Một cách giao duyên

309

Video: Đông Giang đại ngàn (Hát ba booch – Hát giao duyên Cơ Tu) 

 

Một cách giao duyên

 

          Kho tàng Ca dao dân ca đất Quảng có nhiều làn điệu phong phú, thể hiện đa dạng những trạng thái, cung bậc tình cảm khác nhau của con người, trong đó hát hò khoan đối đáp trống mái là một trong những cách thể hiện tình yêu nam nữ, hát giao duyên qua ống là một hình thức khác của hát huê tình.

          Những đêm trăng thanh nam nữ mượn hình thức diễn xướng để thố lộ tâm tình thông qua hò khoan đối đáp thể hiện nỗi lòng: xâu thuốc, tát nước, cấy đêm, cạo khoai, lột sắn, xay lúa, giả gạo …, những đêm không trăng sao, họ thắp đèn lên mà hát, hoặc giả trấu để có cớ sự mà hát với nhau. Tuy thế ở những lần hát hò khoan trống mái vẫn chưa bằng lòng trong nỗi nhớ mong, chưa trao nhau và cũng chưa thố lộ hết tâm tư tình cảm với nhau, nam nữ lại tìm đến bằng phương thức khác: giao duyên qua ống.

          Hát giao duyên qua ống tre chỉ thực hiện khi hai chủ thể nào đó mến nhau tách ra khỏi cuộc hát trống mái đông người, thực hiện hát ống chỉ có hai người với nhau thôi. Đây là một phương thức hát huê tình giao duyên thầm kín, sâu lắng nhất. Nếu ở cuộc hát hò khoan trống mái, tập thể đối đáp nhau  qua lại mang tính cộng đồng thì ở hát ống là sự tách ra để tìm đến cá thể trữ tình hơn.

          Để thể hiện được lòng mình thầm kín nhất, họ dùng một bộ  hai ống. Ống bằng tre cưa hai mắt. Dùng da ếch, da trăn hoặc bóng đái heo bịt một đầu ống, xong đêm phơi cho thật khô. Dùng chỉ se một sợi dây dài (tùy vị trí từ nam đến nữ) móc hai đầu vào hai mặt da của ống tre. Đêm xuống, trăng lên, chàng trai mang một ống đặt ở nơi thuận lợi nhất có thể kéo sợi dây vào phòng ngủ của cô gái mà không để cho một ai phát hiện. Có thể là một góc rào, một khoản đất nào đấy dưới gốc mít, gốc xoài, mù u…mà ở đấy cô gái có thể kéo ống và sợi dây vào đến phòng riêng của mình, mà không bị một chướng ngại vật nào cản trở hoặc chạm vào sợi dây, như thế tiếng hát sẽ không truyền đi được, còn một đầu ống kia chàng trai có thể giấu đâu đấy thuận lợi cho cuộc trò chuyện tâm tình. (Đây là phương thức giống như điện thoại ngày nay).

          Đến đêm, cha mẹ cô gái ngủ say, làng xóm chìm trong giấc say nồng, theo lời hẹn trước, cô gái đến vị trí đặt ống kéo về phòng riêng, gác riêng cũng có thể ở quê chỉ là một gian riêng mà không phải phòng. Tại đây cô gái hát với người thương. Giọng hát cứ vậy vô tư theo dây chuyền đến người nhận phía đầu kia nhập vào tai họ. Họ hát với nhau và lúc nầy hơn đâu hết tâm tình bộc lộ một cách thầm kín , mãnh liệt. Qua hát ống, mọi cung bậc tình cảm trong tình yêu nam nữ được thể hiện mà không một nhân vật thứ ba nào có thể biết và ngăn trở được. Những lời hát thiết tha dành riêng cho nhau như vậy dài đến tận khuya hay còn khuya hơn thế.

          Giai điệu của giao duyên qua ống thường là nhân nghĩa, huê tình, có thể chuyển hóa, pha trộn cách điệu sao cho mọi cung bậc của tình yêu thông qua lời được chuyển tải đến nhau một cách thiết tha gợi cảm, gợi mời. Từ thể loại thơ lục bát, bạn hát có thể chuyển đổi, đảo từ, thêm tiếng đệm, viền đậm nhiều lần âm láy để lời hát đi thẳng vào lòng một cách ngọt ngào, mềm mại nhất, hiệu quả giao tiếp đạt được những thông tin cần thiết.

          Ví dụ, ta hãy nghe một câu hát ống khi người con trai hát dặn lòng  với người con gái:

                   -Tối trời , tôi không sợ chi ma

                   Vườn hoang cũng lội, tre là ngà cũng chui

                   Mây mưa không hại chi nguồn

                   Sông sâu, dặm bích, thẳng dùn cũng qua.

          Giữa đêm trăng thanh yên tĩnh, bốn bề vắng lặng không  bị ràng buộc bởi thủ tục như hát trống mái huê tình ở những bữa vây quanh một ngọn đèn dầu chung với nhau trên sân một nhà ai đó, phải mở lời chào, lời mời, lời hẹn, lời tiễn…;ở giao duyên qua ống đôi nam nữ có thể bỏ qua tất cả những thủ tục ­lễ tân để  hát những điều cần hát với nhau. Họ chuyển đến nhau không bị một ràng buộc nào phá vở cả thời gian và không gian của hát.           

                    -Chim loan, chim phụng[1] lẻ đôi

                    Đập bàn tay xuống chiếu xa rồi còn chi

                    Bộ nút vàng xa áo cổ y

                    Chàng mà xa thiếp tài chi không phiền

                    Hội ni nhất chết nhì điên

                    Chàng sầu ưu tư (có) chín tháng

                    (Chớ) thiếp giải cơn phiền mười năm.

 

                   -Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

                   Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

                   Bóng trăng ngã lộn bóng tre

                   Chàng ơi, đứng lại mà nghe em thề

                   Vườn đào, vườn lựu, vườn lê

                   Con ong vô hút nhị, con bướm xê ra ngoài

 

                   -Anh buồn, em lại vui chi

                   Vui là vui gượng có khi khóc thầm.

 

                    -Chuối chát lương chua, bốn mùa em chịu khổ

                    Chàng có muốn đi tu, thiếp chỉ chỗ cho tu hành    

                    Ngó vô trong chùa thấy ông Phật đang giáng sanh

                    Bỏ cha mẹ già yếu, chàng tu sao đành chàng tu ?

 

                   -Chiều chiều ra ngõ ngó chừng

                   Ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng cao

                   Mấy lời chàng dặn nó bén như dao

                   Trong lòng tôi nó ngọt ngào lắm bạn ơi

                   Thiếp than, chàng thở chơi vơi

                    Bạn kêu đất không thấu, tôi kêu trời thấu chi.

 

                   -Tham vàng bỏ nghĩa mặc ai

                   Lòng đây sông giải, non mài vẫn nguyên.

                   –Nữ:

                   Chữ rằng thọ thọ bất thân*

                   Nam nhơn ai dám ngồi gần nữ nhi.

                   Nam:

                   Cấm ấm tửu, đổ bát, sát cẩu, đấu kê[2]

                   Cấm chi ta với bạn ngồi kề

                   Lấy khuôn đâu đúc con nít

                   Nói quê rứa hỡi nường.

                   -Cũng tại nơi ta nên tội lây cho tới bạn

                    Trách phụ mẫu nhà tệ bạc lắm thay

                    Nên chi đánh thiếp mới đâu lòng chàng

                    Một roi tím ruột bầm gan

                    Hai roi thương đến nghĩa nàng, nàng ơi

                    Ba roi chân rụng tay rời

                    Bốn roi thương thiếp, thiếp ơi

                    Năm roi đứng sá chơi vơi ngoài đàng

                    Sáu roi thấu đến thiên hoàng

                    Bảy roi nhớ đến nghĩa nàng bâng khuâng

                    Tám roi bước đến đầu sân

                    Chín roi trong dạ bâng khuâng trong lòng

                    Mười roi ngó bộ không xong

                    Muốn vô lãnh thế nhưng lòng ngại nghi

                    Thà không quen biết nhau chi

                    Nay chừ quen biết khổ làm ri hử trời([3])

                    …

          Vậy đấy, thanh niên nam nữ trên đất Quảng quê hương có nhiều cách bày tỏ tình yêu, hát giao duyên qua ống là một trong những cách kín đáo trữ tình không thua kém những buổi hát huê tình trống mái được tổ chức theo với các hình thức lao động ngày mùa.

          Nay, nếu ta biết lắng nghe quá khứ thì quá khứ vẫn còn vọng lại những hình thức sinh hoạt dân gian mà cha anh ta đã nhờ đó mà có được cuộc sống tinh thần phong phú để tồn tại, sáng tạo và phát triển./.

 

* Ảnh đại diện: Cầu tre Thu Bồn, Phan Hải Linh.

[1] Chim phượng: chỉ vợ chồng tốt đôi. Loan tức chim phượng mái. Chim phượng tức phượng hoàng. Nghệ nhân tách từ “loan phượng” làm hai mà dùng vào từ tố mới. Ở đây  chỉ sống chung với nhau. Giống chim hiếm khó thấy, thường đi với nhau thành đôi. Chỉ người anh tài tình vợ chồng hòa hợp. Loan, xưa cho là giống chim phượng, lông năm sắc mà trội về sắc xanh. Theo Quảng Nhã , chim loan thuộc phượng hoàng. Sơ học ký dẫn Mao thi thảo trùng kinh cho ràng con đực là phượng, con cái là hoàng. Lại có chữ Hán: loan tương phượng tập chỉ việc các hiền tài tụ họp, loan phiêu phượng bạc nói cảnh vợ ly tán.

                                                Kẻo tôi vò vỏ môn phòng

                                                Lẻ loi gối phượng lạnh lùng chăn loan.

[2] Cấm uống rượu, cấm đánh bạc, cấm giết chó, cấm đá gà.

* Câu trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn đình Chiểu.

[3] Những câu trên rút trong bản thảo Tổng tập văn học dân gian đất Quảng (Tập 1), Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, 2004.