TẾT XỨ QUẢNG – Phần thứ sáu – Các tục trong ngày tết

308

                                    

Phần thứ sáu

CÁC TỤC TRONG NHỮNG NGÀY TẾT

1/ Đạp đất (đập đất, xông đất):

        Thông thường sau khi tiến hành lễ hành khiến xong mà có người nào đấy vào nhà vào ngày đầu năm trước tiên khi chưa có người nào đến như vậy gọi là đạp đất.

        Xưa kia sau giao thừa mọi người ít ai ra khỏi nhà để đến nhà người khác kể cả những người thân thuộc trong gia đình, dòng họ vào thời điểm đầu năm vì người ta tin rằng người đạp đất tùy theo vía nặng hay nhẹ có thể mang theo nhiều điều tốt lành hay nhiều điều buồn phiền đến cho gia đình được đạp đất. Đàn bà, con gái thường ít ai muốn đến đạp nhà mình đầu năm.

        Nếu muốn rước lấy điều may mắn tốt lành thì nhờ một người nào đó được tiếng là vía nhẹ đến đạp đất nhà mình vào ngày đầu năm thì thật là an tâm. Cũng có thể nhờ trẻ em đạp đất vì tin rằng trẻ em chỉ lo ăn chơi chưa suy nghĩ, ưu tư chuyện đời, đạp đất xong mừng tuổi cho các em bằng cách cho tiền, có khi bằng bánh trái để lấy hên.

        Đập đất đầu năm cũng là hình thức chúc Tết.

        Ở xứ Quảng, vùng ven sông Thu Bồn có tục chúc Tết bằng hình thức hát sắc bùa, có khi vài ba người, có khi đến mười người ăn mặc chỉnh tề mang theo bộ gõ, bộ sinh tiền đi đến từng nhà để chúc tết. Đòan vừa đi vừa gõ mỗi khi đến nhà lại có hát mừng,  tuỳ theo gia chủ hành nghề gì mà có câu hát thích hợp, chủ nhà tạ ơn bằng hình thức chúc tết, trả lễ bằng bành trái, có khi  bằng tiền.

2/ Khai bút.

        Khai bút đầu năm là hình thức gọi là “viết mở hàng”, thường dùng cho thư sinh học trò còn đang theo học, hoặc cho những gia đình khoa bảng có chữ nghĩa, người nông dân ít có tục khai bút. Sau lễ giao thừa, cúng hành khiến xong chọn lấy giờ tốt nhất để khai bút, có thể làm một bài thơ tứ tuyệt, viết một câu đối đầu năm hoặc viết một chữ nén nót cho đẹp (thư pháp), có như thế tin rằng  năm mới học hành sẽ tiến bộ, học ít hiểu nhiều, thi cử đỗ đạt thành danh.

        Đôi nơi, cha mẹ còn buộc con cái trong nhà khai bút, ai cũng phải vậy, tùy theo tinh thần của vị chủ nhà mà khai bút.

        Những bài thơ câu đối khai bút các cụ thường dán lên cành mai hoặc cột nhà, bạn bè tâm đắc đến chúc tết thường đem ra đàm luận, ngâm vịnh . Có thể gặp khai bút bằng:

        Minh niên khai bút, bút khai ba (hoa)

        Vạn sự giai thành phú quý đa

        Đa tử đa tôn đa phú quý

        Đắc tài đắc lợi đắc bình an     

        Nếu gia đình khoa bảng, trí thức, quan trường có thể khai bút với tinh thần:

          Đắc tài đắc lợi đắc công danh

        Tương truyền, thơ khai bút trên của cụ tú Trương Trọng Hữu quê ở Duy Xuyên đã viết nên lâu dần lan tỏa đi nhiều nơi trong tỉnh.

        Cũng có khi tìm lấy hên, có thể khai bút bằng:        

        Minh niên chánh  ngoạt cát nhựt phụng khai thần bút

        Viết xong dán lên vách phên nhà hoặc cài vào nhành mai chưng giữa nhà ngày tết .

        Đến nay tục khai bút vẫn còn, năm Mậu Thìn (1988) lão nghệ nhân Hoàng Đình Tủng, đã khai bút đầu năm bằng câu đối:

        Con ba người, đạo nghĩa hiếu trung, tiền đồ hạnh phúc

        Lương bốn quý, công danh hưu bổng thế thượng quang vinh

        Sau khi khai bút xong cụ đọc cho mọi người trong nhà nghe đúng vào ngày minh niên chánh ngoạt cát nhựt.

3/ Xuất hành

        Giao thừa xong, những người lớn tuổi đã có tư thế chọn hướng, giờ đẹp nhất, nhất là các cụ già thường chọn hướng xuất hành rất kỹ. Người ta tính vào tuổi, mạng mà chọn hướng phù hợp, nếu xuất hành đúng hướng tin rằng sẽ mang lại nhiều điều có lợi trong năm, ngược lại có khi gặp những  chuyện trục trặc trong nông tang cày cấy, trong riêng tư, cho cả gia đình không như ý muốn, không được may mắn trong năm.

        Ngày nay chọn hướng xuất hành không còn quan trọng trong ý niệm của người dân xứ Quảng, song vào những ngày Tết ra ngoài đường gặp đàn bà, con gái là điều vẫn thấy còn vài vùng ở Quảng Nam kiêng cử, nhất là đang mưu cầu một điều gì đấy hệ trọng liên quan đến bản thân cá nhân hay gia đình thì người ta còn kiêng cử nhiều hơn nữa. Có thể gặp đàn bà trong ngày, trong giờ  xuất hành ấy người ta quay về nhà và không tiếp tục thực hiện công việc nữa phải đợi sang giờ khác, có khi ngày khác mới xuất hành.

4/ Hái lộc đầu năm

        Giờ xuất hành sau lễ hành khiến cũng là lúc người ta đi hái lộc đầu năm tìm lấy cái hên, lộc thường là cành cây, chồi non nào đó ở đình chùa miễu như cành da (đa), một số loại hoa… những loại cây này phải là lọai sống lâu năm, phải nhiều tuổi thì mới có ý nghĩa “có lộc”. Hái xong mang về nhà cắm vào cửa, có khi cắm vào bình hoa mai giữa nhà trước bàn thờ ông bà. Hái lộc đầu năm của người quảng có ý nghĩa mong muốn xin cho được lộc của trời – đất ban cho con người.

        Ở Duy Xuyên có làng duy trì hái lộc đầu năm không chọn vào sau đêm giao thừa mà đến ngày mồng bốn tháng giêng tục hái lộc mới thực hiện. Cả làng kéo nhau lên núi từ sáng tình mơ người đông như hội để hái cho được lộc trời vào những ngày đầu năm. Người ta hái cho được những cành lá mang về nhà, thông thường là loại lá có thể nấu uống được vào dịp Tết đoan ngọ (lá mùng năm). Những năm gần đây tục này vẫn còn duy trì vào dịp Tết, người ta không cần phải chọn ngày tốt xấu chỉ mong chọn ở giờ xuất hành đẹp nhất để đi hái lộc, thường thì giờ nào không tương khắc với năm mới là có thể xuất hành hái lộc đầu năm được. Hái lộc đông vui như vậy cũng chỉ tiến hành vào buổi sáng đến gần trưa là đã về đến nhà.

5/ Thăm mộ đầu năm

        Nhiều nơi ở xứ Quảng, Tết đến người ta thường viếng mộ tổ tiên vào những ngày đầu năm. ở Quảng Nam việc viếng mộ đã làm quy mô vào tháng chạp, cũng có nơi duy trì theo tiết xuân trùng với tế xuân của làng, xóm mới có tục chạp mả. Tuy nhiên đa số đã tiến hành chạp mả từ tháng chạp. Ngày Tết thăm mồ mả tổ tiên ông bà, người Quảng quan niệm rằng đấy cũng là cách mời ông bà về nhà vui Tết cùng con cháu. Buổi viếng mộ bắt đầu từ sáng ngày mùng một đến hết ngày mùng hai tết, ngày mùng ba người ta không còn viếng mộ nữa vì chiều ngày ấy đã có lệ đưa ông bà. Ngày mùng ba thường là tiếp tục chúc tết, vui xuân, tham dự các trò chơi, xem các hội lễ do làng tổ chức hay đến các làng khác có tổ chức để xem, cũng có khi đến những nơi đông đúc như thành thị, thị trấn, thị xã để vui xuân.

        Khi viếng mộ, mọi người mang theo hương thắp ở mộ người thân, người ta thắp đều chung quanh mộ người thân mỗi mộ một cây, riêng mộ người thân thắp từ ba cây đến cả bó hương, khói tỏa lên nghi ngút lan rộng thơm nhẹ một vùng. Viếng mộ nhiều thường là những người có người thân mất mà chưa mãn tang (mãn khó).

        Thăm mộ đầu năm thông thường là người lớn (trẻ em ít đi theo) đấy cũng là một tục lễ thể hiện cử chỉ đẹp nhớ về cội nguồn tổ tiên, kính trọng những người đã mất.

6/ Miếng trầu ngày Tết

        Không riêng cho ngày Tết, miếng trầu mới có giá trị giao tiếp, mới là biểu tượng của tấm lòng, mà tùy theo nội dung hoàn, cảnh miếng trầu có ý nghĩa biểu đạt khác nhau, bởi người Quảng thường quan niệm “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

        Trầu cau được xem như có từ rất lâu, hay ít nữa cũng biết được trầu cau từ khi có câu chuyện cổ tích “Sự tích trầu cau” của người Việt. Lá trầu có vị trí tinh thần trong đời sống hàng ngày, người ta có thể ngắt đuôi lá trầu dán lên trán trẻ em khi trẻ mắc cụt (nấc), nhai trầu hương phun lên da nơi có vết phỏng (bỏng) nước sôi hay dùng lá trầu hương giã với con dán đất, củ hành hương làm thuốc dán dán lên bụng trẻ nhỏ khi trẻ có chứng thình ruột (sình bụng)… Lá trầu trong đời sống con người là vậy, song đáng nhớ hơn vẫn là miếng trầu cau mà các cụ ông, cụ bà cả thanh niên nam nữ nhai thường ngày.

        Ngày Tết, miếng trầu đóng vai trò quan trọng ở chỗ miếng trầu đi vào các đại lễ, đại tiệc như là  một biểu tượng của tấm lòng. Trầu không riêng gì cho các ông cụ, bà cụ mà thanh niên nam nữ cũng có thể ăn trầu, dịp Tết trầu cau lại càng cần thiết hơn. Trong những ngày đầu năm được mời nhau một miếng trầu là “mở hàng, mở hệ” lắm, được mời trầu đầu năm cũng là “may xưa” của khách. Vì thế, ngày Tết trên bàn độc giữa nhà, nhà nào cũng có đĩa trầu, đĩa thuốc lá Cẩm Lệ, một chai rượu khằm sẵn sàng mời khách đến chúc tết.

        Quảng Nam xưa nay vẫn nổi tiếng trầu hương ở sông Trầu (tức sông Bung), trầu sông Trầu hợp cùng cau Đại Mỹ thì ngon không đâu bằng. Cũng vì thế mà:

        Trầu vàng góp bến sông Bung

        Chờ cau Đại Mỹ đặng cùng về xuôi

        là vậy.

        Trầu muốn đỏ (thắm) môi phải quệt thêm chút vôi nung bằng vỏ sò, vỏ hến, ở Quảng Nam vôi nhai với trầu thắm môi ngon miệng là vôi chợ Quán. Vôi chợ Quán với cau Bát Nhị, trầu Hội An thì  tuyệt không đâu bằng.

        … Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

        Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An

        Nhai trầu để làm gì mà “Trầu ăn không mỡ mà thèm” đến vậy ? Có thể nhai trầu là cách trừ độc trong người, trừ sơn lam chướng khí chăng? (ngày xưa người ta cho rằng xứ Quảng Nam là nơi rừng thiêng nước độc). Người ta nhai lấy một miếng trầu sau mỗi bữa cơm hay khi nghỉ tay chút ít trong lúc lao động… quả là thú vị. Ngày Tết miếng trầu mở đầu cho bao nhiêu là chuyện mở – hàng – mở – hệ cho khách cũng như chủ. Miếng trầu nhai với cau, có khi thay cau bằng vỏ cây chay cũng là một cách để ước lượng thời gian. Quả thật, trong cuộc sống bình thường ngày xưa ở Quảng Nam ít ai có đồng hồ nên khi liên hệ đến thời gian người ta chỉ bảo “độ chừng nhai dập bã trầu” nói vậy thì ai cùng biết thời gian ước tính dài hay ngắn rồi.

        Vào dịp Tết, có khi gặp nhau trên đường làng cũng mời nhau ăn miếng trầu, đứng cạnh bên lề đường làng, trên bờ ruộng, các bà mở bọc ra chọn lựa miếng ngon nhất đưa tận tay khách để mời trầu, lúc ấy mặt nhìn mặt không biết bao nhiêu là tình cảm đẹp.

        Gặp đây ăn miếng trầu tay

        Cửa nhà không có hợp[1] khay bĩ bàng

        Đối với người Quảng miếng trầu quả là biểu tượng đẹp trong đời sống thường ngày. Cùng là miếng trầu – cau là biểu tượng của hôn nhân, có khi là biểu tượng của lòng tôn kính, biểu tượng của một sự cáo thị hoặc đại diện cho lễ tạ, lễ trong một cuộc đám ma. Ngày Tết vị trí của miếng trầu là biểu tượng của sự thân mật, tình đoàn kết, lạc quan tin tưởng… nhau thể hiện qua thái độ mời trầu, vì vậy miếng trầu ngày Tết là không thể thiếu được. Vào dịp Tết cứ xem têm trầu cũng đủ biết những đôi tay của các bà , các cô sành điệu chừng nào.

        Miếng cau, nếu cau tươi phải lựa cau “dầy” màu trắng tươi, hạt trong, dẻo. Bửa (bổ) cau phải thật  đều miếng, miếng nào cũng phải có một phần mầu màu trắng, được như vậy thì bửa  mới có nghệ thuật và biết bửa. Miếng cau nếu là cau khô phải lựa miếng nguyên vẹn, cái hạt cau còn có màu nâu nâu, cong lên, mới trông như một cánh hoa, cau như thế mới có giá trị trong đại lễ, trong lễ hội ngày Tết.

        Têm miếng trầu, không phải cứ ai biết ăn trầu là têm đẹp, têm trầu là một nghệ thuật, cuốn lá trầu sao cho thật tròn đều. Muốn thế phải rọc lá trầu làm ba phần xéo đều đặn thì têm mới đẹp, nếu lá nhỏ có thể rọc làm hai nửa. Khi têm trầu, có khi các cụ, các cô khéo tay, thường để hở ra hai miếng lá hai bên, mới trông như cánh con chim rất đẹp, cuống trầu cài vào thân, chặt không được lỏng, không rời, có như thế mời miếng trầu ngày Tết mới không thấy ngượng với khách.

        Miếng trầu ngày Tết đi liền với các cụ già là tỏ rõ tình cảm láng giềng. Ngày Tết mời trầu mà không nhai một miếng là không được, một bên theo tục xưa phải mời  và rất vui khi được bạn cầm trầu. Một bên được mời trầu là may mắn, là mở hàng đầu năm. Giống như mời cỗ trong những  ngày Tết vậy, chủ nhà mời khách có khi khách ăn một ít thôi vậy mà chủ nhà cố nài cho được vì khách được mời cũng cảm thấy vui trong những ngày xuân. Ở Quảng Nam tục như thế cũng là hiếu khách biểu hiện rõ tính trực, ăn cục nói hòn của người xứ Quảng. Thế nên Tết đến nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một mâm cơm tử tế, dọn sẵn thường trực vào những ngày Tết, cũng như miếng trầu lúc nào cũng chờ đợi thường xuyên trên đĩa đặt trong khay gỗ vuông để nơi bàn độc mời khách. Đấy là cách:

        Trầu cau một hộp đem xây trên bàn

của người dân xứ Quảng.

7/ Ly rượu đầu năm

        Nếu như miếng trầu ngày Tết có vị  trí quan trọng không thể thiếu được thì rượu là một trong phức hợp trầu – cau – rượu mà lễ hội ngày Tết hoặc các đại lễ khác, phức hợp này không thể thiếu. Chính vì vậy trong lễ lạc người ta thường nói: “Hộp trầu chén rượu” là nhằm chỉ rượu có cũng có vai trò quan trọng, nhất là trong các lễ hội của nhân dân xứ Quảng.

        Vùng Quảng Nam xưa kia rượu thường là rượu nếp, rượu gạo đựng vào trong chai đóng nút bằng điền điển. Nổi tiếng nhất xưa nay có lẽ là rượu chợ Vạn:

        Ai về chợ Vạn thì về

        Chợ Vạn có nghề nấu rượu nuôi heo

        Trong hát hò khoan, đối đáp ở các lễ hội cũng thường hay nghe hát về rượu và bắt đầu từ rượu, rượu là vấn đề trước hết đem ra hát đã trở thành cốt cách của Quảng Nam :

        Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

        Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say

 rồi sau đó muốn đặt vấn đề gì người ta lại bàn đến sau. Ví dụ như:

        Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

        Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say

        Lòng ta như chén rượu đầy

        Lời thề nhớ chén rượu này, bạn ơi,

 hay trong tình yêu, rượu như là một cốt cách mở đầu:

        Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

        Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say

        Tình anh thương em chưa đặng bấy lăm ngày

        Đã mang cái câu ơn trượng nghĩa dày rồi đây,

hoặc là cùng mô – típ bắt đầu từ rượu hồng đào:    

        Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

        Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say

        Bạn về nhịn ngủ gác tay

        Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo

        Như vậy có thể nói rằng từ chén rượu đã bắt đầu bao nhiêu chuyện hay, đẹp trong cuộc sống.

        Chính vì vậy cùng với miếng trầu cau, ly rượu đã góp phần vào lễ hội ở vùng Quảng Nam nhất là trong những ngày Tết đã thể hiện cốt cách tinh thần riêng của người xứ Quảng (tất nhiên không tính đến việc sử dụng rượu quá đà mất thăng bằng).

        Ngày Tết mời nhau ly rượu bao hàm nhiều ý nghĩa truyền thống tinh thần, trong đó mời rượu nhau chứng tỏ phải có sự bằng lòng, tâm đắc và cùng chúc mừng cho năm mới được mọi sự tốt lành trong cuộc sống. Ly rượu đã đóng vai là “ly rượu giao bôi, ly rượu mừng, ly rượu lễ, ly rượu khai vị, rượu trong quan, hôn, tang, tế…” và ly rượu đầu năm, trong đó ly rượu đầu năm cũng hàm nhiều cái đẹp về tinh thần. Ngày Tết mời ly rượu cũng là cách khai xuân, các cụ bàn nhau về một câu thơ khai bút, những bài thơ tức cảnh mùa xuân mới sáng tác nên, luận về một câu đối Tết.

        Người chúc Tết được mời ly rượu vào những ngày Tết quả là những tình cảm đầy đủ hơn bao giờ hết  của chủ nhà trao cho mình và ngược lại người mời cũng thấy phấn khởi khi khách nhận lấy ly rượu đầu xuân. Tất cả đã thấy bằng lòng và như ý.

8/ Ăn uống trong những ngày Tết:

        Nếu như mọi ngày người ta hay bảo rằng “ăn giỗ đi trước lội nước theo sau” thì trong những ngày Tết không ai tranh nhau đến như thế. ở làng, xưa kia việc mời giỗ hay mời cỗ trong những ngày Tết là một cách thể hiện tấm lòng cởi mở, rộng rãi, hoan hỉ với nhau. Đấy cũng là thể hiện sự hiếu khách của con người xứ Quảng. Người được mời ăn bữa cơm Tết, buộc phải ăn dù ăn ít, nếu không làm cho người mời buồn lòng. Người chủ mời được khách ngồi vào bàn cầm đũa cũng là cái may mắn đầu năm cho gia đình mình nữa. Vì vậy ăn uống trong những ngày Tết không đợi mời lâu. Nhưng ăn thái độ người Quảng cứ ung dung vừa ăn vừa trò chuyện, những câu chuyện thường bắt đầu ngày xuân, đã là Tết thì nói chuyện Tết, bàn đến tài , lộc chuyện ngày đầu năm với phước đức hên xui. Ngày Tết,  người xứ Quảng dù miền xuôi hay miền ngược bao giờ cũng có thái độ thanh thản ung dung, mời ăn trong những ngày Tết cũng là tiếp đãi một bữa ăn ngon, không có gì vội vàng. Người ta vừa ăn vừa thưởng thức hương vị thức ăn trong lúc chuyện trò cùng nhau, chuyện năm mới càng thích thú thì ngồì càng lâu, chủ nhà tiếp thêm thức ăn cứ vậy mà vui cảnh tết.

        Gia vị trong các món ăn người Quảng, ngoài những gia vị bằng tiêu, ớt, chanh, tỏi, khế, gừng, củ giềng, củ hành, sà sả… như gia vị chung của người Việt còn có các lọai rau xanh chiếm phần lớn, một số thức ăn bằng trái cây: bí, … ngày Tết có thịt heo cắt thành từng miếng lớn gọi là tợ, tợ đem muối mặn để giành dài ngày, rất ít trường hợp biến thịt heo thành những thức ăn khác qua công đoạn chế biến, thịt heo chấm với dưa món bằng củ kiệu, củ hành, đu đủ (gần đây có cà rốt) thì thật ngon miệng. Chính vì vậy mà người Quảng tìm thấy thú vị trong món ăn của chính mình:

        Ai về nhắn với bạn nguồn

        Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

        Thưởng thức món ăn ngày Tết không phải gượng ép mà ngon được, khi ăn phong thái ung dung tạo điều kiện tìm thấy hương vị của các món ăn hết sức ngon và thanh quý.

        Ăn đã vậy, uống cũng không kém phần nhàn nhã, người Quảng thường nhấp nháp bát nước chè xanh Tiên Phước, Phú Thượng, từng ngụm chát môi, thấm giọng, có thế mới thưởng thức hết hương thơm và vị đắng của chè. Ngày Tết chè lúc nào cũng nóng, ngon miệng, khách đến, chủ nhà mời bát nước chè xanh, hút điếu thuốc lá Cẩm Lệ hoặc nhai một miếng trầu là đậm đà tình nghĩa.

9/ Nước uống ngày Tết

        Đối với người Việt Nam ngày nay việc uống chè để thưởng thức hương vị của nó đối với ba miền có khác nhau. Vào dịp Tết người phía Nam thích uống chè có ướp thêm hoa lài, hoa sói, hoặc hoa sen để tăng thêm hương thơm, người Bắc lại thích thưởng thức cái hương vị tinh chất của trà. Vào Nam gặp uống chè với đá lạnh cho mát, ra Bắc lại ưa dùng trà nóng cho ấm.

        Người miền Trung uống theo cách nào cũng tiện lợi, song nếu để ý, uống nước âm ấm là đa số. Đến Quảng Nam không chỉ ngày thường mà ngay trong dịp Tết nếu là trà thì có thêm mùi thơm của hoa lài, còn nếu chè xanh thì đặc chè xanh không thêm gì nữa. Ngày trước người Quảng cũng uống lá gối thay cho chè (cũng như dùng vỏ chay thay cho cau khi ăn trầu, dùng lá mãng cầu cuốn thuốc bông để hút) nhưng phần nhiều vào dịp Tết người ta dùng chè. Chè xanh ở Quảng Nam quận, huyện nào cũng có, đậm chát là trà Phú Thượng ở Hòa Sơn, Quyết Thắng. Suốt trong những ngày Tết chè được đun sôi thường xuyên trên bếp, khách vào ra chúc Tết đều được mời bánh tét, bánh khô, bánh in, uống với nước chè xanh. ấm nấu chè, ngày trước người ta thường dùng nồi đất (trã) về sau có nồi ấm bằng nhôm tiện hơn. Nước nấu chè phải là nước không có phèn thì hương vị chè mới thơm ngon đậm đà thích khẩu. Khi rót nước ra uống, người Quảng lại thích rót ra bát (tô). Vì thế mà “bát nước chè” là phương ngữ quen thuộc hàng ngày của nhân dân xứ Quảng, bát nước chè khi vào văn học dân gian lại được đem ra ví :

        “… Lòng ta như bát nước đầy

        Lời thề nhớ chén rượu này bạn ơi…

        Cách nấu nước chè của người Quảng không cầu kỳ, thọat tiên để có một nồi nước chè ngon miệng, người ta cắt những nhánh (cả già và non) trên cây chè, rửa sạch, dùng sợi lạt bằng tre (lạt gém) hoặc dây chuối tước mỏng cột lại bỏ vào nồi đun lửa lên. Chè được nấu có màu vàng ngả sang vàng mật rồi chuyển thành màu xác trầu, lúc này xem như đã uống xong một om chè và người ta nấu lại om khác.

        Ngày Tết chè được dự trữ dưới dạng chè khô từng gùi để sẵn trong thúng mủng, trên nia (mẹt) cứ thế đến bữa hốt một ít nấu uống dần.

10/ Đi đứng trong những ngày Tết:

        Nếu như những tháng bình thường trong năm có lúc con người vội vàng do cuộc sống khắt khe quy định phải tranh thủ kịp thời cho được việc thì trong những ngày Tết dáng đi đứng của người Quảng lại khác hẳn. Người ta ung dung, không hấp tấp vội vàng, trông có vẻ thanh thản, nhàn nhã nhất là đi chúc Tết trong những ngày đầu năm. Điều này chứng tỏ trong tâm hồn mỗi người vào những ngày hội Tết ở họ có sự phấn khởi nhẹ nhàng. Có được phong thái ung dung đó một phần do điều kiện kinh tế thuần nông nghiệp quy định nên. Công việc nhà nông không phải tuân thủ theo giờ giấc nào cả, lao động hay nghỉ ngơi, khẩn trương hay thong thả là do sự sắp xếp công việc hàng ngày của mỗi người, mỗi nhà. Vì vậy đấy là điều kiện tạo nên phong cách thanh nhàn, lại thêm vào ngày Tết ít ai lo toan nên phong cách ung dung vẫn là một tính cách riêng trong những ngày Tết của con người xứ Quảng.

        Dáng di trong những ngày Tết không nhất thiết phải dồn nén, vội vã, tranh thủ với thời gian mặc dầu đến chiều ba mươi có nhà vẫn còn tất bật với công việc chuẩn bị Tết. Ngày đầu năm mới, phong thái nhàn nhã ấy chẳng có gì lạ, người ta cứ từ từ từng bước thế nào rồi cũng đến nơi đến chốn.

11/ Phép xưng hô trong những ngày Tết.

        Chẳng phải chờ đến Tết mới có thái độ hoà nhã và xưng hô lịch sự, đúng phép mà ngày thường cũng đã xưng hô đúng vị trí trong quan hệ khi gặp nhau.

        Ngày Tết là thiêng liêng, mọi người theo đó cũng thấy có cái gì khác hơn ngày thường, có khi phấn khởi là đằng khác, những trục trặc (nếu có) trong cuộc sống thường ngày đều tha thứ cho qua cả vì năm mới đến ai cũng thêm một tuổi đời, hiểu thêm một ít nữa về thế giới con người, thiên nhiên nói chung, nên người ta thường tỏ thái độ trách nhiệm đối với mọi người trong quan hệ tha nhân với nhau.

        Quan hệ ngày Tết cách xưng hô của người Quảng dễ thấy nhất là “tui” với mọi người. Xưa kia ở các làng quê con cái xưng với cha mẹ cũng bằng “tui”.

        Sơ thì xưng ông – tui, bà – tui, anh chị – tui. Thân thì xưng chú, bác, cô, dì đối với cháu, ông bà đối với con, anh chị đối với em, các em. Nhưng thông thường hay thấy vẫn xưng tui với tất cả những người lớn tuổi. Xưng là con thường gặp trong thời kỳ gần đây, dù đáng vai cháu cũng xưng con: ông – con, cô – con, dì – con, chú – con, bác – con…

        Người Quảng xưng chỉ một tiếng tui người nghe đã phân biệt được vị trí và mối quan hệ rồi. Người Quảng trong tục xưng hô thường dùng tui là chủ yếu tức là tôi. Nhưng nếu xưng “tôi” thì trong quan hệ nhau đã có cái gì khác hơn lúc bình thường nghĩa là người trên nói với người dưới, quan chức nói với dân hay có khi người ta không bằng lòng nhau một hay nhiều điều gì đấy.

        Ngày Tết xưng hô có khác, còn kèm theo lời chào năm mới, lời chúc mừng năm mới trong giao tiếp. Ví dụ: “Chào anh năm mới”, “Chào chị năm mới” và chỉ trong những ngày Tết mà thôi.

12/ Quan hệ ngày Tết – Tục thăm nhau:

        Ngày Tết không ai trách nhau lâu, có khi không trách gì nhau. Chủ nợ không dám đòi con nợ, sợ bị con nợ mắng lại rằng không biết kiêng cử cho họ. Quan hệ trong những ngày Tết là quan hệ hoàn toàn tốt đẹp giữa người với người, cha mẹ không bao giờ la rầy con cháu, dù có lúc con cháu có sai trái. Ngày  Tết người ta cũng không đánh đập chửi bới. Trong ngày Tết tất cả đều bằng lòng, trân trọng kính trọng nhau, bình đẳng cả.

        Người nghèo cũng như người giàu vào những ngày Tết, gặp nhau đều chào hỏi chúc mừng tử tế không phân biệt thành phân giai cấp, xã hội do ở chỗ xuất phát từ mùa xuân – ngày Tết là cũng cho hết thảy mọi người, mọi nhà ai cũng có quyền đón năm mới với tinh thần lạc quan tin tưởng vào tình cảm của nhau vì thế vào những ngày này thường hay nghe “tử tế như ngày Tết” là vậy. Những gì thiếu sót trong cuộc sống được năm cũ chuyển đi, năm mới mang lại nhiều triển vọng hơn, không ai còn để nợ đeo sầu vào năm mới, vì thế đối xử nhau bình đẳng, tôn trọng, trẻ em cũng được đối xử khác hơn so với những ngày thường.

        Vào tối 30 tết, chuẩn bị đón giao thừa, vị chủ nhà, hoặc là người già trong gia đình dặn dò con cháu, lớp trẻ phải giữ gìn không khí tươi vui phấn khởi, không nên vì lẽ gì mà làm cho không khí chung của gia đình kém vui trong ba ngày tết mà trước hết là ngày mùng một. Bởi vì, đây là ngày đầu năm, một buổi sáng tinh anh, đối xử với nhau vui vẻ sau đêm thủ kế của gia đình. Vào ngày này, một lời nói nặng tai, một thái độ gắt gỏng, một tình huống chau mày, một cái thở dài uể ỏai, một thái độ lầm lì, lạnh nhạt, thờ ơ… đều là những kiên cử trong những ngày Tết. Quan hệ như vậy là hoàn toàn tốt đẹp, cuộc sống sẽ thanh nhàn biết bao.

        Chính từ tinh thần đó mà khi thăm tết không ai có thái độ, cử chỉ kém văn hóa được, điều gì không bằng lòng với mình thì đừng bao giờ thực hiện cho người khác. Đối với mọi người phải giữ đúng phép trong quan hệ, có như thế ngày Tết mới có giá trị tinh thần đáng ghi nhớ.

 

*  Ảnh đại diện: VVH.

[1] Hợp tức là hộp