Văn hóa dân gian, văn hóa bác học – sự khác nhau và gặp gỡ

503

Văn hóa dân gian, văn hóa bác học – sự khác nhau và gặp gỡ

 

        Chúng ta vẫn còn chưa hoàn thoàn thống nhất về ranh giới giữa văn hóa dân gian, văn hóa bác học và văn hóa cung đình trong nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật. Nội hàm của chúng có lúc chúng ta vẫn chưa xác định rõ.   

        Trong nền văn hóa Việt Nam có ba dòng văn hóa lớn: văn hóa dân gian, văn hóa bác học và văn hóa cung đình, trong đó văn hóa dân gian là một dòng văn học lớn, đồ sộ nhất. Văn hóa cung đình bao gồm: lăng tẩm, đền miếu, đình chùa, cung điện,… Văn hóa / học bác học, trong đó có văn học viết (cũng thường gọi văn học thành văn) bao gồm ba bộ phận: văn học viết bằng chữ Hán, văn học viết bằng chữ Nôm và văn học viết bằng chữ Quốc ngữ; kiến trúc đền đài, nhà cửa của quan lại, món ăn của vua chúa,… Và bộ phân lớn nhất trong văn hóa Việt Nam là văn học / hóa dân gian.

        Trong bài tham luận này, chúng tôi trình bày văn hóa dân gian theo chủ đề: Đi tìm ranh giới giữa dân gian và phi dân gian trong văn hóa văn nghệ Việt Nam.

        1/ Đặt vấn đề

        Không phải dân gian thì là bác học, là cung đình. Điều đó đã rõ. Còn dân gian là thế nào ?

        Theo lịch sử phát triển văn học, trong sách Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm xuất bản năm 1943 gọi là văn chương bình dân, văn chương truyền miệng. Nhưng ở mục ca dao, ông sử dụng thuật ngữ dân gian trong định nghĩa về ca dao: Ca dao (ca: hát; dao: bài hát không có chương khúc) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình, phong tục của người bình dân. [1] Năm 1955, trong Tập san Nghiên cứu văn sử địa, số 4/1955, bài báo “Người nông dân Việt Nam trong truyện cổ tích” của Vũ Ngọc Phan, ông có sử dụng thuật ngữ:… dân gian văn học…Năm 1957, nhóm Lê Quý Đôn viết bộ giáo trình Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (3 tập), các nhà nghiên cứu vẫn chưa sử dụng thuật ngữ dân gian mà sử dụng văn chương truyền miệng, văn chương bình dân như năm 1943, Dương Quảng Hàm đã sử dụng trong sách Việt Nam văn học sử yếu. Sau đó vẫn chưa thấy giới nghiên cứu sử dụng thuật ngữ dân gian trong các bài viết và công trình nghiên cứu của mình.

        Năm 1966, sau khi thành lập Hội văn nghệ dân gian, đến năm 1979 Hội thành lập Ban văn hóa dân gian, đến năm 1983 đổi thành Viện văn hóa dân gian, bấy giờ thuật ngữ dân gian dần được sử dụng càng lúc càng nhiều. Đến nay, thuật ngữ dân gian trở thành quen thuộc với các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu folklore.

        Dân gian là tổ hợp từ được ghép bằng hai chữ Hán dân + gian (tiếng Hán viết 民  間 ). Trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, định nghĩa dân gian là toàn dân, chung cả dân [2] . Trong Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học, định nghĩa dân gian là đông đảo những người dân thường trong xã hội. [3] Giải nghĩa như thế là theo nghĩa chữ Hán còn theo nghĩa mang tính khoa học folklore thì chưa rõ, theo đó, chúng ta chưa thấy có các loại hình dân gian được hiểu theo quan niệm khoa học về dân gian như nội hàm của folklorre mà ngày nay chúng ta dùng trong nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dân gian. Ở Việt Nam, thuật ngữ folklore đã được sử dụng từ lâu và tùy mỗi thời kỳ lịch sử văn học mà hiểu thuật ngữ này. Bởi nội hàm của folklore mang đa sắc thái ngữ nghĩa, gắn với các quan điểm chính trị, học thuật của các thời kỳ lịch sử khác nhau. Có khi dịch ra tiếng Việt là văn học dân gian, văn nghệ dân gian và nay chúng ta đang sử dụng văn hóa dân gian.

        Hiện nay ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tập trung vào các lĩnh vực:

        Ngữ văn dân gian bao gồm hai tiểu loại:

        – Tự sự dân gian có các thể loại: thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, giai thoại dân gian, vè, sử thi, truyện thơ…

        – Trữ tình dân gian có các thể loại: ca dao, dân ca; và thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian.

        Nghệ thuật dân gian bao gồm hai tiểu loại loại:

        – Nghệ thuật tạo hình dân gian, có các thể loại: kiến trúc dân gian, hội họa dân gian, trang trí dân gian…

        – Nghệ thuật biểu diễn dân gian có các thể loại: âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian, trò chơi trò diễn…

        Tri thức dân gian bao gồm: 

        – Tri thức về môi trường tự nhiên: địa lý, thời tiết, khí hậu…

        – Tri thức về con người: tức về bản thân

        – Tri thức về y học dân gian và dưỡng sinh dân gian

        – Tri thức ứng xử xã hội: ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng,

        – Tri thức sản xuất: kỹ thuật và công cụ sản xuất.

        Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội.

        Các lĩnh vực nghiên cứu nêu trên của văn hóa dân gian nảy sinh, tồn tại và phát triển với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp, thể hiện tính chưa chia tách giữa các bộ phận (ngữ văn, nghệ thuật, tri thức, tín ngưỡng phong tục…), giữa hoạt động sáng tạo và hưởng thụ trong sinh hoạt văn hóa, giữa sáng tạo văn hóa nghệ thuật và đời sống lao động của nhân dân. Để nghiên cứu văn hóa dân gian với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp chúng ta cần phải có một quy phạm nghiên cứu tổng hợp. [4]

        Tuy thế trong quá trình nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật cái gì là dân gian, cái gì là bác học trong các đề tài / công trình nghệ thuật thì không phải ai cũng hiểu và kết luận giống nhau và tùy vào từng thời điểm cụ thể thì không phải các nhà nghiên cứu đều thống nhất trên cùng một quan điểm.

        Thực tế nghiên cứu văn hóa dân gian cho chúng ta nhận ra rằng ranh giới giữa dân gian và phi dân gian đâu là thành tố tương đồng và dị biệt hay nói cách khác, đâu là thành tố gặp gỡ giữa cái dân gian và cái bác học.

        Do thực tiễn nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân gian cả hai chiều lịch đại và đồng đại (lịch sử và cập nhật), ở đây chúng tôi tiếp cận trong hai lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn không ít ý kiến khác nhau: lĩnh vực nghệ thuật tạo hình và lĩnh vực nghệ thuật ngữ văn.

        2. Có hay không nghệ thuật dân gian trong nghệ thuật tạo hình ?

        Về mặt lý luận thế nào là dân gian trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Từ trước đến năm 1984 chưa gặp các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định nào xác đáng. Từ năm 1984 về sau này, trên các phương tiện báo chí, tạp chí chuyên nghành, mỗi nhà nghiên cứu có đưa ra nhận định riêng của mình khi nêu quan điểm về công trình nghệ thuật tạo hình. GS.TS Kiều Thu Hoạch trong bài báo đăng trên Nguồn sáng dân gian lược thuật quá trình đi tìm thành tố  dân gian trong nghệ thuật tạo hình. Ông kể rằng năm 1984 trên Tạp chí Văn hóa dân gian số 3, GS Đinh Gia Khánh đã công bố bài báo Vị trí của nghệ thuật tạo hình dân gian trong văn hóa dân tộc và văn hóa dân gian. Bài báo nhằm xác định nghệ thuật tạo hình như là thành tố của văn hóa dân gian. Theo GS Đinh Gia Khánh, ngày xư ý chí của giai cấp thống trị đã ảnh hưởng rất lớn vào nhiều công trình nghệ thuật tạo hình, ở chỗ các tầng lớp thống trị đều muốn các nghệ nhân phải thực hiện các công trình nghệ thuật theo ý đồ của mình. Tuy nhiên các nghệ nhân đều xuất thân từ tầng lớp lao động và gắn bó với đời sống tinh thần của người dân, với văn hóa văn nghệ dân gian. Từ đó hoặc là tự giác, hoặc là không tự giác, các nghệ nhân vẫn đưa các yếu tố văn hóa nghệ thuật dân gian vào các công trình mà họ phải thục hiện. Điều này đã gây cho vấn đề trở nên phức tạp khi các nhà nghiên cứu muốn tách bạch đâu là cái dân gian trong nghệ thuật tạo hình.

        Theo tôi, có điều chắc chắn rằng các nghệ nhân dân gian không thể cưỡng lại ý chí của nhà cầm quyền đương thời để tự giác thổi hồn dân gian vào trong các công trình nghệ thuật như GS. Đinh Gia Khánh viết trong bài báo. Nếu công nhận sự thổi hồn vào các công trình nghệ thuật tạo hình để công nhận cái dân gian (tức có yếu tố folk), thì tại sao các công trình xây dựng: cung điện, đền đài, lăng tẩm, nhà ở của vua, chúa, quan lại,… do nghệ nhân thực hiện và họ cũng thổi hồn vào thì sao không gọi nghệ thuật tạo hình dân gian mà gọi là nghệ thuật cung đình ? Hoặc ẩm thực của vua chúa do đầu bếp – là nghệ nhân – nấu nướng, họ cũng gia giảm mùi vị theo phong cách của họ, thì sao vẫn gọi ẩm thực cung đình mà không là ẩm thực dân gian? Điều thổi hồn vào công trình nghệ thuật tạo hình và chỉnh sữa mùi vị ẩm thực là không thể (kể cả các công trình xây dựng thời nay).

        Và GS. Đinh Gia Khánh nêu ra giả thiết rằng: nghệ thuật tạo hình Việt Nam có hai dòng đối lập nhau: một dòng có tính chất bác học, hàn lâm, một dòng có tính chất dân gian. Như vậy làm thế nào để phân biết hai dòng ấy. Hoặc giả nghệ thuật dân gian là chủ thể, thậm chí làm nên toàn bộ nghệ thuật tạo hình dân tộc ? GS. Đinh Gia Khánh cho rằng đây cũng chính là vấn đề chưa được giải đáp.

        Và theo GS.TS. Kiều Thu Hoạch, cũng trong Tạp chí Văn hóa dân gian số 3 này Nguyễn Tiến Cảnh với bài Phân định nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam, lại phủ nhận hoàn toàn quan niệm cho rằng, nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam là nghệ thuật dân gian. Theo ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cảnh, nghệ thuật tạo hình từ thời Lý, Trần qua Lê tới Nguyễn với những cung điện, lầu các, với những chùa tháp đình làng, đền miếu, lăng tẩm,…mà gắn liền với chúng là những tác phẩm của một dòng nghệ thuật bác học. Và sau khi phân tích đình làng nửa cuối thế kỷ thứ XVIII là đỉnh cao của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, ông cho rằng Lấy thuật ngữ điêu khắc dân gian để chỉ những điêu khắc của những đình làng trên đây là không đúng. Ông khẳng định thêm: Đến thời Nguyễn, với những long, li, quy, phượng; mai, lan, cúc, trúc; hoa, điểu, tùng, lộc,…lại càng không thể là dân gian.

        Điều này ông Nguyễn Tiến Cảnh có lý khi các nghệ nhân khắc họa những biểu tượng mai, lan, cúc, trúc; hoa, điểu, tùng, lộc hay long, li, quy, phượng là các biểu tượng tượng trưng do vua chúa quy định, người dân không tự quy định được. Đây không thể là biểu tượng tứ linh do người dân đặt ra và dùng cho người dân. Tôi tán đồng với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cảnh.

        Cũng trong tạp chí này, theo GS.TS Kiều Thu Hoạch có các bài viết lại thống nhất quan điểm chung đó là xác nhận tính dân gian của nghệ thuật tạo hình. Bài của Tô Ngọc Thanh Nghệ thuật tạo hình dân gian phải là một thành tố của folklore. Trịnh Cao Tưởng với bài Nghiên cứu kiến trúc trong lĩnh vực văn hóa dân gian, Nguyễn Quân với bài Một vài suy nghĩ về việc nghiên cứu nghệ thuật tạo hình dân gian trong folklore. Trong số các tác giả này, có thể coi ý kiến của Trịnh Cao Tưởng như là một nhận xét tiêu biểu: Những người làm công tác nghiên cứu mỹ thuật đã coi điêu khắc trang trí đình làng là một dòng suối mát thuần khiết Việt Nam nhất, là giai đoạn nghệ thuật thắng thế nhất của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam.

        Năm năm sau, trong tác phẩm Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian [5] Trong mục Nghệ thuật tạo hình dân gian, GS. Đinh Gia Khánh đã tỏ ra đồng thuận với nhóm tác giả đã đăng bài liên quan trên Tập san Văn hóa dân gian, số 3/1984, đồng thời coi nghệ thuật tạo hình là một thành tố của folklore. Đây là nói về nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam.

        Như thế qua thời gian dài thảo luận trên văn đàn học thuật vẫn chưa có kết luận chính thức, vấn đề đang còn bàn thảo tiếp, do đó các nhà nghiên cứu ở thành phố ta vẫn còn phân vân đâu là ranh giới giữa dân gian và bác học trong nghệ thuật tạo hình. Vấn đề vẫn còn phải đi tìm lời giải đáp cho loại hình nghệ thuật này.

        Chúng tôi đồng ý với tác giả Tô Ngọc Thanh trong bài viết Nghệ thuật tạo hình dân gian phải là một thành tố của folklore. Có nghĩa là trong nghệ thuật tạo hình đó phải có folk (người dân), nếu không có yếu tố folk thì không có thành tố dân gian trong nghệ thuật tạo hình. Theo đó, từ năm 1984 đến nay không diễn ra các cuộc trao đổi học thuật, nhưng GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh đã có nhận định tiếp tục tìm kiếm sự gặp gỡ trong nghệ thuật tạo hình mà trước hết phải có yếu tố người dân (được hiểu là người dân làm ruộng – thông qua các lần tập huấn do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức tại nhiều Chi hội trên cả nước) và xem đấy là điểm gặp gỡ giữa nghệ thuật tạo hình dân gian và nghệ thuật tạo hình bác học.

        Chùa chiền mang yếu tố tôn giáo, là văn hóa bác học nhưng rất gần với dân gian thông qua tín ngưỡng của người dân gắn với chùa và hình tượng đức Phật gần gũi với người dân.

        Đình, miếu là văn hóa bác học (nghệ thuật tạo hình), nhưng không gặp gỡ bàn tay nghệ nhân thể hiện thành tố của người dân, và với tín ngưỡng dân gian thực hiện ngay trong đình miếu thì đình, miếu không là đình miếu nữa (bởi không hàm chứa tín ngưỡng dân gian trong đình miếu thì không còn là đình miếu, mà chỉ là di sản văn hóa vật thể),…Theo tôi, tìm sự gặp gỡ trong nghệ thuật tạo hình là tìm độ đậm nhạt của tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian theo nguyên lý lượng – chất.

        Gần đây (2016), GS. TSKH. Tô Nhọc Thanh đã lưu ý các Chi hội trực thuộc Hội văn nghệ dân gian Việt Nam khi đăng ký đề cương công trình dự Tài trợ, Giải thưởng và Trại viết của Hội lưu ý các nội dung sau đây sẽ không được Hội đồng xét duyệt chấp nhận:

        – Những tư liệu về lịch sử miền đất

        – Những tư liệu về quá trình thành lập cộng đồng

        – Tiểu sử và sự nghiệp của danh nhân

        – Các tư liệu chữ Hán

        – Các sáng tác có tác giả

        – Các tư liệu bảo tồn bảo tàng về di sản vật thể.

        3. Có hay không địa danh dân gian trong địa danh ?

            3.1. Dân gian trong nghệ thuật ngữ văn

        Nhiều thập niên trong thế kỷ XX, khoa nghiên cứu văn học / hóa dân gian của Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền khoa học Liên xô (cũ). Nhưng từ năm 1986 trở đi, khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới thì tư duy và phương pháp lý luận chuyên ngành đã bộc lộ những bất cập. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học quá trình đổi mới tư duy giúp cho chúng ta nhận thức được những chậm trễ của khoa học xã hội, sự lạc hậu trong công tác lý luận [6] . Dân gian trong nghệ thuật ngôn từ đến nay chúng ta vẫn còn hiểu rằng Văn học dân gian là sáng tác tập thể, truyền miệng của nhân dân lao động hoặc Văn học dân gian phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất Văn học dân gian…vẫn tồn tại cùng với  hoạt động sản xuất vật chất của nhân dân lao động [7]. Theo đó đến nay vẫn còn vận dụng định nghĩa dân gian như vừa nêu. Vẫn quan niệm người sáng tác ra các tác phẩm dân gian là nhân dân lao động / quần chúng lao động và phương thức sáng tác là truyền miệng. Trong thực tế có phải như vậy không, chúng ta còn chờ ở các nhà nghiên cứu.

        Ở đây, chúng tôi muốn thảo luận xem: Có địa danh dân gian hay không trong địa danh.

        Để hiểu vấn đề này chúng ta cần tìm hiểu các khái niệm: địa danh (地  名 ), địa danh dân gian,  địa danh học và sự khác nhau giữa chúng.

        + Địa danh, theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa Địa danh là tên các miền đất (Nom de terre de localité)[8]. Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê định nghĩa Địa danh là tên đất, tên địa phương [làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố, v.v.], tên điểm, vùng kinh tế [khu nông nghiệp, khu công nghiệp v.v.], tên các quốc gia, châu lục, núi non, sông hồ, vũng vịnh v.v. ghi lại được trên bản đồ. [9] …Theo TS. Lê Trung Hoa định nghĩa Địa danh là những từ hoặc ngữ được dùng làm tên riêng của các địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chánh, các vùng lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều [10] … Theo chúng tôi Địa danh là tên gọi chỉ các đối tượng tự nhiên và các đối tượng nhân tạo chỉ định tại một địa điểm nhất định. [11]

        + Địa danh dân gian, không gặp định nghĩa trong các từ điển. Nhưng xét thực tiến thì địa danh dân gian là địa danh do người dân (folk) đặt ra. Địa danh dân gian khác với địa danh do nhà nước đặt ra để quản lý, hoặc quyết định thừa nhận địa danh có sẵn từ địa danh dân gian. (dân gian hiểu theo các Từ điển định nghĩa là ở chỗ người dân, là đông đảo những người dân thường trong xã hội).

        + Địa danh học, là môn học chuyên nghiên cứu về địa danh.

          Đứng từ góc độ địa danh mà xét thì trong địa danh nói chung có địa danh dân gian. Theo các định nghĩa trên thì địa danh nào do người dân đặt ra để phân biệt, để nhận biết đối tượng, để ứng xử thích hợp thì đấy là địa danh dân gian. Điều này khác với địa danh do nhà cầm quyền định danh đối tượng để quản lý và cũng để phân biệt giữa các tên gọi. Địa danh do nhà nước đặt ra thường xuất phát từ chiếu, chỉ, dụ,…(thời xưa). Nghị quyết, Nghị định, Quyết định và được nhà nước chính thức công nhận. Qua các thời kỳ lịch sử phát triển, chúng ta nhận ra rằng địa danh do nhà nước định danh được ghi trên văn bản bằng văn tự, thứ nhất: viết bằng chữ Hán, thứ hai: chữ Nôm và nay là chữ Quốc ngữ (chưa kể một số địa danh ghi bằng tiếng nước ngoài). Và vì địa danh do người dân đặt ra nên phạm vi sử dụng của địa danh dân gian không rộng như địa danh nhà nước, phần lớn địa danh lưu truyền bằng truyền miệng trong phạm vi xóm, làng, xã. Một số địa danh dân gian ảnh hưởng trong phạm vị rộng lớn như tên của các con sông, ngọn núi (núi Phước Tường, sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê, Non Nước,…). Có điều, chắc chắn rằng địa danh dân gian được người dân định danh khi văn tự chưa có (chỉ lưu truyền bằng truyền miệng) và về sau, khi có văn tự, địa danh dân gian được ghi thành văn tự, thành chữ, để nhớ, để biết.

        Ở Đà Nẵng phần nhiều các làng, xã được thành lập gắn liền với địa danh được ghi bằng văn tự. Bởi khi vào Nam định cư có thể một mặt tiếp tục gọi tên theo cách gọi của người tiền trú (Đà Sơn, Đà Ly, Câu / Cu Đê, Trà trong Trà Bồng, Trà Na, Trà Lộ, Trà Tế,…), mặt khác đặt tên mới để nhận biết, phân biệt. Điều này thực tế đã diễn ra ở Đà Nẵng, Quảng Nam trước năm 1471 (thời Lê), hoặc xa hơn, từ thời nhà Hồ 1402, hoặc xa thêm nữa có thể có địa danh được người dân Việt đến xứ sở Chămpa và định danh vào năm 1306. (hiện tượng như thế từ Quảng Bình trở vào là không hiếm).

        Như thế phải thừa nhận rằng trong địa danh chung có địa danh dân gian.

        Khi đến đây lập làng, nhiều gia phả các dòng họ tại Quảng Nam, Đà Nẵng ghi rằng: tộc họ A, B hoặc C đến đây, thấy núi non hùng vĩ, sông ngòi thuận lợi, bèn dừng chân ở lại cùng nhau khai phá và đặt tên làng là ….. quy dân lập ấp, khai cơ lập nghiệp đời đời. Sau đó để phân biệt, để nhận biết và ứng xử thích hợp, người dân lần lượt định danh cho các đối tượng cần định danh trong đó có nhiều địa danh được định danh bằng thổ ngữ. Thì đấy là địa danh dân gian. Không biết nguồn gốc của địa danh, ai đặt và đặt từ bao giờ, nhưng có điều chắc chắn biết được là người dân (folk) ở đó lần lượt đặt tên cho con suối, ao, hồ, bến, bãi, gò, đồi,… của họ.

        Khi nhà nước hình thành tại xứ Quảng, địa danh được nhà nước đặt tên, bấy giờ địa danh đã có nguồn gốc. Để quản lý được tốt và sát thực, có địa danh trong dân gian không rõ nguồn gốc, ai đặt và đặt từ bao giờ được nhà nước tiếp tục sử dụng bằng cách ra quyết định công nhận, ghi ngày tháng rõ ràng. (Chợ Cồn, chợ Cẩm Lệ, Đà Nẵng, sông Hàn,…là cách tiếp tục sử dụng địa danh dân gian trong quản lý). Các sách địa danh của các nhà nghiên cứu, học giả: Lê Trung Hoa, Nguyễn Văn Âu, Nguyễn Kiết Tường,… đều có chứa một lượng ngữ văn dân gian nhất định, nhưng họ nhìn ngữ văn này dưới góc nhìn ngôn ngữ học, và gọi chúng là địa danh thuần Việt (khảo sát trong phần ngữ nguyên của địa danh), nên chúng ta dễ bị ngộ nhận rằng đã là địa danh thì không phải là cái của dân gian mà là cái của bác học.

        Như vậy có thể nói trong địa danh nói chung có địa danh dân gian, một bộ phận quan trọng trong dời sống người dân qua các thời kỳ lịch sử. Địa danh dân gian cũng là lớp từ vựng toàn dân, nhìn từ góc nhìn ngôn ngữ học; đồng thời, địa danh dân gian cũng là ngữ văn dân gian nhìn từ góc nhìn văn hóa dân gian.

        Vậy đâu là đặc điểm của địa danh dân gian ?

        3.2. Đặc điểm của địa danh dân gian

          1. Thể hiện bằng ngôn ngữ thuần Việt.

          Lớp địa danh này xuất phát từ lời ăn tiếng nói của người dân là văn hóa của dân (folk). Địa danh do họ đặt ra, gắn với sinh hoạt thường ngày của họ, mà lớp từ này là thuần Việt, địa danh của các dân tộc miền núi cũng là dân gian. Có nhiều địa danh do người dân định danh nhưng không rõ nét nghĩa là gì: gò Đồ, gò Cập Ứng, cồn De, cồn Đu, khe Răm, Đà Ly, Phần Lăng,…những địa danh này có thể vay mượn của người tiền trú tại xứ Quảng Nam xưa.

          Ngoài ra có một lớp từ Hán – Việt được dùng định danh sự vật , hiện tượng, lớp từ này mang nét nghĩa làm phong phú vùng đất, con người ở đó, được người dân sử dụng để định danh, trước khi nhà nước tiếp tục sử dụng bằng văn bản cụ thể. Những địa danh gợi cho người dân hiểu ý nghĩa tốt đẹp, gởi vào đấy niềm hy vọng lâu dài của cộng đồng, có nhiều: Thúy / Túy Loan, Đồng Môn, Đông Phước, Thái Lai, Phước Thuận, Phong Lệ, Cẩm Lệ, Cẩm Giang Lệ Thủy, …trước khi có chính quyền làng xã tại xứ Quảng, người dân nơi đây đã định danh sự vật nơi họ sinh sống rồi. Lớp từ này là Hán – Việt nhưng do người dân tại địa phương đó đặt tên nên trước hết là địa danh dân gian.

          2. Địa danh dân gian thường mang tính tượng hình

          Người dân ta ở xứ Quảng xưa, khi đặt những bước chân đầu tiên đến vùng đất mà con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng phải kinh thì không khỏi giật mình. Họ gặp người tiền trú, có thể ban đầu là cư dân văn hóa Sa Huỳnh, về sau có tộc người Chàm của cư dân Đa Đảo vào trước, để nhận biết và phân biệt sự vật trong môi trường tự nhiên, hẳn họ đã phải định danh, đặt tên cho sông núi, đồi, gò, đồng, bãi,…Và để định danh, họ quan sát thấy chung quanh trong tự nhiên có hình dáng, màu sắc, cao thấp rộng hẹp thế nào,… họ thường lấy cái cụ thể, cái đặc điểm riêng có của đối tượng để định danh đối tượng. Nhìn thấy hình sông, thế núi màu sắc thế nào thì đặt tên địa danh theo đặc điểm đó. Nhiều địa danh như thế xuất hiện: đồi Chè, đồi Cù Lao, gò Trọc, gò Vàng, hố Tre, đá Đen, đá Bàn, sông Cổ Cò,…Hoặc xứ đất, xứ ruộng có: cây Trao, cây Cốc, xứ Bàu Da,…Cho nên địa danh dân gian phần nhiều mang sắc thái tượng hình.

          3. Địa danh dân gian không ổn định về mặt ngôn ngữ

          Do xuất phát từ tiếng nói địa phương, trong đó có một bộ phận phương ngữ, thổ ngữ tại các làng, xóm, có thể người dân lấy phương ngôn, hoặc thổ ngữ đó định danh cho sự vật tại vùng đất mình cư trú, nên đôi khi do phát âm, mà mỗi làng có mỗi cách gọi tên trên cùng một đối tượng. Ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên có một ngọn núi trong dân gian gọi núi Ấn những cũng ngọn núi ấy, có nơi người dân gọi hòn Quắp. Là bãi đá ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, có một hòn núi thấp, nằm sát biển, dài khoảng 2km, cao 40m, trên đỉnh bằng phẳng, rộng khoảng 20 ha, phủ đầy một loại cỏ thân cứng và những cây dại như chà là, sim, mua. Mặt phía đông và đông nam vách đá cao dựng đứng màu đen như than. Bãi đá đen như than, bề mặt có nơi phẳng như mặt bàn, nên gọi Bàn Than, nhưng có nơi người dân gọi Bằng Than. Cũng vậy, là cù lao thuộc thành phố Hội An, người dân là các lái chèo ghe bầu đi cạnh cù lao thấy có màu xanh gọi Lao Xanh, nhưng người dân trong đất liền nhìn ra biển lại gọi Cù Lao Chàm còn người dân có Hán học, nhìn cù lao lại gọi Chiêm Bất Lao (do nguyên trước đây là đất của người Chàm). Rồi Bồng Miêu / Bông Miêu, sông Kôn / Trầu, ngã ba Hà Tân / ngã Ba Bến,…cũng thế.

          4.4. Sự gặp gỡ giữa địa danh dân gian và địa danh do nhà nước định danh

          Ngay từ khi con người xuất hiện trên trái đất và có tiếng nói là đã định danh cho các sự vật và hiện tượng chung quanh để nhận biết và phân biệt. Thời ấy, con người chưa có chữ viết và chưa có nhà nước. Theo đó, có thể nói rằng địa danh dân gian có trước địa danh do nhà nước định danh và rõ ràng theo chiều kích lịch sử và cập nhật thì địa danh, địa danh dân gian có trước địa danh học. Nếu không có địa danh sẽ không có ngành địa danh học. Ngành địa danh học ra đời ở Châu Âu vào thế kỷ thứ XIX, nhưng địa danh đã xuất hiện rất sớm. Ở xứ Quảng địa danh do người dân đến đây đặt ra có từ thế kỷ thứ XV hoặc trước đó, thời ấy làm gì có ngành địa danh học xuất hiện. Nói dông dài như vậy để tìm điểm gặp gỡ nhau giữa dân gian và bác học trong địa danh.

          Khi nhà nước xuất hiện, để quản lý toàn diện, nhà nước định danh sự vật và hiện tượng cần định danh để quản lý. Điểm gặp gỡ giữa địa danh dân gian và địa danh do nhà nước định danh thể hiện ở chỗ:

        – Một mặt, nhà nước tiếp tục sử dụng địa danh đã có sẵn trong dân gian để chính thức hóa địa danh bằng văn bản như chiếu chỉ, …nghị quyết, quyết định,…

        – Mặt khác, nhà nước định danh mới các sự vật và hiện tượng.

        Mục đích của nhà nước là để quản lý, còn mục đích của dân gian là để nhận biết, phân biệt, từ đó có hiện tượng cùng một địa danh nhưng có nhiều tên gọi khác nhau (như nói ở mục 3).

        Sự đan xen gặp gỡ nhau giữa dân gian và phi dân gian trong địa danh là vào thời điểm chuyển tiếp này và vì ý nghĩa của địa danh.

        Ở thành phố Đà Nẵng, không biết từ thời điểm nào dân gian gọi sông Hàn, rồi trải qua các thời kỳ lịch sử nay vẫn gọi sông Hàn. Chúng ta sẽ không tìm thấy một văn bản nào của nhà nước qua các thời kỳ có văn bản quyết định đặt tên con sông chảy giữa lòng thành phố Đà Nẵng là sông Hàn. Tương tự, sẽ không tìm thấy quyết định đặt tên cho sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê, sông Thu Bồn (theo truyền thuyết), sông Câu Lâu (theo truyền thuyết),… ngã ba Giao Thủy, ngã ba Cây / Cai lan, ngã ba chuồn chó…và còn rất nhiều địa danh như thế nữa, đặc biệt toàn bộ địa danh chỉ xóm là địa danh dân gian, đến nay vẫn là địa danh dân gian như xóm Hóa Sơn, Cẩm Bình, Thủy Lục, xóm chuối, xóm mía, xóm chợ heo,… (mặc dầu nay đã biến đổi), hoặc khu chuồn bò, hay địa danh gò Theo, Đà Ly, gò Cồn (nay biến đổi thành chợ Cồn) là địa danh dân gian (mới đây nhà nước đã công nhận chợ Chợ Cồn). Trong một số trường hợp, địa danh làng trước hết là địa danh dân gian (theo gia phả , theo hồi cố của người làng).

        Theo tôi, điểm gặp gỡ giữa dân gian và phi dân gian trong lĩnh vực địa danh là ở chỗ nhà nước tiếp tục sử dụng địa danh của dân gian./.

        Tài liệu tham khảo

* Ảnh đại diện: tp. Hội An (Internet).

  1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu SG in lại lần thứ 10, 1968.
  2. Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt, SG. 1958.
  3. Hoàng Phê (chủ biên), Trung tâm từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Hn. 2010.
  4. tapchicongsan.org.vn
  5. Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, NXB. KHXH, 2006.
  6. Lê Trung Hoa, Nguyên tác và phương pháp nghiên cứu địa danh (địa danh thành phố Hồ Chí Minh), NXB. KHXH, 2002.

[1] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu SG in lại lần thứ 10, 1968, tr.8.

[2] Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt, SG. 1958, tr. 325.

[3] Hoàng Phê (chủ biên), Trung tâm từ điển học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Hn. 2010, tr. 331.

[4] tapchicongsan.org.vn

[5] Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Đinh Gia Khánh, NXB. KHXH, Hn, 1989.

[6] Khoa học xã hội và nhân văn mười năm đổi mới và phát triển,  Phạm Tất Dong (chủ biên) NXB. KHXH, Hn. 1997. (Dẫn lại GS. TS. Kiều Thu Hoạch trong Nguồn sáng dân gian số 3/2015.

[7] Giáo trình Văn học dân gian . NXB. ĐH & THCN, Hn. 1972.

[8] Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt, SG in lại1958.

[9] Hoàng Phê (chủ biên) Từ điển tiếng Việt, BXB. Đà Nẵng, Trung tân Từ điển học, 2010. Tr. 416.

[10] Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam. NXB KHXH Hn, 2006, tr.18.

[11] Võ Văn Hòe, Địa danh thành phố Đà Nẵng, NXB. Đà Nẵng, 2011.