Nghĩ về vai trò công xã nông thôn với phong tục Quảng Nam – Đà Nẵng

299

Nghĩ về: Vai trò công xã nông thôn với phong tục  Quảng Nam, Đà Nẵng xưa

 

      Dưới chế độ phong kiến, làng là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống tổ chức xã hội, là đơn vị nòng cốt, căn bản để kết hợp, quản lý nhân dân, đồng thời để tổ chức dân chúng thực hiện những công việc thuộc về việc làng.

          Ngày xưa trên đất nước Đại Việt, không riêng cho vùng Quảng Nam, nhà nước chỉ quản lý đến hàng xã, còn dưới xã là do nhân dân hoàn toàn tự trị và do đó quản lý số dân đinh, số hộ trong làng chỉ có người đứng đầu làng biết và nắm chắc.Những chỉ thị quy định về thuế má, dân đinh, lính tráng, phu phen, tạp dịch đều giao về cho làng. Làng tự lo liệu và tổ chức với nhau. Vì thế, quyền của người đầu làng là quyết định, luật lệ của Nhà nước biểu hiện qua những người đứng đầu làng.

          Ở Quảng Nam, Đà Nẵng tổ chức làng xã cổ truyền đi đôi với việc hình thành những tập tục, tốt hay xấu đều do làng quy định. Có thể kể, làng ở xứ Quảng xuất hiện khá lâu, dân cư giai đoạn giao tiếp Việt – Chàm vào thế kỷ thứ XIV – XV, cuốn phổ chí của một tộc (Phan) ở Đà Sơn-Hòa Vang đã cho thấy làng ở đất Quảng có từ thời đại nhà Trần: Ông (cao tổ tộc Phan) lãnh chỉ đi chiêu dụ, quân dân các châu động đều quy thuận (…) Vua nhà Trần cho ông trông coi các xứ, thiết lập trang trại[1] chia nhau để ở, dạy cho thổ dân chúng ta học hành và cày cấy. Ông đổi các chức châu trưởng, động trưởng thành chức lệnh doãn quân, đặt các chức động trưởng, lại trưởng thành các chức cai trại tri thâu. Mỗi trại dựng kho để chứa thóc dùng vào việc chi cấp cho quan, dân và chứa các thứ như thóc giống và nông cụ. Về dân số thì dân Giao chỉ và dân  địa phương cùng chung một ngạch tịch, về ruộng đất thì chia ra các loại công điền, tư điền đều chia ra để canh tác. Trong số dân địa phương có người còn chấp nê tục cũ, không thuận theo sự khai hóa ấy thì chia ra ở riêng thôn sách có các phu trưởng kiểm tra.[2]

          Lập làng lập xóm là một tổ chức truyền thống từ xưa tới nay của người Việt.Trong làng, về mặt hành chánh duy trì theo một chế độ đặc biệt được nhân dân đất Quảng mang theo từ thời mở đường vào đây khai khẩn. Vào đến vùng đất mới, thiết lập trật tự, quyền hành trong làng tổ chức theo lối công xã, dân chúng trong làng cử người thay mặt mình theo tục lệ cổ truyền của làng. Giữa hai làng có khi có nhiều điểm không giống nhau và do đó đặt ra những lệ làng có tác dụng tuyệt đối với số hộ, dân trong làng. Phép vua thua lệ làng thường thể hiện ở những điểm như thế. Ý thức Nho giáo ảnh hưởng khá mạnh mẽ vào làng xóm xứ Quảng trong thời kỳ mới lập làng. Nếp sống được quy định rõ ràng, quan hệ giữa người với nhau được quy định thành các tục lệ chặt chẽ. Một số làng ở vùng Hòa Vang nay còn tồn tại trong dân gian những quy ước xem như là lệ làng (bản hương ước), có tác dụng quy định “như là luật” của làng buộc mọi người phải tuân thủ. Ví dụ:

                  

                   Cấm trâu ăn lẻ

                   Cấm bẻ măng vòi

                   Cấm moi khoai mụt

                   …

                   Làng đòi một heo… 

          Tuy ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo là then chốt, song nhân dân đất Quảng sống trong làng vẫn duy trì có tính cách công xã “phong cách sống của mình và những truyền thống tốt đẹp và những phong tục tập quán cổ truyền có hiệu lực”[3]. Ở làng duy trì một ít dân chủ có tính công xã nông thôn, bắt đầu từ tinh thần tập thể trong cộng đồng được sự chỉ đạo chủ toàn mà có, mọi sinh hoạt đều hướng vào cộng đồng để duy trì. Một ít dân chủ của làng nhưng có tác động mạnh mẽ đến nội bộ làng, nhất là công việc quản trị làng. Những chức sắc trong làng từ lý trưởng trở xuống đều do dân bầu lên. Trong quá trình thực hiện quyền nầy không phân biệt tuổi tác và năng lực mà căn cứ vào quyền tiên chỉ của một tộc họ lớn. Sách nhiễu cũng từ chỗ nầy mà ra. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng có tục gọi là “tiền hiền”, tộc họ nào đến trước, lập làng lập xóm, quy dân lập ấp cùng ở và phát triển lâu dài thì được phong là tiền hiền của làng đó. Vào thời mới di dân vào nam ảnh hưởng của công xã không sâu sắc song không phải là không có hiệu lực.Chính quyền phong kiến dù bảo thủ thế nào cũng phải thừa nhận một số tục lệ cổ truyền của làng. Đời Lê Thánh Tôn, nhà vua thay xã quan bằng xã trưởng, xã trưởng do nhân dân trong làng, xã cử lên. Bước đầu có nới rộng quyền dân chủ cho người dân, nhưng sau quyền nầy thu hẹp lại cho một tộc họ, hào trưởng trong làng mà thôi. Xã trưởng có quyền quy định ruộng đất của làng cho vua và được chia công điền, công thổ cho dân cày cấy. “Nước theo lệ nước, làng theo lệ làng” là một bằng chứng về hiệu lực của làng để đấu tranh tồn tại các phong tục, tập quán chung của làng. Từ thời Lê đã công nhân một số phong tục phản ánh tinh thần đoàn kết thương yêu và tinh thần vì cộng đồng của làng xã.Ở lang, tinh thần dân chủ có tính cách công xã được duy trì, củng cố và phát huy theo hướng tiến bộ. Do đó có thể nghĩ ở vùng đất Quảng, tinh thần công xã còn biểu hiện vào thời kỳ đầu mở đường xây dựng một vùng quê hương, xứ sở vào thế kỷ thứ XV.

          Từ thời Lê đến thời Nguyễn cũng không có sự thay đổi lớn việc tổ chức làng xã” nhất là các cơ cấu trong dân, lúc đó hầu như đã trưởng thành. Nhà Nguyễn chấp nhận việc bầu xã trưởng và sự tự trị của làng xã, nền tự trị ngày càng vững mạnh, nhất là trong việc quản trị công điền, công thổ.”[4]

          Dần về sau, phong tục, luật lệ nào là của riêng làng ấy, giữ gìn hay bài trừ là tùy vào lệ của làng, Nhà nước phong kiến không với tay đến làng được. Thời Tự Đức, làng có Hội đồng kỳ dịch do nhân dân trong làng cử ra để thay dân mà trông coi mọi việc. Hội đồng ấy có người tiên chỉ và thứ chỉ đứng đầu,. rồi có lý trưởng và phó lý do Hội đồng Kỳ dịch cử ra để thay mặt làng mà giao dịch, có tuần đinh trông coi việc cảnh sát trong làng.

          Tổ chức làng xã cổ truyền ở đất Quảng không thoát ra ngoài phạm vi chung của cả nước, chỉ có thay đổi theo thực tiễn cho phù hợp với thiên nhiên nơi mới đến, mà căn bản vẫn theo sự phát triển chung của dân tộc. Chế độ quân chủ ngày càng kéo dài, vai trò của làng càng “kín cổng cao tường”. “Trong những làng ấp mới, người nông dân tập hợp lại theo tổ chức công xã nông thôn như những làng xóm quê hương họ”[5]

          Như thế làng ở đất Quảng cũng có một cơ cấu vững bền dù trải qua những biến đổi của lịch sử, có đau thương tang tóc do ngoại xâm, song yếu tố thanh bình là cơ bản. Cho nên ngay từ khi vào đất phương nam lập nghiệp, tổ tiên xưa đã sống theo tinh thần cộng đồng, hợp thành đoàn, thành nhóm để nương nhau cùng tồn tại. Ở đó diễn ra quá trình chống thiên nhiên, thú dữ để sản xuất, hình thành thói quen xã hội phù hợp với cơ sở thực tiễn, lâu dần những tục cũ đã được thay thế bằng những thói quen, tục mới. Có khi chỉ thay đổi một ít thành tố trong phong tục mà về cơ bản vẫn được duy trì cho phù hợp với yếu tố truyền thống chung.

          Yếu tố làng mang tính công xã còn thể hiện ở mỗi người dân đất Quảng, trong đó gia đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ và loại trừ phong tục, tập quán. Hệ tư tưởng in đậm tạo cho con người nếp suy nghĩ bất dịch. Vào thời buổi ấy chỉ có Nho giáo là thống trị mà chưa có luồng tư tưởng nào khác ảnh hưởng. Vì thế các thành viên trong làng buộc phải thực hiện những quy định mà làng đã ban bố trở thành lên thường năm “Tam niên nhứt lệ”, “ Xuân thu nhị kỳ”… là thế, không được trái phép, trái phép sẽ có nguy cơ bị đuổi khỏi làng. “ Trong số dân địa phương có người chấp me tín cũ, không thuận theo sự khai hóa thì chia ra ở riêng thôn sách có các phu trưởng kiểm tra…”. Những quy ước của làng được giảng dụ cụ thể đến từng dân đinh, dân tráng. Quyền quy định thuộc về chủ nhà, người nhà phải tuân theo, nếu có sai biệt xem như vi phạm vào đạo đức, vào tam cương ngũ thường, làm sai ý tổ tiên. Chính chỗ đó phong tục tồn tại lâu đời trong nhân dân, ít có thay đổi. Yếu tố ngoại lai từ người Chiêm thời bấy giờ là giao lưu đáng chú ý, song hệ tư tưởng có khác do phần đông người Chiêm theo đạo Bàlamôn nên ảnh hưởng sang làng xóm người Quảng không nhiều.

          Cá nhân trong cộng đồng không tách rời đơn lẻ mà tồn tại được, không thể thoát ly đơn vị làng để  độc lập. Người sống trong làng được cấp công điền, công thổ để sản xuất (một bộ phận nào đó) đảm bảo về mặt vật chất và cứ ba năm phân chia lại, chỉ chỗ đó cũng thấy cá nhân gắn với cộng đồng và cộng đồng có tính quyết định cho cá nhân. Bên canh, làng còn đảm bảo cho cá nhân về mặt tinh thần do đời sống văn hóa chung của làng tập hợp lại mà có, thể hiên qua các phong tục, các lễ hội…Vì thế cá nhân gắn liền với tổ chức làng xã, cũng có nghĩa là “ con người là một thục thể xã hội, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Mỗi người trong gia đình là nhân tố kế thừa và lưu truyền phong tục, bởi gia đình đông người (tứ đại đồng đường) quy định nền nếp theo tục xua. Có thể nói vai trò làng quyết định cho tư tưởng gia đình, ở chỗ gia đình có quan hệ trực tiếp, thường xuyên và có hiệu quả đến làng và ngược lại. Người dân không thể thoát khỏi phạm vi làng mà đến Nước trước được. Phải thông qua làng, làng cho phép mới được thể hiện, trái lệ làng thường bị bắt vạ. Chính gia đình là nơi tiếp thu hay gạt bỏ tư tưởng từ ngoài đưa vào. Do đó làng là trụ cột bảo vệ hay gạt ra ngoài sinh hoạt làng các hủ tục xét thấy lỗi thời. Tư tưởng ngoại lai muốn vào làng không phải dễ, Nho,Lão,Phật vào làng được phải tự thân mềm dẻo, phải linh hoạt, có khi phải thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Tư tưởng Phật vào làng phải thật bình dân, dễ hiểu, phải hòa nhập với tư tưởng triết lý của nhân dân mới mong cắm sâu vào làng được. Hoặc đạo Lão vào làng cũng phải biến đổi sao cho cả hai cùng ảnh hưởng nhau, nếu giữ nguyên gốc không vượt được lũy tre làng chứ đừng nói vào làng bằng cổng làng được. Nho giáo cũng thế, duy có điều Nho vào trước, vào sâu nên ở lâu dài được. Duy trì tư tưởng Nho là những nhà nho có gốc gác tại làng. Tư tưởng Nho thống trị người dân đất Quảng trong suốt thời kỳ phong kiến. Vì thế ở làng là nơi bảo tồn những phong tục tập quán tốt, nhưng đồng thời cũng gạt bỏ phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm cho sinh hoạt tinh thần của làng phong phú hơn.

          Chính những gạn lọc “tốt khoe, xấu che” đã hình thành ở người Quảng một phong cách riêng giản dị, thật thà, kết hợp đồng thời với đấu tranh chống thiên nhiên, chống hiểm họa, thử thách và các thế lực thù địch. “Hoàn cảnh địa lý hiểm trở hoang vu, kẻ thù luôn luôn quấy rối lại thường gặp lắm thiên tai như lụt lội, hạn hán nên nếp sống của người dân đất Quảng từ xưa đã là nếp sống khắc khổ, kiệm ước, không thể và không thích nhiễm tập những thói xa hoa, phù phiếm. Đặc tính sinh hoạt của người Quảng là thiên về thực hành thực hiện, không kiểu cách đãi đưa; tìm lạc thú sinh hoạt ngay trong sức phấn đấu, trong lao động với tất cả sự thiết tha; vật lộn không ngừng với thiên nhiên, nhưng lại đắm say thiên nhiên, can đảm, gan lì, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả “[6].Tất cả những đặc tính trên là cơ sở để phát sinh tục lệ mới tích cực, duy trì và được bảo vệ lâu dài cùng với sự tồn tại và phát triển của xứ sở.

          Quá trình phát triển nên làng ở vùng Quảng Nam là lâu dài, phức tạp. Khi làng được hình thành, bước đầu sinh hoạt như công xã, có tồn tại một ít quyền của người dân, nhưng về sau bị tướt đoạt. Đình làng không còn là nơi sinh hoạt thường xuyên của nhân dân trong làng nữa mà dành cho các hạng tiên chỉ, thứ chỉ, các hào mục trong làng. Do vậy đã biến đổi một bước quan trọng. Làng tồn tại với chế độ quân chủ kéo dài tạo nên tâm lý bảo thủ, củng cố nền nếp gia trưởng, không bình đẳng, hình thành đầu óc hiếu danh làm ảnh hưởng sinh hoạt tinh thần của nhân dân.

          Một vùng đất có vốn văn hóa truyền thống lâu đời, được kế thừa và phát triển liên tục từ thế kỷ XV đến nay chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì phong tục tốt, bỏ tục lệ lạc hậu. Ngày nay, làng đã khác xưa. Lấy đơn vị làng, xóm ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng để tìm hiểu tập tục xưa có sự chi phối của “công xã nông thôn” chính là góp phần giải thích quá trình hình thành tâm lý người Quảng. Từ làng xã ngày nay, nhìn thấy quá khứ những cội nguồn của hiện tại “ có giá trị truyền thống không phải chỉ là ghi lại để biết những việc thời xưa mà chính là bàn những vấn đề đạo lý rất hiện tại, trong đó lịch sử có tác động mạnh mẽ.[7] (11/1997).

 

————

[1] Trang, trại: Theo Toan Ánh trong “Làng xóm Việt Nam” Trang chưa phải là một đơn vị của làng, đây là nơi quy tụ một số dân ở ven rừng núi do một người đứng ra cai quản gọi là trang chủ. Trang có thể tự trị như một làng nhỏ và ở trong trang có đình, chùa, đền, miếu như ở một làng. Ở trang dân cư không đông do đó thường hay bị cướp bóc phải xin sáp nhập với làng (nào đó) và trở nên một thôn của làng đó. Cũng có trường hợp trang ngày một mở mang, trang biến thành làng với tổ chức đầy đủ các cơ cấu của một làng. Trại : trại thường do một người đứng ra lập nên, đưa những người nhà hoặc họ hàng tới ở. Đứng đầu là trại chủ, trong trại không có ruộng mà có vườn. Trại chủ chịu trách nhiệm với làng như một tộc trưởng. Người trong trại phục tùng trại chủ như ở trong gia đình phục tùng người gia trưởng.

[2] Võ Hoàng (12/1986), Công việc tìm hiểu lịch sử-văn hóa vùng Quảng Nam-Đà Nẵng qua các gia phả. Báo QN-ĐN Chủ nhật.

[3] Lịch sử Việt Nam (1971), tập 1. NXB/KHXH.

[4]  Làng xóm Việt Nam (1068), Toan Ánh. Nam Chi Tùng Thư,Sài Gòn.

[5] Lịch sử Việt Nam, tập 1. Sđd.

[6]  Sở Thông Tin Quảng Nam – Đà Nẵng, Văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, tập 1. NXB. ĐN.

[7]  Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. NXB. KHXH.