“Sái” và “Phong” trong lễ hội đua ghe

326

“Sái” và “Phong” trong lễ hội đua ghe

 

          Trước 1945, huyện Hòa Vang thường tổ chức lễ hội đua ghe hàng năm trên sông Cẩm Lệ. Đây là một tục lệ lâu đời gắn liền với vùng đất vừa có sông, vừa có gò đồi, ruộng đồng, phản ánh sinh hoạt nghề nông, vừa là nghề sông nước.[1]

          Hội đua ghe trên sông Cẩm Lệ là một trong những lễ hội có tiếng tạo nên ấn tượng lâu dài trong nhân dân huyện Hòa Vang. Huyện lỵ Hòa Vang một thời đóng tại Hóa Khuê Trung tây vì thế mà hội đua ghe tổ chức trên sông Cẩm Lệ có khả năng ảnh hưởng đi xa. 

          Hằng năm, cứ vào 25 tháng giêng âm lịch, dân huyện mà gần và trực tiếp là làng Cẩm Lệ bước vào lễ hội đua ghe. Thường cứ ba năm mới tổ chức đua lớn một lần (tam niên nhứt lệ), hai năm chen kẽ có tổ chức đua, song chỉ đua vừa và nhỏ. Đoạn sông chọn làm nơi thi tài chèo lái nằm sát làng Cẩm Bắc. Nơi đây, nếu đứng trên cầu Cẩm Lệ nhìn về phía tây, con sông hiện ra bên lở bên bồi ngoằn ngoeo trước mặt, cảnh làm ăn trên bến dưới thuyền diễn ra sinh động (cát, sạn, hến…) dập dồn. Một bãi bồi hình móng ngựa ăn ra đến tận giữa sông, đấy là bãi La Hường, bên trái là cồn cỏ. Trừ những ngày ngập lụt, những ngày khác trong năm, bãi luôn được phủ xanh bởi hoa màu: lúa, khoai lang, sắn, đậu, mè, dưa, ớt, su bông, cà, mướp, cải, bí đao, bí rợ,…có cả mía mưng và thuốc lá nữa. Nhìn xuống phía đông, một cồn cát án ngữ trước mắt gọi là Cồn Lôi, Cồn Lôi giáp với Cồn Dầu (Hòa Xuân). Trên cồn, xa xa thấp thoáng trong hơi nước là “Lăng ông ngư”[2]. Ven theo chân Cồn Lôi là nơi quy tụ dân chài có nhiều ghe, rớ, ngao định cư và sống bằng nghề sông biển. Vì thế ngày trước nơi đây gọi là Vạn Sơn Thủy hay còn gọi là Vạn Rớ Lỗ Sài. Vạn Sơn Thủy bao gồm các làng rớ: Hóa Sơn, Tuyên Sơn, Lỗ Sài, Cẩm Bình, Thủy Lục[3]. Họ sống bằng nhiều nghề, đa số tồn tại với tấm lưới, tấm đăng[4], cái câu (đủ loại), rớ, ngao. Nhân dân ở đây có cuốc sống gắn liền với sông nước như vậy làm xuất hiện những tay đua nổi tiếng một thời. Đấy cũng là điều kiện để huyện Hòa Vang chọn Cẩm Lệ đăng cai tổ chức hội đua. Những chiếc ghe đua dài, nhẹ lướt nhanh trên nước cũng thường ra đi từ bàn tay lao động của người dân thuộc Vạn Sơn Thủy nầy.

          Để chuẩn bị cho hội đua ghe, làng Cẩm Lệ giao một mẩu ruộng gọi là ruộng tự điền cho một người nào đó trong làng cày cấy, có khi đấu giá hoặc bắt thăm để nhận ruộng. Lợi tức của mẩu ruộng tự điền được dùng vào việc hội đua, trong đó có cả phần phát thưởng. Nói tóm lại, người nhận ruộng công quân cấp phải lo chu đáo về mặt vật chất trong lễ hội đua.

          Lệ đua, có năm đua nhỏ hoặc đua vừa gọi là năm Sái. Sái chỉ có lễ nhẹ vào 25 tháng 1 âm lịch, có tổ chức đua nhưng không quy mô, không phát thưởng trọng thể. Hai năm Sái cũng là hai năm vòng một để tuyển chọn và luyện tay nghề, phát triển đội mạnh, phát hiện những tay đua trẻ có tài, kịp bồi dưỡng theo dõi, nâng đỡ để vào đua chính thức chọn đội hoặc tay đua xuất sắc nhất lập đội tuyển của huyện.

          Đua Sái đi liền hai năm liên tục, sau đó dồn lực lượng cho năm Phong, năm Phong tổ chức đua quy mô, có phát thưởng trọng thể, huyện chủ trì hội lễ. Năm Phong, đội đua nhiều, tay đua mới lạ, nhiều xã hiệu trong huyện cử đội đến tham gia. Năm Phong quy tụ chừng 15 đội.

          Trước khi đua, lễ tổ chức theo nghi thức cổ truyền tại miếu Bà và có đọc bài văn tế. Nghi thức hành lễ giống như lễ tại đình làng trong tế xuân và tế thu hằng năm của làng Cẩm Lệ. Lễ bắt đầu từ tờ mờ sáng 25 tháng giêng. Sau lễ là hội đua, có năm quy tụ: Cẩm Chánh, Cẩm Bắc, Cẩm Nam, Cẩm Bình, Bình Thái, Phong Lệ, Nam Ô … cử đội về tham dự. Dân từ các nơi đỗ về xem rất đông, tạo cho lễ hội đua ghe thêm náo nhiệt. Các tay đua là những dân chài, dân rớ lực lưỡng, đầu chít khăn đỏ hoặc xanh, lưng trần, quần cộc một màu. Mỗi ghe có 24 tay đua. Lòng ghe hẹp, đầu chạm rồng, hai bên thành ghe viền một đường diềm trông đẹp mắt và mạnh khỏe. Bình thường, đường đua dài 1 km vòng đơn, có cắm ba (hoa)[5] tiêu làm chuẩn, trên đầu cột một miếng vải rìa cho đễ nhận biết. Lệnh xuất phát bằng trống, chiêng nổi lên ba hồi liên tục do bộ phận tư lễ phụ trách, hồi trống thứ ba nhắc lại ba dùi, dùi đơn thứ ba là lệnh xuất phát. Hò chèo thuyền đước hát vang lên trên mỗi chiếc ghe đua. Trong đua ghe, khó nhất là người bẻ mũi, quay đầu, do thế tay đua đằng mũi và tay đua đằng lái là hai đằng tài nghệ, cao tay mới dám cầm chèo, cầm lái. Thắng lợi của người đua, mến chuộng ham thích của người xem tùy thuộc phần lớn vào tay đua ở hai đầu, rõ nhất là tay đua đằng lái.

          Đội thắng cuộc được nhận một cây cờ rìa màu đỏ cắm trên một đoạn thân chuối xem như cờ hiệu đoạt giải vô địch cuộc đua.

          Quá trình đua, đội do mất trớn hoặc tay lái không vững tạo nên :”vặn hớt ba tiêu” như thế là bị loại.

          Việc trao giải cho dội nhất nhì được tổ chức trọng thể, có tổng, huyện, xã đến dự và trao giải. Dội được giải rất phấn khởi vì đấy là niềm cổ vũ động viên, đồng tời tin tưởng rằng ba năm sau làm ăn sẽ tốt hơn.

          Hội đua ghe mừng xuân là lễ hội lớn của Hòa Vang, do làng Cẩm Lệ đăng cai trước 1945 là sinh hoạt hội hè có giá trị về mặt văn hóa tinh thần của nhân dân. Hội đua ghe còn là nơi phát huy tính tập thể, học tập kỹ thuật đua chèo, là nơi những tay đua giỏi nổi tiếng truyền “miếng” lại cho những tay trẻ mới vào nghề.

          Hội đua ghe ở Hòa Vang – Cẩm Lệ – còn là tinh thần coi trọng nghề nghiệp trên sông nước, đồng thời cũng là dịp nhân dân chăm sóc bờ sông, sửa đắp những đoạn lở, bồi. Đua ghe còn phát huy tính độc lập tự chủ trong lễ hội, rèn luyện thủy quân. Đó là lệ hằng năm có giá trị truyền thống.

          Hội đua còn là dịp nhân dân biết ơn và ghi nhớ công lao của những người có công với làng, nước. Chính vì thế hội đua ghe ở Hòa Vang ngày trước là cách nối tiếp truyền thống xưa trong vui chơi hội hè của nhân dân vào dịp mừng xuân.

          Nay hội đua ghe ở Hòa Vang không còn tổ chức hằng năm nữa, thay vào đó là hội đua ghe trên sông Hàn được tổ chức mừng Quốc khánh hằng năm vào ngày 2 tháng 9./.

 

* Ảnh đại diện St. Đua ghe trên sông Hàn Đà Nẵng.

[1] Các sách “Thủy kinh chú”, “Giao Châu di vật chí” viết rằng “Người Việt thạo thủy chiến, giỏi dùng thuyền”, song chưa có sách nào ghi tục đua thuyền ngày Tết của nhân dân Việt Nam có từ bao giờ. Tác phẩm đề cập đến việc đua thuyền ở Việt Nam sớm nhất là cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, sách nầy chép : Ngày 15 tháng 7 năm Ất dậu (985), nhân sinh nhật của vua Lê Đại Hành, nhà vua sai người làm thuyền, bên trên là núi Giả Sơn rồi tổ chức lễ đua thuyền trên sông Hoàng Long, thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Kể từ đó đua thuyền trở thành lệ hằng năm.

[2] Lăng ông ngư: nơi thờ cá voi (cá ông).

[3] Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ngư dân Vạn Sơn Thủy lên bờ quần cư một phần tại Cẩm Bắc (Hòa Thọ), một phần lớn lập làng Cẩm Chánh (Hòa Xuân).

[4] Đăng: giống như tấm sáo dài, đan bằng tre, cắm xuống sông vây bắt cá.Trước khi mở đường Cách mạng tháng Tám, đăng còn sử dụng vùng cầu Vũng Đa. Ngao: sử dụng hai ghe ghép thành một giàn gọi là giàn ngao, có móc lưới.

[5] Ba: dân gian thường gọi là ba thay vì hoa, có thể  do phạm húy vợ đầu tiên của vua Minh Mạng tên là Hồ Thị Hoa mất khi 17 tuổi, mẹ vua Thiệu Trị. Sau mất, vua cha là Gia Long thương tiếc xuống dụ không được gọi hoa. Ví dụ: hoa=ba=huê=bông;  Thanh Hoa=Thanh Hóa; chợ Đông Hoa=chợ Đông Ba…