TẬP TỤC, LỄ HỘI ĐẤT QUẢNG – PHẦN THỨ HAI – Tiết 5 – Tập tục trong sinh hoạt tộc họ

304

PHẦN THỨ HAI – TIẾT 5

 

  1. Tập tục trong sinh hoạt tộc họ

          Nếu ở hương thôn có việc làng, xóm có việc phổ thì ở tộc họ được xem là việc tộc. Đây là chuyện tôn thống, do vậy không một người thân thích nào của dòng họ lại không gánh trên vai, để trong lòng việc tộc. Việc tộc chỉ tập trung vài lần trong năm. Có thể có những lần giỗ kỵ các vị tiền bối từ đời thứ năm trở lên có thờ cúng tại nhà thờ tộc, lần tu tảo phần mộ [1] và 3 ngày Tết nguyên đán. Những tộc họ giàu có, đôi khi các chi phái tộc cũng có nhà thờ riêng để thờ tự những người trong chi, phái mình. Tộc họ nào chưa có nhà thờ riêng thì tập trung về nhà người tộc trưởng tổ chức lễ tưởng niệm. Vòng đời một con người không thể không thực hiện việc tộc, chính đó là sợi dây bền chặt gắn bó nhau qua nhiều đời, nhiều thế hệ, cứ vậy tiếp tục duy trì. Ngay tại việc tộc là cách nêu gương những người đi trước cho kẻ sinh sau học tập, phát huy truyền thống đẹp của giòng tộc trong xây dựng xã hội, làng xóm, gia đình, tạo mối quan hệ đoàn kết nhau trong tư thế “lá lành đùm lá rách”. Trong buổi lễ cúng tại nhà thờ tộc, thường vẫn có lễ tế văn bài chu đáo, kèm với lễ là chiêng trống được gióng lên, tạo cho không khí lễ tế thêm trang nghiêm, bi hùng, đậm đà tính nhân văn cao cả.

           Bài xướng thực hiện nghi lễ trong cuộc tế tự của  một tộc họ, người xứ Quảng xưa kia còn gọi là bài “thày”, các bước và trình tự giống với bài xướng cúng tại đình làng, chỉ thêm, bớt các vị thần, và nêu tên phẩm trật vị chủ bái cho phù hợp. Chinh cổ nhạc và phường bát âm[2] (nếu có) giống như lễ tế tại đình làng. Tuy nhiên, trên xứ Quảng, tuỳ theo vùng người ta khởi động trống trước, chinh cổ sau.

            Gia phả

         Gia phả xuất hiện từ xa xưa vào Việt Nam do ảnh hưởng từ Trung Quốc thời Chiến quốc với quyển Thế Bản, đến thời Nguỵ, thời Tần phát triển mạnh. Ở Việt Nam thời Lý 1206, Lý Thái Tổ cho soạn ngọc diệp (phả vua) là Hoàng Triều Ngọc Diệp, đến thời nhà Trần soạn Hoàng Tông Ngọc Diệp, thời Lê có Hoàng Lê Ngọc Diệp. Cùng với sự xuất hiện các gia phả của Hoàng tộc là gia phả của các danh gia, gia đình quan lại và cứ thế lan rộng, phổ biến ghi chép gia phả trong nhân dân. Mãi đến khoảng năm 1919 Nho học bắt đầu lụi tàn, các khoa thi Hán học bãi bỏ, việc soạn gia phả không được chú trọng.

          Tại Quảng Nam – Đà Nẵng, gia phả đã được mang theo khi những lưu dân từ các vùng miền Thanh – Nghệ – Tĩnh vào Nam khai phá đất đai từ thời nhà Lê. Hiện nay có thể nói, Quảng Nam là một  trong những địa phương có số lượng gia phả nhiều nhất nước, có ước chừng 149 quyển [3], trong đó có nhiều quyển viết cách đây rất lâu. Quan niệm của các tộc họ rằng nước có sử, thì nhà có phả, do đó việc thiết lập gia phả để hiểu được chính xác tổ tiên mình, ông bà mình là điều phúc đức. Đối với các tộc họ, gia phả giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, gia tộc và có quan hệ với xã hội. Việc làm gia phả của các dòng tộc ở Quảng Nam nhằm mục đích: trước hết, giúp người ta nhớ ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để phụng thờ đủ lễ, sau đó, là cho con cháu biết nguồn gốc gia tộc từ đâu đến đâu, họ hàng trên dưới xa gần ra sao. Nhờ có gia phả mà con cháu các đời sau mới hiểu ngọn ngành, tông tổ nhà mình.

Người xưa quan niệm: trong một nhà, một họ mà gốc rễ không tường tận, thì trong con cháu thường xảy ra những chuyện có hại cho gia đạo, làm suy yếu gia phong mất gia giáo và do đó làm ảnh hưởng đến gia thế một gia đình, một dòng họ. Chính đó việc thiết lập gia phả là tục lệ có từ khi vào Nam khai khẩn để nhớ, để biết về nguồn gốc của mình. Không chỉ quan tâm đến nguồn gốc, giỗ Tết, mà nó còn chứa đựng nhiều nghĩa lý sâu xa, khuyên răn làm việc thiện, việc nghĩa ở đời, tránh làm việc ác đức, nhờ vậy mà trong dòng họ giữ được tình hoà hiếu lâu dài. Gia đình là nơi thường ngày những người cùng chung máu mủ quây quần sum họp, truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm ở đời. Nhưng trong phạm vi gia đình, sợi dây thân ái đó chỉ có thể duy trì trong một giới hạn nhất định rồi tự nó sẽ phai nhạt dần khi những người trong gia đình ấy bắt đầu phân tán ra nhiều phái, chi, nhánh. Việc tách hộ gia đình hạt nhân như thời nay cũng góp phần làm cho quan hệ ruột rà phai nhạt dần nhất là ở cách xa nhau ngoài tỉnh thành, quận, huyện. Chính đó trong dân gian thường có lời dặn Bán bà con xa mua láng giềng gần là vậy. Số người trong gia đình càng đông thì con cháu không thể nào biết hết được dòng họ xa gần từ các đời trước. Do đó, chỉ có cách chép vào gia phả mới giúp con cháu nhớ hết tất cả mọi người đã sinh ra trước họ và đã chết trước họ bao nhiêu đời. Bởi vậy, gia phả là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết tất cả con cháu của một dòng họ lại với nhau. Mối tương quan này không những chỉ quan hệ đến con cháu ở hiện tại, mà còn quan hệ cả đến tương lai nữa.

Gia phả có tại Quảng Nam trước kia được viết chủ yếu   bằng chữ Hán (quen gọi là Nho) nhưng số người giỏi chữ Hán lại không nhiều (nay càng ít), qua nhiều năm chiến tranh, nhiều bộ, cuốn gia phả của nhiều dòng họ cũng mất dần… Nay, phần lớn gia phả được viết bằng hai thứ tiếng vừa Hán vừa Việt cho dễ đọc, con cháu trong gia tộc không biết chữ Hàn cũng có thể đọc và hiểu được nguồn gốc dòng họ. Ngày nay, ý nghĩa của những bộ gia phả đã được thừa nhận bởi những giá trị đạo đức, văn hóa tinh thần to lớn với mỗi con người trong từng dòng họ. Nó biểu hiện đầy đủ cả về gia tộc, gia phong, gia giáo, gia đạo, gia thế… Từ xưa đến nay, việc thờ cúng tổ tiên luôn là nền tảng của những nghi thức tôn giáo trong mọi con người Việt Nam. Vì Việt Nam là đất nước có nền văn hiến lâu đời với một tôn giáo truyền thống bao trùm là đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên, những người có công với đất nước, với nhân dân. Xưa nay ông bà ta luôn cho rằng để giáo dục con cháu không gì hay hơn dạy lịch sử: lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương, lịch sử gia đình. Đạo đức, nhân cách con người Quảng Nam nói riêng xuất phát từ những lời giáo huấn của các vị thánh hiền, các lời dạy dỗ của tổ tiên được đúc kết trong các bộ gia phả lưu truyền qua nhiều đời, như là gương mẫu “đối nhân xử thế” trong cuộc sống. Trong gia phả tìm thấy giá trị lịch sử, giá trị đạo đức và giá trị khuyến khích học hành. Thời nay nhiều gia tộc đã thành lập Hội đồng gia tộc chăm lo công việc tổ tông; đồng thời cũng thiết lập quỹ khuyến học, khuyến tài đào tạo thế hệ đời sau cho không chỉ đất Quảng, cho đất nước  mà còn cho gia đình, giòng họ nữa.

         Gia phả là tài liệu cụ thể nhất để giáo dục truyền thống quý báu của dòng họ, gắn liền với truyền thống dân tộc cho từng gia đình, từng con người. Truyền thống ấy đã trở thành trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Trong thực tế xã hội đang có những chuyển biến về tư tưởng, lối sống, đã xuất hiện sự đi xuống và băng hoại về đạo đức của một phần không nhỏ thanh niên. Do đó, việc giáo dục, định hướng cho thanh thiếu niên những kiến thức về dòng họ, về giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dòng họ là thực sự cần thiết bởi thế hệ trẻ với những kiến thức về giá trị văn hóa, đạo đức của gia đình, dòng họ có thể điều chỉnh năng lực hành vi của mình đúng đắn.
Việc thờ cúng tổ tiên là nền tảng của gia đình người Quảng, từ ông cố, bà cố, xuống cháu chắt đều sống chung trong một mối dây liên hệ hết sức chặt chẽ về huyết thống, máu mủ. Làm người ai cũng có cha mẹ, ông bà, tổ tiên như cây có cội nguồn, có gốc, có rễ. Hướng về nguồn cội là những cảm xúc, những tâm tư cùng một thế giới tâm linh trong sáng, thiêng liêng với những cảm hứng vang vọng, xuất phát từ đáy lòng qua sự khôi phục, bổ sung và duy trì sự liên tục của gia phả dòng họ, nhà thờ họ là trào lưu văn hóa đang phát triển ở đất Quảng hiện nay. Có những bộ gia phả của một số dòng họ được viết các đây vài trăm năm nay vẫn được lưu giữ cẩn thận, để lưu giữ truyền qua nhiều thế hệ thì thật không phải là dễ.

         Đối với mối quan hệ xã hội, việc chép gia phả còn ảnh hưởng tới các dòng họ khác có liên quan, đến một vùng địa lý, cả quốc gia, góp phần làm phong phú lịch sử địa phương, nước nhà, bởi lịch sử quốc gia chính là lịch sử của nhiều gia đình, dòng họ đúc kết lại. Chính những nhân vật có tên tuổi lưu danh trong sử sách là nhờ vào gia phả của gia đình, họ được lưu truyền từ đời này sang đời khác và tới các thế hệ mai sau.

          Chạp mả, tảo mộ

        Mộ người Quảng trước đây thường chôn trong phạm vi làng, mỗi làng có nhiều nghĩa địa, khu mộ của tộc họ được phân định cụ thể gọi là khu hội táng của gia tộc. Ngoài ra có khu nghĩa địa của làng, nơi đây tập trung những mồ mả không người chăm sóc, thờ phụng gọi là mộ âm linh hay các mộ cô hồn. Tuy nhiên bên cạnh, nhiều làng tại đất Quảng vẫn có những ngôi mộ vô chủ nằm khắp nơi trong làng, đôi khi bên cạnh hương lộ lại có ngôi mộ đất cạnh bên. Hoặc của người thân một giòng họ nào đó được chôn ngay trong khu vườn ở. Địa điểm dùng làm nghĩa địa thường là vùng đồi trung du, vùng đất gò bãi, tương đối xa nơi dân cư. Ngày trước người Quảng ảnh hưởng của thuyết phong thuỷ trong kinh dịch nên thường tìm đất có địa thế tốt, hướng nằm phải đại lợi, phù hợp với tuổi sinh, nơi được cho là hội tụ long mạch, có thể kết phát, giúp cho con cháu hưởng nhờ lộc cả nên thường chọn rất kỹ khi chọn huyệt mộ. Nay thì việc ấy đã xao lãng dần do sự phát triển xã hội ngày càng cao, kiến thức khoa học về địa chất phần nào lý giải được quan niệm xưa. Không chỉ nay, mà ngay từ thuở xưa cha ông người Quảng và cả người Việt cũng nhắc nhau Hòn đất mà biết nói năng thì thầy địa lý hàm răng không còn.

         Xưa, do khó khăn về vật liệu xây dựng nên phần lớn là mộ đất, một khu mộ đôi khi chiếm một diện tích lớn, ngôi mộ có khi đến 36 mét vuông, huynh mả lớn, đắp bằng đất mở gà, thật cứng (đối với mộ tổ, mộ người lớn tuổi có uy tín trong giòng họ và trong làng), những người mất sớm, ít tuổi ngôi mộ được đắp vừa phải đôi khi không có huynh mả. Nay mộ được xây dựng bằng vật liệu hiện đại, kiên cố. Bia mộ trước đây cũng được quy định cụ thể, tuỳ theo giai tầng trong giòng họ và trong làng mà chọn bia có hay không có đầu triệu, lớn hay nhỏ. Chữ khắc trong bia mộ do quan niệm người chết có linh hồn, linh tính cho nên theo đó người ta tính theo thứ tự quỷ khốc linh thính liên tiếp nhau và chữ cuối cùng kết thúc là linh nếu là đàn ông và thính nếu là đàn bà. Không kết thúc bằng quỷ hoặc khốc vì cho rằng như thế sẽ ảnh hưởng khốc liệt đến những người còn sống trong gia đình.

         Tháng chạp, tảo mộ là phong tục giành riêng cho việc sửa sang phần mộ tổ tiên, nằm trong lễ tiết chuẩn bị cho Tết nguyên đán. Tại xứ Quảng một số vùng chọn tảo mộ vào dịp thanh minh (tháng 3 sau Tết), do tục lệ mỗi làng, mỗi nơi mỗi khác, lại còn do thời tiết mưa lụt, đất ướt khó cho việc sửa sang mồ mả nên theo đó có thể tổ chức vào tiết thanh minh.

          Từ chỗ này trong nhân dân còn lưu hành từ “chạp lạp” (lạp: cúng, tế). Mùa này là độ cuối đông đầu xuân, khí trời còn nhuốm màu se lạnh, có mưa, đôi khi gió mùa đông bắc thổi từng đợt lạnh ngọt lại là lúc đền ơn đáp nghĩa cho ông bà tiên tổ. Trong nắng tháng chạp người ta đi tảo mộ (dãy mả) từ mồng một tháng mười một đã bắt đầu dưới trời mưa se lạnh, dài cho đến hết tháng chạp.

          Đôi khi xứ Quảng lạnh suốt tháng chạp, lạnh băng sang tháng giêng (đây là đặc điểm của thời tiết miền Trung) sáng có sương, trưa có nắng và chiều lạnh, lạnh thâu đêm. Trong cái nắng tháng chạp, ngất ngây, mặc thêm chiếc áo ấm, nắng vẫn hiền lành có màu của vàng ròng, đấy là cảm giác xuân ở Quảng Nam, người ta chỉ có thể khoanh tay trước ngực nghe cái lạnh bàng bạc, dàn trải quanh người, lạnh không thể trốn được, lại có nắng hanh vàng không thể mặc áo ấm khi nắng sang xuân đã âm ấm dịu hiền. Xứ Quảng lạnh ấm đan xen nhau trong tiết trời tháng chạp quả là quyến rũ lạ kỳ. Thời tiết như thế là một báo hiệu còn mấy ngày nữa là Tết đến!

          Thời gian này cũng là lúc sớt sưa trong công việc làm mùa: vụ lúa đông – xuân cũng mới chỉ bắt đầu, nhân dân chưa phải bận bịu với công việc đồng áng do thế việc chạp mả là trọng tâm của tháng chạp. Vào đợt tu tảo mộ phần trước hết mỗi tộc họ họp lại quy định mọi thủ tục chuẩn bị sau đó một cách tự nguyện, tự giác dù đi đâu, ở đâu, làm đâu, ăn đâu vào ngày kỷ niệm này cũng tìm về tưởng nhớ tổ tiên. Các  thành phần dù có bất hảo đến mấy nhưng trước anh linh tiên tổ và những người tiền bối của họ, họ không có thái độ hỗn láo. Công việc đầu tiên là dãy mả (từ địa phương) mộ phần được vun đắp lại chu đáo hơn, dọn sạch cỏ. Mỗi tộc họ trong làng (công xã) họ dành cho công việc này từ hai đến ba ngày là xong. Tiếp đến là lễ chạp, trong lễ chạp có cúng tế, tộc họ nào lớn còn có tế xuân, có nơi kèm với  văn tế còn có nhạc cổ bát âm[4], trống chiêng tạo nên không khí lễ hội trang nghiêm ấm áp hùng tráng. Việc chạp, tiến hành trong một ngày, dù tộc họ lớn hay nhỏ sau buổi chạp là tục lệ đóng góp, người ta chia làm hai hệ: nội thân, ngoại thích. Nội gánh phần nặng và chịu trách nhiệm chính, ngoại là phụ, được giao phần nhẹ hơn. việc đóng góp có quy định hiện vật và tiền để chuẩn bị cho lần chạp năm sau, có khi  tổ chức nuôi heo và giao cho một người nào đó chăm sóc.

         Sau tục chạp  mả, thời gian còn lại là chờ đợi mùa xuân. Từ chạp mả đến tết nguyên đán không có phong tục nào kèm theo. Nhiều nơi trên đất Quảng chạp mả nhằm vào tiết thanh minh (khoảng tháng ba).

          Chạp mả là phong tục nhớ về tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa cho những người đã mất, nhớ về cội nguồn đồng thời cũng là dịp thể hiện tình đoàn kết, lạc quan tin tưởng vào sự sáng tạo của mình. Trong tục chạp mả, cháu con nội ngoại có dịp gặp gỡ nhau, thông cảm nhau trong tình tương thân tương trợ, hàn gắn những sứt mẻ (nếu có) nối lại tình đoàn kết, phân biệt được các thế hệ con cháu mà tiếp tục duy trì dòng dõi vững bền và tồn tại dài lâu.

         Trong lễ tảo mộ, tộc họ nào có nhà thờ riêng, lễ được tiến hành ở đấy, nếu chưa có thì tập trung về nhà vị tộc trưởng để tưởng niệm tổ tiên. Trong lễ tảo mộ tiên linh, các bước hành lễ có sử dụng bài Thày và bộ phận tư lễ xướng lên, vị chủ lễ theo đó mà thực hiện. Bài Thày trong lễ cúng tảo mộ của người Quảng giống với bài Thày cúng đình, miễu, chỉ thay đổi ngôi vị, thứ bậc vị chủ tế, có hoặc không có đội lễ sinh mà vị tư lễ xướng cho phù hợp. Các giòng họ lớn nhiều phái, chi, nhánh lại có thêm nhà thờ phái, chi mới có thể tập trung con cháu từ khắp mọi miền đất nước về tưởng niệm ông bà trong ngày tu tảo phần mộ được. Một bài văn tế ghi lại công lao to lớn của tiền nhân trong việc duy trì dòng họ, đóng góp người và của cho sự phát triển dòng họ, cho lịch sử vùng đất và đất nước được đọc lên trong tiếng trống, chiêng trầm hùng đã làm ấm lòng những hậu duệ đời sau. Từ đó tạo sự đoàn kết, nhất trí trong tộc họ, tìm hiểu nhau trong tình cảm nội thân ngoại thích với tình cảm họ hàng thân thuộc, giúp đỡ trong khó khăn, học tập, lao động sản xuất…làm cho cả tộc họ vươn lên hoà nhập với cuộc sống cộng đồng. Mỗi gia đình theo đó học tập phấn đấu hội nhập phù hợp cuộc sống.

         Một bài văn tế trong lễ tảo mộ ở vùng Hoà Vang có thể được đọc như sau:

          Kỉnh vu  tiên tổ,

          Thời Hồng Đức chiêu an đảnh vạt,

          Thuở phò Lê kiên trực giữ thành trì,

           Đất phương Nam mở rộng giang sơn.

          Quảng nam, Đông Phước dựng cơ đồ

          Gương dũng khí tiền nhân soi rạng tỏ.

          Lộc di mưu hậu bối hưởng công xưa,

          Đắc  phương danh chi, phái niệm thâm ân,

          Hưởng phước ấm tộc đường khai vĩ nghiệp

          Mừng thay nước nhà thạnh trị,

          Từ đường tộc cả, nội, ngoại đặng sum vầy,

                   cháu con đoàn tụ.

 

          Nhân nay:

           Đông thiên cập tiết, lệ thường tảo mộ tiên linh, tử tôn, tụ tập từ đường, kiền cung lễ tạ.

           Dâng lễ bạc hương đăng, trà quả, phù lan thanh chước thứ phẩm chi nghi, [5]

           Tỏ lòng thành tôn tộc phái, chi

          Nội ngoại tằng, huyền từ đường cáo yết.

           Trước vọng cáo tiên linh tiền liệt,

            Di mưu phước lộc biền trăng.

           Trên cầu xin thuỷ tổ Võ đường,

            Bảo nội tử, tôn trường tại.

           Ngàn thu trước thanh danh để lại,

            Niệm tiền ân khai khẩn, khai cơ.

          Muôn đời sau phước lộc hưởng nhờ,

            Hậu duệ phát văn, phát võ,

           Giúp cho công nông thương mãi khuyếch trương,

            Phu ấm, thê vinh, tài tăng, lộc tấn, đắc khương, đắc thọ, đắc võ, đắc văn.

           Muôn lòng thành lễ bạc kính dâng,

            Ba tuần rượu chung trà lễ tạ.

           Đời đời tảo mộ lệ thường,

            Muôn thuở anh linh như tại.

            Kính dâng xin hưởng.

          Đối với người miền núi như dân tộc Cơ tu, mồ mả là chung cho làng gọi là mồ mả của cr’noon. Mỗi cr’noon có khu đất dùng làm nghĩa địa riêng – Cơtu gọi pịng xal để chôn cất người chết. Có hai khu mộ:

           Khu chôn cất gần làng gọi là pịng xal liêm nơi chôn cất người bị bệnh, người lớn tuổi tức những người chết hiền,

          Khu khác dành riêng được đưa vào tận rừng sâu gọi là chi’nâng cr’lộô (pịng xal mốp) tức dành riêng cho những người chết xấu: do tai nạn, chết đẻ, tự tử…(người Quảng gọi là bất đắc kỳ tử).

          Việc chôn cất người chết, dân tộc Cơ tu không xem ngày giờ. Thường sau khi tắt thở, gia đình nào khá giả thì để lại trong nhà từ một đến hai đêm thì chôn, còn các gia đình nghèo khó khi chết xong là mang ra nghĩa địa chôn ngay. Người Cơ tu không xem hướng khi chôn người chết mà theo hướng chung là đầu hướng đông, chân hướng tây. Do quan niệm người chết thường ngước mặt lên trời, nhớ về nguồn cội, nhớ sự sống nên đầu quay về Đông, còn nơi mặt trời lặn là nơi về với cõi vĩnh hằng của thế giới bên kia nên chân đạp hướng Tây. Người chết được chia của tượng trưng theo khả năng của gia đình, do quan niệm rằng mang theo để sử dụng tại thế giới bên kia.

          Tục quy định đối với vợ chồng trẻ, nếu một trong hai người chết thì người con sống làm thủ tục li hôn bằng cách cho vòng tay đeo vào người chết, tục gọi là đoọng la lêếh và có lời niệm với người chết rằng: Kể từ đây chúng ta chia tay nhau và không còn quan hệ vợ chồng nữa. Làm như vậy để cho người chết thanh thản về thế giới bên kia, việc quan hệ vợ chồng xem như chấm dứt từ đây. Từ đó về sau người còn sống được quyền tái giá.

         Tục người Cơ tu quan niệm hai hình thức trong việc chăm sóc mồ mả. Cơ tu dal quy định rằng khi người thân qua đời, chôn cất xong, họ rất sợ đến gần mồ mả, sau khi mở cửa mả xong là thôi, xem như việc chăm sóc mồ mả đã xong trong nhiều năm sau không dám động tới, vì kiêng cho rằng nếu động đến sẽ bị ma ám, có thể chết theo, chết thay, cho nên khi đã hoàn tất việc mở cửa mả xong là thôi. Cơ tu phương sau khi chôn cát, đến ba năm lại trở lên thay bằng mả mới gọi là đoọng đác, sau đó trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm nếu có tiền của lại xây mả mới gọi là têng pịng, tức dời cả mộ và hòm từ nơi cũ sang nơi táng mới [6]. Việc cải táng têng pịng như thế tốn kém tiền bạc, của cải, phải giết heo, gà, trâu, bò cúng tế như lúc mới mất. Từ sau ngày cải táng xây xong mộ, tuyệt, không đá động gì đến mộ nữa. Nếu động đến mồ mả sẽ động và ma đòi ăn tiếp, không đủ sức chi trả, cung cấp, đôi khi còn quan niệm rằng ma sẽ đòi mạng nên không đụng đến nữa.  Chính đó, với những nhà nghèo khó khi không làm nổi mồ mả cho người thân, dòng tộc, vì sợ người chết đòi ăn nên phải bỏ làng xa xứ, tha phương đi ở nơi khác.

          Đối với đồng bào dân tộc Cơ tu

         Trong gia đình, quan hệ vợ chồng người Cơ tu thường có thái độ hoà thuận, ít gặp trường hợp mất đoàn kết hay bạo hành xảy ra. Việc dạy dỗ con cái trong nhà thường dùng lời nhỏ nhẹ, bày vẻ nơi kín đáo, chỗ ít người và không đánh đập con cháu. Thứ bậc trong gia đình được duy trì, thường vâng lời ông, bà, cha, mẹ, kính trên nhường dưới, ít vi phạm luật tục. Trong quan hệ cộng đồng thường có thái độ hoà nhã, tôn trọng nhau trong thôn, bản.

          Đi ra rẫy, lên rừng, sông, suối không lấy của người khác, thường giúp nhau khi biết có thú rừng, cá mắc bẫy, mắc lưới tìm cách thông tin cho chủ bẫy biết mà không lấy trộm. Đó là tục hằng ngày gọi là g’luốc băng toong ợng p’lơơng.

          Vào nhà hàng xóm hay khi lên rẫy vắng chủ, bụng đói có thể xin một ít gì đấy ăn được bằng cách bứt cành cây còn tươi làm dấu trong nhà, nơi rẫy để thông tin cho chủ biết có người láng giềng đi qua xin một ít. Chủ gặp trường hợp như vậy rất mừng. Tục Cơ tu phạt nặng những ai không thực hiện tập quán xin vắng chủ như vậy, bởi họ cho rằng không thông báo cho chủ là một hành động ăn trộm.

          Trong cuộc sống, ứng xử thường có lỗi thì xin lỗi pa’lơi oó mây đươi. Để khẳng định lời nói của mình là đúng người Cơ tu đôi khi cũng dùng phương thức thề, khẳng định điều tôi nói là đúng thường thề amông amế ama – nếu sai trời làm chứng và đánh bố mẹ tôi chết- còn con cái thề với cha mẹ thường lấy đầu các con thề amông pêê k’coon và họ đoan chắc rằng nếu trái với lời thề đó thì trời phạt.

         Đối với đồng bào dân tộc Co

       Gia đình người Co hiện nay có khuynh hướng tách riêng thành gia đình hạt nhân, tuy nhiên bên cạnh gia đình lớn nhiều thế hệ vẫn còn tồn tại. Khi già yếu, cha mẹ chia tài sản cho con trai giữ phần nhiều, người nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, được giữ phần hơn, con gái chỉ nhận phần ít làm vốn lúc có chồng. Quan hệ trong gia đình người Co giống như người Kinh, Cơ tu hay các tộc người khác tại Quảng Nam, sống hoà thuận, vợ chồng chung thuỷ, con cái trong nhà kính trên nhường dưới. Trong lao động có sự phân công tự nhiên, đàn ông làm việc nặng, đàn bà làm việc nhẹ. Vai trò của người chủ nhà giống người Kinh (tuy chưa hẳn là phụ hệ), song thay mặt gia đình trong việc đối ngoại, tổ chức sản xuất, bàn bạc, họp hội với già làng.

        Trước 1945, người Co không có tục đặt họ kèm theo tên gọi, sau 1945, phần đông lấy họ Đinh, sau 1975 lấy họ Hồ, một số ít lấy họ Trương, Lê. Trong gia đình quan hệ huyết thống được xem trọng, những người có huyết thống gần không được lấy nhau, nếu đã lấy nhau xem như hành động xăk oh ay –  loạn luân – vi phạm đạo đức dòng tộc, gia đình và luật tục. Luật tục cho phép từ một đầu ông sinh ra, đến đời thứ 5 – xur oh xur ay – mới có thể lấy nhau, nếu chị em gái hay anh trai và em gái, em trai và chị gái thì đến đời thứ 3 – sau oh sau ay – cháu em, cháu chị, cháu cậu cháu cô thì có thể lấy nhau.

        Người Co đôi khi lấy hai vợ, phong tục, tập quán đồng bào không cấm, nếu vợ cả không con thì người chồng có thể lấy thêm người vợ nữa mà vợ cả đồng tình. Đôi khi vợ cả không con, lại đi tìm cho chồng một người vợ thứ cưới về. Nếu người vợ goá có thể lấy em chồng mà không được lấy anh chồng.

        Khi con gái về nhà chồng, có gia đình riêng, người Co có tục kiêng cữ khi con gái về thăm nhà cha mẹ đẻ được xem như người ngoài gia đình, dòng tộc, cữ không được vào nhà nếu bắt gặp dấu hiệu kiêng  cắm trên cộng cửa một cành lá còn xanh. Người ngoài gia đình cũng không được vào nhà khi bắt gặp dấu hiệu kiêng nêu trên.

        Khi đã về nhà cha mẹ đẻ thăm chơi, trong lúc làm bếp chỉ được nhắc nồi xuống mà không được bắt nồi lên bếp ngay tại gian tum. 

       

[1] Xem: Tết xứ QuảngVõ Văn Hoè – Nxb Đà Nẵng 2005.

[2] Nhạc bát âm gồm: 8 nhạc cụ thường sử dụng trong hát bội, hát giáo tuồng, lễ hội,trong quan, hôn, tang, tế… ngày xưa người ta thường sử dụng âm của 8

 nhạc cụ khác nhau hòa thành âm sắc mà ta thường gọi là nhạc bát âm. 1/ Bào:

đấy là 1 bộ gõ dùng để gõ, tiếng kêu trong hơn tiếng mõ;  2/ Thổ:  1 dụng   cụ

 bằng đất nung, tiếng kêu thanh;3/Cách: cái trống;  4/  Mộc:  cái mõ âm thanh

 trầm hơn tiếng bào; 5/Thạch: 2 miếng đá rát mỏng; 6/  Kim: cái chuông giống

 như cái linh; 7/Tư(tơ): cái đờn có 16 dây; 8/Trúc: ống sáo, ống tiêu. Ngày nay

nhạc bát âm không còn phổ biến nguyên bộ trong các lẽ hội cũng   như    trong

quan, hôn, tang, tế mà thay bằng kèn, trống, đờn nhị, đờn kìm.

[3] Theo vietnamgiapha.com. Quảng Nam 149, Nam Đinh 113, Nghệ An 98, Thừa Thiên – Huế 92, Thái Bình 88.

[4]  Nhạc bát âm gồm: 8 nhạc cụ thường sử dụng trong hát bội, hát giáo tuồng, lễ hội, trong quan, hôn, tang, tế… ngày xưa người ta thường sử dụng âm của 8 nhạc cụ khác nhau hòa thành âm sắc mà ta thường gọi là nhạc bát âm. 1/ Bào: đấy là 1 bộ gõ dùng để gõ, tiếng kêu trong hơn tiếng mõ; 2/ Thổ: 1 dụng cụ bằng đất nung, tiếng kêu thanh;3/Cách: cái trống; 4/Mộc: cái mõ âm thanh trầm hơn tiếng bào; 5/Thạch: 2 miếng đá rát mỏng; 6/Kim: cái chuông giống như cái linh; 7/Tư(tơ): cái đờn có 16 dây; 8/Trúc: ống sáo, ống tiêu. Ngày nay nhạc bát âm không còn phổ biến nguyên bộ trong các lẽ hội cũng như trong quan, hôn, tang, tế mà thay bằng kèn, trống, đờn nhị, đờn kìm.

[5] Hương đăng…: hương đèn, trà quả, trầu cau, nước sạch, các loại vật phẩm khác.

[6] Khi dời mộ không bốc hài cốt nếu hòm đã cũ thì chồng bọc hòm mới bên ngoài, nếu hòm cũ đã mục nát thì bốc cốt vào hòm mới. Do đó khi người Cơ tu chôn người chết thường chọn loại gỗ ròng, rất cứng và tốt không mối mọt được.