DOUGALD J.W. O’REILLY – Văn minh Chàm trên đất Việt, qua lăng kính khảo cổ học

345

 

Dougald J.W. O’Reilly

VĂN MINH CHÀM TRÊN ĐẤT VIỆT, QUA LĂNG KÍNH KHẢO CỔ HỌC

Ngô Bắc dịch

     Người Chàm là một sắc dân riêng biệt về mặt chủng tộc được nhận thấy nhiều nơi trên nước Việt Nam và Căm Bốt hiện đại.  Người Chàm nói một ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austronesian).  Đa số ngôn ngữ dòng Austronesian được tìm thấy ở vùng đảo Đông Nam Á và khắp Thái Bình Dương.  Trong khung cảnh này người Chàm mang nét độc đáo, và khả năng của họ để tồn tại ở Đông Nam Á là nhờ phần nào ở sức mạnh kinh tế và chính trị thời ban sơ của họ.  Chàm [là danh xưng] để chi một vương quốc thời nguyên sử (protohistoric), được thành lập muộn nhất khỏang thế kỷ thứ 4, dọc theo bờ biển Việt Nam.  Nó được hay biết phần lớn từ các tài liệu của Trung Hoa và các văn bia rải rác và gần đây hơn, qua bằng chứng khảo cổ.  Chàm được nghĩ đúng nhất không phải như một thể chế chính trị thống nhất mà như một tập hợp các lãnh địa nhỏ hơn cùng chia sẻ các truyền thống văn hóa và ngôn ngữ.  Tác giả Taylor (1992, 153) mô tả Chàm như “một không gian chính trị văn hóa quần đảo về mặt địa lý”.  Mỗi thung lũng của con sông có thể xác định lãnh vực chính trị của một vị vua hay thủ lĩnh khác biệt, với thủ đô nằm ở cửa khẩu của con sông và các làng xã dàn trải ngược lên dòng sông.  Sự kiểm soát của vị vua dọc bờ biển đối với các làng xã này trong vùng nội địa có thể tùy vào khả năng của vị vua để thành lập các liên minh (Hall 1992, 253-254).  Vương quốc Chàm trải dài dọc bờ biển Việt Nam từ núi Hoành Sơn ở phía bắc cho đến vùng lân cận thành phố Sàigòn ngày nay.  Nhiều phần là ảnh hưởng của chế độ chính trị chủ yếu có tính cách duyên hải này được nhận thấy mãi sâu trong nội địa và có thể bao gồm các nhóm chủng tộc khác nhau nói ngôn ngữ liên hệ với tiếng Chàm, chẳng hạn như người Jorai, Cru, Edê, và Raglai, cũng như các nhóm dòng Austroasiatic (Úc-Á), các sắc dân Ma, Sté, và Stieng (Dharma 2001).

CÁC NGUỒN GỐC

     Các gốc rễ của người Chàm có lẽ sẽ được tìm thấy nơi văn hóa Sa Huỳnh.  Sa Huỳnh là một địa điểm thuộc tỉnh Quảng Ngãi có để lại một số chum (vại) bằng đất sét đựng di cốt con người, các dụng cụ bằng đồng và sắt, và đồ trang sức bằng đá bán quý (Parmentier 1924).  Kể từ khi có sự khám phá các địa điểm chôn cất bằng chum vại đầu tiên, nhiều địa điểm khác đã được tìm thấy và giờ đây có thể biện giải cho một trình tự phát triển của truyền thống mai táng trong nền văn hóa này.  Vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhì, người vùng Sa Hùynh chôn cất người chết trong các chum vại có vẽ sơn cùng với dụng cụ bằng đá.  Gần đến cuối thiên niên kỷ thứ nhì trước Công Nguyên, loại hình sơn vẽ thay đổi và các dụng cụ bằng đồng bắt đầu xuất hiện.  Vào lúc khởi đầu thiên  niên kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, đồ sắt và thủy tinh bắt đầu được kèm theo các xâu chuỗi mã não màu đỏ tươi hay có vân trong các đám chôn cất tại Sa Huỳnh (Ngô Sĩ Hồng, 1991).  Các địa điểm chôn cất bằng chum (vại) liên hệ đến văn hóa Sa Huỳnh đã được khai quật dọc theo toàn thể vùng duyên hải miền trung Việt Nam.

        Một trong các vật tạo tác ở Sa Huỳnh dễ được nhận thấy hon là các khoen đeo tai (hoa tai) trái cầu và có hình thú vật hai đầu.  Kiểu thức này được tìm thấy tại các địa điểm xa xôi mãi tận Thái Lan, Phi Luật Tân, và quần đảo Nam Dương (Fox 1970; Majid 1982; Hà Văn Tấn 1986b; Glover 1989).  Một số đồ chôn cất tại Sa Huỳnh gồm cả thủy tinh, mã não, và các xâu chuỗi mã não có vân cho thấy sự can dự đến một mạng lưới mậu dịch hải ngoại với Ấn Độ.  Sự tiếp xúc với Trung Hoa được xác nhận với sự hiện diện của các tiền đồng nơi các vụ chôn cất tại Sa Huỳnh có niên kỳ 9-23 sau Công Nguyên.  Các vũ khí và các đồ vật tạo tác khác có nguồn gốc nhà Hán cũng có được tìm thấy (Southworth 2004, 212).

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ PHỨC TẠP THỦA BAN SƠ TẠI VIỆT NAM: LÂM ẤP

        Tài liệu lịch sử Trung Hoa cho thấy có một cuộc nổi lọan bởi sắc dân nói một thứ ngôn ngữ dòng Nam Á tại phía nam Chỉ Huy Sứ Nhật Nam (Huế ngày nay).  Cuộc nổi dậy đưa đến sự thành lập một thực thể chính trị mà người Trung Hoa gọi là Lâm Ấp (Dharma 2001).  Với thời gian, thực thể chính trị này phát triển nhiều uy thế hơn, mở rộng phía bắc cho đến Hoành Sơn cũng như về phía nam, hiển nhiên thu tóm các khu định cư vốn đi theo tôn giáo của Ấn Độ.  Khu vực phía bắc của Lâm Ấp được cư ngụ bởi các người nói tiếng Việt nguyên thủy (proto-Vietnamese) là sắc dân đã đẩy lui nhiều mưu toan liên tiếp của Lâm Ấp nhằm chinh phục họ trong các thế kỷ thứ 4, 5 và 6 sau Công Nguyên (Dharma 2001).  Bất kể đến sự can trường hiển hiện của nó, Lâm Ấp vẫn triều cống hoàng đế Trung Hoa, mặc dù nó có cố gắng để thoát ra khỏi nghĩa vụ này trong một số dịp.

     Không rõ là liệu dân Lâm Ấp và dân Chàm có phải là cùng một sắc dân hay không.  Chắc chắn vào khoảng thế kỷ thứ 4, xem ra dân Lâm Ấp nói tiếng Chàm (Coèdes 1939).  Lãnh thổ thâu tóm bởi cả hai nhóm sau cùng được gọi là xứ Chàm.  Tuy nhiên, tác giả Vickery cảm thấy nhiều phần là dân Lâm Ấp nguyên thủy là các người nói tiếngMon-Khmer dựa trên sự sử dụng từ ngữ Fan (Phạm) để chỉ các lãnh tụ địa phương trong các bài viết của Trung Hoa.  Đây cũng chính là từ ngữ được dùng để chỉ các nhà lãnh đạo tại Phù Nam, vốn nhiều phần cũng là một sắc dân dòng Mon-Khmer.  Các người nói tiếng Mon-Khmer này sau cùng có thể đã hội nhập với các cư dân của vùng ngày nay là bắc Việt Nam (Vickery 2003, 17).

     Nhiều phần thể chế chính trị của Lâm Ấp có căn nguyên từ sự nổi dậy.  Phần đất được gọi bởi người Trung Hoa là Xianglin [Tượng Lâm?] bao gồm một phần thuộc chỉ huy sứ Nhật Nam của triều đình nhà Hán, vốn được kéo dài xuống phía nam đến mãi tận đèo Hải Vân.  Sự áp đặt một chế độ thuế khóa hà khắc trong suốt thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên có thể đã dẫn đến cuộc nổi dậy lan rộng tại Xianglin và sự thành lập Lâm Ấp.  Vào năm 248 sau Công Nguyên Lâm Ấp cảm thấy đủ mạnh để phái một lực lượng lên phía bắc nhằm tấn công Nhật Nam và các bộ huyện Trung Hoa tại Cửu Chân và Giao Chỉ (Southworth 2001).

     Rất khó khăn để xác định, dựa trên bằng cớ được cung cấp, các vùng đất được bao hàm khi Lâm Ấp và xứ Chàm được đề cập tới trong các biên niên sử Trung Hoa và ngay cả trong văn bia tại miền trung Việt Nam.  Một số nhà nghiên cứu tin rằng Lâm Ấp đã không tọa lạc tại Việt Nam ngày nay.  Tác giả Hoshino (1999, 61) cảm thấy rằng nhiều phần nó nằm ở miền Nam Lào hay đông bắc Căm Bốt, giải thích là theo Tùy Thư (Sui Shu) thì Lâm Ấp tọa lạc tại gần địa điểm ngày nay gọi là Wat Phu bên dòng sông Cửu Long, chứ không phải là gần miền Trung Việt Nam.  Tác giả Southworth (2001, 335) tin rằng sự nhầm lẫn phát sinh từ sự kém hiểu biết về các dòng tộc khác nhau đã cai trị các vùng đất phía nam các đô hộ phủ Trung Hoa.  Trong suốt các thế kỷ thứ 5 và thứ 6 một số cá nhân các nhà lãnh đạo có thể được xác định, chẳng hạn như Gangaraja, kẻ đã cai trị khu vực Thung Lũng Sông Thu Bồn, và Phạm Dương Mai (Fan Yangmai), được xác định cùng với Lâm Ấp và Bhadravarman và là kẻ có thể đã kiểm soát đất đai trên cả hai lãnh thổ.  Phải chờ mãi đến thế kỷ thừ 6 chúng ta mới có thể nói rằng các đất đai phía nam Trung Hoa phần lớn được đặt dưới sự kiểm soát của một người, Rudravarman.  Dù thế, như tác giả Southworth (2001, 241) ghi nhận, không có gì chắc chắn về tầm bao trùm đến đâu danh xưng xứ Chàm bên ngoài Thung Lũng sông Thu Bồn [nơi có thánh địa Mỹ Son tọa lạc] cho mãi đến thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên.  Ý kiến này có khuynh hướng hỗ trợ cho mô thức tổ chức chính trị được nêu ra bởi tác giả Hall (1992, 253-54), trong đó các thể chế chính trị cá biệt có chủ quyền trên một cửa sông và thung lũng duy nhất.  Sự bành trướng quyền lực của bất kỳ nhà vua nào vượt quá lãnh địa của mình nhiều phần tùy thuộc ở khả năng của ông ta trong việc thiết lập các mạng lưới liên minh hay trên sự thành công về kinh tế của chính thể.  Giả thuyết này được hậu thuẫn hơn nữa bởi các nguồn tham khảo Trung Hoa về mười vương quốc tọa lạc vào khoảng một trăm cây số phía nam nước Lâm Ấp dọc theo bờ biển Việt Nam.  Sự đề cập này cũng có vẻ chỉ cho thấy rằng Lâm Ấp tọa lạc tại vùng lân cận Thung Lũng sông Thu Bồn (Southworth, 2004).

     Văn bia tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) được biết đến đầu tiên là văn kia được gọi theo tên địa phương, Võ Canh.  Văn bia có vẻ được viết bởi một hậu duệ của một nhà vua Sri Mara nào đó và tuyên bố rằng của cải của ông ta phải được dùng cho hạnh phúc và sự sử dụng của tất cả mọi người dân.  Ai là nhà vua Sri Mara vẫn còn là một điều huyền bí, nhưng ông ta được xác định là kẻ thành lập ra nước Lâm Ấp (Maspero, 1928).  Tác giả Coèdes (1940) nghiêng về việc xác định Sri Mara với Fan Shi-man (vào khoảng 230 sau Công Nguyên).  Quan điểm này được hậu thuẫn một cách gián tiếp bởi các tác giả Filliozat (1968) và Jacques (1969, 123).

     Văn bia Võ Canh được xem lúc ban đầu có nhật kỳ từ thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên dựa trên các sự so sánh chữ cổ với các bia ký được tìm thấy tại miền nam Ấn Độ (Bergaigne, 1888; Bhattacharya 1961, 223-24).  Các tác giả khác cảm thấy rằng kiểu chữ giống với các kiểu chữ phía bắc Ấn Độ hơn và phải có nhật kỳ khoảng thế kỷ thứ 4 hay thứ 5 sau Công Nguyên (Sircar 1939, 55); Gaspardone 1953, 479-81).  Một cuộc tranh luận hăng say về nguồn gốc bia ký đã bùng cháy trong hơn thế kỷ (Buhler 1886; Maspero 1928; Sastri 1936).  Như tác giả Southworth (2001, 202) ghi nhận, “bất kể cuộc tranh luận kéo dài này, vẫn có ít lý do để nghi ngờ việc ấn định nhật kỳ nguyên thủy và các lập luận về chữ cổ của tác giả Bergaigne”.

     Tác giả Finot (1902) tin rằng bia ký Võ Canh được dựng lên bởi các nhà cai trị hay giới tinh hoa của chính thể xứ Chàm và rằng sự hiện diện của nó cho thấy một vương quốc Chàm thống nhất bao quanh vùng Nha Trang.  Tác giả Southworth (2001, 213) ghi nhận rằng không có văn bia nào cho đến thế kỷ thứ 5, kể cả bia ký Võ Canh, đã đề cập đến xứ Chàm hay bất kỳ chính thể cấp miền thống nhất nào.

     Sự hiểu biết của chúng ta về xứ Chàm được soi sáng bởi các tài liệu để lại cho chúng ta qua cuộc viễn chinh quân sự của Trung Hoa đến khu vực đó trong năm 605 sau Công Nguyên.  Kinh đô của Chàm tọa lạc tại Trà Kiệu, không cách xa địa điểm có nhiều đền thờ nổi tiếng của Chàm tại Mỹ Sơn, một trung tâm Ấn Độ [giáo] kể từ thế kỷ thứ 4 (Dharma 2001).  Dựa trên bằng cớ hiện thời, có vẻ là ảnh hưởng của Ấn Độ lan lên phía bắc từ bờ biển phương nam (Boisselier 2001).

     Vị trí địa dư của Việt Nam có nghĩa là nó có sự tiếp xúc và ảnh hưởng liên tục từ láng giềng phương bắc của nó, Trung Hoa.  Ngay từ năm 221 trước Công Nguyên, Trung Hoa đã tìm cách mở rộng lãnh thổ của nó và chinh phục phần đất giờ đây là Việt Nam.  Tần Thủy Hoàng Đế, vị hoàng đế Trung Hoa vào thời điểm này, đã là kẻ đầu tiên hành sử một ảnh hưởng mạnh mẽ tại miền bắc Việt Nam với sự chinh phục của ông ta vùng nam Trung Hoa và bắc Việt Nam.  Sự sụp đổ của nhà Tần đưa đến sự độc lập của chỉ huy sứ Trung Hoa trước đây, hay quân trấn, Nam Hải.  Người Trung Hoa sau chót đã dành lại sự kiểm soát Nam Hải trong năm 111 trước Công Nguyên, với sự chinh phục khu vực bởi đế quốc nhà Hán, triều đại đã thiết lập ra ba chỉ huy bộ — Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam – vươn sâu xuống phía nam đến tận Đồng Hới.  Nhiều phần là các lãnh địa này được giữ nguyên cơ chế của chúng và chỉ được sáp nhập trên danh nghĩa vào Trung Hoa.  Khu vực đã dành được sự tự trị toàn diện trong thời khoảng giữa năm 9 đến năm 23 sau Công Nguyên, nhưng rồi lại bị đặt dưới sự kiểm soát của Trung Hoa, ngoại trừ một vài cuộc nổi dậy bị dẹp tan hoàn toàn bởi Trung Hoa.  Các cuộc nổi dậy tại bộ chỉ huy này trở nên thường lệ, diễn ra vào khoảng nửa thế kỷ một, giữa năm 43 đến năm 192 sau Công Nguyên.  Cuộc nổi dậy sau cùng của các cuộc khởi nghĩa này đã có các tác động lâu dài và dẫn đến sự tạo lập một chính thể được biết đến đối với người Trung Hoa là nước Lâm Ấp (Linyi).  Nhiều phần là Lâm Ấp tọa lạc tại chỉ huy sứ Xianglin (Tượng Lâm?) thuộc nhà Hán trước đó.  Sự sống sót của chính thể này có thể quy kết, một phần, cho sự sụp đổ của triều đại nhà Hán vào năm 220 sau Công Nguyên.  Trung Hoa bị phân chia thành ba nước tranh giành nhau.  Nước ở phía cực nam trong ba nước này chính là nước Ngô (Wu), trú đóng tại vùng thung lũng sông Dương Tử.  triều đình nhà Ngô đã đón tiếp các sứ bộ có ý định thiết lập các quan hệ mậu dịch từ Lâm Ấp, Phù Nam, và một chính thể khác chưa xác định được gọi là Tangming (Đường Minh?).  Mối quan hệ giữa Lâm Ấp và nhà Ngô không phải lúc nào cũng thân thiện, và trong năm 248 sau Công Nguyên, chính thể này đã táo bạo đột kích các bộ chỉ huy của nhà Ngô tại bắc Việt Nam.  Về sau, Lâm Ấp đã âm mưu với Phù Nam để gửi các sứ bộ đến triều đình nhà Jin (Tấn?) tại miền trung Trung Hoa.  Các cuộc đột kích của Lâm Ấp và Phù Nam vào lãnh thổ nhà Ngô vẫn tiếp tục cho đến khi có sự sụp đổ của nhà Ngô và sự lên ngôi của nhà Jin (Tấn).  Hoàng Đế nhà Ta6’n (Jin) đã thừa nhận Lâm Ấp như một chính thể độc lập và do đó đã mở một mối quan hệ mậu dịch thành công với Lâm Ấp hồi cuối thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên.  Các tài liệu của đế quốc nhà Tấn (Jin) cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khái quát về địa lý chính trị của Đông Nam Á vào thời điểm này.  Không ít hơn ba mươi “vương quốc” tọa lạc tại phía nam nước Trung Hoa đã gửi các sứ bộ đến triều đình nhà Tấn (Jin) vào lúc này.  Điều này có vẻ chỉ cho thấy sự hiện hữu của một hệ thống phức tạp gồm nhiều chính thể tại Việt Nam và Căm Bốt, trong đó Lâm Ấp và Phù Nam có lẽ là các nước nổi bật.  Một vương quốc quan trọng khác là Xitu, nước láng giềng phía nam của Lâm Ấp.  Sử ký Trung Hoa ghi nhận rằng Xitu có mười vương quốc nhỏ hơn là chư hầu lệ thuộc.  Sự kiện rằng có quá nhiều chính thể có thể gửi các sứ bộ độc lập đến triều đình Trung Hoa cho thấy là Lâm Ấp, Xitu hay Phù Nam đều không phải là nước nắm quyền bá chủ trong vùng.

     Tình trạng có vẻ đã thay đổi trong thế kỷ thứ 4 khi Lâm Ấp tấn công nước Tấn, nước hợp tác mậu dịch với nó – một chính sách dẫn đến sự thất trận của chế độ trong năm 420 sau Công Nguyên và một lần nữa vào năm 446 sau Công Nguyên trước các đội quân của Trung Hoa.  Cuộc xâm lăng kể sau đã chứng kiến sự khuất phục hoàn tòan của Lâm Ấp với sự lục soát hai trung tâm chính yếu của nó. 

     Sự xâm lăng của Trung Hoa vào Lâm Ấp trong năm 446 sau Công Nguyên gây ra một sự chuyển dời quyền lực đến khu vực thung lũng sông Thu Bồn tại Quảng Nam.  Sự suy tàn của Lâm Ấp như một trung tâm mậu dịch xẩy ra cùng lúc với một số các biến cố khác, kể cả một sự gia tăng buôn bán giữa Ấn Độ, Tích Lan với Trung Hoa và sự trổi lên của Quảng Châu như một hải cảng trao đổi quan trọng của miền nam Trung Hoa.  Khu vực Thu Bồn chiếm vị trí rất tốt về mặt địa dư như một hải cảng ghé chân nhờ ở bản chất của các luồng gió đổi chiều (Southworth 2004).   Các biên niên sử Trung Hoa vẫn tiếp tục đề cập đến phần đất này của thế giới như là nước Lâm Ấp.

     Mặc dù Thung Lũng sông Thu Bồn trở thành một trung tâm quan trọng vào thời điểm này, chúng ta chỉ biết ít điều về lịch sử của nó.  Trong thời cuối thế kỷ thứ 6 chúng ta nhìn thấy sự đề cập lần đầu đến Champadesha trong một văn bia tại quần thể các ngôi đền ở Mỹ Sơn.  Nhiều phần là chính thể này cũng chính là nưóc Lâm Ấp như được nói đến từ người Trung Hoa, bởi chúng ta có một tài liệu ghi chép hoàng đế nhà Tùy (Sui) có phái các đội quân sang đánh Lâm Ấp và chiếm đoạt hai thành trì, một tòa rất nhiều phần đã tọa lạc tại Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam.

     Thể chế chính trị tập trung tại Thung Lũng sông Thu Bồn đã trở nên nổi bật vào thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, nhưng chúng ta có ít thông tin chi tiết liên quan đến Lâm Ấp vào thời điểm này.  Các cái nhìn thóang qua chúng ta có được thường được phát hiện trong lịch sử Trung Hoa hay các văn bia.  Chúng ta biết rằng Lâm Ấp đã thịnh vượng trong suốt các thế kỷ thứ 7 và thứ 8 sau Công Nguyên nhờ công cuộc mậu dịch với đế quốc nhà Đường, và hàng tá các sứ bộ mậu dịch đã được gửi đến triều đình Trung Hoa trong thời khỏang từ năm 650 đến 750 sau Công Nguyên (Southworth2004).  Sau khoảng giữa thế kỷ thứ 8, sự thịnh vượng của xứ Chàm bắt đầu bị suy giảm bởi các biến cố xảy ra nơi phía bắc xa xôi.  Quân nổi dậy tại miền bắc Trung Hoa đã chiếm giữ các trung tâm kinh tế tại Tràng An (Chángan) và Lạc Dương (Luoyang), chấm dứt trong thực tế công cuộc mậu dịch với miền nam Trung Hoa.  Việc này càng phức tạp hơn bởi sự lục sóat thành phố Quảng Châu vào cùng lúc đó bởi các thủ thủ vùng Ba Tư.  Thời kỳ này đánh dấu việc chấm dứt không sử dụng danh từ Lâm Ấp trong tài liệu Trung Hoa.  Sau giữa thế kỷ thứ 8, danh từ “Hoàn Vương: Huanwang” được dùmg để chỉ chính thể nhiều phần có kinh đô đặt tại Quảng Nam.  Thế chế chính trị Hoàn Vương có vẻ có một tầm mức quan trọng đáng kể bởi chúng ta có bằng chứng rằng quân đội của nó có tấn công Trung Hoa hồi cuối thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên.  Chúng ta có bằng cớ văn bia trong giai đọan từ 774 đến 787 sau Công Nguyên, cho thấy các kẻ xâm lăng đã tấn công vùng bờ biển nam Việt Nam, phá hủy các đền thờ Ấn Độ Giáo tại Phan Rang và Nha Trang.  Các đền thờ này đã được xây dựng lại trong các năm 799 và 784 sau Công Nguyên, lần lượt bởi các vị vua từ vùng Panduranga và Kauthara.  Sự hiện hữu của các vương quốc miền nam khiến ta suy tưởng rằng chính thể của Chàm không phải được thống nhất bởi một vị vua duy nhất.  Dù thế, các vương quốc Chàm, đã trở nên giàu có nhờ mậu dịch quốc tế.

       MÔI TRƯỜNG

     Chàm chiếm cứ vùng đất có thể được mô tả là miền nam và trung Việt Nam, bao gồm các đồng bằng duyên hải, các châu thổ, và dẫy núi Trường Sơn, chạy dọc theo phần lớn nước Việt Nam ngày nay.  Đa số xứ sở bao gồm địa hình núi non rộng cả hàng ngàn thước, thỉnh thỏang bị cắt ngang bởi các ngọn đèo.  Địa dư có tầm quan trọng cho một sự tìm hiểu sự phát triển chính thể Chàm, khi các núi đồi, ở nhiều nơi, vươn ra tới biển.  Điều này, một cách tự nhiên, ngăn trở sự giao thông và buôn bán theo trục bắc nam.  Núi non cũng phục vụ trong việc cô lập Chàm với các láng giềng phía tây.

     Phần phía bắc của Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới, trong khi phía nam đèo Hải Vân, nằm giữa xứ sở, khí hậu thuộc vùng cận nhiệt đới (subtropical).  Các khu vực duyên hải có hai “mùa”.  Mùa hè có nhiệt độ cao, được làm nhẹ bớt bởi các trận mưa theo gió mùa trong tháng Tám và tháng Chín.  Sự việc này được tiếp nối bởi một mùa “đông’, trời thì lạnh và khô.

     Mọi con sông tại Việt Nam chảy theo hướng đông hay tây, đều đổ vào biển Đông Hải (South China Sea) hay hệ thống sông Cửu Long.  Cửa các sông lớn nhất tại Việt Nam chảy qua các vùng duyên hải là vùng cư trú của hàng triệu cư dân và đã bị chiếm ngụ kể từ thời cổ xưa.  Sông Cửu Long cũng đổ ra biển Đông Hải xuyên qua một vùng châu thổ bao la nằm sâu phía nam của Việt Nam.  Mặc dù không lớn như sông Cửu Long, các con sông vùng duyên hải Việt Nam có dư khả năng để hỗ trợ một dân số đông đảo trên phù sa phì nhiêu, lượng nước ngọt cung cấp, và các khu vực giàu ngư sản tại các cửa sông của chúng.

       DÂN CHÚNG

     Người Chàm nói một ngôn ngữ thuộc dòng Nam Á (Austronesian) là việc không cần tranh cãi, nhưng điều chưa được rõ ràng là khi nào các người này đến vùng miền trung Việt Nam.  Có một số dấu hiệu chỉ dẫn rằng sự hiện diện của dân Chàm có thể kéo dài từ quá khứ xa xôi.  Sa Huỳnh là một địa điểm khảo cổ quan trọng tại miền trung Việt Nam.  Các đụn cát nơi đó đã mang lại các chum (vại) mai táng chất chứa một sự tương đồng với các truyền thống chôn cất tại miền tây đảo Bornéo, Srarwak, và Phi Luật Tân (Harrisson 1968; Fox 1970).  Các chum vại tại Sa Hùynh được chôn xuống đất vào khoảng năm 1000 trước Công Nguyên hay sớm hơn thế, và các địa điểm khác xem ra chỉ dẫn rằng truyền thống này còn tiếp tục ở nơi khác cho mãi đến ít nhất 500 năm trước Công Nguyên (Ngo Si Hong 1991).

     Văn hóa vật thể, bao gồm các đồ trang sức đeo tai hình cầu và hình thú vật hai đầu, từ các địa điểm khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh cũng được tìm thấy ở Phi Luật Tân và đảo Sarawak (Hà văn Tấn 1977; Fox 1979; Majid 1982).  Trong khi người dân Sa Huỳnh có thể đã chế tạo ra các sản phẩm này, họ cũng đã tham gia vào một mạng lưới mậu dịch trải dài cho đến tận Ấn Độ, như được minh chứng bởi sự hiện hữu của các xâu chuỗi thủy tinh và đá bán quý.  Các sự khám phá này, có nhật kỳ vào khoảng giữa đến cuối thiên niên kỷ đầu tiên trước Công Nguyên, tượng trưng cho sự mua bán sớm nhất giữa tiểu lục địa [Ấn Độ] với vùng Đông Nam Á (Southworth 2001).  Các địa điểm khai quật văn hóa chiếm cứ cùng khu vực vốn đã từng là quê quán của các chính thể Chàm, và đã có nỗ lực để nối kết hai sự kiện này lại với nhau.  Một vài địa điểm được suy tưởng là “các địa điểm giao diện: interface-sites” dựa trên các nét tương đồng về đồ sứ giữa các cuộc định cư thuộc thời kỳ Chàm và sự chiếm cứ Sa Huỳnh và sự hiện diện của vật thể tác tạo bởi Sa Huỳnh nằm bên dưới các lớp định cư của Chàm (Ngô Sĩ Hồng và Thịnh, 1991; Ngô Sĩ Hồng et al. (và các tác giả khác) 1991).  Mặc dù không có bằng cớ tuyệt đối cho một sự chuyển tiếp, nhiều phần Sa Huỳnh tượng trưng cho một sự nối dài trên lục địa, dòng ngữ tộc Nam Á, và là một tiền thân khả dĩ cho nền văn hóa Chàm (Southworth 2001, 98).  Có thể lập luận rằng các sự định cư tại Sa Hùynh tượng trưng cho sự đặt chân đầu tiên của các kẻ nói tiếng Chàm trên lục địa (Bellwood 1993, 51).  Căn cơ nơi những người này phát sinh vẫn còn là một điều bí ẩn nhưng nhiều phần nguồn gốc của họ có thể được tìm thấy tại vùng hải đảo Đông Nam Á. 

     Nhiều phần là ngôn ngữ Chàm đã được dùng để đối thoại thông thường trong khi ngôn ngữ Sanskrit lại được dùng cho các pháp dụ tôn giáo quan trọng và sự tạo lập các văn bia.  Tác giả Southworth (2002, 224) nêu ý kiến rằng tiếng Chàm, viết theo văn tự phát sinh từ vùng Nam Ấn Độ (*a, xin xem chú thích của người dịch), được dùng cho một loạt mục đích rộng rãi để viết văn kiện chính thức, tôn giáo và văn chương.”

       TÔN GIÁO

      Văn bia tai Đồng Yên Châu [?] từ miền trung Việt Nam chứng thực cho sự hiện hữu của các niềm tin tôn giáo bản xứ nơi người Chàm.  Văn bia này, được viết bằng ngôn ngữ Chàm, có nhật kỳ có lẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 hay đầu thế kỷ thứ 6 (Lombard 1987).  Bằng cớ, cả ở các đền đài kỷ niệm lẫn theo cổ tự học, cho ta thấy Ấn Độ giáo đã là hệ thống tôn giáo thịnh hành.

     Tôn giáo đáng kể nhất tại nước Chàm ban sơ có vẻ là đạo thờ Saivism [? đạo thờ Siva].  Siva được tôn thờ dưới hình thức dương vật (linga).  Vua Chàm, Bhadravarman đã dựng một tượng dương vật tại vương quốc của ông ta vào cuối thế kỷ thứ 4 hay đầu thế kỷ thứ 5 (Bagchi 1930).

     Có thể có một ít nghi ngờ rằng đạo Phật đã đóng giữ một vai trò trọng tâm tại Lâm Ấp / Chàm từ ngay lúc ban sơ.  Sự xâm lăng Lâm Ấp vào năm 605 sau Công Nguyên đã thu lượm chiến lợi phẩm gồm các bài vị bằng vàng và kinh sách Phật giáo viết bằng ngôn ngữ Nam Á (Wang Gungwu 1958, 64).  Phật Giáo Đại Thừa, được mang đến bởi các nhà sư ghé chân tại các hải cảng xứ Chàm trong khi du hành giữa Ấn Độ và Trung Hoa, có vẻ như đã nẩy nở tại Chàm sau thế kỷ thứ 8.  Các ngôi đền ở Đồng Dương là một sự chứng thực cho sự hiện diện của tôn giáo này.

     Quần thể đền thờ Ấn Độ Giáo chính yếu tọa lạc tại Mỹ Sơn.  Những đền này thường dành để thờ Siva.  Các ngôi đền được dựng bởi người Chàm bên ngoài Mỹ Sơn hồi giữa thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên thường mang nặng màu sắc giáo phái thờ Vaishnuite.

—————————-

       TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ

     Bia ký ở Võ Canh khiến ta nghĩ rằng các xã hội tại miền trung Việt Nam hồi thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên theo mẫu hệ (Southworth 2001, 204).  Tác giả Southworth ghi nhận rằng các nhóm nói tiếng Nam Á tại Việt Nam được cấu trúc một cách tương tự, biểu lộ sức mạnh của các tín ngưỡng bản xứ trong một cộng đồng tiếp nhận những nghi thức của văn hóa Ấn Độ.  Đỉnh cao của sự vinh quang của Chàm diễn ra từ thế kỷ thứ 8 khi nó bao gồm khu vực địa dư rộng lớn nhất trong lịch sử của nó.  Chính thể có vẻ đã được phân chia thành năm miền hay lãnh địa, Indrapura, Maravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga (Dharma 2001).

      MÔ THỨC ĐỊNH CƯ

     Có ý kiến cho rằng mỗi thung lũng của giòng sông tượng trưng cho một lãnh địa chính trị riêng biệt (Hall 1992).  Tại cửa mỗi giòng sông, một trung tâm mậu dịch / chợ được dùng như một điểm thông quá các sản phẩm thu gom từ nội địa.  Một chuỗi các ngôi làng dọc theo con sông được liên kết về mặt chính trị với trung tâm mậu dịch / chợ và tác động như các điểm tập kết các hàng hoa được thu gom từ các vùng nội địa.  Tác giả Southworth (2001) ghi nhận rằng mô thức này tương tự như mô thức lý thuyết được đề xướng bởi Bronson (1977) trong đó một chính thể phát triển từ các khu định cư đặt tại các cửa sông.  Sự tương tác thương mại giữa các khu định cư duyên hải kết hợp thành một chính thể, và nó tự mở rộng vào trong nội địa, chính yếu xuyên qua sự giao tiếp thương mại với từng thung lũng giòng sông liên hệ.  Tiền đề này được hậu thuẫn bởi sự kiện rằng mọi sản phẩm chế tác của Sa Huỳnh thời ban sơ đều được tìm thấy tại gần các con sông lớn (Hồ Xuân Tinh 1993, 85).  Một sự hiểu biết về mô thức định cư tại xứ Chàm bị cản trở bởi sự thiếu thốn công trình nghiên cứu được thực hiện.  Trong khi chúng ta hay biết các kích thước một số địa điểm chẳng hạn như Mỹ Son và Đồng Dương, các địa điểm khác vẫn chưa được khám phá hay khảo sát.  Wheatley là một tác giả có nêu ý kiến rằng, trong suốt các thế kỷ ban đầu của thiên niên kỷ vừa qua, các cuộc định cư của ngườii Chàm có lẽ giống như “một ma trận của các tù trưởng hội nhập vào một khuôn mẫu biến đổi liên tục của các lành địa bộ lạc” (Wheatley 1983, 397).  Đa số các địa điểm khảo cổ củ.a Chàm thuộc vào vùng Thung Lũng Sông Thu Bồn tại tỉnh Quảng Nam, miền trung Việt Nam.

     Theo Shuijing Shu (Thủy Kinh Chú), một quyên sử ký được biên soạn bởi tác giả Lý Đạo Nguyên hồi đầu thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên, người Trung Hoa có thực hiện một cuộc xâm lăng vào xứ Lâm Ấp trong năm 446 sau Công Nguyên.  Một trong các thị trấn có tuyến phòng thủ kiên cố được nói đến là Qusu tại biên giới phía bắc của lãnh thổ Lâm Ấp.  Thành phố này được bao quanh bởi một bức tường xây bằng gạch cao chin thước với chu vi dài hơn hai cây số (Pelliot 1904).  Rất có thể là Qusu tọa lạc bên con sông Gianh gần nơi ngày nay gọi là Ba Đồn [?] tại tỉnh Quảng Bình.  Qusu có thể tọa lạc cách khoảng hai trăm cây số theo đường bộ với nơi được đặt theo tên của Lâm Ấp, kinh đô của thể chế chính trị, có lẽ tọa lạc gần nơi mà ngày nay gọi là Huế (Aurousseau 1914, 12; Stein 1947, 27, 71, 76).  Địa điểm Long Thọ, phía nam con sông Hương (gần Huế), rất có thể là địa điểm của kinh đô cổ xưa (Parmentier 1909, 512; Southworth 2001, 274).

     Kinh đô, như được mô tả bởi các nhà chép biên niên sử Trung Hoa, đã được di chuyển sau khi nó bị phá hủy, và trong năm 605 sau Công nguyên, nhiều phần được đặt tại Thung Lũng sông Thu Bồn (Southworth 2001, 275).  Tin tức từ các nguồn tài liệu Trung Hoa thì quan trọng cho sự hiểu biết của chúng ta về mô thức định cư của người Lâm Ấp / Chàm.  Mang nhiều ý nghĩa hơn một sự di chuyển một trung tâm chính trị như các tài liệu Trung Hoa đã ám chỉ, nhiều phần ‘chúng phải được xem không chỉ như một chuỗi nối tiếp “các kinh đô”, mỗi thủ đô thay thế cố đô trước đó, mà đúng hơn như một loạt các trung tâm đô thị tự trị và đồng hiện hữu trong bản chất, mỗi trung tâm dựa trên một hệ thống sông ngòi chiến lược, và mỗi trung tâm cạnh tranh với nhau về lợi thế kinh tế và quyền chủ tể tối thượng về chính trị” (Southworth 2001, 275).

      CÁC QUAN HỆ QUỐC TẾ

     Đế quốc được bao quanh bởi Phù Nam ở phía tây, Việt ở phía bắc, và xa hơn nữa về phia bắc, Trung Hoa.  Chàm, như chúng ta đã biết, triều cống thường lệ, dù miễn cưỡng, cho nước Trung Hoa ngay từ nhật kỳ ban sơ.  Các quan hệ của nó với nước Việt thì căng thẳng, bởi người Chàm đã cố gắng trong vài lần muốn mở mang lãnh thổ của nó về hướng bắc, nhưng rồi để chỉ bị đẩy lui.  Người Khmer nguyên thủy thân thiện với xứ Chàm, nhưng quan hệ này trở nên chua chát sau thế kỷ thứ 9 và hai nước láng giềng trở thành kẻ thù kiên quyết của nhau.  Một nguồn gốc gây phiền nhiễu khác cho người Chàm là người Mã Lai, đến cướp phá các khu định cư người Chàm ở phía nam hồi gần cuối thế kỷ thứ 8.  Dần đà người Mã Lai và người Chàm bắt đầu tham gia vào việc thương mại và bản chất xâm lấn của mối quan hệ mờ nhạt đi (Dharma 2001).

     Mối quan hệ Chàm với đế quốc Trung Hoa thì náo động, nhưng không có mấy nghi ngờ rằng người Chàm đã có các sự tiếp xúc thường lệ với người Trung Hoa, ít ra ở phía nam, từ thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên.  Ảnh hưởng của Trung Hoa tại miền bắc Việt Nam có thể có nhật kỳ xa xưa từ năm 185 trước Công Nguyên khi Âu Lạc (Ou Lou) trở thành một lãnh địa chư hầu của Nam Việt (Quảng Đông ngày nay).  Nam Việt sau cùng bị khuất phục bởi đế quốc nhà Hán, triều đại đã quan tâm xa hơn nữa đến các vùng đất phía nam, thiết lập ba “bộ chỉ huy” tại vùng ngày nay là Việt Nam.  Người Hán tham gia vào công cuộc mậu dịch quốc tế, và các bộ chỉ huy tại Việt Nam có vẻ đã đóng vai trò các trạm trung chuyển trong công cuộc mua bán này.  Nhiều phần một phái bộ mậu dịch của Hoàng Đế [La Mã] Marcus Aurelius đã ghé lại miền trung Việt Nam trên đường đi đến triều đình nhà Hán trong năm 166 sau Công Nguyên (Ishizawa 1995, 12).  Sau khi có sự sụp đổ của triều đại nhà Hán, đế quốc trước đây bị chia làm ba vương quốc – Thục (Shu), Ngụy (Wei) và Ngô (Wu).  Nước sau cùng trong ba nước này đã đảm nhận sự kiểm soát trên các bộ chỉ huy trước đây tại miền bắc Việt Nam (Pelliot 1903b, 251).  Vào khỏang năm 230 sau Công Nguyên, triều đình nhà Ngô đã gửi sứ bộ đến Lâm Ấp, là nước, kế đó, đã phái một sứ bộ sang triều cống.

     Sự may mắn của triều đình nhà Ngô không kéo dài.  Trong năm 263 sau Công Nguyên, tình trạng bế tắc giữa ba nước bị phá vỡ và hai nước Thục và Ngụy kết hợp lại trở thành triều đại nhà Tấn (Jin).  Nhà Ngô còn lại phải đối diện với lực lượng kết hợp của phương bắc.  Các chỉ huy sứ tại vùng cực nam đã nắm lại cơ hội để tháo bỏ ách đô hộ của nhà Ngô.  Các bộ chỉ huy nổi loạn này, Lâm Ấp và Phù Nam, đã phái các sứ bộ đến triều đình nhà Tấn năm 268 sau Công Nguyên (Pelliot 1903b, 252).  Hành vi này trở nên vô ích khi nhà Ngô sau hết đã dành lại được sự kiểm soát trên lãnh thổ của nó, nhưng Lâm Ấp vẫn còn chống cự.  Sử sách Trung Hoa ghi nhận các cuộc đột kích vào lãnh thổ của nó trong thập niên sau năm 271 sau Công Nguyên bởi Fan Xiong, một nhà vua của Lâm Ấp (Xuanling 578-648, 3 và 97; Maspero 1928, 53-55).

     Có vẻ rằng Lâm Ấp và Phù Nam có sự giao hảo trong suốt thời cuối của thế kỷ thứ 3, bởi các nhà chép sử Trung Hoa ghi nhận rằng chúng đã trợ giúp lẫn nhau và cả hai từ chối việc bị sáp nhập bởi đế quốc nhà Tấn (Xuanling 578-648, 57; Pelliot 1903b, 255).  Các sứ bộ của cả Phù Nam và Lâm Ấp được ghi nhận trong số hai mươi mốt sứ đoàn từ các chế độ quanh Đông và Đông Nam Á đươ,c phái đến triều đình nhà Tấn hồi cuối thế kỷ thứ 3 (Xuanling 578-648, 3 và 10; Pelliot 1903b, 252).  Thời kỳ này xem ra cũng là một thời thịnh vượng bởi mậu dịch giữa Phù Nam và Lâm Ấp phát triển.  Từ lúc khởi đầu thế kỷ thứ 4, mối quan hệ kinh tế này bắt đầu suy tàn, có thể do việc các quan thuế biểu nặng nề đã được áp đặt bởi các kẻ cai quản các bộ chỉ huy Trung Hoa, vốn là các kẻ kiểm soát các lộ trình mậu dịch trên đất liền (Wang Gunfwu 1958, 296; Southworth 2001).  Vấn đề càng trở nên rối rắm hơn với sự tan ra của đế quốc nhà Tấn.  Trung Hoa quá suy yếu vào lúc đó đên nỗi, vào khoảng năm 346 sau Công Nguyên, Lâm Ấp cảm thấy có thể xâm lăng các bộ chỉ huy của Trung Hoa tại miền bắc Việt Nam, đòi hỏi rằng biên giới giữa Trung Hoa và Lâm Ấp sẽ được ấn định tại ngọn núi Hoành Sơn (Southworth 2001, 296).  Các sự xâm nhập này đưa đến các cuộc tấn công trả đũa bởi quân đội Trung Hoa, dẫn đến việc các sứ bộ triều cống được phái đi bởi Lâm Ấp đến triều đình nhà Tấn trong các na9m 372, 373-374, và 377 sau Công Nguyên (Jin shu (Tấn thư) 9 và 97; Maspero 1928, 61).

     Hòa bình không kéo dài được bao lâu, bởi Lâm Ấp lần nữa lại tấn công các bộ chỉ huy phía nam vào năm 405 sau Công Nguyên.  Trung Hoa đáp lại bằng việc tấn công các khu định cư ven biển của Lâm Ấp trong năm 407 sau Công Nguyên, và sau khi có sự tấn công hơn nữa bởi Lâm Ấp, Trung Hoa đã quả quyết đập tan hải quân Lâm Ấp vào năm 420 sau Công Nguyên (Southworth 2001, 300).  Chiến thắng hải quân này là một trong các chiến thắng sau cùng đối với các hoàng đế nhà Tấn, bởi triều đình Nam Tống đã được thiết lập trong cùng năm này.  Vị hoàng đế mới đã đón tiếp một sứ bộ Lâm Ấp tại triều đình của ông trong năm sau đó.  Mặc dù Lâm Âp có lệ thuộc và tiếp tục gửi các sứ bộ đến triều đình Trung Hoa trong hai mươi năm sau đó, nó vẫn tiếp tục đánh phá các bộ chỉ huy Trung Hoa ở phía nam (Southworth 2001, 301).  Trung Hoa tiếp tục trừng phạt Lâm Ấp bằng hành vi quân sự.

     Các quan hệ với Phù Nam có vẻ trở nên chua chát trong suốt thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, khi mà Phù Nam yêu cầu sự trợ giúp quân sự từ nhà Qi [?] là kẻ đã thay thế nhà Tống trong việc trị vì Trung Hoa.  Bất kể các sự thoái bộ quân sự trong hồi đầu của thế kỷ và các cuộc tranh chấp với Phù Nam, thế kỷ thứ 5 đã là một thời kỳ thịnh đạt tại miền trung Việt Nam.  Mậu dịch giữa Ấn Độ và Trung Hoa nở rộ, đem các nhà mậu dịch đến các khu vực duyên hải của Việt Nam, đặc biệt đến các khu định cư người Chàm tại Thung Lũng sông Thu Bồn (Southworth 2001, 302).  Sụ cạnh tranh trên công cuộc mậu dịch này đã dẫn đến các sự tranh chấp giữa Phù Nam và Lâm Ấp.

      CÁC ĐỊA ĐIỂM KHẢO CỔ

     Vùng duyên hải Việt Nam được chấm phá bởi các di tích của nền văn minh Chàm.  Các phế tích bằng gạch cho chúng ta một cái nhìn thấu triệt về tầm mức vĩ đại của đế quốc Chàm.  Các cấu trúc xưa nhất có nhật kỳ vào cuối thế kỷ thứ 4, và người Chàm tiếp tục dựng lên các đền đài bằng gạch cho đến thế kỷ thứ 15.

     Vua Bhadravarman I được biết chính yếu từ các văn bia bằng tiếng Sanskrit và các di tích của sự tạo lập một đền thờ tại Mỹ Sơn, dựng lên hồi cuối thế kỷ thứ 4.  Ngôi đền được dành để thờ Siva Bhadreshvara vá có chứa một tượng dương vật.  Bị phá hủy bởi một cơn cháy, nó đã được tái xây dựng hồi đầu thế kỷ thứ 7 bởi vua Sambhuvarman (? – 629 sau Công Nguyên) là kẻ đã xây thêm một ngôi đền thờ Lakshmi tại Mỹ Sơn.  Nhiều ngôi đền khác được bổ sung bởi vua Vikrantavarman I (trị vì khoảng  653 – ? sau Công Nguyên) và II (trị vì ?- 731 sau Công Nguyên) từ giữa thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ thứ 8.  Có vẻ đã có các sự thay đổi chính trị quan trọng diễn ra hồi giữa thế kỷ thứ 8.  Người Trung Hoa ghi nhận rằng một thể chế chính trị miền nam được gọi là Hu Wang có hiện hữu.  Trong một thế kỷ từ 758 đên 859 sau Công Nguyên, miền bắc xứ Chàm đã không được đề cập đến trong các sử biên niên của Trung Hoa (Boisselier 2001).  Quyền lực có vẻ được tập trung chung quanh Nha Trang, nơi đền thờ Po Nagar đã được dựng lên bởi vua Prathivindravarman (trị vì khỏang giữa thế kỷ thứ 8).  Đền thờ này bị phá hủy bởi người Java hồi cuối thế kỷ thứ 8 nhưng được khôi phục bởi vua Satyavarman vào năm 784 sau Công Nguyên.  Người Java đã tấn công một cách mạnh mẽ, không chỉ xứ Chàm, mà còn cả vào Bán Đảo Mã Lai nữa.  Mặc dù các cuộc tấn công quân sự diễn ra ngắn ngủi, người Java đã để lại một tác động lâu dài trên văn hóa Chàm, ảnh hưởng các thể điệu mỹ thuật và có lẽ chịu trách nhiệm cho việc du nhập Phật Giáo Đại Thừa (Boisselier 2001, 35).

     Sau đó, quyền lực chuyển di sâu xuống phía nam, đến Panduranga.  Sau nữa, vua Harivarman (trị vì 802- khoảng 820 sau Công Nguyên) đã tạo lập các đền đài tại Senapati Par và dựng thêm các đền thờ tại Po Nagar.  Vị vua kế tiếp, Vikrantavarman III (trị vì khoảng giữa thế kỷ thứ 9) đã xây thêm nữa các điện thờ tại Po Nagar và các đền đài tại Mông Đức [?] và tại Hòa Lai [?].  Vào cuối thế kỷ thứ 9 Chàm đón nhận Phật Giáo Đại Thừa, dựng lên các ngôi chùa tại Đồng Dương và Ron [?], cũng như xây thêm các đền đài tại Mỹ Sơn.  Kinh đô được thiết lập tại Indrapura (nay là tỉnh Quảng Nam) trong năm 875 sau Công Nguyên.  Trong các năm sau đó, cho đến năm 918 sau Công Nguyên, Mỹ Sơn đã được nâng cao lên bởi các Vua Jaya Simhavarman I (trị vì khoảng 897 – khoảng 904 sau Công Nguyên) và vua Bhadravarman II (trị vì năm 905 – 917 sau Công Nguyên).  Vào thời điểm này, vua Indravarman III năm quyền (trị vì năm 918-959 sau Công Nguyên).  Ông được kế ngôi bởi vua Jaya Indravarman I (trị vì 960-965 sau Công Nguyên), là kẻ đã xây dựng một điện thờ tại Mỹ Sơn và cho chuyển kinh đô Chàm về lại Indrapura.  Kinh đô tái lập được chuyển đến Vijaya bởi nhà vua kế ngôi, Harivarman (trị vì năm 989-999 sau Công Nguyên).  Vua Jaya Parameshvarman I (trị vì năm 1044-106o sau Công Nguyên), người nối ngôi Harivarman, có vẻ như thuộc một giòng tộc khác và đã thành lập một triều đại mới để cai trị xứ Chàm.  Ông tìm cách khuất phục dân chúng tại Panduranga, các kẻ đã nổi dậy và thờ cúng một tượng dương vật tại Po Klaung Garai và phục hồi khu đền Po Nagar.  Triều đại được thành lập bởi vua Jaya Parameshvaravarman có đời sống ngắn ngủi, suy tàn đi sau các cuộc tấn công thất bại vào nước Đại Việt ở phương bắc bởi Vua Rudravarman III (trị vì năm 1062-1074 sau Công Nguyên).  Từ năm 1074 đên 1081, Vua Harivarman IV có dựng đền thờ Simhapura và các đên thờ tại Mỹ Sơn được phục chế.  Người kế nhiệm ông, vua Jaya Indravarman II (trị vì năm 1086-1113 sau Công Nguyên), đã dựng lên các ngôi điện thờ tại Mỹ Sơn y như người kế nhiệm ông mang cùng vương hiệu.  Vua Jaya Harivarman I (1147-1166 sau Công Nguyên) trở về từ một nước bên ngoài để lãnh đạo các cuộc chiến tranh chống lại người Khmer, người Việt và các dân thuộc bộ lạc miền núi trong nội địa.  Ông cũng tạo dựng các điện thờ tại Mỹ Sơn và Po Nagar.  Quân đội Chàm, dưới sự lãnh đạo của vua Jaya Indravarman IV (trị vì năm 1166 – ?), dành được các chiến thắng ngắn ngủi tại Căm Bốt, đánh chiếm vùng Angkor trong năm 1177.  Người Khmer đã trả thù trong năm 1181 bằng việc tái chiếm kinh đô của họ và chiếm đóng xứ Chàm trong gần bốn mươi năm.  Người Chàm đã chỉ dành lại nền độc lập của họ nhân dịp có sự chiếm đóng và giao chiến thường trực của Mông Cổ với dân Việt và dân Khmer.  Các đền thờ được tạo lập trong suốt thời gian này, chẳng hạn như các điện thờ được dựng lên tại Po Klaung Garai và Yang Prong hồi cuối thế kỷ thứ 13.  Chính thể Chàm sau cùng bị sụp đổ vào năm 1471 với sự chiếm giữ kinh đô Vijaya bởi người Việt.

     Niên sử của các dịa điểm khảo cổ của Chàm đã được nghiên cứu từ hồi đầu thế kỷ vừa qua (Parmentier 1918).  Tác giả Stern (1942) chủ trương rằng các văn bia được tìm thấy cùng với các đền thờ rất có thể để nói đến một cấu trúc đã bị phá hủy trước đây đã lâu, và không mang một sự tương đồng nào với những gì còn sót lại.  Thay vào đọ ông đã ấn định nhật kỳ các cấu trúc dưa trên sự tiến hóa của các đặc điểm về thể cách.  Trong khi được sử dụng một cách rộng rãi, vẫn có các thắc mắc về kỹ thuật của Stern, bởi nó giả định một sự hợp nhất văn hóa cho xứ Chàm và không bao gồm các truyền thống đã được địa phương hóa (Southworth 2001).

     Theo tác gỉa Majumdar (1944), các đền thờ Chàm được xây dựng theo kiểu Dravidian, các ngọn tháp đơn giản, nhưng vẫn đẹp, thon nhọn trên đỉnh.  Các tháp tương tự được thấy ở các ngôi đên thờ Siva có nhật kỳ từ thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên tại Tamil Nada.  Majumdar (1944) rút ra các đường nét tương tự giữa thể điệu kéo dài tại Mỹ Sơn với một sô ngôi đền tại Tamil Nadu, xác định các kiểu cách thuộc cùng thời đại.  Trong khi thể điệu thì tương tự, tác giả Majumdar (1944, 151-52) thừa nhận rằng “người Chàm đã không bắt chước một mù quáng các nguyên mẫu Ấn Độ và đã bổ túc các yếu tố mới của chính họ” (tham chiếu Parmentier 1902).

       Mỹ Sơn

     Mỹ Sơn, trong tỉnh Quảng Nam, bao gồm hơn bảy mươi cấu trúc bằng gạch dành để thờ các vị thần Ấn Độ giáo, được phân nhóm từ A đến N bởi các nhà khảo cổ người Pháp (Stern 1942).  Các di tích của các ngôi đền xưa nhất của Chàm được tìm thấy tại đây, trong nhóm E.  Boisselier (2001, 33) phát biểu rằng các ngôi đền thuộc nhóm này phản ảnh một tầm bao quát của các ảnh hưởng đến từ Draravati, Nam Dương, và nam Ấn Độ, cũnh như của Khmer.  Ảnh hưởng vùng kể sau cùng được gán không mấy ngạc nhiên cho các sự liên kết theo ức đóan giữa kẻ cai trị Khmer lúc bấy giờ, Isanavarman I, với nhà lãnh đạo của Chàm (Boisselier 1956; 2001).

     Một trong các văn bia quan trọng nhất được tìm thấy tại Mỹ Sơn nay đã thất lạc.  Bia cao 1.69 mét khắc chữ Sanskrit này tưởng nhớ các công đức của vua Bhadravarman (*người bảo hộ sáng chói”) và có thể được xác định với sự tạo lập ngôi điện thờ Siva Bhadresvara tại Mỹ Sơn (Southworth 2001, 209).  Đối tượng chính yếu của văn bia là Siva, nhưng nó cũng đề cập đến Brahma, Vishnu, và hoàng hậu của Siva, Ulma, và có thể là tài liêu cổ xưa nhất về các vị thần như thế tại Đông Nam Á (Southworth 2001, 215).  Dựa trên cổ tự học, các văn bia có nhật kỳ khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên (Buhler 1866, Tafel VII, X-XI; Sircar 1942, 473, n. 4).  Một trong những khám phá quan trọng nhất tại Mỹ Sơn là một tấm bia (văn bia số C72), được khác cả hai mặt và dành tán dương  vua Bhadravarman.  Bia, cao gần hai mét và dày hơn một mét, đã biến mất.  Bản văn bằng tiếng Sanskrit, ghi nhận sự tạo lập ngôi đền thờ Bhadresvara tại Mỹ Sơn, đáng lưu ý vì nó có thể chứa sự đề cập xưa nhất về Visnu, Brahma, và Ulma trong tất cả các văn bia của Đông Nam Á (Southworth 2001, 209, 215).

      Đồng Dương

     Một văn bia từ năm 875 sau Công Nguyên cho thấy một triều đại mới đã được thành lập tại vùng ngày nay là Quảng Nam.  Nhà sáng lập ra triều đại là vua Indravarman II, và kinh đô, Indrapura, được đặt theo tên của ông.  Triều đại mới đã thiết lập một quần thể các đền đài, dành cho Phật Giáo Đại Thừa, tại Đồng Dương.  Rất tiếc rằng các cấu trúc này đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

      Trà Kiệu

     Một trong những địa điểm khảo cố quan trọng nhất về Chàm là Trà Kiệu, tọa lạc dọc theo một phụ lưu của sông Thu Bồn tại miền trung Việt Nam.  Theo các nhà khảo cổ khảo sát địa điểm, nó có nguồn gốc từ văn hóa Sa Huỳnh nhưng đã phát triển cá tính riêng của nó và trở thành một khu định cư hàng đầu của đế quốc Chàm (Nguyễn Chiêu, Lâm Mỹ Dung và các tác giả khác, 1991, trong Southworth 2001).  Nhiều phần là địa điểm này đã được chiếm cứ lần đầu tiên ở một vài thời điểm nào đó trong thế kỷ thứ nhất hay thứ nhì trước Công Nguyên (Southworth 2001, 93).

     Trà Kiệu đã được cho là kinh đô của Lâm Ấp, là điều có lẽ đúng như thế.  Có một vài sự bất đồng về thời điểm khi mà nó được xác định như thế.  Một quyển sử Trung Hoa, Thủy Kinh chú (Shuijing Shu), biên soạn hồi đầu thế kỷ thứ 6 sau Công guyên, đã xác định một kinh đô ở vùng phụ cận Trà Kiệu và có thể đúng như thế vào lúc quyển sách được viết ra.

      SỰ SUY TÀN

     Hồi khoảng giữa thế kỷ thứ 9 sau Công Nguyên, hoàng đế nhà Đường đã cố gắng ngăn chặn các hàng hóa mậu dịch đổ vào Vân Nam và làm giàu cho vương quốc Nam Chiếu (Nan Zhao), nước đã phản hồi bằng việc tấn công vùng Châu Thổ sông Hồng.  Kết quả là sự gián đoạn mậu dịch giữa miền bắc Việt Nam với quần đảo Nam Dương và với thế giới Ả Rập.  Trung tâm mậu dịch được di chuyển xa hơn lên phía bắc đến Quảng Châu, gây ảnh hưởng bất lợi cho xứ Chàm.  Nhiều phần là đế quốc Chàm đã sinh tồn nhờ mậu dịch và rằng lợi tức từ các hoạt động này thì cần thiết để duy trì mạng lưới phức tạp của các liên minh chính trị giữa các chính thể khác nhau của Chàm (Hall 1985).  Một khi công cuộc mậu dịch bị đe dọa, liên minh chính trị bị tan rã chỉ còn là vấn đề thời gian.  Xứ Chàm, vào lúc đó, được cai trị bởi Vua Indravarman là kẻ đã xây dựng ngôi chùa Phật Giáo tại Đồng Dương vào khoảng năm 875 sau Công Nguyên.  Có vẻ là vương quốc của Indravarman đã trải dài từ các tỉnh ngày nay là Quảng Trị ở phương bắc xuống tới Quảng Ngãi ở phương nam (Schweyer 2000).  Ảnh hưởng Chàm trên miền bắc Việt Nam bắt đầu bị tàn lụi trong sáu mươi năm kế đó với sức mạnh gia tăng của chính thể Đại Việt.  Trong năm 982 sau Công Nguyên, Đai Việt xâm lăng Chàm và sau rốt chiếm cứ phần phía bắc của đế quốc Chàm trong vài thập niên.

     Trong thế kỷ thứ 11, một vương quốc Chàm mới được gọi là Vijaya được thành lập tại phía nam Việt Nam trong tỉnh Bình Định ngày nay. Vijaya tượng trưng cho đỉnh cao của Chàm, một vương quốc chiến thắng trong chiến tranh chống lại Khmer ở phía tây.  Dưới triều vua Shri Jaya Indravarmadeva, Chàm đã đánh bại kẻ thù lâu đời của nó, dân Khmer, chiếm giữ Angkor.  Rất tiếc cho người Chàm là cuộc chiến thắng không kéo dài lâu, và quân Chàm chiếm đóng Căm Bốt bí đánh đuổi ở gần vùng Angkor.  Vua Khmer Jayavarman VII đã càn quét trong cơn chiến thắng, chiếm đóng Vijaya trong năm 1191 sau Công Nguyên.  Tuy nhiên, xứ Chàm đã không biến mất, và đã dành lại sự độc lập của nó khi kháng cự một cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ hồi cuối thế kỷ thứ 13.  Biến cố trọng đại sau cùng của vương quốc Chàm là cuộc xâm lăng của Đại Việt vào năm 1370 sau Công Nguyên; sau đó quyền lực của vương quốc đã tàn tạ đi.

     KẾT LUẬN

     Mối quan hệ giữa Lâm Ấp và Chàm không rõ rệt.  Một số học giả nêu ý kiến rằng Lâm Ấp và Chàm là các danh xưng khác nhau cho cùng một thể chế chính trị (Maspero 1928; Coedès, 1964a).  Các nhà nghiên cứu khác cảm thấy rằng đó là hai thể chế khác biệt nhau về mặt chủng tộc, địa dư và chính trị (Stein 1947) hay thuộc cùng một chủng tộc nhưng được cai quản bởi các dòng tộc riêng biệt và tại những khu vực khác nhau (Wheatley 1983).  Coedès (1964a) tin rằng Lâm Ấp tưọng trưng cho căn cứ địa đầu tiên của các người nói ngôn ngữ Nam Á tại Việt Nam, được thành lập vào năm 192 sau Công Nguyên.  Sự việc có đúng như thế hay không thì không rõ ràng.  Các nhà nghiên cứu khác trình bày rằng Lâm Ấp thực sự hiện diện xa hơn về phương bắc ngoài khu vực có sự tập trung nhiều nhất các văn bia khắc tiếng Chàm (Nam Á) (Stein 1947).  Các văn bia này, có nhật kỳ vào thế kỷ thứ 4, tập trung chung quanh Mỹ Sơn và Trà Kiệu.  Sự thu hút Lâm Ấp bởi người Chàm xảy ra ở một số thời điểm nào đó và được hoàn tất vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7 (Boisselier trong Vickery 1998, 49).  Một sự giải thích khác cho rằng người dân Lâm Ấp nói tiếng Chàm nhưng có thể khác biệt về mặt chính trị với xứ Chàm hay rằng các tầng lớp lãnh đạo của Lâm Ấp là các người nói tiếng Chàm (Wheatley trong Vickery 1998, 49).  Trong khoảng giữa thế kỷ thứ 8 trung tâm chính trị của Chàm xem ra đã được di chuyển từ khu vực Đà Nẵng xuống  Nha Trang (Vickery 1998, 316).

     Chúng ta biết về Chàm từ một nguồn tài liệu Ả Rập, quyển Kitab al-masalik was ‘Imamalik được viết vào khoảng năm 850 sau Công Nguyên.  Tác phẩm văn chương này mô tả con đường mậu dịch từ vịnh Ba Tư (Persian Gulf) đến Trung Hoa, đề cập đến cả Căm Bốt (Qmar) và Chàm (Sanf).  Dựa trên thời gian đi thuyền từ Qmar đến Sanf, có vẻ là các nhà buôn bán Ả Rập đã đặt chân đến hải cảng giờ đây là Nha Trang (Southworth 2001, 36).

     Chàm có lẽ là nguồn tài nguyên của một số lượng lớn lao các lâm sản và có thể còn tham gia cả vào sự mua bán các thành phẩm.  Chúng ta biết được rằng đà có một sự mua bán nhộn nhịp về trầm hương, một loại gỗ thơm phát sinh từ các cây nguyên sinh tại Việt Nam (Yule 1875; Southworth 2001).

     Văn bia xưa nhất bằng ngôn ngữ Chàm có nhật kỳ thế kỷ thứ 4 và xác nhận sự hiện diện của người nói tiếng Chàm phía nam Đà Nẵng vào thời điểm này (Wheatley 1983).  Các văn bia bằng tiếng Sanskrit từ hồi đầu thế kỷ thứ 7 cho thấy một ngôi đền thờ Siva được dâng cúng tại Mỹ Sơn bởi vua Bhadravarman, người cai tri xứ Chàm.  Có ý kiến cho rằng kinh đô của ông đặt tại Trà Kiệu, không xa Mỹ Sơn (Coedès, 1964a).

     Khu vực Quảng Nam là một trung tâm văn hóa Chàm tại Việt Nam, căn cứ trên vị trí của các văn bia và các biên niên sử Trung Hoa.  Wheatley (1983, 395) tin tưởng là chúng ta khá an toàn để lập luận rằng người Chàm ở Quảng Nam đã được gọi bởi người Trung Hoa như là người dân của Lâm Ấp.  Kinh đô trong thủa ban đầu có thể là Vân Xa [?], gần Huế, và về sau, ở Trà Kiệu (vào khoảng 605 sau Công Nguyên).  Tuy nhiên, có một số trục trặc trong lập luận này, theo đó người dân Lâm Ấp đã không được trình bày như chịu ảnh hưởng bởi Ấn Độ, và các danh xưng cùng niên hiệu của các nhà vua được ghi bằng tiếng Trung Hoa không phù hợp với các tài liệu triều đại khắc bia bằng tiếng Sanskrit (Wheatley 1983, 395).

     Theo các tài liệu Trung Hoa về cuối thế kỷ thứ 3, Lâm Ấp là một trong vài vương quốc tọa lạc tại phía nam Trung Hoa.  Có vẻ hòan cảnh vào thời điểm này là tình trạng của các mối tương liên phức tạp giữa nhiều thể chế nhỏ bé.  Các quốc gia nhỏ hơn có thể hoạt động trong một cung cách bán độc lập, có lẽ thuộc vào một liên bang không ràng buộc, đứng đầu bởi quyền lực chính trị trội bật được thừa nhận.  Mỗi quốc gia tham gia nhiều phần vẫn duy trì mạng lưới mậu dịch của chính mình, vươn dài đến vùng nội địa xa xôi nơi mà phần lớn các nguyên liệu mua bán được sản sinh.

     Một số các nhà nghiên cứu (Stein 1947, 71 và 111) cảm thấy rằng Lâm Ấp không có mối quan hệ gì với thể chế đã để lại các tài liệu bằng tiếng Sanskrit và mãi về sau những người dân bị ảnh hưởng Ấn Độ này mới bị chinh phục bởi Lâm Ấp. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, Stein (1947) tin tưởng rằng khu vực Quảng Nam đón nhận kinh đô của một thể chế hùng mạnh mang tên là Amaravati.  Lãnh thổ có thể bao gồm khu vực từ Bình Định (khi đó được gọi là Vijaya) đến Nha Trang xuống đến Phan Rang (xem bản đồ 6.1).  Người Trung Hoa ưa gọi chính thế này là Lâm Ấp, ít nhất cho mãi đến năm 758 sau Công Nguyên.

     Theo tác giả Hoshino (1999, 55-56), Tùy Thư (Sui Shu), được viết hồi giữa thế kỷ thứ 7, đặt Lâm Ấp theo thứ tự địa dư trên Chân Lạp (Chenla), cho thấy nó gần với lãnh thổ của Trung Hoa ở bắc Việt Nam hơn.  Một chính thể khó hiểu khác, Chitu, có thể tọa lạc ở phía nam của Lâm Ấp, cũng được đề cập đến.  Quyên Tùy Thư còn nói rằng Lâm Ấp bị khuất phục vào lúc khởi đầu thế kỷ thứ 7 bởi một đội quân mười nghìn kỵ binh Trung Hoa và các phạm nhân bị truy tố (Sui Shu 82, f. 2 verso, trong Hoshino 1999, 58).  Nhà vua thất trận của Lâm Ấp, Fan Zhi, bỏ chạy và thiết lập một kinh đô mới, vị trí không được hay biết.  Trung Hoa chia Lâm Ấp thành ba quận hạt hành chánh và truy kích Fan Zhi, sau cùng đánh bại ông ta nhưng lại đặt ông là kẻ cai trị dưới quyền kiểm soát của nhà Tùy.  Rất khó để phân biệt rõ nơi mà tất cả các diễn tiến nêu trên đã xảy ra, và vị trí của Lâm Ấp không thể được xác định một cách chắc chắn.

     Southworth (2001, 243) cảm thấy rằng Chàm không phải là một đế quốc to lớn về mặt địa dư mà được trình bày đúng hơn như một chính thể với quyền lực của nó được đặt tiêu điểm tại vùng thung lũng sông Thu Bồn.  Tuy nhiên, các nhà cai trị xứ Chàm, có khả năng tấn công mau lẹ và áp dụng một cách dữ dội khả năng hải quân chuyên nghiệp vô song của họ.  Sức mạnh hải quân này đã giúp họ thiết lập một mạng lưới các hải cảng tuyên thệ trung thành với các vua Chàm./-          

————–

Nguồn: Dougald J.W. O ‘Reilly, Early Civilizations of Southeast Asia, Altamira Press: Lanham, New York, Toronto, Plymouth, U. K., 2007, Chapter 6: Champa, các trang 127-144.

SÁCH THAM KHẢO:

Aurousseau, L. 1914.  Le Royaume de Champa.  BEFEO 14 (9): 8-43.

Bagchi, P. C. 1930. On Some Tantrik Texts Studied in Ancient Kambuja.  The Indian Historical Quarterly VI (1): 97-107.

Bellwood, P. 1993.  Cultural and Biological Differentiation in Peninsular Malaysia: The Last 10,000 Years.  Asian Perspectives 32, no. 2 (Fall 1993), 37-59.

Bergaigne, A. 1888.  L’ Ancien Royaume de Champa, Journal Asiatique 11: 5-105.

Bhattacharya, K. 1961.  Précisions sur la Paléographie de l’Inscription Dite de Vo-Canh.  Artibus Asiae 24: 219-24. 

Boisselier, J. 1956.  Arts du Champa et du Cambodge Préangkorien: La Date de Mĩ Sơn E-1.  Artibus Asiae 19 (3/4): 197-212.

Boisselier, J. 2001.  The Art of Champa.  Trong quyển Cham Art, biên tập bởi E. Guillon, 28-63.  Bangkok, River Books.

Bronson, B. 1977.  Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia.  Trong quyển Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and Ethnography, biên tập bởi K. L. Hutterer, 39-52.  Ann Arbor: Center for South and Southeast Asia Studies, University of Michigan.

Buhler, G. thông dịch, 1888.  Manu-smriti: the Laws of Manu.  Oxford: Oxford

Coèdes, G. 1939.  La Plus Ancienne Inscription en Langue Cham.  Số đặc biệt, New Indian Antiquary I: 46-49.

Coèdes, G. 1940.  The Date of the Sanskrit Inscription of Vo canh (South Annam).  The Indian Historical Quarterly XVI: 484-88.

Coèdes, G. 1964a.  Les États Hindouisés d’Indochine et d’Indonésie.  Paris: E. de Boccard.

Dharma P. 2001.  The History of Champa.  Trong quyển Cham Art, biên tập bởi E. Guillon, 14 – 27.  Bangkok: River Books.

Filliozat, J. 1968.  Les Symbols d’une Stèle Khmère du 7ème Siècle, Arts Asiatiques 17: 111-18.

Finot, L. 1902.  Notes d’Épigraphie I: Deux nouvelles inscriptions de Ghadravarman 1er, roi de Champa, BEFEO 2: 185-91.

Fox, R. B. 1970.  The Tabon Caves: Archaeological Explorations and Excavations on Palawan Island, Philippines.  National Museum of Manila, tập chuyên khảo (monograph) số 1.

Fox, R. B. 1979.  The Phillipines in the First Millennium B. C. Trong quyển Early South-East Asia Essays in Archaeology, History and Historical Geography, biên tập bởi R. Smith and W. Watson, 232-41.  Oxford: Oxford University Press.

Garpardone, É. 1953.  La Plus Ancienne Inscription d’Indochine, Journal Asiatique CCXLI: 477-85.

Glover, I. C. 1989.  Early Trade between India and Southeast Asia: A Link in the Development of a World Trading System.  Occasional Paper No.16.  Hull: The University of Hull Centre for South-East Asian Studies.

Hà Văn Tấn 1977.  Two-headed Animal Earrings and Relations between Song Son and Sa Huynh (bằng tiếng Việt).  Khảo Cổ Học 4: 62-67.

Hà Văn Tấn, 1986b.  Two-Headed Animal Earrings Recently Discovered Outside Vietnam.  New Discoveries in Archaeology: 132-34.

Hall, K. R. 1985.  Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia.  Honolulu: University of Hawaii Press.

Hall, K. R. 1992.  Economic History of Early Southeast Asia.  Trong tập 1, quyển The Cambridge History of Southeast Asia, biên tập bởi N. Tarling, các trang 183-275.  Cambridge: Cambridge University Press.

Harrisson, B. 1968.  Malaya: A Series of Neolithic and Metal Age Burial Grottos at Sekaloh, Niah, Sarawak.  Journal of the Royal Asiatic Society – Malaysian Branch 41 (214 pt. 2): 148-75.

Hồ Xuân Tinh [?], 1993.  The Proto-historic Cẩm Hà Burial Jars in Hội An Quảng Nam – Đà Nẵng, Ancient town of Hội An.  Hanoi; Thế Giới Publishers, 82-85.

Hoshino, T. 1999.  The Kingdom of Red Earth (Chitu Guo) in Cambodia and Vietnam from the Sixth to the Eighth Centuries, Journal of Siam Society (1996) 84 (2); 55-74.

Ishizawa, Y. 1995.  Chinese Chronicles of 1st-5th century A. D.: Funan, Southern Cambodia.  Trong quyển South East Asia and China: Art, Interaction and Commerce; Colloquies on Art and Archaeology in Asia No. 17, biên tập bởi R. Scott và J. Guy, 11-31.  London: University of London.

Jacques, C. 1969.  Notes sur la Stèle de Vo canh, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 55: 117-24

Lombard, D. 1987.  Le Campa Vu du Sud.  Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 76: 311-17.

Majid, Z. 1982.  The West Mouth, Niah, trong phần The Prehistory of Southeast Asia, Sarawak Museum Journal 31.

Majumdar, R. C. 1944.  Kambuja-desa or An Ancient Hindu Colony in Cambodia.  Madras: University of Madras.

Maspero, G. 1928.  Le Royaume du Champa.  Paris and Brussels: Librairie nationale d’art et d’histoire.

Ngô Sĩ Hồng, 1991.  Sa Huynh: An Indigenous Cultural Tradition in Southern Vietnam.  Hội nghị về chủ đề The High Bronze Age of Southeast Asia and South China, Hua Hin, Thailand, bài viết chưa được ấn hành.

Ngô Sĩ Hồng and Trần Quý Thịnh, 1991.  Jar Burials at Hau Xa [?], Hội An District (Quảng Nam – Đà Nẵng Province) and a New Understanding of the Sa Huỳnh Culture.  Khảo Cổ Học 1991 (3): 64-75.

Ngô Sĩ Hồng, Trần Quý Thịnh và các tác giả khác 1991.  Test Dig at the Sa Huỳnh Site at Hau Xa, Hoi An District (Quang Nam – Da Nang Province).  New Discoveries in Archaeology 1990: 99-101.

Nguyen Chieu, Lam My Dung và các tác giả khác, 1991.  Ceramics from Excavation at the Ancient Cham Site of Tra Kieu, 1990 (bằng tiếng Việt).  Khảo Cổ Học 4: 19-30.

Parmentier, H. 1902.  Le Sanctuaire de Po-Nagar à Nha Trang, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient II: 17-54.

Parmentier, H. 1909.  Inventaire Descriptif des Monuments Cams de l’Annam, Tome Premier: Description des Monuments.  Paris: Publications de l’École Francaise d’Extrême-Orient.

Parmentier, H. 1918.  Inventaire Descriptif des Monuments Cams de l’Annam, Tome II: Étude de l’art cam. Paris: Éditions Ernest Leroux (Inventaire archéologique de l’Indochine II; Publications de l’École Francaise d’Extrême-Orient.

Parmentier, H. 1924.  Notes d’Archeologie Indochinoises, I. Relevé des points cams découverts en Annam depuis la publication de l’Inventaire, BEFEO 23: 267-75.

Pelliot, P. 1903b.  Textes Chinois sur Pandurange.  Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 3; 649-54.

Pelliot, P. 1904.  Deux Itinétaires de Chine en Inde: À la fin du VIIe Siècle.  Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 4: 131-413.

Sastri, K. A. N. 1936.  L’origine de l’Alphabet du Champa.  Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient 35: 233-41.

Schweyer, A. V. 2000.  La Dynastie d’Indrapura (Quang Nam Vietnam).  Southeast Asian Archaeology 1998, chủ biên bởi W. Lobo và S. Reimann, 205-18.  Hull: Centre for South-East Asian Studies and Ethnologisches Museum, Staatliche Museen zu Berlin, Stifung Preussischer Kutturbesitz, University of Hull.

Sircar, D. C. 1939.  Date of the Earliest Sanskrit Inscription of Campa.  The Journal of the Greater India Society VI: 53-55.

Southworth, W. 2001. The Origins of Campa in Central Vietnam: A Preliminary Review.  London: School of Oriental and African Studies (SOAS), University of London, 477.

Southworth, W. 2004.  The Coastal States of Champa.  Trong quyển Southeast Asia from Prehistory to History, biên tập bởi Ị Glover and P. Bellwood, các trang 209-33.  London: Routledge Curzon.

Stein, R. 1947. Le Lin-yi; sa localisation, sa contribution à la formation du Champa et ses liens avec la Chine.  Han-hiue 2 (1-3): 1-335.

Stern, P. 1942.  L’Art du Champa (Ancien Annam) et son Évolution.  Toulouse: Les frères Douladoure.

Taylor, K. 1992.  The Early Kingdom.  Trong quyển The Cambridge History of Southeast Asia, biên tập bởi N. tarling, các trang 137-81.  Cambridge: Cambridge University Press.

Vickery, M. 1998.  Society, Economics and Politics in Pre-Angkor Cambodia.  Tokyo: The Centre for East Asian Cultural Studies for Unesco, the Toyo Bunko, Hon komagome.

Vickery, M. 2005.  Champa Revised.  Asia Research Institute, Working Paper Series No. 37, March 2005, www.nus.ari.edu.sg/pub/wps.htm.

Wang Gungwu, 1958.  The Nanhai Trade: A Study of the Early History of Chinese Trade in the South China Sea.  Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society 31 (part 2) 9185): 1-135.

Wheatley, P. 1983.  Nagara and Commandery: Origins of the Southeast Asian Urban Traditions.  University of Chicago, Department of Geography Research Paper Nos. 207-208.

Xuanling, F., biên tập.  578-648. Jin Shu (Book of the Jin Dynasty: Tần Thư).

Yule, H. 1875.  The Book of Ser Marco Polo, the Venetian, Concerning the Kingdoms and Marvels of the East.  London: John Murray.

___________________

 (a*): Về một quan điểm khác, xin xem bài dịch Tiếng Chàm Có Thể Là Nguồn Gốc Của Văn Tự Phi Luật Tân của Geoff Wade,  đã  được dịch và đăng tài trên Gió O.