Hắn và mấy thằng bạn

495

 

       1.Hắn có tên không ?

       Học sinh lớp 12 niên khóa 1973 – 1974 của trường Trung học công lập Hoà Vang được sắp xếp thi Tú tài tại Hội đồng thi Trần Quý Cáp, Thị xã Hội An. Họ trông chờ và hy vọng sẽ có tên mình trong danh sách trúng tuyển được công bố ngay sau khi Nha khảo thí hoàn thành xong việc chấm điểm bằng máy IBM. Một tháng sau kỳ thi, những người đi chợ thường thấy hai thằng Khanh và Hoa ngồi lì ở sạp báo chờ báo Độc Lập trong Sài Gòn để xem kết quả sau cuộc thi tú tài IBM. Dạo này báo ra bán nhanh còn hơn cả tôm tươi nữa vì đang là mùa thi chứ chẳng phải tin chiến trường, chiến sự gì cả.

       Mười hai năm học từ lớp Năm đến lớp Nhất, rồi phải qua kỳ thi sát hạch khổ công để công nhận xong chương trình Tiểu học chứ phải nhẹ nhàng êm ái gì đâu. Kế đấy là lần thi vào Đệ Thất, đám học trò cũng hết biết rong chơi. Rồi từ đó một học sinh sẽ học cho đến lớp Mười hai. Mười hai năm học cộng với vài năm học vỡ lòng tại trường làng để nhận mặt chữ a,b,c… thì kể cũng đã kỳ công. Ấy thế nên nói rằng sau mười bốn năm không cậu học trò nào mà chẳng trông chờ một kỳ thi. Trên tờ báo Độc Lập, thời này ra hằng ngày, cả xóm chỉ mỗi nhà thằng Khương là mua đọc thường ngày. Mấy đứa An, Khanh, Hoa, Dân ấn ngón tay của mình vào cột số ký danh hồi hộp tìm kiếm, nhưng báo chỉ khởi đăng thí sinh theo thứ tự A,B,C,…mà chưa đến vần K. Con An đậu rồi, hắn nhìn An trông đẹp hơn ra chút nữa. Biết là đậu rồi, An cũng chạy theo đám bạn chia sẻ cho vui. Dân cũng rứa! Và rồi hôm sau thì báo đăng tải đến vần K. Vậy là bọn hắn tranh nhau mua báo, lần này không phải xem báo của nhà Minh nữa, hãy cứ ra quầy sách, mua một tờ cho thoả thích. Thằng Hoa nắm tờ báo trên tay cười ha hả: Chả vô nhà thằng Khương làm chi nữa, mình và Khanh đã có báo trên tay rồi. Hồi hộp quá! Khanh trải tờ báo khổ rộng ra ngay trên lề đường gần chợ Cẩm Lệ tròn mắt tìm kiếm tên mình. Hắn hồi hộp và lo lắng. Thằng Hoa cũng thế không hơn! Thằng Khanh nheo đôi mắt cận thị như khu chén nhìn lướt một lượt trên số ký danh, mới đến nhóm 34. Chợt, kế bên thằng Hoa hớn hở reo lên: Đây rồi Khanh ơi, nhóm 35 đây rồi. Hắn đây rồi! Tau có tên rồi bây ơi! Khanh quay sang Hoa, muốn vỡ tung lồng ngực. Đưa ngón tay đè lên hàng số dọc, đúng số ký danh của hắn rồi, 35 – 0108. Hắn mừng rơn trong bụng. Hắn cũng có tên rồi! Trên là ai đó, rớt rồi, đến Hoa, đến hắn, dưới nữa con nào đó vần H như hắn rớt luôn. Hắn chắc miệng: chà rớt sáu, bảy đứa phía dưới bây ơi. Hắn úp tờ báo Độc Lập lên mặt hít một hơi sảng khoái, mùi mực in, mùi giấy đầy hai lá phổi. Hắn ứa nước mắt vui mừng. Rồi hắn nhủ: may mà mấy đứa rớt không phải hắn. Bỗng thằng Hoa níu áo Khanh đi nhanh: Ôi, về thôi Khanh ơi ! Về mà ăn mừng tụi bây ơi!

       Người ta đến Huế rồi bảo rằng Huế có duyên, thanh lịch làm quyến rũ nhiều du khách đến tham quan. Có lẽ ở đấy trước đây mấy trăm năm xưa là nơi triều đại nhà Nguyễn chọn đóng đế đô nên còn để lại nhiều thành quách đền đài là đối tượng thu hút và làm hấp dẫn người xem. Ngoài kiến trúc đền đài còn có cả một cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đã tạo nên vẻ đẹp hài hoà cho Huế. Sông Hương, núi Ngự vốn là phối cảnh của bức tranh sơn thuỷ hữu tình đã tạo nên cho Huế một dấu ấn cuốn hút không quên. Một khách nước ngoài đã đến Huế thăm viếng và viết về Huế: “Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có ý định đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh đến Phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Và chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi trong đó mỗi yếu tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi”.

       Đến Huế, ghé thăm lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn xây đắp trên những đồi cây xanh rợp bóng,  xem ra không dành cho người quá cố mà có thể nghĩ đấy là nơi dành cho những người thưởng lãm Huế đô đến đây vui thú sơn thủy hữu tình. Hồi đó, các vua cứ nghĩ rằng khi băng hà vào núi nằm cho yên tĩnh. Nhưng nay có yên tĩnh được đâu. Hãy cứ nhìn vào các công trình đã thấy sức huy động nhân lực của nhiều người vào đấy. Đến lăng vua Gia Long, vị vua khai mở triều Nguyễn sau những năm bôn ba sống chết tưởng chỉ là gang tấc khi đánh nhau với quân Nguyễn Huệ, có khi chạy dạt ra đến đảo Phú Quốc để rồi nơi này còn kịp đặt tên một cái dinh – Dinh Ông – ngay trên đảo, ngày đêm phơi mình ra với nắng gió mây trời. Nay vị vua lại thích ẩn mình vào núi nên tìm về với núi xây lăng. Ở lăng người ta càng đi, càng thấy mỗi con đường sâu hun hút, các công trình cứ thế mọc cao lên dường như còn biểu lộ một uy quyền. Núi mọc ngang dọc, chứng tỏ vua Gia Long thân thiết với núi rừng biết chừng nào những khi đánh nhau với Tây Sơn.

       Đến lăng Thiệu Trị, người ta có cảm tưởng không có con đường nào là chính mà chỉ là những đường ngang lối dọc, hình như vua Thiệu Trị yêu thơ văn hơn là chính trị, quân sự, nên lối kiến trúc cũng biểu đạt được tư tưởng của ông… Ở Huế, có người nói rằng thành phố này tồn tại và đông đúc nhờ có các trường Đại học. Mùa hè về Huế vắng người chi lạ, có thể vì nóng quá, oi bức quá nên người dân không muốn ra khỏi nhà vào những giờ cao điểm. Rồi nữa, mùa mưa xứ Huế lại triền miên da diết. Ở Huế mưa rả rích, người ta cũng thường quen gọi mưa Huế mà! Mưa có khi cả mấy tháng trời. Một trận mưa kéo dài mấy ngày có khi cả tuần không dứt chứ không phải giỡn. Rồi lạnh, cái lạnh ở Huế cũng se da như cắt.

       Từ bến xe khách An Cựu bước ra đường lớn quốc lộ 1, mấy thằng Khanh đi đầu đến Hoa, Minh và Thơ với vài người bạn nữa, thằng Dân đi sau cùng. Bọn hắn bước lang thang trên đường phố Huế một buổi trưa hè đầy nắng và gió với vẻ tự tin có chút gì kiêu hãnh. Bọn hắn về đâu ? Chợt thằng Dân ngơ ngác hỏi: Này chúng mày, thuê nhà ở đâu mà học đây ? Rồi Dân tự thán: Học không xong, không học cũng không xong. Tiền thì chả mấy đồng, ớn lắm !

       Vừa đến Huế chưa hiểu hết mục tiêu đào tạo của các trường Đại học Huế ra sao nên mấy đứa trong bọn hắn bàn cãi nhau học môn gì, học ra sao… Khanh thấy phân khoa nào cũng hay cả nhưng cũng đều khó học. Hắn nhanh nhẩu theo kiểu tự tin có gì đấy như là sự kiêu hãnh, nộp đơn xin thi vào hai trường, một là Đại học Sư phạm khoa Lịch sử và hai là Đại học Y khoa. Mấy thằng bạn hắn can ngăn: Đồ ngốc, mi thi hai trường, mi tưởng đậu IBM là ngon chắc, thằng Thơ cũng đậu mà đâu dám liều như mi. Mi ôn bài ra răng, một bên là ban A ban B, một bên là ban vừa C vừa A,B bổ trợ nhau chỗ mô hử mi. Rút đơn lại đi ! Không nghe bọn tau, mi rớt là cái chắc. Thằng Dân, thằng Hoa cao giọng khuyên lơn Khanh: Tụi hắn nói mặc kệ hắn. Mi cứ nộp đơn vào thi. Đậu hay rớt là cái số. Đừng nghe tụi hắn dọa. Học đại học là học đại mà!

       Chiếc xe Taxon sơn màu đen bóng nhộn đang nhanh chóng bò lên đèo Hải Vân, vừa qua một khúc quẹo ngặt nghèo, bất chợt người tài xế đạp phanh thắng gấp, mười người ngồi trên xe nhào tới trước. Thì ra một lính dù đội ca lô đỏ đang muốn chận xe lại để kiểm tra giấy thông hành của người đi đường. Thằng Khanh ngồi nay cánh cửa taxon lôi trong xách tay ra nào căn cước, giấy chứng nhận hoãn quân dịch vì lý do học vấn, giấy báo danh đi thi… Một lính dù mũ đỏ nhìn vào Khanh rồi liếc sang Dân hỏi: Cậu này cũng rứa hả ? Dạ ! Còn mấy cậu kia ? Dạ cũng rứa ! Cho chạy!

       Buổi thi vào trường Đại học Y khoa Huế, theo hắn đạt được yêu cầu bài thi, hy vọng sẽ đậu được vào trường Y. Đề thi vừa được giám thị phát ra một tập dày. Cả phòng thi ồ lên một tiếng nhẹ khi tiếp cận đề thi như một tập tài liệu tham khảo. Môn Vạn Vật có đến một trăm hai mươi câu hỏi trắc nghiệm. Nhiều câu chỉ có một bộ phận cơ thể người, thí sinh phải tiếp tục vẽ và ghi chú từng bộ phận.   

       Chưa biết tình thế ứng xử ra sao, trong không gian yên ắng mùi thi cử của Hội trường Đại học sư phạm Huế. Tiếng lật giấy nghe sột soạt. Thí sinh nào cũng khẽ khàng cố không gây tiếng động lớn. Các vị giám thị phát xong đề bài cho cả một hội trường đã mất mấy phút đồng hồ. Trên loa phóng thanh đặt đâu đó nghe phát ra: Đã đến giờ làm bài, các thí sinh tập trung. Thời gian thi 180 phút. Chỉ chừng đó thôi rồi không nói thêm gì nữa. Lật đề thi ra, thằng Khanh giật mình. Thời gian làm bài chắc không dư được, nên câu nào không đánh tréo được hắn bỏ ngay.

       Ngày hôm sau đến thi môn Hóa học, cũng thế, cũng không khí trường thi, căng thẳng đến lịm người. Đề bài cho mười hai bài toán, không ngắn không dài. Khanh bắt đầu làm bài, có bài cân bằng phản ứng cho xong để giải đề đã vượt thời gian. Không dễ chút nào ! Rồi ngày thứ ba thi môn Vật lý. Chao ơi, cũng mười hai bài toán ngắn, đến vừa, không có câu lý thuyết nào cả. Khanh cũng như bao bạn trong phòng thi, chăm mắt làm bài. Chốc chốc có tiếng xì xào hỏi nhau một câu gì đấy. Tiếng khõ bút lốc cốc nhè nhẹ trông ra vẻ dùng dằng của những thí sinh ngậm bút, ôn bài không kỹ. Thi thảng những gùi giấy nhỏ bay qua bay lại, đứa cúi xuống lượm, đứa khèo vào chân. Giám thị nhắc nhở làm bài nghiêm túc. Không khí yên lặng. Lại xì xào. Có tiếng hỏi nhỏ: Hiếu! Cho tau bài số 10. Ê! Khanh, cho tao bài số 8. Con Liên ngồi phía sau con Mai, Nguyệt thọc cây bút chì hiệu Gilbert chữ H vào lưng Mai mấy lần mà Mai không trả lời, cũng không ngoáy lại phía sau. Con Nguyệt vuốt mái tóc một lượt, ra vẻ tự tin, đưa tay xuống dưới bàn nắm vạt áo dài của Mai phía dưới giật giật mấy cái. Mai quay người lại: Gì rứa bà ? Nguyệt che miệng: Cho tau câu số 3! Bà này! Tau bí rồi! …

       Được một tháng, xa mấy thằng bạn, tụi này nhớ nhau nên lại tìm gặp. Thằng Hoa nói: Hai thằng Khanh với Dân xuống đây ở với tụi tau cho vui, tách ra làm chi cho buồn. Nghe có lý, Khanh bảo Dân: Hết tháng mình xuống đây đi. Bọn Hoa, Thư, Minh đồng ý rồi. Cả bọn bây giờ gặp lại. Tiếng ồn có dịp tăng lên. Vui tở mở trên những khuôn mặt non nớt. Ở 1 Big Nguyễn Thị Giang được ít lâu, phân công nấu nướng, đi chợ,…trông như một gia đình đông anh em. Thi xong, thằng Khanh chờ kết quả ngành Y. Thơ không phải thi, đăng ký học ngành Luật. Hoa học ngành khoa học tự nhiên, năm thứ nhất dự bị khoa học, là năm đầu chưa phân ban. Dân học ngành Anh ngữ. Khanh ngoài việc thi ngành Y còn đăng ký học ngành Văn chương tại Trường Đại học Văn khoa như Dân. Minh về Đà Nẵng thi vào Trường Đại học Quảng Đà.

       Trong bữa cơm chiều, Khanh về muộn cùng với Dân. Hai thằng lẽo đẽo bước về phía nhà trọ, không nói với nhau lời nào. Thằng Thơ từ trong nhà nhìn thấy chạy ra hỏi Dân: Hắn có tên không ? Không ! Trời … ! Rớt rồi hả ? Ừ !

        2. Hắn và mấy thằng bạn

       Đêm tháng mười. Một không gian lạnh lẽo trùm lên Huế, căn nhà trọ meo mốc bắt đầu mọc lên chung quanh chân tường, chung quanh bốn góc chiếu. Thằng Khanh đưa tay lau mấy đụn mốc nói nhỏ: Rêu phong là đây chứ còn đâu nữa! Giường nằm cũng dần có mốc mọc lên lấm tấm, từng chùm ẩm ướt. Ngoài trời, mưa nhỏ đều từng giọt rả rích, cả không gian như rũ rượi nao lòng. Mưa xứ Huế thế này thì chắc không tìm đâu được những ngày hè khát vọng cùng hoa phượng đỏ ken dày bên bờ sông Hương dọc đường Lê Lợi nữa rồi. Huế đã vào đông! Thuận Hoá thuở xưa của thời cách nay mấy trăm năm chỉ lờ mờ trong trí nhớ sách vở ít ỏi của bọn Khanh. Hồi ấy chắc không giống như bây giờ đâu, giai thoại về những học trò trong Quảng ra thi nhìn các cô gái Kinh đô – Phú Xuân một thuở – mà ngơ ngẩn “chân đi không đành”. Nay không biết có thế nữa không ? Bây giờ bọn thằng Khanh, Dân, Thư, Hòa đến Huế học hành phải chạy thuê nhà trọ phờ cả mắt, đi ăn cơm bụi mỏi cả chân và điểm C đeo một vòng như sợi dây chuyền mỏi cổ.

       Một đêm giữa mùa đông trời bỗng lạnh hơn, Danh không có áo ấm, đêm không ngủ được mà Khanh cũng có đâu loại áo ấy! Khanh và Dân ở chung một phòng, trùm mền hút thuốc Bastos đỏ, đóm lửa rưng lên trong màn đêm giá lạnh. Một đóm lửa thế cũng chẳng thấm tháp gì với cái lạnh ê răng ở Huế. Chợt như nhớ ra điều gì đấy, thằng Dân quay sang hỏi Khanh: Khanh ngủ rồi à ? – Yên lặng – Ngày mai hay chậm phải ngày kia về nhà một chuyến mang thêm cái gì ra mà giữ ấm, chứ thế này thì lạnh không sao ngủ được. Tau chưa quen với thời tiết ở Huế này. Không ngủ được Khanh ơi, đêm nay chắc là thức trắng rồi đây! Thằng Khanh cựa người ngồi dậy bật đèn lên, ánh sáng từ ống đèn neon quét nhanh cả căn phòng rộng thênh, trông lạnh lẽo thêm ra. Gió ngoài hè đánh mấy tàu lá chuối kêu xào xạc. Tiếng mưa nhỏ giọt đều đều rớt trên mái tole nghe lấm tấm làm sao! Nước chảy xuống nền hiên cứ kéo dài một âm thanh buồn da diết quen thuộc, không muốn dứt. Những ngày cao điểm của mùa đông năm nay như từng tia nhọn cứa vào da sắc ngọt. Trời lại cứ mưa tầm tã. Cả tuần nay người con gái Văn khoa tên Thi không hiểu sao không đến nhà trọ thăm Khanh. Chắc là hắn nhớ! Có lẽ Huế mùa này mưa rũ rượi nên cả hai lười biếng thăm nhau. Nếu như trời chẳng đổ mưa, thì chắc cứ cách đêm Khanh nắm tay Thi dạo bước trên đường Lê Lợi của Huế, tìm vui trong những ngày còn ôm vở đến giảng đường đại học. Thi học Văn khoa cùng ban với Khanh, cô gái trong nội thành, nhà trọ lại khá xa trường nên đến giảng đường có hôm không còn chỗ để ngồi. Những bữa như thế Khanh lại “giành” cho một ghế. Trong lớp Thi ngồi bên Khanh, từ ấy rồi hai đứa hắn quen nhau, rồi yêu nhau hồi nào không biết. Mỗi lần tiễn Thi về, thằng Khanh tự nhủ: Đường vào Thành nội chiều hôm gió bay, anh nắm tay em đi tìm hạnh phúc bình yên trong chùa chiền cung điện các vua xưa một cách say mê là thế nào. Ai biết ! Về sau được thằng bạn Nguyễn Mộng Hùng tiếp sức xây “cầu Ô thước”, tình yêu càng nồng thắm hơn. Hùng vào Huế từ Quảng Trị, cùng học chung một lớp, chung ban. Tóc Hùng dài úp vào cổ. Có buổi học Hùng lẻn ra hành lang giống như Khanh, xuống cầu thang đi dạo phố với Hương – cô bạn cùng lớp – trước khi chuông điện reo lên báo hiệu tan trường.

       Đêm mùa đông lạnh, không ngủ được, thằng Khanh đang đọc lá thư của Thi vừa mới gởi tới chiều nay, kẹp trong cuốn vở. Hôm nay Thi viết thư cho hắn ngắn lắm, chỉ mấy dòng: “Lúc này ở Huế còn lại gì trong em, chắc là Văn khoa nơi em và anh đến học. Huế mưa rả rích mà buồn nữa, sao anh không đến thăm em. Anh lại bất thường như những cơn giông, cũng bất thường cuồn cuộn, ào ào trút xuống rồi chợt thôi. Sao anh không như mưa xứ Huế của em, dài lê thê hàng tháng thế. Anh…Em chờ! Khanh đọc xong thư của Thi, hắn nhắm mắt lại, Dân vẫn chưa lấy lại giấc ngủ được, hình như trăn trở mãi một điều gì đấy. Hình ảnh Thi lại hiện về trong trí nhớ của Khanh. Khanh đã yêu Thi. Hắn yêu thật rồi, một tình yêu vừa bùng cháy trên giảng đường Đại học Văn khoa. Mùa thi lại đến, một mùa thi khó nhọc, nao lòng. Trong bữa cơm, Dân than thở: Tau phải thi lại môn vấn đáp rồi bây ơi! Kiểu này thì úp om mà về cho rồi. Học hành chi nữa chớ, thằng Mỹ tai ác, nó nói đủ giọng đố mà nghe ra cho kịp để trả lời. Biết trước tình thế ni, tau đã không học môn ngoại ngữ này. Nếu mà phải thi lại thì mất công có kể.

       3. Ngủ trên đèo

       Nghỉ xong qua cơn mệt lả người, không thể đạp xe được nữa, phải dắt thôi. Trên đèo ùn lại cơ man nào là xe, xe tranh nhau giành đường nên vượt nhau không thứ tự làm ùn tắt  một cách thảm hại. Có đoạn thằng Khanh phải vác xe băng lên sườn đồi mới đi được. Trời bắt đầu tối, lạnh và gió trên Hải Vân thổi xuống mặt đường đèo nghe hơi dễ chịu nhưng người đông phức tạp. Đèn sáp, đèn dầu được thắp lên le lói dọc đường, một vài chỗ người ta còn nhúm lửa thổi cơm nước gì đấy nữa. Không ai còn bận tâm đến kỷ luật. Ngang trên sườn đèo, Khanh và Dân và nhiều người cùng đi bộ bắt gặp mấy cảnh đời éo le chua chát: đói khát, đánh nhau, cướp giật, hãm hiếp, khóc lóc, la hét,…vang cả  một sườn đèo phía Bắc Hải Vân quan. Không biết đã quá nửa đêm chưa, Khanh và Dân đã đến đỉnh đèo, trông hai thằng thanh niên có vẻ mệt mỏi, bơ phờ do thiếu nước và đang đói. Nằm dài xuống đường thở hồng hộc, sương đêm bay tạt qua người lành lạnh. Đó là mây chứ còn gì nữa nếu đứng từ xa mà nhìn lại. Từng vạt sương mang đầy hơi nước bay qua, chẳng mấy chốc mọi người lại thấy lạnh.

       Đường đổ đèo mù tăm một màu trắng hơi sương. Có ai đó bước ngang qua bụng Khanh, hai tay đưa lên trời vẻ mệt nhọc chán chường. Vẫn nằm dài trên đường nhựa nghỉ chân. Dân tự dưng cười, quay sang chỗ Khanh nằm thều thào trong hơi nước. Nằm chung quanh trên đỉnh đèo còn có mấy anh xích lô đi cùng với hai đứa vào đến đây đã đau điếng người khi quyết định quẳng lại dưới chân đèo chiếc xích lô gắn bó với anh ấy nửa đời. Gạo cơm cũng từ chiếc xe ấy mà ra. Anh chắc miệng: Mình vứt chiếc xe rồi mấy đứa ơi, kéo nhau đi bộ hụt hơi, khổ là mấy đứa nhỏ bước không nổi nữa. Mất xích lô, mai kia vào Đà Nẵng lấy chi kiếm sống được đây! Nói xong anh xích lô rít một hơi thuốc Capstan, lửa trên đầu thuốc hừng lên, phả khói ra tan nhanh vào trong gió. Mây lại quét từng đợt lành lạnh, Khanh lảng sang chuyện khác: Có phải chờ đến sáng không Dân? Dân nhỏm dậy: Không chờ, tiếp tục đi chớ ! Hai đứa ngồi dậy, đang đêm phải thay gôm cho thắng, kiểm tra lại toàn bộ chiếc xe đạp mới yên tâm đổ đèo được. Thế nhưng mây vẫn bay qua đây từng đợt mát rượi và hây hây lạnh, trời vẫn chưa sáng liệu có thể đổ đèo được không. Mọi người vẫn không vội, liệu có thấy đường không. Mấy anh xích lô ngăn lại: Này, chừng hửng sáng hãy hay. Tụi bây đi lúc này nguy hiểm lắm. Đổ đèo mà! Dân dùng dằng. Nhiều người dắt con đi bộ cũng nói rằng không nên đổ đèo khi trời còn tối. Nguy hiểm lắm! Một bà mẹ dắt ba con, nói: Tụi em giỡn hả, xem trên đèo này có bao nhiêu cái khóm thờ ? Lại nằm xuống đường nhựa oi nồng, đóm lửa Bastos của Dân và mấy anh bạn cùng đi cứ lập loè trong sương đậm. Mới chỉ hơn một ngày mà bao nhiêu cánh tượng ở đèo đã diễn ra. Không hiểu giờ này thì Huế ra sao, ai ở ai đi. Chợt Khanh lại nhớ Thi, không rõ Thi đã di tản hay còn ở lại. Từ hôm trở ra Huế đến thời điểm này hắn chưa gặp lại Thi rồi tình hình thế này chắc Thi trông lắm. Nhưng làm sao, khi còn có mặt ở Huế hắn lại không nhớ đến Thi. Có phải vì áp lực phải chạy nhanh khỏi Huế không mà Khanh không tìm gặp được Thi ở Nội thành. Thật tiếc! Dẫu sao vẫn hy vọng Thi đã rời Huế trước đấy hai ngày như Dân đã nói với Khanh mấy bữa nay. Giá như bây giờ có Thi đi cùng thì thật hạnh phúc biết bao. Có lẽ từ hôm nay rồi không còn những bữa đi dạo cùng Thi trên bờ sông Hương trữ tình và lộng gió nữa. Hắn nghĩ lần di tản này cũng là lần di trú của Thi như một loài chim biển ở một nơi xa xôi nào đó. Liệu Thi còn nhớ những chiều Đại học, trên đồi Vọng Cảnh, trên công viên Đồng Khánh và đường vào Thành nội những bữa gió bay. Hai đứa dắt nhau đi tìm hạnh phúc đời người trong cung điện đền đài của các vua xưa. Một thuở yêu nhau đã sang trang, mà điểm cuối cho ngã rẽ trên đỉnh đèo Hải Vân cao ngất trời mây này sao ? Nhớ bâng khuâng hình bóng Thi, hắn úp mặt xuống đường đọc mấy câu thơ của bà Huyện:”Dừng chân đứng lại trời non nước. Một mảnh tình riêng ta với ta”. Dân nằm ngửa, nghiêng qua phía Khanh: Cái chi mà mi đọc “tình riêng ta với ta”. Nhớ Thi hả? Khanh đánh lảng: Ồ không! Nào có gì đâu, nằm trên đèo thú vị đọc thơ của bà Huyện cho vui, chờ sáng mà. Bỗng Dân ngồi bật dậy, có tiếng còi thổi rét rét dưới dốc đèo vọng lên, lại chen theo tiếng người la ơi ới: Sáng rồi bà con ơi, đi hè! Đi Khanh ơi, đi cho mát! Phía bên kia đại dương trời như hừng lên tia nắng nhỏ mờ nhạt. Ừ, thì chắc sáng rồi. Tiếng xao động lại dồn lên. Họ đang chuẩn bị đổ đèo. Có tiếng người phía sau hốt hoảng: Hai thằng kia nguy hiểm quá ! Níu bọn hắn lại. Níu lại ! Chết không người chôn đó ! Đừng liều ! Níu chúng lại đi ! Người dân vùng Nam Ô, Liên Chiểu cứ bảo đèo một, đèo hai gì đấy, mọi người đổ đèo chẳng để ý đến làm gì, hai mắt mở to quan sát trong mây. Kẻ gánh, người cõng, các bà mẹ bế con, nắm tay mà dắt nhau đi dật dờ trong hơi sương lành lạnh.

            4. Quét chợ dọn đường

       Mỗi sáng thằng Khanh nấu cơm gói theo trong xách, kèm một chai nước sôi để nguội, vác chổi lên vai là đi. Sáng nào cũng thế, chiều tối mới về đến Phú Cam. Chủ nhà trọ không thấy quay về ngôi nhà của mình sau ngày lịch sử tháng ba. Ở Huế những ngày công tác xã hội, Khanh mệt ngất người vì phải đi bộ và đường xa. Thằng Dân, thằng Hoa không ra Huế nữa rồi. Chỉ một mình Khanh, lại phải dời nhà trọ đến đường Trương Định gần trường Văn Khoa cho tiện.

Hắn và mất thằng bạn! (VVH, 1974)

       Mùa hè Huế bắt đầu, căn phòng trọ sát nách một cầu tiêu nên mùi hôi xông lên ngột ngạt. Cũng phải chịu chứ sao! Đang dạo trên đường Trần Hưng Đạo lúc chiều vãng sau khi quét đường từ Mang Cá về, Khanh gặp Thơ lang thang tìm chỗ trọ. Hai đứa mừng vui có kể. Rồi thằng Thơ đến trọ với hắn. Phía trên là khu nhà như villa của ông chủ có hai cô bạn Loan và Phượng đang theo học Đại học Sư phạm đang ở trọ. Mỗi tháng mấy đứa hắn nhận của trường một ngàn đồng học bổng và năm kí lô bột mì. Thế là tất cả cho những ngày trở lại Huế thương yêu! Các trường  tổ chức sinh viên thành từng ban như trước đây và làm công tác xã hội, quét dọn các chợ và đường phố Huế.

       Sau những ngày tháng ba, những đống rác to kềnh hôi hám nằm dọc theo các đường phố. Phải nhanh chóng dọn dẹp làm cho mọi sinh hoạt của thành phố trở lại bình thường. Thằng Khanh với Thơ tham gia vào đoàn Văn khoa quét dọn chợ Đông Ba, chợ Cá, An Cựu, các đường phố Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng… Người Huế di tản vào Đà Nẵng nay đã lần lượt quay trở về thành phố thân yêu của họ. Chợ búa lại đông họp. Ban công tác xã hội chỉ định thằng Khanh tham gia vào đội bóng chuyền của phân khoa Đại học Văn khoa, rồi đi tập tại cư xá Nam Giao. Sáng đi, chiều về. Thằng Thơ vẫn còn trong đội vệ sinh đường phố, làm việc suốt ngày cùng với Loan và Phượng. Không khí thật vui và náo nhiệt. Phân khoa Văn khoa đã có đội bóng chuyền, có thể đưa đi thi đấu với các phân khoa Y hoặc Mỹ thuật, hoặc Sư phạm được. Đấu được mấy trận thua thắng tưng bừng. Thằng Khanh đánh bóng tốt lại là tay công của đội được Ban Thể dục thể thao của trường điều chuyển sang huấn luyện cho đội bóng chuyền nữ của trường Trung Học Kiểu Mẫu. Hắn tham gia với đội nữ Kiểu Mẫu được hơn tháng rồi toàn Viện Đại học Huế vào đợt bồi dưỡng hè tại trường Trung học Thiên Hựu.Thằng Thơ thường mất ngủ, nói với Khanh nên dời nơi trọ vì không chịu nổi mùi hôi của toi lét được. Hắn dọa: Ở thế ni có ngày mang bịnh, tiền đâu uống thuốc. Chết đó! Quả là mùi hôi của nhà cầu xông lên không làm sao có thể chịu được cả ngày lẫn đêm như thế. Hai đứa hắn đang tìm nơi ở mới.

       Trong khu villa như biệt thự sang trọng, Phượng về quê thăm nhà chỉ còn mỗi Loan ở lại. Một buổi trưa, Loan sang phòng trọ gặp Khanh: Này Khanh cho Loan nằm đây vài đêm đợi Phượng ra được không? Thằng Khanh trố mắt ngạc nhiên nhìn Loan: Răng lại nằm đây, bọn này muốn dời nhà vì gần cầu tiêu, hôi lắm, không chịu được nữa rồi. Loan không nghe mùi gì đó sao. Với lại, đây chỉ có một cái giường sắt mà hai đứa nằm. Loan nằm vào đâu bây giờ? Con Loan đánh liều: Nằm đâu cũng được. Vài bữa thôi mà ! Rồi con Loan kể cho hai đứa hắn nghe chuyện phải đi ngủ nhờ của Loan: Nơi nhà trọ của Loan rộng lắm, như một villa lận. Nhà trên thoáng mát. Loan nằm trên một bức phản rộng thinh. Nhà lại có thêm một thằng học sinh Trung học, không rõ có phải con cháu chủ nhà hay không Loan không để ý nhưng lại thấy rất thân mật với ông chủ. Rồi Loan ấp úng… Nghe chuyện của con Loan có vẻ hấp dẫn  đây, thằng Khanh cười, giục: Rồi răng nữa kể nghe đi! Tối, thằng ấy lục đục đi tìm chi đó! Loan giật mình thức dậy, hỏi, hắn bảo là đi tìm cây bút rơi trên phản khi chiều. Ôi cha! Loan không tin. Trời đất ! Hình như hắn làm cái chi đó hai đêm nay rồi, Loan ngủ thiếp, có biết đâu. Giờ Loan sợ lắm, nhỡ đêm nay nó nghĩ ra cách nào khác làm sao Loan chịu được. Cho Loan ngủ đây với nghe, đợi Phượng ra, được không?

       Hai đứa hắn nghe cô bạn gái kể xong, rơm rớm nước mắt thấy mà thương, Thằng Khanh đùa: Như vậy thì sướng quá đi chớ, có người đến dỗ cho giấc ngủ ngon hơn lại không chịu, còn đòi! Loan cắt ngang: Đòi chi? Có trời biết cái chi! Thôi mấy cha, có cho ngủ hay không thì nói đi? Mà nằm đâu? Nằm đâu cũng được! Thơ đùa: Ngon há, nằm đâu cũng được thì về phản mà nằm! Loan ngúng nguẩy, rưng rưng nước mắt. Khanh tiếp: Nói rứa đừng hờn, tối xuống đây bọn này che cho. Chừng bén hơi thì ngủ say, có sao đâu! Hích.

                                                                           Huế, 4/1975

 

* Ảnh đại diện: VVH.