Vang bóng một thời

493

Vang bóng một thời

        Cây thuốc lá Cẩm Lệ [1] thích hợp vùng Gò Lăng, xứ Cây Cốc thuộc làng Đông Phước và đồng thời cũng thích nghi với vùng gò Tràm (xóm Bắc Thuận, phường Hòa Thọ Đông) giáp với Gò Mô (Khuê Trung Đà Nẵng nay). Đặc biệt cây thuốc lá nổi tiếng như ta đã biết được trồng trên vùng đất Cây Cốc thuộc làng Đông Phước xã Hoà Phát (nay là phường Hòa Phát). Do đất đai thổ nhưỡng thích hợp nên hương vị thuốc thơm ngon, đậm đà, cháy đến đâu, tàn thuốc trắng đến đó, gọi là tàn kim. Chính các yếu tố thổ nhưỡng và nguồn nước tại làng tạo cho đất vùng Cây Cốc trở thành đất thổ nghi với cây thuốc lá.

        Cây thuốc lá ưa đất cát pha thịt, loại đất này phân bố hầu hết trên diện tích của làng. Nhân dân làng Đông Phước chuyên trồng loại thuốc nầy từ tháng mười hằng năm [[2]]. Bắt đầu từ tháng 8 là gieo hạt thuốc ra rò. Rò được làm trục trịch bằng tre cách mặt đất chừng 80 cm, có mái che mưa nắng, chừng hạt nẩy mầm đến 5 – 6 cm là nhổ gốc cấy con thuốc vào quãng bằng lá chuối.

        – Cấy con thuốc:

        Quãng được chằm lại cho tròn có đường kính từ 2 – 3 cm và cao từ 2 – 3 cm. Công đoạn nầy gọi tắt là “chằm quãng”. Để cấy con thuốc người trồng thuốc dùng một thanh tre vạt tù một đầu dùi vào quãng đã được nhận đầy phân hoai và đất trong quãng, đoạn cho cả bộ rễ con thuốc vào, um lại. Vào thời gian nầy cả làng Đông Phước, Nghi An, Phong Bắc nơi đâu cũng rục rịch cho mùa thuốc lá nên khi nghe chằm quãng thì ai cũng biết và hiểu được. Sau đợt cấy thuốc vào quãng là thời kỳ nuôi cây con kéo dài trên dưới 15 ngày.

        – Đặt thuốc:

        Mười lăm ngày sau, thuốc con bén rễ, có thể trồng xuống đất, cây cách cây 4 dm, mỗi cây đắp lên một ụ đất như cái tô úp nhằm chống các loại côn trùng, dế và giữ chặt được phần gốc thuốc. Công việc nầy trong quá trình sản xuất gọi là đặt thuốc. Sau ngày đặt thuốc con xuống rỏng, hằng ngày phải tưới cho đất ẩm, chừng 15 – 17 ngày rễ bén là lúc thuốc ở vào giai đoạn cần phải bón phân. Thường, người sản xuất bón phân chuồng đã hoai và bánh dầu (xác đậu phụng) đã giã thành bột mịn. Đây là giai đoạn nhử thuốc.

        – Nhử thuốc:

        Sau khi rắc phân và bánh dầu quanh mô đất, người ta đưa đất đắp thêm một lớp trên mặt rỏng thuốc. Mười lăm ngày sau lại phụ thuốc.

        – Phụ thuốc:

        Công việc phụ thuốc giống như nhử thuốc, khi tiến hành phụ thuốc người nông dân dùng cây tăm hương chụm các lá thuốc lại,  xỏ ngang, không cho các lá thuốc bung ra nhằm dễ tiến hành bỏ phân và xuống đất. Đoạn dùng cuốc bàn đưa đất nhiều vào gốc thuốc, sao cho lấp được phần phân và bánh dầu đã bón vào. Bánh dầu thời kỳ phụ thuốc không phải giã mịn như nhử thuốc mà có thể giã bánh nát bằng hạt bắp là được. Lúc bấy giờ thuốc đã lớn, lá có thể tròn như lá mít.

        Nước tưới cho thuốc phải tăng dần và nhất thiết không được để khô gốc thuốc. Đây là thời kỳ cây thuốc phát triển chậm, thuốc có thể chết hoặc già không phát triển được nữa. Do vậy phải thận trọng.

        – Lấy cái:

        Đến khi thuốc lên chừng 8 lá, phải bẻ ngọn gọi là bẻ cái (lấy cái). Thời kỳ nầy không lấy cái là không có năng suất về sau. Cái có thể có từ 4 đến 5 cái, đâm chồi chừng 4 – 5 cm là thời kỳ làm hàng cho thuốc.

        – Lên hàng:

        Lên hàng thường là bón thêm bánh dầu là chính (có thể kèm theo phân chuồng thật hoai, tơi, mịn). Thời kỳ nầy trong trồng thuốc lá gọi là lên hàng. Để lên hàng được thuận lợi, người trồng thuốc dùng dây bằng rơm, hoặc rạ, chụm các lá thuốc lại bó quanh như hoa sen nhằm tiện việc bón phân và làm hàng cho thuốc. Sau khi lên hàng xong người ta lại tháo dây buột ra và tiến hành tưới nước cho thuốc. Từ sau giai đoạn lên hàng thuốc, ngày nào người nông dân cũng ra đồng chăm sóc cho cây thuốc, có thể bắt sâu, giun dế, phát hiện những cây chết, mất sức, kịp thay thế cho cân hàng. Nước phải tưới cách nhật, tưới đẳm, tưới đều. Làm hàng xong chừng mười lăm ngày sau thuốc bén phân, lên ngồng, tức là chồi lên sắp trổ bông, cây thuốc ở vào giai đoạn nầy sẽ không phát triển lên cao được nữa, người trồng thuốc chừa từ 12 – 14 lá, xong bẻ ngang ngồng. Đây là thời kỳ cơi thuốc.

       

 Lên hàng (Ảnh VVH)

        – Cơi thuốc:

        Để cơi được thuốc, có thể có cây cơi được, cây phải chờ đủ lá nên những ngày nầy trên tất cả các đám thuốc của làng ngày nào cũng có người nông dân ra đồng chăm bón thuốc. Họ mang cơm trưa ra tận nương rẫy để tranh thủ cơi thuốc, chăm thuốc và nhất là tưới nước cho thuốc.

        Một gia đình trồng chừng 5000 cây thuốc là đã thấy vất vả lắm rồi, nào phải chuẩn bị phân chuồng thật hoai, phân bánh dầu giã thật đều, thế nên đến mùa thuốc lá, cả làng vào đêm đâu cũng phảng phất thơm mùi đậu phụng do phải thui từng tấm bánh dầu nóng lên cho mềm trước khi dùng rựa, liềm băm, chặt ra từng miếng nhỏ. Vào mùa thuốc lá, suốt đêm nghe tiếng thình thịch của chiếc chày, cối gỗ hoặc cối đá trong xóm vọng ra khi người nông dân giả bánh dầu chuẩn bị cho các công đoạn bón phân cho thuốc lá. Đôi khi người nông dân trong làng đến giúp nhau giả bánh, chặt, băm bánh, chính đó là cách đổi công cho nhau trong lúc làm mùa. Và, những đêm như thế hát hò khoan đối đáp lại được nhóm lên, trao đổi tâm tình…

        Sau cơi thuốc, cây thuốc phát triển rất nhanh, vì thế cần nước và độ ẩm phải đều, thích hợp.

        – Lặt nhánh hớt:

        Khi những cái mần ở nách lá bắt đầu nhú lên, đến khi rộ thì trảy mầm lá. Giai đoạn nầy gọi là lặt nhánh hớt, hay còn gọi là kỳ nhánh nhứt. Tiếp theo người trồng thuốc bẻ tất cả các lá già còn lại ở thời kỳ lấy cái. Những lá nầy gọi là thuốc chưn, còn gọi là thuốc âm chồi [[3]]. Những lá không có mầm lúc bẻ cái gọi là thuốc hờ.

        Mỗi kỳ nhánh cách nhau từ 5 đến 6 ngày.

        – Lặt nhánh nhì:

        Sau kỳ nhánh lần thứ nhất, 5 ngày sau lặt nhánh lần thứ hai. Lần nầy trảy sạch như lần trước và sau đó cứ 5 ngày là lặt nhánh lần thứ 3.

        – Lặt nhánh ba:

        Kỳ nhánh lần 3 lặt nửa thân cây thuốc trở lên, còn nửa thân dưới chừa chồi non lại về sau người nông dân lấy thuốc nhánh (tức thuốc kỳ nhì). Sau kỳ lặt nhánh lần 3 một, hai ngày là bẻ thuốc (gọi là thuốc nhứt). Người làm thuốc bẻ từ trên xuống, chừa sát gốc từ 2 – 3 lá. Thuốc chừa lại gọi là thuốc xai. Những lá thuốc hư thối mất nửa, bẻ riêng gọi là thuốc xai đất.

        Hai loại thuốc xai nầy khi bẻ không kéo thẳng lên mà ngứt ngang nhằm dưỡng mầm non. Đối với thuốc nhứt thường nắm chặt cọng, ngứt lên để lấy được dấu [[4]].

        Thuốc bẻ xong cho vào giỏ bội gánh về nhà sắp ra trên nền đất (có thể nền xi măng), cọng thuốc xếp tiếp xúc với mặt đất nhằm tránh bớt độ ẩm làm cho thuốc bị bủn. Kế đó là xâu lại thành chuỗi gọi là xâu thuốc. Mỗi xâu thuốc song song hai vế, lá cách lá 1 cm. Thuốc xâu xong treo thật dày lên sào trong bóng râm, hai ngày sau trở đầu treo và treo sưa hơn, thuốc bắt đầu ráo và khô dần. Trời có nắng mang ra phơi, nếu gặp phải trời âm u hay mưa phải xoay các lá thuốc hạn chế lá chồng lên nhau gọi là xoay lồng đèn. Đến khi thuốc khô được nửa lá, mang ra ngoài sân treo trên cây sào [[5]] phơi từ 1 đến 2 ngày, xong lại mang vào nhà treo trong bóng mát, xâu nọ cách xâu kia từ 20 – 25 cm. Làm như vậy để tránh thuốc ẩm ( thuốc nục) mới giữ được hương vị đậm đà của thuốc khi hút.

        Chờ, thuốc khô tắt nghỉn [[6]], bụng và lưng lá thuốc có màu đỏ gạch đều nhau, vào thời điểm nầy người làm thuốc tiến hành chùm lại, cứ 12 xâu thành một chùm gọi là một chục. [[7]] Chùm cọng theo cọng và phải phơi cọng nhằm tránh mốc có thể xuất hiện mà phông phải phơi lá (không phơi, thuốc hút sẽ không cháy), nếu phơi lá, lá sẽ hư màu, bạc lá sẽ không có giá trị như thương hiệu thuốc lá Cẩm Lệ nữa.

        Khi thuốc khô tắt nghỉn, trước khi chùm mà lưng lá thuốc còn xanh phải phơi nắng to, lấy sương ban đêm, khi lá thuốc ngã sang màu gạch là xem như đã tốt màu. Nếu lá thuốc chưa được thế, người làm thuốc phải trở đầu xâu thuốc phơi thêm một nắng, một sương nữa… cứ vậy đến chừng nào tốt màu [[8]] thì mới chùm lại.

        Sau mùa thuốc, nếu muốn bó lại thành cồi cho gọn, giữ được lâu cũng cần phơi lại một nắng, một sương cho thuốc dịu đi, đem rút dày (lá sát nhau) và tiến hành đẩy thuốc.[[9]] Các thợ đẩy thuốc thường là phụ nữ, mỗi vế thuốc rút dày đẩy xong gọi là ghim thuốc, các đuôi lá chụm lại tạo thành hình tam giác cân. Trong quá trình đẩy thuốc, thợ đẩy chọn những lá tốt màu làm mặt lót lên phía trên, tạo cho ghim thuốc bắt mắt, đẹp. Người mua thuốc xem đó có thể đoán được thuốc ngon hay dỡ. Giá mỗi cân thuốc lá Cẩm Lệ cũng từ đó mà quy định.

        Đẩy xong chất thành cồi, hình lục giác hoặc hình vuông, hình chữ nhật tuỳ theo số lượng thuốc nhiều hay ít. Trong lúc cồi, cọng được đặt ra ngoài. Dùng dụng cụ nhẹ, vừa chần nhẹ cho thuốc thẳng, sau hai ngày xở cồi ra cho được thoáng, độ ẩm giảm xuống, đoạn cồi lại lần nữa. Nếu thuốc chưa thẳng, thiếu độ ẩm thích hợp cần chần nặng thêm. Trường hợp dư ẩm mà đè nặng quá thuốc sẽ bủn dần (gọi là thuốc chín), lá dính lại nhau, rách nát, đặc biệt là hút không cháy được.

        Chừng 4 ngày sau, người làm thuốc sắp xếp cẩn thận bó thành bó lớn hình chữ nhật, cất giữ lâu dài.

        Thuốc nhánh là loại thuốc mà chồi được giữ lại khi bẻ thuốc nhứt (trình bày trên). Muốn thu hoạch tốt, năng suất, chất lượng phải bón phân lần nữa (phân cũng phải mịn), đồng thời ngút đọt gọi là cơi nhánh (bỏ những chồi xấu) và tiến hành như kỳ thuốc nhứt nhưng không phải chừa lại chồi lần thứ ba nữa.

                                             Thuốc nhánh (Ảnh VVH)

        Thuốc nhánh lá nhỏ hơn, có vị đắng, còn hương vị thì tuỳ theo loại đất, nếu là đất “thổ nghi” thì cũng tương đương với thuốc nhứt.

        Quá trình trồng cây thuốc lá Cẩm Lệ, theo khinh nghiệm của những người sản xuất hằng năm thì có hai khâu quyết định cho hương vị, độ ngon của thuốc, đấy là giai đoạn phơi và giai đoạn đẩy, chần. Hai giai đoạn nầy không dầm mưa dải nắng nhưng lại góp phần lớn vào hương vị thuốc, nếu không chăm chút kỹ lưỡng sẽ làm cho thuốc từ ngon sang dỡ, từ tốt sang xấu, chất lượng của thuốc do đó giảm đi rất nhiều, có khi còn thua cả thuốc lá kỳ nhì nữa. Vì thế, người sản xuất thuốc lá chú ý nhất là giai đoạn phơi, trở, đặc biệt chú ý lấy sương, đẩy, chần.

        Thời gian đầu tư liên tục cho một mùa thuốc lá là 4 tháng, trong đó thuốc nhứt mất khoảng 3 tháng 10 ngày, thuốc nhánh, nhóc trên dưới 20 ngày là bẻ được.

        Xưa kia, trong thời kỳ phong kiến, thuốc lá Cẩm Lệ được các vua triều Nguyễn ưa thích nên buộc phải “thượng tiến” dâng lên. Cùng với việc cống nạp thuốc lá còn có giống xoài tượng nổi tiếng là thơm ngon. Trước 1945, làng Phong Lệ (nay là Phong Bắc) có 3 cây xoài tượng to, dân gọi là xoài làng, các hương chức trong làng phân công người giữ. Hằng năm đến mùa xoài (tháng 5 âm lịch) mang theo cùng với thuốc lá ra Huế cống nạp. Để có thuốc lá cống nạp, huyện, tỉnh phải huy động sản phẩm cả một vùng, trong đó thuốc lá được trồng tại làng Đông Phước có góp phần vào sản phẩm triều cống. Riêng “xoài làng” như Phong Lệ, làng Đông Phước không có loại xoài ngon.

        Thuốc cống nạp cho vua phải lựa chọn chu đáo, kỹ càng, lá thuốc có bản rộng, có màu, có dấu đều nhau. Thuốc không dấu được đánh giá là thuốc xấu không qua 3 kỳ lặt nhánh, lá thuốc không dày, ít nhựa, tàn không trắng, khói không thơm. Trước khi cống nạp lên vua thuốc phải được sắp xếp có quy cách và được các vị hương chức kiểm tra. Cách sắp xếp tạo nên liễn thuốc. Cứ 100 lá đều nhau vừa vẹn đóng thành xấp rồi 10 xấp đóng thành 1 liễn, 10 liễn gọi là 1 muôn (1 muôn có 10.000 lá). Sau khi liễn xong sao cho các dấu thuốc xoay tròn tạo nên hình dáng bắt mắt, mỹ thuật. Trọng lượng giữa liễn nọ với liễn kia phải bằng nhau.

        Thuốc liễn xong, hào lý trong làng gom góp lại cùng với “xoài làng” là hai phương vật tiến hành cống nạp ra Thuận Hoá.

Bông thuốc lá (Ảnh VVH)

BẢNG ĐỐI CHIẾU NGHỀ NGHIỆP VỚI TỪ PHỔ THÔNG

 

STT Từ nghề nghiệp Từ phổ thông hoặc giải thích
1 – Chằm quãng –    Kết lá chuối thành vòng tròn
2 – Đặt thuốc –    Trồng thuốc
3 – Gieo hột –    Gieo, ươm hạt
4 – Phân hoi –    Phân đã thục, tơi, mịn
5 – Bánh dầu –    Xác đậu phụng sau khi      ép lấy dầu
6 – Nhử thuốc –    Bón phân đợt 1 kích thích bộ rễ
7 – Phụ thuốc –    Bón phân đợt 2
8 – Lấy cái –    Ngứt, lặt mầm
9 – Lên hàng –    Làm hàng, vun hàng
10 – Lên ngồng –    Đâm chồi
11 – Cơi thuốc –    Ngứt chồi, mầm
12 – Lặt nhánh hớt –    Bẻ chồi ở nách lá
13 -Thuốc chưn, âm chồi –    Lá thuốc ôm lấy chồi, khi cây thuốc cao 30 cm
14 –   Thuốc hờ –    Thuốc bỏ (hờ hững)
15 –   Lặt –    Bẻ, ngứt
16 –   Bủn –    Thối
17 –   Thuốc nục –    Thuốc ẩm, nát
18 –   Khô tắt nghỉn –    Vừa mới khô xong phần tươi của lá
19 –   Cồi –    Khối
20 –   Chần –    Đè
21 –   Thuốc chín –    Thuốc mềm, rã
22 –   Bù ngòm –   Cây sào dài chừng 3 m, đầu vạt  hai bên tại nên khe trống dung móc đầu xâu thuốc treo lên rui nhà,…
23 –   Bàn bê –  Miếng ván dài chừng 70-80 cm dùng đè trên thanh tre, thanh tre này đè lên ghim thuốc để đẩy thuốc
24 –  Đầu rìu – Lưỡi rìu

 

        Có thể nói, trên đất đai xứ sở không mấy màu mỡ nhưng vẫn còn có thể cho cây thuốc lá phát triển. Làng Đông Phước nhờ vào cây thuốc lá rất nhiều, người dân trong làng (cả Nghi An (Tân An)) xem là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Vào những ngày xuân, trời quang, mây tạnh, đang là vụ thuốc, đến làng Đông Phước xem người sản xuất thuốc lá “tạ Bà” sẽ được nghe câu chuyện về sự tích cây thuốc lá.

        Chuyện rằng:   Ngày xửa, ngày xưa, tại vùng Cẩm Lệ có một gia đình rất nghèo, họ không có ruộng đất để canh tác, nên thường xuyên đói no thất thường qua bữa. Do thế cuộc sống chủ yếu của gia đình nọ là phải lên núi Cẩm Khê chặt củi:

            Sớm mai lên núi củi than,

            Chiều về xuống biển đào hang bắt còng.

        Đã làm cho gia đình nghèo ấy có một cậu con trai duy nhất trở thành nghề đốn củi kiếm miếng nuôi thân.

            Một hôm, như thường lệ, chàng trai lên bìa rừng Cẩm Khê [10]đốn củi, bỗng dựng lại gặp một cô gái trẻ đẹp, quyến rũ  đang tha thẩn triền đồi. Hỏi ra được biết, cô gái làm nghề canh cửu, nhà ở cạnh bìa núi. Sau đấy, cô gái mời chàng trai về nhà thăm chơi cho biết chốn. Chàng trai ở mãi đã được mấy hôm mà không buồn nhớ nhà cha mẹ. Sau đấy họ yêu nhau, chàng trai thôi, không muốn trở về quê hương nghèo khó của mình nữa.

            Một năm sau, họ sinh được đứa con gái, cuộc sống của đôi vợi chồng trẻ bình thường yên ổn, họ sống hạnh phúc bên nhau. Đến một ngày kia đốn củi xong chàng trai gánh củi xuống chợ bán. Tại chợ, người ta đang kháo nhau rằng trên núi có một cô con gái rất đẹp là hiện thân của loài ma le hung dữ. Chàng trai nghe được tin, bán tín bán nghi, châu mày suy nghĩ, hết sức ngạc nhiên. Bán xong gánh củi, chàng xách liềm cùng đòn xóc lững thững về nhà. Từ bữa ấy, chàng trai khác hơn mọi ngày, mặc dầu không nói gì với vợ về câu chuyện ma le người ta kể ở chợ.

            Mấy ngày liền chàng thấy sợ, cử chỉ, nói năng không được bình thường. Vợ chàng bát đầu nghi kỵ nơi chàng.

            Rồi một ngày kia, chàng trai vẫn xách liềm rựa ra đi đốn củi đến những hai ngày mới về. Vợ chàng ở nhà lại càng nghi ngờ hơn nữa. Phải chăng, chồng mình phát hiện ra lại lịch của mình.

            Sau lần đốn củi hai ngày mới về nhà, chàng trai trông vợ có khác, chàng tỏ ra lo lắng, nghĩ ra một kế để tìm hư thực thế nào. Buổi ấy, như thường lệ, chàng ra đi đốn củi, nhưng đi được nửa đường, chàng quay về nhà chọn chỗ đứng đã được chọn lựa trước, chàng quan sát vào nhà. Trong nhà, tiếng thoi dệt lụa của vợ vẫn lốc cốc đều đều, bỗng dưng ngưng bặt, chiếc thoi rời khỏi khung bay xuống đất. Đứng ngoài trông vào, chàng trai lạnh toát mồ hôi, không còn nghi ngờ gì nữa, vợ chàng không cúi người nhặt lấy con thoi mà chỉ le lưỡi dài ra chấm đất khoèo con thoi lên. Chàng trai choáng váng mặt mày, lặng lẽ xách rựa lầm lủi vào lại bìa núi.

            Cuối ngày chàng về, cố giữ nét mặt bình thường với vợ. Tối xuống, cơm nước xong, chàng bàn:

            – Lâu quá rồi, đã hơn hai năm nay, anh chưa về lại dưới quê thăm làng xóm, cha mẹ, láng giềng, nay con đã khá, anh bồng về dưới thăm bà con bên nội và thân thích vài ngày lại trở lên.

            Vợ chàng trai nhìn nét mặt chồng đã hiểu ý, đồng thuận cho chàng đi một mình còn đứa con thì để ở lại với  mình.

            Hôm sau, sương mù chưa tan trên vùng núi Cẩm Khê, gà rừng gáy vọng te te ra bìa núi, chàng trai chuẩn bị lên đường, định sẽ bế con theo, vợ chàng cản lại. Hai bên giành giật nhau, mỗi người nắm một chân đứa bé, trong lúc xô xát vì sơ ý làm xé đôi đứa con thành hai nửa. Chàng trai giận dữ ngước nhìn mặt vợ, bỗng chàng choáng váng khi khuôn mặt của vợ biến dạng như hôm nào chàng nhìn thấy. Thần sắc chàng biến mất, vội mang nửa thân con gái chạy thục mạng về quê chôn cất.

            Hai ngày sau chàng mới về đến quê nhà, chôn nửa đứa con yêu quý, đắp một ngôi mộ mới trên cồn. Dân làng được tin lấy làm thương tiếc cho chàng trai nghèo khổ.

            Về sau, không biết tự bao giờ tại ngôi mộ mọc lên một cây xanh, lá to, bông như chiếc loa kèn màu phơn phớt tím. Ba tháng mười ngày sau cây già, lá rủ xuống có màu sậm như màu máu bầm. Dân làng đi làm nương rẫy, thường ngày qua lại, thấy cây lạ, bèn bứt lá vò ngửi có mùi khay khay, nếm thử có vị cay cay, đem đốt có mùi thơm hăng, bèn quấn lại mà hút có mùi thơm mặn mà đễ chịu. Càng hút càng thấy sảng khoái, ưa hút, muốn hút, hút lâu không bỏ được.

            Từ đó, dân làng bỗng nhớ lại câu chuyện ngày trước, thì ra cây xanh lạ có dòng máu của ma le pha trộn với dòng máu của người. Dùng hút thấy say, càng say lại càng thấy đậm đà.

            Về sau không bỏ được mùi vị lạ lùng này, dân làng rủ nhau trồng cây xanh ấy để hút và gọi tên là “cây thuốc lá”.

 

* Ảnh đại diện: VVH.


[1] Trích trong tác phẩm: Văn hóa xứ Quảng – một góc nhìn, Võ Văn Hòe, Hồ Tân Tuấn, Lưu An Rô, NXB Đà Nẵng 2008.

[2] Thường là từ 20-9 âm lịch đặt thuốc, muộn nhất là đến 5-11 tất cả các rẫy thuốc phải đặt xong.

[3] Thực ra đây là lá thuốc ôm chồi. Tiếng Hán hình vị  (       )  đọc là âm hay ôm cũng được.

[4] Dấu là di tích do nhựa thuốc tụ lại sau 3 kỳ nhánh tạo nên chồi tụ lại nơi nách lá.

[5] Sào phơi thuốc thường là sào đôi, hai cây đặt song song, giữa chừa một kẽ hở sao cho vừa đầu cây “mỏ thuốc” lọt qua được. Trên đầu xâu thuốc đặt ngang một cây tre chừng 20 cm gọi là con sẻ.

[6] Khô tắt nghĩn: khô hoàn toàn.

[7] Một chùm gọi 1000 thuốc, tức 1000 lá.

[8] Tốt màu: thường, lá thuốc ngã sang màu vung, màu gạch nung, màu mận quân chín thì tốt.

[9] Lần phơi nầy thuốc rất giòn nên người làm thuốc rất kiêng gió, vì gió làm cho các xâu thuốc va đập vào nhau các lá nát vụn.

[10] Cẩm Khê: là một trong những ngọn thuộc dãy núi Phước Tường, xã Hoà Phát, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.