1. Tục thờ cúng ông bà, tiên tổ:

1.1. Ở gia đình:

Vào vùng đất mới, người Quảng vẫn duy trì tục thờ cúng ông bà, tiên tổ, xem đây là lực lượng thường xuyên theo dõi và giúp đỡ các thế hệ sinh sau vươn lên trong cuộc sống. Giống như người Việt, quan niệm những người đi trước vẫn sống vĩnh hằng đâu đó trong nhà, và tồn tại dưới một dạng khác, không giống với cuộc sống trần gian. Những thế hệ trước mất đi nhưng lại tồn tại trong nhà và toạ tại nơi thờ tự giữa nhà, nơi trang trọng nhất một cách vô hình. Thế nên những ngày giỗ kỵ, hoặc ngày Tết cổ truyền người Quảng có ý thức lau chùi bàn thờ tiên tổ, mua sắm những vật thờ mới đặt lên bàn thờ tự. Và, những gì được cho là thanh sạch nhất đặt lên bàn thờ tưởng niệm tổ tiên với những mong người đi trước chấp nhận sự thành kính của con cháu đi sau còn sống ở đời.

Việc thờ cúng ông bà tiên tổ của người Việt đã có từ rất sớm, bởi người Việt tin là con người có hồn, phách (vía), khi chết đi vẫn tồn tại đâu đó và hằng mong giúp đỡ người thân. Người xứ Quảng trong một vòng đời của mình cũng theo tín ngưỡng ấy mà thờ phụng ông bà cha mẹ. Vui buồn của con cháu cũng là vui buồn của tổ tiên, những hiểm nguy trong cuộc sống được tổ tiên che đỡ, bởi thế có thể nghĩ rằng gia đình luôn gắn kết với tổ tiên nên con cháu có nhiệm vụ thờ phụng. Khoa học ngày nay vẫn chưa chứng minh được có hay không có sự tồn tại của linh hồn, song có một điều xưa nay  tổ tiên người Việt vẫn cho rằng: “Sống không chết thiêng” Thế nên việc thờ cúng ông bà tiên tổ là việc không một người nào trong vòng đời của mình có thể bỏ được.

Trước kia, dưới thời Lê Trung hưng, việc thờ cúng tổ tiên có quy định cho nhân dân theo đó thực hiện đúng phép. Mùa đông, tháng mười nhuận (1631) vua dụ rằng: “Nghi lễ ngày kỵ (giỗ), năm nào tháng ấy (tháng có ngày kỵ) có tháng nhuận,  thì tháng chính đã cử hành lễ ngày kỵ, đến tháng sau, tháng nhuận, lại làm lễ cáo mà thôi. Xét trong sách lễ thì không kể tháng nhuận. Phải lấy tháng chính làm đích. Phụng đạo dụ rằng: Từ sau ngày kỵ phải lấy ngày chính nhật trong tháng chính làm lễ. Nếu tháng nhuận ở trước tháng có ngày kỵ, thì phải có lễ “dư cáo” trước. Nếu tháng nhuận  ở sau tháng có ngày kỵ thì đình hẳn lễ cáo ấy để cho hạp với sách lễ”.[1]

Và, để trọn hiếu với tổ tiên, con cháu phải có trách nhiệm thờ phượng chu đáo. Xưa kia Nho giáo cũng đã truyền bá việc thờ cúng gia tiên: “ Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ.” [2](Cha mẹ còn sống thì phụng sự cho hợp lễ, mất rồi thì tống táng cho hợp lễ, cúng tế cho hợp lễ). Chính đó, trong gia đình việc chọn người thừa tự thường là con trưởng hoặc cháu đích tôn có nhiệm vụ gánh vác việc trọng đại nầy. Tế tự còn thể hiện sự nhớ ơn, đền ơn đáp nghĩa cho tổ tiên và mong được đời đời nối tiếp tôn thống, dòng họ. Để làm được việc nầy, xưa kia người xứ Quảng cũng có tục chia một phần tài sản gọi là phần hương hoả nhằm tiếp sức cho người thờ tự có thêm của cải mà hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình.

Thờ tự, tưởng nhớ người đã mất, người xứ Quảng cũng duy trì ngày giỗ những người thân đã qua đời nơi vùng đất mới đến khai cơ, lập nghiệp. Họ không vì cuộc sống khó nhọc mà bỏ những ngày giỗ kỵ. Bởi đấy còn là truyền thống lâu đời của người Việt nữa. Trong gia đình việc thờ tự chỉ tiến hành đến đời thứ tư trở xuống, còn từ đời thứ năm trở lên được thờ tự tại nhà thờ tộc, họ. Ngoài ngày kỵ giỗ riêng, mỗi năm có hai lần kỵ giỗ chung, đấy là ngày tu tảo phần mộ và ngày Tết. Chạp mả là ngày giỗ chung những vị tiền hiền, tiền  bối, cao tổ của giòng họ. Ngày ấy tất cả con cháu, nội ngoại đều tề tựu về từ đường hành lễ. Tết nguyên đán người ta giỗ nhiều ngày từ chiều ba mươi đến khi đưa ông bà xong mới thôi.

Trong một năm còn có những ngày rằm: tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, người xứ Quảng vẫn theo quan niệm: rằm tháng giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng bảy kẻ quảy người không, rằm tháng mười, mười người mười quảy và những ngày Tết: hàn thực (3-3), đoan ngọ (5-5), trung thu (15-8), trùng cửu (9-9), nguyên đán thì có lễ cúng tổ tiên.

Một lễ giỗ kỵ trong gia đình thường bắt đầu từ sáng đến trưa. Tất cả những người thân thuộc trong gia đình được gọi về nhân ngày tưởng niệm. Và, để cùng tưởng niệm ngày nầy, chủ nhà còn mời những người hàng xóm láng giềng mà đương thời người còn sống có quan hệ quen thân, đến tham dự. “Sự tử như sự sinh; sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giã”,[3] nhân ngày giỗ, con cháu chuẩn bị hương, đăng, trầu, rượu, bánh trái cùng với một mâm cơm kính dâng lên tiên tổ. Nhân giỗ người nào trong nhà thì trong lúc cáo với tiên tổ nêu tên người đó (người xứ Quảng ít để ý đến tên hèm, tên huý) xin với thần Thành hoàng bổn xứ bảo an chính trực cho vong hồn người quá cố được về tại nhà nhân ngày tưởng niệm. Thường, người chủ nhà, hoặc con trai trưởng, hoặc đôi khi mời người trưởng tộc hành lễ. Trong lễ giỗ, vị hành lễ có lời vái với tổ tiên từ thế hệ thứ tư trở xuống, không chừa ai, đã khuất hiện được thờ tự trong gia đình.

 Ví dụ, lời vái có thể là:

“Việt Nam. Tuế thứ Ất Dậu niên, thập nhứt ngoạc, sơ nhứt nhựt, nhằm ngày 01 tháng 12 năm 2005.

Quảng nam tỉnh,(……)huyện,(……).xã,(……)thôn,(……)xứ (đất). Tiết thuộc (mùa nào) thiên, thời đương chánh kỵ  (giỗ) (nêu tên người được giỗ). Chủ lễ (danh xưng với người được giỗ và tên người chủ lễ , có thể là chủ gia đình hoặc trưởng tộc),hiệp cùng toàn gia nam, nữ, tử, tôn, hôn tế, điệt đẳng; kiền dụng phẩm vật tư thành, kim ngân, hương đăng, thanh chước, thứ phẩm chi nghi.

Niệm (tưởng nhớ ngày giỗ, mời người ấy về chứng tri lòng thành kính của con cháu…)

Ước (xin, cầu sự giúp đỡ, che chở gì…)

Nguyện (giữ gìn nền nếp gia phong, noi gương tiền nhân…)

Phụ vị cẩn cáo.

Lễ giỗ tiến hành qua 3 tuần rượu là tất.

Xong, đốt giấy vàng bạc và các loại khác (gọi chung là áo giấy) mong là sẽ hoá thành vàng bạc cho ông bà tiên tổ sử dụng.  Ở xứ Quảng, những nhà Nho và những gia đình theo đạo Phật  không đốt giấy vàng bạc trong những ngày kỵ giỗ gia tiên.[4] Việc đốt giấy vàng bạc có từ thời Đường Huyền Tôn (năm 737 sau Công nguyên), chuyện rằng: một viên quan Thái thường Bác sỹ tên là Vương Dự đặt ra giấy tiền, giấy vàng bạc và các loại giấy binh, giấy khác… đốt trong lúc đưa tang và những lần giỗ kỵ, cúng thần tin rằng sẽ hoá thành đồ thật cho người chết dùng. Các loại giấy như vậy gọi chung là minh khí. Sau, có một vị theo đạo Lão là Đạo Tạng tâu lên vua Đường Đại Tông (762 sau Công nguyên) rằng nếu đốt giấy vàng mã, và các loại giấy khác thì Diêm Vương sẽ tha mạng cho. Từ đó các loại giấy nầy phát triển, người ta đua nhau sản xuất giấy vàng bạc và các loại đồ dùng bằng giấy khác để bán. Thế nhưng, thực tế người Trung Hoa xét thấy không thật nên bỏ đốt giấy vàng bạc. Để phục hồi nghề cũ của Vương Dự, một hậu duệ là Vương Luân bày mưu cho người bạn thân giả đau nặng rồi chết. Lúc khâm liệm vào cổ quan, phía dưới quan có đục lỗ để thở và đưa thức ăn, uống vào. Khi di quan đi chôn cất Vương Luận cho đem hình nhân đốt ở Tam phủ thế mạng, cùng nhiều giấy vàng bạc, giấy tiền, giấy khác… Đốt xong “người chết” tự dưng sống lại. Những người đưa tang chứng kiến tại chỗ việc sống lại và từ đó họ tin vào việc đốt giấy vàng bạc. Đến triều đại nhà Minh , đầu thế kỷ XV, tục đốt vàng bạc được du nhập vào nước ta. Xem thế, việc đốt giấy vàng bạc, giấy tiền, và các loại vật dụng bằng giấy khác là dị đoan, không thật. Nên bỏ hẳn.[5]

 Ngày nay, việc hoá vàng như vậy, một bộ phận lớn người dân xứ Quảng đã bỏ hẳn theo chỉ thị 27: nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân, xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh – gia đình văn hoá.”[6] Và, theo tinh thần thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, xoá bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan. Bởi, người dân hiểu rằng tập tục đốt giấy vàng bạc trong việc tang, tế lễ…là không thật.

1.2. Ở tộc, họ

Nếu ở hương thôn có việc làng, xóm có việc phổ thì ở tộc họ được xem là việc tộc. Đây là chuyện tôn thống, do vậy không một người thân thích nào của dòng họ lại không gánh trên vai, để trong lòng việc tộc. Việc tộc chỉ tập trung vài lần trong năm. Có thể có những lần giỗ kỵ các vị tiền bối từ đời thứ năm trở lên có thờ cúng tại nhà thờ tộc, lần tu tảo phần mộ[7] và 3 ngày Tết nguyên đán. Những tộc họ giàu có, đôi khi các chi phái tộc cũng có nhà thờ riêng để thờ tự những người trong chi, phái mình. Tộc họ nào chưa có nhà thờ riêng thì tập trung về nhà người tộc trưởng tổ chức lễ tưởng niệm. Vòng đời một con người không thể không thực hiện việc tộc, chính đó là sợi dây bền chặt gắn bó nhau qua nhiều đời, nhiều thế hệ, cứ vậy tiếp tục duy trì. Ngay tại việc tộc là cách nêu gương những người đi trước cho kẻ sinh sau học tập, phát huy truyền thống đẹp của giòng tộc trong xây dựng xã hội, làng xóm, gia đình, tạo mối quan hệ đoàn kết nhau trong tư thế “lá lành đùm lá rách”. Trong buổi lễ cúng tại nhà thờ tộc, thường vẫn có lễ tế văn bài chu đáo, kèm với lễ là chiêng trống được gióng lên, tạo cho không khí lễ tế thêm trang nghiêm, bi hùng, đậm đà tính nhân văn cao cả.

 Bài xướng thực hiện nghi lễ trong cuộc tế tự của  một tộc họ, người xứ Quảng xưa kia còn gọi là bài “thày”, các bước và trình tự giống với bài xướng cúng tại đình làng, chỉ thêm, bớt các vị thần, và nêu tên phẩm trật vị chủ bái cho phù hợp. Chinh cổ nhạc và phường bát âm[8] (nếu có) giống như lễ tế tại đình làng. Tuy nhiên, trên xứ Quảng, tuỳ theo vùng người ta khởi động trống trước, chinh cổ sau.

  1. Tục thờ cúng ở làng, xóm:

Theo một vòng đời con người, việc tế tự ở làng những ai đã đến tuổi trưởng thành (sau lễ tục lên quan) phải tham gia. Ngày trước, người nào được tham gia vào việc làng tại đình làng là hãnh diện lắm! Nay thì việc ấy không quan trọng, và không lôi cuốn, thanh niên càng ít để tâm. Xưa nay việc làng tại đình làng thường là tế tự thần Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần[9] của làng (cũng có làng có thờ Phật) và  Thổ địa  xứ đất. Quan niệm của người dân, “Thành hoàng là vị thần  biểu hiện sinh động của lịch sử – văn hoá – phong tục, tập quán của làng. Đình còn là nơi thể hiện tính siêu nhiên, tâm linh của dân làng, thể hiện mối liên lạc vô hình giữa dân làng với các lực lượng thần linh được thờ tại đình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và có hệ thống chặt chẽ”. Chính đó, dân làng tập trung tại đình làng để cúng thần, kính trọng thần, cầu thần giúp đỡ như Nguyễn Phục [10] được dân Lỗ Giáng tôn thành thần Thành hoàng của làng (quận Cẩm Lệ)… Thổ địa là vị thần chưởng xứ sở đất đai, sông núi, gò đồi, coi ngó cương vực của làng. Ngoài vị Thành hoàng được thờ tại đình, còn các vị thần khác có công lập nên làng, vị tiền hiền được phong thần như tộc Phạm ở Hương Quế (huyện Quế Sơn); hoặc đình thờ các chư phái tộc như “tứ Lê ngũ Ngô tịnh hữu Phùng Ông Nguyễn Võ Bùi nhị Phan Hồ” ở làng Phong Lệ (huyện Hoà Vang); họ Võ ở làng Đông Phước (quận Cẩm Lệ), nhà thờ Ngũ xã (ở Trà Kiệu); đình làng Hải Châu (ở Đà Nẵng); đình làng Hoà Mỹ (quận Liên Chiểu); đình làng Bồ Bản (Hoà Vang) ngoài thờ vị Thành hoàng bổn xứ, còn thờ các vị tiền hiền họ Trần, Hồ, Trương, Nguyễn… thờ hậu hiền và các chư vị tiền liệt khác. Đình làng Tuý Loan còn thờ các vị tiền hiền họ Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần Lê… Sau lễ, người dân trong làng tập trung bàn những công việc có liên quan đến làng.

 Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình làng thường là nơi hội họp, phát động các cuộc đấu tranh chống giặc giữ làng, phát động Bình dân học vụ, quyên góp các quỹ cứu đói, tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, quỹ độc lập. Sau 1945, đình ở Quảng Nam còn là nơi tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, bầu cử Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Một bài xướng trong nghi tiết lễ cúng đình thường có thể được xướng như sau:

-Khởi chinh cổ

-Nhạc sinh tấu nhạc

-Củ soát tế vật

-Ế mao huyết (nếu có)

-Chấp sự giả các tư kỳ sự

-Tế quan dữ, chấp sự quan, các nghệ quán tẩy sở

-Quán tẩy

-Thuế cân

-Bồi tế quan tựu vị (các vị bồi bái)

-Tế quan tựu vị (vị chủ bái)

-Thượng hương

-Nghinh thần cúc cung bái

-Bái

-Hưng

-Bình thân, hành sơ hiến lễ

-Nghệ tửu tôn sở

-Tư tổn giả cử mịch (chén rượu và dĩa)

-Chước tửu

-(Nghệ thần Thành hoàng bổn xứ……thần)

-Quỳ, tiến tước

-Hiến tước

-Phủ phục

Hưng

-Bình thân, phục vị

-Độc chúc (đọc bài văn tế lễ)

-Nghệ độc chúc vị

-Giai quì

-Chuyển chúc

-Độc chúc

-Phủ phục

-Hưng

-Bái

-Hưng

-Bình thân, phục vị

-Hành á hiến lễ

-Hành chung hiến lễ

-Ẩm phúc (uống rượu thần ban cho)

-Nghệ ẩm phúc vị

-Quì

-Ẩm phúc

-Phủ phục

-Lễ từ cúc cung, bái

-Bình thân

-Tiểu khước (các chư phái tộc trong làng vào bái thần)

-Phần chúc

-Điểm trà

-Lễ tất.[11]

Trong suốt quá trình cử lễ, chinh cổ nhạc được khởi lên liên tục, đều đặn, thời gian độc chúc chỉ còn mỗi một trống lịnh (cổ) điểm nhịp mà thôi. Cùng với lễ tất, chinh cổ nhạc và bát âm khởi lên một hồi thật dài rồi ngừng hẳn. Không gian đình làng giản ra, nhẹ hẫng.

Kèm theo lễ là nhịp chiêng trống cổ truyền, đôi khi có nhạc cổ bát âm. Nay thì nhạc bát âm không còn  thể hiện đủ bộ trong các lễ: quan,[12] hôn, tang, tế nữa. Ví dụ, sau đây là bài chinh cổ nhạc trong một cuộc tế lễ tại đình làng vùng Hoà Vang, Đà Nẵng.(trang bên) Trong quá trình thực hiện các loại nhạc trong bộ chiêng trống, khi đánh lên không chồng âm, thực hiện tự do. Một hồi chiêng trống dài hay ngắn còn tuỳ người khởi cổ (trống lịnh). Thường trong một buổi tế lễ, chiêng trống đánh theo tiết điệu đều của từng nhạc cụ, tất cả tạo nên cao trào ngay từ đầu, sau đấy thong thả theo nhịp chen kẻ các loại nhạc cụ. Trước khi chấm dứt lại khởi chiêng trống lên cao trào và dứt hẳn. Âm thanh buồn, vui, bi ai, hoành tráng còn tuỳ thuộc vào ý nguyện của  nhiều người vào mỗi loại hình lễ lạc và nhịp chiêng dài ngắn ngân trong tiếng rung.

Miễu xóm, thường là tế tự những vị mà vong linh không người hương khói, thường được gọi là âm linh và những người sau khi chết “hồn ma bóng quế dật dờ” dân gian quan niệm rằng là những cô hồn, đã hoá thành ma, quỷ … nên hung dữ, tất cả được tập trung thờ cúng tại miễu xóm. Hằng năm có một buổi cho lễ tế tự nầy, thường là thời gian áp Tết, sau tu tảo phần mộ của các tộc họ trong làng. Nguyện vọng chung của dân làng là cầu cho xóm được yên ổn mọi bề, làm ăn, nông tang cày cấy được mùa, no đủ.

Theo một vòng đời con người, lớn lên khi đã chọn cho mình một nghề sinh sống theo quan niệm xưa “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, lại phải cúng tổ sư nhân ngày kỵ giỗ được quy định trước. Nghề nào có tổ sư nấy. Ví dụ ở xứ Quảng xưa kia có các tổ sư nghề mộc vào ngày 07 tháng 11 âm lịch tại làng Kim Bồng xã Cẩm Kim, thị xã Hội An; nghề nông đâu cũng có lễ thần nông, hạ điền, thượng điền, cúng cơm mới; nghề cá tổ chức lễ hội cầu ngư hằng năm vào mùa xuân tại khắp các làng ven biển; lễ tế cá Ông tổ chức trung tuần tháng ba và tháng tư hằng năm, một tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc Chăm xưa được người Quảng tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hoá; nghề dệt ở Duy Xuyên tổ chức vào ngày 07 tháng 5 âm lịch; nghề thêu; nghề đúc đồng ở làng Phước Kiều xã Điện Phương, huyện Điện Bàn vào ngày 20 tháng giêng âm lịch; nghề đá mỹ nghệ Non Nước tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch là ngày Thạch nghệ tổ sư… cả hát bội cũng có tổ sư, ai theo nghề nào, mỗi năm một lần phải bái vọng tạ ơn tổ sư nghề ấy, xem như tưởng nhớ cầu xin, hy vọng trong năm tiếp theo, tổ sẽ giúp đỡ làm ăn phát đạt hơn.

Miền núi có lễ hội Khai sơn tại làng Nghi Xuân xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn vào 08 tháng giêng âm lịch hằng năm; lễ vây bắt cọp ở Tiên Phước vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch…

* Ảnh đại diện: VVH

 

[1] Lê triều chiếu lịnh thiện chính– quyển 3 – bộ Lễ – TS Nguyễn Sỹ Giác phiên âm và dịch nghĩa. Nhà in Bình Minh Sài Gòn 1961. Tr 333.

[2] Luận ngữ – Thiên II – Vi chính –  Nguyễn Hiến Lê (chú dịch và giới thiệu) Nxb Văn học, Hn 1984. Tr 40.

[3] Thờ lúc chết như thờ khi còn sống, thờ khi mất như thờ lúc hẵng còn, mới là chí hiếu vậy. Minh tâm bảo giám – Tạ Thanh Bạch dịch chú – Khai Trí xuất bản. Sài Gòn 1959. Tr 295.

[4] Từ rất lâu, việc đốt giấy vàng bạc đã ít được quan tâm, bởi tín ngưỡng dân gian người Việt không tin có sự hoá vàng, tiền của đồ minh khí. Ngày nay càng nhìn thấy được tính không thực tế khi đốt đồng Dolar Mỹ nhân ngày kỵ giỗ hoặc rãi đồng bạc nầy trên đường khi di quan trong một đám tang. Xem mục III, Ảnh hưởng của tư tưởng ngoại lai vào tập tục.

[5] Xem Báo Công an thành phố Đà Nẵng – số 24 (1696) ngày 11-2-2006 và số 28 (1700) ngày 18-2-2006.

[6] Chỉ thị 27 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội –  Tài liệu tham khảo quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Khoá VIII. Ban TTVH –  TW –  Nxb CTQG, Hn. Tr 95.

[7] Xem: Tết xứ QuảngVõ Văn Hoè – Nxb Đà Nẵng 2005.

[8] Nhạc bát âm gồm: 8 nhạc cụ thường sử dụng trong hát bội, hát giáo tuồng,

 lễ hội, trong quan, hôn, tang, tế… ngày xưa người ta thường sử dụng âm của 8

 nhạc cụ khác nhau hòa thành âm sắc mà ta thường gọi là nhạc bát âm. 1/ Bào:

đấy là 1 bộ gõ dùng để gõ, tiếng kêu trong hơn tiếng mõ;  2/ Thổ:  1 dụng   cụ

 bằng đất nung, tiếng kêu thanh;3/Cách: cái trống;  4/  Mộc:  cái mõ âm thanh

 trầm hơn tiếng bào; 5/Thạch: 2 miếng đá rát mỏng; 6/  Kim: cái chuông giống

 như cái linh; 7/Tư(tơ): cái đờn có 16 dây; 8/Trúc: ống sáo, ống tiêu. Ngày nay

nhạc bát âm không còn phổ biến nguyên bộ trong các lẽ hội cũng   như    trong

quan, hôn, tang, tế mà thay bằng kèn, trống, đờn nhị, đờn kìm.

[9] Gọi tắt là Thành hoàng bổn xứ.

[10] Xem Ô Châu cận lục – Dương Văn An – Bùi Lương dịch. Sài Gòn 1961. Cũng xem Ô Châu cận lụcTrần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc –  hiệu đính-dịch chú –  Nxb Thuận Hoá 2001.

[11] Nay, ở xứ  Quảng có nơi còn xướng khi tế lễ, có nơi không xướng. Xét ra bài xướng dài, thực hiện hết các bước lại phiền phức.

[12] Lễ tục quan tức lễ đội mũ trưởng thành khi 16 – 20 (nữ thập tam nam thập lục) tuổi, rất ít được tổ chức ở xứ Quảng.