HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Nhiều tác giả
VĂN HÓA
DÂN GIAN ĐÀ NẴNG
NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG
2017
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
DIỄN ĐÀN
ĐỖ THỊ DIỆU HÀ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người Cơ tu huyện Hòa Vang,
Đà Nẵng
HOÀNG HÀ GIANG Biến đổi lễ cũng xóm ở Đại Lộc trong bối cảnh đô thị hóa
ĐỖ THANH TÂN Tuyền thống và biến đổi văn hóa dân gian tộc người Cơ tu huyện Hòa
Vang
ĐỖ THÀNH TÂN Luật tục Cơ tu và sự biến đổi của nó
VÕ VĂN HÒE Một số sinh hoạt thời xưa xủa người miền biển Đà Nẵng
VÕ VĂN HÒE Giao thoa cày bừa trong nông nghiệp
TRƯƠNG VĂN MÓN Tiếp cận phương pháp và lý thuyết trong nghiên cứu lễ hội
ĐINH THỊ HỰU Một số đặc điểm nội dung và thi pháp của truyện Thủ Thiệm…
PHAN THỊ MIỀU Ngư dân Đà Nẵng và biển cả…
VŨ HÙNG Trầm tích Cu Đê…
PHAN THẾ TẬP Chuyện bà Tú Kinh…
NGUYỄN THÀNH KHÁNH Mối quan hệ nhìn từ mặt đồ hình giữa bài chòi Việt Nam và bài giấy dân gian Trung Hoa …
HƯƠNG THU Chuyện trái nam trân…
ĐINH THỊ TRANG Tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế kỷ XVIII qua nhật ký của John Barrow…
ĐINH THỊ TRANG Tín ngưỡng thờ thần đất…
NGUYỄN THUẬN Một số phong tục, tập quán miền biển Đà Nẵng
VÕ VĂN HOÀNG Từ tín ngưỡng Bắc Đế Trấn Vũ, nghĩ về sự tiếp giao văn hóa Việt – Hoa – Nhật ở chùa Cầu, Quảng Nam…
VÕ VĂN HOÀNG Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Bến Tre…
VĂN THU BÍCH Đôi nét về cấu trúc, khúc thức và điệu thức của hò khoan vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng…
ĐỖ THỊ CẨM NHUNG Vấn đề văn hóa trong văn học Trung đại Việt Nam…
THANH XUYÊN Lý thuyết và tình hình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ nữ thần tại Nam Trung bộ trong tương quan của tính truyền thống và hiện đại…
CẨM lỆ Giao thoa ẩm thực Việt – Chăm ?
VÕ VĂN HÒE Giá trị văn hóa của nhân dân Hòa Vang trong hai cuộc kháng chiến…
VĂN HÓA – VĂN NGHỆ
VÕ KHOA CHÂU Sông Tiên miên man dòng chảy
PHẠM PHƯỚC TỊNH Nghề y truyền thống Hội An…
THÔNG TIN – TƯ LIỆU
NGUYỄN THỊ PHÁP Cầm chầu
NGUYỄN THỊ PHÁP Cá chuồn mít non
TRẦN CHIẾN Hoa lê hoa mận hoa đào
TRƯƠNG ĐÌNH QUANG Gặp gỡ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hải Liên…
CẨM LỆ Vừa đi vừa chép…
LỜI NÓI ĐẦU
Những ghi chép, biên khảo văn hóa văn nghệ dân gian của hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng lần này xin được gửi đến bạn đọc trong Văn hóa dân gian Đà Nẵng là thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, khoa học của Hội trên lĩnh vực văn hóa cổ truyền và đương đại trong không gian văn hóa Quảng.
Điều đó cho biết nguồn sữa văn hóa dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng đã thấm sâu vào từng số phận con người xứ Quảng. Ở đó, họ đã giữ gìn, phát huy và phát triển qua nhiều thế hệ, đến nay nhìn lại, ta mới thấy ông cha ta đã vì quê hương đất nước này là thế nào, họ đã gởi gắm vào đó nguồn văn hóa chảy dọc theo sự trường tồn của con người trên vùng đất Quảng.
Những bài viết của hội viên trong Văn hóa dân gian Đà Nẵng thể hiện nhiều lĩnh vực gắn với đời người, từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, hội hè,…hy vọng sẽ làm hài lòng bạn đọc quan tâm đến nguồn văn hóa dân gian trên quê hương chưa mưa đà thầm nói riêng và các vùng miền khác nói chung trong nguồn sáng dân gian cả nước.
Hy vọng qua Văn hóa dân gian Đà Nẵng, độc giả sẽ nhìn thấy sự thể hiện của Hội luôn vì mục tiêu sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá di sản văn hóa dân gian mà ông cha ta đã để lại.
Nhân dịp năm mới xuân Mậu Tuất (2018), Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng kính chúc các vị hội viên, cộng tác viên, anh chị em văn nghệ sỹ và bạn đọc gần xa năm mới vạn sự như ý.
DIỄN ĐÀN
Đỗ Thị Diệu Hà
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người Cơ tu huyện Hòa Vang, Đà Nẵng
- Một vài nét khái quát chung
Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, trong vai trò đầu tàu của “Hành lang Kinh tế Đông – Tây” và của miền Trung – Tây Nguyên. Hòa Vang là một huyện ngoại thành nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển phía tây của thành phố, nơi đây có 3 cộng đồng người Cơtu cư trú ở 3 thôn: Phú Túc (xã Hòa Phú), Giàn Bí và Tà Lang (xã Hòa Bắc). Đây là các cộng đồng người thiểu số sinh tụ trong một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế – văn hóa của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng trong những năm gần đây đã lan rộng ra các huyện ngoại thành, đặc biệt là huyện Hòa Vang, một huyện ngoại thành duy nhất nằm trên vùng đất liền của thành phố bởi một hệ thống giao thông tương đối thuận lợi. Nhiều con đường liên xã, liên huyện và liên tỉnh đã được mở rộng. Quốc lộ 1A là đường giao thông huyết mạch Bắc – Nam chạy từ Cầu Đỏ qua các xã Hòa Châu và Hòa Phước; quốc lộ 14B chạy qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn nối Quảng Nam với Đà Nẵng; tuyến đường tránh Nam Hải Vân đi qua các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn; các tuyến đường ĐT 601, 602, 604, 605 do thành phố quản lý và hệ thống các tuyến đường giao thông liên huyện và liên xã. Đó là những điều kiện hết sức quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển, trong đó không ngoại trừ hai xã miền núi có sự cư trú của cộng đồng người Cơ tu là xã Hòa Phú và Hòa Bắc.
Xã Hòa Phú nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 25 km. Diện tích tự nhiên là 8.586 ha[1] trong đó đất nông nghiệp 490 ha với 86 ha đất canh tác lúa và 279 ha đất canh tác cây công nghiệp ngắn ngày. Đất lâm nghiệp có 7.086 ha, được che phủ bởi rừng tự nhiên và rừng trồng. Trong diện tích đất lâm nghiệp trên, có 279 ha chứa đựng khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp. Bình quân diện tích đất canh tác nông nghiệp cho một lao động khoảng 2.500m2.
Xã Hòa Bắc nằm ở phía tây bắc huyện Hòa Vang, giáp với xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang ở phía nam, giáp với quận Liên Chiểu ở phía đông. Ngoài ra, Hòa Bắc còn tiếp giáp hai huyện Nam Đông và Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) ở phía bắc và huyện Hiên (tỉnh Quảng Nam) ở phía tây nam. Xã có diện tích khoảng 33,864 ha[2] trong đó diện tích rừng chiếm trên 96%.
Đây là hai xã miền núi nằm cách không xa vùng đô thị trung tâm của thành phố Đà Nẵng, nhưng lại có sự cư trú của cộng đồng người Cơ tu thiểu số ở trên địa bàn. Sự tồn tại của cộng đồng người Cơ tu trên vùng đất này là một quá trình từ di canh, di cư cho đến định cạnh, định cư hiện nay.
Người Cơ tu định cư ở huyện Hòa Vang có thời gian tương đối ngắn. Theo các vị lớn tuổi trong cộng đồng kể lại, trước đây người Cơ tu tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí sống ở khu vực đèo Mũi Trâu, rất sâu trong rừng, giáp với huyện Đông Giang – Quảng Nam. Vì quá xa vì giao thông cản trở, y tế giáo dục đến người dân khó khăn, năm 1991, chính quyền Hòa Vang đã vận động người dân di dời toàn bộ làng xuống định cư tại địa phận hai thôn xã Hòa Bắc cho đến ngày nay. Người Cơ tu thôn Phú Túc trước đây sinh sống vùng Sông Côn thuộc huyện Đông Giang, Quảng Nam. Năm 1971, họ di chuyển xuống khu vực Ngầm Đôi (Phú Túc), đến năm 1998, thì tiếp tục di dời đến chỗ ở hiện nay.
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Hòa Vang năm 2015, người Cơ tu trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổng dân số khoảng 1.488 người, chiếm khoảng 1% dân số toàn huyện, khoảng 0,1% dân số toàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, người Cơ tu ở xã Hòa Bắc có 250 hộ với dân số khoảng: 1000 người, xã Hòa Phú với 122 hộ thống kê khoảng 488 người.
Đơn vị tính: Người
Người Cơ tu | Tổng số dân | |
Toàn huyện | 1.488 | 128.151 |
Xã Hòa Bắc | 1.000 | 4.145 |
Xã Hòa Phú | 488 | 4.580 |
Ngoài những điểm đặc trưng về văn hóa – xã hội của nhóm người Katuic ở Việt nam, cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Vang có nhiều điểm đáng lưu ý và cần thiết phải nghiên cứu:
– Về mặt văn hóa, họ là đại diện cho một trong những tộc người thiểu số có quá trình sinh tụ lâu đời nhất ở miền Trung Việt Nam, còn bảo lưu đậm nét những dấu ấn văn hóa nguyên thủy; họ vốn là chủ nhân lâu đời của vùng núi rừng rộng lớn trải dài từ thượng nguồn xuống tận đồng bằng, duyên hải, phản ánh đặc trưng của địa hình miền Trung: hẹp chiều đông – tây; giữa núi và biển không có sự gián cách bởi các cấu tạo trung gian.
– Về mặt ngôn ngữ, tiếng nói của các cộng đồng tộc người Cơ tu này mang tính đặc trưng, đại diện cho ngôn ngữ của ngành Katuic, thuộc ngữ hệ Mon – Kh’mer ở Trường Sơn, vốn được các nhà ngôn ngữ học xem là ngôn ngữ bản lề giữa các nhóm Katuic phương bắc và Katuic phương nam;
– Về địa bàn cư trú và sự phân bố tộc người, đây là nhóm Cơ tu có địa bàn cư trú thấp nhất (sát biển), sống ở vùng thấp – so với các nhóm Cơ tu sinh sống ở vùng giữa và vùng cao ở Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang. Trong mặt bằng đối sánh với các nhóm tộc người thiểu số khác ở miền trung hiện nay, đây là nhóm người có địa bàn cư trú gần nhất với đô thị hiện đại, có điều kiện tiếp xúc thuận lợi nhất với hạ tầng cơ sở vật chất, điều kiện sống của một trong tâm kinh tế, văn hóa, xã hội rất phát triển. Chính vì thế, sự biến đổi trong đời sống của cộng đồng Cơ tu ở đây cũng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng hơn với nhiều điểm khác biệt.
Các cộng đồng này đang đứng trước những lựa chọn trong quá trình phát triển: [1] việc tiếp cận một trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của miền Trung, với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, sẽ giúp đồng bào có điều kiện để tiếp nhận thông tin, nâng cao điều kiện sống; [2] nhưng, sự phát triển này có nguy cơ làm mai một hoặc làm mất đi những giá trị truyền thống độc đáo trong đời sống văn hóa – xã hội. Và, như vậy sẽ dẫn đến những thay đổi về lối sống, lẽ sống của họ. Những thay đổi này không hoàn toàn mang tính tích cực mà luôn song hành với những yếu tố tiêu cực. Thực trạng này đặt ra rất nhiều vấn đề trong định hướng phát triển đời sống, tiếp nhận các giá trị mới cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tộc người.
- Một số giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đồng bào Cơ tu ở Hòa Vang, Đà Nẵng
Qua những nghiên cứu, điều tra điền dã và từ thực trạng của vốn di sản văn hóa phi vật thể người Cơ tu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Chúng tôi đề xuất một vài phương án cho việc bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa này nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Những hướng bảo tồn này mới chỉ là bước đầu và có thể chưa toàn diện. Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thực sự cần có những nghiên cứu sâu hơn, rộng lớn hơn, cũng như cần có những đóng góp của các chuyên gia và các nhà quản lý văn hóa.
– Vật thể hóa di sản văn hóa phi vật thể
Việc khôi phục những giá trị truyền thống thường diễn ra khi những nhu cầu về vật chất không còn là nỗi ám ảnh trong đời sống người dân. Vấn đề là đến lúc đó, liệu những giá trị văn hóa đặc trưng có còn tồn tại hay đã bị phá vỡ, hòa tan vào văn hóa của những cộng đồng khác. Đến lúc đó, mong muốn khôi phục những nét đẹp văn hóa đã mất đi, họ sẽ không còn bất cứ tư liệu gì để phục dựng khi hướng về cội nguồn.
Cho nên, việc xây dựng những bộ hồ sơ đầy đủ nhất để lưu trữ, trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả phần viết, ghi âm, hình ảnh, quay phim trở nên rất quan trọng. Sử dụng các loại máy móc, thiết bị, phương tiện kĩ thuật nghe – nhìn hiện đại trong việc lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể là một bước tiến so với trước đây chỉ dùng giấy bút để ghi chép quá trình này. Việc sử dụng máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim giúp chúng ta lưu giữ và tái hiện lịch sử một cách tốt hơn. Toàn bộ mọi loại hình văn hóa phi vật thể có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các ngân hàng dữ liệu, các bảo tàng, các viện nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Đó là cơ sở giúp chúng ta sau này có căn cứ để nghiên cứu, phục dựng lại các hiện tượng văn hóa phi vật thể đã bị mai một.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài việc phổ biến các quy định, cần thiết phải giải thích và cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định chung, các văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Cần gắn quyền lợi kinh tế và quyền lợi xã hội của chính người dân trong công việc bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình. Hơn ai hết, chính người dân trong cộng đồng làng bản phải có ý thức trân trọng, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, phải xem đó chính là công việc thiết thân của chính họ, vì tương lai của làng bản, của con cháu họ.
– Đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa
Đối với cộng đồng người Cơ tu, sự khác biệt về ngôn ngữ, lối sống tạo không ít khó khăn cho cán bộ văn hóa cơ sở, đặc biệt là cán bộ người Kinh. Cho nên, công tác đào tạo những cán bộ người Cơ tu trở nên rất quan trọng, họ là nhân tố chính trong việc đưa chính sách về một cách sát thực với cộng đồng làng bản, bằng những bước đi phù hợp, giảm thiểu những bất hợp lý, gây choáng ngợp chông chênh trong nhận thức của đồng bào.
– Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững. Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Ban hành và thực hiện các chính sách, chế độ phù hợp với từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Mặc dù, hiện nay chính quyền địa phương các cấp đang có các chính sách hỗ trợ nhằm bảo tồn và duy trì các loại hình di sản, đặc biệt là lễ hội truyền thống, nhưng sự can thiệp không đúng hướng của chính quyền vô tình tạo nên sự lệ thuộc của nhân dân, các chủ thể văn hóa vào chính quyền, làm mất đi tính đặc trưng vốn có của di sản. Chính quyền địa phương chỉ nên đề xuất các chính sách hỗ trợ góp phần quản lý và phát huy loại hình di sản văn hóa, mặt khác để cộng đồng tự chủ trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội..
– Bảo tồn nghệ nhân dân gian
Ngày nay, với những phương tiện máy móc hiện đại như: máy ảnh, máy quay phim… chúng ta đều có điều kiện tư liệu hóa những nguồn di sản quý báu. Nhưng vẫn không có gì thay thế được con người trong việc truyền dạy, thực hành và lưu giữ vốn văn hóa này. Như vậy, đối tượng chính để bảo tồn chính là con người, những nghệ nhân dân gian.
Để “bảo tồn” các nghệ nhân dân gian, bên cạnh sự công nhận của công chúng, chúng ta cần có những chương trình bảo vệ họ bằng cách cung cấp những trợ cấp đặc biệt cho những “báu vật nhân văn sống” đã được lựa chọn để họ có trách nhiệm đối với việc bảo vệ di sản như: duy trì, phát triển những kỹ năng và tri thức của họ về di sản cho các thế hệ trẻ thông qua các chương trình đào tạo, các buổi trình diễn, những hoạt động thực hành tín ngưỡng…; sẵn sàng cung cấp thông tin, thực hành trình diễn những hiểu biết của mình về tín ngưỡng phục vụ cho công việc sưu tầm, lưu giữ làm tư liệu và ghi thu (băng hình, băng tiếng và các xuất bản phẩm); khuyến khích các tổ chức và cá nhân có các hoạt động tìm hiểu về văn hóa địa phương…
Ngoài ra, việc nhà nước tôn vinh và phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân dân gian không chỉ góp phần động viên đối với từng nghệ nhân, mà còn là sự cổ vũ, niềm vinh dự, tự hào đối với người thân, gia đình, dòng họ, quê hương của nghệ nhân. Bên cạnh đó, cần có những tuyên truyền trên báo chí, truyền hình để đề cao vị thế xã hội của họ. Đây cũng là sự khuyến khích cho thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp của những nghệ nhân cao tuổi.
Cần coi những nghệ nhân dân gian như tài sản quốc gia, thường xuyên tiến hành kiểm kê các “báu vật nhân văn sống” để nắm được số lượng các nghệ nhân dân gian, từ đó có được những biện pháp bảo tồn hợp lý, kịp thời; có chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động chuyển giao như đào tạo, phổ biến, làm tư liệu các tri thức và kỹ năng của nghệ nhân dân gian, góp phần khuyến khích và đảm bảo các nghệ nhân dân gian thực hiện các công việc này thường xuyên.
– Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang xây dựng rất nhiều khu du lịch sinh thái cộng đồng thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và nghỉ ngơi. Đây là điều kiện thuận lợi để người Cơ tu có cơ hội phát triển du lịch văn hóa cộng đồng tại địa phương. Phát huy di sản văn hóa gắn với xây dựng hệ thống du lịch ở địa phương một cách đồng bộ và khoa học để các loại hình di sản nhanh chóng trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn, làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Thực tế đã chứng minh rằng, việc phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống đã nâng cao đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần của người dân, từ đó tạo ra những cơ sở thiết chế vững chắc có thể thay đổi diện mạo và cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Đồng thời, việc phát triển du lịch đúng hướng cũng tạo điều kiện để gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa của địa phương thông qua việc tạo nguồn thu cho công tác bảo tồn, cũng như tạo động lực vật chất khuyến khích người dân duy trì và phát huy các giá trị truyền thống này.
Chính nguồn thu từ du lịch và việc nâng cao nhận thức của người dân qua hoạt động du lịch sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo. Và như vậy, bảo tồn cũng có nghĩa là phát triển, đi đôi với phát triển. Làm tốt điều này chính là nhắm đến một mục tiêu lâu dài, đó là sự bảo tồn và phát triển bền vững.
– Huy động nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước đi đôi với nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ và phát huy di sản
Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư khai khác về tiềm năng vật lực và tài lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Huy động các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển khai các hoạt động. Kết nối, lồng ghép giữa các chương trình, dự án về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số của Trung ương, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Khuyến khích xã hội hóa trong việc tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hóa của cộng đồng.
– Về xã hội
Tăng cường sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện với ngân hàng người nghèo, các đoàn thể để lập các dự án vay vốn, sản xuất lồng nghép với chương trình giải quyết việc làm 120, dự án 327, chương trình định canh, định cư, kinh tế mới, tạo việc làm ổn định cho người dân.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho đồng bào tham gia các hoạt động phòng ngừa dịch bệnh từ bản thân mỗi cá nhân đến không gian chung của làng bản.
Tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện dạy và học phổ thông bằng song ngữ. Công tác giáo dục cần chú ý đến việc thúc đẩy ý thức tự hào của giới trẻ về ngôn ngữ, về truyền thống của cộng đồng.
Tổ chức những lớp đào tạo nghề phù hợp truyền thống và nguyên liệu hiện có tại vùng núi mà đồng bào đang sinh sống, miễn phí hoặc hỗ trợ phí để thu hút đồng bào tham gia, một mặt nâng cao hiểu biết, một mặt tạo ra khả năng, nâng cao nhận thức chủ động kiếm sống cho đồng bào, đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận đối với những việc làm có thu nhập ổn định cho đồng bào.
Thừa nhận lại vai trò tự quản của từng đơn vị làng bản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội có sự thừa nhận của Nhà nước. Phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc nâng cao mức sống và nâng cao nhu cầu hưởng thụ vănhóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong mỗi một cộng đồng làng bản.
Trong mối quan hệ giữa chủ làng – già làng – với trưởng thôn/bản, việc kết hợp bộ máy quản lý hiện hành của nhà nước với cơ chế tự quản của làng là điều nên làm. Đó cũng là cơ sở để dung hòa giữa luật tục và pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong làng bản.
– Liên kết không gian cư trú của các cộng đồng người Cơ tu
Một trong những nguyên nhân khiến người Cơ tu ở huyện Hòa Vang thiếu sự “kháng cự” về mặt văn hóa là do số lượng quy tụ và sinh sống quá “nhỏ lẻ” ở một vùng đất khá tách biệt với vùng cư trú với các tộc người anh em của họ. Nếu quy mô cộng đồng Cơ tu ở Đà Nẵng lớn hơn thì sức đề kháng về văn hóa của cộng đồng này sẽ mạnh hơn nhiều và mối quan hệ giữa bảo tồn bản sắc với tiếp biến và giao lưu theo hướng hiện đại hóa sẽ cân đối hơn. Vì vậy, nên chăng, thành phố Đà Nẵng kiến nghị với Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ cho phép thành phố Đà Nẵng được mở rộng địa giới hành chính về phía Tây, tiếp giáp biên giới Việt – Lào bằng cách sáp nhập một số đơn vị hành chính của huyện Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) vào địa giới hành chính của thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, cộng đồng người Katu ở huyện Hòa Vang sẽ có mối liên kết về không gian cư trú và không gian kinh tế – văn hóa – xã hội với các cộng đồng Cơ tu anh em ở Đông Giang và Tây Giang, tạo điều kiện để họ cùng nhau tăng cường sức mạnh trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – xã hội của dân tộc Cơ tu, đủ sức “chống chọi” với các tác động tiêu cực do sự phát triển của đô thị.
———————-
Hoàng Hà Giang
Biến đổi lễ cũng xóm ở Đại Lộc trong bối cảnh đô thị hóa
(Trường hợp làng Hoán Mỹ, huyện Đại Lộc)
Bước vào thời kì đổi mới đến nay, kinh tế xã hội ở huyện Đại Lộc (đặc biệt là khu vực trung tâm thị trấn Ái Nghĩa) đã có nhiều biến đổi. Điều này đã tác động đến văn hóa ở các làng thuộc khu vực thị trấn trong đó có tục cúng xóm. Như đã nói, cúng xóm là một thành tố của văn hóa thì nó không phải bất biến mà luôn biến đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện tại, nhất là trong quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh của thị trấn.
Làng Hoán Mỹ hiện nay đang chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa, khi mà chính quyền địa phương đang hướng đến năm 2020 huyện Đại Lộc sẽ nâng tầm lên thành thị xã. Với tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn đến sự thay đổi của không gian nông thôn sang đô thị, những thiết chế mới dần trong làng đã xuất hiện. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của nhiều xóm mới.
Từ năm 1984, huyện Đại Lộc đã có lộ trình sát nhập một số phần đất của xã khác để xây dựng thị trấn Ái Nghĩa thành một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của huyện. Dưới tác động của quá trình xây dựng và phát triển thị trấn thì các làng nằm trong khuôn viên của xã trước đây chuyển sang gọi tên là khu phố. Xã Lộc Phước trước đây (hay thị trấn Ái Nghĩa nay) có năm làng: làng Hoán Mỹ, làng Ái Nghĩa, làng Giáo Trung, làng Giáo Đông, làng Ái Mỹ. Năm làng này hiện hòa chung với nhau chia thành 14 khu phố. Làng Hoán Mỹ nằm trên bốn khu phố 5, 6, 7 và khu Hoán Mỹ. Những khu phố này nằm trên những tuyến đường chính, trung tâm của thị trấn nên có sự phát triển tương đối cao hơn so với những làng khác.
Vì việc thay đổi thiết chế xã hội nên làm cho tính làng từ sự “cởi mở” trở nên còn mờ nhạt hơn trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Ngoài người dân của các xóm cũ thuộc làng có mối liên kết nhất định với làng thì đa phần những người đến sau, sinh sống ở xóm mới cũng như những người di cư đến đây thì làng dường như khá xa lạ. Họ không biết ở đây thuộc phạm vi của làng Hoán Mỹ và có sự thờ ơ đối với những việc trong làng. Cho nên, hiện nay đến những ngày lệ lớn của làng, một số cụ lớn tuổi đã đi vận động người dân trong làng đóng góp tổ chức lễ rồi xây dựng lại đình làng và khuyến khích “người dân từ già trẻ lớn bé, hễ là con cháu của làng thì có thể đến chung vui” – trích văn lễ Cầu an, tống cói 12/4 tại làng Hoán Mỹ”.
Sự thuyên giảm mức ảnh hưởng của làng thì lại nổi lên một thiết chế mới gắn kết rất nhiều người dân. Đó là “xóm” và dịp cuối năm cuối có thể thấy một chuỗi lễ cúng xóm được diễn ra ở các xóm giống như một phong trào cuối năm mà xóm nào cũng thực hiện. Trong khi dân cư các xóm cũ của làng mang tính ổn định, nên xóm cũ dường nên rất đảm bảo về các hộ gia đình trong xóm. Ngược lại, những xóm mới thành lập trong giai đoạn phát triển đô thị hiện nay thì lại có xu hướng dễ phân hóa, tách ra thành những xóm nhỏ hơn.
Như đã nói ở chương một thì xóm không là một đơn vị hành chính mà là một đơn vị dân cư thuộc làng trước đây. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay xóm vẫn còn được sử dụng để thể hiện một cụm dân cư nhỏ trong làng gắn kết với nhau. Như vậy ngoài bốn xóm có từ khi lập làng, có tên riêng, dân cư ổn định thì bây giờ đã có nhiều xóm mới thành lập. Những xóm này lập tùy nghi, dễ dàng, không tên, không ranh giới nhưng cũng có tính ổn định cao, gồm nhiều hộ gia đình sống gần nhau. Người ta không đặt tên cho xóm mà lấy một ranh giới nào đó để phân biệt xóm này với xóm khác. Ví dụ như như xóm cúng ở ngã tư thì được gọi là xóm Ngã Tư, xóm gần chợ thì hay gọi là xóm Chợ. Cho nên, có thể có những xóm thuộc hai hay nhiều khu phố khác nhau. Điều này thật sự là khó khăn cho sự phân định xóm.
Hiện nay, khái niệm xóm cũng không chỉ gồm những nhiều hộ gia đình sống gần nhau ở vùng nông thôn mà còn có thể mở rộng ra là những xóm thuộc khu vực đô thị. Họ vẫn giữ cho mình tên gọi xóm và cúng xóm như một nét thân thuộc của mỗi người dân trong cộng đồng.
Mỗi xóm tại làng Hoán Mỹ không có giới hạn bao nhiêu hộ, hộ nào muốn gia nhập xóm nào gần đó đều có thể được. Những xóm quy mô lớn có thể lên đến hơn 100 hộ nhưng cũng có xóm chỉ 10 đến 20 hộ, thậm chí 5 đến 7 hộ gia đình gần nhau cũng là một xóm tổ chức lễ cúng. Chính vì sự đang lên của một thị trấn khiến cho thuật ngữ “xóm” hay việc thành lập xóm dường như dễ dàng, lan rộng hơn. Họ có thể tham gia bất kì xóm nào gần đó mà họ thích; hoặc là kêu gọi một vài hộ gia đình gần đó để thành lập một xóm và cùng tổ chức cúng xóm.
Sự phân hóa của các xóm trong làng dưới tác động của quá trình mở rộng đô thị, gia tăng dân số của thị trấn Ái Nghĩa làm cho số lượng các xóm ngày càng gia tăng thì số lượng các hộ giảm xuống. Đây cũng là một xu hướng mới ở các xóm nên làm cho các xóm mới thành lập có tính ổn định không cao bằng các xóm cũ của làng. Hiện nay, các xóm mới thành lập có số lượng các hộ ít hơn, khoảng từ 10 đến 20 hộ. Sự phân hóa nhỏ lẻ này khiến cho cúng xóm ở địa phương vào dịp cuối năm (khoảng từ 16/12 đến 10/1 âm lịch) ngày càng rầm rộ, phát triển vì xóm nào cũng tổ chức lễ cúng xóm.
“Khi chuyển sang bên này sinh sống làm ăn thì bác tham gia vào xóm Ngã Tư. Đến năm 2001 thì bác chuyển sang xóm khác ở đây gọi là xóm Trung tâm, chứ ở ngã tư giờ cũng hơi xa mà do bác thấy đông quá nên muốn ở xóm nay gần với ai cũng tham gia hết. Khi chuyển sang xóm khác bác cũng có nói là ở đây cũng có xóm mới nên bác tham gia ở đây, thông báo họ biết chứ có gì đâu. Đông thì cũng vui như mà xóm đó đông quá nên gia đình cử đại diện, ít người đi; còn xóm ít thì tập trung được hết mọi người từ con cháu vợ chồng nên cảm thấy vui hơn”.
MS18, nam, 65 tuổi, xóm Ngã Tư chuyển sang xóm Trung Tâm
Do vì xóm từ 10 đến 20 hộ là những xóm nhỏ cho nên việc tổ chức cúng xóm cũng chỉ ở một mức độ tương đối. Qua cuộc nói chuyện của người dân tại xóm Trung Tâm có thể thấy được lễ cúng rất đơn giản, không cần chiêng trống, không cần ban tế lễ, bất cứ người lớn trong gia đình cũng có thể đứng ra làm chủ tế lễ mà không có bất cứ yêu cầu gì. Theo người dân xóm Trung tâm có khoảng 20 hộ, 10 hộ bên này một tổ, 10 hộ bên kia một tổ, năm này tổ này dọn vẽ thì năm sau đến tổ khác. Xóm cúng vào 21/12 âm lịch, tổ chức đơn giản, có cái người đọc văn tế thì trong xóm không ai đọc nên mới thuê xướng.
Tuy vậy, với số hộ ít hơn mà muốn có một lễ nghi đầy đủ, bài bản thì đòi hỏi các hộ gia đình phải đóng góp nhiều hơn và quy định mức đóng góp với các hộ là ngang nhau. Ví dụ như xóm Trung Tâm xóm quy định số tiền cụ thể mà mỗi hộ phải đóng. Cúng xóm gần đây nhất mỗi hộ bắt buộc đóng 200.000 (so với xóm cũ thì mức đóng này cao hơn nhưng người dân vẫn chấp nhận với mức đóng này).
“Mức này nhà cô thấy cũng bình thường, năm có một dịp chứ mấy, chứ giờ đám tiệc, chuyện phải không cũng đã hết vài trăm… Với 200.000 là việc mỗi hộ chi trả cho tổ chức cúng xóm, còn sau này nếu có gì phát sinh thêm thì tùy tâm người đóng góp, không ép buộc”.
MS11, nữ, 63 tuổi, xóm Ngã Tư sang xóm Trung Tâm
Có thể thấy vấn đề đóng góp cũng mang tính tự nguyện, khác ở đây chỉ là việc quy định một số tiền cụ thể hợp lý để tất cả mọi người trong xóm cũng có thể cảm thấy thoải mái, dễ dàng đóng góp.
Nhưng với sự phân ly thành các xóm nhỏ lại có quan điểm mâu thuẫn giữa những người lớn tuổi trong làng và những người trung niên: Nhiều người lớn tuổi cho rằng vì cúng xóm trước hết là cúng đất nên những người cùng một khu vực sống trên cùng xứ đất nào sẽ quy tụ lại cùng tổ chức mâm cúng là hợp lý hơn cả. Như vậy làm cho xóm “càng đông càng vui”. Trong khi đó, những người trung niên (điển hình một số người ở xóm Trung tâm) lại cho rằng “đông quá thì sẽ loãng, nếu ít ít dễ làm, mọi người dễ gần hơn”… Bên cạnh đó, trong tâm thức của người dân cho rằng xóm thì phải nhiều hộ chứ vài ba hộ như vậy thì không thể là một xóm được (MS08, nam, 55 tuổi, xóm Ngã Tư).
Mặc dù các cụ già trong làng không đồng ý với việc những xóm mới nhưng họ cho rằng nếu có tâm cúng kiếng thì cũng tốt, không có gì. Chúng tôi có tham dự vào giêng cúng đình 25/12/2015 âm lịch, khi sắp diễn ra lễ cúng một số người trung niên đã xin phép các cụ về trước để tổ chức cúng xóm ở xóm mình (vì thời gian trùng với nhau). Các cụ hỏi những người kia ở xóm nào, họ bảo ở xóm mới. Những người kia đi xong thì các cụ già nói rằng đó không phải xóm lâu đời của làng, mà là những xóm “tự phát” chứ không thể cúng bái tùy tiện, lộn xộn vậy được, phải là cúng làng trước, cúng xóm sau.
Như vậy, hiện nay có hai vấn đề nổi bật lên ở đây làng Hoán Mỹ về sự thay đổi không gian cúng xóm:
Thứ nhất, đó là sự gia tăng các xóm mới thành lập. Từ 10 đến 20 hộ thì có thể được xem là một xóm không? Thứ hai, từ việc gia tăng xóm thì cuối năm xóm nào cũng tổ chức cúng xóm đã nói lên vấn đề gì ở làng Hoán Mỹ trong bối cạnh hiện nay?
Xóm người ta lựa chọn những yếu tố chính của cộng đồng là địa vực, kinh tế hay nghề nghiệp, cuối cùng là các yếu tố có tính văn hóa. Những yếu tố này tạo ra sự cố kết cộng đồng từ những đặc điểm chung mà các thành viên có thể chia sẻ với nhau. Cho nên hiện nay người ta có xu hướng chọn hoặc hướng mình vào một nhóm mà các hộ có sự tương đồng về các mặt như về kinh tế, nghề nghiệp… Ví dụ như ở xóm Trung Tâm, một số hộ gia đình trước đây có tham gia ở xóm Ngã Tư nhưng sau khi xóm Trung Tâm thành lập thì chuyển sang xóm này dù mức đóng góp tiền quy định cao hơn ở xóm cũ. Các hộ đều có sự tương đồng về mặt kinh tế nên có họ đóng một mức ngang nhau (200.000) không có nhiều trở ngại. Cho nên thấy được vấn đề ở chỗ ngoài việc tách xóm do xóm cũ quá đông còn là vấn đề về kinh tế. Họ có xu hướng vào xóm vừa gần, vừa tương đồng với điều kiện kinh tế của gia đình mình. Mọi người ở đây đều đóng góp ngang nhau, không phải hộ này bù hộ khác.
Bên cạnh đó, việc xóm chỉ có 20 hộ, với ít hộ như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc mọi người đều có thể tham dự đầy đủ.
“Gia đình cô tham gia xóm Ngã Tư trước rồi lập ra xóm Trung Tâm thì tham gia ở xóm Trung Tâm. Xóm Ngã Tư mình chú (chồng) đại diện đi được rồi, còn xóm Trung Tâm lại khác, ở đây ai cũng tham dự cả, cô chỉ tới xóm Trung Tâm thôi. Rồi khi tới lượt tổ mình chuẩn bị thì mình cũng tham gia với mọi người”.
MS12, nữ, 55 tuồi, xóm Ngã Tư chuyển sang xóm Trung Tâm
Việc dễ dàng lập xóm cộng với xóm nhỏ lẻ đã thấy được sự phát triển rộng rãi ở các xóm mới trong làng Hoán Mỹ:
Thứ nhất, là người tác động của quá trình xây dựng đô thị nên việc chuyển từ làng sang thành tổ dân phố là một diễn trình phù hợp trong bối cảnh hiện nay đã các xóm có sự phân hóa nhỏ lẻ giống như đơn vị “tổ” nhưng vẫn còn nhọc nhằn với tên gọi cũ là “xóm”. Điển hình xóm Ngã Tư hơn 130 hộ hay xóm Trung Tâm từ 10 đến 20 hộ mà người ta vẫn gọi là xóm. Bên cạnh đó có thể thấy được xóm ngày nay không hẳn là mấy chục nhà, ngõ ở nông thôn nữa mà còn là một nhóm các hộ gia đình trong một tổ dân phố hay trên một con đường. Cho nên có thể nói 10 đến 20 hộ cũng có thể được gọi là một xóm. Vì tính nhỏ lẻ này nên xóm mới ở đây không cần tên gọi, không có ranh giới cụ thể, không quy định số hộ mà có thể là quy ước vô hình giữa các hộ ở đó.
Thứ hai, người dân cho rằng sự nhỏ lẻ của xóm sẽ khiến cho mọi người có thể gắn kết, vui vẻ hơn, tham dự đầy đủ hơn, bất chấp việc phải đóng tiền nhiều hơn. Và như vậy họ có xu hướng tham gia vào xóm có điều kiện tương đồng với mình. Điển hình như xóm Trung Tâm và một số xóm nhỏ khác quy định các hộ đóng tiền ngang nhau và nhiều hơn để có thể tổ chức được lễ cúng. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến người dân phàn nàn hay khó chịu mức đóng cao.
Như vậy, trong quá trình phát triển của thị trấn đã nảy sinh ra những xóm mới trong làng. Những xóm này cùng với những xóm cũ của làng tồn tại song song. Nhìn chung ở mỗi xóm đều thực hiện cúng xóm riêng rẽ nhưng không tách biệt với bức tranh văn hóa chung của làng. Hiện nay, với sự phát triển quy hoạch lại khu dân cư, mở rộng đường sá của thị trấn làm cho các xóm có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn có thể thấy được sự gia tăng của các xóm và việc xóm nào cũng tổ chức cúng xóm khiến cho nghi lễ này trở nên lan rộng và đa dạng hơn tại làng Hoán Mỹ. Điều này cũng nằm trong một giai đoạn của sự hồi sinh rõ nét của các thực hành tôn giáo và nghi lễ ở Việt Nam[3].
Từ việc các xóm thành lập một cách dễ dàng, từ đó các xóm tự tổ chức cúng xóm vào dịp cuối năm dẫn đến sự phát triển rộng rãi của lễ cúng xóm trong bối cảnh hiện nay. Cúng xóm ở các xóm mới thành lập không phải kiểu lễ hội như cúng đình mà là một tập tục được truyền lại cho thế hệ sau và ngày càng được lan rộng ra vì người dân cho rằng đây là một tập tục tốt đẹp cần phải được lưu giữ. Trước đây cúng xóm cũng chỉ như một dịp hội tụ dân làng. Nhưng thông qua lễ này thì đã vun đắp, xây dựng nên ý thức của những thế hệ tiếp theo, tiếp nối những kết quả của người đi trước. Ví dụ như, người dân quan niệm, ông bà làm sao thì con cháu làm như vậy. Tuy quan niệm và những giá trị của mỗi thời sẽ có mỗi nét khác biệt, cho nên chính những thế hệ kế tiếp sẽ là chủ thể của sự sáng tạo truyền thống cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.
“Nói chung thì anh cũng chỉ là thế hệ sau thôi, dự cúng xóm hồi còn nhỏ, dù có đi học ở Sài Gòn hay giờ đi làm ở Đà Nẵng rồi thì dịp gần Tết mô cũng muốn về tham gia cho vui. Cúng xóm trước giờ là thường do các bậc chú bác đứng ra chủ trì tụi như anh phải học tập để khi thế hệ đó qua đi thì có thể tự tổ chức cúng xóm kế tục lại tục lệ này”.
MS13, nam, 30 tuổi, xóm Ngã Tư, hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng.
Có thể thấy được số lượng các xóm đang tăng lên và thực hiện lễ cúng xóm nhiều hơn. Vào dịp cuối năm trong làng đi đâu cũng thấy cúng xóm tạo nên một không gian văn hóa Tết của các làng. Theo quan sát của chúng tôi, trong làng ngoài 4 xóm cũ thuộc làng thì có 20 lễ cúng xóm lớn nhỏ được tổ chức từ 16/12 đến 10/1 âm lịch (dù trước hay sau Tết thì các xóm cũng chỉ tổ chức cúng xóm một lần). Tại sao hiện nay lại bộc phát nhiều nghi lễ như vậy? Điều đó đã phản ánh được vấn đề gì trong xã hội làng Hoán Mỹ hiện nay?
Theo quan điểm của chúng tôi thì lý giải vấn đề này như sau:
Năm 1994 cúng xóm mới có thể thực hiện được trở lại sau một thời gian bị cấm đoán. Sau năm cúng xóm ở đây dường như là một phần của sự hồi sinh tôn giáo. Đây là thuật ngữ được các học giả nước ngoài nhìn nhận về nghi lễ phong tục văn hóa Việt Nam trong thời kì 1975 – 1986. Sự kìm nén của nhà nước những năm này đến sự tự do về tín ngưỡng tôn giáo đã làm cho hầu hết các lễ cúng bị cấm đoán, hạn chế. Cúng xóm cũng nằm trong tiến trình này, sau đó năm 1986 nhà nước cải cách phát triển kinh tế thị trường, người dân tự do tín ngưỡng tôn giáo, cúng xóm đã thực hiện được trở lại và ngày càng rầm rộ hơn trước. Cùng với việc các xóm dễ dàng thành lập như vậy đã khiến cho việc tổ chức cũng dễ hơn.
Chức năng của cúng xóm là củng cố tình đoàn kết. Có thể trong làng Hoán Mỹ có nhiều nghi lễ cộng đồng như cúng đình, tế mộ Bà Phường Chào… nhưng cúng xóm vẫn có nét gần gũi thân thuộc hơn cả. Bởi vì theo diễn trình thời gian thì ngay từ lúc nhỏ, con người đã có thể tham gia vào, việc thực hiện cúng xóm liên tục mỗi năm một lần đã ăn sâu vào tâm thức của người dân (điều này ngược lại với các nghi lễ ở đình, lúc mà con người đã trưởng thành và có nhận thức về nó). Cho nên, xóm gắn kết tất cả thành viên trong gia đình hơn, củng cố được tình đoàn kết trong chỗ xóm, ví dụ nhà ai có khó khăn, tang ma thì luôn được sự động viên giúp đỡ, chia sẻ của người dân trong xóm. Như vậy xóm như một ngôi nhà chung của các thành viên trong cộng đồng, cúng xóm có chức năng là hướng đến một cuộc sống ấm no, tốt đẹp không chỉ cho riêng mỗi gia đình nữa mà là cho cả một cộng đồng. Sự ổn định của mỗi gia đình là cũng chính là sự ổn định của cả xóm. Hơn nữa, mỗi người, mỗi gia đình có những hoàn cảnh, công việc khác nhau hay cuộc sống ngày càng hiện đại, con người cũng ngày càng tất bật, bận rộn với công cuộc mưu sinh. Việc gặp gỡ nhau, cùng nhau trò chuyện cũng trở nên khó khăn, những bữa tiệc cúng xóm cuối năm là rất cần thiết.
Trong một năm, khu phố cũng có tổ chức nhiều hoạt động cũng đòi hỏi sự tham dự của người dân ví dụ như ngày phụ nữ, ngày mừng Đảng đón Xuân, hay nhân dịp giải phóng huyện… nhưng dường như thiếu đi sự tham gia của mỗi gia đình, hoặc tham dự một cách miễn cưỡng, rời rạc tính chất không gắn kết người dân như lễ cúng xóm. Ngược lại, lễ cúng xóm là dịp duy nhất có thể gắn kết người dân lại với nhau, củng cố thêm tinh thần tình làng nghĩa xóm.
Cúng xóm ngày càng phát triển thể hiện được mặt phát triển của địa phương trong quá trình đô thị hóa. Khi mà đời sống người dân ngày càng cao thì người ta lại cúng kiếng nhiều hơn (đặc biệt là ở các xóm làm ăn buôn bán). Theo Malinowski[4] nhận định rằng một khi người ta gặp những vấn đề khó khăn hay mong muốn điều gì trong cuộc sống, thường thì người ta hướng đến một chỗ dựa về mặt tinh thần mà có thể là thông qua việc thực hiện nghi lễ. Trước đây đời sống người dân rất vất vả, hậu quả của chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, người dân cầu xin mọi thế lực phù hộ. Bây giờ, qua khoảng thời gian đó khó khăn đó thì lại xuất hiện những mối lo lắng khác, ví dụ như thời buổi kinh tế thị trường làm ăn buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp cũng có những rủi ro nhất định… Cho nên họ muốn có dịp vui chơi thoải mái thư giản cũng như là cầu xin về tinh thần. Cúng xóm vào dịp Tết vừa thể hiện sự vui chơi của người dân, tạm gác lại hết mọi việc trong năm cũ để chào đón một năm mới phấn khởi hơn.
Sự sáng tạo, thích nghi của cúng xóm trong bối cảnh hiện nay được thể hiện qua nhiều phương diện:
- Với các xóm mới phát triển trong quá trình gia tăng dân số, mở rộng đô thị thường là những xóm không có miễu. Cho nên người dân tự lựa chọn một địa điểm cúng thuận tiện, phù hợp với địa thế của xóm mà không cần đến miễu.
- Biến tấu lễ cúng xóm một cách giản đơn, gần gũi với mọi người, ít chú trọng đến cúng kiếng mà nghiêng về nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ví dụ như có thể thấy thông qua việc ban tế lễ cúng bái xong thì mọi người xong xóm lần lượt vào cúi lạy cầu xin thần linh phù hộ riêng cho gia đình mình. Sau khi cúng xong, mọi người quây quần bên nhau, ăn uống nói chuyện, còn có thuê dàn nhạc về hát hò vui vẻ, giống như buổi sinh hoạt liên hoan.
- Có những xóm vì cái chung của nhiều gia đình, họ không chọn ngày cố định mà chọn một ngày khi đó mọi người trong xóm có thể quy tụ đông đủ nhất để có thể tham gia vui vẻ hơn ví dụ như vào những ngày cuối tuần. Ngoài ra, một số xóm trong làng hiện nay do công việc bề bội không kịp chuẩn bị nấu ăn thì đã đặt các dịch vụ bên nấu ăn bên ngoài còn ai làm chưng biện thì nấu một mâm cúng nhỏ là được. Điều này vẫn được cộng đồng chấp nhận và cho rằng chỉ cần một không gian vui chơi cho mọi người trong xóm là đủ. Điều này phản ánh đã có sự chuyển biến giữa các bối cảnh bên ngoài tác động vào việc nhận thức cúng xóm. Không phải lúc nào cũng quy tụ mọi người bằng những hình thức cùng chuẩn bị, cùng nấu ăn, dọn dẹp mà hiện nay nhận thức của con người đang dần biến đổi với xu hướng đô thị.
- Sự phân định ranh giới của xóm đang có phần thu hẹp với việc phân hóa thành nhiều xóm nhỏ nên có nhiều hộ gia đình trong xóm đều có thể tham dự đầy đủ, tính cố kết cộng đồng được thể hiện rõ rệt.
- Vì tính phong trào tự phát của cúng xóm hiện nay làm cho lễ cúng xóm ngày càng lan rộng và trở thành một tục thường niên của các xóm mới thành lập. Họ có nhiều lý do để tổ chức cúng xóm và lý do quan trọng hơn cả là tính cố kết cộng đồng.
Đô thị hóa là quá trình tăng tỉ lệ dân thành thị so với tổng số dân, mở rộng quy mô các thành phố và sự lan toả lối sống thành thị về nông thôn[5]. Quá trình đô thị hóa gắn với hoạt động di dân, nhiều người ở nông thôn sẽ di chuyển đến khu vực thành thị để làm ăn sinh sống. Từ đó đã tạo nên nhiều vấn đề tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tạm gác lại những mặt tích cực cũng như là tiêu cực của quá trình này, chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề di cư và văn hóa, sự lan tỏa của lễ cúng xóm trong bối cảnh đô thị thông qua những người di cư.
Từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước năm 1986, lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, nhiều khu công nghiệp ở các thành phố lớn được xây dựng và nhiều cần nguồn nhân lực. Tỉnh Quảng Nam lúc này cũng rất khó khăn, nhiều người di chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bình Thuận để sinh sống, làm ăn. Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam thì vào thời gian này có rất nhiều người Quảng đã di cư đến nơi khác. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, tập trung đông nhất ở hai quận Tân Bình, Tân Phú. Hiện nay, ngoài hai quận này, số lượng người Quảng bắt đầu đông đúc hơn ở các khu vực khác như quận 8, quận Thủ Đức, Gò Vấp[6] đã hình thành và xây dựng cộng đồng người Quảng với những nét văn hóa đặc trưng xứ Quảng dễ nhận biết như các khu chợ Quảng, món ăn xứ Quảng, đến giọng điệu Quảng, tập tục tín ngưỡng, trong đó có tục cúng xóm.
Cũng trong nghiên cứu của mình, Pactrick đã đề cập đến vấn đề di cư ở Quảng Nam. Ông nêu lên việc Quảng Nam là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh: xóm làng bị phá hủy, thiếu thốn thức ăn, bệnh dịch, thiên tai cùng với những chính sách phục hồi kinh tế của nhà nước bị thất bại khiến nhiều người phải tìm kiếm một nơi khác sinh sống. Với sự lỏng lẻo của hệ thống cấp phép du lịch sau năm 1986, nhiều gia đình đã di cư đến nhiều nơi như Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Đà Lạt. Từ thời gian này, ở thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung số lượng lớn những người sinh sống tại quận Tân Bình, Tân Phú[7].
Có thể nhận diện được vấn đề di cư của người Quảng tại thành phố Hồ Chí Minh. Cũng giống như khi người Việt di cư vào đàng Trong, khi đến những địa phương khác, người Quảng luôn mang theo, giữ gìn những tập tục, sinh hoạt văn hóa của mình. Dù đến đâu họ vẫn luôn hướng về cội nguồn, xóm làng và đặc biệt hơn ở họ luôn có tính cố kết cộng đồng, tương trợ lẫn nhau. Đó cũng có thể thấy được một cộng đồng người Quảng luôn phát triển, gắn kết với nhau.
Với tục cúng xóm, người Quảng vẫn được duy trì thực hiện và lan tỏa đến những người đến từ những tỉnh thành khác khi đến sinh sống gần với những khu người Quảng. Pactrick cũng nhấn mạnh rằng mặc dù cúng xóm thì gần với những người cư dân gốc Quảng Nam, nhưng một vài người dân nơi khác cũng có thể tham gia, nhưng cũng có những người ở những địa phương khác đã tự tổ chức cúng xóm nhưng sau đó không duy trì được thường xuyên.
Như vậy có thể thấy, cúng xóm trong dịp Tết không chỉ diễn ra đối với người dân làng Hoán Mỹ mà còn cả người dân ở các tỉnh thành khác như thành phố Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Đà Lạt. Tìm hiểu cúng xóm ở những địa phương này để thấy được sự lan tỏa của cúng xóm trong bối cảnh xã hội đương đại. Ngoài ra, có thể so sánh sự tương đồng và khác biệt ở những địa phương này. Chúng tôi lựa chọn hai địa phương là ở Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh để so sánh vì nơi đây đa phần cũng là cư dân Quảng di cư vào làm ăn sinh sống và họ cũng đã tổ chức cúng xóm giống như ở quê hương của họ trước đây.
– Cúng xóm ở Đà Lạt[8]:
Người dân ở Đà Lạt – Lâm Đồng cho hay, tục cúng xóm đã hình thành khi những người đầu tiên từ các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng tới định cư tại đây. Cứ khoảng ngày 15/12 âm lịch trở đi thì người dân Đà Lạt cũng tổ chức cúng xóm, có những xóm thực hiện sau Tết nhưng đa phần là trước Tết. Xét về khâu chuẩn bị, tổ chức lễ thì có nét tương tự với cúng xóm ở Quảng Nam. Tuy nhiên, xét về yếu tố địa lý, điều kiện tự nhiên đã làm cho lễ cúng xóm có vài điểm khác biệt. Bên cạnh đó, ở Đà Lạt còn có một dạng thức của cúng xóm mà đa phần những gia đình đều là bà con họ hàng với nhau, họ cùng di cư đến sinh sống gần nhau nên cúng xóm cũng là một dạng thức để tập hợp những người họ hàng này.
Trong lễ cúng xóm ở Đà Lạt, người chủ lễ khấn thần hoàng làng, cầu cho mọi người trong xóm được bình an, sức khỏe dồi dào. Tại buổi lễ này, luôn có một chậu nước và một đống lửa bên cạnh bàn thờ cúng. Các cụ cao niên cho biết đó chính là sự ảnh hưởng của nét văn hóa người các tộc người ở đây (lấy lửa làm trung tâm). Cũng có ý kiến cho rằng chậu nước để các vị thần rửa mặt, rửa tay, đống lửa để họ sưởi ấm do vùng đất này vốn rất lạnh.
Số tiền dành để cúng xóm hoàn toàn tùy tâm, không bắt buộc, gia đình nào khá giả thì có thể đóng nhiều, nếu điều kiện không cho phép thì cũng không ai ép phải đóng. Có xóm còn lập ra hẳn một quỹ chung để lo việc cúng xóm. Quỹ này còn được dùng vào việc cúng giao thừa xóm, cúng đầu năm, trao học bổng cho con em học giỏi và hỗ trợ cho những gia đình có việc đột xuất, cần đến tiền…
Cúng xóm Đà Lạt cũng lựa chọn một địa điểm thuận tiện để cúng. Cúng xóm phải có hai mâm: mâm thượng và mâm hạ. Ở mâm thượng bày tiền âm phủ, quần áo giấy, hoa quả và không thể thiếu được những khúc mía, khoai, sắn, thịt sống và trứng sống… Những người lớn tuổi lý giải, trước đây Đà Lạt là đất của nhiều tộc người như Cơ ho, Mạ… sinh sống nên mía, sắn, khoai là thức ăn chủ yếu của họ. Việc cúng các sản vật này với ý nghĩa nhớ lại cội nguồn, mời các chủ nhân đầu tiên của vùng đất về thụ lộc (mang một ý nghĩa như cúng tá thổ). Còn thịt và trứng sống là dành cho hổ và các loại thú rừng, bởi xưa kia Đà Lạt là một vùng đối núi hiểm trở, cũng là nơi sinh sống của nhiều loại thú ăn thịt. Ở mâm hạ có gà, xôi, giò, chả… là những thức ăn hằng ngày được dùng để thờ cúng ông bà, tổ tiên của những gia đình trong xóm.
Sau khi việc cúng bái đã xong, các mâm cỗ được dọn về một gia đình rộng rãi nhất xóm hoặc khoảng đất trống ngay đường vào xóm để tất cả mọi người cùng thụ lộc. Người dân cho rằng, ngoài ý nghĩa tâm linh, cúng xóm còn là dịp để mọi người trong khu phố, thôn xóm gặp gỡ, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Đây cũng là dịp để các gia đình trong xóm ngồi lại với nhau bàn chuyện làm ăn hoặc xóa bỏ những xích mích thường ngày, cùng bước vào một năm mới thân tình, vui vẻ.
Người dân cho rằng “Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi người quay cuồng trong cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, nhiều khi láng giềng chẳng biết mặt nhau, tình làng, nghĩa xóm dần vơi cạn thì tục lệ cúng xóm quả là đáng quý, đáng được lưu giữ, bảo tồn”.
– Cúng xóm ở thành phố Hồ Chí Minh[9]
Vũ Đức Sao Biển (2016) có ghi chép lễ cũng xóm ở phường Tân Thới Nhất, quận 12. Đây là một tổ dân phố mới thành lập gồm 70 hộ từ các nơi về, mua đất làm nhà ở cuối đường Tân Thới Nhất 18. Họ làm đủ các nghề: nhà báo, nhà giáo, sĩ quan quân đội, cảnh sát, gia công sản xuất nhỏ, nhà thầu xây dựng, công chức, cán bộ, thợ may… Phần lớn cư dân là người trẻ chưa đến 50 tuổi, con cái họ còn nhỏ, cháu lớn nhất vẫn còn học trung học phổ thông. Ở đây có hai lần cúng xóm đó là trước Tết và sau Tết (mồng 10 tháng Giêng). Việc đóng góp cũng dựa trên tinh thần tự nguyện, bằng cách dán một tờ giấy khổ lớn ở bảng khu dân phố “Kính mời bà con tham gia lễ cúng xóm vào lúc… ngày… Xin liên hệ với anh Hai tạp hóa”. Khi thấy bảng này, hộ nào muốn tham dự thì đóng góp vào, dựa vào số tiền đó nếu thấy có nhiều làm nhiều, ít làm ít.
Lễ cúng xóm mục đích đầu tiên là cúng đất để tạ ơn thành hoàng, thổ địa; sau đó là tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người đã khuất. Mục đích thứ hai rất tâm linh nhưng cũng rất hiện thực là cầu xin các thế lực siêu nhiên phù hộ cho gia đình, người dân trong xóm một năm sức khỏe, bình an.
Ban tế tự gồm có một vị lão thành trì trọng chủ trì, ba vị chánh bái và phụ bái, một vị đọc văn tế; có ban tiếp tân, ban ẩm thực, ban lễ nhạc chiêng trống. Họ đốt một ít vàng bạc, rải một chén gạo muối, kiếng một bộ tam sên (một con cua, một hột vịt luộc, một miếng thịt heo) và cúng một tô cháo loãng cho những vong linh đã khuất.
Lễ cúng thường diễn ra ngắn gọn trong 45 phút. Cúng xong, bà con tổ dân phố ai muốn thắp hương cứ vào thắp, ai theo đạo không thắp cũng không sao. Cái chính là hai lễ cúng tất niên và tế xuân trong tổ dân phố tạo cơ hội cho tất cả mọi người hàng xóm gặp nhau; giao lưu, hàn huyên, tâm sự và hóa giải những gút mắc (nếu có). Bàn ghế, chén đĩa (thuê) được dọn ra. Tất cả mọi người đều được mời dự bữa cơm thân mật, đầu bếp là các chị nuôi trong tổ dân phố. Tùy theo kinh nghiệm làm bếp, người này làm món gà xé phay trộn rau răm theo kiểu Trung bộ, người kia làm món heo dân tộc nướng và xáo măng theo kiểu Bắc bộ, người khác nữa làm món dê xào lăn theo kiểu Nam bộ…
Vũ Đức Sao Biển nói thêm nhiều khi hoàn cảnh sống khiến chúng ta không thể sống gần họ hàng, bà con ruột thịt nhưng láng giềng thì ở gần ta. Mỗi ngày, ta đều gặp mặt họ, họ đều gặp mặt ta; việc tâm tình, giúp đỡ qua lại, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau là một cách giúp kết nối tình nghĩa hàng xóm ngày thêm bền chặt, nhất là đang sống trong một thành phố đô thị hóa như ở thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy có thể thấy được, nguồn gốc của lễ cúng xóm ở các địa phương này một phần là do cư dân miền Trung di cư vào sống gần nhau rồi cùng tổ chức cúng xóm với mục đích nhớ về cội nguồn của mình và gắn kết những người xa xứ. Dần dần, cúng xóm trở thành một tục lệ được chính cư dân bản địa chấp nhận cùng thực hiện theo tạo nên một tục lệ hằng năm, hay nói khác hơn đó chính là văn hóa họ tự thích ứng, tiếp nhận rồi lan tỏa ra những khu vực khác tạo thành nét sinh hoạt cộng đồng quen thuộc, thường niên vào dịp cuối năm.
Cúng xóm ở làng Hoán Mỹ Quảng Nam, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh… đều có những nét giống nhau, đều quy tụ người dân trong xóm cùng nhau thực hiện mâm cúng thần linh, cầu xin phù hộ cho xóm rồi cả xóm quây quần bên nhau cho bữa cơm cuối năm nhằm cố kết tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, sự khác biệt địa hình, điều kiện tự nhiên cùng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa đã làm cho lễ cúng xóm ở mỗi nơi có sự khác biệt, mang nét đặc trưng vùng miền đó. Ví dụ như ở Đà Lạt những lễ vật cúng mang nhiều đặc trưng của vùng dân tộc, của các tộc người Mạ, Chơ ro… Hay thành phố Hồ Chí Minh là nơi nhiều người ở tỉnh thành khác đến sinh sống nên những món ăn họ làm ra cũng mang đặc trưng của những tỉnh thành đó.
Không đủ cơ sở để khẳng định cúng xóm có nguồn gốc từ những cư dân miền Trung nói chung hay Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng nhưng có thể khẳng định là với quá trình đô thị hóa và di dân thì lễ cúng xóm của những cư dân này đã dần lan tỏa ra những địa phương khác. Với mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của nó đã được mọi người thừa nhận và duy trì, phát triển. Bởi vì khi đi đên đâu hay khi cuộc sống văn minh, hiện đại như thế nào thì truyền thống vẫn là điều cốt lõi quan trọng và cần được giữ gìn.
Tóm lại, qua một vài xóm ở Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh thấy được đây là những xóm mới được thành lập trong quá trình di dân, phát triển đô thị… Ở những xóm này cũng như các xóm mới ở làng Hoán Mỹ, hầu hết là những xóm không có miếu nên việc tổ chức cúng kiếng sẽ theo một địa điểm tùy nghi, thuận tiện với vị trí của xóm. Ngược lại với những xóm lâu đời có miếu thì việc cúng xóm sẽ phải tổ chức tại miếu xóm. Miếu xóm luôn gắn bó với con người từ lâu nên hiểu được miếu xóm là nơi thờ thần cũng như là tế các âm hồn cho nên viêc cúng kiếng là rất quan trọng. Ở làng hay ở miếu xóm luôn gắn liền với các vị thần cai quản, coi sóc cho xóm, mang ý nghĩa tâm linh. Trong khi đó, với những xóm mới (đặc biệt là ở các xóm mới do người di cư lập nên) họ cũng tổ chức cúng xóm, nhưng cúng xóm lúc này mang ý nghĩa xã hội là cố kết cộng đồng, gắn kết những người xa quê để có thể nhớ về cội nguồn và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện tại. Như vậy đã có sự chuyển dịch ý nghĩa về nghi thức cúng xóm, từ ý nghĩa tâm linh sang ý nghĩa xã hội. Mỗi dạng thức xóm khi tổ chức cúng xóm đều mang ý nghĩa tâm linh hay ý nghĩa xã hội nhưng có điều ý nghĩa nào sẽ nổi bật hơn mà thôi. Điều này đã đi đến việc giải thích cho câu hỏi nghiên cứu được đưa ra, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, cúng xóm ngày càng được lan tỏa và thực hiện vai trò xã hội của mình.
Khi tra cứu trên báo mạng và xem xét các bình luận xã hội thì được biết không phải nơi nào cũng có tổ chức cúng xóm. Có những người ở địa phương khác cho rằng tập tục này ở quê hương họ không có, cho nên họ bày tỏ sự thích thú và quan tâm với tục lệ mới mẻ (với họ) này. Họ cho rằng đây là nét văn hóa đẹp cần phát huy và cũng hy vọng ở địa phương họ trong một tương lai không xa sẽ tổ chức được giống như vậy [10].
—————-
Đỗ Thành Tân
Truyền thống và biến đổi văn hóa dân gian tộc người Cơ tu xã Hoà Bắc
huyện Hoà Vang
Trong khoảng chưa đầy nửa thế kỷ qua, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là sự ra đời và tác động của công nghệ thông tin đã làm cho quá trình giao lưu trên thế giới có bước phát triển mới. Các quốc gia, dân tộc có xu hướng xích lại gần nhau hơn, phá vỡ dần mức độ khép kín ít nhiều của mình để hòa nhập vào những phân hệ gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau trong một hệ thống phân công lao động và thị trường toàn cầu. Đồng thời với quá trình này là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ giữa các quốc gia, dân tộc mà bên trong nó là quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập, đa dạng và phức tạp, bao gồm cả những phản ứng cực đoan, đụng độ và mâu thuẫn, làm nảy sinh những biến dạng văn hóa. Từ đó hình thành những kiểu dạng văn hóa gần giống nhau bởi sự phổ biến của những giá trị mang tính phổ quát. Và vì thế, nhu cầu tự bảo vệ mình, tìm lại những dấu hiệu nhận diện riêng – tức bản sắc dân tộc, trở thành nhu cầu cấp thiết của tất cả các chủ thể khi tham gia vào sân chơi toàn cầu hóa.
Đối với nước ta, sau bước hội nhập đầu tiên là gia nhập khối ASEAN, nay đã là thành viên của WTO, như thế là đã thực sự tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Việc mở rộng giao lưu quốc tế trên cơ sở của phát triển kinh tế thực tế đã có những tác động không nhỏ tới lĩnh vực văn hóa nước ta trong suốt những năm vừa qua. Cùng với việc phục hồi, phát huy các giá trị văn hoá, nền văn hoá nước ta có điều kiện tiếp thu các giá trị mới của nền văn hoá thế giới và ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, đồng thời cũng có những vấn đề khó khăn phải đối mặt. Trong các vấn đề đó thì thách thức về văn hoá, về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị truyền thống, cũng như tính đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được coi là những thách thức lớn nhất hiện nay.
Bài viết đề cập những biến đổi văn hóa của cộng đồng người Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng trong xu thế toàn cầu hóa. Đây là một cộng đồng nhỏ sống nơi rừng núi hẻo lánh của thành phố nhưng ytong xu thế toàn cầu hóa hiện nay phần nào đã tác động đến đời sống văn hóa của họ, làm nảy sinh những biến đổi to lớn và đặt ra yêu cầu cần được bảo tồn, phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Vài nét về bản sắc văn hoá người Cơ tu
Tộc này có nhiều tên gọi khác nhau như: K’Tu, Kha Tu, Kà Tu, Teu, Cao, Khát, Hạ, Thap, Kao To, Kanto, Ta Rier – Van Kieu,… Hiện nay, tộc danh của tộc người này vẫn đang tranh cãi giữa các tên Cơ tu, Katu và Cơtu. Trong đó, từ “Cơtu” được sử dụng phổ biến, nhưng theo cách giải thích của Bh’ Riu Liếc trong cuốn Văn hóa người Cơ tu thì từ “Cơ tu” có tính thuyết phục cao hơn.
Người Cơ tu sống tập trung ở vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, chủ yếu ở ba huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang. Ở Thừa Thiên Huế, người Cơ tu sóng tập trung chủ yếu ở hai huyện Nam Đông và A Lưới. Ở thành phố Đà Nẵng, dân tộc Cơ tu tập trung ở ba thôn: Giàn Bí, Tà Lang thuộc xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc thuộc xã Hòa Phú của huyện Hòa Vang. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có 950 người.
Người Cơ tu định cư ở vùng đất Hòa Vang có thời gian tương đối ngắn. Theo đồng bào người Cơ tu kể lại, người dân thôn Phú Túc trước đây sống ở Sông Côn thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam), tháng 11 năm 1971 thì họ dời xuống Ngầm Đôi (Phú Túc) rồi đến năm 1988 họ tiếp tục dời xuống chỗ ở hiện nay, cách không xa Ngầm Đôi. Người Cơ tu tại hai thôn của xã Hòa Bắc được dời đến từ năm 1992. Nguyên trước đây, bộ phận người Cơ tu này định cư tại khu vực đèo Mũi Trâu, giáp với huyện Đông Giang – Quảng Nam, rất sâu trong rừng. Năm 1991, do xuất hiện dịch bệnh làm chết 21 người dân trong làng. Vì quá xa và giao thông cách trở, dịch vụ y tế không tiếp cận được nên chính quyền huyện Hòa Vang vận động người dân dời làng và tổ chức di dời toàn bộ làng mạc xuống vùng Tà Lang, Giàn Bí, cách nơi ở cũ hơn 20km và họ định cư ổn định ở đây từ đó đến nay. Khoảng cách từ vùng đồng bào dân tộc Cơ tu đến trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km, tính theo đường bộ.
Khoảng 15 năm trước, do sống quần cư trên vùng núi cao, điều kiện kinh tế – xã hội, canh tác ít thay đổi nên người Cơ tu còn bảo lưu bản sắc tộc mình hầu như khá nguyên vẹn. Trong ngôi nhà đàn ông – nhà làng – của dân tộc Cơ tu còn mang nhiều đặc điểm của hai dạng nhà khắc trên trống đồng Đông Sơn cùng với nhiều phong tục được coi là thuộc thời kì văn hóa Đông Sơn như: đóng khố, cởi trần, xăm mình, cà răng, nhuộm răng đen, ăn trầu, trang trí đầu bằng lông chim, đánh trống đồng, cồng chiêng, dùng tên tẩm thuốc độc… vẫn còn được thấy ở người Cơ tu[]. Nhưng hiện nay, những gia trị văn hóa đó đã phần nào đã thay đổi khá nhanh chóng. Tuy nhiên, nói về đặc trưng văn hóa của người Cơ tu, ở nhiều nguồn tư liệu có điểm thống nhất như sau:
Về đặc điểm kinh tế, người Cơ tu trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, chọc lỗ tra hạt. Các hoạt động kinh tế khác gồm có chăn nuôi, dệt, đan lát, hái lượm, đánh cá, săn bắn và trao đổi hàng hóa theo cách vật đổi vật.
Về tổ chức cộng đồng, người Cơ tu theo chế độ phụ hệ, con lấy họ theo cha, chỉ con trai mới được thừa hưởng gia tài. Mỗi dòng họ người Cơ tu đều có tên gọi riêng, người trong họ phải kiêng cữ một điều nhất định. Có chuyện kể về lai lịch của dòng họ và sự kiêng cữ đó. Lúc sống, dòng họ có trách nhiệm cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau, khi chết được chôn cất bên nhau trong bãi mộ chung của làng. Làm nhà mồ, chung quanh mộ dựng nhiều tượng gỗ, không có tục cúng giỗ, tảo mộ.
Về hôn nhân gia đình, theo tập tục Cơ tu, khi người họ này đã lấy vợ họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ họ này, mà phải tìm ở họ khác. Tập tục người Cơ tu cho phép khi chồng chết, vợ có thể lấy anh em chồng, khi vợ chết, chồng có thể lấy em hay chị vợ. Việc kết hôn thường mang tính gả bán, và sau lễ cưới cô dâu đến ở nhà chồng. Chế độ một vợ một chồng phổ biến, nhưng cũng có một số người khá giả lấy hai vợ.
Về nhà ở, trong làng người Cơ tu, các nếp nhà sàn tạo dựng theo hình vành khuyên hoặc gần giống thế. Ngôi nhà gươl cao, to, đẹp, là nơi tiếp khách chung, hội họp, cúng tế, tụ tập chuyện trò vui chơi.
Về trang phục, đàn ông quấn khố, thường ở trần, đàn bà mặc váy ống. Người Cơ tu có cá tính riêng trong tạo hình và trang trí trang phục, khác các tộc người khác trong khu vực, nhất là trang phục nữ. Đồ trang sức phổ biến là vòng tay, vòng cổ, khuyên tai. Các phong tục xăm mặt, xăm mình, cưa răng, đàn ông búi tóc sau gáy đã dần được loại bỏ.
Về văn nghệ, người Cơ tu có nhiều truyện cổ kể về sự tích, về xã hội con người, về sự phát sinh các dòng họ… Trong lễ hội thường trình diễn múa tập thể: nữ múa Ză – ză, nam múa Tung tung. Nhạc cụ thường thấy là bộ chiêng (ching) 3 chiếc, cồng (Goong, Bhor Torove) 1 chiếc, trống (Chơr – gor, Cà thu), sáo, đàn, nhị. Phụ nữ tài nghệ trong việc dệt các đồ án hoa văn bằng sợi màu trang trí với các hoạ tiết hình học phân bố và kết hợp khéo léo chì và cườm trên vải. Nam giỏi trong điêu khắc trang trí ở nhà mồ, nhà công cộng, với những hình đầu trâu, chim, rắn, thú rừng, gà… cũng như trong việc vẽ hoa văn trang trí trên cây cột buộc con trâu tế. Người Cờ Tu có những điệu hát riêng của mình.
Các tác nhân chủ yếu gây biến đổi
Là một cộng đồng nhỏ nằm ở khu vực miền núi hẻo lánh phía Tây của thành phố Đà Nẵng nhưng người Cơ tu không nằm ngoài ảnh hưởng của toàn cầu hóa hiện nay. Toàn cầu hóa thậm chí đang hàng ngày hàng giờ tác động lên tất cả các phương diện đời sống xã hội người Cơ tu, trước hết là thông qua việc giao thương, qua truyền thông đại chúng, qua các loại hình thể thao, giải trí… Theo quan sát của chúng tôi, khoảng 15 năm trước đây, người Cơ tu Đà Nẵng về cơ bản vẫn còn giữ những nét văn hóa đặc thù riêng của người Cơ tu ở tất cả các mặt như: trang phục, nhà cửa, phong tục, sản xuất, lễ hội… Nói chung, vẫn còn khá nguyên vẹn và không có sự khác biệt lớn so với người Cơ tu ở vùng cao thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng nay, văn hóa người Cơ tu Đà Nẵng đã có sự thay đổi nhanh chóng, đến mức độ có thể hình dung họ như những người Kinh thực thụ. Theoc chúng tôi, các yếu tố tác động gây biến đổi, đó là:
Thứ nhất, cộng đồng người Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có số lượng tương đối ít, nhưng sống tập trung ở hai vùng tách biệt, không gian định cư cũng tách biệt với cộng đồng người Cơ tu Quảng Nam và sống vùng tiếp giáp với người Kinh, họ có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau nên quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Ở họ, các đặc trưng văn hóa như miêu tả trên đây đã bị phôi pha đi rất nhiều. Là một người đang công tác trong ngành Văn hóa của huyện Hòa Vang, có quá trình công tác gắn bó với người Cơ tu, chúng tôi chứng kiến người Cơ tu ở đây đã có quá nhiều thay đổi trong văn hóa của họ, từ việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp đến phong tục tập quán, lễ hội, nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở, tập tục cưới xin, ma chay…
Thứ hai, sự phát triển của hệ thống giao thông và trao đổi hàng hóa: con đường DT 604 được nhựa hóa và mở rộng, xẻ ngang thôn Phú Túc, nối mạch giao thương giữa huyện Đông Giang – Quảng Nam với Đà Nẵng. Con đường ĐT 601 dài hơn 20km nối từ biên giới nội thành Đà Nẵng đến hai thôn Tà Lang và Giàn Bí cũng được mở rộng, trải nhựa nhằm phát triển kinh tế rừng, phục vụ xây dựng thủy điện Sông Ba, cũng như để giao thương và phát triển du lịch. Đây chính là điều kiện để người Cơ tu giao lưu, tiếp xúc thường xuyên hơn với người Kinh.
Thứ ba, sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tổ chức sản xuất theo kế hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trước đây người Cơ tu sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, khai thác những thứ có sẵn từ rừng nhưng ngày nay sản vật từ rừng đã khan hiếm, việc chặt phá đã bị cấm và đất rừng đã được giao khoán lâu năm cho người dân để sản xuất. Điều này đã làm cho tập tục canh tác của người dân chuyển đổi theo hướng kế hoạch hóa tập trung. Người dân được hướng dẫn trồng rừng, chủ yếu là cây nguyên liệu giấy, hương liệu theo nhu cầu thị trường. Một phần diện tích ở thôn Phú Túc và Giàn Bí được chuyển sang trồng lúa và rau màu từ nhiều năm nay. Thanh niên Cơ tu ở đây được dạy nghề và đã tìm việc tại các khu công nghiệp của thành phố. Nhiều người được nhận vào làm tại các khu du lịch sinh thái gần đó, có người được tuyển vào làm công chức chính quyền xã. Nhiều hộ dân hiện nay đã có thể thu nhập thêm bằng nghề buôn bán nhỏ.
Từ sự chuyển đổi về nghề nghiệp và cách tổ chức sản xuất này đã làm cho kinh tế tự túc, khép kín của người Cơ tu Đà Nẵng đã bị phá vỡ phần nào. Xu hướng hiện nay là theo kinh tế hàng hóa, bị chi phối bởi quy luật cung cầu thị trường và đã bắt đầu hòa vào nền kinh tế chung của đất nước. Nếu trước đây người Cơ tu Đà Nẵng sống với nghề truyền thống là khai thác rừng và chăn nuôi, thì nay họ làm thêm nhiều nghề mới như trồng cây công nghiệp, thương mại – dịch vụ… Thu nhập của họ dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào rừng.
Thứ tư, sự phát triển giáo dục – đào tạo, y tế: với việc xây dựng các trường phổ thông tại các thôn đồng bào dân tộc và đào tạo nghề cho thanh niên, đã góp phần rất lớn làm thay đổi nhận thức của người Cơ tu trong suốt những năm qua. Nhiều người Cơ tu hiện nay không còn tin có sự tồn tại của Giàng cũng như những thế lực siêu nhiên khác. Thế hệ người Cơ tu từ những năm 1970 trở về sau hầu hết đều biết đọc, biết viết, thậm chí trẻ em còn nói được cả những câu tiếng Anh thông dụng. Bên cạnh đó, các trạm y tế quân dân y kết hợp cũng đã góp phần làm cho họ không còn tin và chữa bệnh theo cách cúng ém, ma thuật. Hiện nay người dân chọn cách chữa bệnh theo phương pháp Tây y là chính, các bệnh thông thường, người dân có thể tự chữa bằng những bài thuốc cổ truyền.
Thứ năm, việc tiếp cận thông tin đại chúng và truyền thông đa phương tiện của người Cơ tu Hòa Vang diễn ra nhanh chóng. Những năm trước, tín hiệu TV được thu bằng ăn-ten chảo, gặp nhiều trở ngại kỹ thuật. Hai năm trở lại đây trạm phát lại truyền hình đã được xây dựng tại Hòa Bắc, cho phép người dân thu tín hiệu trực tiếp từ nhiều kênh. Hiện nay, người dân đã quá quen với chiếc điện thoại di động. Internet tuy chưa nhiều nhưng đã có người sử dụng. Hạ tầng thông tin phát triển cho phép đồng bào Cơ tu ở đây tiếp xúc với thông tin trong và ngoài nước ngày một nhiều và kịp thời. Văn hóa các vùng miền gần xa đều được người Cơ tu biết đến. Người ở đồng bằng có thông tin gì thì người Cơ tu vùng núi cũng có những thông tin ấy. Xuất bản phẩm, báo chí được cung cấp cho vùng dân tộc ở đây còn ít nhưng với sự phát triển của truyền thông đa phương tiện đã đủ làm cho văn hóa người Cơ tu ở đây có những biến đổi to lớn.
Cộng đồng dân tộc Cơ tu Đà Nẵng trước đây có những đặc thù riêng, xã hội vận hành theo tập quán, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng theo phong tục cổ truyền. Hiện nay, không gian địa lý và không gian xã hội ở vùng này đã thay đổi về căn bản. Tác động của sự phát triển kinh tế, điều kiện sinh hoạt vật chất, sự gia tăng dân số, sự cộng cư của người Kinh và ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, văn hóa các vùng miền khác đã làm cho văn hóa người Cơ tu biến đổi, xáo trộn to lớn. Tính chỉnh thể của văn hóa Cơ tu Đà Nẵng đã bị phá vỡ ở những mức độ nhất định. Chính vì không còn tin có Giàng nên người Cơ tu chẳng sợ bị trừng phạt khi phạm phải những điều cấm kị. Xưa nay người Cơ tu quan niệm “giấu ai không thể giấu Giàng”. Vì Giàng là đấng tối thượng nên nếu không sớm thú nhận thì tội lỗi sẽ càng thêm nặng, nhất định sẽ bị trừng phạt. Vì vậy, tất cả người Cơ tu đều chấp hành luật tục một cách nghiêm túc. Khi không còn tin có Giàng họ có lối thoát về mặt tinh thần khi phạm luật nên họ không thú tội. Và vì vậy, luật tục bị mất dần khả năng điều chỉnh quan hệ cộng đồng, thay vào đó là luật pháp nhà nước.
Xu hướng biến đổi
Xu hướng của văn hóa tộc người Cơ tu ở Đà Nẵng là biến đổi, hội nhập với những giá trị chung mang tính phổ quát. Trong đó, sự mai một, biến đổi của các thành tố văn hóa vật thể diễn ra nhanh hơn, nhiều hơn so với các thành tố văn hóa phi vật thể.
Về nhà ở, tất cả các hộ đồng bào dân tộc ở đây đã không còn ở nhà sàn, thay vào đó là nhà xây kiên cố và bán kiên cố được UBND thành phố xây dựng theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo từ năm 2004. Các nhà Gươl được dựng lại tuy nhiên cũng đã bê-tông hóa một phần, dung hợp nhiều yếu tố của văn hóa người Kinh như vật linh long, phụng.
Việc bài trí trong nhà, nhiều dụng cụ gia đình, lối ăn ở, sinh hoạt của đồng bào phần nhiều đã giống người Kinh. Trang thiết bị trong nhà được hiện đại tối đa. Về trang phục, trừ các ngày diễn ra nghi lễ, lễ hội có một số ít người già mặc trang phục truyền thống, còn lại gần như sử dụng sản phẩm may mặc công nghiệp. Về ẩm thực, trừ việc uống rượu cần, món ăn trong các nghi lễ, lễ hội là theo cổ truyền, còn lại đã có thay đổi về cách chế biến món ăn, đồ uống, cách thức ăn uống cũng thay đổi theo hướng sử dụng đồ dùng công nghiệp. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng.
Nghi lễ, lễ hội của người Cơ tu đang mai một dần, biến đổi rất nhanh. Nhìn chung, nghi lễ về vòng đời người vẫn tiến hành, nghi lễ liên quan đến sản xuất nương rẫy theo phương thức cổ truyền được thực hiện khá nguyên vẹn, còn lại diễn ra theo xu hướng đơn giản, gọn nhẹ. Lễ hội cũng mai một, biến đổi theo xu hướng này. Ngày nay lễ hội còn bị hướng vào xu hướng hiện đại hóa, cấu trúc bị cắt xén nhiều phần. Đâm trâu là hoạt động trung tâm của lễ hội, thể hiện cao độ tín ngưỡng dân gian, mang ý nghĩa hiến tế thần linh để cầu an lành nhưng nhiều năm liền không có đâm trâu nên lễ hội đã mất dần tính thiêng và tính chỉnh thể của lễ hội cũng không còn. Tiếng cồng chiêng đã trở nên thưa thớt dần trong các lễ hội. Người già lần lượt mất đi, người trẻ thì không buồn học lại. Những điều cấm kị về sử dụng cồng chiêng đến nay cũng đã giảm dần tính hiệu lực. Xu hướng biến đổi này cũng giống với xu hướng biến đổi văn hóa của các dân tộc vùng Tây nguyên.
Tập tục ma chay, cưới xin cũng bị biến đổi rất nhiều, vừa theo hướng tích cực nhưng cũng vừa dung hợp những yếu tố lạc hậu từ bên ngoài. Chẳng hạn, tính gả bán đã giảm đi nhiều nhưng việc cưới được tổ chức rình rang, linh đình với bia rượu và hát múa nhạc mới ồn ào. Nhiều đám cưới được tổ chức theo kiểu “khoán” cho dịch vụ lo từ đầu đến cuối. Việc tang cũng tiếp nhận nhiều yếu tố bên ngoài như phúng điếu bằng phong bì, vòng hoa, liễn đối, đốt vàng mã.
Tổ chức cộng đồng: Người Cơ tu không lâu trước đây còn tổ chức cộng đồng theo hình thức công xã nên quan hệ cộng đồng khá chặt chẽ. Làng là một đơn vị dân cư trên một địa vực nhất định và riêng biệt, tự quản dựa vào tập tục, đứng đầu là ông già làng quyền uy, được nể trọng. Sự phân hoá xã hội chưa sâu sắc. Gia tài được xác định bằng chiêng ché, trâu bò, đồ đeo trang sức, vải vóc. Hiện nay, ở nhiều thôn ở huyện Đông Giang, Tây Giang – Quảng Nam, tổ chức cộng đồng của người Cơ tu vẫn còn mang đậm hình thức truyền thống này, nhưng với người Cơ tu Đà Nẵng thì đã có sự thay đổi. Vai trò già làng ở đây bị giảm dần, nổi lên là vai trò của bí thư chi bộ và trưởng thôn. Trước đây, nếu nhà nào trong làng săn bắt được con thú gì thì họ phải mang về chia cho cả làng cùng ăn nhưng nay tập tục này đã bị phôi pha, được thay thế bằng sự trao đổi, mua bán.
Luật tục Cơ tu so với các di sản phi vật thể khác cũng bị mai một theo xu hướng biến đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Xu hướng biến đổi của luật tục là đơn giản, gọn nhẹ hơn so với tập tục cổ truyền. Chẳng hạn, người Cơ tu tối kỵ việc chửa hoang (gọi là t’niết t’rát hay t’niết t’bhúc), người nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng bằng hiện vật gồm: trâu, heo, dê, mỗi thứ một con và chiêng, ché, nồi đồng, mỗi thứ một cái. Hiện nay, hình thức phạt này ở người Cơ tu Đà Nẵng đã không còn mà chỉ còn lại sự kinh miệt, lên án của cộng đồng đối với người chửa hoang. Đối với các tội khác như gây mất đoàn kết trong cộng đồng, chặt cây cổ thụ, phá rừng đầu nguồn…, người xử kiện có tính đến hoàn cảnh kinh tế của người phạm tội để đưa ra quyết định thế nào cho vừa có lý vừa có tình. Trong nhiều trường hợp, việc xét xử nhằm mục đích răn đe, giáo dục hơn là áp dụng hình phạt.
Về nghề truyền thống: Nghề dệt thổ cẩm hiện nay đã thất truyền hoàn toàn. Người Cơ tu Đà Nẵng hiện nay ăn mặc giống người Kinh. Trang phục truyền thống chỉ được mặc mang tính nghi thức khi có lễ hội, việc hệ trọng của làng. Đặc biệt trang phục truyền thống này được mua từ xã Tà Lu hoặc Sông Côn, A Tin thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam).
Trước đây, đến với người vùng đồng bào Cơ tu ở đây, chúng tôi có cảm giác như đến với đại ngàn Tây nguyên, thì nay cảm giác đó đã không còn, thay vào đó là cảm giác bị mất mát, bởi sự thay đổi đã diễn ra quá nhanh mà không có một điều gì khả dĩ kiềm giữ được, ít nhất là những cái tạo nên bản sắc của họ. Đành rằng hội nhập là để phát triển và văn hóa nào ưu việt hơn sẽ lấn át một cách tự nhiên trong sân chơi hội nhập, nhưng chúng tôi vẫn thấy tiếc nuối về những gì đã trôi qua mà chắc chắn là sẽ không bao giờ trở lại được. Người Cơ tu Đà Nẵng bây giờ đã khoác lên mình chiếc áo văn hóa mới sặc sở màu của những văn hóa khác nhau. Gam màu chủ đạo vẫn là Cơ tu và sự sặc sở được dệt nên bởi yếu tố Việt, Tây, Tàu…
Trên đây là một số thách thức mà cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Vang đã và đang gặp dưới tác động của toàn cầu hóa, nhưng dù gì thì người Cơ tu Đà Nẵng hiện nay cũng đã có những bước phát triển về nhiều mặt. Điều đáng quí là đời sống tinh thần người Cơ tu ở đây đã thoát khỏi tư duy thần thoại và sự kiềm tỏa của giới siêu nhiên, tạo ra sự bức phá để phát triển. Chất lượng cuộc sống được nâng cao qua từng ngày. Người dân được học hành, được chăm sóc y tế, được hưởng nhiều phúc lợi xã hội mà cách đây không lâu họ không có được. Rõ ràng, hội nhập đã tạo ra sự thay đổi đối với người Cơ tu ở Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng mặc dù sự hội nhập của họ là thụ động nhưng được nhiều hơn là mất. Cái được ở đây là đời sống kinh tế – xã hội đã có bước đột phá về chất lượng. Những gì lạc hậu, trì trệ trong quan niệm, tập tục từng bước bị loại bỏ và thay vào bằng tư duy biện chứng khoa học.
Học tập cái mới, cái tốt và đào thải những cái lạc hậu là quy luật phát triển của văn hoá. Thời kỳ đầu khi tiếp xúc với những cái gì to tác, thường thì người tham gia bị choáng ngợp, mất cảnh giác nhưng rồi sau đó họ lại tự nhận ra mình và có xu hướng tìm lại chính mình. Ở tầm phát triển như hiện nay, mặc dù nhiều giá trị mới chưa hình thành ổn định, nhưng người Cơ tu Đà Nẵng đã có điều kiện mới để tìm lại và tạo ra bản sắc của riêng mình phù hợp với điều kiện sống hiện tại.
————————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Đình Khoa (1983), Các dân tộc ở Việt Nam, Nxb.Khoa học xã hội Hoà Nội.
- PGS.TS. Đỗ Hồng Kỳ (2013), Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên cổ truyền trong phát triển bền vững, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam điện tử (http://vssr.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/ngonnguvanhocvanhoa/View_Detail.aspx?ItemID=49
- Bh’ Riu Liếc (2009), Văn hoá người Cơ tu, Nxb. Đà Nẵng)
- GS. Đinh Xuân Lâm, PGS.TS. Bùi Đình Phong (2004) “giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hộinhập”, Tạp chí Cộng sản [62]
- Bùi Thanh Quất (2003), Toàn cầu hóa – một cách tiếp cận mới, Tạp chí Cộng sản [27]
- Phan Kế Bính (1988). “Việt Nam phong tục”, Nxb.TP Hồ Chí Minh
- Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu (1968). “Đất lề quê thói”, Nxb.Đại Nam
- Võ Văn Hòe (2008). “Văn hóa dân gian Hòa Vang”, Nxb.Đà Nẵng
- Vũ Đức Sao Biển. “Cúng xóm”, Báo Thanh niên online đăng ngày 03/01/2016 (http://thanhnien.vn/doi-song/cung-xom-652051.html)
- Tân Việt (2001). “Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam”, Nxb.Văn hóa dân tộc.
—————————–
Đỗ Thành Tân
Luật tục và sự biến đổi của nó
[Người trả lời phỏng vấn: Ating Mlô và Alăng Đợi thôn Gừng, thị trấn Prao, Đông Giang; Bùi Văn Cầm và Trương Văn Dũng thôn Giàn Bí xã Hòa Bắc].
Người Katu tổ chức cuộc sống cộng đồng theo đơn vị làng (veel, bhươl). Làng cũng là tổ chức xã hội duy nhất, đơn giản nhất của người Katu. Lãnh thổ của làng trong phạm vi biên giới được xác định bằng sông, suối, tảng đá, gốc cây cổ thụ, ngọn núi… Tất cả mọi thứ trong phạm vi đó đều thuộc sở hữu của làng. Làng của đồng bào Cơtu vừa là đơn vị cư trú vừa là đơn vị hành chính mang tính chất tự quản. Việc quản trị làng là do chủ làng hay già làng (Ta coh vêêl) đảm nhiệm. Già làng là người có uy tín, hiểu biết, có tài đàm phán và người nhà của ông ta cũng phải có lý lịch và quan hệ xã hội tốt thì mới được dân làng bầu chọn. Giúp việc cho già làng là hội đồng tộc họ, là tập hợp những người già đại diện của các dòng tộc trong làng. Trong thời gian nắm quyền, nếu đời sống dân làng ấm no, cuộc sống bình yên thì uy tín của già làng càng tăng cao. Không may nếu liên tiếp hai, ba vụ mùa thất bát hoặc dịch bệnh gây chết người thì già làng đành bất lực chịu bị phế truất bởi hội đồng tộc họ và dân làng. Họ sẽ họp lại, bãi nhiệm ông ta và bầu người khác lên thay. Đó là một quy định bất thành văn từ xưa tới nay đối với người có vai trò, vị trí cao nhất trong làng. Tất cả các thành viên khác trong làng hiển nhiên có quy định xử phạt một cách rõ ràng dành cho anh ta khi không hoàn thành vai trò chức trách nhiệm của mình hoặc vi phạm các điều cấm của làng – rất bình đẳng và không có trường hợp ngoại lệ về việc xử phạt trong phong tục của người Katu. Trong phần này chúng tôi sẽ nói về luật tục thông qua một số mối quan hệ, ứng xử xã hội đặc thù xưa và nay để cung cấp cái nhìn so sánh về sự vận động, biến đổi của nó theo thời gian, dưới ảnh hưởng của các yếu tố ngoại sinh khác.
Với nhiệm vụ nghiên cứu luật tục truyền thống và sự biến đổi của nó dưới góc nhìn văn hóa học chứ không phải nghiên cứu luật tục theo góc nhìn pháp lý, do đó chúng tôi tạm đưa ra một quan niệm mang tính công cụ cho việc soi xét vấn đề để không nhầm lẫn với các quy định khác trong phong tục. Với mục đích như vậy, chúng tôi quan niệm rằng, luật tục là những quy định bắt buộc theo phong tục của cộng đồng dùng để phân xử phải trái, đúng sai đồng thời giới hạn hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng và con người với tự nhiên, với thế giới thần linh để bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng, duy trì trật tự ổn định và bảo đảm cho cộng đồng tồn tại, phát triển.
Cộng đồng người Katu Đà Nẵng, theo sự xác nhận của họ, có gốc gác thuộc xã Ba và xã Tư thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, thuộc nhóm người Katu phương, và hiện nay vẫn có quan hệ bà con với nhiều người Katu huyện Đông Giang. Điều này được củng cố hơn khi, trong quá trình điền dã, nghiên cứu văn hóa của người Katu Đà Nẵng và người Katu huyện Đông Giang, chúng tôi nhận thấy phong tục tập quán giữa hai địa phương hầu hết là tương đồng. Tuy nhiên, do có quá trình tiếp xúc thường xuyên với người Kinh nên trong khoảng ba mươi năm trở lại đây văn hóa và phong tục của cộng đồng người Katu Đà Nẵng đã có những biến đổi nhanh chóng.
Nói về luật tục, có thể khẳng định người Katu có một hệ thống luật tục khá phong phú, bao quát các mặt đời sống của cộng đồng. Việc thi hành nó trong đời sống hết sức nghiêm minh và bình đẳng với tất cả mọi thành viên. Hình phạt đối với những người vi phạm là vật phẩm có giá trị lớn mà người phạm tội phải mất nhiều năm mới có thể tạo dựng được, thậm chí là tù chung thân hoặc trả giá bằng mạng sống nếu phạm phải trọng tội. Vì thế, các hành vi lệch lạc bị chế ngự và cộng đồng người Katu luôn giữ vững được sự ổn định, trật tự.
Luật tục này tồn tại ở dạng truyền miệng bởi người Katu không có chữ viết. Kể cả khi cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX đồng bào được Bộ đội giải phóng hướng dẫn cách dùng chữ Quốc ngữ để kí âm thì luật tục của họ cũng không thấy được ghi chép. Hệ thống này đề cập tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội: quan hệ cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của thủ lĩnh, hôn nhân và gia đình, sở hữu tài sản, việc xâm phạm tới các cá nhân (xúc phạm, gây thương tích, giết người), xâm phạm lợi ích cộng đồng… Và điều quan trọng là, hệ thống này hầu hết đều liên quan đến yếu tố thần linh – hệ thống Giàng, phù thủy và ma quái của người Katu, mà dưới đây chúng ta sẽ thấy rõ sự hiện diện đó trong hầu hết các ví dụ mà chúng tôi dẫn ra.
- Trong luật tục người Katu, tội phá hoại tài sản của người khác sẽ bị phạt một con heo, một ché rượu cần và một con gà. Tất cả dùng để cúng Giàng nhằm chữa cái tật xấu để lần sau không tái phạm và cũng để già làng hòa giữa hai bên. Và tất nhiên, ngoài việc chịu lễ phạt, anh ta còn phải đền bù thiệt hại cho bên bị hại. Nếu làng này phá hoại tài sản của làng kia thì già làng hai bên sẽ cùng ngồi lại với nhau cử hành nghi thức cúng Giàng và hoà giải, thoả thuận đền bù. Vì nếu không giải hòa thì hai bên vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, như thế sẽ không mời nhau được.
……………
——————————-
2. Tội ngoại tình: những ai phạm vào tội ngoại tình nếu bị phát hiện thì người đàn ông phải chịu phạt một con heo trắng ba gang (khoảng 40-50kg) và ché rượu cần. Ngoài vật phẩm sắm cho làng cúng giàng, người đàn ông ngoại tình đó phải nộp cho chồng
[1] Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Hòa Phú, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2004
[2] Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng xã Hòa Bắc, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2007
[3] Oscar Salemink, 2005, 01 (Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Vũ Hoàng dịch).
[4] Bronislaw Malinowski là nhà Nhân học Anh. Trong lĩnh vực nghi lễ ông đưa ra giả thuyết là môi trường càng bất trắc thì những tâm lý lo lắng càng tăng, cho nên người ta có khuynh hướng dùng lễ nghi. Giả thuyết này dựa trên nghiên cứu của ông về việc đánh cá của người dân trên đảo Trobriand. Xem thêm: những vấn đề nhân học tôn giáo, 2006, 159.
[5] Đô thị hóa, Diễn đàn học mãi, ngày 27/6/2012; xem thêm: http://diendan.hocmai.vn/threads/dia-li-9-do-thi-hoa.237377/
[6] Nguyễn Thị Hoài Hương, Người Quảng ở Sài Gòn, Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, tr.78-80. Xem thêm: dised.danang.gov.vn/LinkClick.aspx?fileticket=11cvmBvFuC8%3D&tabid=62
[7] With the relaxation of the travel permit system after 1986, out migration increased as families moved to various parts of the country, and some found their way to Ho Chi Minh city, often after some years in the centres such as Bình Thuận, Đồng Nai, Đà Lạt.
[8] “Về Đà Lạt xem cúng xóm”, Báo Gia đình ngày 15/01/2012; xem thêm: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ve-da-lat-xem-cung-xom-201201120314815.htm
[9] “Cúng xóm”, Báo Thanh niên ngày 03/01/2016; xem thêm: http://thanhnien.vn/doi-song/cung-xom-652051.html
[10]“Mâm cúng làng xóm bày giữa đường”, báo Vnexpress ngày 21/01/2014, xem thêm: http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/mam-cung-lang-xom-bay-giua-duong-2943968.html
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
DIỄN ĐÀN
ĐỖ THỊ DIỆU HÀ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
tộc người Cơ tu huyện Hòa Vang,
Đà Nẵng
HOÀNG HÀ GIANG Biến đổi lễ cũng xóm ở Đại Lộc
trong bối cảnh đô thị hóa
ĐỖ THANH TÂN Tuyền thống và biến đổi văn hóa dân
gian tộc người Cơ tu huyện Hòa
Vang
ĐỖ THÀNH TÂN Luật tục Cơ tu và sự biến đổi của nó
VÕ VĂN HÒE Một số sinh hoạt thời xưa xủa người
miền biển Đà Nẵng
VÕ VĂN HÒE Giao thoa cày bừa trong nông nghiệp
TRƯƠNG VĂN MÓN Tiếp cận phương pháp và lý
thuyết trong nghiên cứu lễ hội
ĐINH THỊ HỰU Một số đặc điểm nội dung và thi pháp
của truyện Thủ Thiệm…
PHAN THỊ MIỀU Ngư dân Đà Nẵng và biển cả…
VŨ HÙNG Trầm tích Cu Đê…
PHAN THẾ TẬP Chuyện bà Tú Kinh…
NGUYỄN THÀNH KHÁNH Mối quan hệ nhìn từ mặt đồ
hình giữa bài chòi Việt Nam và bài
giấy dân gian Trung Hoa …
HƯƠNG THU Chuyện trái nam trân…
ĐINH THỊ TRANG Tín ngưỡng của cư dân Đà Nẵng thế
kỷ XVIII qua nhật ký của
John Barrow…
ĐINH THỊ TRANG Tín ngưỡng thờ thần đất…
NGUYỄN THUẬN Một số phong tục, tập quán
miền biển Đà Nẵng
VÕ VĂN HOÀNG Từ tín ngưỡng Bắc Đế Trấn Vũ, nghĩ
về sự tiếp giao văn hóa
Việt – Hoa – Nhật ở chùa Cầu,
Quảng Nam…
VÕ VĂN HOÀNG Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng
thờ Mẫu của cư dân Bến Tre…
VĂN THU BÍCH Đôi nét về cấu trúc, khúc thức và điệu
thức của hò khoan vùng đất Quảng
Nam – Đà Nẵng…
ĐỖ THỊ CẨM NHUNG Vấn đề văn hóa trong văn học
Trung đại Việt Nam…
THANH XUYÊN Lý thuyết và tình hình nghiên cứu về
tín ngưỡng thờ nữ thần tại Nam Trung
bộ trong tương quan của tính truyền
thống và hiện đại…
CẨM lỆ Giao thoa ẩm thực Việt – Chăm ?
VÕ VĂN HÒE Giá trị văn hóa của nhân dân Hòa
Vang trong hai cuộc kháng chiến…
VĂN HÓA – VĂN NGHỆ
VÕ KHOA CHÂU Sông Tiên miên man dòng chảy
PHẠM PHƯỚC TỊNH Nghề y truyền thống Hội An…
THÔNG TIN – TƯ LIỆU
NGUYỄN THỊ PHÁP Cầm chầu
NGUYỄN THỊ PHÁP Cá chuồn mít non
TRẦN CHIẾN Hoa lê hoa mận hoa đào
TRƯƠNG ĐÌNH QUANG Gặp gỡ nhà nghiên cứu
văn hóa dân gian Hải Liên…
CẨM LỆ Vừa đi vừa chép…
LỜI NÓI ĐẦU
Những ghi chép, biên khảo văn hóa văn nghệ dân gian của hội viên Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng lần này xin được gửi đến bạn đọc trong Văn hóa dân gian Đà Nẵng là thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, khoa học của Hội trên lĩnh vực văn hóa cổ truyền và đương đại trong không gian văn hóa Quảng.
Điều đó cho biết nguồn sữa văn hóa dân gian Quảng Nam, Đà Nẵng đã thấm sâu vào từng số phận con người xứ Quảng. Ở đó, họ đã giữ gìn, phát huy và phát triển qua nhiều thế hệ, đến nay nhìn lại, ta mới thấy ông cha ta đã vì quê hương đất nước này là thế nào, họ đã gởi gắm vào đó nguồn văn hóa chảy dọc theo sự trường tồn của con người trên vùng đất Quảng.
Những bài viết của hội viên trong Văn hóa dân gian Đà Nẵng thể hiện nhiều lĩnh vực gắn với đời người, từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, hội hè,…hy vọng sẽ làm hài lòng bạn đọc quan tâm đến nguồn văn hóa dân gian trên quê hương chưa mưa đà thầm nói riêng và các vùng miền khác nói chung trong nguồn sáng dân gian cả nước.
Hy vọng qua Văn hóa dân gian Đà Nẵng, độc giả sẽ nhìn thấy sự thể hiện của Hội luôn vì mục tiêu sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá di sản văn hóa dân gian mà ông cha ta đã để lại.
Nhân dịp năm mới xuân Mậu Tuất (2018), Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng kính chúc các vị hội viên, cộng tác viên, anh chị em văn nghệ sỹ và bạn đọc gần xa năm mới vạn sự như ý.
HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
DIỄN ĐÀN
Đỗ Thị Diệu Hà
Bảo tồn và phát huy
giá trị văn hóa
tộc người Cơ tu
huyện Hòa Vang, Đà Nẵng
- Một vài nét khái quát chung
Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, trong vai trò đầu tàu của “Hành lang Kinh tế Đông – Tây” và của miền Trung – Tây Nguyên. Hòa Vang là một huyện ngoại thành nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển phía tây của thành phố, nơi đây có 3 cộng đồng người Cơtu cư trú ở 3 thôn: Phú Túc (xã Hòa Phú), Giàn Bí và Tà Lang (xã Hòa Bắc). Đây là các cộng đồng người thiểu số sinh tụ trong một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế – văn hóa của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng trong những năm gần đây đã lan rộng ra các huyện ngoại thành, đặc biệt là huyện Hòa Vang, một huyện ngoại thành duy nhất nằm trên vùng đất liền của thành phố bởi một hệ thống giao thông tương đối thuận lợi. Nhiều con đường liên xã, liên huyện và liên tỉnh đã được mở rộng. Quốc lộ 1A là đường giao thông huyết mạch Bắc – Nam chạy từ Cầu Đỏ qua các xã Hòa Châu và Hòa Phước; quốc lộ 14B chạy qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn nối Quảng Nam với Đà Nẵng; tuyến đường tránh Nam Hải Vân đi qua các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn; các tuyến đường ĐT 601, 602, 604, 605 do thành phố quản lý và hệ thống các tuyến đường giao thông liên huyện và liên xã. Đó là những điều kiện hết sức quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển, trong đó không ngoại trừ hai xã miền núi có sự cư trú của cộng đồng người Cơ tu là xã Hòa Phú và Hòa Bắc.
Xã Hòa Phú nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 25 km. Diện tích tự nhiên là 8.586 ha[1] trong đó đất nông nghiệp 490 ha với 86 ha đất canh tác lúa và 279 ha đất canh tác cây công nghiệp ngắn ngày. Đất lâm nghiệp có 7.086 ha, được che phủ bởi rừng tự nhiên và rừng trồng. Trong diện tích đất lâm nghiệp trên, có 279 ha chứa đựng khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp. Bình quân diện tích đất canh tác nông nghiệp cho một lao động khoảng 2.500m2.
Xã Hòa Bắc nằm ở phía tây bắc huyện Hòa Vang, giáp với xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang ở phía nam, giáp với quận Liên Chiểu ở phía đông. Ngoài ra, Hòa Bắc còn tiếp giáp hai huyện Nam Đông và Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) ở phía bắc và huyện Hiên (tỉnh Quảng Nam) ở phía tây nam. Xã có diện tích khoảng 33,864 ha[2] trong đó diện tích rừng chiếm trên 96%.
Đây là hai xã miền núi nằm cách không xa vùng đô thị trung tâm của thành phố Đà Nẵng, nhưng lại có sự cư trú của cộng đồng người Cơ tu thiểu số ở trên địa bàn. Sự tồn tại của cộng đồng người Cơ tu trên vùng đất này là một quá trình từ di canh, di cư cho đến định cạnh, định cư hiện nay.
Người Cơ tu định cư ở huyện Hòa Vang có thời gian tương đối ngắn. Theo các vị lớn tuổi trong cộng đồng kể lại, trước đây người Cơ tu tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí sống ở khu vực đèo Mũi Trâu, rất sâu trong rừng, giáp với huyện Đông Giang – Quảng Nam. Vì quá xa vì giao thông cản trở, y tế giáo dục đến người dân khó khăn, năm 1991, chính quyền Hòa Vang đã vận động người dân di dời toàn bộ làng xuống định cư tại địa phận hai thôn xã Hòa Bắc cho đến ngày nay. Người Cơ tu thôn Phú Túc trước đây sinh sống vùng Sông Côn thuộc huyện Đông Giang, Quảng Nam. Năm 1971, họ di chuyển xuống khu vực Ngầm Đôi (Phú Túc), đến năm 1998, thì tiếp tục di dời đến chỗ ở hiện nay.
Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Hòa Vang năm 2015, người Cơ tu trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổng dân số khoảng 1.488 người, chiếm khoảng 1% dân số toàn huyện, khoảng 0,1% dân số toàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, người Cơ tu ở xã Hòa Bắc có 250 hộ với dân số khoảng: 1000 người, xã Hòa Phú với 122 hộ thống kê khoảng 488 người.
Đơn vị tính: Người
Người Cơ tu | Tổng số dân | |
Toàn huyện | 1.488 | 128.151 |
Xã Hòa Bắc | 1.000 | 4.145 |
Xã Hòa Phú | 488 | 4.580 |
Ngoài những điểm đặc trưng về văn hóa – xã hội của nhóm người Katuic ở Việt nam, cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Vang có nhiều điểm đáng lưu ý và cần thiết phải nghiên cứu:
– Về mặt văn hóa, họ là đại diện cho một trong những tộc người thiểu số có quá trình sinh tụ lâu đời nhất ở miền Trung Việt Nam, còn bảo lưu đậm nét những dấu ấn văn hóa nguyên thủy; họ vốn là chủ nhân lâu đời của vùng núi rừng rộng lớn trải dài từ thượng nguồn xuống tận đồng bằng, duyên hải, phản ánh đặc trưng của địa hình miền Trung: hẹp chiều đông – tây; giữa núi và biển không có sự gián cách bởi các cấu tạo trung gian.
– Về mặt ngôn ngữ, tiếng nói của các cộng đồng tộc người Cơ tu này mang tính đặc trưng, đại diện cho ngôn ngữ của ngành Katuic, thuộc ngữ hệ Mon – Kh’mer ở Trường Sơn, vốn được các nhà ngôn ngữ học xem là ngôn ngữ bản lề giữa các nhóm Katuic phương bắc và Katuic phương nam;
– Về địa bàn cư trú và sự phân bố tộc người, đây là nhóm Cơ tu có địa bàn cư trú thấp nhất (sát biển), sống ở vùng thấp – so với các nhóm Cơ tu sinh sống ở vùng giữa và vùng cao ở Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang. Trong mặt bằng đối sánh với các nhóm tộc người thiểu số khác ở miền trung hiện nay, đây là nhóm người có địa bàn cư trú gần nhất với đô thị hiện đại, có điều kiện tiếp xúc thuận lợi nhất với hạ tầng cơ sở vật chất, điều kiện sống của một trong tâm kinh tế, văn hóa, xã hội rất phát triển. Chính vì thế, sự biến đổi trong đời sống của cộng đồng Cơ tu ở đây cũng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng hơn với nhiều điểm khác biệt.
Các cộng đồng này đang đứng trước những lựa chọn trong quá trình phát triển: [1] việc tiếp cận một trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của miền Trung, với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, sẽ giúp đồng bào có điều kiện để tiếp nhận thông tin, nâng cao điều kiện sống; [2] nhưng, sự phát triển này có nguy cơ làm mai một hoặc làm mất đi những giá trị truyền thống độc đáo trong đời sống văn hóa – xã hội. Và, như vậy sẽ dẫn đến những thay đổi về lối sống, lẽ sống của họ. Những thay đổi này không hoàn toàn mang tính tích cực mà luôn song hành với những yếu tố tiêu cực. Thực trạng này đặt ra rất nhiều vấn đề trong định hướng phát triển đời sống, tiếp nhận các giá trị mới cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tộc người.
- Một số giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đồng bào Cơ tu ở Hòa Vang, Đà Nẵng
Qua những nghiên cứu, điều tra điền dã và từ thực trạng của vốn di sản văn hóa phi vật thể người Cơ tu trên địa bàn huyện Hòa Vang. Chúng tôi đề xuất một vài phương án cho việc bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa này nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Những hướng bảo tồn này mới chỉ là bước đầu và có thể chưa toàn diện. Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thực sự cần có những nghiên cứu sâu hơn, rộng lớn hơn, cũng như cần có những đóng góp của các chuyên gia và các nhà quản lý văn hóa.
– Vật thể hóa di sản văn hóa phi vật thể
Việc khôi phục những giá trị truyền thống thường diễn ra khi những nhu cầu về vật chất không còn là nỗi ám ảnh trong đời sống người dân. Vấn đề là đến lúc đó, liệu những giá trị văn hóa đặc trưng có còn tồn tại hay đã bị phá vỡ, hòa tan vào văn hóa của những cộng đồng khác. Đến lúc đó, mong muốn khôi phục những nét đẹp văn hóa đã mất đi, họ sẽ không còn bất cứ tư liệu gì để phục dựng khi hướng về cội nguồn.
Cho nên, việc xây dựng những bộ hồ sơ đầy đủ nhất để lưu trữ, trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả phần viết, ghi âm, hình ảnh, quay phim trở nên rất quan trọng. Sử dụng các loại máy móc, thiết bị, phương tiện kĩ thuật nghe – nhìn hiện đại trong việc lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể là một bước tiến so với trước đây chỉ dùng giấy bút để ghi chép quá trình này. Việc sử dụng máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim giúp chúng ta lưu giữ và tái hiện lịch sử một cách tốt hơn. Toàn bộ mọi loại hình văn hóa phi vật thể có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các ngân hàng dữ liệu, các bảo tàng, các viện nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Đó là cơ sở giúp chúng ta sau này có căn cứ để nghiên cứu, phục dựng lại các hiện tượng văn hóa phi vật thể đã bị mai một.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài việc phổ biến các quy định, cần thiết phải giải thích và cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định chung, các văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Cần gắn quyền lợi kinh tế và quyền lợi xã hội của chính người dân trong công việc bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình. Hơn ai hết, chính người dân trong cộng đồng làng bản phải có ý thức trân trọng, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, phải xem đó chính là công việc thiết thân của chính họ, vì tương lai của làng bản, của con cháu họ.
– Đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa
Đối với cộng đồng người Cơ tu, sự khác biệt về ngôn ngữ, lối sống tạo không ít khó khăn cho cán bộ văn hóa cơ sở, đặc biệt là cán bộ người Kinh. Cho nên, công tác đào tạo những cán bộ người Cơ tu trở nên rất quan trọng, họ là nhân tố chính trong việc đưa chính sách về một cách sát thực với cộng đồng làng bản, bằng những bước đi phù hợp, giảm thiểu những bất hợp lý, gây choáng ngợp chông chênh trong nhận thức của đồng bào.
– Nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững. Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Ban hành và thực hiện các chính sách, chế độ phù hợp với từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Mặc dù, hiện nay chính quyền địa phương các cấp đang có các chính sách hỗ trợ nhằm bảo tồn và duy trì các loại hình di sản, đặc biệt là lễ hội truyền thống, nhưng sự can thiệp không đúng hướng của chính quyền vô tình tạo nên sự lệ thuộc của nhân dân, các chủ thể văn hóa vào chính quyền, làm mất đi tính đặc trưng vốn có của di sản. Chính quyền địa phương chỉ nên đề xuất các chính sách hỗ trợ góp phần quản lý và phát huy loại hình di sản văn hóa, mặt khác để cộng đồng tự chủ trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội..
– Bảo tồn nghệ nhân dân gian
Ngày nay, với những phương tiện máy móc hiện đại như: máy ảnh, máy quay phim… chúng ta đều có điều kiện tư liệu hóa những nguồn di sản quý báu. Nhưng vẫn không có gì thay thế được con người trong việc truyền dạy, thực hành và lưu giữ vốn văn hóa này. Như vậy, đối tượng chính để bảo tồn chính là con người, những nghệ nhân dân gian.
Để “bảo tồn” các nghệ nhân dân gian, bên cạnh sự công nhận của công chúng, chúng ta cần có những chương trình bảo vệ họ bằng cách cung cấp những trợ cấp đặc biệt cho những “báu vật nhân văn sống” đã được lựa chọn để họ có trách nhiệm đối với việc bảo vệ di sản như: duy trì, phát triển những kỹ năng và tri thức của họ về di sản cho các thế hệ trẻ thông qua các chương trình đào tạo, các buổi trình diễn, những hoạt động thực hành tín ngưỡng…; sẵn sàng cung cấp thông tin, thực hành trình diễn những hiểu biết của mình về tín ngưỡng phục vụ cho công việc sưu tầm, lưu giữ làm tư liệu và ghi thu (băng hình, băng tiếng và các xuất bản phẩm); khuyến khích các tổ chức và cá nhân có các hoạt động tìm hiểu về văn hóa địa phương…
Ngoài ra, việc nhà nước tôn vinh và phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân dân gian không chỉ góp phần động viên đối với từng nghệ nhân, mà còn là sự cổ vũ, niềm vinh dự, tự hào đối với người thân, gia đình, dòng họ, quê hương của nghệ nhân. Bên cạnh đó, cần có những tuyên truyền trên báo chí, truyền hình để đề cao vị thế xã hội của họ. Đây cũng là sự khuyến khích cho thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp của những nghệ nhân cao tuổi.
Cần coi những nghệ nhân dân gian như tài sản quốc gia, thường xuyên tiến hành kiểm kê các “báu vật nhân văn sống” để nắm được số lượng các nghệ nhân dân gian, từ đó có được những biện pháp bảo tồn hợp lý, kịp thời; có chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động chuyển giao như đào tạo, phổ biến, làm tư liệu các tri thức và kỹ năng của nghệ nhân dân gian, góp phần khuyến khích và đảm bảo các nghệ nhân dân gian thực hiện các công việc này thường xuyên.
– Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang xây dựng rất nhiều khu du lịch sinh thái cộng đồng thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và nghỉ ngơi. Đây là điều kiện thuận lợi để người Cơ tu có cơ hội phát triển du lịch văn hóa cộng đồng tại địa phương. Phát huy di sản văn hóa gắn với xây dựng hệ thống du lịch ở địa phương một cách đồng bộ và khoa học để các loại hình di sản nhanh chóng trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn, làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Thực tế đã chứng minh rằng, việc phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống đã nâng cao đời sống vật chất cũng như văn hóa tinh thần của người dân, từ đó tạo ra những cơ sở thiết chế vững chắc có thể thay đổi diện mạo và cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Đồng thời, việc phát triển du lịch đúng hướng cũng tạo điều kiện để gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa của địa phương thông qua việc tạo nguồn thu cho công tác bảo tồn, cũng như tạo động lực vật chất khuyến khích người dân duy trì và phát huy các giá trị truyền thống này.
Chính nguồn thu từ du lịch và việc nâng cao nhận thức của người dân qua hoạt động du lịch sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo. Và như vậy, bảo tồn cũng có nghĩa là phát triển, đi đôi với phát triển. Làm tốt điều này chính là nhắm đến một mục tiêu lâu dài, đó là sự bảo tồn và phát triển bền vững.
– Huy động nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước đi đôi với nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ và phát huy di sản
Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư khai khác về tiềm năng vật lực và tài lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Huy động các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư trong việc triển khai các hoạt động. Kết nối, lồng ghép giữa các chương trình, dự án về phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số của Trung ương, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Khuyến khích xã hội hóa trong việc tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hóa của cộng đồng.
– Về xã hội
Tăng cường sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện với ngân hàng người nghèo, các đoàn thể để lập các dự án vay vốn, sản xuất lồng nghép với chương trình giải quyết việc làm 120, dự án 327, chương trình định canh, định cư, kinh tế mới, tạo việc làm ổn định cho người dân.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho đồng bào tham gia các hoạt động phòng ngừa dịch bệnh từ bản thân mỗi cá nhân đến không gian chung của làng bản.
Tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện dạy và học phổ thông bằng song ngữ. Công tác giáo dục cần chú ý đến việc thúc đẩy ý thức tự hào của giới trẻ về ngôn ngữ, về truyền thống của cộng đồng.
Tổ chức những lớp đào tạo nghề phù hợp truyền thống và nguyên liệu hiện có tại vùng núi mà đồng bào đang sinh sống, miễn phí hoặc hỗ trợ phí để thu hút đồng bào tham gia, một mặt nâng cao hiểu biết, một mặt tạo ra khả năng, nâng cao nhận thức chủ động kiếm sống cho đồng bào, đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận đối với những việc làm có thu nhập ổn định cho đồng bào.
Thừa nhận lại vai trò tự quản của từng đơn vị làng bản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội có sự thừa nhận của Nhà nước. Phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc nâng cao mức sống và nâng cao nhu cầu hưởng thụ vănhóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong mỗi một cộng đồng làng bản.
Trong mối quan hệ giữa chủ làng – già làng – với trưởng thôn/bản, việc kết hợp bộ máy quản lý hiện hành của nhà nước với cơ chế tự quản của làng là điều nên làm. Đó cũng là cơ sở để dung hòa giữa luật tục và pháp luật, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong làng bản.
– Liên kết không gian cư trú của các cộng đồng người Cơ tu
Một trong những nguyên nhân khiến người Cơ tu ở huyện Hòa Vang thiếu sự “kháng cự” về mặt văn hóa là do số lượng quy tụ và sinh sống quá “nhỏ lẻ” ở một vùng đất khá tách biệt với vùng cư trú với các tộc người anh em của họ. Nếu quy mô cộng đồng Cơ tu ở Đà Nẵng lớn hơn thì sức đề kháng về văn hóa của cộng đồng này sẽ mạnh hơn nhiều và mối quan hệ giữa bảo tồn bản sắc với tiếp biến và giao lưu theo hướng hiện đại hóa sẽ cân đối hơn. Vì vậy, nên chăng, thành phố Đà Nẵng kiến nghị với Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ cho phép thành phố Đà Nẵng được mở rộng địa giới hành chính về phía Tây, tiếp giáp biên giới Việt – Lào bằng cách sáp nhập một số đơn vị hành chính của huyện Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) vào địa giới hành chính của thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, cộng đồng người Katu ở huyện Hòa Vang sẽ có mối liên kết về không gian cư trú và không gian kinh tế – văn hóa – xã hội với các cộng đồng Cơ tu anh em ở Đông Giang và Tây Giang, tạo điều kiện để họ cùng nhau tăng cường sức mạnh trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – xã hội của dân tộc Cơ tu, đủ sức “chống chọi” với các tác động tiêu cực do sự phát triển của đô thị.
Hoàng Hà Giang
Biến đổi lễ cúng xóm ở Đại Lộc trong bối cảnh đô thị hóa
(Trường hợp làng Hoán Mỹ, huyện Đại Lộc)
Bước vào thời kì đổi mới đến nay, kinh tế xã hội ở huyện Đại Lộc (đặc biệt là khu vực trung tâm thị trấn Ái Nghĩa) đã có nhiều biến đổi. Điều này đã tác động đến văn hóa ở các làng thuộc khu vực thị trấn trong đó có tục cúng xóm. Như đã nói, cúng xóm là một thành tố của văn hóa thì nó không phải bất biến mà luôn biến đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện tại, nhất là trong quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh của thị trấn.
Làng Hoán Mỹ hiện nay đang chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa, khi mà chính quyền địa phương đang hướng đến năm 2020 huyện Đại Lộc sẽ nâng tầm lên thành thị xã. Với tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn đến sự thay đổi của không gian nông thôn sang đô thị, những thiết chế mới dần trong làng đã xuất hiện. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của nhiều xóm mới.
Từ năm 1984, huyện Đại Lộc đã có lộ trình sát nhập một số phần đất của xã khác để xây dựng thị trấn Ái Nghĩa thành một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của huyện. Dưới tác động của quá trình xây dựng và phát triển thị trấn thì các làng nằm trong khuôn viên của xã trước đây chuyển sang gọi tên là khu phố. Xã Lộc Phước trước đây (hay thị trấn Ái Nghĩa nay) có năm làng: làng Hoán Mỹ, làng Ái Nghĩa, làng Giáo Trung, làng Giáo Đông, làng Ái Mỹ. Năm làng này hiện hòa chung với nhau chia thành 14 khu phố. Làng Hoán Mỹ nằm trên bốn khu phố 5, 6, 7 và khu Hoán Mỹ. Những khu phố này nằm trên những tuyến đường chính, trung tâm của thị trấn nên có sự phát triển tương đối cao hơn so với những làng khác.
Vì việc thay đổi thiết chế xã hội nên làm cho tính làng từ sự “cởi mở” trở nên còn mờ nhạt hơn trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Ngoài người dân của các xóm cũ thuộc làng có mối liên kết nhất định với làng thì đa phần những người đến sau, sinh sống ở xóm mới cũng như những người di cư đến đây thì làng dường như khá xa lạ. Họ không biết ở đây thuộc phạm vi của làng Hoán Mỹ và có sự thờ ơ đối với những việc trong làng. Cho nên, hiện nay đến những ngày lệ lớn của làng, một số cụ lớn tuổi đã đi vận động người dân trong làng đóng góp tổ chức lễ rồi xây dựng lại đình làng và khuyến khích “người dân từ già trẻ lớn bé, hễ là con cháu của làng thì có thể đến chung vui” – trích văn lễ Cầu an, tống cói 12/4 tại làng Hoán Mỹ”.
Sự thuyên giảm mức ảnh hưởng của làng thì lại nổi lên một thiết chế mới gắn kết rất nhiều người dân. Đó là “xóm” và dịp cuối năm cuối có thể thấy một chuỗi lễ cúng xóm được diễn ra ở các xóm giống như một phong trào cuối năm mà xóm nào cũng thực hiện. Trong khi dân cư các xóm cũ của làng mang tính ổn định, nên xóm cũ dường nên rất đảm bảo về các hộ gia đình trong xóm. Ngược lại, những xóm mới thành lập trong giai đoạn phát triển đô thị hiện nay thì lại có xu hướng dễ phân hóa, tách ra thành những xóm nhỏ hơn.
Như đã nói ở chương một thì xóm không là một đơn vị hành chính mà là một đơn vị dân cư thuộc làng trước đây. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay xóm vẫn còn được sử dụng để thể hiện một cụm dân cư nhỏ trong làng gắn kết với nhau. Như vậy ngoài bốn xóm có từ khi lập làng, có tên riêng, dân cư ổn định thì bây giờ đã có nhiều xóm mới thành lập. Những xóm này lập tùy nghi, dễ dàng, không tên, không ranh giới nhưng cũng có tính ổn định cao, gồm nhiều hộ gia đình sống gần nhau. Người ta không đặt tên cho xóm mà lấy một ranh giới nào đó để phân biệt xóm này với xóm khác. Ví dụ như như xóm cúng ở ngã tư thì được gọi là xóm Ngã Tư, xóm gần chợ thì hay gọi là xóm Chợ. Cho nên, có thể có những xóm thuộc hai hay nhiều khu phố khác nhau. Điều này thật sự là khó khăn cho sự phân định xóm.
Hiện nay, khái niệm xóm cũng không chỉ gồm những nhiều hộ gia đình sống gần nhau ở vùng nông thôn mà còn có thể mở rộng ra là những xóm thuộc khu vực đô thị. Họ vẫn giữ cho mình tên gọi xóm và cúng xóm như một nét thân thuộc của mỗi người dân trong cộng đồng.
Mỗi xóm tại làng Hoán Mỹ không có giới hạn bao nhiêu hộ, hộ nào muốn gia nhập xóm nào gần đó đều có thể được. Những xóm quy mô lớn có thể lên đến hơn 100 hộ nhưng cũng có xóm chỉ 10 đến 20 hộ, thậm chí 5 đến 7 hộ gia đình gần nhau cũng là một xóm tổ chức lễ cúng. Chính vì sự đang lên của một thị trấn khiến cho thuật ngữ “xóm” hay việc thành lập xóm dường như dễ dàng, lan rộng hơn. Họ có thể tham gia bất kì xóm nào gần đó mà họ thích; hoặc là kêu gọi một vài hộ gia đình gần đó để thành lập một xóm và cùng tổ chức cúng xóm.
Sự phân hóa của các xóm trong làng dưới tác động của quá trình mở rộng đô thị, gia tăng dân số của thị trấn Ái Nghĩa làm cho số lượng các xóm ngày càng gia tăng thì số lượng các hộ giảm xuống. Đây cũng là một xu hướng mới ở các xóm nên làm cho các xóm mới thành lập có tính ổn định không cao bằng các xóm cũ của làng. Hiện nay, các xóm mới thành lập có số lượng các hộ ít hơn, khoảng từ 10 đến 20 hộ. Sự phân hóa nhỏ lẻ này khiến cho cúng xóm ở địa phương vào dịp cuối năm (khoảng từ 16/12 đến 10/1 âm lịch) ngày càng rầm rộ, phát triển vì xóm nào cũng tổ chức lễ cúng xóm.
“Khi chuyển sang bên này sinh sống làm ăn thì bác tham gia vào xóm Ngã Tư. Đến năm 2001 thì bác chuyển sang xóm khác ở đây gọi là xóm Trung tâm, chứ ở ngã tư giờ cũng hơi xa mà do bác thấy đông quá nên muốn ở xóm nay gần với ai cũng tham gia hết. Khi chuyển sang xóm khác bác cũng có nói là ở đây cũng có xóm mới nên bác tham gia ở đây, thông báo họ biết chứ có gì đâu. Đông thì cũng vui như mà xóm đó đông quá nên gia đình cử đại diện, ít người đi; còn xóm ít thì tập trung được hết mọi người từ con cháu vợ chồng nên cảm thấy vui hơn”.
MS18, nam, 65 tuổi, xóm Ngã Tư chuyển sang xóm Trung Tâm
Do vì xóm từ 10 đến 20 hộ là những xóm nhỏ cho nên việc tổ chức cúng xóm cũng chỉ ở một mức độ tương đối. Qua cuộc nói chuyện của người dân tại xóm Trung Tâm có thể thấy được lễ cúng rất đơn giản, không cần chiêng trống, không cần ban tế lễ, bất cứ người lớn trong gia đình cũng có thể đứng ra làm chủ tế lễ mà không có bất cứ yêu cầu gì. Theo người dân xóm Trung tâm có khoảng 20 hộ, 10 hộ bên này một tổ, 10 hộ bên kia một tổ, năm này tổ này dọn vẽ thì năm sau đến tổ khác. Xóm cúng vào 21/12 âm lịch, tổ chức đơn giản, có cái người đọc văn tế thì trong xóm không ai đọc nên mới thuê xướng.
Tuy vậy, với số hộ ít hơn mà muốn có một lễ nghi đầy đủ, bài bản thì đòi hỏi các hộ gia đình phải đóng góp nhiều hơn và quy định mức đóng góp với các hộ là ngang nhau. Ví dụ như xóm Trung Tâm xóm quy định số tiền cụ thể mà mỗi hộ phải đóng. Cúng xóm gần đây nhất mỗi hộ bắt buộc đóng 200.000 (so với xóm cũ thì mức đóng này cao hơn nhưng người dân vẫn chấp nhận với mức đóng này).
“Mức này nhà cô thấy cũng bình thường, năm có một dịp chứ mấy, chứ giờ đám tiệc, chuyện phải không cũng đã hết vài trăm… Với 200.000 là việc mỗi hộ chi trả cho tổ chức cúng xóm, còn sau này nếu có gì phát sinh thêm thì tùy tâm người đóng góp, không ép buộc”.
MS11, nữ, 63 tuổi, xóm Ngã Tư sang xóm Trung Tâm
Có thể thấy vấn đề đóng góp cũng mang tính tự nguyện, khác ở đây chỉ là việc quy định một số tiền cụ thể hợp lý để tất cả mọi người trong xóm cũng có thể cảm thấy thoải mái, dễ dàng đóng góp.
Nhưng với sự phân ly thành các xóm nhỏ lại có quan điểm mâu thuẫn giữa những người lớn tuổi trong làng và những người trung niên: Nhiều người lớn tuổi cho rằng vì cúng xóm trước hết là cúng đất nên những người cùng một khu vực sống trên cùng xứ đất nào sẽ quy tụ lại cùng tổ chức mâm cúng là hợp lý hơn cả. Như vậy làm cho xóm “càng đông càng vui”. Trong khi đó, những người trung niên (điển hình một số người ở xóm Trung tâm) lại cho rằng “đông quá thì sẽ loãng, nếu ít ít dễ làm, mọi người dễ gần hơn”… Bên cạnh đó, trong tâm thức của người dân cho rằng xóm thì phải nhiều hộ chứ vài ba hộ như vậy thì không thể là một xóm được (MS08, nam, 55 tuổi, xóm Ngã Tư).
Mặc dù các cụ già trong làng không đồng ý với việc những xóm mới nhưng họ cho rằng nếu có tâm cúng kiếng thì cũng tốt, không có gì. Chúng tôi có tham dự vào giêng cúng đình 25/12/2015 âm lịch, khi sắp diễn ra lễ cúng một số người trung niên đã xin phép các cụ về trước để tổ chức cúng xóm ở xóm mình (vì thời gian trùng với nhau). Các cụ hỏi những người kia ở xóm nào, họ bảo ở xóm mới. Những người kia đi xong thì các cụ già nói rằng đó không phải xóm lâu đời của làng, mà là những xóm “tự phát” chứ không thể cúng bái tùy tiện, lộn xộn vậy được, phải là cúng làng trước, cúng xóm sau.
Như vậy, hiện nay có hai vấn đề nổi bật lên ở đây làng Hoán Mỹ về sự thay đổi không gian cúng xóm:
Thứ nhất, đó là sự gia tăng các xóm mới thành lập. Từ 10 đến 20 hộ thì có thể được xem là một xóm không? Thứ hai, từ việc gia tăng xóm thì cuối năm xóm nào cũng tổ chức cúng xóm đã nói lên vấn đề gì ở làng Hoán Mỹ trong bối cạnh hiện nay?
Xóm người ta lựa chọn những yếu tố chính của cộng đồng là địa vực, kinh tế hay nghề nghiệp, cuối cùng là các yếu tố có tính văn hóa. Những yếu tố này tạo ra sự cố kết cộng đồng từ những đặc điểm chung mà các thành viên có thể chia sẻ với nhau. Cho nên hiện nay người ta có xu hướng chọn hoặc hướng mình vào một nhóm mà các hộ có sự tương đồng về các mặt như về kinh tế, nghề nghiệp… Ví dụ như ở xóm Trung Tâm, một số hộ gia đình trước đây có tham gia ở xóm Ngã Tư nhưng sau khi xóm Trung Tâm thành lập thì chuyển sang xóm này dù mức đóng góp tiền quy định cao hơn ở xóm cũ. Các hộ đều có sự tương đồng về mặt kinh tế nên có họ đóng một mức ngang nhau (200.000) không có nhiều trở ngại. Cho nên thấy được vấn đề ở chỗ ngoài việc tách xóm do xóm cũ quá đông còn là vấn đề về kinh tế. Họ có xu hướng vào xóm vừa gần, vừa tương đồng với điều kiện kinh tế của gia đình mình. Mọi người ở đây đều đóng góp ngang nhau, không phải hộ này bù hộ khác.
Bên cạnh đó, việc xóm chỉ có 20 hộ, với ít hộ như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc mọi người đều có thể tham dự đầy đủ.
“Gia đình cô tham gia xóm Ngã Tư trước rồi lập ra xóm Trung Tâm thì tham gia ở xóm Trung Tâm. Xóm Ngã Tư mình chú (chồng) đại diện đi được rồi, còn xóm Trung Tâm lại khác, ở đây ai cũng tham dự cả, cô chỉ tới xóm Trung Tâm thôi. Rồi khi tới lượt tổ mình chuẩn bị thì mình cũng tham gia với mọi người”.
MS12, nữ, 55 tuổi, xóm Ngã Tư chuyển sang xóm Trung Tâm
Việc dễ dàng lập xóm cộng với xóm nhỏ lẻ đã thấy được sự phát triển rộng rãi ở các xóm mới trong làng Hoán Mỹ:
Thứ nhất, là người tác động của quá trình xây dựng đô thị nên việc chuyển từ làng sang thành tổ dân phố là một diễn trình phù hợp trong bối cảnh hiện nay đã các xóm có sự phân hóa nhỏ lẻ giống như đơn vị “tổ” nhưng vẫn còn nhọc nhằn với tên gọi cũ là “xóm”. Điển hình xóm Ngã Tư hơn 130 hộ hay xóm Trung Tâm từ 10 đến 20 hộ mà người ta vẫn gọi là xóm. Bên cạnh đó có thể thấy được xóm ngày nay không hẳn là mấy chục nhà, ngõ ở nông thôn nữa mà còn là một nhóm các hộ gia đình trong một tổ dân phố hay trên một con đường. Cho nên có thể nói 10 đến 20 hộ cũng có thể được gọi là một xóm. Vì tính nhỏ lẻ này nên xóm mới ở đây không cần tên gọi, không có ranh giới cụ thể, không quy định số hộ mà có thể là quy ước vô hình giữa các hộ ở đó.
Thứ hai, người dân cho rằng sự nhỏ lẻ của xóm sẽ khiến cho mọi người có thể gắn kết, vui vẻ hơn, tham dự đầy đủ hơn, bất chấp việc phải đóng tiền nhiều hơn. Và như vậy họ có xu hướng tham gia vào xóm có điều kiện tương đồng với mình. Điển hình như xóm Trung Tâm và một số xóm nhỏ khác quy định các hộ đóng tiền ngang nhau và nhiều hơn để có thể tổ chức được lễ cúng. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến người dân phàn nàn hay khó chịu mức đóng cao.
Như vậy, trong quá trình phát triển của thị trấn đã nảy sinh ra những xóm mới trong làng. Những xóm này cùng với những xóm cũ của làng tồn tại song song. Nhìn chung ở mỗi xóm đều thực hiện cúng xóm riêng rẽ nhưng không tách biệt với bức tranh văn hóa chung của làng. Hiện nay, với sự phát triển quy hoạch lại khu dân cư, mở rộng đường sá của thị trấn làm cho các xóm có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn có thể thấy được sự gia tăng của các xóm và việc xóm nào cũng tổ chức cúng xóm khiến cho nghi lễ này trở nên lan rộng và đa dạng hơn tại làng Hoán Mỹ. Điều này cũng nằm trong một giai đoạn của sự hồi sinh rõ nét của các thực hành tôn giáo và nghi lễ ở Việt Nam[3].
Từ việc các xóm thành lập một cách dễ dàng, từ đó các xóm tự tổ chức cúng xóm vào dịp cuối năm dẫn đến sự phát triển rộng rãi của lễ cúng xóm trong bối cảnh hiện nay. Cúng xóm ở các xóm mới thành lập không phải kiểu lễ hội như cúng đình mà là một tập tục được truyền lại cho thế hệ sau và ngày càng được lan rộng ra vì người dân cho rằng đây là một tập tục tốt đẹp cần phải được lưu giữ. Trước đây cúng xóm cũng chỉ như một dịp hội tụ dân làng. Nhưng thông qua lễ này thì đã vun đắp, xây dựng nên ý thức của những thế hệ tiếp theo, tiếp nối những kết quả của người đi trước. Ví dụ như, người dân quan niệm, ông bà làm sao thì con cháu làm như vậy. Tuy quan niệm và những giá trị của mỗi thời sẽ có mỗi nét khác biệt, cho nên chính những thế hệ kế tiếp sẽ là chủ thể của sự sáng tạo truyền thống cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.
“Nói chung thì anh cũng chỉ là thế hệ sau thôi, dự cúng xóm hồi còn nhỏ, dù có đi học ở Sài Gòn hay giờ đi làm ở Đà Nẵng rồi thì dịp gần Tết mô cũng muốn về tham gia cho vui. Cúng xóm trước giờ là thường do các bậc chú bác đứng ra chủ trì tụi như anh phải học tập để khi thế hệ đó qua đi thì có thể tự tổ chức cúng xóm kế tục lại tục lệ này”.
MS13, nam, 30 tuổi, xóm Ngã Tư, hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng.
Có thể thấy được số lượng các xóm đang tăng lên và thực hiện lễ cúng xóm nhiều hơn. Vào dịp cuối năm trong làng đi đâu cũng thấy cúng xóm tạo nên một không gian văn hóa Tết của các làng. Theo quan sát của chúng tôi, trong làng ngoài 4 xóm cũ thuộc làng thì có 20 lễ cúng xóm lớn nhỏ được tổ chức từ 16/12 đến 10/1 âm lịch (dù trước hay sau Tết thì các xóm cũng chỉ tổ chức cúng xóm một lần). Tại sao hiện nay lại bộc phát nhiều nghi lễ như vậy? Điều đó đã phản ánh được vấn đề gì trong xã hội làng Hoán Mỹ hiện nay?
Theo quan điểm của chúng tôi thì lý giải vấn đề này như sau:
Năm 1994 cúng xóm mới có thể thực hiện được trở lại sau một thời gian bị cấm đoán. Sau năm cúng xóm ở đây dường như là một phần của sự hồi sinh tôn giáo. Đây là thuật ngữ được các học giả nước ngoài nhìn nhận về nghi lễ phong tục văn hóa Việt Nam trong thời kì 1975 – 1986. Sự kìm nén của nhà nước những năm này đến sự tự do về tín ngưỡng tôn giáo đã làm cho hầu hết các lễ cúng bị cấm đoán, hạn chế. Cúng xóm cũng nằm trong tiến trình này, sau đó năm 1986 nhà nước cải cách phát triển kinh tế thị trường, người dân tự do tín ngưỡng tôn giáo, cúng xóm đã thực hiện được trở lại và ngày càng rầm rộ hơn trước. Cùng với việc các xóm dễ dàng thành lập như vậy đã khiến cho việc tổ chức cũng dễ hơn.
Chức năng của cúng xóm là củng cố tình đoàn kết. Có thể trong làng Hoán Mỹ có nhiều nghi lễ cộng đồng như cúng đình, tế mộ Bà Phường Chào… nhưng cúng xóm vẫn có nét gần gũi thân thuộc hơn cả. Bởi vì theo diễn trình thời gian thì ngay từ lúc nhỏ, con người đã có thể tham gia vào, việc thực hiện cúng xóm liên tục mỗi năm một lần đã ăn sâu vào tâm thức của người dân (điều này ngược lại với các nghi lễ ở đình, lúc mà con người đã trưởng thành và có nhận thức về nó). Cho nên, xóm gắn kết tất cả thành viên trong gia đình hơn, củng cố được tình đoàn kết trong chỗ xóm, ví dụ nhà ai có khó khăn, tang ma thì luôn được sự động viên giúp đỡ, chia sẻ của người dân trong xóm. Như vậy xóm như một ngôi nhà chung của các thành viên trong cộng đồng, cúng xóm có chức năng là hướng đến một cuộc sống ấm no, tốt đẹp không chỉ cho riêng mỗi gia đình nữa mà là cho cả một cộng đồng. Sự ổn định của mỗi gia đình là cũng chính là sự ổn định của cả xóm. Hơn nữa, mỗi người, mỗi gia đình có những hoàn cảnh, công việc khác nhau hay cuộc sống ngày càng hiện đại, con người cũng ngày càng tất bật, bận rộn với công cuộc mưu sinh. Việc gặp gỡ nhau, cùng nhau trò chuyện cũng trở nên khó khăn, những bữa tiệc cúng xóm cuối năm là rất cần thiết.
Trong một năm, khu phố cũng có tổ chức nhiều hoạt động cũng đòi hỏi sự tham dự của người dân ví dụ như ngày phụ nữ, ngày mừng Đảng đón Xuân, hay nhân dịp giải phóng huyện… nhưng dường như thiếu đi sự tham gia của mỗi gia đình, hoặc tham dự một cách miễn cưỡng, rời rạc tính chất không gắn kết người dân như lễ cúng xóm. Ngược lại, lễ cúng xóm là dịp duy nhất có thể gắn kết người dân lại với nhau, củng cố thêm tinh thần tình làng nghĩa xóm.
Cúng xóm ngày càng phát triển thể hiện được mặt phát triển của địa phương trong quá trình đô thị hóa. Khi mà đời sống người dân ngày càng cao thì người ta lại cúng kiếng nhiều hơn (đặc biệt là ở các xóm làm ăn buôn bán). Theo Malinowski[4] nhận định rằng một khi người ta gặp những vấn đề khó khăn hay mong muốn điều gì trong cuộc sống, thường thì người ta hướng đến một chỗ dựa về mặt tinh thần mà có thể là thông qua việc thực hiện nghi lễ. Trước đây đời sống người dân rất vất vả, hậu quả của chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, người dân cầu xin mọi thế lực phù hộ. Bây giờ, qua khoảng thời gian đó khó khăn đó thì lại xuất hiện những mối lo lắng khác, ví dụ như thời buổi kinh tế thị trường làm ăn buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp cũng có những rủi ro nhất định… Cho nên họ muốn có dịp vui chơi thoải mái thư giản cũng như là cầu xin về tinh thần. Cúng xóm vào dịp Tết vừa thể hiện sự vui chơi của người dân, tạm gác lại hết mọi việc trong năm cũ để chào đón một năm mới phấn khởi hơn.
Sự sáng tạo, thích nghi của cúng xóm trong bối cảnh hiện nay được thể hiện qua nhiều phương diện:
- Với các xóm mới phát triển trong quá trình gia tăng dân số, mở rộng đô thị thường là những xóm không có miễu. Cho nên người dân tự lựa chọn một địa điểm cúng thuận tiện, phù hợp với địa thế của xóm mà không cần đến miễu.
- Biến tấu lễ cúng xóm một cách giản đơn, gần gũi với mọi người, ít chú trọng đến cúng kiếng mà nghiêng về nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ví dụ như có thể thấy thông qua việc ban tế lễ cúng bái xong thì mọi người xong xóm lần lượt vào cúi lạy cầu xin thần linh phù hộ riêng cho gia đình mình. Sau khi cúng xong, mọi người quây quần bên nhau, ăn uống nói chuyện, còn có thuê dàn nhạc về hát hò vui vẻ, giống như buổi sinh hoạt liên hoan.
- Có những xóm vì cái chung của nhiều gia đình, họ không chọn ngày cố định mà chọn một ngày khi đó mọi người trong xóm có thể quy tụ đông đủ nhất để có thể tham gia vui vẻ hơn ví dụ như vào những ngày cuối tuần. Ngoài ra, một số xóm trong làng hiện nay do công việc bề bội không kịp chuẩn bị nấu ăn thì đã đặt các dịch vụ bên nấu ăn bên ngoài còn ai làm chưng biện thì nấu một mâm cúng nhỏ là được. Điều này vẫn được cộng đồng chấp nhận và cho rằng chỉ cần một không gian vui chơi cho mọi người trong xóm là đủ. Điều này phản ánh đã có sự chuyển biến giữa các bối cảnh bên ngoài tác động vào việc nhận thức cúng xóm. Không phải lúc nào cũng quy tụ mọi người bằng những hình thức cùng chuẩn bị, cùng nấu ăn, dọn dẹp mà hiện nay nhận thức của con người đang dần biến đổi với xu hướng đô thị.
- Sự phân định ranh giới của xóm đang có phần thu hẹp với việc phân hóa thành nhiều xóm nhỏ nên có nhiều hộ gia đình trong xóm đều có thể tham dự đầy đủ, tính cố kết cộng đồng được thể hiện rõ rệt.
- Vì tính phong trào tự phát của cúng xóm hiện nay làm cho lễ cúng xóm ngày càng lan rộng và trở thành một tục thường niên của các xóm mới thành lập. Họ có nhiều lý do để tổ chức cúng xóm và lý do quan trọng hơn cả là tính cố kết cộng đồng.
Đô thị hóa là quá trình tăng tỉ lệ dân thành thị so với tổng số dân, mở rộng quy mô các thành phố và sự lan toả lối sống thành thị về nông thôn[5]. Quá trình đô thị hóa gắn với hoạt động di dân, nhiều người ở nông thôn sẽ di chuyển đến khu vực thành thị để làm ăn sinh sống. Từ đó đã tạo nên nhiều vấn đề tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tạm gác lại những mặt tích cực cũng như là tiêu cực của quá trình này, chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề di cư và văn hóa, sự lan tỏa của lễ cúng xóm trong bối cảnh đô thị thông qua những người di cư.
Từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước năm 1986, lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, nhiều khu công nghiệp ở các thành phố lớn được xây dựng và nhiều cần nguồn nhân lực. Tỉnh Quảng Nam lúc này cũng rất khó khăn, nhiều người di chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bình Thuận để sinh sống, làm ăn. Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam thì vào thời gian này có rất nhiều người Quảng đã di cư đến nơi khác. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, tập trung đông nhất ở hai quận Tân Bình, Tân Phú. Hiện nay, ngoài hai quận này, số lượng người Quảng bắt đầu đông đúc hơn ở các khu vực khác như quận 8, quận Thủ Đức, Gò Vấp[6] đã hình thành và xây dựng cộng đồng người Quảng với những nét văn hóa đặc trưng xứ Quảng dễ nhận biết như các khu chợ Quảng, món ăn xứ Quảng, đến giọng điệu Quảng, tập tục tín ngưỡng, trong đó có tục cúng xóm.
Cũng trong nghiên cứu của mình, Pactrick đã đề cập đến vấn đề di cư ở Quảng Nam. Ông nêu lên việc Quảng Nam là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh: xóm làng bị phá hủy, thiếu thốn thức ăn, bệnh dịch, thiên tai cùng với những chính sách phục hồi kinh tế của nhà nước bị thất bại khiến nhiều người phải tìm kiếm một nơi khác sinh sống. Với sự lỏng lẻo của hệ thống cấp phép du lịch sau năm 1986, nhiều gia đình đã di cư đến nhiều nơi như Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Đà Lạt. Từ thời gian này, ở thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung số lượng lớn những người sinh sống tại quận Tân Bình, Tân Phú[7].
Có thể nhận diện được vấn đề di cư của người Quảng tại thành phố Hồ Chí Minh. Cũng giống như khi người Việt di cư vào đàng Trong, khi đến những địa phương khác, người Quảng luôn mang theo, giữ gìn những tập tục, sinh hoạt văn hóa của mình. Dù đến đâu họ vẫn luôn hướng về cội nguồn, xóm làng và đặc biệt hơn ở họ luôn có tính cố kết cộng đồng, tương trợ lẫn nhau. Đó cũng có thể thấy được một cộng đồng người Quảng luôn phát triển, gắn kết với nhau.
Với tục cúng xóm, người Quảng vẫn được duy trì thực hiện và lan tỏa đến những người đến từ những tỉnh thành khác khi đến sinh sống gần với những khu người Quảng. Pactrick cũng nhấn mạnh rằng mặc dù cúng xóm thì gần với những người cư dân gốc Quảng Nam, nhưng một vài người dân nơi khác cũng có thể tham gia, nhưng cũng có những người ở những địa phương khác đã tự tổ chức cúng xóm nhưng sau đó không duy trì được thường xuyên.
Như vậy có thể thấy, cúng xóm trong dịp Tết không chỉ diễn ra đối với người dân làng Hoán Mỹ mà còn cả người dân ở các tỉnh thành khác như thành phố Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Đà Lạt. Tìm hiểu cúng xóm ở những địa phương này để thấy được sự lan tỏa của cúng xóm trong bối cảnh xã hội đương đại. Ngoài ra, có thể so sánh sự tương đồng và khác biệt ở những địa phương này. Chúng tôi lựa chọn hai địa phương là ở Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh để so sánh vì nơi đây đa phần cũng là cư dân Quảng di cư vào làm ăn sinh sống và họ cũng đã tổ chức cúng xóm giống như ở quê hương của họ trước đây.
– Cúng xóm ở Đà Lạt[8]:
Người dân ở Đà Lạt – Lâm Đồng cho hay, tục cúng xóm đã hình thành khi những người đầu tiên từ các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng tới định cư tại đây. Cứ khoảng ngày 15/12 âm lịch trở đi thì người dân Đà Lạt cũng tổ chức cúng xóm, có những xóm thực hiện sau Tết nhưng đa phần là trước Tết. Xét về khâu chuẩn bị, tổ chức lễ thì có nét tương tự với cúng xóm ở Quảng Nam. Tuy nhiên, xét về yếu tố địa lý, điều kiện tự nhiên đã làm cho lễ cúng xóm có vài điểm khác biệt. Bên cạnh đó, ở Đà Lạt còn có một dạng thức của cúng xóm mà đa phần những gia đình đều là bà con họ hàng với nhau, họ cùng di cư đến sinh sống gần nhau nên cúng xóm cũng là một dạng thức để tập hợp những người họ hàng này.
Trong lễ cúng xóm ở Đà Lạt, người chủ lễ khấn thần hoàng làng, cầu cho mọi người trong xóm được bình an, sức khỏe dồi dào. Tại buổi lễ này, luôn có một chậu nước và một đống lửa bên cạnh bàn thờ cúng. Các cụ cao niên cho biết đó chính là sự ảnh hưởng của nét văn hóa người các tộc người ở đây (lấy lửa làm trung tâm). Cũng có ý kiến cho rằng chậu nước để các vị thần rửa mặt, rửa tay, đống lửa để họ sưởi ấm do vùng đất này vốn rất lạnh.
Số tiền dành để cúng xóm hoàn toàn tùy tâm, không bắt buộc, gia đình nào khá giả thì có thể đóng nhiều, nếu điều kiện không cho phép thì cũng không ai ép phải đóng. Có xóm còn lập ra hẳn một quỹ chung để lo việc cúng xóm. Quỹ này còn được dùng vào việc cúng giao thừa xóm, cúng đầu năm, trao học bổng cho con em học giỏi và hỗ trợ cho những gia đình có việc đột xuất, cần đến tiền…
Cúng xóm Đà Lạt cũng lựa chọn một địa điểm thuận tiện để cúng. Cúng xóm phải có hai mâm: mâm thượng và mâm hạ. Ở mâm thượng bày tiền âm phủ, quần áo giấy, hoa quả và không thể thiếu được những khúc mía, khoai, sắn, thịt sống và trứng sống… Những người lớn tuổi lý giải, trước đây Đà Lạt là đất của nhiều tộc người như Cơ ho, Mạ… sinh sống nên mía, sắn, khoai là thức ăn chủ yếu của họ. Việc cúng các sản vật này với ý nghĩa nhớ lại cội nguồn, mời các chủ nhân đầu tiên của vùng đất về thụ lộc (mang một ý nghĩa như cúng tá thổ). Còn thịt và trứng sống là dành cho hổ và các loại thú rừng, bởi xưa kia Đà Lạt là một vùng đối núi hiểm trở, cũng là nơi sinh sống của nhiều loại thú ăn thịt. Ở mâm hạ có gà, xôi, giò, chả… là những thức ăn hằng ngày được dùng để thờ cúng ông bà, tổ tiên của những gia đình trong xóm.
Sau khi việc cúng bái đã xong, các mâm cỗ được dọn về một gia đình rộng rãi nhất xóm hoặc khoảng đất trống ngay đường vào xóm để tất cả mọi người cùng thụ lộc. Người dân cho rằng, ngoài ý nghĩa tâm linh, cúng xóm còn là dịp để mọi người trong khu phố, thôn xóm gặp gỡ, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Đây cũng là dịp để các gia đình trong xóm ngồi lại với nhau bàn chuyện làm ăn hoặc xóa bỏ những xích mích thường ngày, cùng bước vào một năm mới thân tình, vui vẻ.
Người dân cho rằng “Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi người quay cuồng trong cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, nhiều khi láng giềng chẳng biết mặt nhau, tình làng, nghĩa xóm dần vơi cạn thì tục lệ cúng xóm quả là đáng quý, đáng được lưu giữ, bảo tồn”.
– Cúng xóm ở thành phố Hồ Chí Minh[9]
Vũ Đức Sao Biển (2016) có ghi chép lễ cũng xóm ở phường Tân Thới Nhất, quận 12. Đây là một tổ dân phố mới thành lập gồm 70 hộ từ các nơi về, mua đất làm nhà ở cuối đường Tân Thới Nhất 18. Họ làm đủ các nghề: nhà báo, nhà giáo, sĩ quan quân đội, cảnh sát, gia công sản xuất nhỏ, nhà thầu xây dựng, công chức, cán bộ, thợ may… Phần lớn cư dân là người trẻ chưa đến 50 tuổi, con cái họ còn nhỏ, cháu lớn nhất vẫn còn học trung học phổ thông. Ở đây có hai lần cúng xóm đó là trước Tết và sau Tết (mồng 10 tháng Giêng). Việc đóng góp cũng dựa trên tinh thần tự nguyện, bằng cách dán một tờ giấy khổ lớn ở bảng khu dân phố “Kính mời bà con tham gia lễ cúng xóm vào lúc… ngày… Xin liên hệ với anh Hai tạp hóa”. Khi thấy bảng này, hộ nào muốn tham dự thì đóng góp vào, dựa vào số tiền đó nếu thấy có nhiều làm nhiều, ít làm ít.
Lễ cúng xóm mục đích đầu tiên là cúng đất để tạ ơn thành hoàng, thổ địa; sau đó là tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người đã khuất. Mục đích thứ hai rất tâm linh nhưng cũng rất hiện thực là cầu xin các thế lực siêu nhiên phù hộ cho gia đình, người dân trong xóm một năm sức khỏe, bình an.
Ban tế tự gồm có một vị lão thành trì trọng chủ trì, ba vị chánh bái và phụ bái, một vị đọc văn tế; có ban tiếp tân, ban ẩm thực, ban lễ nhạc chiêng trống. Họ đốt một ít vàng bạc, rải một chén gạo muối, kiếng một bộ tam sên (một con cua, một hột vịt luộc, một miếng thịt heo) và cúng một tô cháo loãng cho những vong linh đã khuất.
Lễ cúng thường diễn ra ngắn gọn trong 45 phút. Cúng xong, bà con tổ dân phố ai muốn thắp hương cứ vào thắp, ai theo đạo không thắp cũng không sao. Cái chính là hai lễ cúng tất niên và tế xuân trong tổ dân phố tạo cơ hội cho tất cả mọi người hàng xóm gặp nhau; giao lưu, hàn huyên, tâm sự và hóa giải những gút mắc (nếu có). Bàn ghế, chén đĩa (thuê) được dọn ra. Tất cả mọi người đều được mời dự bữa cơm thân mật, đầu bếp là các chị nuôi trong tổ dân phố. Tùy theo kinh nghiệm làm bếp, người này làm món gà xé phay trộn rau răm theo kiểu Trung bộ, người kia làm món heo dân tộc nướng và xáo măng theo kiểu Bắc bộ, người khác nữa làm món dê xào lăn theo kiểu Nam bộ…
Vũ Đức Sao Biển nói thêm nhiều khi hoàn cảnh sống khiến chúng ta không thể sống gần họ hàng, bà con ruột thịt nhưng láng giềng thì ở gần ta. Mỗi ngày, ta đều gặp mặt họ, họ đều gặp mặt ta; việc tâm tình, giúp đỡ qua lại, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau là một cách giúp kết nối tình nghĩa hàng xóm ngày thêm bền chặt, nhất là đang sống trong một thành phố đô thị hóa như ở thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy có thể thấy được, nguồn gốc của lễ cúng xóm ở các địa phương này một phần là do cư dân miền Trung di cư vào sống gần nhau rồi cùng tổ chức cúng xóm với mục đích nhớ về cội nguồn của mình và gắn kết những người xa xứ. Dần dần, cúng xóm trở thành một tục lệ được chính cư dân bản địa chấp nhận cùng thực hiện theo tạo nên một tục lệ hằng năm, hay nói khác hơn đó chính là văn hóa họ tự thích ứng, tiếp nhận rồi lan tỏa ra những khu vực khác tạo thành nét sinh hoạt cộng đồng quen thuộc, thường niên vào dịp cuối năm.
Cúng xóm ở làng Hoán Mỹ Quảng Nam, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh… đều có những nét giống nhau, đều quy tụ người dân trong xóm cùng nhau thực hiện mâm cúng thần linh, cầu xin phù hộ cho xóm rồi cả xóm quây quần bên nhau cho bữa cơm cuối năm nhằm cố kết tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, sự khác biệt địa hình, điều kiện tự nhiên cùng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa đã làm cho lễ cúng xóm ở mỗi nơi có sự khác biệt, mang nét đặc trưng vùng miền đó. Ví dụ như ở Đà Lạt những lễ vật cúng mang nhiều đặc trưng của vùng dân tộc, của các tộc người Mạ, Chơ ro… Hay thành phố Hồ Chí Minh là nơi nhiều người ở tỉnh thành khác đến sinh sống nên những món ăn họ làm ra cũng mang đặc trưng của những tỉnh thành đó.
Không đủ cơ sở để khẳng định cúng xóm có nguồn gốc từ những cư dân miền Trung nói chung hay Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng nhưng có thể khẳng định là với quá trình đô thị hóa và di dân thì lễ cúng xóm của những cư dân này đã dần lan tỏa ra những địa phương khác. Với mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của nó đã được mọi người thừa nhận và duy trì, phát triển. Bởi vì khi đi đên đâu hay khi cuộc sống văn minh, hiện đại như thế nào thì truyền thống vẫn là điều cốt lõi quan trọng và cần được giữ gìn.
Tóm lại, qua một vài xóm ở Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh thấy được đây là những xóm mới được thành lập trong quá trình di dân, phát triển đô thị… Ở những xóm này cũng như các xóm mới ở làng Hoán Mỹ, hầu hết là những xóm không có miếu nên việc tổ chức cúng kiếng sẽ theo một địa điểm tùy nghi, thuận tiện với vị trí của xóm. Ngược lại với những xóm lâu đời có miếu thì việc cúng xóm sẽ phải tổ chức tại miếu xóm. Miếu xóm luôn gắn bó với con người từ lâu nên hiểu được miếu xóm là nơi thờ thần cũng như là tế các âm hồn cho nên viêc cúng kiếng là rất quan trọng. Ở làng hay ở miếu xóm luôn gắn liền với các vị thần cai quản, coi sóc cho xóm, mang ý nghĩa tâm linh. Trong khi đó, với những xóm mới (đặc biệt là ở các xóm mới do người di cư lập nên) họ cũng tổ chức cúng xóm, nhưng cúng xóm lúc này mang ý nghĩa xã hội là cố kết cộng đồng, gắn kết những người xa quê để có thể nhớ về cội nguồn và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện tại. Như vậy đã có sự chuyển dịch ý nghĩa về nghi thức cúng xóm, từ ý nghĩa tâm linh sang ý nghĩa xã hội. Mỗi dạng thức xóm khi tổ chức cúng xóm đều mang ý nghĩa tâm linh hay ý nghĩa xã hội nhưng có điều ý nghĩa nào sẽ nổi bật hơn mà thôi. Điều này đã đi đến việc giải thích cho câu hỏi nghiên cứu được đưa ra, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, cúng xóm ngày càng được lan tỏa và thực hiện vai trò xã hội của mình.
Khi tra cứu trên báo mạng và xem xét các bình luận xã hội thì được biết không phải nơi nào cũng có tổ chức cúng xóm. Có những người ở địa phương khác cho rằng tập tục này ở quê hương họ không có, cho nên họ bày tỏ sự thích thú và quan tâm với tục lệ mới mẻ (với họ) này. Họ cho rằng đây là nét văn hóa đẹp cần phát huy và cũng hy vọng ở địa phương họ trong một tương lai không xa sẽ tổ chức được giống như vậy [10].
Đỗ Thành Tân
Truyền thống và biến đổi văn hóa dân gian
tộc người Cơ tu xã Hoà Bắc huyện Hoà Vang
Trong khoảng chưa đầy nửa thế kỷ qua, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là sự ra đời và tác động của công nghệ thông tin đã làm cho quá trình giao lưu trên thế giới có bước phát triển mới. Các quốc gia, dân tộc có xu hướng xích lại gần nhau hơn, phá vỡ dần mức độ khép kín ít nhiều của mình để hòa nhập vào những phân hệ gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau trong một hệ thống phân công lao động và thị trường toàn cầu. Đồng thời với quá trình này là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ giữa các quốc gia, dân tộc mà bên trong nó là quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập, đa dạng và phức tạp, bao gồm cả những phản ứng cực đoan, đụng độ và mâu thuẫn, làm nảy sinh những biến dạng văn hóa. Từ đó hình thành những kiểu dạng văn hóa gần giống nhau bởi sự phổ biến của những giá trị mang tính phổ quát. Và vì thế, nhu cầu tự bảo vệ mình, tìm lại những dấu hiệu nhận diện riêng – tức bản sắc dân tộc, trở thành nhu cầu cấp thiết của tất cả các chủ thể khi tham gia vào sân chơi toàn cầu hóa.
Đối với nước ta, sau bước hội nhập đầu tiên là gia nhập khối ASEAN, nay đã là thành viên của WTO, như thế là đã thực sự tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Việc mở rộng giao lưu quốc tế trên cơ sở của phát triển kinh tế thực tế đã có những tác động không nhỏ tới lĩnh vực văn hóa nước ta trong suốt những năm vừa qua. Cùng với việc phục hồi, phát huy các giá trị văn hoá, nền văn hoá nước ta có điều kiện tiếp thu các giá trị mới của nền văn hoá thế giới và ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, đồng thời cũng có những vấn đề khó khăn phải đối mặt. Trong các vấn đề đó thì thách thức về văn hoá, về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị truyền thống, cũng như tính đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được coi là những thách thức lớn nhất hiện nay.
Bài viết đề cập những biến đổi văn hóa của cộng đồng người Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng trong xu thế toàn cầu hóa. Đây là một cộng đồng nhỏ sống nơi rừng núi hẻo lánh của thành phố nhưng ytong xu thế toàn cầu hóa hiện nay phần nào đã tác động đến đời sống văn hóa của họ, làm nảy sinh những biến đổi to lớn và đặt ra yêu cầu cần được bảo tồn, phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Vài nét về bản sắc văn hoá người Cơ tu
Tộc này có nhiều tên gọi khác nhau như: K’Tu, Kha Tu, Kà Tu, Teu, Cao, Khát, Hạ, Thap, Kao To, Kanto, Ta Rier – Van Kieu,… Hiện nay, tộc danh của tộc người này vẫn đang tranh cãi giữa các tên Cơ tu, Katu và Cơtu. Trong đó, từ “Cơtu” được sử dụng phổ biến, nhưng theo cách giải thích của Bh’ Riu Liếc trong cuốn Văn hóa người Cơ tu thì từ “Cơ tu” có tính thuyết phục cao hơn.
Người Cơ tu sống tập trung ở vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, chủ yếu ở ba huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang. Ở Thừa Thiên Huế, người Cơ tu sóng tập trung chủ yếu ở hai huyện Nam Đông và A Lưới. Ở thành phố Đà Nẵng, dân tộc Cơ tu tập trung ở ba thôn: Giàn Bí, Tà Lang thuộc xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc thuộc xã Hòa Phú của huyện Hòa Vang. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có 950 người.
Người Cơ tu định cư ở vùng đất Hòa Vang có thời gian tương đối ngắn. Theo đồng bào người Cơ tu kể lại, người dân thôn Phú Túc trước đây sống ở Sông Côn thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam), tháng 11 năm 1971 thì họ dời xuống Ngầm Đôi (Phú Túc) rồi đến năm 1988 họ tiếp tục dời xuống chỗ ở hiện nay, cách không xa Ngầm Đôi. Người Cơ tu tại hai thôn của xã Hòa Bắc được dời đến từ năm 1992. Nguyên trước đây, bộ phận người Cơ tu này định cư tại khu vực đèo Mũi Trâu, giáp với huyện Đông Giang – Quảng Nam, rất sâu trong rừng. Năm 1991, do xuất hiện dịch bệnh làm chết 21 người dân trong làng. Vì quá xa và giao thông cách trở, dịch vụ y tế không tiếp cận được nên chính quyền huyện Hòa Vang vận động người dân dời làng và tổ chức di dời toàn bộ làng mạc xuống vùng Tà Lang, Giàn Bí, cách nơi ở cũ hơn 20km và họ định cư ổn định ở đây từ đó đến nay. Khoảng cách từ vùng đồng bào dân tộc Cơ tu đến trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 40 km, tính theo đường bộ.
Khoảng 15 năm trước, do sống quần cư trên vùng núi cao, điều kiện kinh tế – xã hội, canh tác ít thay đổi nên người Cơ tu còn bảo lưu bản sắc tộc mình hầu như khá nguyên vẹn. Trong ngôi nhà đàn ông – nhà làng – của dân tộc Cơ tu còn mang nhiều đặc điểm của hai dạng nhà khắc trên trống đồng Đông Sơn cùng với nhiều phong tục được coi là thuộc thời kì văn hóa Đông Sơn như: đóng khố, cởi trần, xăm mình, cà răng, nhuộm răng đen, ăn trầu, trang trí đầu bằng lông chim, đánh trống đồng, cồng chiêng, dùng tên tẩm thuốc độc… vẫn còn được thấy ở người Cơ tu[]. Nhưng hiện nay, những gia trị văn hóa đó đã phần nào đã thay đổi khá nhanh chóng. Tuy nhiên, nói về đặc trưng văn hóa của người Cơ tu, ở nhiều nguồn tư liệu có điểm thống nhất như sau:
Về đặc điểm kinh tế, người Cơ tu trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, chọc lỗ tra hạt. Các hoạt động kinh tế khác gồm có chăn nuôi, dệt, đan lát, hái lượm, đánh cá, săn bắn và trao đổi hàng hóa theo cách vật đổi vật.
Về tổ chức cộng đồng, người Cơ tu theo chế độ phụ hệ, con lấy họ theo cha, chỉ con trai mới được thừa hưởng gia tài. Mỗi dòng họ người Cơ tu đều có tên gọi riêng, người trong họ phải kiêng cữ một điều nhất định. Có chuyện kể về lai lịch của dòng họ và sự kiêng cữ đó. Lúc sống, dòng họ có trách nhiệm cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau, khi chết được chôn cất bên nhau trong bãi mộ chung của làng. Làm nhà mồ, chung quanh mộ dựng nhiều tượng gỗ, không có tục cúng giỗ, tảo mộ.
Về hôn nhân gia đình, theo tập tục Cơ tu, khi người họ này đã lấy vợ họ kia, thì người họ kia không được lấy vợ họ này, mà phải tìm ở họ khác. Tập tục người Cơ tu cho phép khi chồng chết, vợ có thể lấy anh em chồng, khi vợ chết, chồng có thể lấy em hay chị vợ. Việc kết hôn thường mang tính gả bán, và sau lễ cưới cô dâu đến ở nhà chồng. Chế độ một vợ một chồng phổ biến, nhưng cũng có một số người khá giả lấy hai vợ.
Về nhà ở, trong làng người Cơ tu, các nếp nhà sàn tạo dựng theo hình vành khuyên hoặc gần giống thế. Ngôi nhà gươl cao, to, đẹp, là nơi tiếp khách chung, hội họp, cúng tế, tụ tập chuyện trò vui chơi.
Về trang phục, đàn ông quấn khố, thường ở trần, đàn bà mặc váy ống. Người Cơ tu có cá tính riêng trong tạo hình và trang trí trang phục, khác các tộc người khác trong khu vực, nhất là trang phục nữ. Đồ trang sức phổ biến là vòng tay, vòng cổ, khuyên tai. Các phong tục xăm mặt, xăm mình, cưa răng, đàn ông búi tóc sau gáy đã dần được loại bỏ.
Về văn nghệ, người Cơ tu có nhiều truyện cổ kể về sự tích, về xã hội con người, về sự phát sinh các dòng họ… Trong lễ hội thường trình diễn múa tập thể: nữ múa Ză – ză, nam múa Tung tung. Nhạc cụ thường thấy là bộ chiêng (ching) 3 chiếc, cồng (Goong, Bhor Torove) 1 chiếc, trống (Chơr – gor, Cà thu), sáo, đàn, nhị. Phụ nữ tài nghệ trong việc dệt các đồ án hoa văn bằng sợi màu trang trí với các hoạ tiết hình học phân bố và kết hợp khéo léo chì và cườm trên vải. Nam giỏi trong điêu khắc trang trí ở nhà mồ, nhà công cộng, với những hình đầu trâu, chim, rắn, thú rừng, gà… cũng như trong việc vẽ hoa văn trang trí trên cây cột buộc con trâu tế. Người Cờ Tu có những điệu hát riêng của mình.
Các tác nhân chủ yếu gây biến đổi
Là một cộng đồng nhỏ nằm ở khu vực miền núi hẻo lánh phía Tây của thành phố Đà Nẵng nhưng người Cơ tu không nằm ngoài ảnh hưởng của toàn cầu hóa hiện nay. Toàn cầu hóa thậm chí đang hàng ngày hàng giờ tác động lên tất cả các phương diện đời sống xã hội người Cơ tu, trước hết là thông qua việc giao thương, qua truyền thông đại chúng, qua các loại hình thể thao, giải trí… Theo quan sát của chúng tôi, khoảng 15 năm trước đây, người Cơ tu Đà Nẵng về cơ bản vẫn còn giữ những nét văn hóa đặc thù riêng của người Cơ tu ở tất cả các mặt như: trang phục, nhà cửa, phong tục, sản xuất, lễ hội… Nói chung, vẫn còn khá nguyên vẹn và không có sự khác biệt lớn so với người Cơ tu ở vùng cao thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng nay, văn hóa người Cơ tu Đà Nẵng đã có sự thay đổi nhanh chóng, đến mức độ có thể hình dung họ như những người Kinh thực thụ. Theoc chúng tôi, các yếu tố tác động gây biến đổi, đó là:
Thứ nhất, cộng đồng người Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có số lượng tương đối ít, nhưng sống tập trung ở hai vùng tách biệt, không gian định cư cũng tách biệt với cộng đồng người Cơ tu Quảng Nam và sống vùng tiếp giáp với người Kinh, họ có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau nên quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Ở họ, các đặc trưng văn hóa như miêu tả trên đây đã bị phôi pha đi rất nhiều. Là một người đang công tác trong ngành Văn hóa của huyện Hòa Vang, có quá trình công tác gắn bó với người Cơ tu, chúng tôi chứng kiến người Cơ tu ở đây đã có quá nhiều thay đổi trong văn hóa của họ, từ việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp đến phong tục tập quán, lễ hội, nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở, tập tục cưới xin, ma chay…
Thứ hai, sự phát triển của hệ thống giao thông và trao đổi hàng hóa: con đường DT 604 được nhựa hóa và mở rộng, xẻ ngang thôn Phú Túc, nối mạch giao thương giữa huyện Đông Giang – Quảng Nam với Đà Nẵng. Con đường ĐT 601 dài hơn 20km nối từ biên giới nội thành Đà Nẵng đến hai thôn Tà Lang và Giàn Bí cũng được mở rộng, trải nhựa nhằm phát triển kinh tế rừng, phục vụ xây dựng thủy điện Sông Ba, cũng như để giao thương và phát triển du lịch. Đây chính là điều kiện để người Cơ tu giao lưu, tiếp xúc thường xuyên hơn với người Kinh.
Thứ ba, sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tổ chức sản xuất theo kế hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trước đây người Cơ tu sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, khai thác những thứ có sẵn từ rừng nhưng ngày nay sản vật từ rừng đã khan hiếm, việc chặt phá đã bị cấm và đất rừng đã được giao khoán lâu năm cho người dân để sản xuất. Điều này đã làm cho tập tục canh tác của người dân chuyển đổi theo hướng kế hoạch hóa tập trung. Người dân được hướng dẫn trồng rừng, chủ yếu là cây nguyên liệu giấy, hương liệu theo nhu cầu thị trường. Một phần diện tích ở thôn Phú Túc và Giàn Bí được chuyển sang trồng lúa và rau màu từ nhiều năm nay. Thanh niên Cơ tu ở đây được dạy nghề và đã tìm việc tại các khu công nghiệp của thành phố. Nhiều người được nhận vào làm tại các khu du lịch sinh thái gần đó, có người được tuyển vào làm công chức chính quyền xã. Nhiều hộ dân hiện nay đã có thể thu nhập thêm bằng nghề buôn bán nhỏ.
Từ sự chuyển đổi về nghề nghiệp và cách tổ chức sản xuất này đã làm cho kinh tế tự túc, khép kín của người Cơ tu Đà Nẵng đã bị phá vỡ phần nào. Xu hướng hiện nay là theo kinh tế hàng hóa, bị chi phối bởi quy luật cung cầu thị trường và đã bắt đầu hòa vào nền kinh tế chung của đất nước. Nếu trước đây người Cơ tu Đà Nẵng sống với nghề truyền thống là khai thác rừng và chăn nuôi, thì nay họ làm thêm nhiều nghề mới như trồng cây công nghiệp, thương mại – dịch vụ… Thu nhập của họ dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào rừng.
Thứ tư, sự phát triển giáo dục – đào tạo, y tế: với việc xây dựng các trường phổ thông tại các thôn đồng bào dân tộc và đào tạo nghề cho thanh niên, đã góp phần rất lớn làm thay đổi nhận thức của người Cơ tu trong suốt những năm qua. Nhiều người Cơ tu hiện nay không còn tin có sự tồn tại của Giàng cũng như những thế lực siêu nhiên khác. Thế hệ người Cơ tu từ những năm 1970 trở về sau hầu hết đều biết đọc, biết viết, thậm chí trẻ em còn nói được cả những câu tiếng Anh thông dụng. Bên cạnh đó, các trạm y tế quân dân y kết hợp cũng đã góp phần làm cho họ không còn tin và chữa bệnh theo cách cúng ém, ma thuật. Hiện nay người dân chọn cách chữa bệnh theo phương pháp Tây y là chính, các bệnh thông thường, người dân có thể tự chữa bằng những bài thuốc cổ truyền.
Thứ năm, việc tiếp cận thông tin đại chúng và truyền thông đa phương tiện của người Cơ tu Hòa Vang diễn ra nhanh chóng. Những năm trước, tín hiệu TV được thu bằng ăn-ten chảo, gặp nhiều trở ngại kỹ thuật. Hai năm trở lại đây trạm phát lại truyền hình đã được xây dựng tại Hòa Bắc, cho phép người dân thu tín hiệu trực tiếp từ nhiều kênh. Hiện nay, người dân đã quá quen với chiếc điện thoại di động. Internet tuy chưa nhiều nhưng đã có người sử dụng. Hạ tầng thông tin phát triển cho phép đồng bào Cơ tu ở đây tiếp xúc với thông tin trong và ngoài nước ngày một nhiều và kịp thời. Văn hóa các vùng miền gần xa đều được người Cơ tu biết đến. Người ở đồng bằng có thông tin gì thì người Cơ tu vùng núi cũng có những thông tin ấy. Xuất bản phẩm, báo chí được cung cấp cho vùng dân tộc ở đây còn ít nhưng với sự phát triển của truyền thông đa phương tiện đã đủ làm cho văn hóa người Cơ tu ở đây có những biến đổi to lớn.
Cộng đồng dân tộc Cơ tu Đà Nẵng trước đây có những đặc thù riêng, xã hội vận hành theo tập quán, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng theo phong tục cổ truyền. Hiện nay, không gian địa lý và không gian xã hội ở vùng này đã thay đổi về căn bản. Tác động của sự phát triển kinh tế, điều kiện sinh hoạt vật chất, sự gia tăng dân số, sự cộng cư của người Kinh và ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, văn hóa các vùng miền khác đã làm cho văn hóa người Cơ tu biến đổi, xáo trộn to lớn. Tính chỉnh thể của văn hóa Cơ tu Đà Nẵng đã bị phá vỡ ở những mức độ nhất định. Chính vì không còn tin có Giàng nên người Cơ tu chẳng sợ bị trừng phạt khi phạm phải những điều cấm kị. Xưa nay người Cơ tu quan niệm “giấu ai không thể giấu Giàng”. Vì Giàng là đấng tối thượng nên nếu không sớm thú nhận thì tội lỗi sẽ càng thêm nặng, nhất định sẽ bị trừng phạt. Vì vậy, tất cả người Cơ tu đều chấp hành luật tục một cách nghiêm túc. Khi không còn tin có Giàng họ có lối thoát về mặt tinh thần khi phạm luật nên họ không thú tội. Và vì vậy, luật tục bị mất dần khả năng điều chỉnh quan hệ cộng đồng, thay vào đó là luật pháp nhà nước.
Xu hướng biến đổi
Xu hướng của văn hóa tộc người Cơ tu ở Đà Nẵng là biến đổi, hội nhập với những giá trị chung mang tính phổ quát. Trong đó, sự mai một, biến đổi của các thành tố văn hóa vật thể diễn ra nhanh hơn, nhiều hơn so với các thành tố văn hóa phi vật thể.
Về nhà ở, tất cả các hộ đồng bào dân tộc ở đây đã không còn ở nhà sàn, thay vào đó là nhà xây kiên cố và bán kiên cố được UBND thành phố xây dựng theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo từ năm 2004. Các nhà Gươl được dựng lại tuy nhiên cũng đã bê-tông hóa một phần, dung hợp nhiều yếu tố của văn hóa người Kinh như vật linh long, phụng.
Việc bài trí trong nhà, nhiều dụng cụ gia đình, lối ăn ở, sinh hoạt của đồng bào phần nhiều đã giống người Kinh. Trang thiết bị trong nhà được hiện đại tối đa. Về trang phục, trừ các ngày diễn ra nghi lễ, lễ hội có một số ít người già mặc trang phục truyền thống, còn lại gần như sử dụng sản phẩm may mặc công nghiệp. Về ẩm thực, trừ việc uống rượu cần, món ăn trong các nghi lễ, lễ hội là theo cổ truyền, còn lại đã có thay đổi về cách chế biến món ăn, đồ uống, cách thức ăn uống cũng thay đổi theo hướng sử dụng đồ dùng công nghiệp. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng.
Nghi lễ, lễ hội của người Cơ tu đang mai một dần, biến đổi rất nhanh. Nhìn chung, nghi lễ về vòng đời người vẫn tiến hành, nghi lễ liên quan đến sản xuất nương rẫy theo phương thức cổ truyền được thực hiện khá nguyên vẹn, còn lại diễn ra theo xu hướng đơn giản, gọn nhẹ. Lễ hội cũng mai một, biến đổi theo xu hướng này. Ngày nay lễ hội còn bị hướng vào xu hướng hiện đại hóa, cấu trúc bị cắt xén nhiều phần. Đâm trâu là hoạt động trung tâm của lễ hội, thể hiện cao độ tín ngưỡng dân gian, mang ý nghĩa hiến tế thần linh để cầu an lành nhưng nhiều năm liền không có đâm trâu nên lễ hội đã mất dần tính thiêng và tính chỉnh thể của lễ hội cũng không còn. Tiếng cồng chiêng đã trở nên thưa thớt dần trong các lễ hội. Người già lần lượt mất đi, người trẻ thì không buồn học lại. Những điều cấm kị về sử dụng cồng chiêng đến nay cũng đã giảm dần tính hiệu lực. Xu hướng biến đổi này cũng giống với xu hướng biến đổi văn hóa của các dân tộc vùng Tây nguyên.
Tập tục ma chay, cưới xin cũng bị biến đổi rất nhiều, vừa theo hướng tích cực nhưng cũng vừa dung hợp những yếu tố lạc hậu từ bên ngoài. Chẳng hạn, tính gả bán đã giảm đi nhiều nhưng việc cưới được tổ chức rình rang, linh đình với bia rượu và hát múa nhạc mới ồn ào. Nhiều đám cưới được tổ chức theo kiểu “khoán” cho dịch vụ lo từ đầu đến cuối. Việc tang cũng tiếp nhận nhiều yếu tố bên ngoài như phúng điếu bằng phong bì, vòng hoa, liễn đối, đốt vàng mã.
Tổ chức cộng đồng: Người Cơ tu không lâu trước đây còn tổ chức cộng đồng theo hình thức công xã nên quan hệ cộng đồng khá chặt chẽ. Làng là một đơn vị dân cư trên một địa vực nhất định và riêng biệt, tự quản dựa vào tập tục, đứng đầu là ông già làng quyền uy, được nể trọng. Sự phân hoá xã hội chưa sâu sắc. Gia tài được xác định bằng chiêng ché, trâu bò, đồ đeo trang sức, vải vóc. Hiện nay, ở nhiều thôn ở huyện Đông Giang, Tây Giang – Quảng Nam, tổ chức cộng đồng của người Cơ tu vẫn còn mang đậm hình thức truyền thống này, nhưng với người Cơ tu Đà Nẵng thì đã có sự thay đổi. Vai trò già làng ở đây bị giảm dần, nổi lên là vai trò của bí thư chi bộ và trưởng thôn. Trước đây, nếu nhà nào trong làng săn bắt được con thú gì thì họ phải mang về chia cho cả làng cùng ăn nhưng nay tập tục này đã bị phôi pha, được thay thế bằng sự trao đổi, mua bán.
Luật tục Cơ tu so với các di sản phi vật thể khác cũng bị mai một theo xu hướng biến đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Xu hướng biến đổi của luật tục là đơn giản, gọn nhẹ hơn so với tập tục cổ truyền. Chẳng hạn, người Cơ tu tối kỵ việc chửa hoang (gọi là t’niết t’rát hay t’niết t’bhúc), người nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng bằng hiện vật gồm: trâu, heo, dê, mỗi thứ một con và chiêng, ché, nồi đồng, mỗi thứ một cái. Hiện nay, hình thức phạt này ở người Cơ tu Đà Nẵng đã không còn mà chỉ còn lại sự kinh miệt, lên án của cộng đồng đối với người chửa hoang. Đối với các tội khác như gây mất đoàn kết trong cộng đồng, chặt cây cổ thụ, phá rừng đầu nguồn…, người xử kiện có tính đến hoàn cảnh kinh tế của người phạm tội để đưa ra quyết định thế nào cho vừa có lý vừa có tình. Trong nhiều trường hợp, việc xét xử nhằm mục đích răn đe, giáo dục hơn là áp dụng hình phạt.
Về nghề truyền thống: Nghề dệt thổ cẩm hiện nay đã thất truyền hoàn toàn. Người Cơ tu Đà Nẵng hiện nay ăn mặc giống người Kinh. Trang phục truyền thống chỉ được mặc mang tính nghi thức khi có lễ hội, việc hệ trọng của làng. Đặc biệt trang phục truyền thống này được mua từ xã Tà Lu hoặc Sông Côn, A Tin thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam).
Trước đây, đến với người vùng đồng bào Cơ tu ở đây, chúng tôi có cảm giác như đến với đại ngàn Tây nguyên, thì nay cảm giác đó đã không còn, thay vào đó là cảm giác bị mất mát, bởi sự thay đổi đã diễn ra quá nhanh mà không có một điều gì khả dĩ kiềm giữ được, ít nhất là những cái tạo nên bản sắc của họ. Đành rằng hội nhập là để phát triển và văn hóa nào ưu việt hơn sẽ lấn át một cách tự nhiên trong sân chơi hội nhập, nhưng chúng tôi vẫn thấy tiếc nuối về những gì đã trôi qua mà chắc chắn là sẽ không bao giờ trở lại được. Người Cơ tu Đà Nẵng bây giờ đã khoác lên mình chiếc áo văn hóa mới sặc sở màu của những văn hóa khác nhau. Gam màu chủ đạo vẫn là Cơ tu và sự sặc sở được dệt nên bởi yếu tố Việt, Tây, Tàu…
Trên đây là một số thách thức mà cộng đồng người Cơ tu ở Hòa Vang đã và đang gặp dưới tác động của toàn cầu hóa, nhưng dù gì thì người Cơ tu Đà Nẵng hiện nay cũng đã có những bước phát triển về nhiều mặt. Điều đáng quí là đời sống tinh thần người Cơ tu ở đây đã thoát khỏi tư duy thần thoại và sự kiềm tỏa của giới siêu nhiên, tạo ra sự bức phá để phát triển. Chất lượng cuộc sống được nâng cao qua từng ngày. Người dân được học hành, được chăm sóc y tế, được hưởng nhiều phúc lợi xã hội mà cách đây không lâu họ không có được. Rõ ràng, hội nhập đã tạo ra sự thay đổi đối với người Cơ tu ở Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng mặc dù sự hội nhập của họ là thụ động nhưng được nhiều hơn là mất. Cái được ở đây là đời sống kinh tế – xã hội đã có bước đột phá về chất lượng. Những gì lạc hậu, trì trệ trong quan niệm, tập tục từng bước bị loại bỏ và thay vào bằng tư duy biện chứng khoa học.
Học tập cái mới, cái tốt và đào thải những cái lạc hậu là quy luật phát triển của văn hoá. Thời kỳ đầu khi tiếp xúc với những cái gì to tác, thường thì người tham gia bị choáng ngợp, mất cảnh giác nhưng rồi sau đó họ lại tự nhận ra mình và có xu hướng tìm lại chính mình. Ở tầm phát triển như hiện nay, mặc dù nhiều giá trị mới chưa hình thành ổn định, nhưng người Cơ tu Đà Nẵng đã có điều kiện mới để tìm lại và tạo ra bản sắc của riêng mình phù hợp với điều kiện sống hiện tại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Đình Khoa (1983), Các dân tộc ở Việt Nam, Nxb.Khoa học xã hội Hoà Nội.
- PGS.TS. Đỗ Hồng Kỳ (2013), Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên cổ truyền trong phát triển bền vững, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam điện tử (http://vssr.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/ngonnguvanhocvanhoa/View_Detail.aspx?ItemID=49
- Bh’ Riu Liếc (2009), Văn hoá người Cơ tu, Nxb. Đà Nẵng)
- GS. Đinh Xuân Lâm, PGS.TS. Bùi Đình Phong (2004) “giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hộinhập”, Tạp chí Cộng sản [62]
- Bùi Thanh Quất (2003), Toàn cầu hóa – một cách tiếp cận mới, Tạp chí Cộng sản [27]
- Phan Kế Bính (1988). “Việt Nam phong tục”, Nxb.TP Hồ Chí Minh
- Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu (1968). “Đất lề quê thói”, Nxb.Đại Nam
- Võ Văn Hòe (2008). “Văn hóa dân gian Hòa Vang”, Nxb.Đà Nẵng
- Vũ Đức Sao Biển. “Cúng xóm”, Báo Thanh niên online đăng ngày 03/01/2016 (http://thanhnien.vn/doi-song/cung-xom-652051.html)
- Tân Việt (2001). “Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam”, Nxb.Văn hóa dân tộc.
Đỗ Thành Tân
Luật tục
và sự biến đổi của nó
[Người trả lời phỏng vấn: Ating Mlô và Alăng Đợi thôn Gừng, thị trấn Prao, Đông Giang; Bùi Văn Cầm và Trương Văn Dũng thôn Giàn Bí xã Hòa Bắc].
Người Katu tổ chức cuộc sống cộng đồng theo đơn vị làng (veel, bhươl). Làng cũng là tổ chức xã hội duy nhất, đơn giản nhất của người Katu. Lãnh thổ của làng trong phạm vi biên giới được xác định bằng sông, suối, tảng đá, gốc cây cổ thụ, ngọn núi… Tất cả mọi thứ trong phạm vi đó đều thuộc sở hữu của làng. Làng của đồng bào Cơtu vừa là đơn vị cư trú vừa là đơn vị hành chính mang tính chất tự quản. Việc quản trị làng là do chủ làng hay già làng (Ta coh vêêl) đảm nhiệm. Già làng là người có uy tín, hiểu biết, có tài đàm phán và người nhà của ông ta cũng phải có lý lịch và quan hệ xã hội tốt thì mới được dân làng bầu chọn. Giúp việc cho già làng là hội đồng tộc họ, là tập hợp những người già đại diện của các dòng tộc trong làng. Trong thời gian nắm quyền, nếu đời sống dân làng ấm no, cuộc sống bình yên thì uy tín của già làng càng tăng cao. Không may nếu liên tiếp hai, ba vụ mùa thất bát hoặc dịch bệnh gây chết người thì già làng đành bất lực chịu bị phế truất bởi hội đồng tộc họ và dân làng. Họ sẽ họp lại, bãi nhiệm ông ta và bầu người khác lên thay. Đó là một quy định bất thành văn từ xưa tới nay đối với người có vai trò, vị trí cao nhất trong làng. Tất cả các thành viên khác trong làng hiển nhiên có quy định xử phạt một cách rõ ràng dành cho anh ta khi không hoàn thành vai trò chức trách nhiệm của mình hoặc vi phạm các điều cấm của làng – rất bình đẳng và không có trường hợp ngoại lệ về việc xử phạt trong phong tục của người Katu. Trong phần này chúng tôi sẽ nói về luật tục thông qua một số mối quan hệ, ứng xử xã hội đặc thù xưa và nay để cung cấp cái nhìn so sánh về sự vận động, biến đổi của nó theo thời gian, dưới ảnh hưởng của các yếu tố ngoại sinh khác.
Với nhiệm vụ nghiên cứu luật tục truyền thống và sự biến đổi của nó dưới góc nhìn văn hóa học chứ không phải nghiên cứu luật tục theo góc nhìn pháp lý, do đó chúng tôi tạm đưa ra một quan niệm mang tính công cụ cho việc soi xét vấn đề để không nhầm lẫn với các quy định khác trong phong tục. Với mục đích như vậy, chúng tôi quan niệm rằng, luật tục là những quy định bắt buộc theo phong tục của cộng đồng dùng để phân xử phải trái, đúng sai đồng thời giới hạn hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng và con người với tự nhiên, với thế giới thần linh để bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng, duy trì trật tự ổn định và bảo đảm cho cộng đồng tồn tại, phát triển.
Cộng đồng người Katu Đà Nẵng, theo sự xác nhận của họ, có gốc gác thuộc xã Ba và xã Tư thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, thuộc nhóm người Katu phương, và hiện nay vẫn có quan hệ bà con với nhiều người Katu huyện Đông Giang. Điều này được củng cố hơn khi, trong quá trình điền dã, nghiên cứu văn hóa của người Katu Đà Nẵng và người Katu huyện Đông Giang, chúng tôi nhận thấy phong tục tập quán giữa hai địa phương hầu hết là tương đồng. Tuy nhiên, do có quá trình tiếp xúc thường xuyên với người Kinh nên trong khoảng ba mươi năm trở lại đây văn hóa và phong tục của cộng đồng người Katu Đà Nẵng đã có những biến đổi nhanh chóng.
Nói về luật tục, có thể khẳng định người Katu có một hệ thống luật tục khá phong phú, bao quát các mặt đời sống của cộng đồng. Việc thi hành nó trong đời sống hết sức nghiêm minh và bình đẳng với tất cả mọi thành viên. Hình phạt đối với những người vi phạm là vật phẩm có giá trị lớn mà người phạm tội phải mất nhiều năm mới có thể tạo dựng được, thậm chí là tù chung thân hoặc trả giá bằng mạng sống nếu phạm phải trọng tội. Vì thế, các hành vi lệch lạc bị chế ngự và cộng đồng người Katu luôn giữ vững được sự ổn định, trật tự.
Luật tục này tồn tại ở dạng truyền miệng bởi người Katu không có chữ viết. Kể cả khi cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX đồng bào được Bộ đội giải phóng hướng dẫn cách dùng chữ Quốc ngữ để kí âm thì luật tục của họ cũng không thấy được ghi chép. Hệ thống này đề cập tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội: quan hệ cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của thủ lĩnh, hôn nhân và gia đình, sở hữu tài sản, việc xâm phạm tới các cá nhân (xúc phạm, gây thương tích, giết người), xâm phạm lợi ích cộng đồng… Và điều quan trọng là, hệ thống này hầu hết đều liên quan đến yếu tố thần linh – hệ thống Giàng, phù thủy và ma quái của người Katu, mà dưới đây chúng ta sẽ thấy rõ sự hiện diện đó trong hầu hết các ví dụ mà chúng tôi dẫn ra.
…….
- Trong luật tục người Katu, tội phá hoại tài sản của người khác sẽ bị phạt một con heo, một ché rượu cần và một con gà. Tất cả dùng để cúng Giàng nhằm chữa cái tật xấu để lần sau không tái phạm và cũng để già làng hòa giữa hai bên. Và tất nhiên, ngoài việc chịu lễ phạt, anh ta còn phải đền bù thiệt hại cho bên bị hại. Nếu làng này phá hoại tài sản của làng kia thì già làng hai bên sẽ cùng ngồi lại với nhau cử hành nghi thức cúng Giàng và hoà giải, thoả thuận đền bù. Vì nếu không giải hòa thì hai bên vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, như thế sẽ không mời nhau được.
2. Tội ngoại tình: những ai phạm vào tội ngoại tình nếu bị phát hiện thì người đàn ông phải chịu phạt một con heo trắng ba gang (khoảng 40-50kg) và ché rượu cần. Ngoài vật phẩm sắm cho làng cúng giàng, người đàn ông ngoại tình đó phải nộp cho chồng
[1] Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Hòa Phú, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2004
[2] Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng xã Hòa Bắc, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2007
[3] Oscar Salemink, 2005, 01 (Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Vũ Hoàng dịch).
[4] Bronislaw Malinowski là nhà Nhân học Anh. Trong lĩnh vực nghi lễ ông đưa ra giả thuyết là môi trường càng bất trắc thì những tâm lý lo lắng càng tăng, cho nên người ta có khuynh hướng dùng lễ nghi. Giả thuyết này dựa trên nghiên cứu của ông về việc đánh cá của người dân trên đảo Trobriand. Xem thêm: những vấn đề nhân học tôn giáo, 2006, 159.
[5] Đô thị hóa, Diễn đàn học mãi, ngày 27/6/2012; xem thêm: http://diendan.hocmai.vn/threads/dia-li-9-do-thi-hoa.237377/
[6] Nguyễn Thị Hoài Hương, Người Quảng ở Sài Gòn, Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, tr.78-80. Xem thêm: dised.danang.gov.vn/LinkClick.aspx?fileticket=11cvmBvFuC8%3D&tabid=62
[7] With the relaxation of the travel permit system after 1986, out migration increased as families moved to various parts of the country, and some found their way to Ho Chi Minh city, often after some years in the centres such as Bình Thuận, Đồng Nai, Đà Lạt.
[8] “Về Đà Lạt xem cúng xóm”, Báo Gia đình ngày 15/01/2012; xem thêm: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ve-da-lat-xem-cung-xom-201201120314815.htm
[9] “Cúng xóm”, Báo Thanh niên ngày 03/01/2016; xem thêm: http://thanhnien.vn/doi-song/cung-xom-652051.html
[10]“Mâm cúng làng xóm bày giữa đường”, báo Vnexpress ngày 21/01/2014, xem thêm: http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/mam-cung-lang-xom-bay-giua-duong-2943968.html