Giã bánh dầu       

Một buổi tối trời trong, tiết tháng mười một âm lịch, dân làng Thu chuẩn bị đón cái Tết nguyên đán sắp tràn về làng. Ngôi làng nằm dưới chân núi Phước Tường chuyên nghề thuốc lá Cẩm Lệ và sản xuất nông nghiệp của Thu.

Cơm nước xong, ông nội Thu lên xuống trong nhà lục tìm mấy dụng cụ rựa liềm, mủng thúng,.. cho lần giã bánh dầu. Lần này lên hàng thuốc nên cái rổ tiếng dùng sàng bánh dầu, lỗ đan to sao cho hạt bắp có thể lọt qua được. Hai lần trước nhử và phụ thuốc, bánh dầu được giã và sàng lấy loại mịn hơn. Anh Hai Thu sửa soạn lại mấy cái chày giã gạo. Chắc lần này anh định giã chày ba nên thấy cùng lúc có ba cái chày đẽo bằng gỗ chò chỉ dựng bên vách phên nhà ngang. Anh lôi trong góc nhà ra cái cối giã bằng gỗ, dùng chổi quét sạch cát bụi, rồi bê lại đặt nơi khoảng trống. Cối này cũng dùng giã gạo thường ngày. Mẹ Thu đứng trước bếp lầm thầm gì đấy rồi dùng hai chiếc đũa bếp đợ ông kiềng xuống đặt trên nền đất, giữa nhà. Xong mẹ nhúm bếp bằng rơm rút từ cây rơm ngoài góc sân nhà, chuẩn bị cho đêm thui giã bánh dầu lên hàng thuốc lá tại gò Đồ. Khói bắt đầu um lên, ngọn lửa đùng đục nhập nhòa đốt cháy những gùi rơm.

Hồi ấy nhà Thu làm chừng ba ngàn thuốc lá. Các gia đình trong làng, có người làm đến năm ngàn cây thuốc. Năm ngàn cây xem đã là nhiều, bởi có nhiều nhân lực lao động nên mới có thể chăm sóc thường xuyên trong ba tháng cho một mùa thuốc lá. Bà nội Thu lom khom đưa gùi rơm vào bếp nhóm lửa, chuẩn bị đặt lên ông kiềng một tấm bánh dầu để thui cho chín. Những tấm bánh dầu mới mua từ sở ép dầu gánh về xếp từng cồi, từng đống ngay trước cửa. Mỗi tấm nặng chừng hơn hai kí lô. Thu còn nhỏ, hắn thử xách một tấm đã thấy nặng tay. Bánh dầu được quấn bằng rơm rạ, ép trong khuôn bằng niềng tre. Xác đậu phụng được giã nhỏ, mịn quấn lại trong cái khung bằng tre, hâm nóng trong chảo rồi cho vào bộng ép. Người ta sắp bánh vào bộng dầu theo lớp nằm ngang, đóng chặt những cái nêm xuống bộng dầu. Hết nêm nọ, họ đóng tiếp nêm khác. Cứ thế, đóng chặt, chừng nào dầu phụng hết chảy ra thì thôi. Dầu lấy xong còn lại xác, gọi là bánh dầu. Bánh dầu dùng bón các loại cây trồng rất tốt. Cây thuốc lá được cho là có bón phân bánh dầu, thuốc lá sẽ ngon hơn, lá dày hơn, nhiều nhựa hơn và khi hút thuốc tàn thuốc có màu trắng gọi là tàn kim. Thuốc như thế là thuốc ngon. Người tiêu dùng nhìn lá thuốc là biết được có rà bánh dầu cho cây thuốc lá hay không. Họ ưa chuộng là vì thế.

Ảnh minh họa (Internet)

Đêm yên ắng, màng đêm vừa buông xuống, chó quanh quẩn nơi mâm cơm mỗi nhà nên không nghe tiếng chó sũa. Có ai phía đầu sân nhà Thu từng hắng một tiếng, vọng vào trong. Ông nội Thu dừng tay, ngước người lắng nghe. Bà nội Thu cắt ngang nghi vấn:

– Ông hợ! Ai gọi giờ ni rứa hè ?

Ông nội Thu nhạy cảm theo cách mê tín ngày xưa, hễ đến chừng chạng vạng mà ai gọi gì cũng không thưa, không hỏi. Ông tin là có ma ngoài ngõ. Cho đó là “ma trơi” nếu chưa biết mặt người thì hãy khoan lên tiếng trả lời, nếu trả lời liền bị ma hớp hồn, người có thể ngã bệnh bất thình lình. Ông Thu nhìn bà rồi khoát tay ra dấu, chừng như bảo làm thinh cái đã ! Ông bước về phía cửa nhìn ra sân xem ai gọi vọng tiếng vào nhà. Tiếng cụ già lại cất lên:

– Tối nay xem hát bội chớ ông Hương ?

Thu lần bước theo sau, như có điều gì hệ trọng lắm, níu vạc áo ông, hắn nhìn ra sân. Một khoảng trời đùng đục mờ mờ tối, nhưng ông Thu vẫn nhận ra người gọi hỏi ông là ai. Ông cất tiếng đáp lại. Dường như Thu thấy yên tâm trong màn đêm mờ mờ bao phủ quanh nhà:

– Tiếc quá ông huơi. Tuối ni tuôi lại mắc giã bánh dầu!

Ông già bước vào nhà, ánh đèn dầu mù u nhấp nhóa lờ mờ, Thu cũng nhận ra cụ ông ở xóm dưới lên rủ ông Thu đi xem hát bội nhân khánh thành ngôi đình làng vừa mới tái thiết xong. Bà nội Thu mấy hôm trước, khi ngoài trảng Đình thợ xây đang tái thiết ngôi đình, có kể rằng còn mấy bữa nữa làng rước đám hát bội về đình trướng thành hát chào khánh thành đình làng. Bà cũng thở dài mà rằng: đình làng cứ dời qua dời lại năm ba bận, trước tại gò Đồ, sau dời xuống gò Đá, rồi vườn Đình, nay lại dời xuống trảng, mấy trăm năm rồi mà chưa thấy yên ở chỗ nào. Kỳ này các ông hương lão, lý dịch trong làng dời ngôi đình về cồn Đình, tái thiết lại phía ngoài ao Cù một đoạn. Thế nên đêm nay hát bội là để mừng cho làng có ngôi đình mới, cũng là dịp trả lễ cho thần thánh trong làng, lại được dịp cho dân làng xem hát bội một bữa.

Ông nội Thu đôn đả mời khách vào nhà:

– Chi mà nôn. Đã nghe kèn trống khởi lên đâu. Uống bát nước đã anh !

– Ừ, có sẵn thì mang lên đây. Mà này, chớ bà nhà ngủ rồi hay răng ?

– Có đâu mà ngủ được, tuối ni nhà tuôi giã bánh dầu, ba bữa nữa lên hàng thuốc trên gò Đồ.

Rồi ông tỏ vẻ tiếc:

– Chà, làm răng mà đi anh hè. Lâu rồi bữa ni mới có đêm hát bội, bỏ uổng quá. Mà thuốc trên gò Đồ đúng độ lên hàng rồi, không trễ được anh Trùm nợ. Ngặt là nguồn nước tưới. Tuôi tính ngày mốt lên hàng, bữa tê đến phiên làng mình trổ nước hố Nguyên ra tưới nước. Nếu mà trễ phải mất thêm ba ngày nữa mới tới phiên trổ nước. Sợ thuốc khô chớ anh.

Cụ Trùm hớp miếng nước chè, đặt bát xuống chiếc giường tre, cười nhỏ, hiến kế:

– Có chi mà lo, anh! Tuối mai anh giã, tuôi qua làm giúp. Bữa ni rủ bà nhà đi coi hát cái đã. Hiếm khi có dịp. Bỏ uống lắm. Nghe đâu tuồng đồ tuồng pho chi đó, hát hay lắm anh.

Bà nội Thu bỏ đôi đủa bếp đang thui tấm bánh dầu, bước lên ngồi bên ông nội Thu, góp chuyện:

– Có thiệt anh Trùm giúp cho không. Được rứa tui mừng !

Nhìn sang ông nội, bà mời khéo:

– Cũng mong ông Trùm sang giúp, bữa sau nhà tui sang giúp lại, được không ?

Ông Trùm nhanh miệng:

– Răng lại không ! Có chi đâu mà nề hà chuyện nớ. Thì công chuyện làm ăn giúp nhau mà ! Hề chi !

– Có ông Trùm tuối mai giúp sức, mình đi xem đi ông. Kệ ! Để đó đã ! Đi xem cho con Ba với lại thằng Hai hắn đi với. Mình giữ ở nhà giã bánh dầu đang lúc trống giục thùng thùng, kèn kêu sáo thổi vui như hội ngoài đình, chắc giã cũng không được chi, lại không được coi hát thì cũng tệ.

Vậy là đêm giã bánh dầu đã được dời sang tối mai. Cả nhà Thu cất đặt đồ đạt đâu vào đó.

Thu, thằng em hắn với đứa em gái cũng được ông bà cho đi xem hát bội. Đêm đó, Thu được anh Hai hắn cõng trên lưng, thằng em lại một mực bâu cứng lấy ông nội. Hắn hồi hộp, vui sướng như chưa lần nào vui sướng hơn, nhìn Thu cười toe miệng:

– Bữa ni ông nội cho đi coi hát đó nghe. Ôi. Sướng dễ sợ, khỏi phải đồ bài ! Chao ơi, coi hát bội, sướng ghê là sướng !

Cả nhà Thu chuẩn bị đến đình xem hát bội. Mẹ Thu dắt đứa em gái đi cùng. Bà nội Thu quấn cái khăn trùm đầu kẻo sương ướt tóc, đi với mấy cụ bà hàng xóm.

*

Thu không biết gánh hát hát tuồng gì, mà cũng chưa biết xem tuồng hát bội được. Tuổi nhỏ như Thu làm sao hình dung được hát bội với cái hay, cái nghệ thuật của nó. Nhưng hắn cũng náo nức như mấy đứa bạn bè trong xóm vậy, như thằng em của hắn. Nghe người lớn bảo đi xem hát, thế là đòi đi và được cõng đi. Thế nên tuổi nhỏ như Thu chưa hiểu được. Các cụ xóm trên, xóm dưới tụ về đình làng đứng chật sân, bàn thảo nhiều chuyện mà chung quanh chuyện đêm nay gánh hát trình làng vở tuồng gì đây. Thu choàng trên lưng, ôm hai vai anh Hai, nhìn vào sân đình. Thu nghe mọi người bàn luận, cái hiểu, cái không, gì mà… Phụng Nghi Đình… rồi Thoại Khanh Châu Tuấn …, hay cái gì nữa không hiểu được. Một hàng đèn sáp trong đình được thắp sáng lên, hắt ánh sáng vàng mờ ra sân. Ngoài sân, dân làng treo ba cái đèn năng – sông sáng lóa, tỏa ánh sáng chung quanh, đủ nhìn rõ mặt những người đứng ở hàng trong. Một thanh niên lớn hơn anh Hai Thu, nắm cái loa (chắc làm bằng mo cau, quấn lại cho tròn), loa lớn: Nghe đây, nghe đây ! Tuối nay làng mình rước gánh hát Khánh Thọ ở miền trong ra hát mừng khánh thành đình làng, mời bà con tề tựu tại sân đình để coi hát bội. Nghe đây, nghe đây!

Người đó loa lên nhiều lần như vậy để mời bà con đến coi hát bội. Trong đám, các cô phụ nữ tụm lại vui cười liếng thoắng, có cô thắc mắc: Hát bội là hát ra răng. Hồi nhỏ tới chừ, bữa ni mới nghe hát bội. Cô khác lại chen vào: Thì để coi mới biết, chớ hồi cha sinh, mẹ đẻ tới chừ có biết hát bội là hát ra răng. Ở nhà chỉ nghe mẹ với bà hát ru em là nhiều mà ! Một cô gái trẻ nhìn quanh tuồng như đang tìm ai trong đám thanh niên đứng tụm phía bình phong ngôi đình. Những cô gái đang tuổi thanh xuân, thường ngày bám ruộng bám nương, có thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện hội hè đình đám. Có lẽ rất ít dịp dân làng tề tựu đông đủ thế này, nên đêm nay họ được dịp làm quen, nói chuyện làm ăn, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện học hành, chuyện chồng con,… Một cô nhìn quanh khung cảnh đình làng một lượt, mấy cây cờ hội tung bay trong gió trảng Đình. Một cây cờ vuông nhiều màu sắc được treo trên cây tre to tướng thẳng đuột dựng trước bình phong một đoạn xa. Trên đó có treo mấy cái lồng đèn. Lá cờ tung bay trong gió nghe phần phật. Rồi cô để mắt vào chỗ có tấm bình phong có con nghê há miệng đưa bộ răng ra trông oai vệ. Thu độ rằng bình phong phải cao hơn người hắn cả thước. Cô khẻ đánh nhẹ vào vai một cô bạn, rồi nói:

– Ai, phải anh chàng hôm khánh thành đình làng, ảnh đóng vai học trò gia lễ đó ?

Cô gái nghe nói chăm chú nhìn về phía bình phong. Anh Hai Thu lui về phía sau một bước, tuồng cũng để quan sát mấy chị thanh nữ của làng đang tìm bạn hay sao ấy. Thu bâu trên lưng anh Hai không nhúc nhích. Cô gái nhướn người lên nhìn cho thật rõ, chỗ bình phong có ai đó đang trò chuyện cười vui cùng bạn bè hàng xóm.

Từ trong đình vọng ra tiếng gọi của cụ Thủ:

– Tuối nay là đêm hát bội mừng đình làng được xây dựng lại khang trang, trước sau đèn hoa rực rỡ. Hồi tháng 6 đình làm chưa xong nên xuân kỳ cầu an chuyển đến tháng mười một này. Sang năm, xin lại giữ đúng nguyên lệ. Làng ta xưa nay là làng nghề thuốc lá. Đình làng vừa mới xây dựng lại, dân ta ai cũng náo nức tuân theo ý nguyện dân làng tô điểm, sửa sang, tế lễ ở đây, ai cũng có tinh thần tự coi như có bổn phận với làng. Cho nên đình làng được như ngày nay là điều đáng mừng. Mời bà con tập trung về đình để xem hát bội mừng khánh thành đình làng.

Ông Thủ nói xong, mọi người lại ồ lên trông đợi đêm hát.

Lại có tiếng gọi nhau:

– Đây, tuôi xướng tên để các cụ, thân hào nhân sỹ nghe mà vào việc tuối ni, chuẩn bị khai chầu hát bội kẻo khuya.  Mấy ông Hương, ông Trùm, ông Thủ,… ai có việc gì vào việc nấy. Mời cụ Cửu vào khai chầu.

Mọi người lặng im nghe ông Thủ, xong rồi lại ồn ào bàn tán rộ lên. Ông Thủ lại gọi lớn, hỏi trống không:

– Các cụ đến đủ chưa ?

Một người chạy đến thưa:

– Dạ, còn thiếu mấy ông nữa.

– Anh đánh một hồi chín tiếng trống, giục các ổng đi, kẻo trời khuya rồi !

Người giúp việc đi lại nắm dùi đánh to, rõ một hồi chín tiếng trống. Mấy cụ già làng đến trễ vội bước nhanh vào sân đình. Ông Thủ quay sang hỏi người giúp việc:

– Sửa soạn khai chầu được chưa ?

– Dạ, xong rồi cụ, hàng đèn trên bàn thờ đã thắp lên từ sớm, cháy được phần ba rồi cụ, hương cũng sắp tàn rồi.

Ông Thủ hô lớn:

– Chuẩn bị xây chầu các ông ! Các vị tư văn, tư lễ, chấp kích mặo áo vào đi chớ !

Người giúp việc lại nói:

– Còn thiếu cậu  Hoàng !

– Ủa, lạ thiệt ! Răng không nhắc cậu ta hử anh ?

Rồi ông Thủ chắc miệng:

– Cha chả, cái thằng lại trốn đi chơi đâu rồi ! Anh xem hắn có ngoài sân không, gọi vào đây.

Người giúp việc bước ra sân nhướng người tìm cậu Hoàng, chen trong đám đông về phía bức bình phong, anh giúp việc bắt gặp chú Hoàng đang đứng nói chuyện với cô thanh nữ mà mới cách dây một lát, Thu và anh Hai hắn gặp ở phía bên chái hiên đình. Người giúp việc nắm tay chú Hoàng:

– Này Hoàng, các cụ đang chờ !

*

Trên mặt trống chầu, ông Cửu chấm thất tinh gì đấy, ông nội Thu bảo thế, rồi ông nắm dùi trống có phủ chiếc khăn đỏ đánh ba hồi trống dài. Đứng cạnh ông nội Thu là ông Trùm, có ông Hương nữa, hai ông nói chuyện với nhau, Thu bâu trên lưng anh Hai, nghe ông nội hắn nói với ông Trùm:

– Nì, ông Trùm, người cầm chầu phải thông thạo, phải biết ý nghĩa của mỗi tiếng trống mới dám cầm chầu cho đêm hát chớ ông Trùm ? Trống mà nổi lên mới hiểu được nhiều ý nghĩa thú vị từ tiếng trống tùng tình đó, phải không ông ?

Ông Trùm gật đầu tỏ vẻ tán đồng. Ông nói thêm:

– Tiếng trống phải reo vui bất tận, có lúc cũng phải thâm trầm lắng xuống thảm lắm chớ anh, có khi trống lại dập thình thình như hớn hỡ, có lúc như giận dữ, mà có lúc cũng lơi nhẹ nhàng như là đồng lòng rồi đó anh Hương nợ.

– Ừ thì đánh chầu, mà chầu thì phải điểm thất tinh trên mặt trống. Họ điểm theo phép nhứt tam thất trực như huyền, nhị tứ lục diệt tam biên là đủ thất tinh đó anh. Ông cầm chầu vừa chấm vừa đọc là ta đang xuất hành, Võ Vương hộ vệ ta [1] thì mới dám cầm chầu chớ đâu phải ai cứ chầu là chầu đâu ông Trùm hợ.

Rồi hai ông lại bàn tiếp chuyện hát bội, chuyện tuồng pho khác với tuồng đồ thế nào, rồi phải hát làm sao cho ra được mặt tuồng. Trên  tay các ông, điếu thuốc lá Cẩm Lệ cháy lập lòa. Trên lưng anh Hai hắn, thằng Thu gà gật ngủ vì đêm xuống lâu, sương bắt đầu lành lạnh. Các ông ấy bảo: Trong lúc cầm chầu phải hiểu người diễn, họ vui hay buồn, màn đánh nhau phải đánh chầu ra răng, họ xuống nam ai phải đánh làm sao chớ đâu phải cứ cầm chầu là thùng thùng, thùng ba tiếng đó mà giục mãi thì rứa đâu phải cầm chầu. Khó nhất là trong hát bội đó hử, điệu tẩu mã là khó hát, người đóng vai thuộc hạng nhưng mới hát nổi chớ đâu phải giỡn. Điệu tẩu mã mà đánh không đúng coi như dộng dùi trống vào họng họ, làm răng họ hát.

Từ trong đình tiếng trống chầu vang lên giục giã. Buổi hát bắt đầu.

Trên sân khấu, người ta thấy có một kép hát, thay mặt cho gánh hát, hát mừng: cá phơi vi giỡn nguyệt/ chim xòe cánh hưởng sương/ mừng nay quốc phú dân cường/ phỉ bấy phong điều võ thuận.

Màng khép lại rồi mở ra, các diễn viên trên sân khấu hóa trang như các vị tướng trong tranh. Màu mè ngũ sắc điểm xuyết, trông oai phong lẫm liệt. Đứa em của Thu níu lấy áo ông nội, hắn khóc thét lên khi nhìn lên sân khấu thấy các ông tướng mặt đen mặt đỏ, ra roi, múa kiếm thị uy. Hắn sợ hãi, bằng khóc thét lên to hơn rồi một mực đòi về:

– Ông nội cho con về. Con về ông nội ơi. Con sợ mấy ông trên nớ quá !

Rồi cứ thế hắn vừa đòi về, nhắm nghiền hai mắt, vừa khóc om sòm lên.

Ông Trùm đứng cạnh ông nội Thu lên tiếng quở:

– Cha chả ! Cái thằng này, sợ chi mà khóc, để ông nội coi hát bội chớ con !

Em Thu vẫn khóc, hắn khóc to hơn, níu tay, níu chân ông hắn khóc. Một mực hắn đòi về. Hắn dậm chân ình ịch. Bà nội Thu đứng phía trước quay người lại, nói:

– Cái thằng mới lạ. Đưa bà bồng hỉ ?

Em của Thu vẫn không chịu. Hắn ngúng nguẩy. Hắn cứ khóc. Tiếng hát trên sân khấu vang ra mà người chung quanh đây không nghe được. Bà nó thấy vậy, giục ông Hương:

– Hay mình về trớt ông. Về nhà tuôi dỗ cho hắn ngủ, ông ở lại đây coi với ông Trùm.

Nhưng hắn vẫn không chịu, một mực, đòi ông nội hắn phải cõng hắn về cho hắn ngủ vì sợ mấy cái ông trên nớ lắm. Ông hắn giận, phát vào mông hắn một cái, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Ông Trùm đứng bên đề nghị:

– Anh Hương đưa hắn về cho hắn ngủ rồi ra coi cũng được anh. Chớ thế ni không ai quanh đây mà nghe được.

Ông nội Thu đành cõng thằng em hắn chen ra khỏi đám đông.

Đêm hát bội tại đình, dân làng được một phen mản nhãn. Trước khi kết thúc đêm hát, có một đoạn hát định đô, tức phải giết cho được nịnh thần (nếu trong tuồng ấy có nịnh) và tôn cho được tân vương. Câu hát định đô cất lên:

Biên thùy đà dẹp yên quân giặc

Không còn dấy động can qua

Truyền bá quan yên vị

Truyền nội thị đãi yến bá quan

Nay nước nhà đà thạnh trị

Lấy đức rải bốn phương

Ra ân nhuần trăm họ.

Trên sân khấu, bấy giờ tất cả đào kép đồng xướng:

Vạn tuế !

Vạn vạn tuế !

Bánh dầu (Internet)

                                                                *

Đêm hát bội đã khuya, bà con ai nấy băng qua trảng Đình thong thả về nhà, bàn tán xôn xao nhất là các điệu xuống nam của Thoại Khanh Châu Tuấn nghe mà não nuột. Hay thật. Có người bảo: hát bội là rứa hả, bữa ni tuôi mới biết đó. Rồi một ai đó chen vào: chớ đã coi hồi mô đâu. Nghe đâu làng mình hồi trước có ông Võ Văn Lân không có con trai, rồi ai bảo ổng đến chùa làng ăn chay nằm đất cầu tự, chắc được. Sau ông sinh được con trai. Mừng lắm, ông rước gánh hát tận đâu trong Tam Kỳ, Khánh Đức chi đó về hát tạ mấy đêm liền tại chùa làng mình nợ. Rồi ở Cẩm Lệ, nghe có ông Nguyễn Nghị mời gánh hát trong Hội An ra hát trả lễ, sau khi ổng cầu tự đạt nguyện vọng. Đợt đó, người ta bàn tán hát tới ba đêm tại Miếu Một, gần bến Thủy Suyền đó. Trên đường về nhà, họ vừa đi vừa kể. Có người phía sau hỏi gặn: có thiệt không. Một người khác nói: Thiệt không, lâu rồi không rõ, nhưng nghe thiên hạ kể rứa, không biết có đúng không. Chớ bà con không nghe ở làng Phong Lệ, có ông Phó Phong hứa với thần thánh là Tết mời gánh hát về hát lễ. Trong thiên hạ kể nhiều chuyện về hát bội ni lắm. Ông Hương Lan mô đó, sau khi được công nhận cụ Hương, ổng rước gánh hát về hát trả lễ dịp Tết. Người ta kể rằng cụ rước gánh hát là tại mua được bằng phong chức Hương, có tổ chức đãi đằng như rứa làng họ mới công nhận và nể trọng, mới đáng mặt ông Hương. Rồi lúc đó người trong làng gọi ổng là ông Hương.

Trời càng về khuya càng lành lạnh, thằng Thu ngủ ngon lành trên lưng anh Hai hắn. Đứa em gái mẹ hắn bồng trên tay cũng ngủ không biết hát bội bao giờ. Qua khỏi ao Cù, ai về nhà nấy. Chó sủa theo chân người trên đường làng rợp lũy tre xanh.

Mẹ Thu và anh Hai hắn đẩy tấm cửa bước vào nhà, ánh đèn vàng đục hắt ra sân một vệt mờ mờ. Ông nội Thu từ trong chỏng tre lên tiếng:

– Chu cha kiểu ni, bội với biết chi, bánh dầu giã không xong, mà coi hát cũng không xong !./.