Y phục Cơ Tu – nét đẹp miền Tây đất Quảng

305

Y phục Cơ Tu – nét đẹp miền Tây đất Quảng

 

             1. Dệt thổ cẩm

            Có thể gọi dệt thổ cẩm Tơ Tu là nghề ‘thủ công truyền thống’ ?. Dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống cá nhân và cộng đồng, nhất là thổ cẩm là nhu cầu hằng ngày không thể thiếu như cơm ăn nước uống.

            Người Cơ Tu là một trong những tộc người đến nay còn giữ được gần nguyên vẹn các yếu tố văn hóa đặc trưng của họ, mà nay đã trở thành truyền thống gắn chặt với đời sống tinh thần. Nghề dệt thổ cẩm ra đời từ thời điểm nào trong lịch sử phát triển loài người, đến nay các nhà nghiên cứu về dệt thủ công truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm Cơ Tu, chưa đưa ra lời xác định cụ thể.

            Thổ cẩm là loại vải tự dệt thủ công bằng khung dệt cổ truyền bằng gỗ, cho ra các sản phẩm: chăn đắp, áo, váy, khố mặc,…chất liệu dệt bằng các loại vỏ cây, sợi bông. Các họa tiết hoa văn cài đặt nổi lên trên mặt vải như thêu bằng chỉ. Từ đời này sang đời khác, khả năng làm ra sản phẩm của họ ngày một đa dạng, phong phú về chủng loại, nhiều về số lượng, chắc bền về chất lượng, đẹp về thẩm mỹ, hài hòa giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Những sản phẩm dệt thổ cẩm làm ra theo người Cơ Tu được thần linh thán phục và phù hộ.

            Tại Quảng Nam, thổ cẩm người Cơ Tu dệt theo phương pháp cổ truyền của dân tộc ít người. Trải qua nhiều đời, đến nay khung dệt của người Cơ Tu vẫn còn sử dụng khung dệt bằng tre, phối hợp với đôi chân người phụ nữ và dệt bằng hai tay, cứ thế cho ra đời những tấm thổ cẩm, phục vụ nhu cầu hằng ngày. Đây là phương thức dệt cổ xưa nhất mà người Cơ Tu sử dụng đệt ra thổ cẩm.

            Hoa văn dệt trên thổ cẩm Cơ Tu thường thể hiện nét đẹp truyền thống của người Cơ Tu. Nghề thủ công này thường được lưu truyền, giữ gìn và thực hiện do người phụ nữ trong gia đình. Xưa kia do kinh tế tự cung, tự cấp nên cô gái nào trong nhà gia đình người Cơ Tu cũng đều dệt được thổ cẩm cho các thành viên trong gia đình. Nghề được truyền lại từ người mẹ, cứ thế tiếp nối đời này sang đời khác không mất. Trên thổ cẩm thường là những đường nét hoa văn phản ảnh môi trường sinh sống, những biểu tượng gần gũi và gắn đời sống thường ngày của người dân và ý nghĩa của nó toát lên đời sống tinh thần của con người gắn với núi rừng, với môi trường tự nhiên để tồn tại.

            Người Cơ Tu tại các huyện miền tây Quảng Nam dệt thổ cẩm bằng chất liệu bông vải khai thác trên rừng. Bông được kéo thành sợi nhuộm màu tự nhiên bằng chất liệu thu hái trên rừng, chế biến, pha trộn tạo nên màu sắc, các đường chỉ tạo hoa văn cũng từ sợi bông được nhuộm nhiều loại màu khác nhau nhưng chủ yếu là màu đen, màu đỏ và màu trắng, màu vàng có tỉ lệ ít hơn.

            Bố trí hoa văn trên thổ cẩm Cơ Tu thường được nhận ra rõ nét trên hàng ngang, hoa văn hướng từ dưới lên. Cây cỏ, hoa như hoa ablơm, lá atút (biểu tượng hình chong chóng), hình ảnh mặt trời (những tia rẽ), biểu tượng cây chông, hàng rào quanh làng,… quen thuộc được cách điệu thành những biểu tượng biểu đạt sự gắn bó với thiên nhiên, con người. Biểu tượng chim, thú cũng được các nghệ nhân dân gian đưa lên thổ cẩm. Hình người phụ nữ múa da dắ, hay thanh niên múa tâng tung cũng được cách điệu bằng những ô hình học trên nền màu chủ đạo của thổ cẩm. Những ô hình tam giác, hình thoi hay hình vuông liên kết nhau, biểu tượng của hàng rào làng chạy ngang trên nền thổ cẩm, tạo cảm giác ẩn dụ huyền bí về quan niệm nhân sinh của người Cơ Tu.

            Những tấm dồ, tấn tút thường được phụ nữ Cơ Tu dệt là váy dài a tuông, ân tuốc, váy ngắn ân ly, áo (a dót), khố (ân thal) và các loại tấm đắp, che chắn, trải bàn, …hoa văn bố trí trên khung hình, thể hiện bằng những ô hình gấp khúc, hình vuông, tam giác, hình thoi phân phối cân đối trên nền màu đen chủ đạo, tạo cảm giác đẹp mắt, nhưng đầy huyền bí, đa nghĩa từ những ô hình.

            Chất liệu dệt lấy từ núi rừng phục vụ nghề thủ công truyền thống của họ. Xưa kia người Cơ Tu tướt vỏ cây, lấy sợi bện thành những chiếc áo, cái khố mặc hằng ngày. Dần từng bước phát triển, họ biết chế tác dụng cụ dệt, lấy bông, lanh làm sợi, se lại, nhuộm màu rồi dệt thành từng tấm vải theo khổ dài, ngắn mặc lên người. Bông vải, lanh, các loại cây có sợi như bhơnương sinh trưởng hoang và phân bố tản mát trên rừng, mọc tự nhiên, để tạo nên nguồn nguyên liệu đủ dệt trong mùa nông nhàn, người Cơ Tu di thực tập trung về khu rừng thuận lợi để trồng và chăm sóc khai thác nguồn sợi.

            Trong năm, vào tháng 8 đến tháng 9, người Cơ Tu thu hoạch bông vải, bóc vỏ phơi khô, xe thành sợi, nhuộm màu, nhuộm xong phơi cho sợi thật sự khô ráo rồi mới đưa vào dệt. Màu nhuộm vải thổ cẩm Cơ Tu dùng chất liệu từ cây, rễ rừng, pha trộn mà thành các màu chủ đạo: màu đen (tăm), trắng (bhooc), đỏ (bhrôông), vàng (rơoớc), màu tím, xanh (taviêng),… nhuộm vải, tạo nên màu sắc ưa thích. Trên nền thổ cẩm màu đen, xanh, hoặc tím, các nghệ nhân Cơ Tu tạo hoa văn lấy cảm xúc từ tự nhiên, con người, cách điệu thành các biểu tượng quen thuộc, nhưng bí ẩn, có đường nét riêng thể hiện văn hóa tộc người không giống với các tộc người bản địa khác tại núi rừng Trường Sơn và Tây Nguyên. Trên nền thổ cẩm đôi khi họ cài những hạt arac bọ, arac bhơi hoặc hạt cây apờ roong gọi là hạt cườm. Cườm được trang trí trên ống tay áo, phần cuối của váy phụ nữ, … làm tăng thêm vẻ đẹp cho y phục. Cài đặt những hạt cườm bằng chì hay bằng hạt cây rừng vào vải là khâu khó nhất trong các khâu dệt thổ cẩm. Bởi không chỉ cài theo hàng ngang, những hạt cườm thẳng là được mà còn theo một biểu tượng cho trước, mô phỏng theo hình hoa a lôm hay lá cây a tút, thì phải công phu và khéo léo của nghệ nhân dệt mới cân đối, thể hiện vẻ đẹp hài hòa trên nền thổ cẩm. Họ cũng sử dụng hạt cườm, hạt chì kết nên biểu tượng người phụ nữ múa da dắ, người nam Cơ Tu múa tâng tung. Để thực hiện những biểu tượng văn hóa đó, nghệ nhân cần có bề dày văn hóa tộc người được trải nghiệm qua nhiều năm làm nghề dệt thổ cẩm mới có thể dệt nên những tấm thổ cẩm giá trị, không chỉ giá trị vật chất sử dụng mà còn biểu hiện giá trị tinh thần ẩn sau những đường nét hoa văn tinh tế.

                

   Dệt thổ cẩm (Ảnh: S.t)

                                              Phơi bông (Ảnh: St)

            Trên nền thổ cẩm Cơ Tu, chất liệu và màu sắc, hoa văn được thể hiện trên sản phẩm dệt, thường là:

            *Bằng sứ dưới dạng hạt cườm nhỏ, dẹp có màu tùy thích (thường chọn màu trắng làm nổi bậc trên nền vải).

            *Bằng kim loại chì tự chế (hoặc mua về) thành hạt cườm từ những viên chì. Thường cài đặt trên tấm dồ, tấm tút. Thổ cẩm loại này có giá trị cao. Một tấm dồ khổ rộng 60 cm, dài 3 sải tay, giá đến một con bò.

              *Bằng chính sợi bông nhuộm màu theo ý thích, có thể màu xanh chiết từ cây ta rom tự trồng và khai thác sử dụng.

                 *Căn cứ vào trình độ dệt của người thợ, cách cài hoa văn, hạt chì và nhất là ý nghĩa của hoa văn trên thổ cẩm, chất lượng của màu nhuộm mà người Cơ Tu đặt tên cho tấm dồ là gì. Đồng thời xem hoa văn, họa tiết, màu sắc, sợi bông, họ có thể đoán định được thổ cẩm thuộc vùng nào, với chất lượng tốt, xấu, chắc bền, giá cao hay thấp, trong đó

 

    Tấm thổ cẩm (Ảnh: VVH, 4/2018)        Các loại hoa văn trên váy nữ (Ảnh: VVH)                    

có cả tấm dồ của một số dân tộc anh em khác, như tấm của dân tộc Tà Ôi bên Thừa Thiên – Huế mang sang, của tộc người Ca Dong huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, của tộc người Đh’riu bên nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, và một số tộc người anh em cùng cư trú trên dãy Trường Sơn.       

            Dựa vào khổ dài ngắn, đơn kép,… và cách sử dụng từng loại thổ cẩm mà người Cơ Tu có tên gọi riêng cho từng loại thổ cẩm (gọi chung là ơn đoh), như các loại váy phụ nữ thường mặc:

            Váy:

            *Chơr bhon (ơ li), có độ dài khoảng 1,5 mét, đủ một váy phụ nữ mặc.

            Chơr bhon cũng có nhiều tên gọi, như:

Chơr bhon la (không có hoa văn bằng hạt cườm)

Chơr bhon a rac (có hoa văn bằng các loại cườm);

Chơr bhon rơ riu (có hoa văn bằng các hột lục lạc)

Chơr bhon a lung (có hoa văn hạt cườm bằng kim loại chì)

Chơr bhon pa hiêng (hoa văn rộng bằng sợi bông màu đỏ)

Chơr bhon cha gong (có hoa văn nhưng ít, màu trắng và màu đỏ)

– Chơr bhon a têêng bhơ lụ (hoa văn viền đỏ)

Chơr bhon gap (đường hoa văn to, rộng, màu đỏ và vàng)

            Và một số loại chơr bhon khác, như chơr bhon ca riêng, chơr bhon xong xây, chơr bhon ca tang, chơr bhon tơ long, chơr bhon a jum, chơr bhon coong zôông, v.v… Đây là các loại váy phụ nữ thường mặc hằng ngày, dài khoảng 1,5 mét, khổ rộng 60 cm, mặc từ eo đến bắp chân.

        – Chơr đhu là hai tấm chơr bhon được ghép đôi theo chiều đứng, phụ nữ mặc từ phần trên của ngực đến gót chân. Mỗi khi múa dă dắ trong các lễ hội. (Loại này còn có tên khác là chơr bhon).

         *A doh (áo mặc phụ nữ), áo có ba lỗ chui hai tay và đầu. A doh có hai loại không tay và dài tay.

                         Hoa văn bằng hạt chỉ (Ảnh: Nguyễn Văn Sơn)

            Loại dài tay gọi là a doh cơr bhuôr (cơr bhuôr). A doh cũng có nhiều tên gọi như váy và các loại thổ cẩm khác, như: a doh chơr đhít, a doh chơr vươl, a doh la, a doh rac, a doh a lung, a doh pơ noh a rac, a doh pơ noh a lung và một số loại a doh khác.

            Trong tất cả các loại a doh, có a doh pơ noh araca doh pơ noh a lung là hai loại a doh mà người Cơ Tu ưa chuộng nhất, bởi có giá thành cao và nổi tiếng hơn cả, quá trình dệt thành phẩm công phu nhất (nhất là a doh pơ noh a lung).

            A doh pơ noh a rac cũng như a doh pơ noh a lung được cài rất nhiều hoa văn bằng hạt cườm, hoặc hạt cườm bằng kim loại chì. Hai bên mép chui tay, cũng như dọc hai bên hông từ trên xuống dưới, có buộc rất nhiều các tua sợi màu đỏ, vàng, xanh, trắng. Trên các tua sợi đó, thợ dệt xỏ đầy hạt cườm trắng hoặc chì, có xen kẽ cả các hột lục lạc (rơ riu).

                Khố (gơhul):            

            Khố dùng cho nam giới, cũng như ơ đoh (các loại váy phụ nữ mặc). Khố dùng cho nam giới cũng nhiều loại, nhiều tên gọi khác nhau, như: khố thường (không cài hoa văn bằng cườm, bằng chì, bằng lục lạc, thậm chí đó có thể là tấm vải bông, đổi từ dưới xuôi lên hoặc được chế tác từ vỏ cây sui).

            Khố gơhul (gơhul là danh từ chung chỉ tất cả các loại khố có cài hoa văn bằng các sợi màu hoặc bằng cườm trắng, cườm chì, hay hột lục lạc). Trong khố (gơ hul) nói chung, có các loại khố:

            – Gơ hul a có goy (đầu giun), là loại khố có một ít hoa văn bằng sợi màu ở bên triên cứng của khố.

            – Gơ hul chi rach, là loại khố có cài hoa văn bằng cườm ở hai phần cuối của khố, nhưng rất ít.

          – Gơ hul reng, là loại khố có khổ rộng 35 cm, dài từ 4m đến 4,5 mét, ngoài hoa văn bằng sợi, hai đầu khố có rất nhiều đường nét hoa văn được cài bằng cườm trắng hoặc vàng (cả trên các tua vải chung quanh mép ở hai bên đầu của khố).

          – Gơ hul vang, là loại khố giống như khố gơ hul reng, chỉ khác ở chỗ: trên tất cả các tua vải dọc mép chung quanh phần cuối hai đầu của khố đều được xỏ đầy bằng các hột lục lạc (rơ riu), nhìn vừa đẹp lại vừa có tiếng kêu rất hay mỗi khi múa tâng tung trong các lễ hội. Đây là loại khố nam giới Cơ Tu cho là đẹp nhất, có tiếng và đắc giá nhất (bằng một con bò)

                             

Khố nam Cơ Tu (Ảnh: VVH, 4/2018)

            Bhơr nặ (cái để địu con)

         Một tấm vải địu con rộng khoảng 60 cm, dài khoảng 2 mét, thường không có hoa văn bằng cườm, bằng chì.

Tấm bhơr nặ (Ảnh: VVH, 10/2020)

            Chơ đhung (túi đeo loại lớn) và cao giao (túi đeo loại nhỏ)

            Đây là hai loại túi đeo của đàn ông lúc đi dự các lễ hội. Thường sử dụng đựng đồ trang phục, trang điểm, hộp thuốc lá, ống điếu và một số thứ khác. Túi được dệt trực tiếp từ sợi thổ cẩm và hoa văn được thiết kế bằng chính sợi màu của thổ cẩm.

            Pơr têêng, loại kích cỡ hình chữ nhật, rộng 60 cm, dài 3 m trở lên (cắt đủ hai váy phụ nữ mặc). Loại này cũng được gọi tên như các loại trên: pơr têêng la, pơr têêng a reu, pơr têêng a lung, v.v…

            A duông, cũng tấm đơn như tấm pơr têêng, hình chữ nhật, rộng 6 m, dài hơn 6 m trở lên (cắt rời đủ bốn váy phụ nữ mặc). Loại này cũng có các tên, như: chơr bhon, pơr têêng như loại trên. Tấm vải dùng cho đàn ông hay vắt chéo từ hông bên này chéo lên vai bên kia, hoặc vắt chéo hai bên lưng và ngực tạo thành hình chữ X. Đàn ông mặc trong lễ hội, lễ cưới, các lễ khác và trong múa tâng tung.

            Ơ bhoong (hai tấm a duông ghép lại với nhau thành một tấm kép, gọi là a ơ bhoong). Loại này cũng được gọi tên như trên: ơ bhoong la, ơ bhoong a rác, ơ bhoong a lung, ơ bhoong gun, ơ bhoong cơ lị và một số loại ơ bhoong khác,… Trong các loại ơ bhoong đó, ơ bhoong cơ lị là loại người Cơ Tu ưa chuộng hơn, đắt giá nhất (một con trâu). Loại này dệt lâu hơn, tốn nhiều công hơn, nhiều các loại hoa văn dày đặc bằng cườm chì và hột lục lạc.

            Các loại ơ bhoong thường dệt hoặc mua để giữ làm của, dùng đổi trâu, bò, hoặc dùng làm của hồi môn cho con cháu về nhà chồng.

            Nghề dệt thổ Cẩm đến nay trở thành nghề thủ công mang đặc trưng truyền thống, bởi được truyền từ đời nọ sang đời kia mà không làm mất đi đặc tính riêng có của thổ cẩm Cơ Tu. Bởi là đặc trưng của người Cơ Tu, do dệt có sự kết hợp đôi chân, đôi tay, gắn liền với khung dệt bằng tre. Theo đó, có thể thấy người Cơ Tu gắn chặt với công cụ lao động, với môi trường như thế nào trong quá trình vươn lên tồn tại. Dệt được cho là phát triển có yếu tố riêng của văn hóa thổ cẩm Cơ Tu.                                      

            Đối với nghề dệt của bộ phận người Cơ Tu tại hai xã Hòa Bắc, Hòa Phú, huyện Hòa Vang, nghề dệt xem là đã thất truyền. Việc luân chuyển nơi ở ảnh hưởng rất lớn đến giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống và không chỉ là nghề mà cả các phong tục, tập quán, tín ngưỡng người Cơ Tu ở đây đã dần biến đổi trong bối cảnh đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.

          Dệt thổ cẩm bằng phương thức thủ công truyền thống xưa nay, người phụ nữ Cơ Tu luôn có nghị lực kiên trì với công việc, chịu khó trong tất cả các công đoạn từ hái trái bông đến phơi phóng, xe sợi, nhuộm, dệt đều cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Và hơn hết phải yêu nghề, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng trên cơ sở văn hóa đời sống thường ngày thì mới có thể ngồi với khung dệt nhiều giờ đồng hồ mà không biết mệt mỏi trong lao động. Đức tính đó đã tạo cho người phụ nữ Cơ Tu sản xuất nên những tấm thổ cẩm phục vụ theo yêu cầu cuộc sống, mới có thể khéo léo dệt nên những tấm dồ, tấm tút, cái áo, cái váy, tấm choàng; mới sáng tạo ra những túi xách, ví cầm tay, mũ đội đầu, trông hiện đại; đến khăn trải bàn, tấm che, tấm đắp,…lung linh màu sắc đặc trưng xứ sở núi rừng, mang tính riêng có của tộc người.

            Dệt thổ cẩm Cơ Tu đã được giữ gìn, phát huy và phát triển trên cơ sở duy trì tính thẩm mỹ và khả năng sáng tạo và biểu hiện văn hóa tộc người trong mỗi sản phẩm làm ra, góp phần tạo dựng hình ảnh đa sắc màu của 54 dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

             2. Nhuộm màu thổ cẩm

              Các dân tộc sinh sống ở miền núi nước ta nói chung và người Cơ Tu nói riêng, việc nhuộm màu các loại sợi trước khi dệt nên tấm thổ cẩm là khâu quan trọng tạo nên sắc thái truyền thống. Để có được màu sắc đẹp, truyền thống qua nhiều thế hệ, người Cơ Tu dùng những bộ phận của cây rừng làm thuốc nhuộm. Cây thuốc nhuộm được người Cơ Tu phát hiện tại môi trường rừng núi, nơi họ thường xuyên lên xuống làm nương rẫy. Người Cơ Tu kể rằng: “Trong khi phát nương làm rẫy, đi rừng thì các loại mủ cây rừng dính vào vải, váy, tay, rồi khô, để lại màu sắc trên chân, tay, chiếc áo, cái váy,… hay đào được các củ, rễ cây rừng, hái được quả có màu sắc,…từ đó người Cơ Tu mới có ý tưởng tạo ra thuốc nhuộm để nhuộm vải”[1]. Trong tâm thức của người Cơ Tu thì đây là phát hiện rất quan trọng, nó có ý nghĩa như là sự chỉ bảo, ra ân, ban phúc của thần linh cho cộng đồng Cơ Tu, tạo sự khác biệt giữa con người với động vật, thể hiện trình độ phát triển của tộc người cũng như sự thích nghi của cư dân sống dựa vào rừng núi. Có thể nói đây là một trong những phát hiện quan trọng của nền kinh tế khai thác hái lượm do bàn tay người phụ nữ đảm trách. Do vậy mà việc chế biến thuốc nhuộm và kỹ thuật nhuộm vải là bí quyết riêng của người phụ nữ mà thôi. Cũng chỉ có người phụ nữ mới có đủ sự kiên trì, khéo léo để tạo ra các sắc màu hoa văn độc đáo cho trang phục truyền thống của dân tộc mình.

            Người Cơ Tu có nhiều kinh nghiệm trong chế biến và nhuộm màu cho sợi bông. Các màu cơ bản xuất hiện trên trang phục Cơ Tu là màu đen (tăm), màu trắng (bhooc), màu đỏ (bhrôông/ prôm) hoặc lấy từ củ a hứ, màu xanh (ta viêng), màu vàng (rơớc/ rơk) hoặc cây vàng đắng, dùng gọt vỏ, xắt nhỏ mịn, đun sôi cho ra màu vàng, sau đó để nhuộm màu, nhúng sợi vải vào cho màu thấm đều rồi phơi thật khô. Để nhuộm màu lên thổ cẩm, người Cơ Tu xưa kia dùng cây, rễ, lá trên rừng đặc trưng cho ra màu sắc theo ý muốn. Họ phối hợp cây, rễ, chế biến nên các màu ưa thích, trong đó chủ lực là các màu đen, đỏ, trắng, phối hợp với màu vàng để dệt nên những tấm thổ cẩm có màu sắc đẹp. Từ đó, họ kết thành những chiếc áo adooh (áo ngắn tay), chiếc ân đooh (váy ngắn), chiếc chrờ dhu (váy dài), cái xà lùng, miếng che ngực (xơ nap), đến cái g’hul (khố) cho đàn ông, hoặc tấm địu con (aduông) và tấm đắp,… thể hiện nét đặc trưng riêng có của tộc người Cơ Tu. [2]

         

Tạo hoa văn cho thổ cẩm (Ảnh: Internet)

            Để làm được việc phối màu, người Cơ Tu thể hiện:

            Màu đen (tăm)

Lấy cây tà râm, chặt nhỏ, giã mịn, ngâm trong nước lã chừng tuần lễ, lấy nước trộn với bột con bơ châu sau khi thui giã mịn (vỏ ốc xoăn ở suối, khe), rang bắp già cháy đen thành than, giã thành bột, bột củ nâu, hạt bông vải phơi khô rang cháy. Tất cả giã nhuyễn, trộn đều, có màu đen óng ánh. Lấy sợi bông ngâm vào hỗn hợp màu đen này trong ché, lu hay hũ chừng 10 ngày. Hỗn hợp ngâm chuyển sang màu ngà chút ít và sủi bọt. Đoạn, vớt sợi ra khỏi ché, sợi bấy giờ đã có màu đen. Người thợ nhuộm vắt sợi thật khô và phơi ra nắng.

            Màu đen là tổng hợp của các màu như sự nguyên hợp trong màu sắc. Màu đen làm ta liên tưởng đến màu trắng như một cặp nhị nguyên ở hai đầu của game màu. Lại nữa, màu đen làm ta liên tưởng đến màu đỏ. Trong quan niệm biểu đạt của màu sắc thường nảy sinh thành ngữ: số phận đen đúa hoặc số phận đỏ rực. Hoặc nói số đen phận đỏ. Nghĩa là ở đó chấp nhận đen – trắng và đen – đỏ thường đi liền nhau và thông đạt ý nghĩa về màu. Đen – trắng hay đen – đỏ có sự đối lập nhau trên trục Nam – Bắc hay có sự thay thế nhau, đã trắng thì không có đen hoặc đã đen không có đỏ. Đó là sự thay thế. Màu trắng trung tính mang ý nghĩa của sự trắng trong, minh bạch hay không màu gì cả thì màu đen ngược lại là màu của âm ty [3]. Theo Ngũ hành màu đen là màu của phương Bắc. “Trục Nam – Bắc là trục của cõi siêu nghiệm tuyệt đối và của các cực vũ trụ” [4] Màu đen biểu đạt sự bất di bất dịch của môi trường người Cơ Tu sinh sống, nó là sự tổng hợp tất cả các màu và mang tính nữ, như một sự tĩnh lặng vĩnh viễn nếu phía bên kia không có màu trắng của ngày. Do đó, theo cách nhìn của người Cơ Tu về màu sắc trên trang phục nam và nữ luôn phối trí các màu đan xen nhau tạo nên sự tổng hòa các màu sắc để thông đạt với thế giới chung quanh, rằng đấy là sự liên quan nhau giữa con người với môi trường tồn tại. Trên một tấm thổ cẩm như tấm dồ hay tấm tút, các màu luôn đan xen nhau trông hài hòa và đẹp mắt là biểu hiện làm cho sự tỉnh lặng của màu đen phát ra sự lung linh của màu trắng, đan xen với màu vàng và màu đỏ. Sự tương phản đen – trắng theo đó được giảm đi rõ rệt. Vì thế từ màu đen trên nền thổ cẩm Cơ Tu cho ta hình dung rằng màu đen biểu đạt sự chối từ mọi hư danh nơi trần gian này, và họ – người Cơ Tu –  muốn được chan hòa cùng trời đất núi rừng để sinh sống và tồn tại. Màu đen là màu của bản thể vũ trụ (nếu không có năng lượng mặt trời) của hiện tượng chưa phân hóa nguyên sơ, là thời của hỗn mang của nguyên lai, là biểu hiện giá trị cao của những gì không biểu hiện ra bên ngoài để có thể suy luận hay phán đoán mà nó mang tính trinh bạch, nguyên sơ. Bởi màu đen có thể làm cho các màu đỏ, hay các màu khác (trừ màu trắng) hòa lẫn vào bản thể của màu đen. Điều đó cho hay rằng màu đen là màu của nguyên sơ, của cái ban đầu chưa chia tách. Trên một dãi đen của thổ cẩm xuất hiện màu đỏ của lửa và máu, đấy là biểu tượng của sự sống. Chính đó, ta có thể nhìn ra trên bề mặt tấm dồ hay tấm tút, người Cơ Tu luôn đan xen màu đỏ, màu trắng và màu vàng của năng lượng mặt trời. Sự sống từ đó bừng lên ngoạn mục. Trên tấm thổ cẩm Cơ Tu, màu đen làm cho ta liên tưởng đến màu của đất đai phì nhiêu, nơi ươm hạt giống để mong chờ sự nảy sinh.

            Màu đỏ (bhrôông/prôm)

            Tự bản thân màu đỏ trên thổ cẩm Cơ Tu như là biểu tượng bản nguyên của sự sống, biểu trưng cho quyền năng. Màu đỏ cũng là màu của lửa, và đồng thời cũng là màu của máu. Trên tấm thổ cẩm Cơ Tu, màu đen biểu hiện màu của bản thể vũ trụ, biểu hiện sự nguyên lai, nhưng đồng thời màu đen cũng là màu của đất đai, nơi ươm hạt giống xuống đất, cây cối đâm chổi nảy lộc, thì màu đỏ đan xem với màu đen đấy là màu của ngày, màu của sự rực rỡ. Chỉ vài ba đường diềm đỏ trên y phục Cơ Tu cho thấy nó làm tăng sức mạnh, biểu hiện tính dương, kích hoạt mọi sự hoạt động, bao hàm sức mạnh nội sinh và ngoại sinh. Màu đỏ chỉ ít thôi nhưng lại như mặt trời tỏa năng lượng xuống mọi nơi trên trái đất. Và năng lượng mặt trời là sức mạnh bao la mang yếu tố dương cho sự vươn lên đầy tiềm năng và khát vọng. Nếu như màu đen là sự huyền bí của sự sống, thì màu đỏ là màu thiêng liêng và mang đầy bí ẩn, nó là sự huyền bí đan xen với sự tương phản của màu đen – màu của đất – sự sống đang được ẩn giấu nơi sâu thẳm của nguyên lai sự khởi đầu.

            Vì thế mà người Cơ Tu phối hợp màu đen – trắng biểu hiện sự vươn lên với khát khao của sự sống và tồn tại. Màu đỏ còn là biểu trưng cho linh hồn (trong những lần tế thần) của năng lực tình dục và đó cũng là màu của trí tuệ, của sự khám phá thiên nhiên đầy bí ẩn và huyền thoại. Sự hăng say với tinh thần đầy nhiệt huyết được cài đặt trên nền màu đen thổ cẩm, người Cơ Tu muốn tìm đến thông qua biểu tượng màu đỏ như là tín hiệu thông đạt cho sức mạnh của tuổi trẻ, của cộng đồng đầy tinh thần vươn lên vì sự bền lâu của tộc họ và cộng đồng trên miền núi rừng Trường Sơn đầy khắt nghiệt. Trong từ vựng tiếng Việt màu đỏ có tính từ biểu đạt “lửa đỏ rực một góc trời” để thấy tính rực rỡ, huyễn ảo như lửa, như mặt trời. Và đấy cũng chính là niềm tin của người Cơ Tu tồn tại trên miền rừng núi như các tộc người anh em sinh sống trên dãy Trường Sơn – Tây Nguyên.

            Màu hồng

Chế biến từ củ nâu (a ló), xắt mỏng nấu trong nước sôi, nhúng vải vào sẽ cho màu hồng. Cách làm củ nâu đem xát nhỏ, mỏng đem đun sôi, sau đó nhúng sợi vải vào thấm đều một lần là có màu hồng.

            Màu trắng (bhooc)

            Là sự trung tính mang vẻ trinh bạch, được bố trí trên y phục, ta gặp nhiều hơn là trên y phục của người phụ nữ Cơ Tu. Màu trắng luôn trái ngược với màu đen. Trắng là sự nguyên mẫu, không có sự pha trộn nào khác ngoài sắc thái trắng cũng được nghĩ là không màu gì cả. Trên y phục phụ nữ Cơ Tu màu trắng được cài đặt xen kẽ đôi khi tại đó là điểm khởi đầu, điểm xuất phát, nhưng đôi khi cũng được hiểu là biểu tượng của điểm kết thúc một quy trình. Như một đời người vậy, màu trắng là màu kết thúc cho một sinh linh. Đó là điểm chung cuộc. Chung cuộc cho cuộc sống ban ngày và của cá thể, của thế giới đang bày ra trước mắt. Do đó màu trắng có giá trị vĩnh hằng của lý tưởng. Bởi màu trắng được cho là màu của trinh nguyên của mọi sự trong trắng và minh bạch. Không có gì không bộc lộ ra khi đặt khác màu cạnh bên màu trắng. Màu trắng theo quan niệm Đông Phương là màu của sự quay về, màu của không màu, tất cả từ vũ trụ đến núi rừng, khe, suối, cây cỏ,… đều biểu hiện màu sắc của vật chất, chúng là thuộc tính của thế giới tự nhiên đa dạng và nguyên lai. Trong y phục Cơ Tu, màu trắng làm đường diềm, đường chạy nhỏ, hay đường như của hình học, ít thôi nhưng lại động đến tâm hồn chúng ta, đấy là màu của sự im lặng tuyệt đối, có màu nhưng lại không màu. Sự không màu ấy là sự sống động chứa đầy hoài bảo, sự minh bạch đi trước mọi biểu hiện về cuộc đời. Thật đẹp và dịu dàng trước lúc bình minh, không màu là sự chuyển tiếp từ bóng tối sang ánh sáng (của ngày). Không màu hay màu trắng là sự khởi nguyên cho vạn vật hữu linh đan xen trong thế giới  đen – trắng – đỏ. Đen – trắng – đỏ là các game chủ lực trên thổ cẩm mà người Cơ Tu đã lựa chọn.

            Màu xanh (ta viêng)

            Lấy cây tà râm về giã nhỏ, phối hợp với cây a nách.

            Màu vàng (rơớc/rơk)

            Dùng cây a ngoăn mrơt. Lột vỏ, xắt nhỏ nấu trong nước sôi, nước cô lại cho màu vàng.

            Màu tím:

            Lấy rễ cây hoa sim giả nịm, nấu trong nước sôi, cô đặc lại cho ra màu tím. Hoặc tạo ra màu tím dùng hỗn hợp trộn đều vừa màu đỏ và màu đen Hoặc cũng có thể pha hỗn hợp màu đen kết hợp màu đỏ cho ra được màu tím.

            Màu được nấu sôi lên và đưa sợi thổ cẩm, vải, lanh vào nhúng nhuộm. Nhúng một đến vài lần tùy theo chất lượng sợi và chất lượng màu. Có màu để nhuộm cho sợi ăn màu thật kỹ như gam màu đen chủ lực, nhất thiết phải ngâm lâu, để màu được ngấm sâu vào từng sợi nhỏ của bông, đến lúc giặt giũ màu ít phai nhạt.

                             Phơi sợi sau nhuộm (Ảnh: Nguyễn Văn Sơn)

            Màu đen pha màu xanh (xanh đen) là biểu hiện của đất, của cây cỏ lá hoa có ở núi rừng, đem lại nguồn thu nhập cho người Cơ Tu thông qua con đường săn bắn và hái lượm. Họ khai thác nguồn lợi có sẵn trong thiên nhiên. Màu đen pha xanh là game màu chủ đạo, trên thổ cẩm còn có màu đỏ, trắng, màu vàng, màu hồng, tím là nhưng gam màu thể hiện cho ánh sáng (vàng), cho năng lượng mặt trời (đỏ, hồng tím), đấy là năng lượng truyền cho sự sống được thể hiện thành biểu tượng thông qua màu sắc. Màu đen, màu đỏ là cặp phạm trù chủ đạo theo cách bố trí nhị nguyên trên trang phục – màu đỏ là màu của mặt trời còn màu đen-xanh là màu của đất – Màu đỏ được chế xuất từ cây a hứ, giã nát nấu lấy nước sẽ cho ra màu đỏ để làm thuốc nhuộm. [5]             

          Nhuộm màu lên thổ cẩm Cơ Tu mang lại giá trị thẩm mỹ cho những tấm dồ, tấm tút. Sự pha màu, dệt đan xen những đường nét hoa văn trên vải, trên trang phục nam, nữ Cơ Tu là sự từng trải qua nhiều giai đoạn chọn lựa, thể hiện, để ổn định như hiện nay là một quá trình lịch sử lâu dài. Ở đấy, ngưng kết sự sáng tạo ra cái mới phục vụ nhu cầu cuộc sống mà tổ tiên họ khai sanh và truyền lại. Đến nay, thổ cẩm Cơ Tu có dáng vẻ riêng, màu sắc riêng, thể hiện là đặc trưng tộc người không dễ hòa tan.

             Chế biến màu sắc từ cây, rễ từ khai thác các loại thực vật có khả năng cho ra màu sắc là bí quyết của người Cơ Tu, biểu đạt đặc trưng văn hóa riêng có, không giống các tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên, đã trở thành nghề nhuộm màu truyền thống của tộc người./.

 

CHÚ THÍCH

* Ảnh đại diện: VVH.

[1] Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng (2007), Chuyện kể dân gian đất Quảng, NXB Đà Nẵng.

[2] Xem : Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng (2010), Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng, NXB Đà Nẵng.

[3] Người Việt quan niệm màu đen và màu trắng trong tang ma, nhưng chủ yếu là màu trắng, màu trắng là trung tính mang số chẵn (2,4,6) nên những gì liên quan đến tang ma đều phải là màu trắng và nếu về số thì luôn là số chẵn. Màu đen được dùng trong việc tang từ thời Lê Thánh Tông khi vua Lê Thánh Tông băng hà (1497), màu đen được sử dụng trong việc tang. Trong 100 ngày, các quan mặc đồ xô trắng, sau 100 ngày mặc đồ xô đen (áo đen, mũ đen, dây thao đen) khi vào chầu hay làm việc.

[4] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1992). Dictionnaire des symboles. Édition revue et augmentée. Robert Laffont, Paris.

[5] Người Cơ Tu thường ít chế biến màu đỏ lấy từ nguyên liệu thiên nhiên như các màu khác, mà họ thường trao đổi với người Lào để lấy thuốc đỏ nhuộm vải, và họ gọi là mực poong.

   Xem: Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng (2012), Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng, mục Nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, NXB Thông tin Truyền thông, tr. 251 – 272.