Tính cộng đồng qua các tín hiệu, biểu tượng

400

Tính cộng đồng qua các tín hiệu biểu tượng

 

        Tính cố kết cộng đồng làng xã thông qua tín hiệu các biểu tượng được quy ước trong một khu hoặc một liên khu, một vùng dân cư, đã góp phần điều chỉnh các mối quan hệ trong đơn vị làng xã và đồng thời theo đó, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết trên tinh thần “nhất gia hữu sự bách gia ưu” trong cộng đồng cư trú. Các tín hiệu này phần lớn xuất phát và có mặt từ nền văn hóa văn minh nông nghiệp lúa nước. Trong một thời gian dài chính nền văn minh nông nghiệp lúa nước đã làm nảy sinh những tín hiệu do các biểu tượng được tính tự giác của cộng đồng quy ước để đến lượt các tín hiệu này phát huy khả năng cố kết cộng đồng làng xã trong cộng đồng dân tộc; đồng thời qua các tín hiệu biểu tượng này thể hiện tâm lý văn hóa độc đáo của một thời đại và cộng đồng dân tộc trong thời đại đó. Hay nói khác đi là trong cộng đồng một khu dân cư đã được ổn định lâu dài, các thiết chế tổ chức chính quyền, văn hoá đã được xác lập ổn định và có tác dụng tích cực. Trong bài viết ngắn này, lấy đơn vị làng (xã) làm ví dụ phát huy các tín hiệu của biểu tượng trong cộng đồng làng.

  1. Ăn trộm gõ mõ

        Trước hết có thể hình dung được rằng tín hiệu gọn lõn sắc nhọn của chiếc mõ tre được khõ lên và lan truyền từ hộ gia đình này sang hộ gia đình khác một cách tự giác khi có kẻ trộm vào làng nhờ vào ý thức trên tinh thần cố kết cộng đồng làng xã. Trong một làng mà quy ước các tín hiệu của biểu tượng này lỏng lẻo sẽ không có hưởng ứng dây chuyền lan ra trong toàn làng (xã) được. Người xưa đã biết cách quy ước tín hiệu các biểu tượng thành tục lệ mỗi khi trong làng hữu sự. Từ đó mà có lệ của làng. Ban đầu xuất phát từ trong một xóm, sau đó lan truyền dần sang các xóm khác và đến lúc cả làng nơi đâu cũng có tiếng mõ khõ vang lên đanh gọn trong đêm. Chiếc mõ tre xuất hiện trong cộng đồng làng (xã) thời “nông vi bản”, không hộ gia đình nào của xứ sở miền Trung mà không dùng chiếc mõ tre để gởi tín hiệu đi khắp làng xã rằng: “cớ sự đã đến”. Cớ sự ở đây chính là ăn trộm, là kẻ gian (không gian tham của cải thì cũng gian dâm gì đó…). Chỉ khi có ăn trộm đột nhập vào nhà, hoặc xuất hiện kẻ gian đang thu gom hoa màu trên nương rẫy…, tiếng mõ mới có giá trị thông tin, thông báo phản tĩnh. Khi tín hiệu của mõ khõ đanh lên, mà biểu tượng là một lóng tre già, lớn có ruột rỗng. Ruột rỗng càng lớn, tiếng kêu của mõ càng thanh vọng và nếu là tiếng đục được phát ra trong biểu tượng ống tre đực già nhỏ lóng. Khi nào tiếng mõ khõ lên thì đấy là sự báo động cho toàn thể dân làng biết rằng cớ sự đã xuất hiện đâu đó trong làng, mọi nhà phải đề phòng kẻ trộm. Có thể là một cuộc ăn trộm trâu bò, có thể là một cuộc xúc trộm lúa trong bồ, trong bịch hoặc lúa còn đang phơi khô chưa ngót ngoài sân. Phần lớn trong một làng nông nghiệp thường mất trộm trâu, bò, gà, vịt, lúa…Nói chung, là có hiện tượng trộm cắp đang diễn ra trong xóm làng. Khi sự cố đang diễn ra, tiếng mõ được khõ vang lên và thế là làng trên xóm dưới đều mang mõ ra sân hoặc đứng ngay trong nhà khõ mõ lên cho tất cả người dân trong cộng đồng dân cư biết rằng ăn trộm đã đột nhập vào làng và hãy tìm cách đuổi chúng đi hoặc vây bắt lấy trộm. Liền đó trai tráng trong làng ra đường công hương chẹn các ngã đường tháo chạy của trộm. Mõ là một cách sáng tạo của người dân ta thuở xưa khi chưa có các phương tiện hiện đại ngày nay như điện thoại, loa phóng thanh…Khi người dân trong cộng đồng dân cư nghe tín hiệu cốc cốc vang ra từ biểu tượng chiếc mõ, họ liền tỉnh giấc cùng hòa vào không khí cớ sự với làng để truy tìm kẻ gian đang đột nhập hoặc ẩn trốn đâu đó trong làng. Tiếng mõ lan truyền từ nhà này sang nhà khác làm cho cả một khu dân cư, một thôn ấp vang lên rộn rã, thúc giục. Âm thanh nhọn sắc của mõ có thể lan xa đến tận các làng lân cận. Và thế là tại các làng ấy tiếng mõ nối tiếp nổi lên. Tâm lý dây chuyền làm cho tiếng mõ có hiệu lệnh sai khiến người dân nhanh chân hòa nhập vào khả năng truy tìm hiện tượng lạ vừa mới xảy ra trong cộng đồng. Người ta sẽ không để cho cộng đồng bị thiệt hại khi thông qua biểu tượng của mõ, khi âm thanh sắc nhọn cất lên. Xét về mặt văn hoá thì đây là biểu hiện của văn hóa tập thể, tính cố kết trong cộng đồng làng xã ngày trước. Khi hữu sự, một nhà có việc trăm nhà lo thường có thông qua các biểu tượng mõ tre. Khi một đám cháy nhà bắt đầu ngún lên từ cuối làng, đầu xóm, liền đó tiếng mõ được khõ vang lên, khắp trong làng đều nghe được. Họ thức dậy và cứu ứng cho nhau khi tín hiệu bất ngờ xuất hiện. Thậm chí đang đi làm ngoài đồng xa cũng có thể nghe được tiếng mõ trong làng khua vang vọng ra tận bãi nà, nương rẫy, theo đó các thành viên trong cộng đồng không thể không quan tâm đến hiện tượng tiếng mõ khua vang. Người ta nghi vấn, không dưng mà tiếng mõ lại khõ lên dữ dội, dồn dập và hồi hộp đến thế. Bởi nếu không có sự cố gì xảy ra, ý thức người dân không bao giờ sử dụng tiếng mõ một cách tuỳ tiện được. Người trong một cộng đồng làng xã rất kiêng kỵ khi mang mõ ra đánh lên gởi một thông điệp có “sự cố” mà không phản ánh được hiện tượng khác thường xảy ra trong cộng đồng mình, nếu vậy tín hiệu của biểu tượng không còn là công cụ của tục lệ nữa, mất đi giá trị biểu đạt của sự thông báo và thế là làng sẽ bắt vạ nếu có ai đó mang mõ ra sân khõ vang lên một cách không có hiện tượng “cớ sự” nào cả.

        Thông qua biểu tượng chiếc mõ tre và tiếng của mõ vang lên c…ốc c…ốc tuy không vang nhưng âm sắc rất nhọn có thể xuyên nhanh vào không gian để đến được với người dân trong cộng đồng mình rõ ràng nhất. Mõ là một thành tố vật chất của văn minh nông nghiệp lúa nước. Một thời tiếng mõ là biểu hiện của quyền uy tập thể, của tính cố kết cộng đồng làng xã, của sự sai khiến mệnh lệnh được xem là tính biểu trưng của sự hợp quần, đoàn kết, thống nhất ý chí và nguyện vọng của người dân trong một làng xã ngày trước.

        Vùng Hoà Vang xưa kia biểu tượng tiếng mõ được quy ước hẳn hoài, tại làng Phước Sơn “…mõ treo ở đình, nếu có công vụ, nhóm họp  thì trùm xã mới được đánh. Ngoài ra không được tuỳ tiện khinh nhờm. Khi có việc công thì đánh hai vòng là một hồi, khi có nhóm họp thì đánh vòng là một hồi. Nếu cần cả công vụ và hội vụ thì lấy ba hồi làm hạn định. Người ở gần, khi nghe một hồi là đến ngay, còn người ở xa có thể đi trễ hơn sau lúc đánh hai hồi. Nếu viên chức trong xã khi nghe tiếng mõ mà coi thường không đến thì từ năm người trở lên sẽ bị phạt vạ một heo với gia tiền một quan, một tiền và trầu rượu đủ dùng, từ năm người trở xuống thì sẽ bị đánh đòn 30 roi để răn đe sự coi thường khoán lệ” (Khoán uớc làng Phước Sơn đại xã, nay là làng Phước Thuận xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang).

  1. Giỏ lửa lông gà

        Trong xã hội nông nghiệp còn có biểu tượng của chiếc giỏ lửa lông gà. Giỏ lửa là biểu tượng của quyền uy và sự biểu đạt ý chí tập thể trong cộng đồng. Khi làng xã hữu sự một người được làng phân công xách giỏ lửa lông gà đi nhanh trên những đường làng, xóm (có thể chạy lúp xúp) tay nắm biểu tượng giỏ lửa lông gà và thế là cộng đồng dân cư biết rằng cần phải tham gia, hội nhập vào sự kiện đang sắp được diễn ra ngay trong làng hoặc tại một nơi nào đó. Ngày trước giỏ lửa lông gà có thể là ám chỉ cho một cuộc đòi bỏ sưu cao thuế nặng, cần huy động đông người để làm thế thị uy mà không thể dùng loa kêu gọi được. Các thành viên trong cộng đồng khi nhìn thấy giỏ lửa lông gà đi ngang qua nhà mình thì không thể không ngạc nhiên tìm hiểu sự tình và không thể không tham gia cùng với cộng đồng. Giỏ lửa lông gà là biểu tượng ám chỉ sự hỏa tốc, nhạy bén, cần kíp và hãy nhanh chân. Theo đó, các thành viên trong cộng đồng sẽ thực hiện theo và đoàn kết lại để đạt mục đích chung. Trong phong trào kháng thuế tại Trung kỳ năm 1908 giỏ lửa lông gà là biểu tượng đóng vai trò quan trọng để huy động nhiều người tham gia, tạo nên lực lượng đông đảo, thống nhất mục tiêu, từ đó lan dần và tạo nên làn sóng mạnh mẽ kéo nhau về tỉnh đường Hội An kháng thuế, cự sưu. Có thể nói ngay rằng giỏ lửa lông gà ngày trước là biểu tượng góp phần tạo nên nền tảng tinh thần trong xã hội nông nghiệp thời phong kiến. Khi ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân được bắt nhịp và thâm nhập sâu vào mỗi người, tự nó đã tạo nên một sức mạnh lan toả. Tức là khi đã phát động thống nhất ý chí, tạo nền tảng tinh thần thì tập hợp được sức mạnh mà nhờ đó để đạt được nguyện vọng.  Trong những trường hợp như vậy, giỏ lửa lông gà là biểu tượng của sự tập hợp. Thế nên thời kỳ kinh tế nông nghiệp biểu tượng giỏ lửa lông gà được sử dụng như một tín hiệu tập hợp nhân dân, kêu gọi nhân dân đấu tranh cho mục đích phát triển của cộng đồng, đấu tranh chống sự ức hiếp của quan lại, chống lại giặc ngoại xâm, đấu tranh đòi giảm sưu cao, thuế nặng…

  1. Buồn não thanh la

        Biểu tượng chiếc thanh la (sênh). Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau biểu tượng thanh la gióng lên, âm thanh của tiếng sênh phèng phèng làm tất cả các thành viên trong cộng đồng thức tĩnh, lắng nghe và nhận biết. Có thể thanh la báo hiệu cho một cuộc rước thần, cho một trò chơi…và có thể báo hiệu cho một cuộc chia ly với cộng đồng làng xã. Thường, thanh la được gióng lên khi có sự buồn não trong làng xã, tức có người chết. Một hồi thanh la phèng phèng vang lên đâu đó đang lúc đêm khuya là nhận biết rằng người trong làng đang động thần khởi cổ để xác nhận án tích sinh thuận tử an mà làm việc tang cho một thành viên trong làng vừa mới vĩnh viễn ra đi khỏi cộng đồng làng. Đây chính là tiếng thanh la báo hiệu sự tử như sự sanh, nghĩa tử là nghĩa tận, nên không một ai trong cộng đồng không nôn nao khi biểu tượng chiếc thanh được gióng lên phèng phèng trước ngõ và thế là họ cùng đến để phân ưu. Không thuyết minh bằng lời, nhưng qua âm thanh của tiếng thanh la, yếu tố thuyết minh nằm ngay trong hoàn cảnh. Các thành viên trong cộng đồng theo đó khi nghe tiếng thanh la gióng lên đều tự nguyện, chân thành đến tiễn đưa người quá cố về với tổ tiên. Người tự nguyện thật lòng tập trung theo sau hiệu lệnh làm công việc của người láng giềng tình nghĩa, gắn bó trong một xóm một làng như là công việc của họ vậy.

        Đây cũng là nét đẹp văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước được hình thành nên từ lâu đời không bỏ được. Không có tiếng gọi nào thiêng liêng ai oán bằng tiếng của biểu tượng thanh la vọng từ làng trên xóm dưới làm lay động lòng người khi trong làng có người vĩnh viễn tách rời khỏi cộng đồng làng xã.

  1. Lụt dâng thúc trống

        Biểu tượng chiếc trống trong cộng đồng cũng là thành tố của nền văn hoá, văn minh nông nghiệp lúa nước. Nay chiếc trống vẫn còn tồn tại mà chưa có biểu tượng nào có thể thay thế được trong sinh hoạt văn hoá của cộng đồng. Tiếng trống được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, có trống khai hội, trống thúc quân,…tiếng trống còn được sử dụng trong việc tang ma, tế thần linh. Tiếng trống là tín hiệu cho sự tập trung, cho sự báo động với cộng đồng khi hữu sự, đồng thời tiếng trống đánh lên người dân được biết đến như sự giao lưu với lực lượng thần linh, còn nhằm vọng đến thế gới siêu hình để cầu xin đạt một mục đích nào đó. Do vậy, tiếng trống được gióng lên trong những lần cầu quốc thái dân an…hội hè trong cộng đồng làng xã thường lay động lòng người. Tiếng trống còn nhằm ra lệnh, dưới thời thuộc Pháp “nửa đêm thuế thúc trống dồn, sân đình máu chảy đường thôn lính đầy” thấm vào tận các thành viên, vào mỗi hộ gia đình không thể không nôn nao lo lắng vì tiếng trống. Đang đêm mà nghe tiếng trống trong làng gióng lên giục giã là biết rằng trong cộng đồng đã có vấn đề gì rồi đấy. Có thể là tiếng trống sang canh, nhưng thông qua biểu tượng chiếc trống, tiếng trống là tín hiệu của nước lụt dâng lên càng lúc càng cao, càng lớn, càng gần cần phải thông báo cho toàn thể dân làng biết mà chuẩn bị đối phó với lũ lụt. Trống thúc dồn dập chừng nào thì khả năng khẩn trương càng tiến hành di dời nhanh chừng đó. Người trong cộng đồng gọi nhau bằng tiếng trống, biểu trưng cho sự nhắc nhở, bảo ban nhau trên tinh thần tập thể mang tính cố kết cộng đồng. Đang đêm mà nghe tiếng trống gióng lên báo hiệu nếu không lụt lội, cháy nhà ai đó thì có thể tiếng trống cáo vọng thần linh trong làng có một người vừa mới vĩnh viễn ra đi tách khỏi cộng đồng về với tổ tiên, sang thế giới vĩnh hằng. Tiếng trồng ngũ liên giục giã lòng người không thể không nhanh chân tham gia vào đắp đê, chống lụt…

        Trong Khoán ước của Phước Sơn đại xã quy định cụ thể người được đánh trống và đánh thế nào, mấy hồi, mấy vòng…tất cả được phổ biển và quán triệt trong cộng đồng làng xã. “Dựa theo Khoán lệ của Tiền hiền thì trống đặt ở Chùa làng, Trùm xã, Thầy chùa trở xuống viên chức chỉ có hai người được đánh, hạng dưới không được tuỳ tiện. Khi nghe tiếng trống, cũng lấy ba vòng làm một hồi, tất cả đều phải đến, nếu hương chức nào coi thường không đến thì cứ năm người trở lên cũng chịu phạt vạ dựa theo lệ đình ghi trên” (Khoán ước làng Phước Sơn).

        Các biểu tượng văn hoá làng xã một thời có tác dụng nhất định khi phát đi tín hiệu bằng âm thanh do người được phân công khõ, đánh lên và từ tín hiệu này tất cả người dân trong làng cả các vị hương chức – ngũ hương – phải tuân theo mệnh lệnh của làng.

        Không chỉ là tiếng mõ, tiếng trống hay biểu tượng giỏ lửa lông gà mà tiếng chiêng cũng có sức mạnh đoàn kết, quy tụ nhân dân.  Khi chiêng trống gióng lên là “tiếng báo hiệu đến họp ở nhà Trùm gia, Xã trưởng, hoặc có công vụ, hội vụ nên lấy số vòng làm hạn định. Còn về phạt vạ thì cứ năm hương chức trở lên và năm hương chức trở xuống thì cứ tuân theo lệ đình, không đến thì bị phạt vạ trái lại với Khoán lệ…”.

        Và không chỉ là động tác đánh mõ, đánh trống, đánh chiêng mà đôi khi âm thanh các biểu tượng ấy cất lên, người trong làng cũng có thể đoán định được tuỳ theo sắc thái biểu cảm của âm thanh có thể nhận biết tín hiệu đưa ra lành hay dữ, yên vui hay buồn não mà có thái độ ứng xử thích nghi…/.

* Ảnh đại diện: VVH.